watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ôxca và Êric - tác giả Marcel Aymé Marcel Aymé

Ôxca và Êric

Tác giả: Marcel Aymé

Ba trăm năm trước đây, có một gia đình họa sĩ dòng họ Ôngiecxơn sống ở xứ Ôôclan và chỉ vẽ các kiệt tác. Tất cả đều trứ danh và được tôn kính, danh tiếng của không vượt qua biên giới chẳng qua chỉ vì vương quốc Ôôclan ở hẻo lánh tận miền cực Bắc, không giao thiệp với nước nào khác. Các tàu bè của nó chỉ ra khơi để đánh cá hoặc săn bắn, và tất cả những chiếc nào tìm đường đi về phương Nam đều va phải những dãy đá ngầm vỡ tan.
Ông già Ôngiecxơn, họa sĩ đầu tiên của dòng họ, có mười một con gái và bảy con trai, tất cả đều có năng khiếu về hội họa. Mười tám anh em Ôngiecxơn đó đều làm nên sự nghiệp, được hưởng ân bổng, được quý chuộng, được thưởng huân chương, nhưng chẳng ai có con cái. Ông già phiền muộn khi thấy cái dòng họ mà ông tốn bao công sức xây dựng nên đương tàn lụi đi như thế, nên năm tám mươi lăm tuổi cười con gái của một người săn gấu và sinh được một cậu con trai đặt tên là Hanx. Sau đó, ông chết thanh thản.
Được mười tám anh chị dạy bảo cho, Hanx trở thành một họa sĩ phong cảnh tuyệt diệu. Chàng vẽ thông, bạch dương, đồng cỏ, tuyết, hồ, thác nước, và vẽ chân thật đến mức Chúa tạo những cảnh vật ấy trong tự nhiên như thế nào thì chúng cũng xuất hiện trên tranh làm vậy. Đứng trước những bức tranh vẽ phong cảnh tuyết của chàng, chẳng ai là không thấy lạnh bàn chân. Thậm chí có chú gấu non đứng trước một trong những bức tranh của chàng thể hiện cây thông, đã tưởng lầm đến nỗi định leo lên cành.
Hanx Ôngiecxơn lấy vợ và có hai con trai. Êric, anh con cả, chẳng bộc lộ một chút năng khiếu nghệ thuật nào. Chàng chỉ mơ săn gấu, hải cẩu, cá voi và rất mê đi biển. Vì vậy, chàng làm cho cả nhà, nhất là cha chàng thất vọng, bị cha coi là đồ gián mối, đồ đầu ngựa biển.Trái lại, Ôxca, kém anh một tuổi, lại tỏ ra ngay từ thời thơ ấu là một nghệ sĩ phi thường, có sự cảm thụ và bàn tay tài nghệ độc nhất vô song. Mới mười hai tuổi, chú đã vẽ những tranh phong cảnh làm cho tất cả họ Ôngiecxơn phải ghen tị. Những cây thông và cây bạch dương của chú còn chân thật hơn của cha và đã được trả cao giá kinh khủng.
Tuy có những sở thích hết sức trái ngược , hai anh em chẳng vì thế mà kém thương mến nhau. Những lúc không đi đánh cá hoặc săn bắn, Êric chẳng rời xưởng vẽ của em và Ôxca chỉ cảm thấy hoàn toàn sung sướng khi ở bên anh. Hai anh em gắn bó với nhau đến mức chẳng có niềm vui nỗi buồn nào của người này mà người kia không cảm thấy như chính bản thân mình.
Đến mười tám tuổi, Êric đã là một thủy thủ cừ khôi và tham gia vào tất cả những chuyến ra khơi xa đánh cá qui mô. Niềm mơ ước của chàng là vượt qua những dãy đá ngầm chúng sẽ mở ra cho chàng các vùng biển phương Nam. Chàng thường đem chuyện đó ra nói với em và chú em lo sợ cho chàng khi nghĩ đến những nỗi gian nguy của một cuộc hành trình như thế. Tuy mới mười bảy tuổi, Ôxca đã trở thành một bậc thầy. Cha chàng tự hào tuyên bố là chẳng còn gì để dạy chàng nữa. Nhưng bỗng nhiên nhiệt tình đối với hội họa ở nhà nghệ sĩ bậc thầy trẻ tuổi xem ra không còn được như xưa. Đáng lẽ vẽ những tranh phong cảnh tuyệt vời, chàng lại bằng lòng với các bức phác thảo nguệch ngoạc trên những tờ giấy rời vẽ xong là xé đi ngay. Các họa sĩ Ôngiecxơn còn lại mười lăm người hết sức lo lắng liền họp nhau lại để thăm dò chàng. Thay mặt cho tất cả, cha chàng hỏi:
