Giấc mơ của bà nội
Tác giả: Ma Văn Kháng
Bao giờ cũng vậy, cứ đến chủ nhật là bà nội lại từ làng quê ngoại thành vào phố chơi với chúng tôi. Bà đến quãng chín giờ sáng. Đến là cho quà ríu rít và chuyện trò. Ôi, dường như là bao nhiêu thương nhớ sau một tuần xa cách và tích đọng từ bao năm, giờ mới có dịp bộc lộ. Bà giở cái túi xách tay ra. Cái túi xách bằng vải thô ông vẫn dùng từ ngày còn là nhân viên phục vụ trên tầu chạy tuyến đường sắt Lao Cai - Hà Nội là cái túi có phép thần. ở trong nó có đủ mùa nào thức ấy: Nhãn tháng sáu. Na tháng bẩy. Roi mùa hạ. Gương sen mùa thu. Lại còn bột sắn cho mẹ tôi vốn hay bị nhiệt và hoa hoè cho bố tôi mới chớm bị cao huyết áp. Vườn nhà bà có hai cây hoè. Hoè ra nụ, bà bắc thang hái rồi sao phơi, đóng vào từng bọc giấy báo mang ra.
- Bố anh ngày xưa cũng hay bị nhức đầu, hoa mắt, uống hoa hoè quanh năm là đỡ đấy.
Bà nhớ chả sót điều gì. Thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bà bảo chả bù cho ông cháu, chả bao giờ thấy ra tí mồ hôi nào, kể cả lúc ngồi ở toa tầu bí gió. Ngày chủ nhật có bà đến chơi là ngày vui vẻ nhất đời. Với bà, đó cũng là những giờ phút bận rộn nhất. Bà sửa sang lại bàn thờ. Bà phủi bụi những tấm huân chương của bố tôi. Bà luôn chân luôn tay dọn dẹp, quét quáy. Bà lau chùi bát đĩa, bàn ghế. Bà đem quần áo của chúng tôi ra phơi phóng. Khô rồi cũng đem ra nắng phơi, cho nó thơm như lời bà nói. Bà chải đầu, tết tóc cho cái Tú. Lại còn dậy nó chơi chuyền, chơi bắt hình giây chun. Bà nắm cổ tay tôi kêu sao cháu bà gầy thế. Thấy tôi gãi đùi, gãi cẳng chân, bà bắt tôi kéo quần lên cho bà xem. Rồi bà rẫy nẩy lên: "Thằng bố, con mẹ mày nó bận công bận việc nhà tầu, nó chả để ý gì đến con cả. Ai lại để con gầy gò, ghẻ lở thế!" Rồi bà ra chợ mua nắm lá về đun tắm cho tôi. Rồi giao hẹn với mẹ tôi, ngày nào cũng phải như thế. Phải cho tôi ăn uống ngon lành. Không thì bà đón về ở với bà. Bà ở làng một mình từ khi ông nội mất. Nhưng bà không thể ra ở với bố mẹ tôi được, vì như bà nói, còn họ hàng nội ngoại, nhà cửa, vườn tược, còn hàng xóm láng giềng, còn là nơi đi về của các hương hồn tiên tổ.
Thích nhất là những bữa ăn có bàn tay bà lo liệu. Đâu có phải chỉ là đồng tiền, mà còn là cả sự trìu mến ruột thịt. Nên bố tôi đi làm ở nhà ga về, ngồi vào mâm cơm, liền toét miệng cười, bảo mẹ tôi:
- Thấy chưa, không có bà thì bao giờ trẻ con nhà mình mới được ăn canh cua rau rút?
Mẹ tôi cười thèn lẹn, nhưng chưa kịp nói, đã được bà đỡ lời:
- Tôi có công lên việc xuống gì nữa đâu mà chả vẽ vời được. Mà dễ không ấy mà.
- à bà ơi, hôm nào bà nấu chân giò với dấm tỏi nhé. Lâu lâu, cháu chưa được ăn rồi. Cái Tú nũng nịu.
Bà gật đầu. Rồi bà ngồi chắp tay trước bụng nhìn chúng tôi ăn. Bố tôi nhấc đũa đưa bà, bà cầm rồi lại đặt xuống, kêu bụng dạ hồi này cứ lủng củng thế nào, không muốn ăn.
