Mùa Hè Có Nụ
Tác giả: Lê Huy
M ùa hè năm đó, Nụ từ ngoài nớ vô nghỉ hè ở phố nhỏ Gia Long này. Mạ với Nụ vô ở nhà dì mình. Dì Nụ có hai nhỏ gái trạc tuổi Luy và một út trai. Tuy nhỏ tuổi hơn Mừng -- nhỏ gái đầu của dì -- một tuổi (Luy nghe nói vậy), nhưng về vai vế thì Nụ lại là đàng chị -- oai thiệt. Thành ra tình cờ Nụ lại là “nhỏ hàng xóm mới” của Luy. Mà cái “nhỏ hàng xóm mới” này, lúc đầu Luy chỉ biết thôi chớ chưa… dám làm quen. Với Luy, làm quen với tụi nó sao mà khó thấy mồ! Thì đó, nhỏ Mừng đó, nó ở cùng xóm với Luy tới chín mười năm trời nay, mà có thân gì nhau cho lắm đâu, gặp nhau thì cao tay lắm chỉ: “Ê…! Ê… !”, là xong. Có phải tại thấy nó là con gái con lứa gì mà ưa ghẹo Luy quá nên Luy “ơn ớn” chăng, hay tại Luy… teo quá, nhác… đòn!? Có lẽ tại… cả hai lý do này. Ừ, thôi thì chấp nhận như vậy đi cho khỏi… nhức đầu.
* * *
Cứ chiều chiều là Luy với tụi thằng Hon Anh, Hon Em và Lé Xẹ ôm banh ra bãi đất trống trước cổng sân bay, chia phe đá banh với xóm Sân Bay. Thắng có, thua có. Nhưng thắng thua gì cuối cùng cả hai phe đều có ăn có uống hết trọi, do chú Năm Bụng chiêu đãi, khi thì nước mía -- hai đứa một ly hoặc khi thì cà lem cây – cũng hai đứa một cây. Chú Năm Bụng thương mấy nhóc đá banh này lắm. Chiều nào chú cũng “ra sân” với mấy nhóc đó để làm huấn luyện viên, chú chỉ cho cách đá, cách bắt gôn rồi làm trọng tài luôn. Chú hào hứng nói:
- Hồi còn trẻ tao mê đá banh còn hơn mê chơi với con gái. Tao đâu có thèm chơi với mấy đứa nó vì tụi nó dõm quá, đâu biết đá banh.
Chú nói chú chơi trong đội tuyển của tỉnh, vai trung phong. Chú cũng có vài trận so giày với các đội có các danh thủ như Tam Lang, Vinh Hói, Tư Lê, như Ngôn, Ngầu, Đỗ Cẩu… Chú có một bàn thắng “để đời” trong trận đá với Quan Thuế tại sân nhà. Chú say sưa kể:
- Tao lừa bóng qua khỏi hai thằng hậu vệ của tụi nó đang lao ra truy cản, đối mặt vớí thằng Rạng thủ môn số một Á châu, nhưng tao đâu có sút ngay, tao bình tĩnh đảo qua phải lạng qua trái, nó lao theo; rồi bất ngờ, tao vừa dích bóng qua đầu nó vừa hét… chụp nè con… ! Nó ngửa người vói theo, nhưng đâu có được, bị hụt tầm, nó ngã chỏng gọng, bó tay. Bà con khán giả mình hoan hô quá cỡ, la hét rầm trời, chạy ào vô sân, đè lên người tao mà… ăn mừng. Tao bị nghẹt thở muốn chết. Cú đó tao gỡ “một đều” cho đội nhà, rồi đội mình đá… phá banh… câu giờ… cù nhầy… rán giữ cho đến hết trận luôn. Trận huề vang dội này được ty thanh nhiên với đài phát thanh tỉnh mình loan đi loan lại nhiều lần, nghe đã lắm.
Chú đang “lịm người” trong đoạn phim cũ đầy vinh quang của mình thì thằng Lé Xẹ chớp lia cặp mắt “xáng” vô:
- Chú kể giỡn hay kể… chơi đó?
Chú trố mắt nhìn nó rồi gật gật cái đầu có chải bờ-ri-dzăng-tin láng mượt:
- Ý mày muốn nói là… thấy mới tin đó hả!
Lé Xẹ gãi gãi tai phân bua:
- Tại cháu thấy lúc nào cái bụng... nước lèo của chú cũng chạy trước hết á!
