watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tượng Balzac - tác giả Lê Đạt Lê Đạt

Tượng Balzac

Tác giả: Lê Đạt

Tượng khổng lồ, mộ giấy đá vô danh

C ó phải đời sống con người quá vất vả, cực nhọc dày vò, nên ai cũng hy vọng, cũng đinh ninh rằng khi chết mình sẽ được yên nghỉ.
Balzac là một trong số những người đó.
Ông đã phải làm "mọi" cho đám nhà văn thị trường sản xuất đủ các thứ truyện bá láp mà giới văn học thường gọi chung là "tiểu thuyết của người gác cổng" để sinh nhai.
Thiên hạ nghĩ rằng chỉ có làm cu ly ba tê mới cực nhọc.
Viết văn cũng cực nhọc, cũng phu phen chẳng kém gì. Đi khuân vác về, mệt, có thể làm một tợp rượu rồi lăn ra ngủ giấc ngủ của "kẻ công chính," chuẩn bị sức cho ngày hôm sau. Người viết văn không được cái yên ổn ấy... thường sống những đêm ân hận, dằn vặt,... Mình đã bôi bẩn những trang giấy thật trong trắng kia để làm gì? Sao mình lại mài mòn bộ óc, tiêu xài hoang phí những giấc mộng đẹp tuổi trẻ để viết những trang sách mà ngày mai, ngày kia... người ta sẽ vứt vào sọt rác...
Để đổi lấy những đồng nhuận bút chết đói!l
Ôi! Cái nghề văn...
Không ai tính được những đêm thấp thỏm của Balzac, những giấc ngủ hoảng loạn, chập chờn đầy ác mộng, như giấc ngủ một kẻ bất lương.
Ngay cả khi đã nổi tiếng... và trở thành một trong những nhà văn hàng đầu của thế kỷ XIX... cuộc sống của ông cũng chẳng nhàn nhã vui thú gì. Chưa viết xong một tiểu thuyết đã phải lập tức nghĩ đến cốt một tiểu thuyết khác.
Balzac suốt đời khao khát một chút điều kiện để có thể viết một tác phẩm văn học "như mình thích." Ôi! ước gì mình có 50O,OOO quan... mình sẽ để thời giờ chuốt lại từng câu văn, đẽo gọt từng chi tiết... sửa đi sửa lại cho đến khi không còn sửa được nữa... một kiệt tác, cỡ một bức tượng của Michel Ange... nó sừng sững tồn tại với thời gian và cạnh tranh với quyền lực vô biên của
tạo hóa.
Balzac không phải không kiếm được nhiều tiền... Nhưng ông tiêu còn nhiều hơn... tiền cho mình... tiền cho bạn... cho cả đám người không quen biết thường cộng sinh trên lưng những người lương thiện. Và Balzac lại kéo cày, lại phải viết vội... viết như bổ củi, để đến lúc sửa morát lại dập xóa, lại thêm bớt, làm tình làm tội đám thợ sắp chữ...
Và giữa tuần trăng mật với người yêu, thành hôn sau hàng chục năm trời xa cách thương nhớ... một nữ bá tước đẹp, trẻ và nhiều tiền ở một nước Nga huyền thoại đầy tuyết trắng, thì Chúa lại bắt ông đì.
Với hàng tấn trang viết lặc lè thồ trên lưng, làm sao
người ta có thể sống lâu được...
Viết... viết... buồn ngủ lại nốc cà phê... lại đắp nước lạnh vào mặt... để lại viết. Balzac thở dài mệt mỏi.
"Tôi chết vì ba vạn tách cà phê..."
Cái chết của Balzac thật rôm rả. Tang lễ đồ sộ. Có cả vòng hoa của Hoàng Đế Napoléon III lúc đó còn làm tổng thống nước Cộng Hòa. Ngay những kẻ thù của ông cũng viết những lời ai điếu có thể là thành thật. Người chết rồi còn nguy hiểm cho ai nữa. Cả những nhà phê bình bẩn bụng nhất cũng bỏ phiếu suy tôn Balzac làm nhà đại văn hào đầu bảng của thế kỷ XIX.
Xã hội có thói quen xử đẹp với người đã chết. Đó là một mỹ tục cần duy trì. Nhưng bao giờ thì xã hội tập được thói quen xử đẹp với người còn sống nó là một đòi hỏi còn cấp thiết hơn và đạo lý hơn. Xóa hộ nhau cái vết chàm mà mấy câu thơ xưa đã in sâu lên mặt nền văn minh vốn mỏng manh của nhân loại.
