Biết Nói Cùng Ai
Tác giả: Linh Vang
Nàng có một gia đình đầm ấm hạnh phúc: một chồng và hai con trai. Người chồng làm điện toán cho tiểu bang, lương cao. Nàng làm kế toán cũng cho tiểu bang, lương khá. Người chồng cao ráo, đẹp trai, thông minh, con cháu hậu duệ của dòng vua nhà Nguyễn. Nàng thấp, nhỏ con, nhưng gọn theo tầm vóc của nàng, với bộ ngực to no tròn cùng cái eo nhỏ, khá quyến rũ. Nàng không dùng son phấn nên nhìn xa thì thấy khuôn mặt chìm, nhưng lại gần nghe nàng nói chuyện thì ai cũng công nhận là khuôn mặt với làn da đẹp đó có nét duyên dáng của nó.
Khi người chồng ăn sinh nhật 45 tuổi, anh thấy anh đã có công danh sự nghiệp vững chắc, nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền, một trương mục nhà băng với nhiều con số...Anh muốn trở lại với sở thích mà sau khi lấy vợ công việc lu bu quá bận rộn anh đã bỏ rơi nó. Đó là chơi đàn ghi –ta. Hiểu ý anh, nàng bèn mua tặng anh một cây đàn. Sau giờ đi làm, về nhà anh chỉ chơi đàn để giải trí. Nàng thì cũng có một thú vui mới, vì bấy giờ không còn bận bịu con nhỏ. Nàng gia nhập nhóm khâu vá khăn bông, mền bông. Nàng bắt đầu mỗi tuần một đêm đi học cắt, học đo, học ráp những mảnh vụn hình chữ nhật, hình tam giác lại với nhau. Người ta nói đây là thú vui của người giàu tiền bạc và dư thì giờ. Vợ chồng nàng coi như cũng đang đi vào giai cấp này. Một đám đàn bà có cùng sở thích vào những đêm gặp nhau thường kêu pizza ăn uống và ngoài việc quilting còn nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện trong sở, chuyện ngoài sở.
Đêm đó, họ ngồi lê nói chuyện tiếp. Con Pamela xinh đẹp như thế mà đi cặp với thằng Tom đã ly dị và có đàn con, hằng tháng gửi tiền nuôi con cũng hết. Cặp vợ chồng bà Mai, ly dị thật đó, chứ giả gì! Họ đi làm cả, đâu cần phải làm giả mà ăn oeo –phe, tiền bệnh gì đâu. Có người nói, cũng tại ông chồng, qua Mỹ không chịu sửa đổi, còn chồng chúa vợ tôi, ăn rồi chỉ đi lo việc thiên hạ, bả làm lương cao hơn, mấy lần dọa bỏ ổng mà ổng còn thách cho là bả không dám làm, bây giờ bả tức quá làm thật. Có người bênh ông nói, bà này ở tệ với chồng, ly dị không chia cho chồng cắc bạc nào, nhà cửa lấy hết. Mới đầu ổng không thèm, của bả là của con, ai dè bây giờ bả có bồ, ổng mới tức trở thành khùng. Nghèo thấy tội, dân qua lâu mà phải ở đậu nhà người ta, chẳng khác nào homeless. Có nghe gì chưa con xếp lớn của Debbie, Shannon Johnson đó, bị nhận giấy hồng cho nghỉ việc hôm qua rồi, cứ đọc cái e –mail của bà Maureen gửi ra thì biết, không một lời cám ơn Shannon lâu nay đã giúp lèo lái con thuyền. Chỉ nói là Shannon nghỉ việc để theo đuổi những ước mơ riêng tự..Cũng giống như kiểu anh từ chức hay để tui đuổi thì cũng vậy thôi. Ai mà chẳng có những ước mơ riêng tư, đâu có ai tự ý xin nghỉ việc vào thời buổi khó khăn này, có mà đói à.
Nàng nghe mà nghĩ bụng, mình đang có mối lo trong lòng, chưa dám kể cho ai hay. Chuyện là như thế này: đứa con lớn hơi ngỗ nghịch, lâu lâu lại mang buồn phiền đến cho cha mẹ. Mới đầu là tội xài tiền nhiều. Người chồng la nó, còn đi học mà xài tiền như dân đi làm. Nhưng bạn bè ở trường nó đều mặc áo quần xịn có nhãn hiệu nổi tiếng cả. Nàng bênh con sợ con mặc cảm với chúng bạn nên nó xin gì nàng cũng mua cho. Rồi nó bắt đầu cúp cua trốn học. Tới lúc cúp cua nhiều quá thì phải ra tòa. Phải ra giải thích cho ông tòa lý do tại sao bỏ học nhiều như vậy, rồi phải hứa hẹn là sẽ trở lại đi học đàng hoàng. Người chồng giận không đưa con đi, nói nó làm xấu mày xấu mặt, ngày xưa tao đi học tháng tháng có bằng khen mang về nhà. Nàng phải lấy giờ nghỉ mà đưa con đi. Nàng lại tủi thân nghĩ, nó cũng là con của anh.
