watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình Và Điện - tác giả Linh Bảo Linh Bảo

Tình Và Điện

Tác giả: Linh Bảo

Nghe tiếng mưa đổ rào rào trên mái nhà, Kim giật mình thức dậy. Chợt nhớ ra là thứ bảy không phải đi làm, Kim muốn ngủ lại nữa, nhưng giấc ngủ tìm không đến. Tấm màn cửa màu ngà đã bắt đầu sáng dần lên. Mỗi ngày, giờ này Kim nằm chờ âm nhạc của đài phát thanh báo thức. Kim để máy tự động mở đúng vào lúc báo tin thời tiết nắng mưa,nóng, lạnh, để tiện chọn áo Thỉnh thoảng những hôm cảm thấy nhựa sống tràn đầy, Kim thích dậy sớm hơn đồng hồ reo để được nhìn mặt trời mọc.
Nhà Kim không sát ngay cạnh bờ bể, nhưng ở trên đồi cao, nên chỉ bước ra hiên trước là cả một vùng biển rộng bao la hiện ra ngay trước tầm mắt. Những hôm trời tốt, không có nhiều sương mù, có thể thấy rõ từng cánh buồm trắng cũng như đủ màu sắc của những chiếc du thuyền lượn đi lượn lại. Những hôm ấy, mặt trời mọc thực đẹp: một vùng màu hồng phớt nằm dưới bể, cứ thêm dần từng tia sáng lóng lánh đủ màu, từ từ vượt khỏi mặt nước rồi vươn lên chân trời. Lắm hôm Kim say mê nhìn, đến nỗi trễ giờ, không ăn điểm tâm chỉ kịp chạy vội đến sở.
Sáng nay, mưa đổ như thế này, may mà thứ bảy, nếu không, phải dậy sớm mang tơi đội nón đi làm thì phải tự an ủi nên vui mừng vì còn gắng dậy được.. Bên ngoài, cảnh vật mờ mịt. Đâu đâu cũng chỉ một màu xám mờ loãng, không có gì đáng ca tụng cả. Bể không xanh nữa mà bàng bạc trong màn mưa. Mặt đường, nước hai bên sườn dốc đổ xuống ào ào, mang theo vô số sỏi đá vụn, phiêu lưu xuống đường nhựa.
Kim xếp một đống gối cao để ngồi dựa lưng, rồi kéo màn cửa nhìn sang nhà bên cạnh. Bên ấy có một bà già Nhật sống một mình. Hôm Kim mới dọn đến, còn đang sơn quét túi bụi, bà cắt trong vườn một ít hoa cúc, mang sang cho Kim. Bà chống gậy đi từng bước, run rẩy nói:
• Tôi thấy bà dọn đến, tôi mừng quá. Bà sơn nhà, làm vườn, trồng hoa, cái nhà, con đường sẽ thêm giá trị, nhà hàng xóm cũng giá trị lây, bà biết không? Chủ trước không bao giờ nhúng tay làm việc gì hết. Rác bên vườn này, họ chỉ tiện tay ném sang vườn tôi.
Kim ngạc nhiên:
• Bà làm thế nào để thủ tiêu những rác ấy?
Bà già cười như tự phục mình lắm:
• Tôi ném trả lại hết. Đồ lười, đồ lợn, đồ ở bẩn như lợn!
Mỗi ngày, bà chống gậy ra vườn, nhổ những cây cỏ lẻ loi cô đơn, không biết thân phận, dám lén mọc cạnh các bông hoa xinh đẹp yêu quí của bà.
Chủ nhật, con gái và rể ở một thành phố khác về thăm, họ mua đồ ăn cả tuần lễ và mang áo quần chăn màn đi giặt cho bà. Có hôm, Kim trông thấy anh chàng rể Mỹ ngoan ngoãn, cong lưng cắt sân cỏ mịn xanh mướt như một tấm thảm cho mẹ vợ, không hề ngẫng đầu nhìn ngang nhìn ngữa bao giờ.
Bà già không có việc gì quan trọng, nhưng bao giờ cũng dậy sớm. Nếu thấy đèn nhà bà, thì Kim biết đúng 6 giờ 40, dù Kim đang bận việc gì khác cũng phải bỏ dở để thay áo đi làm.
Thỉnh thoảng, bà mang bình rượu Sake sang thủ thỉ:
• Tôi buồn quá, uống một mình không thích. Tôi mang Sake sang, hâm nóng uống với bà cho có bạn.
Kim không hay uống rượu, nhưng nể bà cụ nên cũng nhấm nháp đôi chút cho bà vui cái vui được có bạn chia sớt.
