Đất nhỏ - nhưng tiền nhuận bút lớn
Tác giả: Leonid Zamyatin
Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô Leonid Breznev có đủ các loại huân chương mà người ta có thể nghĩ ra.
Nhưng 20 năm trước đây, tháng 3 năm 1980, nhờ tác phẩm "Đất nhỏ", "Khai hoang", "Phục hồi" ông đã được một huân chương không ai có thể ngờ tới: huân chương Lenin trong lĩnh vực văn học. Đây là cả một câu chuyện rất thú vị, đầy kịch tính.
Dưới đây là lời kể của Leonid Zamyatin, cựu tổng giám đốc hãng thông tấn TASS, đồng thời là người lãnh đạo nhóm tác giả cuốn sách nổi tiếng nói trên trong cuộc trò chuyện với phóng viên Drannikov, tạp chí "Vlast".
***
- Đây, tôi đã chuẩn bị cho anh đây! - vừa nói, Leonid Zamyatin vừa chìa ra một cuốn sách cũ mang tựa đề "L.I. Breznev. Hồi ký" - Đó là một ấn phẩm đặc biệt. Chỉ có 20 bản. Theo tôi, hình như ngay cả trong "Leninka" (Thư viện quốc gia mang tên Lenin- ND) cũng không có bản nào. Đó là toàn bộ tất cả các loại hồi ký của chúng tôi. Nhân dân chỉ biết có "Đất nhỏ", "Khai hoang", "Phục hồi". Nhưng trong này còn có cả "Cuộc sống trong tiếng còi tầm", "Tình quê", cả "Xuân Moldavia", và có thể nói cả di chúc chính trị của lãnh tụ nữa: "Bàn về chủ nghĩa cộng sản". Chúng tôi làm việc rất có hiệu quả. Định sẽ in số lượng lớn. Nhưng Breznev đột nhiên từ trần. Người ta chỉ in có hai mươi bản rồi tạm ngừng.
Vài tháng sau, Andropov gọi tôi lên hỏi:
- Nên làm gì với cuốn sách ấy đây?
Tôi đáp:
- Tùy theo quyết định của Bộ Chính trị thôi ạ. Tất cả đều đã sẵn sàng. Chỉ cần mở máy thôi.
Đúng lúc ấy, ông hỏi:
- Thế ông có biết rằng ở chương cuối, Breznev tự nêu các tên họ lên hay nhờ ai?
Tôi tự hỏi: "Ông ấy nói gì thế nhỉ? Tên họ nào cơ chứ?". Andropov nói thêm:
- Ờ! Tên những đồng chí thân cận nhất ấy!
Tôi lật lật mấy trang và phát hiện ra một điều khủng khiếp: không có tên Andropov. Tôi nói:
- Không phải đâu, Yuri Vladimirovich, đây chỉ là lỗi kỹ thuật thôi mà. Lúc tập hợp lại người ta đã quên mất. Tất nhiên chúng tôi sẽ sửa chữa ngay
- Nếu vậy thì hãy in đi. Nhưng chỉ đơn giản và ít thôi.
Vậy là tuyển tập đã ra đời, ít người biết, bìa bình thường, chỉ có một nghìn bản, và tất nhiên là có tên của Tổng bí thư mới.
- Cũng có thể là ít người biết. Nhưng tôi còn nhớ "Đất nhỏ" đã xuất hiện một cách ầm ĩ như thế nào. Dạo đó tôi làm việc ở nhà máy "Gudka", và người ta đã bắt cả dân đường sắt nghèo nàn phải in trọn bộ mà.
- Đấy là việc của bên tuyên truyền. Chúng tôi thì có liên quan gì. Mà nhìn chung, nói để anh biết, tất cả chuyện này hầu như là tình cờ. Breznev, đặc biệt khi về già, thường rất thích hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh mà ông đã trải qua. Ông hay nhắc lại nhất những tháng ở Novorosisk, khi một nhúm quân dưới sự chỉ huy của Sezar Kunnikov đã lập được một chiến công thực sự: giữ được mũi Đất nhỏ trên vịnh Semesska. Ông rất muốn có người viết về chuyện này.
