watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chuyến Hải Trình Định Mệnh - tác giả Lê Bá Thông Lê Bá Thông

Chuyến Hải Trình Định Mệnh

Tác giả: Lê Bá Thông

Địch ngưng pháo kích khi tia sáng đầu ngày bắt đầu le lói trên hàng cây dừa nước hai bên bờ sông. Tôi liên lạc máy với toán kích đang nằm tại hướng hạ giòng và được biết địch cũng vừa ngưng pháo vào Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè và vẫn chưa thấy địch tấn công bằng đường bộ. Tôi gọi máy cho vị Sĩ quan Chỉ huy Giang đoàn bạn và thông báo cho biết là tôi sẽ trở về Căn cứ để thám sát tình hình và tái phối trí đơn vị. Trời đã bắt đầu sáng hẳn khi đoàn chiến đỉnh cặp bến tàu Căn cứ vào lúc gần 0700 giờ ngày 30 tháng 4. Nhân viên lần lượt đổ bộ lên bờ và được lệnh ra các vọng gác.

Nhìn cảnh điêu tàn của đơn vị, lửa vẫn còn cháy tại những nhà kho, nhà máy đèn tan tành, đổ nát vì bị địch pháo hỏa tiển 122 ly suốt đêm qua, tôi cảm thấy bâng khuâng nhưng vẫn giữ vững niềm tin là đơn vị còn đứng vững để tiếp tục chiến đấu. Tôi lệnh cho Sĩ quan Truyền tin phá hủy những tài liệu không cần thiết và cố gắng gọi máy liên lạc với Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi hy vọng Bộ Tư lệnh Hải quân vẫn còn đứng vững và mong có thể liên lạc được với những Sĩ quan thâm niên hiện diện, đang ở lại tử thủ như cá nhân tôi, để nhận chỉ thị cần thiết.

Sau khi đi duyệt qua tình hình Căn cứ, tôi trở về phòng hành quân và nhận được báo cáo là Sài Gòn đang rối loạn, Bộ Tư lệnh Hải quân không trả lời máy. Tôi phân vân rồi ra lệnh mở kho thực phẩm để phân phối cho các đơn vị bạn và các Giang đoàn đang triệt thối về đây. Những chiến đỉnh thuộc nhiều đơn vị khác nhau như là Liên đoàn Tuần Thám, Phóng Thủy Hỏa, Thủy Bộ, Xung Phong, Trục Lôi... tất cả hơn 100 giang đỉnh không có Đơn vị trưởng đang xin tạm trú tại nơi này.

Khoảng 10 giờ sáng lúc vừa quay về Bộ chỉ huy, bỗng nhiên tôi nghe tiếng chân người chạy rộn rịp, tiếng máy xe Honda và xe Vespa nổ ồn ào. Nhân viên của tôi đang đùng đùng bỏ hàng ngũ, vất lại súng đạn và chạy ra phía cổng chánh. Tôi ra lệnh chận lại để tìm hiểu lý do và được báo cáo là nhân viên mở radio, nghe nói Sài Gòn rối loạn, họ sợ gia đình vợ con thất lạc nên mọi người xin phép được trở về lo cho gia đình.

Thế là hết, không ai còn tinh thần để ở lại chiến đấu nữa, mà họ chiến đấu cho ai ở giờ phút này, trong khi những cấp chỉ huy khác đã đưa vợ con ra ngoại quốc rồi chạy theo ra biển thoát nạn. Tôi thở dài chán nản và cảm thấy niềm uất ức dâng tràn lên trong tim. Chỉ trong khoảng khắc đơn vị đã trở nên một bãi vắng bóng người, chỉ còn lại súng ống bỏ lại đầy trên nền đất lạnh. Tôi ngước mặt nhìn trời, nước mắt tuyệt vọng chảy dài xuống má.


*****
Trời đổ mưa ào xuống khi chiếc tàu đánh cá chạy ngang qua ngã ba sông Nhà Bè, một hướng chảy về Cát Lái, một ngã xuôi ra sông Lòng Tào, Soài Rạp. Người tỵ nạn đứng ngồi trên sàn tàu, chen chúc nhau dưới các tấm ny lông, thân hình co ro với chiếc áo mưa, trong khi gió sông thổi mạnh phía sau lái, làm tăng tốc lực thêm cho con tàu đi biển loại nhỏ. Các quân nhân Lôi hổ, hờm sẵn súng tiểu liên, phóng lựu M79, hướng về mặt sông, nơi thuyền bè của dân di tản đang xuôi ra biển Vũng Tàu.

Trận mưa đám mây không kéo dài lâu lắm, gió mạnh đã bắt đầu dịu xuống và bầu trời trở nên quang đảng, ánh nắng buổi xế trưa lại le lói xuyên qua các vầng mây xám đen, đang bay về phương trời xạ Từ hướng kho xăng Nhà Bè, hàng chục chiến đỉnh Hải quân thuộc các Giang đoàn Xung Phong, Thủy Bộ, Trục Lôi... đang chậm rãi giang hành về hướng Sài gòn. Mọi người trên chiếc tàu đánh cá thắc mắc, không lẽ cấp Chỉ huy của toán chiến đỉnh này không biết gì về việc Tướng Dương văn Minh đầu hàng, Sài Gòn đã thất thủ và Bộ Tư lệnh Hải quân đã bị Việt Cộng vào chiếm rồi hay sao? Lúc bấy giờ đã hơn 12 giờ rưởi trưa, một vài người khoác tay về phía các giang đỉnh đang dẫn đầu, ra hiệu cho các thủy thủ mặc quân phục tác chiến, áo giáp, nón sắt. Dân di tản muốn liên lạc và bảo những chiến hữu này hãy quay tàu chạy ra biển, thay vì tiếp tục về hướng Sài Gòn.