- Con trai yêu quý của cha, con đã ngán hội họa rồi sao?
- Ồ! Không, thưa cha, con yêu nó hơn bất cứ bao giờ.
- Thế thì hay lắm. Cha cứ nghĩ hay cái thằng Êric to thộn kia có lúc nào đấy đã làm cho con không thiết gì vẽ nữa? A!lạy chúa, nếu cha mà biết!
Ôxca tức giận thấy người ta lại có thể ngờ vực anh mình như thế và chàng phân trần là không bao giờ lại vẽ tốt như khi có mặt ông anh.
-Thế thì? Hẳn là con mơ tưởng một mối tình nào đấy?
-Xin cha thứ lỗi cho con, Ôxca đáp và cúi gằm mặt xuống. Và cả các cô các bác nữa, cũng xin thứ lỗi cho con. Nhưng chúng ta là nghệ sĩ với nhau cả mà. Vậy xin thưa là con thấy nhiều phụ nữ, nhưng chưa có ả nào làm cho con rung động.
Cả mười lăm Ôngiecxơn cười ầm lên và lớn tiếng trao đổi những lời bông đùa nhảm nhí vốn là truyền thống của các họa sĩ ở Ôôclan.
- Hãy trở lại câu chuyện của chúng ta, người cha bảo. Nói đi con, Ôxca, và hãy cho gia đình biết còn thiếu thốn cái gì cho sự thư thái của con hay không. Và nếu con có điều chi ước vọng, con đừng giấu giếm gia đình.
- Vâng, thưa cha, con xin cha để cho con sử dụng căn nhà của cha trên miền núi Rơhang trong một năm.Con muốn lui về sống biệt lập tại đấy. Con nghĩ rằng con sẽ làm việc tốt hơn ở nơi heo hút đó, nhất là nếu cha cho phép anh con đến ở cùng với con.
Cha chàng vui lòng chấp thuận và thế là ngay hôm sau, Ôxca và Êric ngồi xe trượt tuyết lên miền núi Rơhang. Suốt trong năm ấy, gia đình Ôngiecxơn nhắc nhiều đến những người vắng mặt, và nhất là đến Ôxca."Rồi đấy cả nhà xem, cha chàng bảo, rồi đấy cả nhà xem, nó sẽ mang về những điều kỳ diệu. Tôi tin chắc là nó đương ôm ấp một ý tưởng ở trong đầu". Một năm sau, đúng vào ngày các con ông ra đi, ông cũng lên đường và sau cuộc hành trình kéo dài một tuần lễ, ông đến căn nhà của ông trên miền núi Rơhang. Ôxca và Êric nhìn thấy cha từ xa, đã đợi sẵn ở ngưỡng cửa, và theo phong tục cổ truyền, một người nâng chiếc áo mặc trong nhà lót bằng da chó sói, còn người kia bưng một khay phổi hải cẩu hơi bốc nghi ngút. Nhưng người cha hầu như không kịp để thời giờ ăn món phổi, vì ông còn vội đi thưởng thức các tranh phong cảnh của Ôxca.
Bước vào trong xưởng vẽ, thoạt tiên ông đứng lặng người đi vì khủng khiếp. Trên tất cả các bức tranh trải ra những vật có hình thù phi lý, kỳ quái, tô màu xanh lá cây như muốn nói rằng đấy là loài thực vật. Một số các quái vật ấy được cấu tạo bằng một tập hợp những tai gấu khổng lồ, màu xanh lục, lởm chởm những gai. Một số khác giống như những cây nến và những giá nến có nhiều nhánh. Trông đỡ chướng hơn, mặc dầu cũng phi lý, có lẽ đó là tranh vẽ những cây nến có vẩy trông như cao vút, trên ngọn nở ra thành một chùm lá, mỗi lá dài ít nhất một sải tay.
- Những vật ghê tởm gì thế kia? Ông bố rít lên.
- Dạ, thưa cha, Ôxca đáp, những cái cây đấy ạ.
- Sao? Những cái cây, hử?