Chú vừa cười vừa xoa xoa cái bụng rung rung của mình:
- Hồi đó người tao cũng roi roi thôi. Bị tao khoái bia bọt quá nên bụng tao nó mới phệ như dầy!
Rồi chú chỉ ra bãi đất:
- Thôi, ra đá “tăng nhì” rồi dìa, bay!
* * *
Thường thường, mỗi khi ôm banh ra sân là bọn Luy phải đi ngang qua nhà con Mừng, vì qua ngã này gần hơn. Một hôm, lúc ngang qua nhà con Mừng thì thấy nó đang ngồi chỏ hỏ chò ho trước nhà, vuốt ve nừng nựng con Lu Lu; mà nó lại mặc cái quần đùi rộng thênh thang (chắc là mặc bính của ba nó), hai ống quần đùi tụt xuống tận bắp vế non. Biết có “hấy” gì hông mà thằng Lé Xẹ cười nắc nẻ, cười lớn tiếng nhất, anh em thằng Hon Anh Hon Em thì bụm miệng cười khúc khích, còn Luy nhà ta thì “người lớn” hơn, nó ngoảnh mặt nhìn qua bên kia đường, mím môi, chân bước thiệt lẹ. Qua khỏi nhà con Mừng chừng một quãng, thì “hổng hẹn mà… hò”, chợt cả bốn đứa cùng phá lên cười sặc sụa, cười một bữa… no nê. Hôm sau, chả hiểu sao, thằng Lé Xẹ lại thúc hối cả bọn nhanh lên nhanh lên, nó giựt phăng cái banh trên tay Luy rồi hấp tấp hăm hở đi trước. Ngang nhà con Mừng, nó đi chậm lại, nghiêng đầu nhìn vô thì cũng vừa lúc ba nhóc kia kịp tới. Hôm nay, Nụ, Mừng và Mững (em Mừng) mặc quần phồng (loại quần đùi có nịt cao su túm ống quần đó), ngồi đong đưa trên cái xích đu trong góc nhà; thằng Út Mưng thì ne ne cái kiện vũ cầu bằng cái vợt ping-pong. Bị… hẫng, bốn cầu thủ nhí chân đất nhà ta… lặng lẽ nhắm hướng sân bay trực chỉ -- Vậy là, “mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh!”, chẳng có gì um chi xùm hết.
Mấy ngày sau, Luy một mình đi ngang qua nhà con Mừng, bỗng nhỏ đó kêu lên:
- Ê…! Cu Đen…!
Luy giật mình nhìn vô, mấy đứa trong nhà xúm nhau cười ầm lên. Luy thấy hình như nhỏ Nụ bụm mặt lại, nén cười. Về nhà, Luy giận lắm, hỏi má:
- Má wơi…! Sao tụi nó biết con… cu đen?
Má nhìn vô mặt nó, phì cười rồi nói:
- Ờ…! Thì tại con đá banh, tắm biển dang nắng quá, đen như củ tâm thất nên nó chọc quẹ… chớ sao!
Nghe má nói thế, Luy thở phào, nhẹ nhỏm.
Chừng nửa tháng sau khi bắt đầu nghỉ hè, ba Luy mới nói:
- Gần cuối hè này con phải thi Đệ Thất rồi đó, lo đi là vừa nghen con! Con vui chơi như vậy đã chưa?
- D… à… à… ! -- Luy “dà” mà giọng yếu xìu, mặt tiu nghỉu.
Ba Luy hiểu ý, ôn tồn nói tiếp:
- Ba hổng biểu con phải nghỉ chơi. Ba vẫn muốn con vừa chơi vừa học, nghỉ hè mà! Ba biết chớ!
Luy biết nghe lời ba má lắm, nó hỏi:
- Vậy con phải làm sao đây ba?
Ba Luy cầm cuốn sách Toán Lớp Nhất lật lật từng trang:
- Thì con phải lo ôn bài, ôn hết các môn cần thi. Nếu cần thì ba má cho con đi học luyện thi Đệ Thất cho vững, cho chắc ăn.
- Mà học luyện thi ở đâu vậy ba?