Cái Tú và cơm chan canh cua sùm sụp, ngẩng lên, cười tít mắt, nói:
- Bà ơi, bố mẹ ơi, cứ được mãi mãi như thế này thì thích quá nhỉ!
Mẹ tôi nguýt yêu cái Tú:
- Có bà, được ỷ vào bà, bà làm hộ hết mọi việc, gì mà chẳng thích!
Bà nheo nheo cặp mắt già, đưa tay vuốt mái tóc óng như tơ của cái Tú.
* * *
Cứ mãi mãi như thế này thì thích nhỉ! Ôi, bức tranh sinh hoạt gia đình. Bà nội hiền hậu, thương yêu con cháu. Bố mẹ đang tuổi đi làm, khoẻ mạnh, thuận hoà. Con cái còn nhỏ, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Chính là lời cái Tú khiến cho mọi người cùng ngỡ ngàng hoan hỉ, nhận ra cái hạnh phúc vô giá của gia đình tôi những ngày này.
Bức tranh sinh hoạt gia đình cứ thế, cứ thế mà tiếp diễn, tiếp diễn đều đặn. Đến mức tôi gần như không để ý đến nó nữa. Thì đến một hôm, bố tôi đi làm về, trông lạ hẳn đi, đến nỗi con chó Bông tưởng người lạ, sủa gầu một tiếng. Mẹ tôi ở trong bếp ngó ra kêu to: Hoá ra đã đeo kính lão rồi đấy! Bố tôi gật đầu đứng ngẩn, rồi lẩm bẩm: Mình đã bốn mươi lăm. Bà nội đã ngoại bẩy mươi rồi còn gì.
Bà nội đã ngoại bẩy mươi! Điều đó thấy rõ trước hết là việc bà không đi xe đạp, rồi không đi bộ đến chơi với chúng tôi ngày chủ nhật nữa. Bà đi xe ôm được một thời gian rồi sau cùng không dám đi cả xe máy bố tôi đến đón. Bà kêu sóc, đau xương cốt. Bà đi xích lô và bảo người đạp xe đi thật chậm.
Bà đến nhà chúng tôi thưa dần. Một lần, sau ba bốn chủ nhật qua bà mới tới. Nhưng vừa tới, bà đã lên tiếng: Không phải lo cho bà, đừng đến thăm bà, cứ yên tâm mà công tác, học hành, bà già rồi, mệt nhọc là chuyện thường tình, chứ bà còn khoẻ chán.
Chủ nhật ấy, chờ đến mười hai giờ, vẫn chưa thấy bà nội ra chơi, bố tôi đón được một cú điện thoại, vội dắt xe đi. Hai giờ chiều, không thấy bố tôi về, mẹ tôi sốt ruột quá, cũng lại dắt xe đi.
Tám giờ tối, bố mẹ tôi mới cùng trở về. Hai người ướt đẫm nước mưa, mặt nhợt nhạt, thở không ra hơi. Chúng tôi dọn cơm cho bố mẹ ăn. Nhưng cả hai ngồi vào mâm cơm đều im lặng. Bố tôi úp hai bàn tay vào mặt, đầu lắc lắc:
- Mình thật vô tâm quá! Năm lần bẩy lượt bà cụ nhắc đưa bà cụ lên bốc mộ ông cụ ở Trái Hút mà cứ để việc này việc khác lấp khuất đi. Cả việc làm đơn xin huân chương cho hai cụ cũng thế. Khổ! Bây giờ khéo không là muộn rồi!
Mẹ tôi bần thần nói:
- Có mỗi cái việc lắp cho cụ cái điện thoại cứ định mãi mà em chưa làm được.
Tôi rụt rè hỏi mẹ có phải bà bị ốm nặng phải đưa vào viện cấp cứu không. Mẹ tôi chưa kịp nói, bố tôi đã quay phắt lại, to tiếng, như sừng sộ.
- Này, nghe bố nói đây: Con cái là một lũ ích kỷ. Một lũ ích kỷ, đại ích kỷ! Nhớ chưa!
Thì ra bà tôi bắc thang để hái nụ hoa hoè cho bố tôi, thang trượt, bà bị ngã, nằm bất tỉnh, may có người hàng xóm gọi điện báo cho bố tôi biết. Giờ bà nằm ở khoa cấp cứu bệnh viện Sanh Pôn.
