Con gái út của cha
Tác giả: Mai Ngữ
Tôi là con gái út của cha tôi, trên tôi có sáu anh chị em nhưng cha tôi yêu tôi hơn cả. Tình yêu của cha tôi tế nhị, không bao giờ lộ liễu trong gia đình, bởi ông không muốn làm các con suy bì tị nạnh. Ngay đối với tôi ông cũng bộc lộ tình yêu trong cử chỉ thường ngày, trong đôi mắt cha tôi khi nhìn tôi, đôi mắt bao giờ cũng hiện ra nét hóm hỉnh và dịu dàng. Mẹ tôi lại khác, dường như bao nhiêu ý nghĩ của bà không bao giờ được giữ kín trong đầu. Giữa cha tôi và mẹ tôi là một khoảng cách về tính cách và ngôn ngữ. Mẹ tôi ăn mặc loè xoè, quần áo sộc sệch, nói năng điểm đạm. Cho nên nhiều khi có khách lạ đến nhà, họ cứ ngỡ mẹ tôi là bà giúp việc, đến khi ngồi nói chuyện mới hay đó là vợ chủ nhân. Khi họ thú thật và xin lỗi, chẳng bao giờ mẹ tôi đế bụng mà bà còn cho đấy là trò vui: “Thì đúng tao bà con ở của bố mày chứ sao, tao là ai cũng được miễn là bố mày đừng có bỏ tao đi léng phéng với người khác...” Bố tôi cười và gọi đùa mẹ tôi là “mẹ Đốp”, về nhà là “mẹ Đốp đâu rồi...”. Nói vậy chứ cha mẹ tôi rất quý mến nhau, mẹ tôi xuất thân từ nông thôn, ra thành phố mấy chục năm vẫn là một bà nông dân thuần phác.
Còn cha tôi sống và phong cách như một nhà trí thức. Ông chịu đọc, chịu nghiền ngẫm, chịu hỏi han những người hiếu biết và suy nghĩ về họ. Cha tôi chẳng có bằng sắc gì cao nhưng am hiểu và lịch lãm của ông còn hơn khối người mà tôi biết.
Cha tôi về hưu vào năm sau giải phóng rniền Nam. Ông là người sống mẫu mực, biết mình biết người. Từ ngày trẻ, vào ngày nghỉ, ông thường đưa các con ra ngoại thành chơi giống như người ta đi pích-níc bây giờ, cha con ngồi quây quần dưới gốc cây, trải mảnh báo cũ ra bày đồ ăn khô, hôm thì bánh mì, hôm thì cơm nắm mà mẹ tôi đã chuẩn bị với muối vừng thêm một chai nước. Mấy cha con vui chơi đến chiều lại dong xe về nhà. Niềm vui của cha tôi là ở những nơi phóng khoáng, tránh xa được sự ồn ào nơi phố xá. Có lẽ vì thế mà sau này khi về già cha tôi thường đạp xe đến nhà tôi ở ngoại thành, cha tôi đến thăm vợ chồng tôi thường ở lâu hơn, ông đến ngồi một lát rồi dắt cháu ra đồng ngắm cảnh. Cả nhà tôi nấu cơm sẵn chờ hai ông cháu về. Cha tôi sống mẫu mực và diều độ trong nết ắn uống. Không bao giờ õng ăn quá cái mức cần thiết. Một lần ông ăn cơm ở nhà tôi, ăn xong hai lưng bát, ông dừng lại. Vợ chổng tôi nài ép cha ăn thêm, hôm nay có nhiều thức ăn ngon. Ông lắc đầu, chỉ vào cái suyvontơ ở góc nhà, bảo: - Các con có thấy cái vạch đỏ kia không, tăng điện đến đúng cái vạch đỏ là vừa vặn, đúng 220 hay 110 von, tăng quá là tất cả đồ điện trong nhà đều cháy hết. Cha cũng vậy, cha chỉ ăn vừa đến vạch đỏ trong người thôi, ăn quá là lục phủ ngũ tạng có vấn đề, cho nên đừng ép cha...
