watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Vệ nữ thành ILƠ - tác giả Merime Merime

Vệ nữ thành ILƠ

Tác giả: Merime

Tôi ở trên quả đồi cuối cùng của ngọn núi Canigu đi xuống; lúc ấy tuy mặt trời đã lặn nhưng tôi vẫn còn nhận thấy rõ ở dưới đồng bằng nhà cửa một thành phố nhỏ là thành Ilơ, nơi tôi đang đi tới.
Tôi hỏi bác người Catalan đi theo dẫn đường cho tôi từ hôm trước:
- Chắc bác biết nhà cụ Đơ Pêrơgôrát ở đâu đấy nhỉ?
- Tôi mà còn có biết hay không à! Bác ta kêu lên, tôi biết rõ nhà cụ ấy như nhà tôi vậy; nếu trời không tối mịt thế này thì tôi sẽ chỉ cho ông. Nhà cụ đẹp nhất Ilơ đấy. Cụ Đơ Pêrơhôrát lắm tiền lắm; và cụ lấy vợ cho con là con một nhà giàu hơn nhà cụ nữa kia.
Tôi hỏi:
- Thế đã sắp cưới chưa?
- Nay mai thôi. Có thể là người ta đã đặt thuê dàn nhạc vi-ô-lông cho đám cưới rồi. Có lẽ chiều nay, hoặc ngày mai, ngày kia chưa biết chừng! Lễ cưới sẽ tổ chức ở Puygaric; vì cậu con lấy chính cô Đơ Puygaric. Vâng, sẽ linh đình lắm!
Tôi được một bạn là ông Đơ P…giới thiệu với cụ Đơ Pêtơhôrát. Bạn tôi có nói cụ là một nhà khảo cổ, học thức uyên bác, và đối với ai cần cũng tử tế. Cụ sẽ vui lòng dẫn tôi đi xem những phế tích thời xưa ở quanh đó năm mươi dặm. Tôi đinh ninh trông cậy ở cụ để đi thăm những vùng lân cận thành Ilơ mà tôi biết là có rất nhiều công trình thời cổ và thời trung cổ. Đám cưới này mà bây giờ tôi mới được nghe nói, làm nhỡ nhàng tất cả kế hoạch của tôi.
Tôi nghĩ thầm: “Thế này thành ra mình là kẻ đến phá cuộc vui”. Nhưng người ta đợi tôi; ông Đơ P… đã báo trước rồi; thế nào tôi cũng phải đến thôi.
-Nào tôi xin cuộc với ông, người dẫn đường nói khi chúng tôi đã xuống tới đồng bằng, cuộc với ông một điếu xì-gà là tôi đoán được ông đến nhà cụ Đơ Pêrơhôrát để làm gì rồi?
-Nhưng, tôi vừa đáp vừa đưa cho bác ta một điếu xì-gà, điều đó có khó gì mà không đoán được. Vào giờ này, sau khi đã đi sáu dặm đường trên núi Canigu, việc lớn nhất là được ăn tối…
-Vâng, nhưng còn ngày mai…Tôi cuộc là ông đến thành Ilơ này để xem tượng thần. Tôi đoán biết được điều này là vì thấy ông vẽ tượng các thánh ở Xêrabôna.
-Tượng thần? tượng thần nào? Hai tiếng ấy đã kích thích tính tò mò của tôi.
-Thế nào? Ở Perpinhan người ta không kể lại cho ông nghe chuyện cụ Đơ Pêrơhôrát đào được pho tượng thần ở dưới đất à?
-Bác định nói tượng bằng đất sét, bằng sành à?
-Không phải đâu. Bằng đồng cơ, vâng bằng đồng và có thể lấy đúc những đồng xu lớn. Tượng nặng bằng cái chuông nhà thờ ấy. Chúng tôi đã đào mãi tận sâu dưới đất, dưới một cây ô-liu.
-Vậy ra, lúc đào được, bác cũng có mặt à?
-Thưa ông vâng. Cách đây mười lăm hôm, cụ Đơ Pêrơhôrát có bảo tôi và anh Gian Côn đào một cây ô-liu bị băng giá chết hồi năm ngoái; năm ngoái thời tiết xấu quá, ông cũng biết đấy. Thế là trong lúc đang làm, anh Gian Côn hăm hở đào giáng một nhát cuốc xuống, tôi liền nghe thấy một tiếng boong y như đã nện vào chuông vậy. Tôi mới hỏi: cái gì thế? Chúng tôi lại hì hục đào, đào mãi, thế là một bàn tay đen xì hiện ra, như tay người chết từ đưới đất nhô lên. Tôi đâm hoảng, chạy đi tìm cụ Đơ Pêtơhôrát và nói:- Cụ chủ ơi, có xác người chết ở dưới cây ô-liu, cụ a! Phải cho mời cha xứ đến mới được. - Cụ mới bảo tôi: Xác người chết nào? Cụ ấy chạy đến vừa thoáng nhìn thấy bàn tay đã reo lên:- A! Đồ cổ! Đồ cổ!tưởng như cụ ấy bắt được kho của. Và thế là cụ, lúc bằng cuốc, lúc bằng tay không, hì hà hì hục đào bới , một mình làm gần bằng cả hai chúng tôi.
- Thế cuối cùng tìm được cái gì hở bác?
- Một pho tượng đàn bà lớn, đen trũi, nói ông bỏ lỗi cho, trần truồng đến quá nửa người, toàn bằng đồng, ông ạ. Và cụ Đờ Pêrơhôrát bảo chúng tôi đấy là một tượng thần thời còn Tà giáo… thời vua Sarlơmanhơ ấy mà!
- Tôi hiểu là cái gì rồi. Lại một pho tượng Đức Mẹ Đồng trinh nào đó bằng đồng đen của một tu viện bị tàn phá chứ gì.
