watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ở Trọ - tác giả Lê Thị Thu Thủy Lê Thị Thu Thủy

Ở Trọ

Tác giả: Lê Thị Thu Thủy

1.
Mở cửa ra là gặp nỗi buồn. Màn lùng nhùng. Bếp lạnh ngắt. Chỉ muốn lại khóa ngay cửa mà bỏ ra đường. Nhưng cái mệt mỏi của một ngày bạc phếch lại đòi được ngả lưng.
Nghiêng đầu xuống gối, nghe mồ hôi đi những vệt dài trong tóc. Chua và mặn.
Đã toan bứt dậy mà xốc lại cái nhịp sống nhịp nhàng trước đây của mình, rồi lại thôi, lại tự thấy không thể một mình mà làm điều ấy được. Phải có thêm một đứa khác nữa - không phải người yêu. Để thấy bõ công hơn mà ríu rít vo gạo, rửa rau, lau lại cái nhà mà đi cho sướng chân, bật cái vô tuyến mà ngồi bình luận hay cùng dỏng tai nghe Headway, tập thoại. Hoặc nằm lăn ra giường, gác chân lên nhau mà kháo chuyện thằng K. nhà tao thế này, thằng P. nhà mày thế kia. Trời ơi lúc chiều có vụ đâm xe ở Ngã Tư Sở sợ cực, à quên con D. không được thi giai đoạn đấy! Tội nhỉ! Tội gì, cho đáng! Bên ngoại ngữ ghê thật đấy! Chẳng biết bọn luật nghỉ hè chưa nhỉ? Con Ỵ sao lâu không thấy sang. Nó còn cầm của tao mấy cuốn giáo trình đấy. Quên, thằng H. "Lão Hạc" vừa có bài thơ đăng trên báo ---, hay phết! Mà này, mày thảo xong phần "tái bút" cho nhà chưa, phô tô cho tao một bản với. Ôi trời mày ơi hình như cơm khét...
Sẽ không có cơm - tối nay - dẫu chỉ là cơm khét. Mình hầu như không có khả năng ăn cái gì một mình.
2.

V. về trước - vừa tháo giày vừa hỏi: "P. không đến à? Con N. đi đâu? "Mới gặp nhau tối quạ Còn N. - em tưởng chị biết. Em đi trước chị kia mà!" "Mày ăn gì chưa? "Chưa, chị?" "Ôi trời vừa ních một bụng gà tần ở Tống Duy Tân. Ngon muốn có thêm một dạ dày nữa quá mày ạ!".
Mình "thế à" nho nhỏ, bụng nghĩ: "Bọn này ăn no như thế thì còn yêu nhau được thế nào nữa. Thấy bảo tuần trước lại vừa ăn món gì mà "mỡ cháy xèo xèo, nước bắn vèo vèo" ở Hòa Mã kia mà! ít gặp nhau, nhưng cứ gặp là dắt nhau vào hiệu ăn. Sao không ra hồ Tây hôn nhau?"
Mười giờ: "Ai bánh mỳ không?" V. đang lau mặt tẩy trang, quay vào lục túi quần bò:
- Chưa ăn gì thật à M. ? Đói không, để chị kêu bánh mì?
- Nhưng phải kẹp gà tần em mới ăn cơ!
- Đùa chứ hồi nãy thừa hẳn hai phần ba suất, muốn đưa về nhà cho mày với con N. mà lại sợ Ông S. Ông cười.
- Điên à? có đưa về chắc gì em đã ăn!
- Để đấy bọn nhà hàng nó cũng tính tiền chứ có chịu trừ cho đâu! (?!)
N. về khuya nhất. Môi nhạt và tóc rối. Ai con gái đi ngoài đường về có lẽ cũng đều như thế cả (?!) V. hỏi:
- Chị tưởng hôm nay mày ở nhà? Mai thi môn đầu tiên rồi cơ mà?
Mai thi cơ mà! Lòng mình hả hê chờ đợi, dẫu vẫn biết rằng trong nhà này thực ra chẳng đứa nào sợ đứa nào cả. Chẳng ai bảo được ai, ràng buộc được ai cả. Có chăng chỉ là hình thức.
N. kéo áo ra khỏi quần, thủng thẳng:
- Em học rồi!
Bốc phét! Học bao giờ. Mấy tối nay, tối nào mà chẳng đi chơi cho bạc cả mặt. Hôm nào chẳng để ngỏ cửa đợi nó, ngủ mà cứ nơm nớp sợ không khéo nghe tiếng kẻ trộm vào nhà lại tưởng nó về.
N. thả mình xuống cạnh, lấp chỗ trống:
- Mày về lâu chưa? Mệt à?
- Có đi đâu mà lâu với chả không!
- Ơ, chiều này không đi dạy con bé ấy à? Không lên báo gửi bài à?
- Sao lại không? Có ai thích chết đói đâu!
V. kêu.
- Mày để nguyên thế mà ngủ được à, N.?
- Em chỉ nằm thêm chút thôi. Mệt quá!
- Làm gì mà phải mệt. Sao, ăn gì chưa?
- Gà tần thuốc bắc hẳn hoi nhé!
- Ôi thế à? cũng Tống Duy Tân chứ?
- Không, dưới này.
- Đồ khờ!
- Bà khờ thì có. Lên đấy cho nó chém à?
Mình kéo chăn lên đầu môi, mằn mặn, không đói, không thèm. Chỉ thấy khổ sở về sự không đủ vốn sống mà góp chuyện...
3.