Bà cụ nói lõm bõm vài tiếng Mỹ giọng Nhật chắp nhặt được ở đâu đâu, lẫn với tiếng Nhật vùng quê bà nên rất khó nghe. May mà Kim là nguời Hàn quốc, số vốn tiếng Nhật ngày xưa của nàng rất phong phú, nên vừa nghe vừa đoán, vừa dựng dậy mớ ký ức Nhật ngữ đã hai mươi năm không dùng đến, Kim nói chuyện với bà rất tương đắc, có gì không hiểu thì cứ việc cười xòa cũng xong.
• “Rượu Sake của chúng tôi ngon tuyệt. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, có dịp được về thăm lại chốn cũ . Gian nhà gỗ ngày xưa của chúng tôi ở cạnh bãi bể. Chồng tôi hay mua rượu Sake ở cái quán đầu làng, hâm nóng uống với tôi những hôm trời tuyết . . .”
• Câu chuyện cứ thế không ngừng . . .
Nhà bên trái của một ông giáo dạy dương cầm. Ông bán đàn cho một
hãng nhạc khí. Có lẽ ông đã già lắm rồi, nhưng khi người ta già đến một độ nào đó, không ai đoán được tuổi nữa. Ông cao lớn, hai ba cằm, bụng xệ như những ông già đẫy đà khác. Ông dạy học tận tâm và có đôi khi hơi lẩn thẩn, nhưng bao giờ cũng dạy quá giờ đã hạn định.
Ông có ba cái kính mà ông gọi là “Bảo bối của cuộc sống”, cái để nhìn gần, cái để nhìn xa và một cái kính lão để nhìn chung chung tất cả mọi thứ. Vì không biết sẽ cần dùng cái nào vào lúc nào, nên ông luôn luôn phải có cả ba “bảo bối” bên mình. Ngồi xuống đánh đàn, ông đeo một cái có tầm nhìn trung bình. Đứng lên ông phải đổi cái khác để nhìn xa. Kính lúc đọc sách và lúc lái xe cũng không giống nhau. Những người quen ông, thấy ông lúc nào cũng luẩn quẩn loanh quanh với mấy cái kính để góc này góc nọ, túi trong, túi ngoài, rồi tha hồ mà tìm.
Mỗi sáng, khi Kim nghe tiếng dương cầm thì Kim cũng đã trang điểm xong, bắt đầu vào bếp tìm thức ăn. Đúng 7 giờ sáng, trước khi đi làm, ông Hà hay “chào” đàn như thế, và chiều tối, lúc ở tiệm về, ông cũng “ thăm” đàn một lúc. Nếu không có cây đàn làm bạn thì biết “nói chuyện” với ai đây? Tùy theo tiếng đàn, Kim biết là hôm ấy ông buôn bán được, hay có chuyện gì trái ý lo buồn.
Sống một mình, vợ chết, con cái khôn lớn đã ở riêng rất xa, ông phải đi làm, phải chiều chuộng mọi người, lắm lúc ông còn phải hứng chịu những bực mình của chủ, của khách hàng, của đồng sự , những cái vạ vịt không đâu từ trên trời rơi xuống. Không có nơi phát tiết , ông đập đàn dữ dội ở nhà, cho đến khi cơn cuồng nhiệt dịu bớt, mọi người lại được nghe tiếng đàn dìu dặt, du dương.
Một hôm, ông mời Kim sang nghe nhạc. Ông lấy một tập bản đàn chép tay ra đưa cho Kim xem:
• Những bản này tôi soạn cho ban hợp ca của nhà thờ tôi. Tôi làm trưởng ban nhạc. Tuần nào chúng tôi cũng hát.
Có thính giả, ông bắt đầu dạo đàn một cách say mê. Bản nhạc tôn giáo, âm hưởng u trầm, thanh thoát, lâng lâng như các bài hát thường nghe trong nhà thờ.
Ông dở ra một trang khác bảo:
• Đây là một bài rất đặc biệt. Có lẽ một ngày kia tôi sẽ xuất bản.
Hai bàn tay gân gốc lại nhanh nhẹn lướt trên phím ngà một bản nhạc khá hay nhưng buồn thê thảm. Đàn xong, ông lấy một đĩa hát không có nhãn hiệu, đưa cho Kim xem:
• Bài “ Maria “ này, tôi đã thử thu vào dĩa. Hôm lễ Giáng Sinh, con trai tôi ở Washington về thăm, nó hát vào đĩa cho tôi vì nó là ca sĩ giọng cao. Tôi tự đàn lấy.