Phía trước mặt bên tả hạm, có vài chiếc tàu cũng lớn xấp xỉ bằng tàu đánh cá này. Các nhân viên trên vài chiến đỉnh loại nhỏ của Liên đoàn Thủy Bộ và Tuần Thám có lẽ như đã nhận hiểu thủ hiệu. Họ quay chiến đỉnh trở lại, và lái tàu chạy theo sau những tàu đánh cá, rồi một vài người trong thủy thủ đoàn cổi áo giáp, đeo các sợi dây thừng, leo lên tàu lớn và bỏ lại chiến đỉnh trôi bập bềnh trên sông. Cũng như nhiều quân nhân Hải quân không có gia đình ở Sài Gòn, những thủy thủ này đã quyết định theo các tàu thuyền di tản, vì thấy mọi người đều bỏ quê hương ra đi.

Tôi ở trên soái đỉnh của Giang đoàn Thủy Bộ và đang cùng đoàn chiến đỉnh gần 50 chiếc, hải hành về trình diện Bộ Tư lệnh Hải quân tại bến Bạch đằng. Cô Y tá thuộc Bệnh viện của Căn cứ báo cáo cho tôi, về việc Tướng Minh đã đầu hàng quân Cộng sản miền Bắc cũng như ông vừa ra lệnh tất cả các đơn vị thuộc Quân lực Việt Nam Cọng Hòa buông súng và ngưng chiến đấu. Tôi sững sờ, không tin những gì đang nghe, rồi nghẹn ngào uất ức và đau buồn dâng tràn trong tim.

Khi chiếc tàu đánh cá chạy ngược chiều với chiếc chiến đỉnh trang bị hải pháo và pháo tháp nặng nề này, Đại tá Ch. là một Sĩ quan Hải quân ngành Cơ khí, người chỉ huy tàu đánh cá, ra lệnh chuẩn bị ngừng tàu lại. Ông ấy vừa nhận ra người bạn Hải quân, một Sĩ quan cấp bậc Trung tá ngành chỉ huy, thuộc Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè, đang đứng trên boong soái đỉnh.

Ông dùng loa nói chuyện và thông báo tình hình cho tôi, Đại tá Ch. cho tôi biết về tình trạng rối ren tại Sài Gòn và chấp thuận cho gia đình tôi quá giang, đồng thời yêu cầu tôi giúp ông ta đưa tàu này ra biển. Vì người tài công có nhiệm vụ lái tàu, phút cuối đã không đến được và cho đến bây giờ trên tàu không có dụng cụ hải hành, bản đồ... và chỉ có một la bàn từ dùng cho việc định hướng lái tàu. Sài Gòn đã mất vào tay Cộng sản và không còn gì để tiếp tục chiến đấu nữa cả. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, như người mất hồn, tôi gọi máy hỏi ý kiến thuyền trưởng các chiến đỉnh và tất cả đều khuyến khích tôi nên cùng gia đình theo tàu đánh cá ra khỏi vùng lửa đạn. Họ đồng ý và hứa với tôi, sẽ tìm phương tiện để đưa gia đình của họ, đang còn kẹt ở Sài Gòn, di tản ra biển tìm Tự dọ Tôi ngậm ngùi chào từ giã các chiến hữu thân mến đã cùng tôi tử thủ và chiến đấu suốt đêm qua, chúc mọi người gặp nhiều may mắn. Sau đó tôi đưa vợ tôi, Minh và bốn đứa con đang còn nhỏ, lên chiếc tàu đánh cá rồi phụ giúp Đại tá Ch. vận chuyển tàu giang hành ngang qua kho xăng Nhà Bè.

Từ xa một cột khói đen bay lên cao từ hướng Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận, suốt đêm bị địch pháo kích phá hủy tan tành và gây nên những đám cháy dữ dội. Tàu ngưng máy một lúc để chúng tôi đón vài nhân viên Hải quân thuộc Căn cứ Yểm trợ này lên. Sau đó mọi người trên tàu đánh cá quyên góp tiền Việt Nam mà họ còn mang theo, nay đã trở thành vô giá trị đối với người di tản, chuyền xuống các chiến đỉnh cho các thủy thủ, hoặc vì lý do này hay lý do khác, quyết định ở lại với gia đình và quê hương. Các người Tàu đưa hết những xấp giấy 1000 đồng cho quân nhân Hải quân với tất cả tấm lòng. Nhân viên giang đỉnh cũng cảm động cám ơn, rồi họ mang ra ba bốn bao gạo, vài thùng mì gói tặng cho người di tản. Họ ngậm ngùi chúc nhau nhiều may mắn và biết đây là lần đầu tiên họ gặp nhau và cũng là lần cuối. Các thuyền trưởng chiến đỉnh đưa cho vị Chỉ huy cũ của mình vài bản đồ khu vực sông Lòng Tào, từ Soài Rạp ra đến Vũng Tàu, loại bản đồ hành quân của đơn vị Bộ binh. Họ còn cho tôi biết là chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín bị Việt Cộng chận bắn trên sông Lòng Tào khoảng nửa giờ trước đây, vào lúc 1 giờ 30 chiều, một số người bị tử thương, trong số đó có nhà văn Chu Tử. Khi nghe được tin này, Đại tá Ch. và tôi quyết định thay đổi giang trình, thay vì dùng sông Lòng Tào chật hẹp dễ bị tấn công bởi quân Cộng sản, tôi sẽ vận chuyển tàu theo lộ trình sông Soài Rạp, mặc dù khó hải hành nhưng vì sông rất rộng nên có thể tránh được nguy hiểm và an toàn hơn.