-Tượng Đức Mẹ Đồng Trinh à! Úi chà!…Nếu là tượng Đức Mẹ Đồng trinh thì tôi đã nhận ra ngay rồi. Tôi đã bảo là tượng thần kia mà. Cứ trông dáng điệu là biết ngay. Đôi mắt to tướng và trắng dã cứ như trừng trừng nhìn mình…Hễ nhìn pho tượng là người ta phải cúi mặt xuống.
- Mắt trắng à? Thôi chắc là mắt nạm vào đồng rồi. Có lẽ đây là một pho tượng La-mã nào cũng nên.
- Tượng La-mã! Đúng thế. Cụ Đờ Pêrơhôrát bảo đó là một pho tượng La-mã. Ồ! Tôi thấy rõ ông cũng là một nhà thông thái như cụ ấy.
- Tượng còn nguyên, hay có bị sứt mẻ gì không?
- Ồ! Thưa ông, tượng còn nguyên vẹn cả. Còn đẹp hơn và kỹ nét hơn pho tượng bán thân của vua Lui Philíp bằng thạch cao ngoài phủ một lớp sơn ở Tòa Thị chính. Tuy vậy trông bộ mặt tôi thấy chẳng ưa chút nào. Trông có vẻ ác lắm, và nó ác thật đấy.
-Ác à? Nhưng nó đã ác với bác như thế nào kia?
-Không phải chính ngay với tôi; nhưng ông xem đây này: chúng tôi phải lấy hết sức bình sinh mới dựng đứng pho tượng lên được, và cả cụ Đơ Pêrơhorát nữa, tuy sức trói gà không chặt, cụ cũng cầm dây kéo, cụ người đạo mạo thế! Chúng tôi vất vả lắm mới dựng pho tượng đứng thẳng lên được. Tôi nhặt một viên ngói để chèn thì ầm một cái thế là pho tượng đổ kềnh xuống đất. Tôi nói, cẩn thận chân kìa! Nhưng chậm quá mất rồi, vì Gian Côn không kịp rút chân ra.
-Thế anh ấy bị thương à?
-Thương hại cho cái chân anh ấy bị gãy đôi, cứ y như cái cọc chống nho vậy. Rõ tội nghiệp! Thấy thế, tôi điên tiết định lấy cuốc bổ vỡ pho tượng. Nhưng cụ Đơ Pêrơhôrát vội giữ tôi lại. Cụ cho tiền Gian Côn, anh ta bị đã mười lăm hôm nay, ấy thế mà bây giờ hãy còn nằm liệt giường; và bác sĩ nói cái chân ấy không bao giờ còn đi đứng được như chân bên kia nữa đâu. Thật đáng tiếc, anh ta còn là một tay chạy đua giỏi nhất, và sau cậu con cụ chủ, anh ta là người chơi pôm (môn chơi gần giống như tennis)có nhiều mánh lới nhất của chúng tôi đấy. Cậu Anphônxơ Đơ Pêrơhôrát rất buồn về việc này vì Gian Côn chính là người vẫn đánh đôi với cậu ấy. Xem hai người chuyền bóng cho nhau thật sướng mắt. Pách! Pách! Không lúc nào bóng rơi xuống đất.
Vừa đi vừa trò chuyện, chúng tôi vào đến Ilơ, và chẳng bao lâu tôi đã được tiếp kiến cụ Đờ Pêrơhorát. Cụ là một ông già người nhỏ nhắn nhưng hãy còn mạnh mẽ nhanh nhẹn, còn đánh phấn, mũi đỏ, có vẻ vui tính và hay bỡn cợt. Trước khi mở xem thư của ông Đơ P…, cụ mời tôi ngồi vào một bàn ăn thịnh soạn, và giới thiệu với vợ và con trai rằng tôi là một nhà khảo cổ nổi tiếng sẽ làm cho xứ Ruxinông này thoát khỏi tình trạng bị lãng quên do sự thờ ơ của các nhà bác học.
Tôi ăn bữa cơm rất ngon miệng, vì không có gì làm cho người ta ăn thấy ngon bằng không khí kích thích của miền núi; tôi vừa ăn vừa quan sát gia đình chủ nhân. Tôi đã nói qua về cụ Đơ Pêrơhôrát; tôi cần nói thêm rằng cụ là hiện thân của sự linh lợi hoạt bát. Cụ nói, cụ ăn, cụ đứng dậy, chạy sang phòng đọc sách, mang sách lại cho tôi, chỉ cho tôi xem những bức ấn họa, rót rượu mời tôi uống; không lúc nào cụ ngồi yên đến hai phút. Cụ bà hơi béo quá, như phần lớn phụ nữ Catalan khi đã ngoài bốn mươi, tôi trông có vẻ đặc là một phụ nữ tỉnh nhỏ, chỉ biết lo lắng công việc nội trợ. Tuy bữa ăn tối ít nhất sáu người mới ăn hết, cụ bà cũng còn chạy xuống bếp, sai làm thịt bồ câu, rán bánh ngô, mở không biết bao nhiêu lọ mứt. Chỉ một lát trên bàn chật ních những chai cùng đĩa, và nếu tôi chỉ gọi là nếm thử tất cả các món chủ nhân mời, thì cũng đủ bội thực mà chết. Tuy vậy mỗi khi tôi từ chối món nào là chủ nhân lại xin lỗi. Người ta sợ tôi đến tỉnh Ilơ này thiếu thốn khổ sở quá. Ở tỉnh nhỏ, mọi phương tiện đều thiếu, mà người Pa-ri thì khó tính lắm.