Cái vạch đỏ, bao giờ cha tôi cũng làm đúng đến cái vạch đỏ ấy, không hơn. Ăn uống, chơi bời hay làm việc gì cũng chỉ đến đúng cái vạch đỏ là dừng lại, quá thì nguy hiểm. Một lần anh em chúng tôi đọc báo và bàn tán về vụ lừa đảo lớn vừa xảy ra trong thành phố, cha tôi tủm tỉm nói:
- Kẻ đi lừa đảo thì đúng là bọn lưu manh đáng ghét, nhưng những người bị nó lừa hầu hết là những anh tham lam. Có tham mới bị lừa, nó chìa ra một chút cho anh là anh mắc ngay. Cha chẳng bao giờ bị lừa vì cha không tham. Các con có biết trên tàu xe thường có bọn đánh bạc gạ gẫm hành khách, khối anh mắc, bao nhiêu tiền nong hết sạch. Đó là những anh tham, thấy dễ ăn tưởng bở, lao vào là mắc câu của chúng nó. Ngày xưa thế mà bây giờ cũng thế.
Tôi nói:
- Con có chị bạn đi đường bị nó đánh thuốc mê lột sạch cả nhẫn cả dây chuyền...
Cha tôi cười:
- Làm gì có chuyện thuốc mê, vì tham nên bị nó lừa thôi. Giả dụ con đi đường gặp một anh có vẻ lớ ngớ mời chào bán rẻ hay đổi rẻ, nó nói đến khéo thế là tháo nhẫn, tháo dây chuyền đưa cho nó để đổi lấy mảnh vàng rởm. Về nhà biết là bị lừa nên nói tránh như thế... Cha nói với các con rằng ở đời mọi sự vất vả hay rác rối đều do lòng tham mà ra. Cho nên đạo Phật mới răn người ta phải diệt dục...
Mẹ tôi tếu táo:
- Ối dà, đứa nào tham cho nó chết bớt đi. Cái xã hội này đã chẳng khốn khổ khốn nạn vì những đứa tham đấy sao?
Cha tôi lại cười:
- Nhưng xã hội mà không có kẻ tham thì buồn biết mấy. Có kẻ tham, có người không tham nên mới có bi kịch... Tôi cũng tham đấy, tôi tham hiểu biết, cái đẩu óc già nua của tôi cứ muốn nhồi nhét vào những điều mình chưa biết...
Cha tôi nói cho vui, tôi biết thế nhưng tôi tự hỏi niềm vui của cha tôi là gì nếu không phải sự ham muốn hiểu biết. Và lại rnuốn khẳng định sự hiểu biết của mình. Có những chuyện rắc rối trong cuộc sống, cha tôi tự phân tích, tự lý giải nhưng sau đó tìm gặp những người mà ông tin cậy để hỏi họ, khi họ nói đúng như ý nghĩ của cha tôi ông gật gù: “Thế thì tôi yên tâm”.
Rồi mẹ tôi qua đời vì bênh tim Bà bị suy tim, chạy chữa mãi không khỏi. Còn lại cha tôi sống chung với gia đình người anh sát tôi. Thỉnh thoảng ông đi chơi đây đó một mình đạp xe đi có khi hàng trăm cây số, tìm lại người bạn cũ từ xa xưa hoặc cùng nhóm các cụ về hưu tổ chức đi du lịch nơi này nơi khác. Ngoài tám mươi sự kiện của cha tôi còn tốt, từ trẻ tới già, ông không hút thuốc, không uống chè, rượu chỉ nhấm nháp khi có cỗ bàn. Ông không đi tập dưỡng sinh ngoài công viên với các cụ già, ông chỉ ở nhà tập theo kiểu của ông theo sức của ông. Khi mẹ tôi còn sống, ngày giỗ tết hay ngày rằm, mùng một, bà thắp hương khấn vái, cha tôi không phản đối nhưng không tham gia.
Sau khi mẹ tôi qua đời, trên bàn thờ mẹ tôi bao giờ ông cũng quét dọn sạch sẽ, sáng sáng thắp nén nhang, rồi đứng lặng trước ảnh mẹ tôi.
Niềm đam mê của cha tôi trong những năm gần đây là học thêm Hán Nôm. Xưa kia ông nội tôi đã dạy cha tôi chữ Hán, qua mấy chục năm không dùng đến, cái vốn chữ Hán rơi rụng gần hết. Giờ đây cha tôi muốn học tiếp, chúng tôi phải đi tìm mua cho ông hai cuốn từ điển Hán Nôm và Hán Pháp. Khi tra cứu được một từ khó hiểu như “phò mã”, ông rất vui và đi khoe với các bác già. “Phò mã” thì ai cũng biết là con rể vua nhưng tại sao lại là “Phò mã”?
