Con Thắm
Tác giả: Lê Minh Nhựt
AT - Con Thắm kể lúc còn ở quê nó chuyên đi hái bông so đũa đem ra chợ bán, cái bông trắng tinh giống bông đậu nhưng lớn hơn nhiều. Có lần nó đội thau bông đi vô hẻm, người ta hỏi một ký bao nhiêu tiền. Nó trả lời là năm ngàn, ai cũng trề môi chê mắc, còn bảo không chừng ăn chết dại cho coi. Nó tức cành hông bưng đi một nước, lúc trở ra vướng tấm bảng hiệu cửa tiệm làm đổ tứ tung. Quê hết chỗ nói!
Nghề của con Thắm là nghề bán “hàng bông trên bờ”, khỏi cần vốn liếng chi hết, chỉ cần chịu khó đi lượm lặt mấy thứ rau ở vườn. Như hái bông so đũa thì kiếm cây trúc dài rồi làm cái móc, đi dọc theo con đê vào mấy tháng gần tết, ngửa cổ lên trời cứ thế mà giựt cho bông rớt xuống rồi lượm bỏ vào giỏ. Mấy ngày đầu chưa quen nên hai bên cổ đau thấy mồ tổ, về nhà phải lấy dầu cù là xức lên rồi đánh gió. Nóng gần chết! Dần dà rồi cũng quen. Nó mê luôn lúc nào không biết.
Bữa nào làm siêng hái từ mờ sáng đến trưa cũng được năm sáu ký bông búp đem về tưới nước cho mát để dành sáng hôm sau đem bán. Nói thiệt, con Thắm mê hái bông so đũa chớ kỳ thực nó chẳng thích ăn thứ bông này chút nào. Thứ bông gì mà đắng nghét, chỉ được nước trắng không gì trắng bằng. Nếu chỉ nhìn bông chắc có nhiều người tưởng là một loài hoa đài các bị đày về chốn quê mùa làm bạn với con Thắm. Mà không hiểu sao dân chợ người ta mê ăn nó lắm, có lúc một ký mười ngàn cũng mua ăn cho bằng được. Chắc họ đã ngán mấy thứ rau ở chợ xài thuốc rầy thuốc sâu nên tìm về hương đồng cỏ nội đó mà (nhờ vậy mà con Thắm có công ăn việc làm).
Hết mùa bông so đũa, con Thắm xách giỏ lội lòng vòng theo bờ ruộng mé đìa hái rau muống đồng, nhổ bông súng, rau dừa để tiếp tục duy trì “nghề hàng bông” của mình. Chỗ nào có rau đồng nó thuộc như lòng bàn tay vì lúc còn nhỏ xíu nó đã theo mẹ lội lũm chủm hết ruộng này sang ruộng kia chừng nào đầy nhóc giỏ xách xệ tay mới về. Lúc đó con Thắm còn nhỏ lắm có hái được bao nhiêu, ngắt được vài ba lọn là nó than mỏi tay leo lên bờ ngồi nghỉ. Ngứa tay ngứa chân thì móc hang cua đồng bẻ ngoe lặt càng hết, bỏ đầy nhóc hai bên túi áo để dành về nhà giã nát nấu canh bồ ngót ăn mát trời ông địa.
Có khi mẹ nó dưới mé đìa lội lên kêu rát cổ họng mới thấy nó lóp ngóp chui ra khỏi giề bông súng ngoác miệng cười hì hì. Chơi trò trốn tìm kiểu này với mẹ mạo hiểm lắm vì lần nào mẹ nó kiếm gặp là chắc ăn nó bị mấy cái phát vào mông. Nhưng nó đâu có sợ, mẹ nó đánh nhẹ hều hà. Mẹ mà đánh mạnh là nó khóc dữ lắm, dỗ cỡ nào cũng không chịu nín, vừa khóc vừa kêu: “Cha ơi, mẹ đánh con!”. Vậy là cả mẹ nó cũng khóc! Bởi nó có cha đâu để gọi.
Mười tám tuổi nó chưa biết mang một đôi guốc, cầm một thỏi son thoa lên môi, quanh năm chỉ có mấy bộ đồ bà ba cũ sì của mẹ nó sửa lại. Quanh năm suốt tháng tay xách nách mang mấy cái giỏ rau “gia truyền”. Lòng vòng trong xóm con gái bằng tuổi nó không lấy chồng thì đã có bạn trai hết, chiều chiều cặp kè đèo nhau trên xe hoặc đi mua sắm. Như con nhỏ Lan cùng học chung hồi năm lớp 2, nghỉ học cũng một lượt với nó rồi đi bán vé số, vậy mà đùng một cái may mắn cặp bồ với chàng quí tử con nhà giàu.
Vậy là từ một con bé lọ lem, con Lan lột xác thành nàng công chúa. Quần là áo lượt, xài toàn hàng đắt tiền, mở miệng ra y chang như dân chơi sành điệu. Gặp bạn bè cũ nó hất cái bản mặt trát đầy son phấn lên trời thấy phát ghét. Nhưng con Thắm ngưỡng mộ nhỏ Lan lắm, nó ao ước phải chi mình cũng có cái phước phần như con Lan. Nó đã quá chán chường cái cảnh tay xách nách mang mấy giỏ rau lắm rồi, bằng mọi cách nó phải thoát khỏi ngôi nhà mà lúc nào cũng dằn lòng chịu đựng những tiếng thở dài sườn sượt của mẹ nó.
