Một ngày thu năm ấy
Tác giả: Maxim Gorki
Một ngày thu năm ấy - Macxim Gorki
.... Mùa thu năm ấy, có lần tôi đã lâm vào một tình cảnh bực mình và khó xử: tôi vừa đến một thành phố không có ai quen biết thì trong túi cũng chẳng còn lấy một xu và không chốn nương thân.
Những ngày đầu, sau khi bán sạch những gì có thể bán được trên người, chỉ trừ mấy thứ tối cần thiết để che thân, tôi rời khỏi thành phố, tới Uxchiê, một vùng có những bến tàu. Ở đây vào mùa tàu bè đi lại, cuộc sống lao động sôi nổi, nhộn nhịp, còn bây giờ thì vắng vẻ im lìm. Bấy giờ là cuối tháng mười một.
Chân bước lép nhép trên cát ẩm, mắt chăm chăm nhìn xuống, mong kiếm được đôi mẩu thức ăn thừa, tôi đi lang thang một mình giữa những ngôi nhà, những quầy hàng, đầu óc cứ lởn xởn với ý nghĩ được no đủ thì sung sướng biết bao.
Trong tình trạng văn hóa hiện nay, cái đói của tâm hồn có thể được thỏa mãn nhanh chóng hơn cái đói của thể xác. Bạn đi lang thang trên các đường phố, xung quanh là những tòa nhà bề ngoài nom cũng khá; và có thể nói chắc chắn là sự bầy biện trong nhà cũng không đến nỗi xoàng. Điều đó có thể gợi cho ta những cái khác anh minh và cao cả. Bạn sẽ gặp những con người ăn mặc tươm tất ấm áp. Họ lịch thiệp, bao giờ cũng lảng tránh bạn, vì tế nhị, họ chẳng muốn nhận thấy một sự thật là có bạn ở trên đời.Xin thề có Chúa, tâm hồn của những kẻ đói bao giờ cũng đuợc nuôi dưõng tốt hơn và lành mạnh hơn tâm hồn của những kẻ no. Từ luận điểm ấy có thể rút ra một kết luận rất sắc sảo, có lợi cho những kẻ no!...
Tối đến, trời đổ mưa, gió bấc giật từng cơn. Gió rít trong những quán hàng và những hiệu buôn nhỏ bỏ không, đập vào những khuôn cửa sổ ván ghép của các khách sạn. Dưới sức gió, sóng sông sủi bọt, ầm ầm xô lên những bờ cát, tung những mào sóng trắng lên cao và xô đuổi nhau, hăm hở nhảy qua đầu nhau, đổ dồn về phương trời xa ngầu đục. Dường như dòng sông cảm thấy mùa đông đang tới gần, hoảng hốt chạy trốn lớp băng giá mà gió bấc có thể trùm lên nó ngay đêm ấy. Bầu trời nặng nề u ám. Mưa bụi li ti, không lúc nào ngớt. Hai cây liễu gãy gục, hình thù quái gở và chiếc thuyền úp sấp dưới gốc cây càng làm tăng thêm vẻ thê lương của thiên nhiên.
Chiếc thuyền độc mộc thủng đáy lật ngược và cây cối xơ xác vì gió lạnh, trông thảm thương và già cỗi... Cảnh tàn phá, cằn cội, chết chóc bầy ra khắp xung quanh trời nhỏ lệ như không bao giờ nguôi. Bốn bề hoang vắng, ảm đạm, dường như vạn vật đang chết dần, chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn mình tôi sống sót, và cái chết lạnh lẽo cũng đang chờ tôi.
Dạo ấy tôi mười sáu tuổi- thời thanh xuân tươi đẹp của đời người!
Tôi đi trên cát ướt, lạnh lẽo, răng đánh lập cập vì đói và lạnh. Thế rồi, trong lúc đi tìm kiếm thức gì ăn được cho đỡ đói lòng, tôi vòng ra phía sau một quán hàng, và đột nhiên tôi nhìn thấy một bóng người lom khom, mặc chiếc áo dài phụ nữ ướt đẫm, dính sát vào đôi vai rũ xuống. Tôi dừng lại chăm chú nhìn xem ngưòi đó đang làm gì. Hình như cô ta đanng dùng tay bới một cái hố trong cát ở phía dưới một quán hàng.