Trên sông tàu thuyền tấp nập với những tàu chở hàng LCU của Quân vận, ghe đánh cá dân sự, Giang tốc đỉnh PBR thuộc các Liên đoàn Tuần Thám, phăng phăng rẽ dòng nước đục ngầu, đầy bùn phù sa và rong bèo lẫn lục bình, cuồn cuộn trôi ra phía vịnh Vũng Tàu. Gió mát thổi từng cơn từ phía hàng dừa nước hai bên bờ, mặt nước sông như sáng hẳn lên dưới ánh nắng chiều, lóng lánh ngàn vì sao nhỏ phản chiếu từ dòng sông uốn khúc. Vài con chim cò, chim vạc với đôi cánh dài nhẹ lướt qua những lùm cây thấp bên gành, cạnh rừng lau sậy mọc lưa thưa. Thiên nhiên vẫn bình thản như không có gì thay đổi trước mắt dân di tản. Tuy nhiên mọi người đã nhận thức rằng kể từ giờ phút này, họ bắt đầu một cuộc đổi đời mà định mệnh đã làm cho dân miền Nam phải xa lìa quê cha đất tổ và bỏ lại tất cả những gì quý giá nhất của mình vì không muốn sống dưới chế độ độc tài Cộng sản. Những việc gì sẽ đến trong giờ phút sắp tới đều có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người đi tìm ánh sáng Tự do và an toàn cho cá nhân cũng như gia đình họ.

Tàu tiếp tục giang hành với vận tốc chậm vì lòng sông Soài Rạp thay đổi, sâu cạn bất thường, nếu không có kinh nghiệm, tàu sẽ bị mắc cạn, do đó tôi cẩn thận theo sát các chiến đỉnh chạy trước để tránh vùng nước cạn. Thỉnh thoảng tôi ngừng tàu lại, và đón vớt quân nhân đủ mọi cấp thuộc các Quân binh chủng di tản trên các tàu nhỏ, chật hẹp, sắp bị chìm, lên tàu đánh cá này. Từ xa vịnh Vũng Tàu đã thấy xuất hiện về phía tả hạm với ngọn núi nhô lên cao và ngọn hải đăng trắng xóa nằm trên đỉnh.

Trên không thỉnh thoảng vài chiếc trực thăng thuộc Không quân Việt Nam Cọng hòa trực chỉ về hướng đông, có lẽ bay ra Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ. Từ trong Căn Cứ Yểm trợ Tiếp vận Cát Lỡ, các chiến đỉnh Hải quân và Quân vận, chở đầy người tỵ nạn, chen chúc chạy ngang Bãi trước Vũng Tàu, xuôi ra biển. Về phía nam, các chiến đỉnh thuộc đơn vị Hải quân từ Vùng 4 Sông Ngòi nối đuôi nhau đổ ra cửa sông. Một vài chiếc cặp lại bên cạnh các thuyền đánh cá lớn, hay chạy theo các chiến hạm Hải quân để yêu cầu được quá giang, vì chiến đỉnh của họ quá nhỏ, không thể đi xa ra biển khơi. Tàu đánh cá của Đại tá Ch. cũng lại vớt nhiều gia đình Hải quân trong đám chiến đỉnh này.

Vào khoảng 7 giờ tối, tàu tiếp tục chạy về phía đông nam, sau khi tôi dùng chiếc la bàn từ để định hướng và lấy ngọn hải đăng trên đỉnh núi Vũng Tàu làm chuẩn. Dân di tản ngồi chen chúc ngổn ngang trên sàn tàu nhỏ xíu, phía trước và trên boong thượng phía sau lái, mọi người ngồi yên tại chỗ, không thể di chuyển đi đâu được cả. Tổng số người đi tìm Tự do, kể cả người Tàu Chợ Lớn và gia đình, đã lên đến trên dưới 300 người, so với khoảng gần 200 người lúc tàu chạy ngang qua Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè vào lúc hơn 2 giờ chiều ngày hôm nay.

Mặt trời từ từ lặn xuống sau rừng cây đang đổi qua màu đen thẫm về phía tây bắc. Chiếc tàu chở đoàn người tỵ nạn, dật dờ, lắc lư trên những đợt sóng dài giữa biển cả mênh mông, trong một buổi hoàng hôn màu tím nhạt, bắt đầu buông phủ và bao trùm vũ trụ. Từng tia sáng chớp lên rồi tắt ngúm từ ngọn hải đăng Vũng Tàu như cây đèn trời giữa đêm tối, gieo trong lòng người di tản nỗi buồn cô đơn trống vắng. Họ cảm thấy tủi thân cho số phận mình, những người đi đày như dân Do Thái, lênh đênh trên chiếc tàu Exodus đi tìm đất thánh ngày xa xưa. Tương lai và thân phận của người Việt tỵ nạn tựa màn đêm bao quanh họ. Hy vọng được cứu vớt thật là mong manh như tìm nước uống trên sa mạc, tùy thuộc vào sự may mắn và định mệnh đẩy đưa.