Trong khi bố mẹ đi đi lại lại thì Anphônxơ Đơ Pêrơhôrát cứ ngồi trơ ra như phỗng. Anphônxơ là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, người cao lớn, đẹp trai, đường nét đều đặn, nhưng thiếu ý nhị. Vóc người và thân hình nở nang của anh khiến anh thật không hổ danh là tay chơi pôm không biết mệt ở xứ này. Tối hôm ấy anh ăn mặc rất lịch sự, đúng hệt bức vẽ trong báo "Mốt" số mới nhất. Nhưng anh có vẻ ngượng nghịu trong bộ quần áo của mình; cái cổ áo nhung làm anh cứ thẳng đuỗn như khúc gỗ, mỗi khi quay đầu lại phải quay cả toàn thân. Đôi bàn tay to và rám nắng, móng tay ngắn, trái ngược một cách lạ thường với bộ quần áo kia. Trông rõ là đôi bàn tay dân cày thò ra ở đầu ống tay áo của công tử bột. Vả lại tuy anh ta ngắm nghía tôi từ đầu tới gót một cách hết sức tò mò…, vì tôi là người Pa-ri, nhưng suốt buổi tối hôm ấy anh chỉ nói với tôi có mỗi một lần: đó là để hỏi xem tôi mua sợi giây đồng hồ ở đâu.
-Úi chà! Ông khách thân mến, cụ Đơ Pêrơhôrát nói, khi bữa ăn tối đã gần xong, ông là người thuộc quyền tôi đấy nhé, ông ở nhà tôi mà lại. Tôi sẽ không buông thả ông ra đâu, trừ khi nào ông đã đi xem tất cả những cái hay cái lạ ở vùng rừng núi chúng tôi. Phải để cho ông tìm hiểu rõ xứ Ruxiông chúng tôi, và đánh giá một cách xứng đáng kẻo oan cho nó. Chắc ông không ngờ được tất cả những cái chúng tôi sẽ đưa ông đi xem. Những đền đài di tích thời đại người Phê-ni-xiêng Xen-tơ, La Mã, A Rập, Bi-dăng-tin, ông sẽ được xem từ vật to đến vật nhỏ, không bỏ qua một cái gì. tôi sẽ xin dẫn ông đi xem khắp mọi nơi, không để sót một viên gạch nào.
Một cơn ho làm cụ phải ngừng lại. Tôi nhân lúc đó liền nói ngay là tôi rất lấy làm ân hận đến quấy nhiễu cụ đúng vào lúc trong nhà có việc vui mừng. Nếu cụ sẵn lòng chỉ bảo cho những điều quý báu về những nơi tôi nên đi thăm, tôi có thể đi một mình, không dám phiền cụ cùng đi…
-A! Ông định nói đến đám cưới của thằng cháu nó nhà tôi phải không? Cụ kêu lên cắt lời tôi. Xá gì chuyện ấy! Chỉ ngày kia là xong. Ông sẽ dự đám cưới, tổi chức đơn giản trong gia đình thôi, vì cô dâu đang có tang một người dì mà cô ta là người thừa kế. Vì thế cho nên không có hội hè, khiêu vũ gì cả…Thật đáng tiếc…nếu không ông sẽ được xem phụ nữ xứ tôi nhảy. Các cô ấy xinh lắm, và biết đâu ông lại chẳng muốn bắt chước thằng cháu Anphônxơ nhà tôi. Người ta thường nói đám cưới này dắt dây đám khác…Thứ bảy đôi trẻ cưới xong, chúng ta sẽ cùng rong chơi. Tôi xin ông tha lỗi về việc làm phiền ông phải dự một đám cưới tỉnh lẻ. Đối với một người Pa-ri đã chán ngấy hội hè…mà lại thêm một đám cưới không khiêu vũ nữa.! Nhưng ông sẽ được xem mặt cô dâu…một cô dâu…để rồi ông sẽ cho biết ý kiến sau…Nhưng ông là một người đạo mạo, thấy phụ nữ cũng chẳng buồn nhìn nữa. Tôi có cái còn hơn thế nữa để đưa ông xem. Tôi sẽ cho ông xem cái này!…Tôi để dành cho ông một chuyện bất ngờ đáng tự hào vào ngày mai.
-Trời ơi! Tôi nói, thật khó có một của báu trong nhà mà công chúng lại không biết. Tôi tưởng có thể đã đoán ra chuyện bất ngờ cũ định để dành cho tôi rồi. Nếu là chuyện pho tượng kia, thì những lời người dẫn đường cho tôi đã tả chỉ càng kích thích tánh tò mò và làm tôi phải sẵn sàng để chiêm ngưỡng.
-A!thế ra bác ấy đã nói đến pho tượng thần rồi à, ấy họ cứ toàn gọi pho tượng Vệ-nữ Tur…tuyệt đẹp của tôi thế đấy…Nhưng thôi tôi cũng chẳng muốn nói gì thêm nữa. Ngày mai, giữa ban ngày ông sẽ thấy và xin ông sẽ cho biết rằng nó có đúng là một công trình tuyệt tác như tôi nghĩ không. Tuyệt quá! Ông đến không thể đúng lúc hơn! Trên tượng có những dòng chữ khắc mà tôi, một con người dốt nát đáng thương, tôi giải thích theo cách của tôi…nhưng còn một nhà bác học ở Pa-ri!…Chắc có lẽ ông phải cười cách giải thích của tôi…vì tôi đã viết một bản thuyết trình…tôi, người đang hầu chuyện ở đây…một người nghiên cứu đồ cổ già ở tỉnh nhỏ…tôi đã đánh bạo…Tôi muốn làm cho báo chí phải rên siết…Nếu ông sẵn sàng đọc giúp và chính phủ cho, tôi có thể hy vọng…Chẳng hạn như tôi rất tò mò muốn biết chữ này khắc ở trên bệ ông sẽ dịch như thế nào! CAVE…Nhưng tôi chưa muốn yêu cầu gì ông ngay bây giờ cả! Xin để đến mai! Đến mai! Hôm nay không nói gì đến tượng Vệ-nữ cả.
-Ông nó nói phải đấy, cụ bà Đơ Pêrơhôrát nói, nên gác cái tượng thần của ông lại. Ông phải thấy ông làm cho ông đây không ăn được nữa. Thôi đi, ông đây ở Pa-ri đã được xem khối tượng đẹp hơn của ông nhiều. Ở Cung Tuylơri có hàng tá, và cũng bằng đồng đen.