* * *
May, trời còn thương gia đình mình, còn cho bố mẹ, con cái mình có dịp báo hiếu bà. Đó là câu bố tôi nói hôm đón bà từ bệnh viện về. May, bà chỉ bị chấn thương não ở thể nhẹ, sau mấy ngày mê man, giờ bà đã tinh tỉnh được chút ít. Bế bà từ ngoài xe taxi vào nhà, đặt bà lên cái giường gỗ trải nệm êm, bố tôi đứng ở giữa nhà, gọi chúng tôi lại, nói:
- Từ nay, bố mẹ đón bà về ở, các con có trách nhiệm phải săn sóc trông nom bà. Hai đứa học hành quanh quẩn ở nhà, để giúp bà mọi việc. Nhớ chưa? Nhất là Tú đấy. chơi bời, bạn bè ít thôi!
Bà nằm, mặt thiêm thiếp, chỉ thi thoảng mới cựa mình, rên khe khẽ.
Từ hôm ấy, nhà tôi có bà đến ở. Từ hôm ấy, chúng tôi có cảm giác đã lớn khôn thêm một nấc tuổi. Chúng tôi đã gánh thêm một trách nhiệm. Tôi đi học, hết buổi là nhào vội về nhà với bà. Cái Tú, hễ có bạn đến nhà rủ ra sân chơi nhẩy lò cò, chơi truyền là nó chạy ra, nghiêm trang bảo: " Hôm khác các bạn hẫy đến nhé. Bà tớ đang ốm đấy."
Ngày qua, bà đã hé mắt, nhưng vẫn nằm bất động, có cảm giác thân hình bà ngày càng lép xẹp, lọt thỏm vào lòng nệm. Nhìn bà một thân hình gầy teo mà thương quá! Bà đã sống một cuộc sống sôi nổi bền bỉ suốt từ năm 16 tuổi làm thợ tiện ở xưởng quân giới, cho hết tuổi 60 mới về nghỉ; suốt đời bà chăm chỉ với việc chung, về già bà vẫn hết lòng thương yêu và lo toan cho con cháu. Thương bà quá, nhất là những lúc mẹ tôi đỡ bà dậy, bón cho bà ăn. Ngồi cạnh trông bà ăn, thấy bà chúm môi như đứa trẻ, gắng nuốt từng thìa, rồi mệt nhọc nằm thừ, đuôi mắt ướt nhoèn, bố tôi ôm mặt khóc nghẹn. Tôi cũng khóc theo. Tôi nhớ nhà thơ Thanh Tịnh có câu thơ rất hay thế này: " Bố bón cho con ăn, con cười, bố cười. Con bón cho bố ăn, con khóc, bố khóc."
Nghe tiếng bố tôi khóc, có lẽ vậy, bà tôi liền mở mắt. Rồi bà chép chép môi. Mẹ tôi mừng quá, vội đưa thìa bón tiếp cho bà. Bà cố ăn để khoẻ mạnh, sống mãi với con cháu, bà ơi!
Bà nội tôi gắng chống trả với cơn tai biến hiểm nghèo để khoẻ lại. Tuy vậy, sức khoẻ là thứ của cải một khi đã mất đi, rất khó lấy lại, nhất là ở tuổi già. Tỉnh tỉnh mê mê, bà tôi thường ở trạng thái dang dở ấy có khi cả tuần liền. Một đêm vào quãng gần sáng cả nhà đang ngủ, bỗng nghe tiếng bà quát rất to, bố tôi và tôi liền bật dậy.
- Mẹ ơi! Bố tôi bước vội đến bên giường bà, càng thảng thốt vì thấy bà tôi đã chống tay ngồi dậy, đang vấn khăn đầu.
- Mẹ, mẹ có sao không ạ?
- Bố Tuấn Tú đấy à? Ngủ thế nào mà kẻ trộm nó vào bếp, nó bắt mất hai con ngan mà không biết!
- Ngan nào, hả mẹ?
- Thế nhà không nuôi ngan à? Ơ, chả lẽ là ra mẹ mê ngủ? Rõ ràng mẹ đang nấu chân giò với dấm tỏi cho cái Tú và cả nhà ăn thì thấy một anh ăn mặc rất chải chuốt vào nhà ta xin nước uống rồi lẻn vào bếp bắt mất hai con ngan. Mẹ xót quá. Mẹ gào tướng lên: Này, anh kia, tôi nuôi hai con ngan là để làm thịt cho con, cháu tôi ăn, sao anh nhẫn tâm thế! Biết điều thì trả lại cho tôi đi! Rồi mẹ xông ra, xắn tay áo lên...