Tìm mãi thì ra đó là con ngựa phụ, con ngựa thứ 5 trong cỗ xe tứ mã, phụ nhưng rất cần thiết, nếu một trong bốn con ngựa kia bị qụy thì ắt là nó sẽ thay thế. Thú vui thứ hai của cha tôi là nghiên cứu về vũ trụ. Một người bạn cũ của cha tôi đang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Paris gửi tặng ông cuốn sách nghiên cứu về thiên văn do ông ta viết. Cha tôi quý lắm, bỏ ra hàng tháng trời đọc và suy ngẫm về nó. Năm 1994, nhật thực toàn phần. Cha tôi xuống nhà tôi từ sáng sớm và tôi phải bỏ công đi mượn cho ông cái kính thợ hàn, hai cái. Mười giờ, hai ông cháu kéo nhau ra cánh đồng xem nhật thực. Ông nói: - Cha phải xem nó ra sao, nghe nói vào lúc nhật thực này, chim đang bay tự nhiên rơi xuống đất...
Buổi trưa hai ông cháu từ cánh đồng về nhà, niềm vui hiện lên trên nét mặt ông. Ông vô cùng hể hả và bữa cơm trưa hôm đó thật vui. Cha tôi bảo:
- Cha cảm ơn các con... Các nhà khoa học thế giới họ phải tốn bao nhiêu công sức đến nước ta để nghiên cứu nhật thực vây mà hai ông cháu chỉ mất mấy phút cuốc bộ ra cánh đồng... Thật là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được...
Nhìn cha tôi rạng rỡ trên gương mặt, tôi xúc động muốn khóc. Lâu nay tôi những muốn làm một công việc gì đó để vui lòng cha, vậy mà chỉ hôm nay tôi mới đạt được. Lẽ ra tôi phải cảm ơn cha tôi mới đúng!
Sang tuổi 85: sức khoẻ của cha tôi sút rất nhanh. Trước kia, ông cứ ở nhà một thời gian lại nắc nỏm muốn đi đây đi đó và hàng năm, vào cuối tháng hai âm lịch thể nào ông cũng về quê giỗ tổ họ. Khi còn khoẻ, ông đạp xe, từ thành phố về quê chỉ trên mười cây số, sau ông lên xe buýt tới đầu hàng rồi đi bộ vào nhà thờ. Nơi ấy hàng năm tụ tập tất cả họ hàng con cháu.
Ông rất vui khi gặp lại người này người khác trò chuyện, rồi góp tiền ăn cỗ. Trước khi ra về, ông ra nghĩa trang viếng mộ mẹ tôi. Năm ấy, cha tôi không về được mặc dù ông rất muốn về quê, con cháu can ngăn và ông chịu nghe lời. Từ đầu năm cha tôi đã bị hai lần ngã, một lần khi qua đường, ông bị một người đi xe đạp húc phải, ông ngã dập xuống, phải vào bệnh viện cấp cứu, may chỉ bị sây sát ở mắt và bị gãy chiếc răng cửa. Hai ngày sau, ông về nhà, cái răng gãy làm gương mặt ông ngộ nghĩnh. Ông biết thế nên khi nói chuyện, bao giờ ông cũng lấy bàn tay che miệng. Điều đó càng làm ông trông trẻ con hơn, một lần tự nhiên tôi bật cười, cha tôi cau mặt có lẽ ông xấu hổ:
- Cười gì thế? Cô cười cha cô à?
Tôi ấp úng nhưng vẫn không nhịn được cười:
- Không phải, con chỉ buồn cười thôi... Cha cứ soi gương mà xem...
Những nét cau có trên mặt cha tôi dãn ra, và ông cũng cười, không che miệng nữa, cười ha hả vẻ rất thích thú...