- Thực tình, con vẫn e ngại cái lúc phải đưa cha xem tranh của con và con hiểu rằng nó sẽ làm cha ngạc nhiên đôi chút. Nhưng bây giờ tự nhiên hiện ra trước mắt con như thế đấy và cả cha và con đều chẳng làm sao khác được.
- Cái đó sau sẽ hay! Thế ra chính là để dấn thân vào những trò đồi bại này mà anh đã muốn rút vào sống ở trong núi phải không? Xin anh trở về nhà cho tôi nhờ. Còn anh, Êric, thì lại là chuyện khác!
Một tuần lễ sau, hai chàng thanh niên cùng với cha về đến nhà. Mười lăm họa sĩ Ôngiecxơn được mời xem tác phẩm mới của Ôxca. Hai trong số đó hoảng hồn lăn đùng ra chết còn những người khách nhất trí là phải thi hành những biện pháp kiên quyết. Đối với Êric bị nghi ngờ là làm hư hỏng thị hiếu của em trai, người ta quyết định để chàng đi xa trong hai năm. Chàng thanh niên trang bị một con tàu và dự tính vượt dãy đá ngầm để thám hiểm nhựng vùng biển phía bên kia. Trên bến tàu, sau những lời từ biệt âu yếm hòa lẫn những giọt lệ của mình với nước mắt của em trai, Êric bảo em:
- Chuyến này chắc anh sẽ vắng nhà nhiều năm ròng rã, nhưng chú cứ vững tin và đừng bao giờ quên rằng cái đích cuộc hành trình của anh là trở về với chú.
Đối với Ôxca, gia đình Ôngiecxơn quyết định giam chàng trong xưởng vẽ cho tới khi nào chàng tìm lại được cái thú vẽ đứng đắn. Chàng chấp nhận những quyết định ấy chẳng hề cãi lại, nhưng bức tranh phong cảnh đầu tiên chàng thực hiện lại là một bụi cây tai gấu, và thứ hai là một bức phối cảnh những giá cắm nến trên nền cát. Chẳng những không quay trở về cách nhìn lành mạnh hơn đối với tự nhiên, mà càng ngày chàng càng dấn sâu thêm vào cái phi lý, và căn bệnh dường như vô phương cứu chữa.
- Này, một hôm cha chàng bảo, ít ra con cũng phải hiểu rằng những bức tranh của con là một sự xúc phạm đến hội họa. Người ta không có quyền vẽ những cái gì mắt không nhìn thấy.
- Nhưng, Ôxca đáp, nếu Chúa trước kia chỉ sáng tạo ra những cái Chúa nhìn thấy, thì Chúa đã chẳng bao giờ sáng tạo được gì.
- A! Con chỉ còn thiếu có nước triết lý nữa thôi! Khổ thân con tôi, đấy là xưa nay trước mắt con chẳng có gì khác ngoài những tấm gương sáng! Ôxca, thế khi con nhìn thấy cha vẽ một cây bạch dương, một cây thông…Xét cho cùng, con nghĩ gì về tranh của cha?
- Xin cha lượng thứ cho con.
- Không sao, con cứ nói với cha thẳng thắn đi.
- Vâng, thẳng thắn mà nói, con thấy nó đáng đem quẳng vào lửa.
Hanx Ôngiecxơn giữ được bình tĩnh, nhưng mấy hôm sau, lấy cớ con trai dùng tốn quá nhiều củi để sưởi, ông tống cổ chàng ra khỏi nhà, một xu cũng không cho. Với ít tiền có trong người, Ôxca thuê một túp lều ở ngoài cảng và dọn đến ở đấy với hộp thuốc vẽ. Từ đó, chàng bắt đầu một cuộc sống khốn khổ. Để kiếm kế sinh nhai, chàng làm công việc bốc dỡ hàng trên các tàu và những lúc rảnh rang tiếp tục vẽ các tai gấu, các giá cắm nến và các chổi lông cán dài.
Chẳng những tranh của chàng không bán được mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Tính chất phi lý trong tranh của chàng thật là quá lắm. Tình trạng khốn đốn năm này qua năm khác càng trầm trọng thêm. Người ta gọi chàng là Ôxca Điên. Trẻ con nhổ nước bọt vào lưng chàng, các cụ già ném đá vào chàng và các cô gái ngoài bến cảng làm dấu thánh giá khi chàng đi qua.