Sống thì chẳng chịu cho ăn
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi
Người ta hồ hởi nghĩ việc tạc tượng Balzac.
Nghệ sĩ được giao phó trách nhiệm quang vinh này là một viện sĩ ưu tú Chapu.
Phải một người được trọng vọng, một nghệ sĩ có tước hiệu như vậy mới xứng đáng với Balzac.
Chapu làm việc miệt mài trong sáu năm... Không ai có thể chê trách lương tâm nghề nghiệp của vị viện sĩ này. Mọi việc đương tốt đẹp thì bỗng Chapu lăn đùng ra chết.
Chẳng lẽ cái số vất vả vẫn đeo đuổi Balzac sang phía bên kia mồ. Cũng may là Chapu đã hoàn thành tượng khuôn bằng thạch cao. Pho tượng thật uy nghiêm và tỷ mỷ, xứng đáng với một đại văn hào. Ai cũng khen đẹp. Có người còn nói "Đẹp hơn cả Balzac lúc sống..." Chapu cẩn thận đến từng chi tiết... kể cả cái nốt ruồi bên má phải nhà văn.
Chỉ còn việc đúc đồng nữa là xong. Nếu... không có một người phản đối. Một người, nhưng người đó lại là chủ tịch Hội những người viết văn. Điều này cũng quan trọng vừa thôi. Ở nước Pháp thiếu gì hội những người viết văn... và chẳng có ai ăn lương của hội này cả... Nhưng người đó lại là Emile Zola, trưởng môn phái tự nhiên, một nhân vật nổi tiếng trong giới văn lâm đương thời. (Tại Pháp, giới văn lâm còn mạnh hơn giới võ lâm nhiều). Và một lời nói thông minh điểm đúng huyệt có khi còn đánh gục đối thủ ngon hơn một chưởng đặc sản.
Zola nhận xét: "Pho tượng giống một Balzac chết hơn là một Balzac sống Chúng ta không nên bắt nhà văn phải chết một lần thứ hai." Và Zola đề nghị mời Rodin, một nhà tạc tượng "trẻ" (mặc dầu đã ngoài ngũ tuần).
Đề xuất trên không phải không gặp nhiều ý kiến phản đối. Rodin dẫu sao cũng chỉ là một nghệ sĩ trơn, mới nổi. Ông không có bằng cấp và không có đuôi tước hiệu.
Zola thắng thể, nhưng Rodin phải làm giấy cam đoan sẽ hoàn thành tượng trong 18 tháng.
Vốn là một độc giả ngưỡng mộ Balzac, Rodin hăm hở bắt tay vào việc. Ông lặn lội về quê nhà văn để tìm hiểu nhân vật... Tài liệu thật đáng nản. Hầu như không có gì ngoài một số tấm ảnh chụp đã mờ. Thời đó nghệ thuật nhiếp ảnh đang chập chững những bước đầu tiên. Và Balzac chẳng có những chiến tích ly kỳ. Tài sản ông để lại chỉ là mấy hòm bản thảo, chữ xấu như ma lem, lại
chữa nhằng chữa thịt tựa những lá bùa phù thủy. Ông chết quá sớm để kịp làm vĩ nhân khi còn sống... để thiên hạ kịp gom góp những kỷ vật về ông
Mọi người chỉ thống nhất ở một điểm: Balzac có một hình thể mà giới chuyên môn thường gọi là "bội bạc đối với nghệ thuật điêu khắc. Cái đầu thì to xù. Người thì thấp. Chân thì bé . Như một con nòng nọc."
Một nhà hội họa đương thời đã nhận xét:
"Balzac sinh ra dành cho giới biếm họa hơn là giới họa sĩ chân dung."
Rodin đã đi khắp vùng tìm những người mẫu. Ông cũng đã moi được một ông thợ may quen của nhà văn hào, lúc đó đã già nhưng vẫn còn nhớ được số đo của người quá cố. Rodin thuê ông may những bộ y phục Balzac ưa mặc lúc sinh thời, khoác lên những người mẫu ở đủ các tư thế. Và Rodin hết ký họa lại phác nặn. Chán phè.
Hình như những phác thảo càng cố gắng gần với Balzac bằng xương bằng thịt... lại càng xa với hình ảnh Balzac trong đầu của nhà nặn tượng bất hạnh kia...
Lại xóa, lại dập... Lại thử những người mẫu giống hơn, trong những tư thế ưu đãi hơn.
Mười tám tháng vèo qua.
