Chuyện bếp núc
Tác giả: Lê Minh Khuê
Mọi điều đều có vẻ hoàn hảo đối với người phụ nữ trẻ tuổi: từ công việc, con cái đến tình yêu đối với chồng. Nhưng câu chuyện bắt đầu từ khi người em trai chồng xuất hiện trong ngôi nhà của họ...
- Em không định gì đâu. Nhưng không hiểu sao chiều nay em chả muốn về nhà gì cả. Bao nhiêu là chuyện. Chẳng muốn nói ra nhưng em cứ nghĩ thế này chắc em chết mất. Bạn bè em toàn đứa vô tâm vô tính. Nói ra chúng nó lại bảo mình rách việc. Cứ thích mua dây buộc mình. Mua rắc rối vào thân.
- Em uống nước chanh leo nhé. Cho nó bình tĩnh lại. Rồi nói với anh. Anh là cái hộp có thể giữ được vô khối bí mật trên đời. Anh vô hại như cát bụi thôi. Mấy khi em tìm đến với giới "thừa giấy vẽ voi". Ngành ngân hàng của em, thẻ nhân viên thị trường chứng khoán đâu phải thứ nghe rồi để đó. Đâu phải chuyện chơi. Anh kính phục em sát sàn sạt. Cho anh vào lãnh vực đó anh chết đứng như Từ Hải. Nào uống đi rồi từ từ kể cho thằng họa sĩ rách biết những gì đang làm cho cái máy rút tiền tự động phải chảy mồ hôi.
- Anh còn nói thế nữa em bỏ về liền!
- Thôi. Anh đùa. Bạn bè với nhau từ nhỏ còn chưa biết tính anh sao. Này. Uống nóng. Cái thứ quả lạ nhỉ! Gọi là chanh mà phảng phất mùi ổi chín. Ở đâu ra cái thứ quả quyến rũ này nhỉ!
Thiếu phụ tuổi hai nhăm trông ưu tư đón cốc nước quả từ gã đàn ông ăn mặc như giới trẻ theo đám híp hốp. Gã không tỉa tóc luống cày, không đội mũ len sụp hai tai, không quần thụng rách đầu gối, không đeo dây xích bạc như dây đeo cổ con chó trông nhà. Gã không làm vẻ bặm trợn hoặc khác đời như đám trẻ híp hốp, gã chỉ có vẻ quá tự tin đến mức như "kệ mẹ nó mọi sự". Bù lại hàm râu quai nón xanh xanh cái cằm vuông làm khuôn mặt gã đáng tin. Kiểu đàn ông làm ta có thể nói với anh ta chuyện con gián làm phiền ta trong bếp, con kiến đốt sưng đùi thằng bé nhà em. Nói những chuyện "thấp bé nhẹ cân" ấy mà không sợ anh ta thờ ơ cho là mình dở hơi. Có những người đàn ông làm bạn ta trong cả khi ta có chuyện không muốn nói với bạn gái. Người đàn ông với tâm hồn ngay thẳng, cái nhìn trong sáng là cực kỳ hiếm hoi trong thế giới máy móc sáng choang cái gì cũng tiện cần gì với tay ra là được ngay nhưng cô đơn đến độ không biết chia sẻ với ai cả khi vui. Cũng như lúc muốn khóc.
Thiếu phụ nghĩ miên man. Rồi làm như đang nói dở câu chuyện.
- Anh ạ. Mọi việc bắt đầu khi em trai chồng em tốt nghiệp đại học trong nam không xin được việc làm trong ấy. Ở Sài Gòn hai năm làm từ chân móc cống đến gánh vôi gạch vẫn không có chỗ dừng chân. Thế là chồng em bàn với em, em bảo cứ đưa chú ấy ra rồi tính. Anh em kẻ nam người bắc như thời chia cắt thế thì làm sao còn gọi là ruột thịt đùm bọc... Chú em chồng xách va-li ra. Thuê nhà trọ thì tốn lại vất vả. Em bảo chú ấy về ở với bọn em. Từ khi cưới nhau bây giờ em mới được gặp chú em. Gặp. Em lập tức thấy như mình cắn củ khoai sượng. Hai anh em họ, mọi nét giống nhau. Nhưng mọi vẻ lại khác nhau. Anh có biết rất nhiều trường hợp như thế không. Giống nhau. Gần như hai giọt nước. Nhưng một người ngồi trên núi cao. Một người là bần hàn như ngọn cỏ hôi. Em dùng chữ không đúng lắm. Nhưng anh có thấy thế không?