Ba Luy đặt cuốn sách Toán xuống, ông cầm cuốn Khoa Học Thường Thức lên, rồi lật lật từng trang:
- Ba con Mừng biết chỗ. Ổng nói ở trường Bồ Đề có ông thầy Dần chuyên dạy luyện thi mấy năm nay rồi. Ổng giỏi có tiếng, dạy uy tín nên học trò đông lắm. Con học ổng đi. Ba con Mừng cũng định cho nó học ở đó luôn.
Nhớ tới cái chuyện “Cu Đen” hôm nọ, Luy vẫn còn hằm lắm, nó lắc lắc cái đầu húi cua trụi lủi như vịt con:
- Con hổng muốn học vớí nó đâu. Nó ưa ghẹo con lắm.
- Sao vậy con. Con học ông thầy Dần chớ có học nó đâu mà con hổng chịu. Thôi, ba quyết định như vậy nghen!
* * *
Qua nay, Luy không được vui mấy vì tuần sau nó phải đi học luyện thi Đệ Thất rồi. Nó còn chừng vài ngày nữa thôi để bay nhảy, tắm biển, đá banh... Nó đang sợ mấy cái ngày này bay qua một cái… dzù, vì nó thường nghe ba nó hát cái bài gì mà có câu “ngày vui qua mau” đó! Thiệt thấy thương cho thằng nhỏ Luy ham chơi quá! Mà nghĩ lại càng thương nó nhiều hơn. Luy biết nghe lời ba má lắm, ba má nói gì thì nghe nấy chớ không dám cưỡng. Nó nghĩ, đi học một mình cũng buồn, nó rủ thằng Hon Anh:
- Mày đi học luyện thi Đệ Thất với tao hông? Đi đi mày! Ba tao nói đi học cho nó vững, cho chắc ăn.
- Ừa… ! Ba tao cũng nói vậy. Tao đi học với mày nghen!
Luy mừng lắm vì sẽ có thằng Hon Anh cùng đi học cho vui.
- Còn thằng Hon Em?
- Chưa đâu. Sang năm nó mới lên lớp Nhất mà!
- Ờ hén…! Tao wênh.
Luy cũng rủ thằng Lé Xẹ, nó hất cái mặt lên trời nói sang năm nó mới lên lớp Nhất mờ. Luy lại chép miệng:
- Ờ hén… ! Tao wênh.
Úi dà, dạo này Luy lẩm cẩm dữ à nhen. Cái đầu nó để đâu đâu á! Ở nhà nó đi ra đi vào, đi lên đi xuống. Nó làm gì trật nấy. Chân tay nó ra làm sao í. Mới có hai ngày không ra sân mà nó nhớ trái banh như vậy đó.
Bất ngờ, chiều nay nhỏ Nụ theo dì và mạ nó qua chơi nói chuyện với ba má Luy. Lại nhớ tới chuyện “Cu Đen” hôm nọ, nó định lánh mặt, nhưng nghĩ sao nó lại khoanh tay lễ phép thưa:
- Cháu chào dì…! Cháu chào dì...!
Nó mím môi, nhìn nhỏ Nụ, cười mỏng rồi hỏi:
- Bộ mày cũng qua chơi hả! – Nó hỏi một câu thiệt… “dô diên”, thừa thải cả sải tay.
Nhỏ Nụ trả lời bằng tiếng “ừm...!” ngậm trong miệng. Chặp sau, Luy mới nhận ra là nhỏ Nụ lúc nào cũng khoát thêm bên ngoài chiếc áo mỏng màu đỏ, giông giống như màu hoa phượng đỏ rực trên đường đi đến trường và cả trong sân trường nó nữa.
Nhỏ Nụ chợt hỏi:
- Bộ mày cũng có bà con với dì và mạ tao hở?
- Đâu có!
- Sao mày kêu dì?
- Tại nghe mày kêu nên tao… kêu theo vậy thôi!
Nhỏ Nụ trố mắt nhìn Luy, rồi nói trong bụng: “Cái thằng này thi… i… ệ… t…!”.