Thiên hạ đã bắt đầu xì xào.
Và còn người nghệ sĩ kiêu hãnh kia, suốt đời không chịu khuất phục nói khó với ai, phải khẩn khoản, phải vật nài xin gia han một năm nữa.
Rodin lại sục sạo đi tìm người mẫu... lại nặn... lại đập... Và một năm nữa lại đi qua...
Thế này thì quá lắm.
Người ta không còn xì xào nữa... Người ta công khai la ó.
Người ta viết trên báo chỉ trích thái độ vô trách nhiệm, sự lười biếng của người nặn tượng thiếu lương tâm... Một số người trong ban điều hành Hội còn công khai tỏ ý muốn đưa Rodin ra tòa đòi bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. Cuộc cãi cọ được nuôi dưỡng bởi vô số những lá thư quần chúng khắp nơi biểu thị lòng phẫn nộ của những người dân bình thường. Zola phải từ chức. Và Rodin phải ký quỹ 100,000 phrăng để được gia hạn thêm một năm nữa...
Từ cuộc họp sóng gió trở về tìm sự yên ổn tạm thời trong không khí quen thuộc của xưởng điêu khắc và vòng tay người yêu thì... người yêu đã bỏ đi "vì không thể sống mã i như thế này. Nếu ở lại thì tôi sẽ phát điên mất" - Claude
Thì cho điên luôn một thể... Rodin đập phá những pho tượng không thương tiếc... Và cái xưởng vốn ấm áp kia bỗng ghê rợn, ngổn ngang xác tượng, chẳng khác gì một huyệt chôn người tập thể.
Những chuyện nơi riêng tư ấy lập tức được phanh phui trên báo chí. Và một nhà phê bình mỹ thuật nọ còn đoán chắc rằng sẽ không có tượng Balzac vì Rodin sắp phát điên.
Rodin xa lánh mọi người. Ông lấy một thanh rầm lớn chèn cửa xưởng điêu khắc lại, lầm lũi đi cửa sau.
Và ông vẫn đi tìm...
Vào một đêm mất ngủ, Rodin bỗng nhớ tới một nhận xét của nhà thơ Lamartine về Balzac "Hồn nhà văn sung mãn đến mức có thể đỡ cả thân hình nặng nề của ông một cách nhẹ nhàng..."
Rodin dậm chân: "Đúng là mình ngu lâu thật... mình cứ tìm cách thể hiện phần xác nặng nề của Balzac trong lúc điểm chủ yếu của ông lại là phần hồn..."
Có lẽ Rodin điên thật rồi... Có ai lại tạc tượng hồn của một người.
Tượng vốn là một nghệ thuật cụ thể với những hình khối nhìn thấy được, sờ mó được trong những chất liệu rắn như đá, gỗ, kim loại... làm sao có thể tạc được một linh hồn trừu tượng.
Những ý kiến nghịch lý ấy cứ tra tấn, cứ hành hạ Rodin hoài.
Biết đâu một nghệ thuật lớn lao lại chẳng ra đời từ những nghịch lý điên rồ ấy.
Đôi khi Rodin đổ tội cho quá trình tự học của bản thân. Mình đọc linh tinh nhiều thứ quá ... Một người được đào tạo chính quy hẳn là tâm hồn sẽ chuẩn mực hơn...
đỡ điên loạn hơn...
Và sẽ yên ổn, sẽ giàu có, sẽ được trọng vọng, kiểu viện sĩ Chapu chẳng hạn... Nhưng để làm gì?
Làm nghệ thuật, nói như Michel Ange, là ký một hợp đồng với ma quỷ... Một nghệ sĩ ít nhiều như một phù thủy... Non tay ấn quyết có thể bị âm binh quật chết...
Thì Rodin cũng sắp bị vật chết đây...
Ông phì cười... Bao nhiêu đêm chập chờn, nửa tỉnh nửa mê... suy nghĩ lan man như vậy...
Và thời gian cứ trôi qua...
Rodin xem lại nhật ký sáng tác... Ông chợt lưu ý mộtchi tiết...
Hôm đó, khi lục lọi phòng riêng của nhà văn... ông tìm thấy trong một xó tấm áo ngủ Balzac khi sống vẫn thường mặc làm việc, hôi rích và rách nát... Khi rũ ra, gián bay vù vù đến phát khiếp...
Ừ, tại sao ông lại không tạc tượng Balzac trong chiếc áo ngủ kia... Nó sẽ cho nhà đại văn hào cái khắc khổ của một tu sĩ... cái trang trọng của một hoàng đế La Mã ... và cái khổ sai của một tên tội đồ...