Một hôm vào ngày muời bốn tháng bảy, tiếng đồn lan truyền khắp bến cảng và thành phố. Người gác vọng lâu vừa cho biết là một chiếc tàu có nhiều boong, mũi tàu vàng rực, cánh buồm đỏ thắm đương vào bến. Chưa bao giờ thấy một chiếc tàu như thế ở Ôôclan. Các nhà chức trách của thành phố ra đón được biết rằng đó là chiếc tàu của Êric trở về sau mười năm xa vắng đi vòng quanh thế giới. Nghe tin ấy, gia đình Ôngiecxơn lập tức rẽ đám đông đến tận chỗ tàu cập bến. Mặc một chiếc quần cộc bằng xa tanh lam, một cái áo thêu kim tuyến và đội chiếc mũ ba sừng, Êric đặt chân lên bờ ngay trước mặt cả nhà Ôngiecxơn và chau mày:
- Con không thấy Ôxca em con đâu- chàng nói với cha đương tiến đến ôm hôn chàng. Ôxca đâu?
- Cha không rõ- cha chàng đỏ mặt đáp. Cha và em con giận nhau.
Trong khi đó, một người mặc quần áo rách như xơ mướp mặt mày hốc hác, từ trong đám đông cố lách ra được.
- Êric- người ấy nói- em là Ôxca em trai anh đây.
Êric vừa ôm ghì lấy em vừa khóc, và khi đã phần nào dịu cơn xúc động, chàng nghiêm nét mặt quay về phía các vị Ôngiecxơn:
- Các cố già ơi, em tôi mà chưa chết vì đói khát cùng cực thì cũng chẳng phải công lao của các người đâu.
- Biết làm thế nào, các vị Ôngiecxơn nói, chỉ cần hắn vẽ cho đứng đắn. Chúng tao đã trao vào tay hắn một nghể nghiệp vững vàng mà hắn lại cứ khăng khăng vẽ những tranh phong cảnh phi lý và lố bịch.
- Thôi im đi các cố già ơi, và nên nhớ là chẳng có họa sĩ nào vĩ đại hơn Ôxca đâu.
Các cố già bắt đầu cười khẩy một cách độc ác. Êric liền quay về phía các thủy thủ đương đứng ở dưới táu, ra lệnh:
- Các cậu mang những cây xương rồng, chà là, chuối, chuối dẻ quạt, thốt nốt, xương rồng lông lên đây.

Thế là, trước sự kinh ngạc của mọi người, các thủy thủ đem đặt trên bến những cái cây trồng trong thùng gỗ, đó là những mẫu cây giống hệt những cây Ôxca vẽ. Các cố già trợn tròn xoe mắt và có nhiều cố òa lên khóc vì giận dữ và bực mình. Quần chúng quỳ sụp xuống và xin Ôxca tha lỗi vì đã gọi chàng là Ôxca Điên. Chỉ hôm trước hôm sau, tranh của các cố già Ôngiecxơn mất giá trị hoàn toàn. Những người có khiếu thẩm mỹ chẳng thích gì ngoải những cây xương rồng và những cây ngoại lai khác. Hai anh em cho xây một ngôi nhà rất đẹp để cùng ở với nhau. Họ lập gia đình, và mặc dầu ai nấy đã có vợ, họ vẫn tiếp tục thương yêu nhau thắm thiết. Ôxca vẽ những cái cây càng ngày càng kỳ lạ hơn, những cái cây chưa ai biết đến và có lẽ chẳng tồn tại ở bất cứ nơi nào.

Các tác phẩm khác của Marcel Aymé

Người đi xuyên tường