Mẹ tôi và cái Tú cùng choàng dậy lúc đó. Ngơ ngác một thoáng, rồi ai cũng hiểu chuyện, rồi vô cùng vui mừng vì thấy bà tôi đã ngồi được dậy, chải đầu, vấn khăn gọn ghẽ, nói rằng hôm nay thấy người đã trở lại bình thường, từ nay không phải lo gì cho bà nữa và hỏi: Có phải là tết nhất và mùa xuân sắp đến rồi không? Thế là cái vận cái hạn đã qua rồi!
Cái Tú đến bên bà, ôm bà, thẽ thọt:
- Bà ơi, có phải mê bị mất của là điềm lành không, bà?
Bà gật đầu.
- ừ, bà khoẻ, rồi bà sẽ nấu canh cua rau rút, nấu chân giò dấm tỏi, nấu nhiều món ngon cho các cháu ăn.
Tôi rưng rưng bồi hồi và ngờ ngợ. Bà nội tôi đã khoẻ trở lại bằng tất cả sự nỗ lực của chính bà, bà không muốn con cháu vất vả vì bà, và điều ấy là sự thật, nhưng là một sự thật mong manh làm sao! Mẹ già như trái chín cây. Tuổi già như ngọn đèn trước gió. Mặt bà hanh hao, là lạ như người đi đâu xa mới về, và những cặp mắt xung quanh bà bỗng nhiên trở nên hoang dại, ngất ngơ thế nào! Bố tôi úp mặt vào hai bàn tay. Làm con phải biết đến tuổi của bố mẹ để kính trọng và để lo liệu. Bố tôi thường nói vậy với chúng tôi. Ông cũng đang ở trong trạng thái run rẩy sợ hãi như tôi, nhưng còn thêm cả nỗi day dứt xót xa nữa. Ôi, ngay cả lúc ốm đau, tình thương của bà, cũng dành cho con cháu! Còn con cháu đúng như bố tôi đã có lần nói, thật là một lũ ích kỷ! Đại ích kỷ!
Bao giờ cũng vậy, cứ đến chủ nhật là bà nội lại từ làng quê ngoại thành vào phố chơi với chúng tôi. Bà đến quãng chín giờ sáng. Đến là cho quà ríu rít và chuyện trò. Ôi, dường như là bao nhiêu thương nhớ sau một tuần xa cách và tích đọng từ bao năm, giờ mới có dịp bộc lộ. Bà giở cái túi xách tay ra. Cái túi xách bằng vải thô ông vẫn dùng từ ngày còn là nhân viên phục vụ trên tầu chạy tuyến đường sắt Lao Cai - Hà Nội là cái túi có phép thần. ở trong nó có đủ mùa nào thức ấy: Nhãn tháng sáu. Na tháng bẩy. Roi mùa hạ. Gương sen mùa thu. Lại còn bột sắn cho mẹ tôi vốn hay bị nhiệt và hoa hoè cho bố tôi mới chớm bị cao huyết áp. Vườn nhà bà có hai cây hoè. Hoè ra nụ, bà bắc thang hái rồi sao phơi, đóng vào từng bọc giấy báo mang ra.
- Bố anh ngày xưa cũng hay bị nhức đầu, hoa mắt, uống hoa hoè quanh năm là đỡ đấy.