Sau đó chưa đầy một tháng, cha tôi lại bị ngã lần thú hai. Tự ngã thôi chứ chẳng ai đụng phải, hôm đó cha tôi ra phố, từ hè đường bước xuống, hụt chân ngã khuỵ xuống, không đứng lên được, phải có người đỡ dậy, họ hỏi nhà rồi thuê hộ xích lô đưa về. Chúng tôi lo sơ định đưa ông vào viện nhưng cha tôi lác đầu, vén ống quần lộ bên đầu gối sưng tấy. Cha tôi bảo:
- Không sao, làm gì mà chúng mày cứ cuống lên. Chỉ xoa bóp mấy hôm là khỏi. Với lại ai chẳng vài lần vấp ngã, con người ta lúc lẫm chẫm biết đi đã chẳng ngã lên ngã xuống, hễ thấy cha mẹ là oà lên khóc, còn không thấy lại tự đứng lên, về già thì ai cũng giống đứa trẻ tập đi, ngã và ngã, thế thôi. Bây giờ cha không chỉ huy được hai chân nữa, mình muốn bước ra khỏi chỗ này, nó lại chuyển sang chỗ khác... Trên bảo dưới không nghe mà...
Rồi cha tôi cười, cũng chẳng buồn lấy tay che cái răng gãy nữa. Tôi nhìn cha mà thấy tội nghiệp. Mới dăm năm trước, cha tôi còn khoẻ lắm. Toàn cuốc bộ, đi đứng thoăn thoắt. Xa thì đạp xe, đạp hàng dăm chục cây số như không. Ngày đó con cái khuyên cha không nên đi xe đạp, đường xá quá đông, họ lại đi ẩu, rất nguy hiểm, cha tôi lắc đầu:
- Chúng mày không hiểu, xe đạp thì thấp mà hai chân cha lại quá dài, cần thì chống hai chân xuống, vũng như thành. Cha đi xe đạp hơn nửa thế kỷ nên có nhiều kinh nghiệm lắm. Này nhé đến ngã tư thấy đèn đỏ từ xa thì đạp dấn lên, đến nơi vừa vặn đèn xanh, ở xa thấy đèn xanh thì đi chậm lại, đợi nó sang đèn đỏ rồi chuyển đèn xanh, đến nơi là vừa vặn. Mà qua ngã ba, ngã tư mình phải tìm chỗ dựa, thấy anh xích lô hay ô tô cùng qua là mình bám theo nép vào bên họ, chẳng anh nào dám đụng đến... Cho nên ta mới có câu: “Đèn đỏ đi nhanh, đèn xanh đi chậm” là thế...
Đầu gối bị sưng phải mấy ngày cha tôi xoa bóp mới khỏi nhưng chúng tôi ngăn không cho cha ra đường, ngay trong nhà mỗi khi di chuyển ông cũng phải chổng gậy. Tôi nói với cha tôi:
- Đến cái vạch đỏ rồi đấy cha ạ, cha đừng có vặn quá lên...
Cha tôi ngẩn ra ngó tôi và chợt hiểu, ông cười phá lên. Và từ đó ông không đi bộ ra đường, mỗi khi cản đi đâu hay đền nhà con cháu, cha tôi đứng cửa gọi xe xích lô... Nhưng điều tôi lo ngại không chỉ sức khoẻ của ông ở tuổi 85, ông còn hơn nhiều người ít tuổi hơn, điều tôi lo lắng là ông bắt đầu lẫn. Làm gì cũng quên quên nhớ nhớ, đẩu óc cha tôi không còn minh mẫn như trước. Mới chỉ chưa đầy một năm, cha tôi biến đổi rất nhanh, định làm việc này rồi lại làm sang việc khác, trí nhớ giảm sút và có những hành đông rất kỳ quặc. Đó là những triệu chứng không bình thường mà ở cuối đời con người hay mắc phải.
Một ngày chủ nhật, cha tôi xuống thăm tôi, ông nhìn thấy cây bách tán của chồng tôi trong trong chậu, ông thích lắm. Chúng tôi biếu ông mang về nhà. Tôi phải dặn bác xích lô để cái chậu cây dưới chân ông và khi đến nhà, bác hãy đưa cha tôi vào trước rồi mới bê chậu cây vào sau, ông cụ cần đặt ở đâu thì bác giúp hộ. Tôi nghĩ muốn làm vui cho cha, người già với cây cảnh là hợp nhất. Nhưng được hai tuần, giữa trưa nắng, cha tôi lại ngồi xích lô đến nhà tôi đem theo cái chậu cảnh nhưng cây thì không còn. Bác xích lô bảo: “Tôi đã nói với cụ đố hết đất ra cho nó nhẹ, ông cụ nhất định không nghe, cứ bắt mang cả chậu cả đất...”. Cha tôi nghe xong, nói ngay: “Cái chú này đến lạ, trước kia tôi đem chậu cả đất của cô ấy về nhà thì bây giờ tôi cũng phải trả lại nguyên vẹn... Chỉ có cái cây bị chết tôi nhố đi rồi...”. Cái cây bách tán nhà tôi đã ra đến mấy tán lá vậy không hiểu sao lại chết được? Tôi nghe mà rờn rợn. Nhưng cũng chưa hết, vừa ngồi chưa nóng chỗ, cha tôi lại bảo: “Con ra đồng lấy cho cha tải đất mầu cha đem về vun vào các chậu khác cho nó tốt...”.