Làm sao Rodin lại có thể quên chi tiết trên được. Ông mua những tấm vải rộng choàng lên người mẫu và thuê thợ lấy thạch cao ướt ném vào vải, hy vọng khi khô nó sẽ tạo thành những nếp áo, những gợn sóng thích hợp...
Và ông lại vẽ, lại nặn, lại xóa, lại đập,... hàng tháng trời, cho đến khi chọn được tư thế và dạng áo thích hợp- Balzac đứng chụm chân, khoanh tay trước ngực, đầu ngẩng lên nhìn một điểm rất xa.
Mùa hè năm ấy... ông đem pho tượng đến trưng bầy tại Phòng triển lãm Mỹ thuật sang trọng của thủ đô Paris...
Chưa đến giờ khai mạc mà giới tao nhân mặc khách, giới quý tộc, trai thanh gái lịch thủ đô đã kéo đến chật
ních...
Rodin mở tấm vải trùm bức tượng... Một tiếng ồ nổi lên trong cử tọa. Gỉữa ánh sáng đèn chói lọi pho tượng nom mới xù xì, xấu xí, ma quỷ làm sao!
Đến mức này thì quá lắm... Sau phút sửng sốt là một bùng nổ phẫn nộ... Pho tượng vẫn lù lù ở đó, quái gở, lẫm liệt, lạ lùng, hỗn xược như một thách thức...
"Đúng là một quái thai ngâm dấm..."
Bậc mệnh phụ vừa thốt lời nhận xét trên hình như cảm thấy câu nói quá kinh tởm với cái miệng xinh đẹp của mình phải chạy vội vào nhà toalet.
"Một con ngợm bất thành nhân dạng..."
Cơn lũ phản đối dữ dội đến mức Ban điều hành Hội những người viết văn. tập thể dã đặt Rodin làm tượng, phải tức khắc ra một bản công bố với lời lẽ quyết liệt.
"Chúng tôi hoàn toàn không thấy một chút gì của Balzac trong pho tượng quái gở kia... và đòi hỏi Nhà tạc tượng phải trả lời trước công luận."
Báo chí sặc mùi đấu tố như những năm 93, 94 dưới thời Robespierre. Ngày nào cũng có đăng những thư phản đối lên án của độc giả từ hang cùng ngõ hẻm nước Pháp.
"Người ta không thể lạ m dụng nghệ thuật để bôi nhọ nước Pháp..."
"Đó là hành động xúc phạm tổ quốc..."
Có thư còn đi xa hơn:
"Phải xét xem trong dòng máu của Rodin có máu Do Thái không"...
Một bức thư dài phản đối được đăng chữ lớn trên trang nhất tất cả các báo thủ đô, dưới có ký tên nhiều nhân vật nổi tiếng như Rochefort, Anatole France v.v...
Điều làm cho chính bản thân Rodin cũng không khỏi động tâm là trong số những nghệ sĩ mà nhà tạc tượng rất kính trọng... như nhạc sĩ Debussy, họa sĩ Lautrec. Một số nhà từ thiện còn đề nghị làm việc công đức quyên tiền mua bức tượng đem đập trước nhà thờ Nôtre Dame, có Đức tổng giám mục đến làm lễ như trong một lễ trục quỷ thời Trung Cổ...
Chưa bao giờ Rodin thấy mình cô đơn như lúc này...
Hình như một mình ông chống chọi với cả nước Pháp...
Rodin không hiểu rằng đa số muốn tạc tượng một Balzac đã chết, một xác Balzac được thánh hóa để sùng bái...
Còn bản thân Rodin thì lại muốn tạc tượng một hồn Balzac sống, không ngừng trò chuyện với thời đại, với trời đất...
Thật là một sự hiểu lầm tai hại...
Nhiều người quen cũ của Rodin trông thấy ông từ xa bỗng đổi vỉa hè...
Và thưa thớt đã có lần nhà tạc tượng bị ném đá...
Rodin phải chọn lúc tối trời để đưa pho tượng về nhà như chôn chui tử thi một kẻ bị trọng tội đáng nguyền rủa hay một bệnh nhân dịch hạch.
Rodin không cần soi gương cũng biết tóc mình đương bạc với tốc độ của một con tuấn mã phi nước đại.
Thì ai bảo Rodin dây vào Balzac làm gì... Con người sinh ra với một ngôi sao quả tạ chiếu mệnh... suốt đời thao thức trằn trọc. .. đến chết cũng không được yên giấc.