Ông nâng niu cẩn thận, đặt đĩa hát vào máy. Cái tủ máy hát âm thanh nổi rất đẹp làm sang trọng hẳn phòng khách trang hoàng đơn sơ, chỉ có một bộ bàn ghế và một cái dương cầm thật lớn. Gian phòng thoáng đạt, không có đầy những đồ vật trang hoàng lủng củng va chạm, tiếng âm nhạc phát ra như thanh thoát hơn. Từng tiếng ngân nhẹ như hơi thở phảng phất trong không gian, bồi hồi mãi tưởng không bao giờ dứt.
Trong khi giọng hát lên cao “ Maria, Maria . . . “, Kim bắt chợt thấy ông quay mặt đi chặm hai giọt nước mắt. Maria là ai ? Niềm tâm sự u uất gởi trong bài hát ấy, hẳn là một chuyện tình rồi. Người có tâm sự thì đôi khi có phẫn chí, làm những chuyện ngược đời cũng không đáng ghét lắm.
Từ đấy, Kim không thấy khó chịu khi thỉnh thoảng nghe ông cáu kỉnh đập đàn một cách gay gắt, uất ức vào những giờ không nhất định nữa. Thỉnh thoảng gặp ông, Kim lại nhắc nhở:
• Ông Hà, ông liệu mau mau cho in những bản nhạc của ông đi, để còn làm triệu phú. Nếu chậm quá, ông biến thành một nghệ sĩ thì khổ lắm đấy. Nghệ sĩ hay triệu phú, ông phải chọn lấy một, và nhanh lên.
Ông Hà chỉ lắc đầu mỉm cười, không bao giờ trả lời.
Trước mặt nhà Kim là nhà của một kỹ sư người Đức. Ông ta có một cái
tên rất dài dòng, khó đọc, nên Kim gọi là ông Đức cho tiện. Ông Đức độ bốn mươi tuổi, nhưng trông còn trẻ như vào khoảng ba mươi. Người ông thấp nhỏ, gầy gò xương xẩu. Mỗi sáng, đúng 7 giờ rưởi, ông lái chiếc xe Thunderbird sập trần đi làm ở một hãng kiến trúc. Khi thấy xe của ông ra cửa, Kim biết là nàng phải ăn xong điểm tâm, và chỉ còn 10 phút nữa để đi ra đi vào, quên cái này, nhầm cái kia, tô lại son, hay thay đôi giầy, đổi cái áo khoác màu khác . . .
Hôm Kim mới dọn đến, thấy con đường xi măng đi vào nhà xe lở loang lỗ tững mảng, nước mưa chảy tràn cứ xoáy dần, mang bớt đất đi, Kim mua một bao xi măng đã trộn lẫn cát và sỏi để sửa. Chỉ cần pha nước vừa phải, không đặc không lỏng là dùng được. Kim lấy chiếc xoong cũ dùng để trộn xi măng và chiếc thìa cũ thay chiếc bay của thợ nề. Kim múc từng thìa nhỏ, đổ lên các lỗ nứt để vá một cách vụng về nhưng có vẻ thích thú lắm. Trong khi mải mê công việc, Kim nghe tiếng nói sau lưng:
• Chào bà, trông bà làm bánh xi măng khéo quá!
Kim cười trả lời:
• Chào ông. Trong trường hợp này, tiếng nước tôi gọi là “ Không có trâu, bắt bò cày . . . “
• Sao bà không nhờ ai làm hộ?
• Ý kiến của ông hay lắm. Hay là ông làm hộ đi!
Ông Đức vội vàng xua tay:
• Không, không. Xin bà cứ tự nhiên. Tôi không bao giờ tranh công việc của bạn cả! Tôi thề từ nay không bao giờ dại mồm dại miệng xui ai gì nữa!
Sau đó, Kim còn gặp ông vài lần trong các tiệc trà của hàng xóm và biết thêm về gia đình . Ông ly dị, vợ giữ hai con. Ông nhớ chúng nó lắm, nhưng vợ ông đem chúng sang ở tiểu bang khác, nên không thăm được.
Kim hỏi ông:
• Tôi thấy ông có vẻ rất yêu quí vợ con, thế tại sao lại ly dị?
Ông Đức thở dài:
• Tôi không muốn, nhưng bị tình thế bắt buộc.
Ông im lặng rất lâu, ngập ngừng mãi mới nói:
• Tôi đau khổ lắm bà ạ. Lòng tự ái của thằng con trai, của phái mạnh, của bậc đại trượng phu, của người quân tử ; nói theo văn hóa Á đông, tất cả đều có nghĩa là người chồng, bị xúc phạm một cách kinh khủng. Tôi kể chuyện tâm tình quá khứ, bà đừng cười nhé:
Kim thấy ông sắp tâm sự, vội dọn nét mặt nghiêm trang để nghe.