Vợ chồng bất đồng ý kiến trong vấn đề dạy dỗ con cái. Đâu như thủa vừa ra đời còn nghèo, mà cảnh nhà lại hòa thuận, “Ruột bầu nấu với râu tôm. Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon. Người chồng buồn chuyện nhà, bèn nghe theo lời bạn bè, vô chơi đàn trong một ban nhạc của họ đi hát cuối tuần cho casinos, đám cưới. Nhiều đêm trong tuần, anh phải đi tập nhạc. Việc chơi nhạc mới đầu coi như giải trí bỗng dưng làm anh bận rộn. Chuyện nhà hiển nhiên anh giao hết cho vợ. Đứa con qua tuổi 16 bắt đầu học lái xe ở trường rồi đòi mua xe riêng. Anh sợ nó lái thì tiền đóng bảo hiểm lên cao nên anh không cho. Mà thống kê cho thấy lái xe ở tuổi đó thường gây nhiều tai nạn vì chưa có kinh nghiệm. Thằng nhỏ dọa hay nói thiệt, đòi bỏ nhà. Anh nói muốn đi thì anh không cản. Chồng cứng thì vợ nhu. Nàng đi theo con ra cửa dỗ nó ở lại. Nó tỉnh bơ nói:
− Tụi bạn con nói ra ở với tụi nó thì tụi nó sẽ mua xe cho con.
Nàng nghi nghi trong bụng, hỏi dò:
− Tụi bạn con làm gì có tiền mà mua xe cho con. Con biết là không ai khi không cho con một món gì mà không đòi con phải làm gì. Tụi nó hứa hẹn gì? Và con phải làm gì cho tụi nó?
− Mom...Mom biết mà!
− Má không biết! Con nói cho má nghe đi.
− Tụi nó kêu con đi bán...xì ke, chứ còn gì nữa!
Bằng mọi giá, nàng không cho con đi. Nàng phải ngọt với nó. Nàng cho nó chiếc xe của nàng. Còn nàng thì đi mua xe khác. Anh giận nàng. Giận tím gan. Thằng con đã tống tiền mẹ nó! Bắc thang cho nó leo như vậy thì làm sao dạy nó được! Vợ chồng giận hờn mấy tháng trời. Nàng buồn nhưng nghĩ phải lo cho con trước, con mới là quan trọng. Có phải quan niệm của người Á Đông mình là như vậy. Rồi nàng cũng phải ngọt với chồng. Lúc này thì nàng đã bỏ cái nhóm khâu vá. Chuyện nhà rối răm như vậy còn hơi sức đâu mà đi nghe chuyện thiên hạ.