Sực nhớ tới trái banh, nó nói nhỏ Nụ chờ nó chút nhen, rồi chạy vô nhà trong coi coi trái banh nằm đâu. Nó ở trỏng hơi lâu một chút để nghĩ xem nó sẽ nói tiếp với nhỏ Nụ cái gì đây. À, phải rồi, nhỏ Nụ có vẻ “tử tế” với nó quá, bằng chứng là hôm trước nhỏ Nụ đã bụm mặt lại, nén cười khi con Mừng chọc nó là Cu Đen. Lắng tai cu, nó nghe dì nhỏ Nụ nói với ba má nó là, hai mạ con của Nụ vô trong ni nghỉ hè, và nếu được thì cho nhỏ Nụ ở đây học luôn với con Mừng cho có chị có em, chớ ở ngoài nớ anh nó đi làm xa rồi, chẳng có ai nhắc nhở kèm cho nó học, mạ nó thì suốt ngày bận trông coi cái sạp hàng xén ở chợ Đông Ba. Nghe vậy, Luy vui vui trong bụng. Trở ra nhà trước, thấy nhỏ Nụ đang say sưa ngắm nghía mấy con búp bê bày trong tủ hàng, nó tằng hắng nhỏ một tiếng để nhỏ Nụ khỏi giựt mình.
- Bộ… thích búp bê lắm hả?
- Ừa…!
- Nè, mày ở đây học luôn hả?
- Ừa… ! Sao biết?
Nó nói, nhờ tình cờ nghe người lớn nói chuyện vừa rồi. Sẵn trớn, nó kể luôn, chiều hôm qua đi tắm biển, nó hỏi thằng Mưng là Mừng với Nụ có đi học hè không. Thằng Mưng thấy Luy cầm cây cà lem mút mút, thèm lắm, nó nói:
- Cho mút một miếng cái đã, rồi tao nói cho nghe.
Luy cho mút, nhưng nó… ăn gian, mút một miếng rồi cũng chưa chịu nói, “Cái thằng khỉ nhỏ này…!”. Thằng Mưng lại làm khó:
- Thôi, cho cắn một miếng rồi tao nói. Thiệt mờ!
Sợ nó cắn tham, Luy lấy ngón tay cái “bấm ngấn” -- “chừng này thôi nhen!”, rồi đút cây cà lem vô miệng thằng Mưng. Bất ngờ thằng Mưng chụp tay Luy nhét sâu vô miệng mình, cắn một phát… quá “ngấn”, nhằm ngón tay cái, đau quá Luy hét lên. Giựt tay ra, giận quá, nó gằn giọng:
- Nói đi…!
Thằng Mưng sợ quá lật đật nói:
- Có... Có... ! Mừng, Nụ có học hè.
Nghe tới đây, nhỏ Nụ nhịn cười không được, nó lấy tay che miệng cười hí… hí… “Giọng cười của nhỏ Nụ sao trong trẻo quá, đâu như mấy đứa kia!”, Luy cảm thấy vậy.
Lát sau, Hon Anh, Hon Em và Lé Xẹ tới rủ Luy đi đá banh. Nó chạy vô xin phép ba má, rồi ôm banh chạy ra, nói với Nụ:
- Tao đi đá banh với tụi nó nhen. Mày nhớ đi học hè, hí… !
Nhỏ Nụ cười… nụ, nói nhỏ:
- Ừ… ! Mày đi đi…! Tao sẽ đi học, bị tao còn kém quá.
Bốn nhóc vọt lẹ vì sợ chú Năm Bụng trông.
* * *
Vừa thấy chú Năm Bụng từ xa, Lé Xẹ đã rống lên:
- Chào chú Năm Bụng… !
Luy “chỉnh” nhẹ:
- Chú Năm được rồi, còn thêm Bụng nữa chi! Coi chừng chú giận đó!
- Kệ tao… ! Tao thích tiếng Bụng quá! Chú ngoắt ngoắt tụi mình kìa, đó, chú có giận đâu, thấy hông!
Chú Năm ký nựng đầu Luy một cái:
- Hôm qua sao hông ra sân, mày!
- Dạ, ba biểu ở nhà nhắc cháu đi học hè.
- Ừa… ! Hè vừa chơi vừa học là phải rồi.
Hon Anh tiếp lời:
- Cháu cũng đi học với nó nữa!
Chú Năm Bụng cười ha hả:
- Giỏi… ! Giỏi… ! À nè, tụi bay dám “chơi” với xóm Chuồng Gà Khu Sáu không?
Lé Xẹ háo thắng:
- “Chơi” liền, sợ gì! Xóm Bến Xe Gia Long này “chiến” lắm à chú!