Khoảng 10 giờ tối khi tàu cách xa bờ biển Vũng Tàu khoảng chừng 20 hải lý, mọi người đang chập chờn tìm quên qua giấc ngủ sau một ngày tinh thần căng thẳng và mệt mõi, bỗng họ chợt tỉnh dậy vì nghe tiếng xôn xao từ phòng lái. Hình như Đại tá Ch. cho biết có một thương thuyền lớn thắp đèn sáng trưng phía bên tả hạm cách chừng một hải lý. Ông ra lệnh tàu tăng máy và hướng về chiếc thương thuyền đó. Khi đến gần, ông dùng ống loa và kêu gọi vị thuyền trưởng xin được phép tiếp cứu và cho dân tỵ nạn Cộng sản lên tàu.

Đây là một thương thuyền Đại Hàn trên đường về bến tại Hán Thành. Ông thuyền trưởng thương thuyền đặt loa cho biết là ông không thể cho người tỵ nạn Việt Nam lên tàu của ông được vì không có phép của công ty và của chính phủ Đại Hàn. Họ đang trong tình trạng phân vân chưa biết phải đối phó thế nào trước tình hình sụp đổ quá nhanh của miền Nam Việt Nam. Ông thuyền trưởng rất thông cảm và thương hại muốn giúp người Việt Nam đang gặp hoạn nạn. Nhưng vì vấn đề chính trị mà Quốc gia ông phải đối phó, chính phủ Đại Hàn cần thời gian cân nhắc, tìm đường lối chính trị hợp với họ, trước khi đi đến quyết định trợ giúp công dân của Việt Nam, một nước trước đây là đồng minh của Đại Hàn trong cuộc chiến vừa tàn. Sau khi dứt lời, ông ta cầu chúc Thượng đế ban phước lành cho mọi người, và hy vọng những thương thuyền của các nước khác, đã có chỉ thị cho phép nhận người tỵ nạn Việt Nam, sẽ đón những người di tản lên tàu. Thế rồi chiếc thương thuyền mang quốc tịch Đại Hàn đổi hướng đông bắc, trực chỉ về phía đảo Hải Nam, để lại sau lưng, trên biển một con tàu nhỏ chở đầy những người di tản thất vọng, đang ngậm ngùi nhận thức được cái giá tủi nhục đầu tiên phải trả khi bị nhân loại ngoảnh mặt từ chối giúp đỡ.

Bầu trời đầu tháng 5 dương lịch, đầy sao lấp lánh dán trên vòm đen vĩ đại. Vầng trăng nửa vành tỏa tia sáng nhạt xuống vùng biển Đông, không đủ soi đường cho các chiến hạm, tàu đánh cá, ghe Kiên giang, xà lan, thuyền buồm... đang bập bềnh hướng về phía mặt trời mọc và hy vọng được cứu giúp bởi người bạn đồng minh Hoa Kỳ.


*****
Trên bầu trời đầy sao lấp lánh, vầng trăng nửa vành treo lơ lửng về phía tây nam, phía hữu hạm chiếc tàu di tản, đang nhấp nhô đi tìm những Duyên vận hạm (LCU) hoặc tàu đánh cá lớn chạy bằng dầu cặn bỏ lại trên biển, để tiếp tế thêm dầu.

Sau một thời gian khá lâu, tiếng gọi từ phòng lái chuyền xuống cho mọi người biết rằng có thể tàu đã tìm ra LCU của Quân vận hoặc tàu có nhiên liệu. Sau đó tôi từ từ vận chuyển tàu đánh cá cặp vào một chiếc LCU, đang trôi bập bềnh trên sóng. Trên tàu này không một bóng người, không có đèn, tối thui, sàn tàu đầy rẫy va li áo quần, xách tay, dụng cụ, giày dép vương vãi khắp boong chính. Đại tá Ch. chỉ thị tổ chức những thanh niên, nối đuôi thành hàng dài chuyền tay các xô dầu múc từ hầm chiếc Duyên vận hạm đổ xuống hầm chứa dầu của tàu đánh cá. Công tác tiếp tế tập thể diễn tiến tốt đẹp dưới ánh sáng của ngọn đèn rọi từ phòng lái, và tiếng máy rì rầm vang dội trong đêm khuya tỉnh mịch, tại một vùng biển trời mênh mông.

Bỗng nhiên văng vẳng trong gió biển, hình như có tiếng trẻ con khóc từ phía đài chỉ huy của chiếc tàu Quân vận. Mọi người biết mình không nghe lầm, tiếng la khóc lớn dần khi họ leo lên chiếc cầu thang sắt, tay cầm đèn bin rọi tìm kiếm. Thế rồi một thanh niên nhìn thấy bên cạnh chân cột cờ một đứa bé sơ sinh, vào khoảng ba bốn tháng, đang nằm trên chiếc khăn lông, áo ấm, trên đầu đội mũ len màu hồng. Em bé khóc lớn hơn khi anh này bồng lên, cánh tay áo người thanh niên thấm ướt từ từ, thì ra bé khóc vì áo quần ướt sũng nước tiểu, có lẽ vì thế mà bé đã tỉnh dậy trong bóng tối.