Bà nhớ chả sót điều gì. Thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bà bảo chả bù cho ông cháu, chả bao giờ thấy ra tí mồ hôi nào, kể cả lúc ngồi ở toa tầu bí gió. Ngày chủ nhật có bà đến chơi là ngày vui vẻ nhất đời. Với bà, đó cũng là những giờ phút bận rộn nhất. Bà sửa sang lại bàn thờ. Bà phủi bụi những tấm huân chương của bố tôi. Bà luôn chân luôn tay dọn dẹp, quét quáy. Bà lau chùi bát đĩa, bàn ghế. Bà đem quần áo của chúng tôi ra phơi phóng. Khô rồi cũng đem ra nắng phơi, cho nó thơm như lời bà nói. Bà chải đầu, tết tóc cho cái Tú. Lại còn dậy nó chơi chuyền, chơi bắt hình giây chun. Bà nắm cổ tay tôi kêu sao cháu bà gầy thế. Thấy tôi gãi đùi, gãi cẳng chân, bà bắt tôi kéo quần lên cho bà xem. Rồi bà rẫy nẩy lên: "Thằng bố, con mẹ mày nó bận công bận việc nhà tầu, nó chả để ý gì đến con cả. Ai lại để con gầy gò, ghẻ lở thế!" Rồi bà ra chợ mua nắm lá về đun tắm cho tôi. Rồi giao hẹn với mẹ tôi, ngày nào cũng phải như thế. Phải cho tôi ăn uống ngon lành. Không thì bà đón về ở với bà. Bà ở làng một mình từ khi ông nội mất. Nhưng bà không thể ra ở với bố mẹ tôi được, vì như bà nói, còn họ hàng nội ngoại, nhà cửa, vườn tược, còn hàng xóm láng giềng, còn là nơi đi về của các hương hồn tiên tổ.
Thích nhất là những bữa ăn có bàn tay bà lo liệu. Đâu có phải chỉ là đồng tiền, mà còn là cả sự trìu mến ruột thịt. Nên bố tôi đi làm ở nhà ga về, ngồi vào mâm cơm, liền toét miệng cười, bảo mẹ tôi:
- Thấy chưa, không có bà thì bao giờ trẻ con nhà mình mới được ăn canh cua rau rút?
Mẹ tôi cười thèn lẹn, nhưng chưa kịp nói, đã được bà đỡ lời:
- Tôi có công lên việc xuống gì nữa đâu mà chả vẽ vời được. Mà dễ không ấy mà.
- à bà ơi, hôm nào bà nấu chân giò với dấm tỏi nhé. Lâu lâu, cháu chưa được ăn rồi. Cái Tú nũng nịu.
Bà gật đầu. Rồi bà ngồi chắp tay trước bụng nhìn chúng tôi ăn. Bố tôi nhấc đũa đưa bà, bà cầm rồi lại đặt xuống, kêu bụng dạ hồi này cứ lủng củng thế nào, không muốn ăn.
Cái Tú và cơm chan canh cua sùm sụp, ngẩng lên, cười tít mắt, nói:
- Bà ơi, bố mẹ ơi, cứ được mãi mãi như thế này thì thích quá nhỉ!
Mẹ tôi nguýt yêu cái Tú:
- Có bà, được ỷ vào bà, bà làm hộ hết mọi việc, gì mà chẳng thích!
Bà nheo nheo cặp mắt già, đưa tay vuốt mái tóc óng như tơ của cái Tú.
* * *
Cứ mãi mãi như thế này thì thích nhỉ! Ôi, bức tranh sinh hoạt gia đình. Bà nội hiền hậu, thương yêu con cháu. Bố mẹ đang tuổi đi làm, khoẻ mạnh, thuận hoà. Con cái còn nhỏ, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Chính là lời cái Tú khiến cho mọi người cùng ngỡ ngàng hoan hỉ, nhận ra cái hạnh phúc vô giá của gia đình tôi những ngày này.
Bức tranh sinh hoạt gia đình cứ thế, cứ thế mà tiếp diễn, tiếp diễn đều đặn. Đến mức tôi gần như không để ý đến nó nữa. Thì đến một hôm, bố tôi đi làm về, trông lạ hẳn đi, đến nỗi con chó Bông tưởng người lạ, sủa gầu một tiếng. Mẹ tôi ở trong bếp ngó ra kêu to: Hoá ra đã đeo kính lão rồi đấy! Bố tôi gật đầu đứng ngẩn, rồi lẩm bẩm: Mình đã bốn mươi lăm. Bà nội đã ngoại bẩy mươi rồi còn gì.
Bà nội đã ngoại bẩy mươi! Điều đó thấy rõ trước hết là việc bà không đi xe đạp, rồi không đi bộ đến chơi với chúng tôi ngày chủ nhật nữa. Bà đi xe ôm được một thời gian rồi sau cùng không dám đi cả xe máy bố tôi đến đón. Bà kêu sóc, đau xương cốt. Bà đi xích lô và bảo người đạp xe đi thật chậm.
Bà đến nhà chúng tôi thưa dần. Một lần, sau ba bốn chủ nhật qua bà mới tới. Nhưng vừa tới, bà đã lên tiếng: Không phải lo cho bà, đừng đến thăm bà, cứ yên tâm mà công tác, học hành, bà già rồi, mệt nhọc là chuyện thường tình, chứ bà còn khoẻ chán.
