Quý nhân đến nhà
Tác giả: Lê Ngọc Minh
Chính cái “mác” cán bộ lương thực cộng với hai câu thơ có “khóe thu ba” đã khiến con gái ông hàng thịt, vợ Nò bây giờ, theo không hắn bằng cách dạy cho hắn làm đàn ông sau một bữa cháo lòng tiết canh nóng hôi hổi vào lúc ba giờ sáng và ít lâu sau, thị bảo có thai, bắt hắn phải cưới để bảo toàn danh giá cho họ hàng, cho bố mẹ thị.
Đã mấy hôm nay, Lê Xuân Nò lo lắng cho chuyến đi chơi xuân đến rạc cả người nhưng trong lòng thì rất kiêu hãnh với mụ vợ lắm điều. Mụ đã nhiều lần tỏ ra khinh hắn không có bạn, không biết giao tiếp. Người ta giàu vì bạn, sang vì vợ. Cứ theo mụ, mụ đã làm cho hắn sang ra nhiều nhưng nhà hắn chưa giàu có lẽ vì hắn chả có quý nhân nào phù trợ cả, tết nhất chả ai biếu xén được đồng cắc nào. Ngay cả khi bố hắn chết cũng chỉ có một vòng hoa của Hội Bảo thọ xã.
Lần này thì khác, hắn vừa chắp mối được với hội bạn học cũ, cái hội bạn lớp 10B của hắn hiện nhiều đứa đang có chức tước trên tỉnh. Cứ điểm mặt sơ sơ đã thấy toàn những nhân vật có cỡ đáng nể: Thằng Đình là Giám đốc Sở Thủy lợi, cái Tần là Phó giám đốc Sở Giáo dục, cái An là Trưởng phòng Ngoại hối của Ngân hàng Đầu tư, thằng Bộ là Chủ tịch Liên đoàn lao động thị xã... Đứa xoàng nhất là thằng Tình cũng đang chủ nhiệm một lớp năng khiếu của Trường trung học phổ thông có tiếng vào loại bậc nhất của tỉnh.
Hắn được biết cái hội 10B trên tỉnh đã có truyền thống họp mặt đầu năm đâu từ hồi 1996. Người đưa tin và mời hắn là Tuân, bạn cùng lớp, thượng tá quân đội về hưu non giờ đang là một doanh nhân có máu mặt. Nhà Tuân được đặt là bản doanh cho các cuộc gặp định kỳ đầu năm. Theo Tuân nói, bạn cũ đến ăn bánh chưng với nhau. Ai có niềm vui nỗi buồn gì thì bày tỏ để cùng mừng cùng lo trong năm mới. Cứ theo Tuân thì cái hội 10B đã giúp nhau được nhiều việc lắm. Cụ thể là đã giúp Tần xây được nhà ba tầng rưỡi, giúp An kéo được ông chồng hay có tính “dập dìu lá gió cành chim” trở về với tổ ấm, giúp Bộ chuyển công tác từ biên giới về thị xã, v.v... Riêng thầy giáo Tình đã phát hiện ra tám học sinh có năng khiếu là con cái của hội 10B, bồi dưỡng giới thiệu cho các kỳ thi học giỏi, ba cháu đã đoạt giải quốc gia, một cháu được đi thi toán quốc tế, các cháu còn lại đều đỗ điểm cao vào đại học ngon lành.
Lê Xuân Nò đem những thông tin ấy về khoe, vợ hắn bảo: “Bạn anh giỏi thế, anh thử nhờ cải tạo cái thằng Nội nhà mình đi. Tôi không cần nó là giáo sư, tiến sĩ gì mà chỉ cần được lên tỉnh làm việc cho khuất mắt. Nhìn cái mặt ngu đần của nó, tôi sốt tiết lắm rồi!”. Hắn cười khinh mạn nhìn vợ: “Trình độ cô thì chỉ dám ước có thế thôi cũng phải. Còn tôi, tôi sẽ nhờ cậu Tình bồi dưỡng để nó đi thi kỹ sư, bác sĩ”.
Nghe thế, vợ hắn chép miệng đánh choẹt một cái. Lê Xuân Nò rất căm động tác này của mụ vợ. Nhưng rồi hắn không dại gì mà dây vào. Những lúc như thế hắn cứ thầm nhủ: “Một câu nhịn, chín câu lành. Thắng đàn bà thì có vinh quang gì, nó chửi tục dại mặt”. Dằn lòng là vậy nhưng từ thẳm sâu hắn rất căm mụ.