Mọi người đoán là khi chiếc LCU này gặp chiến hạm Mỹ hoặc tàu buôn lớn, vì dân di tản chen chúc, dành nhau lo chuyển tàu, xô đẩy leo lên cầu thang dây, do đó cha mẹ đứa nhỏ vô tình hay cố ý quên mất và bỏ lại đứa con của mình. Một nghi vấn mà không ai có thể biết được, cũng như nhiều câu chuyện thương tâm, não lòng khác. Những gia đình bị ly tán trong gang tấc hoặc thất lạc nhau hay chết đuối đã xảy ra một tháng trước đây lúc toàn thể quân dân miền Trung tìm phương tiện di tản, khi Cao nguyên, Huế và Đà nẳng... tan hàng.

Tất cả dân chúng tỵ nạn trên tàu như muốn ùa lại để xem mặt em bé gái, đang được chuyền qua tay cho mọi người ôm hôn. Bé đã nín khóc và ngậm bình sữa từ vợ chồng trẻ người Tàu, chưa có con, họ đã tình nguyện và được sự chấp thuận của Đại tá Ch. cho phép họ nhận em bé làm con nuôi. Họ đặt tên cho em là Hải Nhi, Trần thị Hải Nhi; con của đại dương, với ý muốn ghi lại kỷ niệm về chuyến hải trình vượt biển Nam Hải tìm Tự do vào năm 1975, của hàng ngàn người Việt không muốn sống dưới chế độ Cộng sản.

Công tác lấy dầu từ chiếc Duyên vận hạm lại tiếp tục dưới ánh sáng mờ ảo của vầng bán nguyệt đang ngã về phương tây, hướng đất Mẹ Việt Nam. Những ánh đèn bin lập lòe, trên tay các bóng đen như ma trơi, thấp thoáng im lặng di chuyển, âm thầm với ý nghĩ riêng tư của mỗi người, đang còn bị ám ảnh bởi sự kiện vừa xảy ra trong chuyến di tản. Tình người, tình mẫu tử, tình cha con bắt đầu thay biến trong cuộc đổi đời. Và trong tương lai họ biết sẽ gặp nhiều ngạc nhiên hơn nữa, khi hội nhập vào đời sống người tỵ nạn tại các quốc gia Tự do với nhiều nhu cầu vật chất hơn giá trị tinh thần.

Các người Tàu Chợ Lớn có lẽ cũng mủi lòng trước chuyện bé gái bị cha mẹ bỏ quên khi chuyển tàu, lòng thương người nổi dậy. Họ lấy vải vóc, tơ lụa, đồ ngủ may sẵn, những áo quần mà họ dự trù mang theo qua Tân Gia Ba để xử dụng và mua bán, đem ra phân phát cho thiếu. nữ và các bà vợ dân di tản trên tàu. Những bộ áo quần thêu tay thật đẹp và đắt tiền này là món quà chia nhau giữa những người không quen biết, nay cùng chung cảnh ngộ, dù ngôn từ khác biệt nhưng ánh mắt và cử chỉ đã nói lên lòng ưu ái, nhân hậu của tình người.

Con tàu di tản cô đơn trên biển cả mênh mông, tách rời chiếc Duyên vận hạm đang trôi dạt xa dần về phía vô định, tiếp tục hải trình về hướng đông sau khi lấy thêm những phi nước ngọt chất đầy trên boong thượng. Đã gần năm giờ sáng, từ phía chân trời, ánh sáng bình minh đã bắt đầu nhuộm đám mây hồng, đang lờ lững vắt ngang vũ trụ. Mặt trời hình tròn, đỏ chói hiện lên dần từ dưới vùng nước xanh, ánh sáng tựa dòng sông, lóng lánh như vàng, tỏa rực trên đại dương. Từ xa về phía hữu hạm, bóng dáng con thoi dài một chiến hạm Hoa Kỳ nổi bật lên trên mặt biển êm như hồ. Mọi người la lên mừng rỡ vì tưởng sắp được tàu Mỹ cứu vớt. Dân di tản đứng dậy, tay cầm áo quần, khăn tắm, lấy mũ đang đội trên đầu, ngoắc lia lịa về phía chiến hạm Hoa Kỳ để gây sự chú ý của thủy thủ đoàn trên chiếc tàu này.