Chủ nhật ấy, chờ đến mười hai giờ, vẫn chưa thấy bà nội ra chơi, bố tôi đón được một cú điện thoại, vội dắt xe đi. Hai giờ chiều, không thấy bố tôi về, mẹ tôi sốt ruột quá, cũng lại dắt xe đi.
Tám giờ tối, bố mẹ tôi mới cùng trở về. Hai người ướt đẫm nước mưa, mặt nhợt nhạt, thở không ra hơi. Chúng tôi dọn cơm cho bố mẹ ăn. Nhưng cả hai ngồi vào mâm cơm đều im lặng. Bố tôi úp hai bàn tay vào mặt, đầu lắc lắc:
- Mình thật vô tâm quá! Năm lần bẩy lượt bà cụ nhắc đưa bà cụ lên bốc mộ ông cụ ở Trái Hút mà cứ để việc này việc khác lấp khuất đi. Cả việc làm đơn xin huân chương cho hai cụ cũng thế. Khổ! Bây giờ khéo không là muộn rồi!
Mẹ tôi bần thần nói:
- Có mỗi cái việc lắp cho cụ cái điện thoại cứ định mãi mà em chưa làm được.
Tôi rụt rè hỏi mẹ có phải bà bị ốm nặng phải đưa vào viện cấp cứu không. Mẹ tôi chưa kịp nói, bố tôi đã quay phắt lại, to tiếng, như sừng sộ.
- Này, nghe bố nói đây: Con cái là một lũ ích kỷ. Một lũ ích kỷ, đại ích kỷ! Nhớ chưa!
Thì ra bà tôi bắc thang để hái nụ hoa hoè cho bố tôi, thang trượt, bà bị ngã, nằm bất tỉnh, may có người hàng xóm gọi điện báo cho bố tôi biết. Giờ bà nằm ở khoa cấp cứu bệnh viện Sanh Pôn.
* * *
May, trời còn thương gia đình mình, còn cho bố mẹ, con cái mình có dịp báo hiếu bà. Đó là câu bố tôi nói hôm đón bà từ bệnh viện về. May, bà chỉ bị chấn thương não ở thể nhẹ, sau mấy ngày mê man, giờ bà đã tinh tỉnh được chút ít. Bế bà từ ngoài xe taxi vào nhà, đặt bà lên cái giường gỗ trải nệm êm, bố tôi đứng ở giữa nhà, gọi chúng tôi lại, nói:
- Từ nay, bố mẹ đón bà về ở, các con có trách nhiệm phải săn sóc trông nom bà. Hai đứa học hành quanh quẩn ở nhà, để giúp bà mọi việc. Nhớ chưa? Nhất là Tú đấy. chơi bời, bạn bè ít thôi!
Bà nằm, mặt thiêm thiếp, chỉ thi thoảng mới cựa mình, rên khe khẽ.
Từ hôm ấy, nhà tôi có bà đến ở. Từ hôm ấy, chúng tôi có cảm giác đã lớn khôn thêm một nấc tuổi. Chúng tôi đã gánh thêm một trách nhiệm. Tôi đi học, hết buổi là nhào vội về nhà với bà. Cái Tú, hễ có bạn đến nhà rủ ra sân chơi nhẩy lò cò, chơi truyền là nó chạy ra, nghiêm trang bảo: " Hôm khác các bạn hẫy đến nhé. Bà tớ đang ốm đấy."
Ngày qua, bà đã hé mắt, nhưng vẫn nằm bất động, có cảm giác thân hình bà ngày càng lép xẹp, lọt thỏm vào lòng nệm. Nhìn bà một thân hình gầy teo mà thương quá! Bà đã sống một cuộc sống sôi nổi bền bỉ suốt từ năm 16 tuổi làm thợ tiện ở xưởng quân giới, cho hết tuổi 60 mới về nghỉ; suốt đời bà chăm chỉ với việc chung, về già bà vẫn hết lòng thương yêu và lo toan cho con cháu. Thương bà quá, nhất là những lúc mẹ tôi đỡ bà dậy, bón cho bà ăn. Ngồi cạnh trông bà ăn, thấy bà chúm môi như đứa trẻ, gắng nuốt từng thìa, rồi mệt nhọc nằm thừ, đuôi mắt ướt nhoèn, bố tôi ôm mặt khóc nghẹn. Tôi cũng khóc theo. Tôi nhớ nhà thơ Thanh Tịnh có câu thơ rất hay thế này: " Bố bón cho con ăn, con cười, bố cười. Con bón cho bố ăn, con khóc, bố khóc."