• Nhà tôi là người Mỹ. Chúng tôi sống chung hơn mười năm. Vì công việc, tôi thường phải đi các tiểu bang hay thành phố khác, mỗi lần một vài ngày để kiểm soát. Một hôm, tôi ở xa về, lúc ấy đã 12 giờ đêm. Tôi trông thấy một người lạ ở trong nhà. Bà có thể đoán được là ai không?
• Bạn của bà chứ gì?
Ông Đức cắn chặt môi:
• Phải, bạn! . . . Bồ thì đúng hơn. Nhưng bà không thể tưởng tượng được đâu.
• Tôi nghĩ chuyện không lạ đến như thế.
• Không, bà không thể ngờ được. Và không ai ngờ được cả. Vì đó là một người đàn bà.
Kim ngạc nhiên nhưng biết nói gì để diễn tả.
• Tôi thấy hai người âu yếm ngồi cạnh nhau khuya quá, tôi giục nhà tôi đi ngủ, vì tôi mệt lắm. Nhà tôi dùng dằng mãi rồi nhất định bỏ tôi ngủ một mình, vì bà ấy phải ngủ chung với “cô bạn”. Hôm sau, con tôi mách rằng suốt thời kỳ tôi đi vắng, hôm nào cô kia cũng đến ngủ chung với mẹ nó. Nhà tôi cũng thú thật với tôi và yêu cầu được ly dị. Chúng tôi đã gặp Bác sĩ tâm lý, các Cố vấn hòa giải gia đình, các Mục sư . . . đủ cả. Những người ấy cố tìm cách “ giáo huấn” chúng tôi nhưng vẫn không thể nào cứu vãn. Nhà tôi cũng rất đau khổ thú nhận là không thể yêu tôi và sống chung với tôi được nữa.
• Bây giờ bà ở đâu?
• Nhà tôi ở tiểu bang khác với “ cô bạn” ấy. Tôi chỉ lo các con tôi trông thấy mẹ như thế, sẽ bị ảnh hưởng đến cả một đời.
• Tại sao ông không xin nuôi con?
• Pháp luật cho phép con được ưu tiên ở với mẹ, trừ một vài trường hợp, nhưng tôi không ở trong trường hợp ấy. Tôi mong một ngày kia sẽ về Đức, cưới một cô gái làng tôi mang sang. Một cô không uống rượu, không hút thuốc, yêu chồng và nhất là có tình cảm bình thường để yêu người khác giống.
• Ông không tìm được một người con gái như thế ở Mỹ sao?
• Có thể có lắm, nhưng tôi mất hết lòng tin rồi. Đàn bà Mỹ đòi hỏi nhiều quyền lợi quá. Họ luôn luôn tính toán xem lấy chồng họ sẽ được hưởng những gì, mà quên xét phần họ sẽ đem lại những gì cho chồng. Trong sở tôi cũng có nhiều cô rất ngoan và sẵn sàng vui lòng mắc bẫy nếu tôi giăng, nhưng tôi không muốn. Nhục lắm bà ạ. Chuyện tình của tôi ai cũng biết. Nếu vợ tôi theo trai, thì cả bầu trời này tôi có rất nhiều đồng chí, nhưng vợ tôi lại . . . theo gái thì trời ơi ! còn đất nào cho tôi dung thân . . .
Những mẫu chuyện tâm tình như thế này, người ta chỉ thông cảm mà không thể an ủi được, vì bất cứ một lời nào cũng chỉ làm cho câu chuyện thêm vô duyên. Kim chỉ im lặng nghe.
Ở trên dốc là nhà của Bình, một nhân viên Hải quân. Bình uống rượu suốt ngày và học rất chậm. Là một nhân viên thợ máy, Bình phải theo tàu nay đây mai đó. Sống quen cuộc đời sóng gió, rượu và gái lẫn lộn, Bình đâm ra chỉ biết rượu là bạn thân độc nhất trên đời.
Lần này là lần đầu tiên Bình được lên bờ ở khá lâu, hắn ta bỡ ngỡ với tất cả. Có những người sinh ra để sống với sách đèn, thì người ấy không phải là hắn. Hắn được phái đi học ngoại ngữ một năm, nhưng mỗi khi cầm cuốn sách nhìn vào chữ, hắn thấy mình không có bà con dòng họ gì với thứ chữ ấy cả, mà cũng không thể tạm làm quen với ngoại ngữ ấy một thời gian cho vui..
Đêm đêm, hắn ngồi học đến khuya với chai rượu Whisky. Cuộc sống nay bờ này mai bến khác đã luyện dạ dày hắn thành một cái thùng chứa rượu. Không còn cảm giác gì khi đổ rượu vào, chỉ còn một ít vị giác ở đầu lưỡi, hắn thấy phải uống một cái gì cay cay cho mồm đỡ nhạt nhẽo vô duyên.