Họ thấy từ xa, vây quanh chiếc Khu trục hạm, cũng có nhiều tàu thuyền chở đầy dân tỵ nạn, đang cố gắng xin tàu Mỹ cho lên. Khi tiến về phía Khu trục hạm, mọi người đều ngạc nhiên khi thấy thủy thủ trên tàu dùng súng trường M16 bắn chỉ thiên lên trời như xua đuổi không cho ghe thuyền dân tỵ nạn đến gần. Tất cả đều thất vọng và thắc mắc. Như vậy là thế nào? Họ tự hỏi, có phải người Mỹ từ chối giúp người di tản không? Tương lai và số phận của họ sẽ ra sao? Những tin tức về chiến hạm Đệ thất Hạm đội chờ sẵn để tiếp đón dân miền Nam Việt Nam là tin thất thiệt, không đúng sự thật hay sao? Và niềm lo âu trở thành bất mãn, họ la ó dữ dội để thỏa lòng uất hận. Người Mỹ đểu cáng bỏ rơi nước Việt Nam, tự động gửi quân qua Việt Nam tham chiến, rồi kéo quân về nước, và cắt đứt viện trợ năm 1973 làm cho Quân đội mất hết tiềm năng chiến đấu. Thế rồi Mỹ lại giúp phương tiện cho các cấp chỉ huy hèn nhát bỏ lại chiến hữu thuộc cấp, cao chạy xa bay ra ngoại quốc làm suy sụp tinh thần quyết tử của quân dân nhiều lòng yêu nước. Bây giờ Mỹ lại dùng súng đạn xua đuổi, trở mặt không cứu vớt và giúp đở người di tản Việt Nam, đang bập bềnh trên sóng nước biển đông.

Trời sáng dần, ghe thuyền dân tỵ nạn không biết từ phương nào tới, xuất hiện càng ngày càng nhiều, lũ lượt chạy quanh chiếc Khu trục hạm. Sau một thời gian ngừng máy, có lẽ để báo cáo cho giới chức có thẩm quyền Hải quân Hoa Kỳ, chiếc Destroyer này vận chuyển, tăng hết tốc lực, đổi hướng về phía nam. Và bỏ lại sau lưng hàng chục chiếc tàu chở dân Việt Nam di tản, đang thất vọng, uất ức nhìn theo cột khói đen mờ dần, rồi khuất hẳn cuối chân mây. Chỉ trong phút chốc chỉ còn những ghe thuyền đang chơi vơi trên biển. Dân di tản lần lượt lái ghe thuyền, trực chỉ phía mặt trời mọc, tiếp tục hải trình và nuôi hy vọng sẽ gặp may mắn hơn.

Mặt trời lên cao, làn gió nhẹ từ hướng đông nam không đủ xoa dịu cơn nóng oi bức của buổi trưa đầu hè trên biển. Từ xa về hướng đất liền, mọi người chợt thấy một chiến đỉnh nhỏ của Hải quân, treo cờ vàng ba sọc đỏ đang phăng phăng tiếng về hướng chiếc tàu đánh cá. Tôi nhận ra đây là loại Duyên tốc đỉnh (PCF), có lẽ thuộc Hải đội 3 Duyên phòng tại Vũng Tàu. Quả đúng như vậy, vị Thuyền trưởng, một Trung úy trẻ tuổi và ba nhân viên cặp vào tàu đánh cá và xin Đại tá Ch. cho phép quá giang vì chiến đỉnh nhỏ không thể đi xa ra khơi được. Trung úy Thuyền trưởng cho biết chiến đỉnh còn dầy dầu, trên dưới 3000 gallons, vì thế Đại tá Ch. quyết định cho dòng chiếc tàu này theo, để có đầy đủ dầu xữ dụng, đề phòng trường hợp phải hải hành qua Phi Luật Tân.

Vào khoảng ba giờ chiều, tàu đang chạy ngon trớn bỗng nhiên vận tốc giảm dần, rồi tiếng máy tàu nổ vài tiếng nhỏ và ngưng hẳn, mọi người tiên đoán hình như máy tàu bị trục trặc. Các Sĩ quan cơ khí quá giang báo cáo cho Đại tá Ch. là có nước hòa lẫn trong dầu. Có lẽ tối hôm qua, khi lấy dầu của chiếc LCU Quân vận, vì đêm tối nên không ai biết dầu Diesel này có nước trong đó.

Không gian chung quanh chiếc tàu quá im lặng vì không có tiếng máy tàu. Thỉnh thoảng vài cơn gió mạnh thổi ngang qua, gây nên tiếng kêu phần phật từ các tấm vải giăng tạm, làm lều che nắng cho người đi tìm Tự dọ Chiếc tàu đánh cá đầy ắp dân di tản, dật dờ, bồng bềnh trôi với thủy triều trên mặt biển êm ả. Tiếng người thì thầm nhỏ to, bàn tán với nhau về việc máy tàu bị hư, và lo âu vì đêm qua thương thuyền Đại Hàn từ chối cứu vớt và sáng hôm nay, Khu trục hạm Mỹ dùng súng bắn đuổi đi. Cho đến bây giờ vẫn không thấy bóng dáng chiến hạm Mỹ khác, như lời đồn đãi của dân chúng Sài Gòn trước ngày 30 tháng 4.

Khoảng hơn hai giờ sau, các Sĩ quan Cơ khí đã sửa chữa xong hai máy chánh và mọi người thở ra nhẹ nhõm khi nghe tiếng nổ của máy tàu. Sau khi xác định vị trí trên hải đồ, chiếc tàu đánh cá với chiến đỉnh của Hải đội Duyên phòng, được kéo phía sau lái, chạy trở lại hướng đông bắc, vào thủy lộ của đoàn tàu đi tìm kiếm các chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.