Chú Năm Bụng giọng chắc nịch:
- Rồi, ngày mốt “chơi”. Bữa nay dợt kỹ nghe! -- Rồi như vị chỉ huy, chú dõng dạc ra lệnh:
- Luy, mày đá trung phong. Hon Anh, mày đá cặp với nó. Lé Xẹ, mày là tiền vệ “con thoi”, đá bao sân, quan trọng đó nghen mày! Hon Em, mày thuận chân trái thì đi cánh trái thằng Lé Xẹ. Mấy chỗ khác thì tao đã dặn mấy đứa kia rùi. Thôi, ra sân tập đi!
Thế là đội xóm Bến Xe gồm chín nhóc cùng ông thầy Năm Bụng lao ra sân hăng hái tập dợt. Chiều hôm sau đá “nháp” với xóm Sân Bay. Kết quả, xóm Sân Bay thắng 1 – 0 nhờ cú phạt đền, đâu đáng kể. Sau trận đá “nháp” đó, thầy trò kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chú Năm Bụng còn dặn dò và truyền thêm một vài ngón nghề cùng mánh lới nữa. Luy đề nghị mặc quần đùi màu gì cũng được, nhưng phải mặc áo may-dô trắng dán số màu đỏ -- chắc nó nhớ… màu áo đỏ của nhỏ Nụ, ghê thiệt!
Trận banh “sống mái” giữa hai đội Bến Xe Gia Long và Chuồng Gà Khu Sáu thiệt là… sống mái. Kết quả là Bến Xe thắng Chuồng Gà 2 – 1. Đội Bến Xe với đám nhóc theo ủng hộ mừng muốn chết, la hét khan cổ luôn, tung áo tung mũ rợp trời. Đám nhóc theo ủng hộ đè đầu vít cổ đội Bến Xe ăn mừng tưng bừng hoa lá. Còn đội Chuồng Gà thì rầu lắm, cái mặt buồn thiu, tiu nghỉu như… gà chết. Và theo truyền thống, cả hai đội đều được ăn cà lem – hai đứa một cây và uống nước mía – cũng hai đứa một ly. Cả hai đám nhóc theo ủng hộ cũng được hưởng xái luôn, vui quá xá là vui vậy đó.
Mấy ngày sau tụi thằng Luy “đòi nợ” chú Năm Bụng, mè nheo bắt chú kể chuyện đá banh cho nghe. Trưóc khi kể, chú dặn: “Nhớ thắng hổng kiêu, thua hổng nản, nghe bay!”. Mấy nhóc “Dạ...!” rân lên. Chú nói xa nói gần:
- Thì trận thắng của mình vừa qua coi như là tao… kể rồi đó!
- Là sao, tụi cháu hổng hiểu gì hết -- Mấy nhóc nhao nhao lên.
- Thì là như vầy nè -- Chú tằng hắng lấy giọng -- Đội Chuồng Gà đá vô trước một trái là nhờ nó biết “ma giáo”, cái mánh này tụi bay cũng phải học à nghen. Thừa lúc trước gôn mình lộn xộn, thằng Chuột Đen của nó hất banh trúng tay Tí Sún của mình, nên tụi nó hưởng cú phạt đền, mình bị dẫn trước 0 – 1.
- Chời wơi, tụi nó ma giáo vậy sao!
- Cú gỡ “một đều” của mình thì thằng Lé Xẹ đã theo đúng bài bản của tao để thằng Gà Tồ làm bàn, như tao đã đá với đội Cảnh Sát Huế --đội này vô địch miền Trung đó nghen. Để coi… ! Từ cánh phải, tao bấm bóng vô giữa, bóng treo lơ lửng gần chấm phạt đền của đối phương, chú Tư Khều huấn luyện cho đội Chuồng Gà đó, lợi dụng chiều cao của mình, từ vạch mười sáu thước năm mươi, bay ào vô “tết” cái đầu. Thủ môn Dần của Cảnh Sát Huế cao lớn dềnh dàng như kênh kông nhảy lên đón bóng, nhưng nó lầm, Tư Khều “tết” cái banh gặt xuống đất, cái banh nẩy lên xỏ qua nách thằng Dần, chui vô gôn luôn.
Đám nhóc vỗ tay rần rần:
- Hay wá… ! Hay wá… !