- Được rồi. Hiểu ý em rồi.
- Nghèo. Không kiếm ra một xu. Nhưng lúc nào cũng tinh tướng. Hắn bảo với em: cái nghề của chị nghe thì có vẻ kêu. Nhưng ở cái xứ có một xu người ta cũng lận vào cạp váy thì bố ai ưa cái kiểu xem bảng chữ mua bán từng cắc. Nhìn mấy thằng làm trong thị trường chứng khoán mà xem. Chắc vài năm thằng nào cũng thần kinh. Chị cứ về làm nội trợ anh của tôi thừa sức nuôi. Đàn bà là phải ở trong bếp. Có thế mới sinh ra cái giống tóc dài chân mỏng như chân vịt.
Anh xem. Miệng lưỡi sắc như dao lam. Cái mặt hắn lúc ấy trông giống kiểu mặt gà mái. Em sởn cả gai ốc. Nhưng phận chị dâu thì phải làm. Em bảo: tháng này chị làm thêm được ít tiền. Chú cầm lấy tiêu vặt. Hắn dửng dưng tay đút túi. Thôi. Chị không phải bận tâm! Biết hắn sĩ diện hão, em để tiền trên nóc tủ lạnh. Lên gác, xuống đã thấy biến mất cái phong bì. Mấy lần như thế, mỗi lần một kiểu, hắn không có chút đàng hoàng nào. Trong nhà còn người này người kia. Đưa sao lại không lấy ngay. Sao cứ thích lén lút. Bữa ăn, hắn chê cái này, gẩy gót cái kia y như là nhà của hắn. Cứ như hắn sinh ra đời không phải để ăn những thứ vớ vẩn này. Miệng thì chê. Tay thì gắp. Bất kể món gì em làm ra đều bị hắn chê. Như tát vào mặt. Nhưng không có gì ghê sợ bằng cái này. Dỗi. Có chuyện gì đó hắn bỏ lên phòng. Gọi ra ăn cơm không ra. Nhưng khi mọi người đi ngủ hắn lần xuống bếp. Mở tủ lạnh. Rón rén như con gián. Có điều này. Hắn thích ở trong bếp. Như một thứ bệnh. Mỗi lần vào bếp thấy hắn, em không dám vào. Hắn như một mụ đàn bà. Hắn vơ bên này, lau bên kia, chân di di từng hạt bụi, tay đập, miệng càm ràm như lên đồng. Cô giúp việc của em sợ quá xin nghỉ một thời gian, giao hẳn cái bếp ấy cho hắn.
Mà hắn hôi hám. Anh ạ. Quần áo chồng em mua cho hàng tủ, ngày nào hắn cũng thay. Nhưng đứng cạnh hắn em không chịu nổi. Hắn như các bà nằm ổ rơm ngày xưa. Ăn cao rắn cao dê cao ngựa. Người lúc nào cũng bốc mùi lợm mửa. Chồng em thì vô tâm vô tư. Chịu được thằng em. Anh ấy không hề nghĩ đến là em không thể can đảm nổi... Mà sao anh lại thở dài?
Thiếu phụ hỏi gã họa sĩ đang uống cà-phê. Gã cười cười như đang nghĩ tới phần đáng nói của câu chuyện.
- Em cứ kể phần sau đi. Anh đoán ra một nửa rồi.
- Anh cứ làm như tinh lắm. Còn lâu.
- Thì kể tiếp đi!
Thiếu phụ ngồi thừ ra. Như không biết làm sao xua nổi ác cảm đang lớn dần lên nữa trong tâm hồn mình.
- Thằng cu nhà em đã được hai tuổi rồi. Cháu hay về bên ngoại. Em và chồng em vẫn sống như một đôi yêu nhau. Nhất là trong những đêm mùa đông. Anh ấy khỏe mạnh. Sạch sẽ. Nồng nàn. Như giới trẻ họ vẫn hát đấy. Nồng nàn, lúc nào cũng làm em không thở được. Mỗi bận là một cái gì mới. Không bao giờ lặp lại. Nhiều khi chồng em ngủ rồi, em nằm ngắm khuôn mặt anh ấy, phát khóc lên vì thấy mình may mắn hạnh phúc. Đi làm căng thẳng. Nhưng mỗi khi có chút thời gian, em đều nghĩ tới một đêm sắp tới với chồng. Được nghe tiếng thở, được xoa bàn tay lên cái lưng đẫm mồ hôi của anh ấy... Nói tóm, em yêu chồng đến độ mỗi đêm với em là được vào một vũ điệu mới. Tất cả trôi đi như trong điệu van. Nói văn vẻ thì như thế. Nhưng nó hay hơn thế nhiều.