Nghe tiếng bố tôi khóc, có lẽ vậy, bà tôi liền mở mắt. Rồi bà chép chép môi. Mẹ tôi mừng quá, vội đưa thìa bón tiếp cho bà. Bà cố ăn để khoẻ mạnh, sống mãi với con cháu, bà ơi!
Bà nội tôi gắng chống trả với cơn tai biến hiểm nghèo để khoẻ lại. Tuy vậy, sức khoẻ là thứ của cải một khi đã mất đi, rất khó lấy lại, nhất là ở tuổi già. Tỉnh tỉnh mê mê, bà tôi thường ở trạng thái dang dở ấy có khi cả tuần liền. Một đêm vào quãng gần sáng cả nhà đang ngủ, bỗng nghe tiếng bà quát rất to, bố tôi và tôi liền bật dậy.
- Mẹ ơi! Bố tôi bước vội đến bên giường bà, càng thảng thốt vì thấy bà tôi đã chống tay ngồi dậy, đang vấn khăn đầu.
- Mẹ, mẹ có sao không ạ?
- Bố Tuấn Tú đấy à? Ngủ thế nào mà kẻ trộm nó vào bếp, nó bắt mất hai con ngan mà không biết!
- Ngan nào, hả mẹ?
- Thế nhà không nuôi ngan à? Ơ, chả lẽ là ra mẹ mê ngủ? Rõ ràng mẹ đang nấu chân giò với dấm tỏi cho cái Tú và cả nhà ăn thì thấy một anh ăn mặc rất chải chuốt vào nhà ta xin nước uống rồi lẻn vào bếp bắt mất hai con ngan. Mẹ xót quá. Mẹ gào tướng lên: Này, anh kia, tôi nuôi hai con ngan là để làm thịt cho con, cháu tôi ăn, sao anh nhẫn tâm thế! Biết điều thì trả lại cho tôi đi! Rồi mẹ xông ra, xắn tay áo lên...
Mẹ tôi và cái Tú cùng choàng dậy lúc đó. Ngơ ngác một thoáng, rồi ai cũng hiểu chuyện, rồi vô cùng vui mừng vì thấy bà tôi đã ngồi được dậy, chải đầu, vấn khăn gọn ghẽ, nói rằng hôm nay thấy người đã trở lại bình thường, từ nay không phải lo gì cho bà nữa và hỏi: Có phải là tết nhất và mùa xuân sắp đến rồi không? Thế là cái vận cái hạn đã qua rồi!
Cái Tú đến bên bà, ôm bà, thẽ thọt:
- Bà ơi, có phải mê bị mất của là điềm lành không, bà?
Bà gật đầu.
- ừ, bà khoẻ, rồi bà sẽ nấu canh cua rau rút, nấu chân giò dấm tỏi, nấu nhiều món ngon cho các cháu ăn.
Tôi rưng rưng bồi hồi và ngờ ngợ. Bà nội tôi đã khoẻ trở lại bằng tất cả sự nỗ lực của chính bà, bà không muốn con cháu vất vả vì bà, và điều ấy là sự thật, nhưng là một sự thật mong manh làm sao! Mẹ già như trái chín cây. Tuổi già như ngọn đèn trước gió. Mặt bà hanh hao, là lạ như người đi đâu xa mới về, và những cặp mắt xung quanh bà bỗng nhiên trở nên hoang dại, ngất ngơ thế nào! Bố tôi úp mặt vào hai bàn tay. Làm con phải biết đến tuổi của bố mẹ để kính trọng và để lo liệu. Bố tôi thường nói vậy với chúng tôi. Ông cũng đang ở trong trạng thái run rẩy sợ hãi như tôi, nhưng còn thêm cả nỗi day dứt xót xa nữa. Ôi, ngay cả lúc ốm đau, tình thương của bà, cũng dành cho con cháu! Còn con cháu đúng như bố tôi đã có lần nói, thật là một lũ ích kỷ! Đại ích kỷ!