Mụ vợ Lê Xuân Nò cứ luôn ngang phè, cứ có kiểu ăn nói mà theo hắn chỉ thấy ở lũ lưu manh côn đồ. Chỉ cần hắn có lời nói, cử chỉ hơi trái ý mụ là ngọn lửa hận thù ấy lại bùng lên. Mặc dù mụ đến với hắn là tự nguyện, thậm chí còn theo không hắn. Mụ vốn xuất thân trong một gia đình bán thịt lợn. Mụ giống bà mẹ, dáng người cao ráo, da trắng và cặp mắt mà đã ví như “khóe thu ba”. Nò còn làm cả thơ để tặng mụ và dành cho đôi mắt đó hai câu thơ, hai câu thơ có tính quyết định để mụ trao trọn trái tim thiếu nữ cho Lê Xuân Nò. Đến bây giờ thỉnh thoảng mụ lại đem hai câu thơ đó ra giễu hắn và khẳng định Nò “thó” của ai, chứ sau khi lấy nhau, mụ không thấy Nò phát tiết gì về thơ cả.
Những lúc mụ dẩu mỏ, mắt long lên, ném cái nhìn như những chiếc đầu đạn về phía hắn, hắn cắn răng nuốt giận, nuốt cả ý nghĩ: “Tại sao mình lại làm thơ về đôi mắt của con nặc nô này nhỉ?”. Nhưng rồi khi bình tĩnh lại, trong hắn có sự thông cảm với cơn nộ khí của mụ. Vì thế, cứ có cơ hội là mụ giở trò khích bác hắn.
Hôm nay cũng vậy, lúc hắn đang cẩn thận sửa lại cái ca vát Tầu màu đỏ chóe ở cổ cồn áo trắng, mụ dài giọng nói: “Diện vừa thôi, biết có nên cơm cháo gì mà hí hửng!”. Hắn cười một cách khinh khi: “Đợi đấy!”. Xoa một ít thuốc nẻ cho da mặt đỡ khô, Nò khe khẽ huýt sáo, dắt xe, nổ máy rồ ga từ sân phóng thẳng ra cái ngõ ống dài hun hút.
Ngoài đường cái, thỉnh thoảng hắn lại nghé mắt nhìn vào gương chiếu hậu, khẽ tủm tỉm. Hắn nhủ thầm: “Mình vận thế này ngồi với đám bạn có chức quyền trên tỉnh cũng chả đến nỗi cóc cáy gì”.
Hắn theo địa chỉ mà Thượng tá Tuân đưa hôm trước tìm đến một phố làng nằm giữa lòng thị xã. Đang định dắt xe vào ngôi nhà có vườn hoa cây cảnh um tùm phía trước, hắn chợt thốt lên một câu tục tĩu: “Mẹ kiếp! Thế đếch nào lại gặp thằng chó chết ở đây!”. Thốt lên như thế và hắn nhanh chóng lùi xe ra xa rồi mới dám nổ máy, phóng đi như một kẻ chạy trốn.
Dọc đường về nhà, hắn chán ngán luôn miệng văng tục chửi đổng một mình. Hắn lo sẽ giải thích với mụ vợ lắm điều thế nào đây? Trước mắt hắn lại hiện ra cái mặt của “thằng chó chết” mà hắn chửi tục lúc nãy. Hắn lẩm bẩm: “Năm nay làm sao nó lại mò về đây cơ chứ? Tại sao mình không hỏi Tuân trước nhỉ?”.
Mặc dù rất rối trí, rất tẽn tò khi sẽ phải đối mặt với mụ vợ ở nhà, hắn vẫn không quên được một mảnh hồi ức màu đen mà bấy lâu nay hắn thấy không đáng nhớ
Cách đây mấy mươi năm, ở cái làng cuối sông đầu bể xa đường cái thăm thẳm, hắn được xem như một cậu công tử trâm anh thế phiệt cấp làng, bởi hắn có ông bố làm trưởng phòng nông nghiệp của huyện. Làng có dăm người đi học trường huyện nhưng chỉ hắn là con cán bộ thoát ly, lại là chủ nhân của một chiếc xe đạp Phượng hoàng. Hắn yêu chìm yêu nổi cô gái cùng lớp cùng làng tên là Tâm nhưng không làm sao lung lay được trái tim cô nữ sinh thôn dã này. Đã thế hình như Tâm đã có tình ý với một cậu khác xóm cùng làng với Nò tên là Chừng, kẻ có thù riêng với nhà hắn.