Dạo này, anh vắng mặt nhà nhiều hơn. Ban nhạc chơi từ tối thứ sáu cho tới tối chủ nhật. Tối chủ nhật lại là chính cho cái casino vùng này, vì thường có ca sĩ Việt từ những tiểu bang xa tới hát. Bà con Việt vào nghe hát và nhảy nhót miễn phí. Casino chỉ tính tiền nước uống thôi. Dân làm nail đi đông vì họ nghỉ ngày thứ hai. Thời buổi này chỉ có dân này là còn khá. Hãng nào, ngành nào cũng nghe cắt giốp, bớt người. Hãng tư cũng như sở công. Người bị mất việc thì lo làm sao trả tiền nhà, tiền chợ, tiền bảo hiểm, tiền điện, tiền nước... Người còn việc thì thấp thỏm lo bao giờ tới phiên mình nhận giấy cho nghỉ việc đây. Trong khi đó những chỗ đánh bài lại sống khỏe. Năm rồi, Emerald Queen Casino lời nhiều, quá nhiều ngoài sức dự đoán, tuần nào lợi nhuận cũng phá kỷ lục, John Weymer, phát ngôn viên của bộ lạc đã cho báo chí biết như vậy. Casino này thuộc bộ lạc da đỏ ở Puyallup. Mục đích mở ra là lấy tiền lời đó giúp đỡ con cháu người da đỏ trong vấn đề an sinh xã hội, nâng mức sống cao và giúp cho thế hệ sau có tiền ăn học. Nhờ casino khá khẩm như vậy mà từ đầu năm nay, mỗi con cháu da đỏ từ lúc mới đẻ ra đã được hưởng 2 ngàn mỗi tháng mà không phải làm gì. Như vậy một gia đình bốn người- Một chồng, một vợ, hai con –tính sơ sơ một tháng 8 ngàn thì mỗi năm được 96 ngàn! Nếu bà con Việt chỉ đi nghe nhạc và nhảy đầm, thì không nói gì. Nhưng mon men ở chỗ đánh bài, tránh sao khỏi đỏ đen. Nhiều nhà, cả chồng lẫn vợ đều mê sát phạt. Có nhiều bà trông thật ...hiền, cũng tưởng là chẳng biết gì cả, không biết tiếng Mỹ, không biết lái xe, chỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng, cho con, vậy mà bạn bè tới rủ, chở đi ...cũng nướng tới mấy chục ngàn! Té ra là người mình có nợ với con cháu nhà da đỏ. Nhưng rồi cũng có người thắc mắc, không biết việc cho người da đỏ khai thác những sòng bài miễn thuế như thế này là giúp họ hay hại họ đây? Có tiền, họ chỉ biết vùi đầu trong rượu chè bê bét giết dần mòn cơ thể. Có thấy con cháu người da đỏ nào làm lớn đâu.
Anh về khuya. Có đêm anh không về. Chơi nhạc xong rồi về nhà bạn bè ăn nhậu, cuối tuần mà. Anh dặn nàng, em không phải lo, cần gì gọi phôn tay của anh. Nàng nài nỉ, anh làm gì thì làm nhưng tối nên có mặt ở nhà cho em an tâm, đường sá đi đêm nguy hiểm, lỡ gặp bọn say rượu lái xe ẩu tả. Với lại các con...Nàng buồn bã, thằng Harry coi như bỏ đi rồi, nhưng còn thằng Larry, mình nên gần gũi nó nhiều để dạy dỗ nó nên người, em nghĩ tiền bạc làm gì mà để con cái hư hỏng. Anh chỉ ừ ừ, hử hử. Lâu rồi anh không còn bận tâm tới gia đình nhỏ này của anh. Anh đang chờ để nói với nàng một điều mà anh chưa có dịp nói. Anh nhớ nhung nghĩ tới ánh mắt lẳng lơ, thân hình nóng bỏng của Tuyết Linh, người yêu của anh, ca sĩ chính, trẻ đẹp của ban nhạc. Có lần cô thỏ thẻ, vợ anh có ghen không? Anh trả lời, vợ anh hiền như bụt. Cô hỏi tiếp, vợ anh biết không? Anh đoán, chắc không biết. Cô lại hỏi. Bao giờ thì anh hỏi cưới em?
Sau đó không lâu...Nàng đã bắt đầu ăn diện. Nàng mua một lúc cả ngàn tiền áo quần. Mốt mới. Ra khỏi nhà, nàng đã đánh chút phấn hồng, thoa tí son đỏ. Đồng nghiệp, toàn là người Mỹ, có nhận thấy điều này và cũng nhận thấy nàng ốm quá, cái mông của nàng như chẳng còn! Có bà tốt bụng lại vô tình khuyên, đai–ẹc thì tốt thôi, nhưng đừng kiêng cử quá. Nàng vẫn dấu là nàng có chuyện lo gia đình làm nàng mất ăn mất ngủ. Nàng vẫn cắn răng chịu đựng, không than thở cùng ai. Họ chỉ thắc mắc với nhau, chuyện gì đây? Nhưng đôi mắt nàng đỏ hoe thì không dấu được ai. Dưới con mắt của họ, nàng là người duy nhất trong cái tầng lầu này có một gia đình hoàn hảo: Một chồng, một vợ, hai con. Không chồng trước, chồng sau, vợ trước, vợ sau, con anh, con tôi, con chúng ta. Trước đây, nàng thường tự hào nói, người Việt của chúng tôi lấy nhau là lấy suốt đời, cho dù sống...không có hạnh phúc.
Nàng biết, mọi việc đã quá muộn rồi, vì tối nay, người chồng vừa nói với nàng là anh muốn ...ly dị nàng. Bên này, ly dị thì dễ như thay cái áo! Nàng biết việc gì đến sẽ đến nhưng không biết nói cùng ai./.
Linh Vang