Hắn ôm chai rượu và cuốn sách vào lòng học mãi đến khuya, nhưng chỉ thấy những giòng chữ nhảy múa trên sách. Hắn mong đợi những giòng chữ ấy nhảy vào đầu hắn, cho đến khi mệt mỏi quá ngủ thiếp đi.
Đêm đêm, Bình mở to máy ghi âm để học. Thỉnh thoảng, hắn cũng thuộc được một vài bài dễ, nhưng thuộc mà không hiểu gì hết. Có những bài hát, nghe đi nghe lại mãi thì người ta cũng hát theo được. Đó là phương pháp mới để học ngoại ngữ. Hắn có thể lảm nhảm chữ được chữ mất “ hát” lên một vài câu, nhưng ý nghĩa và văn phạm thì không tiêu hóa lẫn với rượu được.
Tuần nào Bình cũng thi trượt. Điểm của hắn luôn luôn ở vào quãng được vớt để mong cứu vãn tình thế làm hắn hoang mang. Từ ngày bắt đầu đi làm, lần này là lần đầu tiên hắn được sống trên đất liền ngày này qua ngày khác, được ở trong cái nhà không cảm thấy sàn nhà chao đi chao lại, ngoài cửa sổ không nghe thấy tiếng sóng vỗ, đi vào đi ra không phải cúi đầu khom lưng, được nằm trên giường rộng thênh thang, và được nhìn lên cái trần nhà cao đến mênh mông.
Hắn tiếc cuộc sống này, muốn bám víu đủ một năm, nhưng tuần thi nào cũng trượt. Cứ như thế, chỉ một vài lần nữa, người ta sẽ cho hắn trở về đơn vị cũ với lời phê trên lý lịch: ” không có khả năng ngoại ngữ”. Thế thì đời tàn rồi còn gì ? Cửa tương lai đóng chặt thêm một chút. Không có khả năng ngoại ngữ, nghĩa là kém thông mình, nghĩa là dốt, và cũng có nghĩa là không thể làm việc bằng trí óc được. Nhiệm vụ lau chùi sửa máy chắc còn phải làm dài dài.
Ngày mai chưa biết ra sao, còn lại ngày nào, hắn phải cố gắng ngày ấy. Đêm đêm, cả hai dãy hàng xóm cùng học một bài với hắn. Tiếng máy vi âm vang to đến nỗi hàng xóm, nhất là trẻ con, phần nhiều thuộc bài trước hắn. Sáng sáng, hắn ôm mối lo đến trường, khắc khoải đợi ngày hôm sau chưa biết bài học sẽ dài hay ngắn và sẽ “ kinh khủng” đến như thế nào.
Lúc xe hắn đi qua là lúc Kim phải từ nhà ra, để nhập vào đoàn xe trên đường.
Tất cả những con người ấy đều là đồng hồ của Kim. Những người hàng xóm biết giờ giấc và động tĩnh, tâm sự của nhau như người nhà, và chia xẻ những nỗi buồn vui như bạn thiết.
Nhưng còn Kim? Các bạn của Kim đã biết gì về nàng? Kim là người Hàn quốc. Lúc chiến tranh bùng nổ, Kim mới hai mươi tuổi, mới lấy chồng, mới có đứa con đầu lòng, mới từ giả đại gia đình phong kiến để bước vào cuộc sống văn minh Aâu hóa với chồng. Chồng Kim là một sĩ quan trong quân đội chính qui. Quê hương của hai người cùng ở Bắc Hàn. Khi cuộc phân chia Nam Bắc xảy ra, vợ chồng Kim hết đường về. Cả đại gia đình chết lần chết mòn theo với những trận đánh chánh thức, đánh vụng trộm, những vụ tập kích, đột kích lẫn nhau. Chồng Kim tử trận trong một cuộc phục kích gần thủ đô. Kim bế con chạy loạn. Nàng được một gia đình Mỹ bảo trợ đem sang Mỹ. Thế là gần hai mươi năm nay Kim sống yên lành với con, với nghề thư ký đánh máy cho một hãng tư.
Từ một cô ký trẻ mới góa chồng với một đứa con thơ, thời gian đã biến Kim thành một bà không già không trẻ, có một đứa con trai đã đến tuổi quân dịch.