Tôi lấy ống nhòm và quan sát bốn phía với hy vọng tìm thấy một đối vật gì trên mặt biển đang ngả sang màu xanh đậm, khi mặt trời bắt đầu thấp xuống dần về hướng tây. Tôi nhìn phía tả hạm, không thấy gì khác ngoài những đợt sóng dài và trời biển như dính liền thành một bức họa màu xanh. Tôi quay về phía hữu hạm, hơi chếch trước mũi tàu và chợt ngừng lại, điều khiển ống nhòm để nhìn thấy rõ hơn. Xa xa, bay lên từ chân trời xanh đậm, một đợt khói đen mờ ảo, thấp thoáng như làn mây mỏng. Quan sát viên ngoài phòng lái đã báo cáo cho Đại tá Ch. về cuộn khói này và ông ta cũng đang chăm chú đặt ống nhòm quan sát về hướng đó. Có lẽ đây là khói bay lên từ một chiến hạm lớn của Hoa Kỳ, đang chạy cùng chiều với chiếc tàu đánh cá.

Với vận tốc quá chậm so với chiến hạm Mỹ, tàu sẽ không bao giờ bắt kịp và cơ hội được cứu vớt sẽ không thực hiện được. Vì thế Đại tá Ch. quyết định yêu cầu Thuyền trưởng Duyên tốc đỉnh và ba nhân viên tháp tùng một Thiếu tá Hải quân thông thạo tiếng Anh, dùng chiến đỉnh chạy nhanh để bắt kịp chiến hạm Hoa Kỳ, và xin giúp đở dân di tản trên tàu đánh cá này. Sau khi dùng lốp xe hơi bọc kín các súng đại liên, cũng như bao kín khẩu súng 81 ly, để tàu Mỹ khỏi nghi ngờ và hiểu lầm bị tàu Việt Cộng tấn công, chiến đỉnh tăng tốc độ tối đa tiến về hướng chiến hạm Hoa Kỳ.

Tất cả mọi người nín thở nhìn theo chiến đỉnh và cũng là niềm hy vọng của họ, đang nhỏ dần trên sóng nước mênh môngỳ. Tàu tăng thêm tốc độ để cố gắng đuổi theo chiến hạm Mỹ, thân tàu rung chuyển thật mạnh dưới sức đẩy của hai máy chánh, khói đen nhả lên bầu trời như dấu hiệu cầu cứu của người thất lạc trên biển khơi. Vào khoảng một giờ sau, chiếc tàu đánh cá đã bắt kịp chiến hạm Hoa Kỳ, đang ngừng lại trên biển chờ đợi. Cặp bên cạnh hông chiến hạm Mỹ là chiếc Duyên tốc đỉnh, vừa làm xong nhiệm vụ cứu mạng sống của hơn 300 người tỵ nạn. Đây là loại tàu chở dầu (Oiler) cở lớn dùng để tiếp tế ngoài khơi cho các chiến hạm Hoa Kỳ, Hạm trưởng là một Sĩ quan Hải quân cấp bậc Đại tá.

Tôi thông báo cho Trung tá Hạm phó chiến hạm biết là hầu hết trong số gần 300 người di tản trên chiếc tàu đánh cá này, là quân nhân Hải quân và gia đình, rồi tôi xin phép Hạm trưởng chấp thuận giúp đở và cho phép mọi người lên tàu dầu. Lời thỉnh cầu thiết tha của tôi không được chấp thuận vì lý do an toàn của chiến hạm, chiếc Nhiên liệu hạm này không thể chở người trên tàu. Tuy nhiên vị Hạm trưởng đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Đệ thất Hạm đội và được chấp thuận dòng chiếc tàu của dân tỵ nạn ra địa điểm tập trung ngoài khơi của Hạm đội.

Toàn thể dân di tản đang lo âu vì không được giúp đở, reo hò mừng rỡ khi nghe Đại tá Ch. loan báo tin vui. Thế là thoát nạn và sống sót rồi. Mọi người sung sướng, họ Ôm nhau, nước mắt chảy dài trên những gò má sạm nắng của các bà mẹ già, thiếu nữ, đàn ông lớn bé nhảy nhót vui mừng, vì biết rằng chuyến hải trình tìm Tự do sắp sửa đến bờ. Thượng đế đã che chở và giúp người dân Việt tìm về đất mới vì họ không muốn sống dưới chế độ độc tài Cộng sản.

Màn đêm bắt đầu buông phủ vùng biển đông, gió mát thổi từng cơn làm mọi người cảm thấy phơi phới. Tiếng nói cười ròn rã như mừng hội lớn khi họ đón nhận những dĩa cơm trắng còn nóng hổi, rau giá xào trứng và thịt nạc heo ngon lành do các đầu bếp Mỹ nấu, được chuyền xuống bởi các người thủy thủ trẻ tuổi, từ sau lái chiếc Nhiên liệu hạm. Sau đó dân di tản còn được cung cấp sữa tươi, chuối, cam và táo... Thôi thì đủ thứ thực phẩm, mọi người cảm thấy thích thú, nhai ngấu nghiến, ngon lành vì họ chỉ ăn mì gói gần hai ngày nay.

Một ý nghĩ làm cho tôi thắc mắc về sự chuẩn bị quá chu đáo của người Mỹ. Không hiểu đây có phải là một kế hoạch đã được dàn xếp và chuẩn bị từ lâu chăng. Làm sao mà Hải quân Hoa Kỳỳ có thể biết người Việt sẽ di tản ra khỏi miền Nam Việt Nam, để có thể có một chương trình tiếp cứu quá quy mô như thế này. Đó là chưa kể thức ăn thuần túy của người Việt Nam như cơm trắng, giá xào trứng và thịt heo, sẵn sàng nuôi người tỵ nạn trên biển? Nhưng rồi tôi gạt ý tưởng này qua một bên và tiếp tục ăn dĩa cơm trắng với giá xào, bên cạnh gia đình, vợ con mà tôi không gặp mặt nhiều trong chuyến hải trình tìm Tự do này, vì mãi lo phụ trách việc lái và đưa chiếc tàu đánh cá đến bến an toàn.