* * *
Pho tượng Balzac được đặt ở ngoài vườn... Và Rodin cố tình quên nó đi... Cho đến một hôm, một nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi người Mỹ, Edward Steichen, đến thăm xưởng điêu khắc vào một đêm sáng trăng, và xin phép được chụp ảnh khu vườn.
Khi rửa ảnh. Steichen chọn riêng một tấm đưa cho Rodin.
Pho tượng Balzac lù lù nổi lên giữa cỏ rậm và hoa dại đẹp một cách kỳ quái.
Steichen say sưa: "Hệt một thiên thạch." Rodin lẩm bẩm "một thiên thạch..." Ông nhớ ra rồi. Cách đây nửa thế kỷ. một nhà thơ già cũng đã nói đầu Balzac không phải là đầu người... Đó là đầu của một thiên thạch."
Có phải cái nhìn của nhà thơ càng già càng nhích gần tuổi trẻ không?
Tại sao ông lại dại dột đem cái đống thu lu ấy đến trưng bày lại một phòng triển lãm xinh đẹp và sang trọng?
Đêm đó, Rodin lại mất ngủ. Ông lần ra vườn ngắm pho tượng. Nó sừng sững đứng dưới ánh trăng đồ sộ, cô đơn như một mộ đại thạch vùng Bretagne hay những tượng đá khổng lồ vô danh thời tiền sử còn sót lại trên đảo Pâques...
Cầu Chúa nó cũng sẽ sống cuộc đời lâu dài và kỳ lạ của những tác phẩm vô danh kia trong cuộc đối thoại bất tận với Vô Cùng.

Các tác phẩm khác của Lê Đạt

Vùng may rủi

Bức tranh có ma

Bài Haiku