Lúc này ngoài đồng, lúa đã ngậm đòng, làm sao cuốc được đất cho cha? Nhưng ông cụ vẫn khăng khăng đòi đất. Tôi đành chạy sang nhà ông hàng xóm chuyên bán cây cảnh để xin ông nửa tải đất, ông cụ đã muốn thì không thể không có được. Ông hàng xóm bảo tôi:
- Được tôi sẽ biếu cô nửa tải đất màu dự trữ của tôi. Nhưng tôi thấy đây là điềm chẳng lành. Ngày mồng một đẩu tháng mà đi lấy đất thì gở rồi đấy, cô phải chú ý đến ông cụ...
Câu nói của người hàng xóm làm tôi liên tưởng đến cây bách tán bị chết, cây thì chết mà người lại đi lấy đất, đúng là điềm không hay rồi... Tôi là giáo viên tiểu học, không phải kẻ mê tín dị đoan và cha tôi hay chế giễu những bà chồng con chẳng quan tâm cứ hay kéo nhau đi hết chùa nọ đền kia, nay hội này mai hội khác, cúng bái lung tung.
Tôi vác nửa tải đất về và giữ cha tôi ở lại ăn cơm, ông lắc đầu đòi về giữa trưa nắng, mái tóc cha tôi cắt ngắn có khi húi cua, chẳng bao giờ đội mũ, cứ đầu trần ngất nghểu phơi nắng, lúc trẻ vẫn thế, về già cũng vậy. Có lần, tôi mua một cái mũ và đem về ép cha tôi đội khi ra ngoài.
Cũng là nể con gái lắm cha tôi mới cầm chụp lên đầu rồi đạp xe đi, nhưng khi cha về nhà, cái mũ không còn nữa. Cha tôi nhìn tôi như xin lỗi và nói: “Thế đấy, con gái ạ, cha lại để quên đâu đó mà không nhớ ra hay nhớ ra nhưng chẳng nhẽ quay lại đòi mũ...”. Tôi nhìn cha tôi và cười...
Một đêm mùa hè, cha tôi không hiểu sao đang nằm đọc sách đùng đùng trở dậy mở cửa gọi xích lô ra đi, ông muốn đến nhà tôi có chuyện gì đó rồi ông quên luôn và quên cả nhà tôi. Bác xích lô hỏi, ông vẫy tay: “Chú cứ đi đi, tôi sẽ chỉ đường cho chú...”. “Nhưng cụ về phố nào kia chứ?”. “Thì tôi cũng chẳng nhớ nữa, thôi cứ đạp đi, tôi khắc nhớ mà...”. Chiếc xe chở cha tôi đi lòng vòng hết phố này sang phố khác, lúc rẽ trái, khi rẽ phải, cuối cùng cha tôi không thể nào nhớ được con đường vào nhà tôi. Ông đành bảo xích lô quay lại một phố gần đó, rẽ vào một hẻm gần đó rồi đến nhà chị gái tôi. Đây rồi, ông đập cửa, chị tôi giật mình khi nhìn thấy cha tôi thôi lếch thếch trong bộ quần áo ngủ, không hiểu có chuyện gì. Cha xuống xe bảo: “Cha định đến nhà con út mà quên mất đường”. “Nhưng ông tìm cô ấy có chuyện gì?” “À, à... cha định...” rồi đờ ra không biết mình định cái gì? Chị tôi vội khép cửa, đưa cha tôi ra xe, chị tôi ngồi kèm cha tôi về tận nhà, đưa cha tôi vào giường nằm và nói: “Thôi khuya rồi. cha đi ngủ đi, sáng mai con nhắn cô ấy đến gặp cha...”. Ông già ngóc dạy hỏi: “Mấy giờ rồi?”. “- Mười hai giờ đêm rồi cha ơi!”.