Rồi nó cũng được toại nguyện, nghĩa là cũng giống như con Lan trong chớp mắt tự dưng lột xác thành công chúa. Dĩ nhiên, con Thắm có cách riêng của nó, sao cũng được miễn vĩnh viễn không còn là con Thắm bán hàng bông khi xưa. Nhưng sau này con Thắm lại nói đấy là một cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong cuộc đời của nó và cảm thấy vô cùng hối tiếc khi đã trót dấn thân vào những cuộc chơi đầy mạo hiểm rồi phải trả bằng một cái giá hết sức đắt đó là cả tuổi thanh xuân của mình.
Nếu như có một điều ước, nó chỉ xin được lại là một con Thắm nhà quê chuyên đi hái bông so đũa đem bán, một con Thắm vẹn nguyên từ hình hài đến tâm hồn của thuở cha mẹ mới sinh ra chứ không phải Hồng, Huệ hay Thủy Tiên, Ngọc Cúc nào khác. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng thôi Thắm ơi!
Bây giờ nó đang ở giữa những bức tường, giữa những cô gái chàng trai cũng giống như nó. Họ còn trẻ lắm. Đáng lẽ chỗ của họ phải là bên ngoài với trời trong mây trắng ríu rít tiếng chim ca, với lòng nhiệt thành cống hiến dựng xây cho đời chứ đâu phải chỉ nhìn nhau thở dài hối tiếc chờ đến giai đoạn cuối của căn bệnh quái ác rồi vật vã ra đi. Rồi quá khứ, hoài niệm cứ thay phiên nhau hành hạ. Đau đớn lắm!
Con Thắm kể về nụ hôn đầu đời của nó. Nó còn nhớ như in cái hôm bị tiếng “sét ái tình”... ngay giữa ruộng. Như mọi bữa, sau khi “thu hoạch” xong nó phóng đại xuống cái ao gần nhất ngoi lên hụp xuống cho đến khi nào thấy “no nước” mới chịu leo lên bờ về. Không biết trời xui đất khiến sao mà lần ấy mới lặn có mấy hơi, vừa trồi đầu lên đã thấy một thằng con trai đứng sừng sững trên bờ lom lom dòm nó, còn nói bằng cái giọng phát ghét. Nó nói ao cá nuôi, con Thắm xuống lặn làm cá chết hết còn gì.
Con Thắm đâu có ngán, nó leo lên bờ chống nạnh hai quai nạt lại: “Sợ chết thì đừng có nuôi!”. Mấy lần sau, con Thắm cũng gặp thằng con trai đó. Con Thắm không ưa chút nào nhưng không hiểu sao nó vẫn ra chỗ đó hái rau dù chẳng còn thứ rau gì để hái. Kỳ cục thiệt! Rồi nó lại hẹn hò với thằng đó mới ngộ, làm như ghét của nào trời trao của ấy vậy. Một kiểu hẹn hò lạ đời nhất từ xưa đến nay là... ngay trên mé đìa. Hai đứa chỉ nói chuyện trời trăng mây nước, từ chuyện hái rau mùa nào là ngon nhất, cách bảo quản ra sao để khi đem bán khỏi bị héo, đến chuyện con cá lia thia nhả bọt kiểu gì thì biết có nguyên cặp trống mái…
Rồi chuyện ấy cũng đến, tức là hun đó mà. Thằng con trai ghì con Thắm xuống mé đìa hôn lên trán, lên mắt rồi lên môi nó y như trong phim; nó cũng chẳng thèm giãy giụa chi hết, cứ nằm im re mở mắt thao láo mà nhìn. Rồi sau đó đạp một cái thiệt mạnh bảo: “Người gì mà hôi sình khét nắng y như con cua đồng”! Nói xong, nó vùng chạy như bay về nhà mà không thèm quay lại nhìn, chắc là lúc đó mặt “ghệ” nó sượng ngắt giống như củ khoai mì mắc nước. Mấy lần sau nữa thì cũng y chang như như vậy, tức là chỉ có “hun” thôi, “hun búa xua” hết trơn.
Sau này con Thắm hun nhiều và bị hun cũng nhiều, nó không nhớ chi tiết như nụ hôn đầu đời. Nhưng nó nói mấy nụ hôn sau này đều na ná như nhau: đều nồng nặc mùi rượu bia và thuốc lá. Bây giờ tự dưng nó lại thèm được ăn canh chua bông so đũa nấu với cá chốt, hễ nhắm mắt là nó lại thấy rợp một màu trắng của bông so đũa. Mà đâu chừng tháng này cây so đũa ở quê nó cũng đến mùa rợp bông rồi.
Từ lúc vào trong này đến giờ, thằng con trai đó có đến thăm vài lần, mà con Thắm cũng đã ốm dữ lắm rồi. Nó chỉ ngồi dựa tường nói chuyện, thỉnh thoảng lại ho rũ rượi nên đâu nói được bao nhiêu. Còn thằng con trai ấy ngồi nín thinh một góc giường, lâu lâu mới trả lời vài tiếng.
Lần gặp cuối cùng, thằng con trai ấy mới hỏi con Thắm có muốn ăn gì thì nó mua giùm cho. Con Thắm lắc đầu bảo không muốn ăn gì hết, chỉ thèm được hun, rồi nó nhìn thằng con trai thật lâu. Rốt cục chỉ nghe có tiếng thở dài thiệt là buồn. Chỉ có thở dài mà thôi...
LÊ MINH NHỰT (Cà Mau)