Chiếc tàu chở dân di tản được dòng suốt đêm với tốc độ thật chậm đến vùng tập trung của chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội. Và rồi vào khoảng ba giờ sáng, mọi người nhìn thấy từ xa một vùng trời rực sáng, hào quang tràn ngập một góc trời như ánh đèn của một thành phố nổi. Khi tàu tiến đến gần, mọi người ngạc nhiên và bàng hoàng khi nhìn thấy hàng chục chiến hạm Mỹ đủ loại đang bềnh bồng trong một vùng biển thật rộng lớn, đèn pha rọi sáng trưng, tiếng loa phóng thanh vang dội hòa lẫn với tiếng máy tàu. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt như chợ phiên, gồm hàng trăm tàu bè, ghe thuyền lớn nhỏ, xà lan chở đầy dân di tản Việt Nam, đang chuyển người qua các tàu loại đổ bộ như Dương vận hạm hoặc Tiếp tế hạm hay Tuần dương hạm...

Công cuộc cứu vớt dân chúng miền nam Việt Nam thật vĩ đại và quy mô chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử nhân loại với hàng trăm chiến hạm Hoa kỳ trợ giúp hàng trăm ngàn dân di tản trong ba ngày đầu kể từ lúc Sài Gòn thất thủ.

Sáng sớm ngày mồng 2 tháng 5 năm 1975, tôi cùng gia đình theo sau đoàn người trên dưới 300 đã quá giang trên chiếc tàu đánh cá nhỏ, lần lượt leo qua boong tàu, bước lên chiếc cửa "ramp" phía sau lái của chiếc tàu Dương vận hạm mang tên Barbour Countỵ Mọi người phải để tất cả hành trang tại chỗ được ấn định, để nhân viên an ninh và thủy thủ đoàn kiểm soát. Tôi để chiếc va li nhỏ đựng áo quần của các con mà vợ tôi mang theo được khi rời Căn cứ Yểm trợỳ, xuống sàn tàu được giăng dây chung quanh, rồi đưa gia đình đi vòng qua phía người lính gác, đứng lại đưa hai tay lên trời, để những thủy thủ này dùng chiếc máy dò tìm kim loại khám xét. Trước khi lên tàu Mỹ, những quân nhân Lôi hổ, được thuê để bảo vệ tàu đánh cá, đều phải liệng các vũ khí cá nhân của họ xuống biển. Thuốc lá, aspirin, dầu xanh, dầu cù là, thuốc chữa bệnh cũng bị thủy thủ đoàn vất xuống biển.

Sau hơn ba ngày lênh đênh, hải hành trên biển, vào buổi sáng sớm ngày 6 tháng 5, chiếc Barbour County đã vào hải phận của Phi Luật Tân. Từ xa rặng núi xanh tại thành phố Baguio City nổi tiếng, đã hiện dần trong sương mù trên mặt biển màu xanh dương. Tàu đổi hướng vào vịnh Subic Bay và thả neo khoảng xế trưa. Đại tá Hạm trưởng Dương vận hạm Barbour County thông báo trên máy phóng thanh là các chiến đỉnh nhỏ sẽ lần lượt chuyên chở người tỵ nạn vào bờ. Đồng thời ông cầu nguyện ơn trên ban phước lành và chúc mọi người gặp được nhiều may mắn trong hành trình còn lại đến đời sống mới.

Tôi yên lặng đứng trên sàn tàu nóng bỏng của chiếc tiểu đỉnh, nhìn lá cờ Mỹ đang bay phất phới trên kỳ đài của Căn cứ Hoa Kỳ tại Subic Bay, mà lòng cảm thấy thổn thức, ngậm ngùi. Tôi bâng khuâng nghĩ đến một Đại cường quốc, vì lý do chính trị nội bộ, vì quyền lợi đất nước của họ, đã bỏ rơi cuộc chiến đấu của một Quốc gia nhược tiểu. Trong hơn hai thập niên qua, miền Nam Việt Nam đã hy sinh tính mạng hàng trăm ngàn thanh niên vô tội cho Thế giới Tự do, trong cuộc chiến tranh ý thức hệ; ngăn chặn mưu đồ và hiểm họa nhuộm đỏ Đông Nam Á của đảng Cộng sản Quốc tế Việt Nga Tàu.

Gió mát đại dương không làm giảm bớt cơn nóng miền nhiệt đới và thoa dịu nỗi lòng buồn tủi của dân Việt Nam tỵ nạn Cộng sản. Một cuộc đổi đời phiêu lưu vô định sắp sửa bắt đầu và tiếp tục nối dài chuyến hải trình định mệnh, đang chờ đón người di tản, mất quê hương, nơi phương trời xa lạ.





Tiểu bang Virginia, 25 năm sau ngày di tản đau thương



Lê Bá Thông

Các tác phẩm khác của Lê Bá Thông

Ba Người bạn, một cuộc chiến