- Đằng ấy bới cát làm gì thế? - Tôi ngồi xổm bên cạnh và hỏi.
Cái bóng đó khẽ kêu lên và đứng phắt dậy. Giờ đây, khi người dó đã đứng dậy và nhìn tôi bằng đôi mắt xám mở to, đầy hốt hoảng, tôi mới nhận thấy đó là một cô gái bằng chạc tuổi tôi, mặt xinh xắn dễ thương lạ; đáng tiếc là trên mặt lại nổi ba vết tím bầm, to tuớng. Những vết tím bầm này làm hỏng khuôn mặt cô, mặc dầu chúng sắp xếp hết sức cân đối: hai vết bằng nhau ở dưới mỗi mắt, còn cái thứ ba lớn hơn một chút ở trên trán, ngay trên gốc mũi. Sự cân đối này cho thấy rõ đây là công trình của một nghệ sĩ sành sỏi trong việc làm hỏng diện mạo con người.
Cô gái nhìn tôi và vẻ sợ hãi trong mắt cô mất dần... Cô phủi tay cho sạch cát, sửa lại chiếc khăn hoa trên đầu, co ro, và nói:
- Có lẽ anh cũng đang đói đấy nhỉ?... Nào, bới đi tay tôi mỏi rồi. Trong ấy chắc chắn là có bánh mì, - Cô ta hất đầu về phía quán hàng, - Quán này vẫn còn buôn bán...
Tôi bắt đầu bới cát. Cô đứng nhìn tôi một lát, rồi tới ngồi bên tôi cùng bới...
Chúng tôi lẳng lặng bới. Bây giờ, tôi không thể nhớ được là lúc ấy tôi có nhớ tới hình luật, tới đạo đức, quyền sở hữu và tất cả những cái khác mà những người am hiểu cho rằng bất cứ lúc nào trong dời cũng phải nhớ tới hay không. Nói cho thật đúng thì tôi phải thú nhận rằng lúc ấy tôi mải miết bới cát dưới quán hàng đến nỗi quên bẵng mọi cái khác, chỉ nghĩ tới một điều là làm thế nào vào được quán hàng ấy.
Trời đã tối. Bóng tối ẩm ướt và rét buốt mỗi lúc một dày đặc lại xung quanh chúng tôi. Sóng ì ầm nặng tiếng hơn trước, mưa lộp bộp trên những tấm ván quán hàng mỗi lúc một âm vang và dày hạt hơn... Tiếng mõ của người gác đem vang lên đâu đó...
- Trong quán có sàn không? - Người giúp việc của tôi khẽ hỏi. Tôi không hiểu cô nói gì nên im lặng.
- Tôi bảo này, quán này có sàn không? Có sàn thì ta nhọc công vô ích. Đào xong hố ở đấy còn những tấm ván dày... làm thế nào bật lên được? tốt hơn hết là bẻ khóa... cái khóa kia cũng xoàng thôi...
Trong đầu óc phụ nữ, ít khi nảy ra được những ý hay, thế mà, khi các bạn thấy đấy, những ý nghĩ như thế vẫn nảy ra trong đầu óc họ. Tôi luôn luôn coi trọng những ý nghĩ sáng suốt và bao giờ cũng cố gắng sử dụng chúng chừng nào có thể được.
Tìm được khóa, tôi giật tung cả khóa lẫn đinh khuy ra. Thoắt cái, cô bạn tòng phạm của tôi đã uốn gập người xuống và luồn nhanh như con rắn qua cái lỗ hổng hình chữ nhật của quán hàng. Từ trong đó vọng ra tiếng reo hoan hỉ của cô.
- Anh cừ lắm!
Một lời khen nhỏ nhặt của phụ nữ đối với tôi còn quý hơn cả một bài văn chúc tụng của đàn ông, dù người đó có tài hùng biện bằng tất cả các nhà hùng biện cổ xưa gộp lại. Nhưng lúc bấy giờ tôi không được lịch thiệp như bây giờ, bởi vậy tôi chẳng hề để ý đến lời khen của cô gái, tôi lo sợ hỏi cô một câu cụt lủn:
- Có cái gì không?