- Được rồi. Anh hiểu rồi. Nghe em nói mà anh cũng nóng bừng cả người lên đây!
- Nhưng từ khi chú em chồng vào ở trong nhà em, không hiểu vì sao lại xảy ra nông nỗi này. Mỗi khi chồng em theo thói quen kéo em vào lòng, người em run bắn lên vì sợ hãi. Em ghê tởm. Cảm giác ghê tởm tràn ngập toàn thân. Người em, khô đi, khô từ ngón tay, từ sợi tóc. Em không còn một chút cảm xúc nào.
Thiếu phụ bưng mặt. Không khóc nhưng sự thổn thức như con sóng làm thân thể nàng như xốp đi, nhẹ bỗng, có thể tan biến.
- Cứ mỗi lần nghe anh ấy thở, mỗi lần ngón tay anh ấy theo thói quen dạo trên da thịt em, em lại nghĩ tới hắn - Chú em chồng. Em nghĩ hai anh em đã sinh ra từ trong một buồng trứng. Từng bú một bầu vú, một dòng sữa. Từng chơi với nhau từ nhỏ xíu. Sao chồng em không ngửi thấy mồ hôi toát ra từ con người kinh sợ ấy đang đầu độc không khí? Nghe nói những kẻ keo bẩn, bần tiện, ngu xuẩn, độc ác... thường có mùi rất nặng. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Suy xét, em lại thấy gã em chồng em đáng thương. Đáng thương quá. Vì mặc cảm nghèo, thua thiệt nên thường tỏ ra coi khinh mọi giá trị trên trái đất. Hắn chê từ cụ danh nhân nào đó có học vấn trên trời cho đến anh trí thức mua bằng trong xóm. Hắn chê tuốt mọi thành tựu. Cái gì hắn cũng bĩu môi xem như của rẻ. Cái gì cũng xem khinh. Hắn đáng thương như mấy anh trai làng chỉ nhìn thấy bờ ao xem thiên hạ như bụi cỏ.
Nhưng cảm giác ghê sợ hắn gây ra làm em tắc thở mỗi khi nằm trong chăn với chồng. Thân thể em chống lại quyết liệt dù lý trí em bảo rằng như thế là rất hỏng. Không được như thế. Đã hơn một tháng rồi em sợ mỗi khi tắt đèn. Em nghĩ cứ thế này mãi chắc điên... Nên, hôm nay em chả muốn về nhà. Gã em chồng em chuyển đi rồi anh ạ. Được năm hôm. Chồng em chắc có đọc được cái gì đó nên đã thuê nhà cho hắn. Xin cho hắn một việc làm có kỳ hạn để đủ tiền thuê nhà, tiền ăn.
- Hắn chuyển đi rồi nhưng mọi việc vẫn thế chứ gì?
- Vâng. Em biết là trong nhà không có hắn nữa. Nhưng cái sự anh em ruột nó cứ ám ảnh em. Em nghĩ hay em cũng đã thành con bệnh. Chồng em mấy hôm đầu khi em nguội ngắt, có vẻ ngạc nhiên. Dần dần anh ấy nghi. Em bắt gặp anh ấy tìm cả trong túi đi làm của em xem có gì lạ. Ngửi cả khăn quàng của em. Có lần còn theo em lúc em đi sang nhà mẹ đón thằng bé. Mắt của anh ấy nhìn em thế nào em biết. Nhưng em vẫn không thể nào mềm lại trong tay anh ấy nữa. Hôm qua, lúc nửa đêm em thức dậy thấy anh ấy nằm nhìn trân trân lên trần nhà. Rồi anh ấy nói, đủng đỉnh, như là nghĩ từ lâu lắm ấy. Anh ấy bảo em nghĩ em là ai cơ chứ? Em là một trong hàng ngàn những con vẹt công nghệ. Bắt chước của người ta tài tình thế, máy móc giỏi thế, tiếng nói của người ta cũng nhai lại sành điệu thế, nhưng để biết quý trọng những gì trời cho một cách may mắn thì không. Em nghĩ tình yêu nó tự đến với em đấy à? Hay em hỏng... chi tiết nào trong cái máy người của em rồi...?