Chú Năm hiu hiu cặp mắt, tiếp:
- Chưa hay lắm đâu! Còn cú thắng thứ hai của mình thì thằng Hon Anh cũng đã theo đúng bài bản của tao để thằng Luy làm bàn ngon ơ. Nè... ! Cũng trong trận đó, tao dẫn banh lắc léo xâm nhập vùng cấm địa của tụi nó, thằng Dần có vẻ tự tin xàng qua xàng lại chờ bắt cú sút của tao, bất ngờ tao dùng gót chân giựt ngược trái banh ra sau, chú Xin Hủ Lô lao tới xỉa bóng xẹt vô góc sà lăn vô gôn, thằng Dần đứng chết trân, rồi tức tối đá bồi vô... lưới nó luôn.
Làm như trận thắng Cảnh Sát Huế là trận thắng của đội Bến Xe mình, mấy nhóc nhào tới ôm chặt khừ chú Năm Bụng mà nựng… tới bến. Chú la bai bải:
- Nghẹt thở tao, bay! -- Rồi mặt chú đỏ bừng lên, cái phút vinh quang ngày xưa chợt trở về với chú.
- Trận đó, đội tỉnh mình thắng 2 – 1. Tao được nhận danh hiệu là “cầu thủ có đường chuyền hay nhứt giải”.
* * *
Nhưng rồi mấy trận banh mùa hè hào hứng đó lại bị xẹp dần bỡi mùa luyện thi Đệ Thất của mấy nhóc.
Lớp luyện thi Đệ Thất của thầy Dần đông lắm. Chẳng hiểu lấy sức ở đâu ra mà thầy dạy một ngày ba xuất sáng-chiều-tối luôn. Nhưng gương mặt thầy vẫn tươi tắn, chẳng thấy bơ phờ chút nào. Chắc thầy yêu nghề và yêu lũ trẻ tương lai của Đất Nước lắm. Thấy mà thương thầy vô cùng!
Lớp luyện thi ấy có Luy - Hon Anh – Vàng - Chuột Đen. Có cả hai chị em nhỏ Nụ - Mừng nữa. Hai nhỏ này ngồi bàn trước, Luy với Hon Anh bon chen ngồi ngay bàn sau lưng tụi nó. Nụ vẫn khoát thêm bên ngoài cái áo mỏng màu đỏ. À, có cái đặc biệt là lúc nào ra đường Nụ cũng đội nón lá, mà phải là chiếc nón bài thơ làm từ Huế kìa, Nụ mới chịu. Nụ đội nón là để che mưa che nắng và cũng để che… mặt luôn. Luy không hiểu tại sao gọi là chiếc nón bài thơ, bỡi nó thấy nón nào nón nấy cũng giống nhau cả thôi. Mà Luy cũng chưa tiện hỏi nhỏ Nụ là “Tại răn rựa?”.
Theo học lớp này, Luy thấy mình và lũ bạn “người lớn” hẵn lên. Luy cũng thấy hình như mái tóc của Nụ có dài xuống ngang lưng chút xíu. Thỉnh thoảng nói chuyện với Nụ và Mừng thì nó gọi tên xưng mình, chớ không còn mày tao nữa. Hình như Luy “có chút gì thay đổi” đây. Ở nhà Luy nói như két, vậy mà đến lớp thì lại ít nói, chắc tại có… Nụ. Có khi Hon Anh chơi nghịch giựt giựt một hai sợi tóc dài của Nụ, Luy nhăn mặt nhíu mày, vẻ không vui.
Nụ và Mừng học hành cũng khá chớ bộ. Môn Tập Làm Văn thì Nụ ngon lành lắm, được thầy Dần lấy làm mẫu cho cả lớp hoài, Luy cũng vui lây. Còn môn toán thì hai nhỏ đó khá suông sẻ. Khi nào căng lắm thì mới kín đáo hỏi Luy thôi. Thầy Dần thường ra bài thi “toán chạy”, trò nào làm nhanh và đúng lên nạp bài trước thì thầy khen lắm. Mà cái màn “toán chạy” này thì bộ ba Vàng - Chuột Đen – Luy là số dzách. Khi ở nhà, thì Nụ - Mừng - Hon Anh và Luy tuy không đến học chung với nhau, nhưng cũng thường hay hỏi qua hỏi lại về các môn học cần thiết. Bài nào bí lắm thì Luy nhờ anh Hai mình giảng cho bốn đứa hiểu luôn.