Còn giữ được thói quen nào hồi ở nhà nữa đâu, ngoài thói quen dậy sớm và tưới hoa này? ở nhà, mùa này, chắc đã lại có lan. Bố hẳn lại bê bộ mây ra trước sảnh, thư thản ngồi uống trà. Điệu bộ như thể đang sắp làm được thơ.
- Này mấy đứa gác ba ơi! Nước nôi gì mà mới sáng sớm đã xoe xóe chảy xuống cửa nhà người ta thế này. Bọn mày con gái con gớm gì mà kinh thế, chẳng ý tứ gì cả. Ai biết được nước này là nước gì mà bọn mày đổ lên đầu thiên hạ thế hả.
Thôi chết rồi, lại mụ H. đóng giày dưới nhà rồi. Cứ mở mắt ra là mở luôn mồm để chửi. Không chửi chồng chửi con thì chửi "mấy con đĩ thuê nhà bà Q. gác ba" hay cạnh khóe "thằng chó nào vứt giấy chùi cứt trước cửa nhà bà. Đây con nào muốn nhận thư tình xuống vác về mà thờ này!".
- Chị Ơi cho em xin lỗi. Nước tưới hoa, nước sạch đấy, chỉ tại em hơi quá tay thôi!
- Qúa quá cái con khỉ. Cứ đà này hôm nào bọn mày đái luôn trên đầu tao rồi dễ cũng bảo là nước cất chắc?
V. nhỏm dậy, gọi:
- Thôi vào nhà đi M., kệ mụ ấy lên đồng!
N. trở người cằn nhằn:
- Có cái tật (?!) tưới hoa mà cũng không bỏ được. Mỗi chậu móng rồng bé tí, đủ đất đâu mà ngấm nước cơ chứ.
Mình dận quạt số ba, ngồi phịch xuống nền nhà. Tự dưng thấy nóng và đói khủng khiếp!
4.

N. có đôi giày ý mới. Hôm trước vừa kêu sắp phải "tái bút" về nhà?! Chị V. đoán.
- Chắc thằng P. sắm cho nó!?
Mình lia mắt xuống những mi dài và môi trái tim đang ngủ của N., cay cú nghĩ: môi ấy bị vò nhàu với bao nhiêu cái hôn thì chủ của nó được nhận đôi giày như hồi chiều.
V. đuổi muỗi và xoay quạt lại cho N., rồi cầm lấy tay mình, mắt buồn buồn.
- Thôi mắc màn đi. Đừng nghĩ xấumà tội nó. Yêu nhau không giúp nhau vậy được sao?!
Nghĩ xấu! Có bao giờ em muốn thế đâu cơ chứ. Nhưng đêm hôm qua, đêm hôm qua vì sao mà nó lại không về. Nó giật đứt nốt sợi dây ràng buộc lỏng lẻo giữa chúng ta rồi. Em đã mong ước bao nhiêu, một lần nó tỏ ra sợ chị và em, dù chỉ là hình thức thôi, để tin rằng nó còn tôn trọng mình, còn chưa dám qua mặt mình. Vậy mà đã đứt thật rồi, cái sợi dây quý giá giữa em và nó. Hồi trước có bao giờ nó như thế đâu, đi khuya mấy cũng mò được về nhà mà ngủ, đam mê mấy cũng tỉnh táo và rành mạch được...
Chị V. thương nó:
- Thấy bảo tối qua nó ngủ ở nhà bác. Cái tội đi đêm không báo trước làm cả nhà phát hoảng, chị cũng mắng nó rồi. Nó bảo tối qua nó mệt, nhà mình xa...
- Thôi đi, chị cứ tin nó. Con này thế là hư rồi!
V. đứng dậy mắc màn, thở dài:
- Con gái yêu vào, đứa nào mà chẳng hư đi một tý. Lại sống xa nhà...
Mình nghe mà thắt cả người. Tối qua, mình cũng không học hành gì nổi chỉ vì bần thần chờ K. đến. Tuổi này, rời bố mẹ chị em, người yêu là cả một chỗ dựa, một ý nghĩa lớn mà nếu tự dưng mất đi, lập tức sẽ bị rơi vào hụt hẫng, khủng hoảng.
Mình thèn thẹn nhìn xuống môi N., thấy cái khóe miệng của nó lúc ngủ trông ngoan vô cùng, đằm và duyên. Nó được yêu cũng là có lý!
5.