Giọng đều đều, cô bắt đầu kể ra những thứ mà cô tìm thấy:
- Một sọt đựng chai này... Mấy cái bao không... Cái ô này... Cái thùng sắt này.
Toàn những thứ không ăn được. Tôi cảm thấy hy vọng tắt dần... Bỗng nhiên cô hăm hở reo lên.
- A, nó đay rồi...
- Ai kia?
- Bánh mì... Bánh mì tròn... Phải cái hơi ướt thôi... Cầm lấy!
Chiếc bánh mì tròn lăn tới chân tôi, và tiếp đó, cô bạn tòng phạm dũng cảm của tôi ra theo. Tôi bẻ một mẩu bánh, bỏ vào miệng, nhai ngấu nghiến.
- Nào, đưa tôi với chứ... nên ra khỏi đây thôi. Ta đi đâu được nhỉ? - Cô tò mò nhìn khắp xung quanh trong bóng tối... Trời tối tăm, ẩm ướt, ồn ào... - Kìa có chiếc thuyền úp sấp... ta tới đấy chứ nhỉ?
Đi đi! - Và chúng tôi ra đi, vừa đi vừa rứt bánh mì, tọng vào miệng... Mưa mau hơn, sóng gầm thét, có tiếng huýt sáo ngân dài, đầy vẻ diễu cợt, từ nơi nào vẳng lại. Chắc là một người khổng lồ nào đó không biết sợ ai bao giờ huýt sáo chế nhạo mọi trật tự trên trái đất, chế nhạo cả buổi tối mùa thu ảm đạm, cả chúng tôi, hai nhân vật của buổi tối ấy... tiéng huýt gió đó gieo vào lòng nỗi đau đớn âm thầmnhưng tôi vẫn ăn ngấu nghiếnvà cô gái đi bên trái tôi cũng không thua kém tôi trong việc này.
- Tên cô là gì? - Tôi chả hiểu mình hỏi để làm gì.
- Natasa!- Cô trả lời, miệng vẫn nhai tóp tép. Tôi nhìn cô, tim tôi thắt lại. Tôi nhìn vào bóng tối trước mặt và cảm thấy số phận mỉa mai của tôi đang mỉm cười với tôi một cách bí ẩn và lạnh lùng...
... Mưa không ngớt gõ vào ván thuyền, tiếng mưa rơi rì rào gợi nên những ý buồn nản. Gió rít lên, lùa vào đáy thuyền thủng, lọt qua khe hở lay động một mảnh vỏ gỗ gì không rõ, mảnh vỏ gỗ vật vã, lắc rắc, cất tiếng kêu lo lắng thảm thiết. Sóng vỗ vào bờ đều đều và tuyệt vọng, như kể lể về một điều gì buồn tẻ, nặng nề không chịu nổi, làm chúng chán đến ghê tởm, khiến chúng muốn chạy trốn để lẩn tránh nó, nhưng vẫn cứ phải nói đến nó. Tiếng mưa rào hòa với tiếng sóng vỗ oàm oạp, và phía trên chiếc thuyền lật sấp có tiéng thở dài thườn thượt và năng nề của trái đất buồn bực và mệt mỏi vì sự đổi thay muôn thủa của thiên nhiên từ mùa hè ấm áp và sáng chói sang mùa thu lạnh lẽo, ẩm ướt và dầy sương mù. Gió phóng nhanh trên bờ sông hoang vắng, trên dòng sông sủi bọt và cất lên những điệu ca buồn nản....