À, nhỏ Mừng này vẫn thường hay ghẹo Luy lắm. Có lần nó sai nhỏ Mững cầm miếng giấy chút xíu có ghi câu hỏi “Lông quặm là gì?” đưa cho Luy. Luy nghĩ là con Mừng cũng biết chớ, nó biểu nhỏ Mững về đi, sẽ trả lời sau. Rồi Luy lật cuốn sách Vệ Sinh ra, chép lại… câu trả lời từ trong sách đó rồi cầm qua nhờ Mững đưa lại, chớ không dám đưa thẳng cho Mừng. Té ra Luy vẫn còn… “né” nhỏ Mừng. Lúc nào thấy buồn buồn thì Luy “kiếm chuyện” qua nhà bên đó giả bộ hỏi này hỏi nọ để được gặp Nụ. Luy nói “Nụ rán học đi, thi mà đậu vô trường công là sướng lắm đó!” -- “Ừ, thì Nụ cũng đang rán đây! Có gì kẹt thì nhờ Luy nghen!” – “Mà Luy có gì kẹt thì nhờ lại Nụ nghen!”.
Hồi đó, Luy chơi mandolin cũng nhuyễn lắm. Cứ khuya khuya, học bài xong là Luy leo lên mái tole nhà mình đánh đờn. Luy cố tình đánh lớn lên để mong rằng Nụ cũng nghe được. Luy đánh vài bài, mà khi nào cũng có bài Suối Tóc của Văn Phụng mà Luy vừa biết đây. Luy vừa đánh vừa khẽ hát theo,
Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi,
Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai.
Ghi trong nét bút u hoài hình bóng ai,
Tôi thấy em một đêm thu êm ái
… … …
Một hôm, Nụ hỏi:
- Bộ tối tối Luy hay đánh đờn lắm hỉ?
Vậy là Nụ đã nghe được tiếng đờn của mình rồi; sướng rêm người lên, Luy ngập ngừng nói nhỏ:
- Ừa… ! Luy đánh đó… ! Mà... dở ẹt Nụ hỉ?
- Không… ! Nghe hay lắm, Luy… ! Nụ nói thiệt đó… !
Luy nghe trống ngực mình đánh thình thịch:
- Cám... cám... ơn... Nụ.
- Nụ còn biết Luy đánh bài Suối Tóc nữa đó… ! Nụ cũng thích bài này lắm… !
Luy nghe hai vành tai mình nóng ran lên, chắc là cái mặt nó cũng đang đỏ lắm!
Thoắt một cái là đến ngày thi rồi. Mặt mày nhóc nào nhóc nấy cũng đầy vẻ lo âu. Rút kinh nghiệm, anh Hai của Luy dặn chung mấy nhóc là gần ngày thi vài hôm thì nên dạo phố hay ra biển chơi cho đầu óc được thoải mái; đừng có đụng tới sách vở nữa để khỏi phải bị lo âu nhiều rồi sinh ra hồi hộp, không tốt đâu.
Kết quả kỳ thi, Vàng – Hon Anh – Luy đậu chính thức. Tội nghiệp cho Chuột Đen, nó học giỏi lắm mà lại đậu dự khuyết. Nụ và Mừng cũng đậu dự khuyết. Lớp dự khuyết này gọi là Đệ Thất Năm, phải chờ Bộ Giáo Dục quyết định công nhận hay không là tùy theo ngân sách của Bộ. Đệ Thất Năm học được vài tháng thì Bộ ra quyết định không công nhận vì thiếu tiền. Vậy là các bạn trong lớp này phải ra học trường tư, chờ năm sau thi lại. Các bạn ấy buồn lắm. Luy cũng buồn theo… Nụ và kiếm cách an ủi bạn.
Chừng mươi ngày sau, Luy không thấy Nụ đâu cả. Luy đi qua đi lại nhà Mừng nhiều lần, rồi cả tháng sau cũng chẳng thấy mạ với Nụ đâu hết. Thấy vẻ mặt lơ lơ láo láo, ngơ ngơ ngác ngác của Luy, nhỏ Mừng mới cười cười nói nói:
- Buồn năm phút nghen… Cu Đen... !
Nhỏ Mừng... ác quá! Chưa bao giờ Luy lại giận nhỏ Mừng bằng lúc này!
“Sao Nụ đi mà hổng nói mình tiếng nào dzậy cà!?” – Luy chợt nghe bước chân mình hơi hẩng trên đường đến trường mà đã có đôi lần hai đứa cố ý… tình cờ đi chung lối, Nụ trước Luy sau.
Lê Huy
(Los Angeles, Hè ’05)