Anh ạ, em bị sốc. Khi anh ấy gọi em là con vẹt của công nghệ. Hôm nay em không muốn về nhà, lạ thế đấy. Em đâu phải con vẹt của công nghệ. Nếu như anh ấy biết vì sao...
- Ấy ấy. Đừng nói điều đó ra. Em ruột nghĩa là bản thân anh ta đấy. Em cứ bịa ra một lý do gì đó. Còn cái vụ kia, cái sự liên tưởng kỳ lạ kia, anh nghĩ rồi nó sẽ nhạt dần đi...
- Em không biết nó sẽ như thế nào. Nhưng gã em trai của anh ấy làm sao bằng anh ấy được. Nguyên cái việc anh ấy gọi em là con vẹt công nghệ, em cũng thấy nể rồi. Gã em trai anh ấy chỉ biết thô lỗ vì thấy mình thấp kém, thấy ghen tị với chung quanh. Chồng em không phải như thế. Ồ, em nghĩ lại rồi. Anh ấy hay bao nhiêu ấy chứ.
Gã họa sĩ nheo nheo mắt nhìn thiếu phụ. Gã nhắc, giọng như nói với đứa trẻ đang muốn vứt đi con búp bê đầu tiên:
- Mà anh ấy lại khỏe mạnh. Nồng nàn. Nhất là trong những đêm mùa đông. Phải không?
- Thôi em đi về đây anh ạ. Giờ này chắc chồng em đã về rồi. Em phải qua chợ mua ít thức ăn nữa.
Gã họa sĩ nhìn trời, nói trống không:
- Hôm nay lạnh lắm đấy. Ta nhen bếp lửa, ta lồng tấm chăn - gã cao hứng đọc thơ - thứ thơ tha thiết của thời tinh khiết bây giờ đọc lên người ta bảo đồ dở hơi nhưng câu chuyện của "con vẹt công nghệ" làm gã vừa buồn vừa hoang mang. Thực ra người ta cũng chả phải nguội từ tim gan nguội ra. Người ngợm bao giờ chả xưa như trái đất./.
Mọi điều đều có vẻ hoàn hảo đối với người phụ nữ trẻ tuổi: từ công việc, con cái đến tình yêu đối với chồng. Nhưng câu chuyện bắt đầu từ khi người em trai chồng xuất hiện trong ngôi nhà của họ...
- Em không định gì đâu. Nhưng không hiểu sao chiều nay em chả muốn về nhà gì cả. Bao nhiêu là chuyện. Chẳng muốn nói ra nhưng em cứ nghĩ thế này chắc em chết mất. Bạn bè em toàn đứa vô tâm vô tính. Nói ra chúng nó lại bảo mình rách việc. Cứ thích mua dây buộc mình. Mua rắc rối vào thân.
- Em uống nước chanh leo nhé. Cho nó bình tĩnh lại. Rồi nói với anh. Anh là cái hộp có thể giữ được vô khối bí mật trên đời. Anh vô hại như cát bụi thôi. Mấy khi em tìm đến với giới "thừa giấy vẽ voi". Ngành ngân hàng của em, thẻ nhân viên thị trường chứng khoán đâu phải thứ nghe rồi để đó. Đâu phải chuyện chơi. Anh kính phục em sát sàn sạt. Cho anh vào lãnh vực đó anh chết đứng như Từ Hải. Nào uống đi rồi từ từ kể cho thằng họa sĩ rách biết những gì đang làm cho cái máy rút tiền tự động phải chảy mồ hôi.
- Anh còn nói thế nữa em bỏ về liền!
- Thôi. Anh đùa. Bạn bè với nhau từ nhỏ còn chưa biết tính anh sao. Này. Uống nóng. Cái thứ quả lạ nhỉ! Gọi là chanh mà phảng phất mùi ổi chín. Ở đâu ra cái thứ quả quyến rũ này nhỉ!