Một lần, theo tôi là năm 1977, chúng tôi đến Tula dự lễ trao huân chương cho các anh hùng lao động. Chợt tôi được mời đến toa của Breznev. Cherneko, Sasha Bovin (trợ lý của Tổng bí thư) và Galina Doroshina (thư ký riêng của Breznev) đã có mặt. Breznev có vẻ giận dỗi nói:
- Đấy, bao nhiêu lần tôi đã yêu cầu viết về Đất nhỏ, về những người lính đã hy sinh, vậy mà tất cả cứ như không ấy. Hay là anh làm việc này nhé?
Chernenko, dĩ nhiên, phụ hoạ ngay:
- Phải đấy, thưa đồng chí Leonid Ilich. Nhân dân đang khao khát hồi ký của đồng chí.
Tôi đứng bàng hoàng:
- Nhưng tôi có biết viết sách đâu ạ. Có Bovin đây này, anh ta mới là thợ chuyên nghiệp. Ngoài ra, anh ta đã được nghe chuyện của đồng chí.
Sasha cay cú nhìn tôi:
- Tôi mà là nhà văn ư? Tôi có thể viết diễn văn cho đồng chí, thưa đồng chí Leonid Ilich, nhưng không biết viết sách. Tôi không làm nổi.
Tổng bí thư ngao ngán phẩy tay. Thôi, tôi nghĩ bụng, thế là thoát rồi.
Nhưng vài tháng sau, Suslov (hồi đó là ủy viên Bộ chính trị Liên xô-ND) gọi tôi lên hỏi:
- Thế cuốn sách đến đâu rồi?
Tôi hỏi lại:
- Sách nào ạ?
Ông gào lên:
- Cậu bảo sao? Leonid Ilich đã giao nhiệm vụ cho các anh viết về chiến công của các chiến sĩ quân đoàn 18, vậy mà các anh vẫn chưa chịu bắt đầu. Thật là đáng hổ thẹn. Hãy lập tức bắt tay vào công việc. Hãy lập hẳn một nhóm, và không được hé răng cho ai. Phải làm việc thật bí mật. Ngay cả các ủy viên Bộ chính trị cũng không được biết. Hãy coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng giao cho.
Lo lắng, chân nặng trĩu, tôi quay về phòng làm việc của mình ở TASS. Tôi bảo phó của mình là Ignatenko:
- Này, Vitali, có nhiệm vụ phải viết một cuốn sách thay cho Breznev. Làm sao bây giờ?.
Ignatenko vừa chuyển sang chỗ tôi không lâu, từ tờ "Kosomolka", vẫn còn trẻ và nhanh nhẹn. Mắt cháy lên vì nhiệt tình, Ignatenko nói:
- Leonid Mitrofanưch, chúng ta sẽ làm được mà. Xin đồng chí đừng lo.
Một thời gian sau, Tổng bí thư đích thân mời tôi lên. Ông nói:
- Có đại tá Pakhomov hiện đang làm việc tại Trường đại học quan hệ kinh tế quốc tế. Ông ấy là trợ lý cho tôi trong ban chính trị của quân đoàn 18. Nay đã ốm yếu lắm rồi, thật đáng tiếc. Tôi đã xếp ông ấy vào trường. Hồi xưa, ông ấy ngày nào cũng ghi chép các trận đánh. Hãy mượn tất cả sổ sách của ông ấy. Và xin hãy viết về các chiến sĩ.
- Chỉ viết về lính, hay còn về cả bản thân lãnh tụ nữa?
- Không. Thậm chí ông còn yêu cầu viết ít về Breznev. Trước đây, ông đã phỉ báng thậm tệ Khrusev vì cuốn "Thập kỷ vĩ đại" do Ilichev, thư ký của Khrushev về tư tưởng, soạn. Trong cuốn này, tên của Khrushev còn được nhắc đến nhiều hơn là tên của chúa Jesus trong Kinh thánh. Ignatenko đến gặp đại tá Pakhomov lấy các sổ ghi chép rồi đề nghị chuyển tất cả cho Arkadi Sakhnin, dạo đó là một nhà báo nổi tiếng.
Tôi gọi điện đến toà soạn tạp chí "Novưi Mir" (Thế giới mới -ND) mời Arkadi đến chỗ tôi.