Về hình thức và học lực thì Chừng hơn hẳn Nò nhưng Chừng con nhà nghèo lại mồ côi, họ hàng ít. Ngày ngày Chừng phải đi bộ 10 cây số, về bộ 10 cây để theo học trường huyện, còn Nò thì luôn ngự trên chiếc xe đạp Phượng hoàng xích hộp, râu tôm kêu tanh tách. Nò sướng nhất là những ngày mưa rét, khi Chừng lõm cõm vừa đi, vừa chạy trên đường cái đá dăm cho kịp giờ học thì Nò phóng chiếc Phượng hoàng bấm chuông reng reng vút qua. Các tối thứ bảy, Nò diện bộ gabađin mua bằng phiếu vải cán bộ của ông bố, đeo chiếc đài Xionmao cũng của ông bố đến nhà Tâm, vặn oang oang cho cả nhà Tâm nghe. Mấy bà hàng xóm đến nghe nhờ cứ khen Tâm tốt số, bà mẹ Tâm sắp kén được rể giàu.
Nhưng sự đời lại cứ trái khoáy. Tâm một mực từ chối Nò để yêu Chừng, một kẻ kiết xác, lý lịch nội tộc thì có ông chú ruột đã có lần “ra” khỏi hợp tác xã, tháng ba ngày tám thường bỏ sản xuất đi làm thợ xây trên tỉnh. Nò đem tất cả nông nỗi tình cảm của mình tâm sự với ông bố trưởng phòng. Nghe xong, ông bảo con trai một cách khẳng định:
- Để bố lo !
Ông bố lo bằng cách trực tiếp đến nói chuyện người lớn với mẹ Tâm. Ông bảo bà mẹ gọi Tâm ra, ông khen Tâm học giỏi có triển vọng, lý lịch cơ bản, ông sẽ can thiệp với bên phòng giáo dục cho Tâm đi học nước ngoài để phát triển tài năng còn như muốn làm việc nhàn nhã ngay thì ông sẽ xin cho làm văn phòng ở huyện. Cuối cùng thì ông ngỏ ý muốn Tâm sẽ là dâu con trong nhà. Tâm cúi đầu từ chối ông bằng câu: “Thưa bác, cháu chưa nghĩ đến chuyện đó”. Ông trưởng phòng dịu dàng: “Bác cũng có nghe tình cảm riêng tư của cháu, thanh niên hay phải lòng mặt mà không nhìn rõ bản chất của nhau. Cháu phải hết sức cảnh giác mới được”. Tâm nhìn ông hỏi: “Thưa bác, cháu phải cảnh giác gì ạ ?”. Ông trưởng phòng nói thẳng ra: “Ai chả biết cháu đang có tình cảm với cậu Chừng. Nói thật với cháu, thằng ấy thì không bao giờ mở mắt được đâu. Cháu nói thật đi, chúng mày đã sâu nặng lắm rồi phải không?”. Tâm đáp ráo hoảnh: “Đó là việc riêng, bác không nên tò mò”. Không ngờ bị phản ứng, ông trưởng phòng có gốc gác là một cán bộ xã đập bàn quát: “Bác phụ trách nông nghiệp của cả huyện mà mày dám nói xược thế à? Bác báo với hiệu trưởng cấp ba một câu là mày phải về nhà đi cày đấy!”. Tâm cười bướng bỉnh: “Tùy bác”.
Một lần đi bán mía trên chợ tỉnh, Chừng mua được một chiếc quần quân trang màu ô liu của đám người chuyên buôn quần áo trao tay. Mất thêm ít tiền nữa, anh vào hiệu may thị xã sửa cạp quần cho vừa bụng. Chừng hãnh diện mặc chiếc quần mới cứng đã được chị thợ may là có ly ở hai ống đi học thì bị công an xóm bắt. Lý do là hôm trước một anh tân binh đóng quân ở làng cũng mất một chiếc quần, mầu sắc, cỡ số giống như cái quần Chừng mặc. Chừng giải thích cách gì cũng không lại với ông công an xóm là anh rể của Lê Xuân Nò. Người trong làng bán tín bán nghi còn ông chú ruột của Chừng thì đau khổ nói với thằng cháu mồ côi: “Tại chú, họ trả thù đấy thôi!”. Ông chú nói rồi kể cho Chừng nghe cái dạo ông trưởng phòng, bố của Lê Xuân Nò mất chức phó chủ tịch tài mậu xã vì chuyện tham ô tiền xây dựng Trường cấp I. Đang từ một ông ngồi bàn giấy trở thành dân thường, ông ta cũng phải cổ cày vai bừa, gồng gánh phân tro như những nông dân trong làng.