Chỗ ẩn náu của chúng tôi ở dưới thuyền quá bất tiện; chật chội, ẩm ướt, những giọt mưa nhỏ lạnh lẽo lọt xuống qua lỗ hổng ở đáy thuyền, gió lùa hun hút. Chúng tôi ngồi im lặng, run lên vì rét. Tôi còn nhớ là lúc ấy tôi buồn ngủ. Natasa tựa lưng vào mạn thuyền, ngồi cuộn tròn thu lu lại. Hai tay bó gối và cằm tì lên đầu gối, cô nhìn chằm chằm ra sông, mắt mở to. Trên khuôn mặt lúc này chỉ là một vệt trắng, những vết tím bầm ở dưới mắt làm cho đôi mắt có vẻ quá to. Cô không nhúc nhích, còn tôi cảm thấy sự bất dọng và im lặng của cô bạn ngồi bên, tôi dần dần đâm sợ cô, vì vậy tôi muốn nói chuyện với cô nhưng không biết nên mở đầu như thế nào.
Chính cô nói trước:
- Cuộc sống khốn khiếp!... - Cô nói rành rọt, từng tiếng, giọng biểu lộ một niềm tin sâu sắc. Nhưng đó không phải là lời than vãn. Cái giọng nói quá đỗi lãnh đạm ấy không có gì là than vãn cả. Chẳng qua cô dùng hết trí lực để suy nghĩ, suy nghĩ và đi đến một kết luận nhất định mà cô thốt lên thành lời, cái kết luận mà tôi không thẻ phản đối được, nếu không muốn mâu thuẫn với chính mình. Bởi thế, tôi im lặng. Còn cô, dường như không để ý đến tôi vẫn ngồi không nhúc nhích.
- Giá cứ chết quách đi lại rảnh thân... -Natasa lại lên tiếng, lần này cô nói khẽ và trầm ngâm, lần này giọng nói của cô vẫn không có vẻ gì là than vãn. Rõ ràng là sau khi suy nghĩ về cuộc sóng, con người này đã nhìn lại bản thân mình và bình tĩnh di tới chỗ tin chắc rằng để bảo vệ mình khỏi sự nhạo báng của cuộc sống, không còn cách gì hơn là “chết quách đi cho rảnh”.
Tôi đau lòng vô cùng về sự suy nghĩ quá rành mạch ấy, tôi cảm thấy nếu còn im lặng thì đến phát khóc lên mất... mà như thế thật xấu hổ trước mặt phụ nữ, nhất là cô ta không khóc. Tôi bèn nói chuyện với cô:
- Ai đánh cô thế? - Tôi hỏi vì không nghĩ ra được câu gì khôn khéo hơn.
- Paska chứ còn ai... - Cô lớn tiếng trả lời, giọng đều đều.
- Nhưng hắn ta là ai?
- Người tình... thợ làm bánh mì.
- Hắn vẫn đánh cô sao?...
Rồi đột nhiên, cô nhích lại gần tôi, bắt đầu kể về mình, về Paska, về quan hệ giữa hai người. Cô là ‘một trong những gái làng chơi mà...”, còn anh ta là thợ làm bánh mì, có bộ ria hung, chơi phong cầm khá lắm. Gã thường đến “xóm chị em” với cô, và cô ưa gã bởi vì gã vui tính và ăn mặc tươm tất. Gã có chiếc áo bành tô trị giá 15rúp và đô ủng có nếp gấp. Vì thế cô mê gã và gã trở thành “con nợ” của cô. Nhưng khi đã trở thành “con nợ”, gã chỉ tìm cách lấy của cô những món tièn mà khách cho cô để mua kẹo, gã dùng tiền đó để uống rượu, rồi lại đánh đập cô. Nhưng nếu chỉ có thé thôi thì còn được; đằng này gã lại “tằng tịu” với những ả khác ngay truớc mặt cô.
- Như thế thì bảo tôi không bực mình sao được? Tôi kém gì những đứa khác? Thế mà hắn lại nhạo báng tôi, thằng đểu. Hôm kia, tôi xin phép bà chủ đi chơi. Tôi đến nhà hắn, thấy con Đunka đang ngồi ở đó, say rượu, còn hắn cũng chuếnh choáng. Tôi bảo với hắn: “Đồ đểu, mày là thằng đểu, thằng bịp bợm!” Hắn đánh tôi khắp người, đấm đá, giạt tóc... Cái đó cũng chưa sao. Nhưng hắn còn xé rách hết cả xống áo. Làm thế nào bây giờ? Tôi đến gặp bà chủ thế nào đây? Hắn xé rách hết cả áo dài, áo cánh, cái áo cánh còn mới nguyên. Hắn còn lột cả khăn quàng dầu nữa... Trời ơi! Tôi biết làm thế nào bây giờ? - Đột nhiên cô rú lên, tiếng kêu mệt nhọc, não lòng não ruột.