-Đấy cái dốt nát- cụ Đơ Pêrơhôrát ngắt lời vợ- cái dốt nát thần thánh ở tỉnh lẻ nó như thế đấy ông ạ. Đem so một pho tượng cổ tuyệt đẹp với những pho tượng tẻ nhạt của Cuxtu.

Bà vợ tôi là người nội trợ
Nói tới thần linh.
Sao dám buông lời bất kính.

Ông có biết bà nó nhà tôi còn muốn tôi đem nấu pho tượng để đúc cho nhà thờ không? Chả là bà nó nhà tôi có gì sẽ thành người bảo trợ mà. Thưa ông, một công trình tuyệt tác của Myrôn!
-Tuyệt tác à! Tuyệt tác! Công trình tuyệt tác như thế à! Làm gãy chân người ta!
-Bà nó ơi, này này, cụ Đơ Pêrơhôrát nói, giọng cương quyết, vừa nói vừa giơ chân phải đi bít tất lụa ngũ sắc về phía vợ, nếu Vệ-nữ của tôi có làm gẫy cái chân này cũng không tiếc.
-Trời ơi! Ông Đơ Pêrơhôrát, làm sao ông lại có thể nói như vậy được nhỉ! May mà anh ta đã đỡ nhiều…Ấy là tôi còn chưa dám nhìn pho tượng đã gây ra tai họa như thế đấy! Tội nghiệp anh Gian Côn!
-Thưa ông, đau khổ vì thần Vệ-nữ, cụ Đơ Pêrơhorát vừa nói vừa cười khanh khách, đau khổ vì thần Vệ-nữ mà cái thằng láo lếu phàn nàn:

Veneris nec praemia noris.
Ai mà chẳng đau khổ vì thần Vệ-nữ?

Anphônxơ vốn hiểu tiếng Pháp hơn tiếng La-tinh, nháy mắt và nhìn tôi như muốn hỏi: ông là người Pa-ri, ông có hiểu không?
Bữa tối đã xong. Tôi đã thôi ăn được đến một giờ.Tôi mệt quá và không tài nào giấu nổi những cái ngáp liên hồi không kìm lại được. Cụ bà Đơ Pêrơhôrát là người nhận thấy đầu tiên và nêu ra ý kiến là đã đến giờ đi ngủ. Thế là lại bắt đầu một tràng những câu xin lỗi về nơi ăn chốn nằm không được tử tế mà chủ nhân dành cho khách. Tôi sẽ không được như ở Pa-ri đâu. Ở tỉnh lẻ, thiếu thốn đủ thứ! Khách nên rộng lượng đối với người Ruxiông ở đây. Tôi đã phân trần mãi là sau một buổi leo núi chỉ cần một bó rơm cũng đủ là một chỗ ngủ tuyệt vời, chủ nhân vẫn cứ nằn nì xin tôi thứ lỗi cho những người quê mùa không tiếp đãi khách được đúng như ý họ muốn. Cuối cùng tôi lên buồng dánh riêng cho tôi, có cụ Đơ Pêrơhôrát đi theo. Cầu thang, những bậc trên bằng gỗ, dẫn tới một hành lang có cửa đi vào nhiều buồng.
-Bên phải- chủ nhân nói- là gian tôi dành cho cô dâu.Buồng của ông ở cuối phía bên kia. Ông cũng thừa hiểu- cụ nói thêm với một vẻ cố làm cho hóm hỉnh- ông cũng thừa hiểu là vợ chồng mới cưới phải để cho họ có một chỗ biệt tịch. Ông ở đầu bên này, họ ở đầu bên kia.
Chúng tôi vào một căn phòng bày biện tươm tất, vật đầu tiên đập vào mắt tôi là một cái giường dài bảy pi-ê, rộng sáu pi-ê và cao đến nỗi phải dùng cái ghế con để trèo lên.
Chủ nhân chỉ cho tôi chỗ dây chuông rồi đích thân xem lại bình đường có đầy không, các chai nước hoa Côlônhơ có để trên bàn rửa mặt đâu vào đấy không, và hỏi lại tôi xem còn thiếu thứ gì không, sau đấy chúc tôi ngủ ngon giấc rồi đi ra để tôi ở lại một mình trong phòng.
Các cửa sổ trong phòng đều đóng kín. Trong khi cởi quần áo, tôi mở một cửa ra để thở hít không khí mát mẻ ban đêm, tuyệt thú sau một bữa ăn tối kéo dài. Trước mặt là núi Canigu, lúc nào trông cũng đẹp, nhưng tối hôm ấy tôi thấy như là ngọn núi đẹp nhất thế giới, vì lúc ấy sáng trăng vằng vặc. Tôi đừng ngắm những nét thanh kỳ tuyệt diệu của ngọn núi mấy phút, và đang định đóng cửa sổ lại thì chợt nhìn xuống thấy pho tượng đặt trên một cái bệ chỉ cách nhà độ vài chục toa-dơ. Pho tượng đặt ở góc một hàng rào bằng cây xanh ngăn một mảnh vườn nhỏ với một miếng đất vuông phẳng lì. Miếng đất này, về sau tôi mới được biết, là sân đánh pôm của thành phố. Miếng đất ấy trước thuộc quyền sở hữu của cụ Đơ Pêrơhôrát, sau vì con trai khẩn khoản mãi cụ mới nhường lại cho thị xã.
Từ chỗ tôi đứng xa quá, khó mà có thể nhận được dáng điệu của pho tượng; tôi chỉ ước lượng được chiều cao độ sáu pi-ê. Lúc đó có hai thằng bé trong thành trông có vẻ nghịch ngợm, đi qua sân đánh pôm, khá gần hàng rào, miệng huýt sáo điệu rất hay của xứ Ruxiông "Núi Rêgalát". Chúng đứng lại nhìn pho tượng; thậm chí một đứa còn lớn tiếng quát. Nó nói tiếng Catalan; nhưng tôi đến ở xứ Ruxiông cũng đã khá lâu nên có thể hiểu đại khái chúng nói gì.