Hồi ấy ông chú của Chừng chưa đầy 30 tuổi, tính lại hay bôi bác, pha trò. Thấy ông cựu phó chủ tịch lòng khòng quẩy gánh phân, ông vỗ vai ông ta đùa: “Ngồi bàn giấy, nay phải gánh phân, có đau vai không?”. Ông phó cựu cười gượng: “Đang quen dần”. Cười thế nhưng ông phó cựu ức ngầm đầy bụng. Năm sau, nhờ có ô dù, ông phó cựu được điều lên huyện phụ trách xưởng máy kéo rồi ít lâu sau ông được đề bạt là trưởng phòng nông nghịêp. Cứ chiều thứ bảy là ông đeo đài, đi xe Favorít về làng oách hơn hẳn ngày trước nhiều. Một lần phải phanh đến cháy lốp vì ông chú của Chừng đang rạp người lôi xe than lên dốc chắn ngang đường, ông trưởng phòng cười nửa miệng hỏi kẻ đã bỉ báng ông ngày trước: “Vẫn kiếp trâu bò thế à?”. Ông chú Chừng cũng không phải tay vừa. Ông đốp chát lại: “Cái nòi ăn bẩn không bền được đâu”. Và cũng từ đấy, ông chú của Chừng bị chụp cái mũ xúc phạm lãnh đạo.
Việc Chừng bị công an xóm bắt quả tang lấy cắp đồ quân trang được Lê Xuân Nò đưa ra cuộc họp lớp. Chỉ có dăm người theo phe Nò đòi kỷ luật đuổi học Chừng. Nò còn chất vấn Chừng: “Có tổ chức phản động nào xúi giục Chừng không? Chừng lấy cắp quân trang với động cơ gì?”. Chừng thẳng thừng đáp: “Có khi chính cậu là người ăn cắp đấy!”. Nò gầm lên xông lại đánh “tên ăn cắp” nhưng bị Chừng gạt tay đỡ khiến hắn ngã vập mặt vào cạnh bàn làm gẫy mất hai chiếc răng cửa. Tội cũ cộng với tội mới, Chừng bị đuổi học
Hơn một năm sau cậu ta xin được làm công nhân lâm nghiệp ở đâu tận tít miền Cao Bằng, Lạng Sơn. Tâm được vào Đại học Sư phạm. Còn Lê Xuân Nò trượt tốt nghiệp, sau đó có học lại thi lại thêm hai năm nữa nhưng vẫn trượt. Ông bố quyền thế xin cho được làm cán bộ lương thực ở cửa hàng thị trấn. Chính cái “mác” này cộng với hai câu thơ có “khóe thu ba” đã khiến con gái ông hàng thịt, vợ Nò bây giờ, theo không hắn bằng cách dạy cho hắn làm đàn ông sau một bữa cháo lòng tiết canh nóng hôi hổi vào lúc ba giờ sáng và ít lâu sau, thị bảo có thai, bắt hắn phải cưới để bảo toàn danh giá cho họ hàng, cho bố mẹ thị.
Cưới xong, mãi chả thấy mang bụng, hắn hỏi thì thị cười ré lên: “Ăn chơi đã, con cái vội đếch gì!". Đến khi xóa bỏ sổ gạo và tem phiếu, cái nghề của Nò trở nên kém quan trọng, rơi vào cảnh người dôi ra, việc chả có. Bởi không bằng cấp, không chức tước, ông bố trưởng phòng lại đã về hưu nên Lê Xuân Nò bị xếp vào loại “về một cục”. Cũng may nhờ ông nhạc có cái nghề mổ lợn gia truyền nên Nò có chỗ phụ giúp, kiếm được miếng sốt, miếng nguội thường ngày. Con cái Nò cũng không thiếu dinh dưỡng nên đứa nào đứa nấy đều béo nần nẫn nhưng mà đầu óc chúng thì cứ trì độn thế nào ấy.
Hồi mới cưới vợ, Nò cũng có biết Chừng và Tâm đã lấy nhau. Họ về quê đưa hai bà mẹ già đi theo. Rồi lại nghe Chừng về Hà Nội công tác có chức tước gì đó mà được đi xe ôtô con. Nghe thế thôi chứ mấy chục năm nay, Nò không hề gặp hai con người ấy.
Và hôm nay Chừng đứng lừng lững cao lớn, sang trọng giữa đám bạn giữa sân nhà Thượng tá Tuân. Nò xấu hổ đã trót văng ra mấy từ tục tằn: “Thằng chó chết!”. Hắn tự lục vấn: “Không biết ai là thằng chó chết". Hắn cảm thấy ân hận khiến hắn không dám vào gặp Chừng, gặp bạn bè cũ. Sông có khúc, người có lúc, chả gì hắn cũng từng là cán bộ một ngành quan trọng. Nghĩ thế, hắn muốn quay lại nhưng nhận ra là bánh xe trước của hắn đã lọt vào cái ngõ ống...