Nhiều mối tình vụn đã thoáng qua. Những người bạn trai của Kim thích nói chuyện, đi chơi với Kim, vì Kim đẹp một vẻ đẹp Á Đông dịu dàng, Kim hiểu rộng và Kim nói chuyện có duyên. Nhưng không ai đi xa hơn. Không ai nghĩ đến chuyện chia sẻ cuộc đời, khi thấy có đứa con trai cao sừng sững trong nhà. Cứ tưởng tượng đến chuyện nuôi ăn học, nuôi mặc, nuôi thuốc thang đau ốm con người khác, là họ ngán và chạy hết.
Lúc chồng Kim mới mất, tình yêu còn nồng nàn, Kim tưởng như có thể chết theo chồng, có thể tình nguyện ở vậy suốt đời nuôi con, không bao giờ còn có thể yêu ai được nữa.
Thời gian qua, nhớ thương nhạt dần, thêm vào cuộc sống máy móc đuổi bắt thời gian, nhiều nhu cầu vật chất làm xao lãng những kỷ niệm thơ mộng yêu đương xa xưa. Kim thấy ngán và mệt mõi với những tranh đấu cam go hàng ngày. Nàng mong gặp một người bạn đồng hành trên đường đời còn dài dằng dặc . . . Nhưng những “Hiền nhân quân tử´ “ đã đến với Kim chỉ là những kẻ thèm của lạ, những câu chuyện lòng, chuyện trái tim, chuyện tình cảm chỉ là món tráng miệng khi “ trà dư tửu hậu” cho gấm thêm hoa buổi gặp gỡ. Không ai có ý định làm bạn đường dài hơn một số ngày tháng đếm được trên đầu ngón tay.
Những kinh nghiệm chua chát biến Kim thành một con người khác. Kim không tin tưởng, không chờ đợi, và cũng không đem tình thương thật ra cho ai nữa. Kim đi chơi với các bạn để tiêu phí thì giờ, để đỡ chán cuộc sống máy móc, để thay đổi chương trình bất di bất dịch hàng ngày. Dự cuộc vui chỉ là thay đổi cảnh trí, nhìn một khía cạnh khác của tháng ngày cho đỡ phát phiền mà thôi.
Có tiếng vẫy mạnh trong hồ cá vàng. Kim dậy ra phòng khách thăm cá và cho nó ăn. Mọi ngày, Kim vẫn cho cá ăn vào giờ này. Hôm nay Kim không phải đi làm, nhưng cá đã quen được ăn vào giờ nhất định. Kim cũng như những ông bà già khác, những con người độc thân hay có con đã lớn ở xa: những người này không có ai để vuốt ve, bồng bế yêu chiều, họ thường phải nuôi một con vật gì như chó, mèo, chim, cá để chuyện trò, và để thương yêu . . . một chiều.
Muốn bớt suy nghĩ, Kim vẫn thường tìm bận rộn đủ mọi cách. Ngoài giờ đi làm, nàng có một cái vườn thật to để làm cỏ, tưới cây. Kim tự chùi nhà cửa, giặt dũ, quét tước, nấu nướng, may vá. Thế nhưng thời gian gần đây Kim chán tất cả, không thấy có hứng thú làm gì hết.
Như đồng lõa với lười biếng, trời mưa tầm tã suốt mấy ngày liền. Các vùng thấp, nước ứ đọng trên đường từng vũng lớn, mỗi lúc có một chiếc xe đi qua là bắn tung tóe cả lên. Nhờ thế, Kim có cớ để không đi phố, đi chợ, và cũng không ra làm vườn.
Tiếng hát ở máy thu thanh đang ngân nga bài “ The green grass of home” Kim thích nhất. Mỗi khi nghe đến câu” tôi muốn sờ lên đám cỏ xanh ở quê tôi.. .” Kim thấy mình cũng có ý tưởng ấy. Trời! Từng đám cỏ xanh mướt mịn màng ở quê hương, nếu được sờ, được dẫm lên, thì sung sướng biết bao!
Tiếng nhạc đang dìu dặt bỗng nhiên ngừng lại. Kim đang say sưa nghe, bị cắt mất nguồn cảm hứng, giận dỗi quay vòng kim sang đài khác để thử tiếng. Chiếc đồng hồ liền với máy cũng đứng yên, kim chỉ giây đứng sững ra đấy một cách rất ngây thơ, như đời chưa từng làm khổ ai vì cái trò chơi đuổi bắt thời gian cả. Kim bật điện để xem máy không chạy vì bị hỏng, hay vì không có điện. Đèn không đỏ, lò sưởi điện cũng đã ngừng nhả hơi ấm.