-A ra mày đấy à! Con đĩ kia (danh từ trong tiếng Catalan còn mạnh hơn nữa). Mày đấy à! Nó nói. Thế ra chính mày đã làm gãy chân anh Gian Côn đấy! Nếu mày là của tao thì tao đánh cho cứ gọi là gãy cổ.
-Úi chà! Đánh bằng gì được? Tượng bằng đồng, rắn lắm đến bác Echiên định chơi vào cũng còn gãy cả dũa nữa là. Tượng bằng đồng từ thời Tà giáo; rắn không thể tưởng tượng được.
-Nếu tao có cái đục ở đây (hình như nó học nghề thợ khóa) thì tao sẽ nậy đôi mắt to trắng dã kia đi ngay như nậy hạnh nhân ấy. Chỗ bạc ấy bán đi cũng được trăm xu.
Chúng đi ra xa mấy bước.
Đứa lớn bỗng đứng dừng lại nói:
-Để tao phải gửi lời chào tượng thần mới được.
Nó cúi xuống, chắc có lẽ nhặt một hòn đá. Tôi thấy nó vung tay ném một vật gì rồi liền nghe có tiếng đập vào đồng kêu đánh keng. Ngay lúc ấy thằng bé học việc thét lên đưa tay lên xoa đầu kêu đau:
-A ! Ra nó ném trả tao mày ạ!
Thế rồi hai thằng ranh ba chân bốn cẳng cắm đầu chạy mất. Hiển nhiên là hòn đá đập vào đồng đã bật lại trúng phải thằng bé láo lếu kia đã dám xúc phạm đến vị nữ thấn.
Tôi vừa khép cửa sổ lại vừa vui vẻ cười.
-Lại một kẻ phá hoại công trình nghệ thuật bị thần Vệ-nữ trừng phạt! Lạy trời cho tất cả những kẻ phá hoại đến đài di tích cổ cũng sẽ bị vỡ đầu như vậy.
Sau điều cầu phúc nhân từ đó, tôi nhắm mắt ngủ.
Tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng rõ. Đứng cạnh giường tôi một bên là cụ Đơ Pêrơhôrát với chiếc áo mặc trong nhà, một bên là người đầy tớ trai do bà chủ sai đến, tay bưng một chén sô-cô-la:
-Thế nào dậy thôi chứ, ông khách Pa-ri! Ra các ngài ở thủ đô lười thế đấy! Chủ nhân nói trong khi tôi vội vã mặc quần áo. Đã tám giờ rồi mà hãy còn ngủ à! Tôi thì đã dậy từ sáu giờ. Tôi đã lên đây ba bốn lần rón rén lại gần cửa buồng; không có bóng một ai, không thấy động tĩnh gì cả. Tuổi ông mà ngủ nhiều quá sẽ không tốt đâu. Lại còn Vệ-nữ của tôi ông chưa xem! Nào xin mời ông dùng ngay cho tôi một chén sô-cô-la Barxơlon kia đi…Hàng lậu chính cống đấy nhé…Sô-cô-la này ở Pa-ri không làm gì có đâu…,ông uống đi để lấy sức, vì một khi đã đứng trước tượng Vệ-nữ của tôi thì ông không dứt ra được nữa đâu.
Chỉ năm phút sau tôi đã sửa soạn xong, nghĩa là mặt cạo dở dang, khuy cài đại khái, bỏng miệng vì uống vội chén sô-cô-la còn nóng quá. Tôi xuống vườn và thấy trước mặt một pho tượng tuyệt mỹ.
Quả đúng là một pho tượng thần Vệ-nữ với một vẻ đẹp tuyệt diệu. Pho tượng nửa mình trên để trần theo cách người thời cổ thường vẽ hoặc tạc những vị thượng đẳng thần; bàn tay phải để ngang vú, lòng bàn tay úp vào trong, ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ruỗi thẳng, còn hai ngón kia hơi cong. Bàn tay kia để gần háng, nâng tấm vải che nửa thân dưới. Tư thế của pho tượng làm cho người ta nhớ đến tư thế của Người chơi tính ngón tay mà không hiểu tại sao người ta mệnh danh là Giermanicux. Phải chăng người ta muốn tạc tượng nữ thần đang chơi tính ngón tay.
Dù sao cũng không thể nào tìm đâu thấy một cái gì tuyệt mỹ hơn thân hình của tượng Vệ-nữ này; không còn gì kỳ thú và gợi lòng xuân hơn những đường cong nét lượn của thân hình kia, không còn gì thanh lịch và cao quí hơn tấm vải quấn quanh mình. Trước tôi đinh ninh đây lại là một tác phẩm nào đó thuộc thời Hậu Đế chế; nay tôi được thấy một công trình tuyệt tác của thời cực thịnh trong nghề tạc tượng. Điều làm tôi chú ý nhất là tính chân thật tuyệt diệu của hình dáng, đến nỗi người ta có cảm tưởng như đổ khuôn theo mẫu thiên nhiên nếu thiên nhiên sản sinh ra được những người mẫu hoàn mỹ như vậy.
Bộ tóc hất ngược trên trán hình như trước kia mạ vàng. Cái đầu nhỏ như hầu hết tất cả tượng Hy-lạp, hơi ngả về phía trước. Còn bộ mặt, tôi không tài nào diễn tả nổi vẻ kỳ lạ, bộ mặt đó thuộc một kiểu đặc biệt, tôi không nhớ có một pho tượng cổ nào hao hao giống như vậy. Đây không phải là vẻ đẹp trầm lặng và nghiêm nghị các nhà điêu khắc Hy-lạp, theo một quan điểm nhất định, bao giờ cũng cho các nét một vẻ bất động uy nghiệm. Ở đây, trái lại, tôi ngạc nhiên nhận thấy dụng ý rõ rệt của nghệ sĩ muốn diễn tả sự hiểm độc lên tới mức tàn ác. Tất cả các nét mặt đều hơi căng thẳng, mắt hơi xếch, mép hơi nhếch, lỗ mũi hơi phồng. Sự khinh thị, mỉa mai, độc ác, hiện rõ trên bộ mặt kia, tuy vậy có một vẻ đẹp không thể tưởng tượng được.Thật ra càng ngắm pho tượng tuyệt mỹ kia, người ta lại càng có cảm giác khó chịu, tại sao một vẻ đẹp tuyệt diệu nhường kia lại có thể đi đôi với một sự thiếu tình cảm triệt để như vậy.