Về nhà, chị tôi gọi điện thoại báo cho tôi và anh chị em khác biết, chị tôi bảo: “Cha lẫn lắm rồi, tình hình này là gay đấy”. Tôi nghe điện rồi khóc nức lên. Tôi biết cái thời gian cha tôi còn ở lại với chúng tôi không nhiều nữa. Cha đã đi đến cái chót vót của vạch đỏ rồi...
Trưa hôm sau, tôi ở trường về đến thẳng nhà cha tôi. Tôi hỏi đêm qua ông đi xe đên tìm tôi có chuyện gì? Cha tôi ngớ người hỏi: “Đêm hôm qua à? Đêm hôm qua cha đi ngủ từ sớm có đi đâu?”. Tôi im lặng nhìn cha, cha tôi đã chẳng thể nhớ ra cái việc đó cha làm theo bản năng, chợt nghĩ và chợt làm. Cái trí nhớ già nua của ông cụ không ghi lại dấu vết gì nữa? Cha tôi nhìn lại tôi, đôi mắt ông không còn những tia lấp lánh như trước, nhìn mà như chẳng thấy gì hết. Tôi nói:
- Cha có thích ăn nem rán không? Chiều nay con rán rồi đem lại cha dùng?
- Nem rán à? Ồ, đã lâu không ăn nem rán. Con cứ đưa lại nhưng đừng nhiều, chỉ cần ba cái thôi...
Ông giơ ba ngón tay chìa vào mặt tôi.
Chiều hôm ấy tôi làm nem rán cho vào cặp lồng đem đến. Tôi đặt trên bàn ăn rồi pha nước chấm mời ông. Cha tôi vui lắm, cười cười ngó đĩa nem nhưng ông cau mặt:
- Sao mà nhiều thế, ta chỉ cần có ba cái thôi, ba cái là nhiều rồi...
Rồi ông cụ ngồi ăn rất ngon lành, đúng ba cái, ắn hết ông gác đũa. Chợt ông quay phắt lại nhìn tôi, giọng lạnh tanh:
- Mà cô là ai nhỉ?
Tôi nghe lạnh toát cả người, cái giọng rất lạ, khô khốc như không phải của cha tôi. Và khi tôi nhìn vào mắt ông cụ thấy đôi mắt bạc trắng như sữa, không phải mắt cha tôi, cũng không phải đôi mắt của người sống. Tôi vội đứng lên chạy ra sân, hai tay ôm lấy mặt. Hết rồi, đây là triệu chứng báo hiệu không lành. Tôi ở lại với ông cụ và bữa cơm chiều hôm ẩy, tôi nói với các anh chị tôi:
- Hỏng rồi, em biết là cha hỏng rồi. Từ nay thiết quân luật cả nhà rồi chia nhau trực bên cha, không được lơ là giây phút nào hết. Thiết quân luật cả nhà, các bác nghe rõ cả rồi chứ. Bác cả ghi lịch chia rõ để nhớ, đến lượt ai người ấy phải ở lại đây, hăm bốn trên hăm bốn...
Sáng hôm sau, cha tôi không dậy được nữa. Ông nằm trên giường, mọi sinh hoạt ăn uống đều trên giường, trừ đi tiểu tiện, ông bảo con cái vực dậy đi ra góc nhà và đi đại tiện thì vào nhà vệ sinh. Ông cụ vốn tính sạch sẽ, không muốn để con cháu thấy cảnh bê bết trên giường dù sức lực đã gần cạn kiệt. Chúng tôi mấy anh chị em và các cháu nội ngoại lúc nào cũng có mặt bên giường cha tôi. Ông cụ chẳng có bệnh tật gì hết mà là kiệt sức giống như ngọn đèn tàn cố cháy leo lét cho đến cạn dầu.
Được vài ngày như thế, đêm thứ sáu, nửa đêm cha tôi kêu nóng bức, bắt con cháu phải bế vào nhà tắm vặn vòi nước nóng để tắm rửa. Tôi biết đây là những giờ phút cuối cùng. chúng tôi đặt cha lên chiếc ghế rồi múc nước ấm dội lên người ông già, vừa dội nước vừa kỳ co. Cha tôi suýt soa sung sướng kêu lên: “Thích quá, kỳ đến đâu bở đến đầy, bở như khoai luộc. Sướng quá, tắm được cái sướng quá. Muốn đi đâu thì đi cũng phải tắm rửa sạch sẽ chứ...”.