Thiếu phụ tuổi hai nhăm trông ưu tư đón cốc nước quả từ gã đàn ông ăn mặc như giới trẻ theo đám híp hốp. Gã không tỉa tóc luống cày, không đội mũ len sụp hai tai, không quần thụng rách đầu gối, không đeo dây xích bạc như dây đeo cổ con chó trông nhà. Gã không làm vẻ bặm trợn hoặc khác đời như đám trẻ híp hốp, gã chỉ có vẻ quá tự tin đến mức như "kệ mẹ nó mọi sự". Bù lại hàm râu quai nón xanh xanh cái cằm vuông làm khuôn mặt gã đáng tin. Kiểu đàn ông làm ta có thể nói với anh ta chuyện con gián làm phiền ta trong bếp, con kiến đốt sưng đùi thằng bé nhà em. Nói những chuyện "thấp bé nhẹ cân" ấy mà không sợ anh ta thờ ơ cho là mình dở hơi. Có những người đàn ông làm bạn ta trong cả khi ta có chuyện không muốn nói với bạn gái. Người đàn ông với tâm hồn ngay thẳng, cái nhìn trong sáng là cực kỳ hiếm hoi trong thế giới máy móc sáng choang cái gì cũng tiện cần gì với tay ra là được ngay nhưng cô đơn đến độ không biết chia sẻ với ai cả khi vui. Cũng như lúc muốn khóc.
Thiếu phụ nghĩ miên man. Rồi làm như đang nói dở câu chuyện.
- Anh ạ. Mọi việc bắt đầu khi em trai chồng em tốt nghiệp đại học trong nam không xin được việc làm trong ấy. Ở Sài Gòn hai năm làm từ chân móc cống đến gánh vôi gạch vẫn không có chỗ dừng chân. Thế là chồng em bàn với em, em bảo cứ đưa chú ấy ra rồi tính. Anh em kẻ nam người bắc như thời chia cắt thế thì làm sao còn gọi là ruột thịt đùm bọc... Chú em chồng xách va-li ra. Thuê nhà trọ thì tốn lại vất vả. Em bảo chú ấy về ở với bọn em. Từ khi cưới nhau bây giờ em mới được gặp chú em. Gặp. Em lập tức thấy như mình cắn củ khoai sượng. Hai anh em họ, mọi nét giống nhau. Nhưng mọi vẻ lại khác nhau. Anh có biết rất nhiều trường hợp như thế không. Giống nhau. Gần như hai giọt nước. Nhưng một người ngồi trên núi cao. Một người là bần hàn như ngọn cỏ hôi. Em dùng chữ không đúng lắm. Nhưng anh có thấy thế không?
- Được rồi. Hiểu ý em rồi.
- Nghèo. Không kiếm ra một xu. Nhưng lúc nào cũng tinh tướng. Hắn bảo với em: cái nghề của chị nghe thì có vẻ kêu. Nhưng ở cái xứ có một xu người ta cũng lận vào cạp váy thì bố ai ưa cái kiểu xem bảng chữ mua bán từng cắc. Nhìn mấy thằng làm trong thị trường chứng khoán mà xem. Chắc vài năm thằng nào cũng thần kinh. Chị cứ về làm nội trợ anh của tôi thừa sức nuôi. Đàn bà là phải ở trong bếp. Có thế mới sinh ra cái giống tóc dài chân mỏng như chân vịt.
Anh xem. Miệng lưỡi sắc như dao lam. Cái mặt hắn lúc ấy trông giống kiểu mặt gà mái. Em sởn cả gai ốc. Nhưng phận chị dâu thì phải làm. Em bảo: tháng này chị làm thêm được ít tiền. Chú cầm lấy tiêu vặt. Hắn dửng dưng tay đút túi. Thôi. Chị không phải bận tâm! Biết hắn sĩ diện hão, em để tiền trên nóc tủ lạnh. Lên gác, xuống đã thấy biến mất cái phong bì. Mấy lần như thế, mỗi lần một kiểu, hắn không có chút đàng hoàng nào. Trong nhà còn người này người kia. Đưa sao lại không lấy ngay. Sao cứ thích lén lút. Bữa ăn, hắn chê cái này, gẩy gót cái kia y như là nhà của hắn. Cứ như hắn sinh ra đời không phải để ăn những thứ vớ vẩn này. Miệng thì chê. Tay thì gắp. Bất kể món gì em làm ra đều bị hắn chê. Như tát vào mặt. Nhưng không có gì ghê sợ bằng cái này. Dỗi. Có chuyện gì đó hắn bỏ lên phòng. Gọi ra ăn cơm không ra. Nhưng khi mọi người đi ngủ hắn lần xuống bếp. Mở tủ lạnh. Rón rén như con gián. Có điều này. Hắn thích ở trong bếp. Như một thứ bệnh. Mỗi lần vào bếp thấy hắn, em không dám vào. Hắn như một mụ đàn bà. Hắn vơ bên này, lau bên kia, chân di di từng hạt bụi, tay đập, miệng càm ràm như lên đồng. Cô giúp việc của em sợ quá xin nghỉ một thời gian, giao hẳn cái bếp ấy cho hắn.