-Nếu người mẫu có thật-tôi nói với cụ Đô Pêrơhôrát- và tôi ngờ là trời khó có thể sinh ra một người đàn bà như vậy ở trên đời, thì tôi rất thương hại những kẻ yêu cô ta! Chắc hẳn cô ta thích làm cho họ chết vì tuyệt vọng. Trông vẻ mặt pho tượng có một cái gì rất dữ tợn, tuy vậy tôi chưa từng thấy một bộ mặt nào đẹp hơn.
-Đây là Vệ-nữ đang hết sức giữ chặt lấy mồi! Cụ Đô Pêrơhôrát kêu lên, có vẻ đắc ý trước nhiệt tình của tôi.
Vẻ diễu cợt quái đản kia hình như còn tăng thêm sự trái ngược giữa đôi mắt long lanh nạm bạc và lớp rỉ đồng xanh đen mà thời gian phủ trên toàn thân pho tượng. Đôi mắt long lanh kia gây ra một ảo ảnh nào đó làm cho người ta tưởng đến thực tế, đến sự sống. Tôi chợt nhớ đến những lời nói của người dẫn đường là pho tượng làm cho ai nhìn cũng phải cúi mặt xuống đất. Điều đó gần như đúng sự thật, và tôi không tài nào nén nổi tức giận với bản thân khi cảm thấy hơi lúng túng trước pho tượng đồng.
-Ông bạn đồng nghiệp về đồ cổ thân mến của tôi ơi-chủ nhân nói-bây giờ ông đã được ngắm nghía từng chi tiết nhỏ rồi, vậy xin ông hãy cùng tôi mở một cuộc hội nghị khoa học. Ông nghĩ thế nào về dòng chữ khắc này trên pho tượng mà ông chưa hề để ý?
Cụ chỉ cho tôi xem đế tượng, tôi đọc thấy hàng chữ:
CAVE AMANTEM

-Quid dicis doctissime? (tiếng La tinh: nhà bác học nghĩ sao?) Cụ vừa hỏi vừa xoa tay. Nào thử xem ý kiến của chúng ta có gặp nhau về nghĩa của câu Cave amantem này không?
-À, tôi đáp, câu này có hai nghĩa. Ta có thể dịch: "Hãy coi chừng những kẻ yêu nàng. Hãy đề phòng những người tình của nàng". Nhưng nếu hiểu theo nghĩa này về mấy chữ Cave amantem, tôi không biết có phải là chính cống tiếng La- tinh không? Trông vẻ mặt quái ác kia của cô ả, tôi nghĩ rằng có lẽ nghệ sĩ định bảo người xem tượng phải coi chừng sắc đẹp ghê gớm kia thì đúng hơn. Vậy tôi xin dịch là: "Phải coi chừng cô ấy yêu anh".
-Hừ! Cụ Đơ Pêrơhôrát nói, nghĩa ấy cũng hay lắm, nhưng ông thứ lỗi cho, tôi thích cách dịch trước hơn, và tôi xin phát triển như sau. Chắc ông biết người yêu của Vệ-nữ đấy chứ!
-Người yêu của Vệ-nữ thì có nhiều.
-Vâng, đúng thế! Nhưng người yêu đầu tiên là Vuncanh. Phải chăng người ta định nói: "Mặc dầu cô đẹp và có vẻ khinh người, người yêu của cô sẽ chỉ là một anh thợ rèn, một tên thọt chân xấu xí". Một bài học sâu sắc cho những cô ả có tính đỏng đảnh đấy ông ạ.
Tôi không khỏi mỉm cười, vì cách giải thích đó có vẻ gượng ép quá.
-Tiếng La-tinh ghê gớm thật, nó súc tích quá! Tôi nói vậy để tránh phát biểu một ý kiến trái ngược với nhà nghiên cứu đồ cổ của tôi, và tôi lúi lại mấy bước để ngắm pho tượng cho rõ hơn.
-Hãy khoan, ông bạn đồng nghiệp! Cụ Đơ Pêrơhôrát vừa nói vừa lôi cánh tay tôi lại, ông chưa xem xét hết. Hãy còn một dòng chữ khác nữa. Xin ông trèo lên bệ pho tượng mà xem xem ở cánh tay phải. Cụ vừa nói vừa đỡ cho tôi trèo lên.
Không nề hà, tôi níu phăng lấy cổ pho tượng Vệ-nữ mà tôi bắt đầu quen dần. Thậm chí tôi còn nhìn sát ngay tận mặt một lát và nhìn gần lại càng thấy độc ác và đẹp.Tôi nhận thấy trên cánh tay có khắc mấy chữ, hình như thuộc một lối chữ khảo cổ. Cố giương mục kỉnh, tôi đánh vần được mấy chữ dưới đây, và mỗi khi tôi đọc được chữ nào cụ Đơ Pêrơhôrát lại nhắc lại, với cử chỉ và giọng nói ra vẻ tán đồng.
VENERI TVRBVL
EVTYCHES MYRON
IMPERIO PECIT
Sau tiếng TVRBVL ở dòng đầu hính như có mấy chữ bị mờ, nhưng TVRBVL rất rõ.