Chúng tôi lau khô người cha bằng tấm khăn sạch rồi đưa cha lên nhà, mặc quần áo mới cho cha. Chiếc sơ mi tráng lại thắt cra-vát hẳn hoi, bên ngoài bộ âu phục đen mà cha tôi thường mặc khi đi đâu xa, tóc chải lật, cha tôi được đặt ngay ngắn trên giường. Ông cụ vẫn tỉnh táo, ngọ ngoạy bàn chân và nói: “Đi tất vào cho cha...”.
Chúng tôi ngồi xuống quanh giường cha, trong giờ phút cuối cùng của cha. Căn phòng được bật hết đèn đế cha tôi có thể nhìn rõ từng người con, từng đứa cháu. Tôi quỳ bên cha, nắm lấy bàn tay gày của cha, những ngón tay cha động đậy và nắm lấy bàn tay tôi. Cha tôi mở mắt đảo nhìn suốt lượt từng người con, con trai con dâu con rể và những đứa cháu vây quanh giường. Đôi mát dừng lại ở tôi, đôi mắt như muốn cười, lấp lánh và hóm hỉnh, đôi môi cha tôi động đậy dường như ông muốn nói hay muốn che cái răng cửa bị gãy, đôi mắt vẫn đọng lại nơi tôi nhịp thở hối hả. Và tôi thấy những ngón tay của cha tôi lỏng ra, tôi xiết chặt bàn tay như đê truyền cho cha hơi nóng nhưng bàn tay cha tôi lạnh dần, rồi những ngón tay rời hẳn. Một nhịp thở dội lên, đôi mắt cha tôi khép lại. Nhịp thở dừng hẳn. Cha tôi đã ra đi thanh thản và nhẹ nhàng. Tôi gục xuống khóc, các chị tôi chị gái và chị dâu cùng khóc, các anh tôi nấc lên...
Tôi chợt vùng dậy ôm lấy cha lần cuối cùng rồi tôi đưa thằng con trai nhỏ của tôi lách ra. Hai mẹ con đưa nhau ra ngồi ngoài sân, trong nhà tiếng khóc đầy ắp nơi cha tôi nằm. Thằng con tôi gục vào lòng mẹ, tôi nâng mặt cháu lên, lấy khăn lau nước mắt cho nó nhưng nước mắt của tôi lại trào ra không kìm lại được. Tôi mếu máo khi con tôi khe khẽ gọi “ông... ông ơi...”, tôi nói: “Thôi thế là từ nay chẳng còn ai dắt con ra chơi ngoài đồng. Ông đã đi xa rồi...”.
Đồng hồ trong nhà điểm năm tiếng. Trời đã sáng. Cha tôi đã mất, đối với mọi người, cha tôi chỉ là một người bình thường, chẳng có chức danh chức phận gì lớn lao, một ông già hơi gàn gàn, hơi điên điên nhưng cũng chưa bao giờ làm phiền lụy đến ai. Đối với tôi, cha tôi là một con người đặc biệt với tính cách đặc biệt, sống một cuộc sống thanh đạm nhưng có nhiều ý nghĩa đối với con cháu. Suốt đời tôi không bao giờ có quên đi đôi mắt hóm hỉnh và nụ cười vừa độ lượng vừa châm biếm của ông. Cái vạch đỏ, ông đã tạo ra nó để tự kiềm chế mình, biết những điều cần làm, những điều không nên làm. Cái vạch đỏ như vạch ranh giới ấy không phải ai cũng biết hoặc biết mà không theo được.
Trời sáng, tiếng xe cộ vọng lại từ ngoài đường phố. Bác xích lô nhà bên đang chuẩn bị bữa ăn sáng và ạch cạch lôi cái xe cổ lỗ ra cửa. Tiếng trẻ con líu lô, tiếng những người mẹ trẻ đang quát con dậy đến trường. Nhịp sống vẫn tiếp tục, người già mất đi, lớp trẻ lớn lên, như một dòng chảy không ngừng. Nhưng chẳng ai thay thế được cha tôi.
Năm Quốc tế người Già 1999
Mai Ngữ