Chị V. ra trường. Khăng khăng phải ở lại Hà Nội bằng mọi giá. Mình khuyên: Về nhà mà sống cho đàng hoàng, nhà chị rộng rãi thế, báu cái gì cái cảnh trọ, tháng mất đứt hai, ba trăm nghìn, thấy chủ nhà lên là xanh mặt, sợ bị đòi nhà hơn là đòi tiền. Mà thương Hà Nội với chị Ơi, ai cũng "bài nội" như mình, đường còn đâu mà đi, đất còn đâu mà ở nữa. V. thở dài: Nhưng ở đâu quen đấy rồi. Hồi đầu ra đây, chị cũng có ưa nổi đất này đâu, chỉ sợ cái đất nó làm hư mình. Với lại, chị còn phải theo S...
Nghĩa là vẫn sẽ lại bộ ba cũ. Vẫn sẽ lại một tập hợp không sợ nhau, không có người đứng đầu. Dân Tổng hợp mà ra cả. Cùng quê, cùng cảnh. Nhớ lại những ngày đầu chị em mới về ở chung, hì hụi sắm từng cái bát, cái nồi, cái chổi quét nhà, cái xô xách nước, cái giá giày, chục mắc áo... Thương lắm! rồi có hôm công tắc điện chập - hồi ấy đâu đã đứa nào có người yêu - hàng xóm còn lạ - bạn bè thì như mưa rào, ào ạt kéo đến từng bầy, khi cần lại không có - chẳng biết nhờ ai, đành phải tự biến mình thành... nhân viên điện nước. Cười rũ ra trước những cái tài "nam tính" đột xuất của mình. Rồi những hôm tổ an ninh khu phố gõ cửa, nửa đêm, hỏi đăng ký tạm trú, tra thế nào mà để bà H. tầng một phản ánh, đe không được trai gái, bạn bè làm ảnh hưởng trị an. Nghe mà tự ái nổi đầy mình! Đúng là ra đời, khó có ai tin được mình như những người trong nhà. Lại những hôm bọn thanh niên xúi trẻ con ném đá và rắn chết vào, tim đập không được. Những hôm mưa, nhớ nhà muốn khóc... Sao hồi ấy đứa nào cũng mong manh và yếu đuối như thế, thương như thế...
S., P. rồi K. - ba người ấy đã làm biến dạng những cái mong manh của chúng ta, phải không V. và N.? Có vẻ như chúng ta cũng hạnh phúc lắm, tương lai lắm. V. và S.; N. và P.; M. và K.. Rồi thì cũng ở lại Hà Nội đấy chứ nhỉ? Ba nhà giỏi cách nhau vài phố chứ mấy. Gọi điện cho nhau nhé, mời nhau đến nhà ăn cơm. Cẩn thận, kẻo chó béc giê nhà tao nó chồm lên cổ đấy. Quên đi, chồng tao nó cho xe hơi vào tận cửa, chồm là chồm thế nào. Mà kể cả thế, chị mày cũng sẽ đẩy bà ở ra đỡ đạn dùm (ý bảo chị V. cũng khá giả đâu có kém - thuê được cả người ở nữa kia mà!). Nhưng đùa thế không được, vô nhân đạo quá! Nào, uống gì nào? Coca đi! Ôi nhạt lắm. Thôi, kệ mấy mụ ấy với nhau, thích uống gì thì uống. Bọn mình Tiger nhé! Sao, lý do à? Mừng chị V. vừa được giải thưởng báo chí. Mừng thằng S. vừa quay xong bộ phim. Mừng N. được chỗ làm lương cao. Mừng P. lên trưởng phòng. Mừng K. và M. có con trai đầu lòng.
Trời ơi, vui thế, ồn ào thế, hứa hẹn thế. Chỉ mới tưởng tượng thôi mà đã khoái run lên rồi. Giá mà... giá mà được như thế nhỉ, sau này, V. và S.; N. và P.; mình và K... giá mà...
Nhưng... nhiều khi, nghĩ lại, chỉ thấy chuyện cứ như trẻ con, bố mẹ, người lớn nào đã ai biết và hứa hẹn gì...
V. gấp lại chăn, bảo:
- À M. Ơi, đúng là hôm nọ con N nó ngủ ở nhà bác nó đấy. Hôm rồi chị X. con bác nó đến đây còn kêu là bị nó gác cho sái cả cổ.
Quay mặt, thở phào. Cảm giác có lại một điều tưởng chừng đã mất. Đa nghi đã là thói quen tệ hại ở mình. Đã cùng nhà với nhau, sao cứ có thể không tin nhau?
N. về, tay xách túi lê - Trời, cũng mua lê nữa kìa, nhí nhảnh và rạng rỡ. Mở mũ nó hỏi:
- Ê, M. Ơi! Lấy bổng chưa?
- Rồi, chờ dài cổ cả một kỳ, chưa nổi ba trăm, chán quá!
- Chưa đủ một tháng tiền nhà! à quên, em vừa mượn được cái băng đấy, chị V. ạ!
Bỏ băng, bật đài, N. hát họa theo. Hát Trịnh Công Sơn - "Ở trọ".

Hết

Các tác phẩm khác của Lê Thị Thu Thủy

Ven Hồ

Loài Mèo

Đa Tình

Cái Thắt Lưng

Ban Mai Bình Yên