Lắm hôm điện tắt, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ rồi chạy lại như thường, Kim chỉ việc chờ một người nào đấy ở cùng đường, nóng ruột hơn nàng, gọi điện thoại báo tin cho nhà điện biết để chữa quãng bị hỏng.
Kim bỗng thấy muốn bận rộn làm một việc gì cho đỡ bức rức, nhưng nghĩ mãi không ra. Phần giải trí có máy hát, máy phát thanh , máy truyền hình, tất cả đều không chạy, đọc sách thì không đủ ánh sáng mà cũng không có đèn. Phần việc làm thì máy giặt, máy sấy, máy hút bụi, máy may, không có điện cũng không dùng được. Kim lặng lẽ bó gối ngồi nhìn đàn cá vàng bơi quanh quẩn trong chậu, gian phòng lạnh dần, lạnh dần như trông thấy rõ khí lạnh đang tiến tới từng bước một.
Thấy đói bụng, Kim mở tủ lạnh tìm thức ăn. Tủ không điện, tối âm u, Kim không tìm thấy gì ăn được. Ngăn đựng thịt ướp đông bắt đầu tan đá, nhỏ từng giọt nước xuống các ngăn. Tất cả đều sống, đều lạnh, đầu cần phải nấu chín, hâm nóng, nhưng cái bếp điện không có ý hưởng ứng. Kim đành uống một cốc sữa tươi dằn bụng. Kim uống từ từ, nuốt dần từng ngụm nhỏ, sữa đi đến đâu nghe lạnh đến đấy.
Kim chợt nhớ đến mấy bắp cải, bèn lấy ra muối chua theo kiểu Đại Hàn. Kim xóc cải lẫn với ớt bột, gừng, tỏi và hành hoa thái nhỏ. Cho vào lọ xong, Kim hòa nước muối vừa mặn, thêm một viên đường rồi đổ vào lọ. Chờ độ năm hôm nữa Kim Chi chín. Tất cả các vị chua cay mặn ngọt khác nhau của hành, tỏi, gừng, ớt, đường muối hợp chung với nước dưa chua, sẽ khai vị vô cùng. Ngày xưa, mẹ nàng hay làm món này, và bà làm khéo nhất làng, nên lúc sinh Kim, cha Kim đã lấy tên món dưa chua Kim Chi để đặt cho nàng. Từ ngày sang Mỹ, Kim chỉ làm dưa theo kiểu dối này, chứ thực ra, còn cần nhiều thứ gia vị khác nữa. Mẹ nàng còn làm thứ cải để nguyên cả bắp, cuốn bên trong một con cá mực hay cá thu, chất đầy một vò thật to. Thứ dưa này phải để hàng nửa năm mới ăn được, vì phải chờ cho cá hay mực thành mắm, chất mắm thơm ngon thấm vào lá dưa. Lúc vò dưa được mở ra lần đầu, từ trong nhà ra đến ngoài đường, làng trên xóm dưới đều ngửi thấy mùi thơm.
Dưa làm xong, còn suốt cả một ngày dài đằng đẵng, Kim không biết làm gì. Cửa kính sau nhà Kim trông ra vườn. Cửa thật lớn bằng ba cửa thường, từ chân tường vươn cao lên gần trần nhà, như một bức tường bằng kính. Kim lấy cái chăn điện quấn vào người, chăn không có điện nên quá mỏng manh và lạnh như tất cả mọi thứ khác trong phòng. Kim nằm lăn xuống sàn nhà nhìn ra vườn sau. Chợt ngẫng đầu nhìn lên, Kim bỗng thấy như lạc vào một thế giới khác. Cũng vẫn những cây gỗ đại thọ ấy, ngày thường, lúc Kim đứng thẳng, nhìn thấy khác hẳn bây giờ. Nằm xuống sàn thấp nhìn lên, chúng nó như hùng vĩ thêm, cành lá như nhiều thêm, và có vẻ thơ mộng hơn.
Kim thấy tất cả cái gì cũng như cô đọng lại, thời gian cũng vậy. Nếu thời gian mà có qua thật, thì giờ phút này điện phải chữa xong rồi. Nhưng máy hát, máy phát thanh, tủ lạnh, máy may, lò sưởi, máy giặt, máy sấy, tất cả những thứ làm cho một gia đình sống động và linh hoạt, vẫn còn im lìm. Chúng lạnh lùng đứng lì ra đấy, không hợp tác cũng không phản đối. Chúng chỉ chiếm một chỗ ngồi rồi ra điều kiện: có điện thì tôi sống, tôi làm việc, không có điện thì tôi chết, tôi không làm gì được hết.