Gió gào rít, mỗi lúc một mạnh và lạnh hơn. Răng tôi lại bắt đầu nhảy múa. Cô gái cũng co ro vì lạnh, xích lại gần tôi đến nỗi có thể nhìn thấy ánh mắt cô qua bóng tối.
- Bọn đàn ông các người toàn một lũ đểu cáng. Tôi muốn giày xéo lên tất cả các người, làm cho tát cả các người tàn tật. Nếu có kẻ nào trong các người chết đi thì tôi sẽ nhổ vào mõm nó, chứ chẳng thêm thương hại đâu. Những quân đểu... cứ sán đến, sán đến, vẫy đuôi như những con chó đê tiện, nhưng ả nào ngu độn mà hiến thân cho các người là xong đời. Bấy giờ các người sẽ đạp người ta xuống chân các người, quân chó đểu.
Cô chửi rủa, thật không thiếu gì, nhưng không có vẻ dữ dội: tôi không cảm thấy chút gì là tức tối căm hờn “những quân chó đểu”. Nói chung, cô nói điềm đạm, ngữ khí không phù hợp với nội dung, cái giọng nghèo âm thanh, buồn buồn, nhưng những cái đó tác động đến tôi còn mạnh mẽ hơn cả những cuốn sách và những bài diễn văn bi quan, hùng hồn và có sức thuyết phục nhất, mà trước đó, sau này, cũng như cho đến nay... tôi đã được nghe và đọc không ít. Bởi vì, các bạn có biết không, cơn hấp hối của kẻ sắp qua đời bao giờ cũng tự nhiên hơn và gây xúc động mạnh hơn nhiều so với nhũng đoạn miêu tả chính xác và nghệ thuật nhất về cái chết.
Tôi cảm thấy khó chịu trong người, chắc là vì lạnh hơn là vì lời lẽ của cô bạn cùng trú mưa bên cạnh tôi. Tôi khẽ rên lên, nghiến răng ken két.
Hầu như ngay lúc đó tôi cảm thấy đôi bàn tay nhỏ bé lạnh giá của cô chạm vào người tôi. Một bàn tay sờ vào cổ tôi, tay kia áp vào mặt tôi, đồng thời cái giọng lo ngại, âu yếm của cô khẽ hỏi:
- Anh lam sao thế?
Tôi sẵn lòng nghĩ rằng đó là người nào khác hỏi tôi, chứ không phải Natasa, cô gái vừa mới tuyên bố rằng tất cả bọn đàn ông đều là những kẻ đểu cáng và cô cầu mong cho họ chét ráo cả đi. Nhưng cô đã nói nhanh và hối hả:
- Anh làm sao thế? Lạnh à? Rét cóng cả? Ồ, anh lạ thật. Cứ ngồi im... thin thít! Đáng nhẽ phải bảo cho tôi biết từ lâu là anh rét chứ... nào, nằm xuống đất... duỗi dài ra... tôi cũng sẽ nằm xuống... vậy. Bây giờ hai tay ôm lấy tôi... ôm chặt nữa vào, thế đấy. Giờ thì hẳn là anh phải ấm, rồi chúng ta sẽ nằm quay lưng vào nhau... miễn sao cho qua cái đêm này... sao, uống rượu hả? Bị đuổi việc phải không?... Chả hề gì!...
Cô an ủi tôi... Cô khuyến khích tôi...