Mụ vợ đang quét sân quèn quẹt ngoái ra hỏi mát:
- Sao, ăn cỗ gì nhanh thế?
Hắn không đáp, dắt xe vào sân, tay khẽ nới cái nút cà vạt. Vợ hắn bồi thêm:
- Không tìm thấy nhà à?
- Tìm ...
- Biết ngay mà, người ta đãi bôi thế tôi, chứ cóc cáy như ông làm xấu đội hình...
- Im đi!
Mụ vợ không im:
- Gần người sang khó lắm! Thôi, kiếp trâu thì yêu lấy cái cày!
Cũng như mọi lần, Nò lại thủ thế bằng sự im lặng. Hắn vào nhà, vớ cái điếu cày hút một lúc ba điếu liền. Khói theo lỗ mũi và miệng hắn tỏa um khắp cả gian nhà. Hắn đang giấu nỗi buồn bực trong khói thuốc thì đứa con gái 10 tuổi chạy như bay về nói trong hơi thở:
- Bố ơi, mẹ ơi, ôtô đến nhà ta, nhiều lắm, bốn năm cái...
Hắn gắt:
- Xe đến nhà ông Đại tá Bình đấy! Tí tởn.
Đứa con gái cãi:
- Xe đến nhà ta. Bác đầu hói còn hỏi, con có phải con gái bố Lê Xuân Nò không mà.
Hắn nhìn ra thấy vợ hắn đứng như trời trồng ở sân. Phía đầu cái ngõ ống phải đến hai mươi người cả nam cả nữ, đường bệ, sang trọng đi vào. Người đi đầu chính là Chừng rồi đến Tâm, đến An, đến Tuân, đến Bộ, đến Tình... Hắn khẽ kêu lên: “Đúng là chúng nó đến thật rồi!”.
Hắn lóng ngóng đi ra. Bạn bè quây lấy hắn, lấy vợ hắn bắt tay, chúc mừng năm mới. Hắn ngợp niềm kiêu hãnh đến nỗi không thể cất được lời nhưng hắn cố ghìm để nước mắt không chảy ra. Rồi hắn nghe tiếng Tuân nói: “Chờ mãi không thấy cậu đến. Bọn này đoán là cậu bận. Nay nhân có vợ chồng Chừng - Tâm về, bọn mình mời vợ chồng cậu đi đền Sòng chơi xuân!”. - Tuân nói và quay sang vợ hắn - Chúng tôi xin trân trọng mời chị Nò ạ.
Sợ mụ vợ có nhỡ lời gì chăng nên hắn vội lên tiếng:
- Chả mấy khi các cậu về đây. Xin mời ở lại ăn bữa cơm muối với vợ chồng mình, sau đó đi chơi đâu cũng được! - Rồi hắn bảo vợ - Mình sang nhờ ông.
- Vâng, em đi ngay !
Nghe tiếng “em” của vợ, hắn sướng rơn cả người và tự hào nữa. Tiếng “em” gần ba mươi năm nay hắn mới được nghe lại từ lời thị.
Mụ vợ xoăn xoẳn bước đi. Chừng bảo hắn:
- Đường có xa không, Nò?
- À, cũng gần thôi.
- Nếu xa thì lấy ôtô đi cho đỡ mệt, đừng vì bạn bè mà làm khổ vợ con.
Nò phấn chấn:
- Ừ nhỉ ! - Rồi Nò gọi với theo vợ - Mình ơi, em ơi chờ đi tô đón ông cho nhanh.
Mụ vợ ngượng, lắc đầu. Nò chạy đến sát bảo nhỏ mụ:
- Sang cũng không biết đằng mà sang, để cho ông phải nể anh nữa chứ.
Mụ vợ như hiểu ra nhưng mặt mụ, nhất là cái mũi củ tỏi cứ đỏ tía lên như mào gà chọi.
Chừng nói với người tài xế của mình rồi chiếc xe Camry màu đen bóng loáng chở vợ Nò đến nhà bố vợ hắn để đón ông hàng thịt sang giết lợn đãi các quý nhân vừa mới từ tỉnh về.
Trong nhà Nò, bạn bè một thuở tuổi đã ngót nghét năm mươi ngồi quây quần bên nhau. Ai đó kể chuyện gì chắc vui lắm nên thỉnh thoảng lại rộ lên những tràng cười như ngô rang nổ.