Trí não Kim đang thả trôi một cách lười biếng, bỗng dưng bừng tĩnh dậy, như chợt nghĩ ra điều gì. À, phải rồi, Con người cũng như máy móc, còn quan rọng hơn là đằng khác. Cái bọn máy móc kia phải có điện mới làm việc được thì con người cũng thế. Phải có tình. Tình yêu là luồng điện, là nguồn sống của nhân loại. Nếu không có tình yêu thúc đẩy thì loài người cũng sẽ như máy không điện cứ nằm lì ra đấy, qua ngày một cách uể oải, đến đâu hay đó, không biết thú vị sống là gì nữa !
Nghĩ đến mình, Kim thấy chính mình xưa nay cũng đã bị cái luồng điện kia chi phối khá nhiều mà không biết. Những năm sau này, Kim hay nằm lì ra một cách lười biếng, không còn chí hoạt động hăng hái trước kia. Những việc trong nhà, ngoài vườn, ngày xưa Kim làm một cách trìu mến say sưa, thì ngày nay làm cho qua ngày giờ hay chỉ vì, trách nhiệm, bổn phận. Nhớ đến lúc mới dọn về đây, Kim đã thao thức nhiều đêm suy nghĩ, mơ tưởng phác họa bản đồ lập vườn. Nơi nào sẽ trồng cây, nơi nào sẽ trồng hoa, bồn cỏ đâu, bể cá xây cách nào . . . Sáng dậy đi làm, mắt đỏ mọng vì mất ngủ, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo như thường. Còn bây giờ, giá cái mái nhà sập góc bên này, chắc Kim sẽ đẩy giường sang góc bên kia, rồi cứ thế mà ở.
Ngày xưa, lúc còn trẻ đẹp, thỉnh thoảng có vài người bạn đến chơi, Kim dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn thức ăn, y phục ưa nhìn, hợp thời trang, lại còn má phấn môi son rất xinh đẹp nữa. Bây giờ, những thanh niên anh tuấn hay xí trai ấy đã biến mất vào hư vô như luồng điện hôm nay. Không có điện, các thứ máy móc nằm chình ình một đống. Không có tình, con người cũng sống lì ra đấy, mặc ngày tháng thả trôi.
Ngày xưa, có khi Kim cũng đã rất khó tính, hay chê khen: anh này lùn, anh kia cao, anh nọ thông minh, anh kia ngớ ngẩn. . . Bây giờ, những con người dù dốt dù thông ấy biến đi đâu mất cả?
Kim ghé mặt xuống sát đất để nhìn lên. Đám cây gỗ đỏ như vươn cao, cao hơn nữa. Nhưng càng cao, ngọn cây như càng trơ trọi bơ vơ.
Kim chợt nghĩ đến những người hàng xóm láng giềng của nàng. Bà già Nhật tay chân run lập cập, ngày ngày đợi cuối tuần con và rể đến cắt cỏ, đợi cơ hội về lại đảo Hokaido xa vời . . . Anh chàng hải quân u mê đợi ngày được tin thi rớt như một cái án treo trên đầu, không biết ngày lãnh án bao giờ sẽ đến . . . Ông Đức với bà vợ . . .theo gái . . . Tất cả những con người ấy, bây giờ điện tắt, đang làm gì? Đang thắc mắc gì?
Vẳng lên tiếng đàn nhẹ nhàng thanh thoát của ông Hà. Kim mỉm cười bảo thầm:
• May mà cây đàn dương cầm của ông Hà không phải là đàn điện.
• Ít ra trong xóm này có một người còn giữ được nguồn vui.

Các tác phẩm khác của Linh Bảo

Lỡ Duyên

Làng Điếc

Con Chồn Tinh Quái

Linh Bảo: chân dung và tiểu sử

Văn Nghệ Trốn Đâu Rồi

Túp Lều Tranh

Tranh Đấu

Tiền Định

Thuốc Trường Sinh

Tàu Ngựa Cũ

SẦU RIÊNG

Quà Tết

Những Tết Tha Hương

Những Cánh Diều

Người Quân Tử

Ngày Giỗ Mẹ

Một Truyện Phim Không Quay

Một Truyện Ngắn Hay Nhất

Một Đêm Mơ

Một Chuyến Lên Bờ

Mớ Tóc Rối

Hũ Mắm Nêm Đi Hương Cảng

Hậu Hắc Học

Hạt Châu

Đông Sương Ký

Để Kỷ Niệm Một Tình Yêu Bất Diệt

Cung Chúc Tân Xuân

Chuyện Tình Con Mèo Trắng

Chuyện Búp Bê

Chiếc Cột Đèn

Cây Chuối Buồn

Cái Thang

Cái Thảm

Biên Giới

Ảo Tưởng

Áo Mới

Những Đêm Mưa

Gió Bấc