Mà hắn hôi hám. Anh ạ. Quần áo chồng em mua cho hàng tủ, ngày nào hắn cũng thay. Nhưng đứng cạnh hắn em không chịu nổi. Hắn như các bà nằm ổ rơm ngày xưa. Ăn cao rắn cao dê cao ngựa. Người lúc nào cũng bốc mùi lợm mửa. Chồng em thì vô tâm vô tư. Chịu được thằng em. Anh ấy không hề nghĩ đến là em không thể can đảm nổi... Mà sao anh lại thở dài?
Thiếu phụ hỏi gã họa sĩ đang uống cà-phê. Gã cười cười như đang nghĩ tới phần đáng nói của câu chuyện.
- Em cứ kể phần sau đi. Anh đoán ra một nửa rồi.
- Anh cứ làm như tinh lắm. Còn lâu.
- Thì kể tiếp đi!
Thiếu phụ ngồi thừ ra. Như không biết làm sao xua nổi ác cảm đang lớn dần lên nữa trong tâm hồn mình.
- Thằng cu nhà em đã được hai tuổi rồi. Cháu hay về bên ngoại. Em và chồng em vẫn sống như một đôi yêu nhau. Nhất là trong những đêm mùa đông. Anh ấy khỏe mạnh. Sạch sẽ. Nồng nàn. Như giới trẻ họ vẫn hát đấy. Nồng nàn, lúc nào cũng làm em không thở được. Mỗi bận là một cái gì mới. Không bao giờ lặp lại. Nhiều khi chồng em ngủ rồi, em nằm ngắm khuôn mặt anh ấy, phát khóc lên vì thấy mình may mắn hạnh phúc. Đi làm căng thẳng. Nhưng mỗi khi có chút thời gian, em đều nghĩ tới một đêm sắp tới với chồng. Được nghe tiếng thở, được xoa bàn tay lên cái lưng đẫm mồ hôi của anh ấy... Nói tóm, em yêu chồng đến độ mỗi đêm với em là được vào một vũ điệu mới. Tất cả trôi đi như trong điệu van. Nói văn vẻ thì như thế. Nhưng nó hay hơn thế nhiều.
- Được rồi. Anh hiểu rồi. Nghe em nói mà anh cũng nóng bừng cả người lên đây!
- Nhưng từ khi chú em chồng vào ở trong nhà em, không hiểu vì sao lại xảy ra nông nỗi này. Mỗi khi chồng em theo thói quen kéo em vào lòng, người em run bắn lên vì sợ hãi. Em ghê tởm. Cảm giác ghê tởm tràn ngập toàn thân. Người em, khô đi, khô từ ngón tay, từ sợi tóc. Em không còn một chút cảm xúc nào.
Thiếu phụ bưng mặt. Không khóc nhưng sự thổn thức như con sóng làm thân thể nàng như xốp đi, nhẹ bỗng, có thể tan biến.
- Cứ mỗi lần nghe anh ấy thở, mỗi lần ngón tay anh ấy theo thói quen dạo trên da thịt em, em lại nghĩ tới hắn - Chú em chồng. Em nghĩ hai anh em đã sinh ra từ trong một buồng trứng. Từng bú một bầu vú, một dòng sữa. Từng chơi với nhau từ nhỏ xíu. Sao chồng em không ngửi thấy mồ hôi toát ra từ con người kinh sợ ấy đang đầu độc không khí? Nghe nói những kẻ keo bẩn, bần tiện, ngu xuẩn, độc ác... thường có mùi rất nặng. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Suy xét, em lại thấy gã em chồng em đáng thương. Đáng thương quá. Vì mặc cảm nghèo, thua thiệt nên thường tỏ ra coi khinh mọi giá trị trên trái đất. Hắn chê từ cụ danh nhân nào đó có học vấn trên trời cho đến anh trí thức mua bằng trong xóm. Hắn chê tuốt mọi thành tựu. Cái gì hắn cũng bĩu môi xem như của rẻ. Cái gì cũng xem khinh. Hắn đáng thương như mấy anh trai làng chỉ nhìn thấy bờ ao xem thiên hạ như bụi cỏ.