-Câu đó nghĩa là…chủ nhân hỏi, nét mặt hớn hở và mỉm cười một cách hóm hỉnh, vì cụ cho rằng chữ TVRBVL chắc tôi khó mà gỡ cho ra mối.
-Có một tiếng tôi chưa tự giải thích được, tôi nói, còn thì dễ cả. EVTYCHES MYRON dâng pho tượng này lên thần Vệ-nữ theo lệnh của Người.
-Tuyệt lắm!nhưng còn TVRBVL ông bỏ đi đâu? TVRBVL là gì?
-Tiếng TVRBVL này làm tôi hết sức lúng túng. Tôi đang tìm một tính từ thuộc về thần Vệ-nữ mà mọi người đều biết có thể gợi ý cho tôi, nhưng mãi chưa ra. Nào ta thử xem TVRBVLENTA là một tính từ đối với Vệ-nữ cũng không đến nỗi sai quá, tôi khiêm tốn nói tiếp, vì chính bản thân tôi cũng không hài lòng lắm về cách giải thích này.
-Vệ-nữ nghịch ngợm! Vệ-nữ quấy nhộn! A! Dễ ông tưởng Vệ-nữ của tôi là một Vệ-nữ ở ngoài quán rượu chắc? Không phải đâu, ộng ạ; đó là một Vệ-nữ của giới người lịch sự kia. Nhưng để tôi xin giải thích ông nghe tiếng TVRBVL… này. Ít nhất cũng xin ông hứa với tôi là không đem phổ biến sự phát hiện này trước khi bản thuyết trình của tôi được in ra. Là vì, ông cũng thấy đấy chứ, tôi lấy làm vinh dự về điều tôi tìm ra đó…Dù sao thì ông cũng phải để lại vài bông lúa cho bọn người ở tỉnh nhỏ khổ sở như chúng tôi mót máy chứ. Các ngài bác học ở Pa-ri thì còn thiếu gì!
Lúc đó tôi hãy còn đang đứng ngất nghểu trên bệ cao của pho tượng; từ trên đó tôi long trọng hứa với cụ Đờ Pêrơhôrát không bao giờ làm cái việc hèn hạ ăn cắp phát hiện này của cụ.
-TVRBVL…ông ạ, cụ vừa nói vừa tiến lại gần tôi và hạ thấp giọng để không cho người khác nghe được, xin ông đọc là TVRBVLNERA.
-Tôi cũng chẳng hiểu rõ thêm được chút nào.
-Xin ông nghe đây. Cách đây một năm, ở dưới chân núi, có một làng tên là BOULTERNÈRE. Đó là biến dạng của tiếng La-tinh TVRBVLNERA. Nói lái như vậy là chuyện rất thường. Boulternère, ông ạ, xưa kia là một thành phố La-mã. Tôi vẫn ngờ ngợ như vậy, nhưng chưa bao giờ nắm được bằng chứng. Nay bằng chứng đây. Thần Vệ-nữ kia là Thành hoàng thành phố Boulternere, và cái tên Boulternère mà tôivừa mới chứng minh nguồn gốc cổ xưa, còn chứng tỏ một điều kỳ lạ hơn nữa, đó là việc Boulternère trước khi là một thành phố La-mã, đã từng là một thành phố Phê-ni-xiêng.
Cụ ngừng lại một lát để thở và hưởng cái khoái trá được thấy tôi ngạc nhiên. Tôi buồn cười quá nhưng cố nhịn được.
-Thật vậy, cụ nói tiếp, TVRBVLNERA là tiếng Phê-ni-xiêng chính cống, TVR đọc là TOUR và SOUR, cũng là một, phải không ông? SOUR là tên của người Phê-ni-xiêng gọi TYR, tôi tưởng chẳng cần nhắc lại với ông nghĩa của tiếng này. BVL tức là BAAL; ĐAL, BEL, BUL, đọc chỉ hơi khác nhau một chút, còn NERA thì làm tôi hơi vất vả một chút. Không tìm ra được tiếng Phê-ni-xiêng tương đương, tôi có ý muốn cho rằng tiếng này gốc ở Hy-Lạp nghĩa là ẩm thấp bùn lầy. Vậy thì đây là một tiếng gốc lai căng. Để chứng minh điều này, tôi sẽ xin đưa ông đi xem những lạch và suối ở Boulternère ở trên núi chảy xuồng đọng lại thành những hồ ao hôi thối. Một mặt khác, vĩ từ NERA có thể là mãi sau này mới thêm vào để ghi nhớ công ơn NERA PIVESUVIA, vợ của TETRICUS, có lẽ có lần đã giáng phúc cho thành phố TURBUL. Nhưng vì có những ao tù kia, tôi cho ngữ nguyên nói trên đúng hơn.
Cụ lấy thuốc lá ra hít với vẻ đắc ý.
-Nhưng thôi ta hãy bỏ chuyện người Phê-ni-xiêng đi, và trở lại dòng chữ trên tượng kia. Vậy tôi xin dịch là : "Myrôn kính dâng thần Vệ-nữ ở Boulternère theo lệnh của Người, pho tượng này, tác phẩm của mình".
Tôi cố tránh không chỉ trích cách giải thích ngữ nguyên đó của cụ, nhưng tôi cũng muốn tỏ ra mình thâm thúy, và nói:
-Thôi thôi cụ ơi! Myrôn có dâng cúng một vật gì thật đấy, nhưng tôi thật không thấy cái đó phải là phải là pho tượng này.
-Sao! Cụ kêu lên, Myrôn chẳng phải là một nhà điêu khắc Hy-lạp nổi tiếng đó ư? Tài năng đã truyền lại từ đời này qua đời khác trong dòng họ ấy: đây là một người con cháu trong dòng họ Myrôn đã tạc pho tượng này. Không còn gì chắc chắn hơn.