Tôi đáng nguyền rủa biết bao! Thật mỉa mai cho tôi biết chừng nào! Các bạn thử nghĩ mà xem! Hồi ấy, tôi thực sự quan tam đến số phận của nhân loại, mơ ước cải tổ trật tự xã hội, mơ ước những cuộc đảo lộn chính trị đọc đủ các thứ sách khôn ngoan quái quỷ mà tưu tưởng sâu sắc đến nỗi hẳn là là các tác giả của chúng cũng không thể hiểu được, - chính lúc ấy tôi đang cố gắng bằng mọi cách chuẩn bị cho mình “trở thành một lực lượng hoạt động lớn lao” ; ấy thế mà cô gái điếm bất hạnh, bị đánh đập, bị xua đuổi không có chỗ đứng trong cuộc sống và bị khinh rẻ nay đã lấy thân mình sưởi ấm cho tôi, còn tôi lại không nghĩ tới việc giúp cô trước khi cô giúp đỡ tôi, mà nếu như có nghĩ tới thì chưa chắc tôi dã giúp dược gì cho cô.
Chà tôi sẵn lòng cho rằng những chuyện đó xảy ra trong một giấc mơ lố lăng, nặng nề...
Nhưng than ôi! Tôi không thể nghĩ như vậy được, bởi vì những giọt mưa lạnh vẫn rỏ xuống người tôi, bời vì bộ ngực cô gái vẫn áp chặt vào ngực tôi, hơi thở ấm áp của cô phả vào mặt tôi, hơi thở tuy có thoang thoảng mùi Vodka... nhưng làm cho tôi tỉnh hẳn người. Gió vẫn gào rú, rên rỉ, mưa lộp độp trên thuyền, sóng vỗ ì oặp, còn hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau, vẫn run lên vì lạnh. Tất cả những cái đó hoàn toàn thực và tôi tin chắc rằng chưa có ai mơ thấy một giấc chiêm bao nặng nề và quái ác như cái sự thực này.
Natasa vẫn nói gì không rõ. Cô nói đầy tình cảm và âu yếm, chỉ phụ nữ mới có thể nói được như vậy. Nhũng lời lẽ thơ ngây và trìu mến của cô nhen nhúm lên trong tôi một ngọn lửa ấm áp và có một cái gì cháy tan ra trong tim tôi.
Lúc bấy giờ nước mắt tôi tuôn ra như mưa, rửa sạch bao nhiêu căm giận, buồn phiền , ngu độn và bỉ ổi tích tụ trong tim tôi trước đêm ấy. Natasa dỗ dành tôi.
- Thôi đủ rồi, đừng khóc rống lên nữa, anh bạn thân mến ạ! Đủ rồi! Chúa sẽ phù hộ cho anh, anh sẽ qua được bước khó khăn, sẽ lại có chỗ làm ... - Cô còn nói nhiều câu khác đại loại như thế.
Và vẫn hôn tôi nhiều, khong tính toán, nồng nhiệt... Đó là những chiếc hôn đầu tiên của phụ nữ mà cuộc sống đã hiến cho tôi, những chiéc hôn tốt đẹp nhất, bởi vì tát cả những cái hôn sau này đều quá đắt và hầu như chẳng đem lại gì cho tôi cả.
- Thôi đừng khóc rống lên nữa, anh chàng dở hơi ạ! Ngày mai tôi sẽ thu xếp cho anh, nếu anh không có chỗ nào nương náu... - Tôi nghe thấy tiếng thì thào khẩn khoản như qua giấc chiêm bao.
.... Chúng tôi ôm nhau nằm đến rạng sáng...
Khi trời rạng sáng, chúng tô ra khỏi thuyền, đi vào thành phố... rồi chúng tôi thân mật chia tay nhau để chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa, mặc dầu trong suốt nửa năm trời, tôi dã sục sạo tìm côkhắp hang cùng ngõ hẻm, cô Natasa đáng yêu ấy, cô gái đã từng ôm ấp tôi trong đêm thu mà tôi đã tả....
Nếu như cô qua đời - ấy là may cho cô - thì cầu cho cô được rỗi linh hồn. Nếu cô còn sống : cầu cho tâm hồn cô được thanh thản! Mong sao những ý nghĩ sa đọa đừng thức dậy trong tâm hồn cô... bởi vì đó là nỗi đau khổ vô ích trong cuộc sống.
Phạm Mạnh Hùng dịch
Trích Macxim Gorki Truyện ngắn chọn lọc
NXB Văn học