- Có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng, tuyệt mật và đòi hỏi trách nhiệm rất cao.
Anh này nhận lời ngay. Chỉ một tháng sau anh ta đã mang một bản tác phẩm của mình đến cho tôi. Tôi đọc và ngầm kinh hãi. Tẻ nhạt, khô khan, khuôn sáo. Và trang nào cũng thấy tên Breznev, Breznev và Breznev. Tôi chuyển cho Ignatenko. Anh này cũng kinh hoàng. Tôi đến kể với Chernenko.
- Tôi không đọc đâu. Tôi đâu có hiểu gì. Nhưng tôi sẽ báo cáo với Breznev.
Breznev tất nhiên rất thất vọng. Ông đã đợi mãi mà vẫn chưa có sách. Chợt ông bảo:
- À, tôi có dự đại hội đoàn thanh niên Komsomol vừa rồi và đã đọc các bài diễn văn. Tôi rất thích bài đầu tiên. Rất sống động, thông minh và sắc sảo. Hay là bảo tác giả viết sách nhỉ, ai viết bài ấy đấy?
Tôi quay sang Ignatenko:
- Ai viết diễn văn đấy?
- Anatoli Agranovski.
Thật tuyệt. Nhà báo xuất sắc nhất nước. Nhưng giá mà anh biết tôi đã phải vất vả thế nào mới thuyết phục được anh ta. Thế nào cũng không chịu. Thôi thì "không phải đề tài của tôi", "ốm đau", rồi "không đủ sức". Nhưng bản thân chúng tôi cũng đâu có đường lui. Tôi gọi điện cho Chernenko. Ông bèn mời Agranovski lên nói chuyện. Không biết Chernenko nói gì với Agranovski, chỉ biết rằng khi quay ra, anh ta đã chịu chấp nhận. Vậy là chúng tôi bắt tay vào công việc. Ignatenko thu thập những tư liệu còn thiếu, Agranovski viết, còn tôi thì theo dõi tư tưởng chính trị.
- Chắc cũng phải ký hợp đồng chứ? Tiền nhuận bút chắc là không nhỏ?
- Làm gì có chuyện ấy. Không có chuyện tiền nong ở đây. Nhiệm vụ của Đảng giao phó mà. Vinh dự lớn đấy. Anh có muốn biết cuối cùng Agranovski được hưởng gì không? Khi tất cả những cuốn "Đất nhỏ", "Khai hoang" và "Phục hồi" đã được ra mắt, khi lời giới thiệu cho tập hồi ký đã được viết xong, Chernenko mới bảo anh ta: "Cũng muốn tặng thưởng đồng chí một cái gì đó". Anh này vô cùng bối rối, nhưng sau cũng đề nghị:
- Dạo này tôi hay ốm quá, liệu có cho tôi được vào khám ở bệnh viện của Trung ương Đảng ở Sivsevưi Brazko không ạ?.
Ngay từ hôm sau, cửa bệnh viện nói trên đã rộng mở trước mặt tác giả cuốn hồi ký của Breznev.
- Thế Agranovski có hay được gặp Breznev không?
- Không một lần nào cả. Năm ấy, Breznev rất yếu, nằm viện nhiều hơn đi làm. Vì thế, nếu có vấn đề gì cần hỏi ông, tôi phải viết giấy nhờ Chernenko chuyển đến bệnh viện Trung ương. Ba tháng sau, cuốn sách đã được viết xong. Người ta in năm bản theo khổ tạp chí "Novưi Mir". Hai bản được gửi đến viện. Doroshina đọc, còn Breznev cầm một bản để theo dõi, thỉnh thoảng lại sửa một chút.
- Ông ấy có thích không?
- Ông đã khóc. Về già, Breznev trở nên rất đa cảm, đây lại thấy lại thời trai trẻ, chiến tranh, đồng đội. Ông ấy đã khóc. Mà nói đúng ra, sách viết cũng được. Dẫu sao cũng là Agranovski. Văn phong, ngòi bút của anh ta. Có lần Andropov gọi điện cho tôi:
- Leonid Ilich hỏi ý kiến của tôi về cuốn sách, thế mà tôi không biết chuyện gì.