Nhưng cảm giác ghê sợ hắn gây ra làm em tắc thở mỗi khi nằm trong chăn với chồng. Thân thể em chống lại quyết liệt dù lý trí em bảo rằng như thế là rất hỏng. Không được như thế. Đã hơn một tháng rồi em sợ mỗi khi tắt đèn. Em nghĩ cứ thế này mãi chắc điên... Nên, hôm nay em chả muốn về nhà. Gã em chồng em chuyển đi rồi anh ạ. Được năm hôm. Chồng em chắc có đọc được cái gì đó nên đã thuê nhà cho hắn. Xin cho hắn một việc làm có kỳ hạn để đủ tiền thuê nhà, tiền ăn.
- Hắn chuyển đi rồi nhưng mọi việc vẫn thế chứ gì?
- Vâng. Em biết là trong nhà không có hắn nữa. Nhưng cái sự anh em ruột nó cứ ám ảnh em. Em nghĩ hay em cũng đã thành con bệnh. Chồng em mấy hôm đầu khi em nguội ngắt, có vẻ ngạc nhiên. Dần dần anh ấy nghi. Em bắt gặp anh ấy tìm cả trong túi đi làm của em xem có gì lạ. Ngửi cả khăn quàng của em. Có lần còn theo em lúc em đi sang nhà mẹ đón thằng bé. Mắt của anh ấy nhìn em thế nào em biết. Nhưng em vẫn không thể nào mềm lại trong tay anh ấy nữa. Hôm qua, lúc nửa đêm em thức dậy thấy anh ấy nằm nhìn trân trân lên trần nhà. Rồi anh ấy nói, đủng đỉnh, như là nghĩ từ lâu lắm ấy. Anh ấy bảo em nghĩ em là ai cơ chứ? Em là một trong hàng ngàn những con vẹt công nghệ. Bắt chước của người ta tài tình thế, máy móc giỏi thế, tiếng nói của người ta cũng nhai lại sành điệu thế, nhưng để biết quý trọng những gì trời cho một cách may mắn thì không. Em nghĩ tình yêu nó tự đến với em đấy à? Hay em hỏng... chi tiết nào trong cái máy người của em rồi...?
Anh ạ, em bị sốc. Khi anh ấy gọi em là con vẹt của công nghệ. Hôm nay em không muốn về nhà, lạ thế đấy. Em đâu phải con vẹt của công nghệ. Nếu như anh ấy biết vì sao...
- Ấy ấy. Đừng nói điều đó ra. Em ruột nghĩa là bản thân anh ta đấy. Em cứ bịa ra một lý do gì đó. Còn cái vụ kia, cái sự liên tưởng kỳ lạ kia, anh nghĩ rồi nó sẽ nhạt dần đi...
- Em không biết nó sẽ như thế nào. Nhưng gã em trai của anh ấy làm sao bằng anh ấy được. Nguyên cái việc anh ấy gọi em là con vẹt công nghệ, em cũng thấy nể rồi. Gã em trai anh ấy chỉ biết thô lỗ vì thấy mình thấp kém, thấy ghen tị với chung quanh. Chồng em không phải như thế. Ồ, em nghĩ lại rồi. Anh ấy hay bao nhiêu ấy chứ.
Gã họa sĩ nheo nheo mắt nhìn thiếu phụ. Gã nhắc, giọng như nói với đứa trẻ đang muốn vứt đi con búp bê đầu tiên:
- Mà anh ấy lại khỏe mạnh. Nồng nàn. Nhất là trong những đêm mùa đông. Phải không?
- Thôi em đi về đây anh ạ. Giờ này chắc chồng em đã về rồi. Em phải qua chợ mua ít thức ăn nữa.
Gã họa sĩ nhìn trời, nói trống không:
- Hôm nay lạnh lắm đấy. Ta nhen bếp lửa, ta lồng tấm chăn - gã cao hứng đọc thơ - thứ thơ tha thiết của thời tinh khiết bây giờ đọc lên người ta bảo đồ dở hơi nhưng câu chuyện của "con vẹt công nghệ" làm gã vừa buồn vừa hoang mang. Thực ra người ta cũng chả phải nguội từ tim gan nguội ra. Người ngợm bao giờ chả xưa như trái đất./.