Tôi khoái trí. Thế mới gọi là bí mật. Ngay cả Andropov cũng không biết việc của chúng tôi!
Tóm lại, tất cả Bộ chính trị đều đọc cuốn sách, rồi hạ lệnh phải in ngay. Nhưng Breznev lại muốn "Đất nhỏ" đầu tiên phải xuất hiện trên "Novưi Mir". Ông có vẻ nể tạp chí này. Tôi gọi điện cho tổng biên tập Narovchatov:
- Cần in gấp một tài liệu quan trọng.
- Không được đâu! Tôi đã cho in 4 số rồi. Không thể được!
Tôi bảo:
- Tài liệu rất quan trọng. Tôi sẽ gửi ngay cho anh.
Anh này chạy đi đâu được? Người ta đã phải cắt bỏ những trang đã in trong 500 nghìn bản tạp chí và đóng hồi ký của Breznev vào thay. Sau đó mới in thành cuốn sách riêng, rồi dựng kịch, dựng opera. Rồi, tất nhiên, theo nguyện vọng của quần chúng, viết tiếp.
- Vẫn bộ ba ấy viết à?
- Hẳn rồi. Nhưng anh cần biết rằng: chúng tôi viết cuốn hồi ký. Nhưng tác giả dù sao vẫn là Breznev. Bởi đó là cuộc đời ông. Số phận đã run rủi khiến ông được trực tiếp tham gia vào các sự kiện lớn của đất nước: chiến tranh, khai hoang, vũ trụ. Nhưng khi người ta trao cho ông huân chương Lenin về văn học, tất cả đầu bị sốc.
- Tất cả là những ai? Hẳn đây là ý của Bộ chính trị cơ mà.
- Không hề có chuyện ấy. Thực ra, chính là Georgi Markov, hội trưởng hội văn học, muốn nịnh bợ. Ông ta bày ra mọi trò. Cấp thẻ nhà văn số một. Breznev thậm chí còn khó chịu và đã từ chối không nhận huân chương trong mấy tháng liền. Một lần ông bảo tôi:
- Anh có biết không, hôm qua vợ tôi bảo: đừng làm trò cười cho thiên hạ! Ông mà cũng là nhà văn ư? Quả thật, tôi đâu có phải là nhà văn!
Khó khăn lắm, người ta mới thuyết phục được ông nhận huân chương.
- Nhưng cuối cùng, mọi chuyện về cuốn sách này đều kết thúc tốt đẹp chứ?
- Giá mà được như vậy. Khoảng nửa năm sau khi Breznev chết, Egor Ligachev gọi tôi lên. Lúc đó tôi đã vào Trung ương Đảng, làm trưởng một ban. Có tin đồn là người ta muốn hạ bệ tôi. Mà Ligachev lại là người phụ trách cán bộ. Ông ấy hỏi:
- Thế còn khoản nhuận bút của cuốn sách thì thế nào nhỉ?
Tôi đáp:
- Không có gì. Chúng tôi không nhận một xu nào cả. Tôi có thể trình giấy tờ của tất cả các nhà xuất bản.
Ligachev nói:
- Lạ thật. Thế thì tiền đi đâu hết?
Về sau, người ta mới biết: tất cả những khoản tiền nhuận bút khổng lồ, của các nhà xuất bản Liên xô, của nhiều nước trên thế giới, đã được chuyển đến theo tên của Breznev qua Trung ương Đảng và nằm lại ở Ban Tổng hợp. Trưởng ban (tôi không muốn gọi tên, vì ông ta vẫn còn sống) chia một ít tiền cho gia đình Tổng bí thư, còn lại biển thủ hết. Tất nhiên, ông ta bị đuổi việc, bị khai trừ khỏi Đảng, nhưng đã kiếm được rất nhiều. "Đất" tuy "nhỏ" thật, nhưng tiền nhuận bút rất lớn.
"Đất nhỏ" nhưng tiền nhuận bút lớn
(Tổng bí thư Breznev đã bị ăn chặn ra sao?)
Leonid Zamyatin
Nguồn: Báo Vlast số 12 (363) 28-03-2000
Nguyễn Học dịch