-Nhưng, tôi đáp, tôi thấy ở trên cánh tay có một lỗ nhỏ. Tôi cho là lỗ đó đã dùng để giữ một vật gì, một chiếc vòng chẳng hạn, và người tên là Myrôn nào đó đã cúng thần Vệ-nữ chiếc vòng này để trả lễ. Myrôn là một người thất tình. Thần Vệ-nữ giận ghét anh ta: anh ta đem cúng một chiếc vòng vàng để thần nguôi giận. Xin cụ chú ý là FECIT thường được dùng thay chữ CONSECRAVIT. Đó là hai chữ đồng nghĩa. Tôi sẽ chỉ cụ xem nhiều trường hợp như vậy, nếu tôi có ở đây quyển Gruter hay quyển Orellius. Một anh chàng si tình nằm mơ thấy thần Vệ-nữ là một chuyện tự nhiên, anh ta tưởng tượng là thần phán bảo anh ta phải mang cúng một chiếc vòng vàng. Rồi sau bọn man di hay một tên ăn trộm nào đó đã phạm tội bất kính…
-A! Người ta thấy rõ ông là người đã viết tiểu thuyết, chủ nhân vừa kêu lên vừa giơ tay đỡ tôi xuống. Không ông ạ, đây là một tác phẩm của một người thuộc trường phái Myrôn. Ông chỉ cần xem pho tượng là ông phải đồng ý như vậy.
Vì đã tự đặt cho mình nguyên tắc là không bao giờ khăng khăng nói ngược lại những người nghiên cứu đồ cổ ngoan cố, tôi cúi đầu ra vẻ tin và nói:
-Thật là một công trình tuyệt mỹ.
-Ôi trời ơi! cụ Pêrơhôrát kêu lên, lại một hành động phá hoại công trình nghệ thuật! Hình như đã có người lấy đá ném vào tượng của tôi!
Cụ vừa nhận thấy một vết trắng ở phía trên vú pho tượng Vệ-nữ một chút. Tôi cũng nhận thấy có một vết tượng tự trên mấy ngón tay phải mà tôi đoán là đã bị trúng trong khi hòn đá bay tới, hoặc giả khi hòn đá ném trúng tượng, một mảnh vụn đã văng ra và bật vào tay tượng. Tôi bèn kể lại cho chủ nhân nghe chuyện xúc phạm pho tượng mà tôi đã được chứng kiến và việc kẻ phạm tội đã bị trừng phạt ngay sau đó như thế nào. Cụ Đơ Pêrơhôrát nghe xong cười mãi, và so sánh chú thợ học việc với Điômét, cụ cầu cho chú, như nhân vật trong thần thoại Hy-lạp kia, thấy tất cả các bạn của mình hóa thành chim trắng.
Tiếng chuông báo bữa ăn trưa cắt đứt câu chuyện cổ điển giữa hai chúng tôi, và cũng như ngày hôm trước, tôi bị ép phải ăn một mình bằng bốn người. Sau đó có tá điền của cụ Đờ Pêrơhôrát đến, và trong khi cụ tiếp họ, người con trai của họ dẫn tôi đi xem một cái xe ngựa bốn bánh anh ta mua ở Tuludơ cho cô vợ sắp cưới; lẽ cố nhiên tôi trầm trồ khen ngợi. Sau đó tôi cùng anh ta vào chuồng ngựa, anh giữ tôi ở đó mất đến nửa giờ đồng hồ để khoe ngựa của anh, kể cho tôi nghe dòng giống của các cuộc đua ngựa trong tỉnh. Cuối cùng anh xoay ra nói chuyện con ngựa cái màu xám mà anh định tặng cô dâu.
- Hôm nay ta sẽ thấy cô ấy, anh nói. Tôi không biết ông có cho là xinh không. Người Pa-ri các ông bao giờ cũng khó tính lắm; nhưng mọi người ở đây, cũng như ở Perpinhan đều cho là xinh đẹp , có duyên. Có cái tốt là vợ tôi rất giàu. Người dì ở Prađơ để cho cả gia tài. Ồ, tôi sắp tha hồ mà sung sướng.
Tôi hết sức chướng tai khi thấy một thanh niên tỏ vẻ cảm động về của hồi môn hơn là về đôi mắt đẹp của cô dâu.
- Chắc ông thạo về đồ nữ trang, Anphônxơ nói tiếp, ông thấy cái này thế nào? Đây là cái nhẫn tôi sẽ tặng vợ tôi ngày mai.
Anh vừa nói vừa rút ở đốt thứ ba ngón tay út ra một chiếc nhẫn lớn nạm kim cương hình hai bàn tay lồng vào nhau, gợi một ý nghĩa cực kỳ thơ mộng. Chiếc nhẫn đánh từ thời xưa, nhưng tôi cho là về sau đã được người ta sửa lại để nạm kim cương. mặt trong nhẫn có dòng chữ Gô-tích SEMPR'ABIT, nghĩa là mãi mãi bên em.
- Chiếc nhẫn đẹp đấy, tôi nói; song những hạt kim cương nạm thêm này làm cho nó hơi mất bản sắc đi.
- Ồ! Thế này đẹp hơn nhiều chứ, anh mỉm cười đáp. Chỗ kim cương đáng giá tới nghìn hai trăm phờ-răng đấy. Chiếc nhẫn này là của mẹ tôi cho đấy ông ạ. Đây là một chiếc nhẫn gia bảo cổ lắm…từ thời Hiệp sĩ. Chiếc nhẫn ấy của bà tôi đeo và do cụ bà tứ đại của tôi để lại. Có trời biết được chiếc nhẫn đánh từ bao giờ.
- Tục lệ ở Pa-ri, tôi nói, là tặng một chiếc nhẫn đơn giản, thường làm bằng hai thứ kim loại, như vàng và bạch kim. Như chiếc nhẫn cậu đeo ở ngón tay kia chẳng hạn, rất thích hợp. Còn chiếc nhẫn này, với những mặt kim cương và hai bàn tay chạm nổi, to quá, không đi găng tay ra ngoài được.
- Ồ, rồi nhà tôi sẽ liệu làm thế nào thì làm. Dù sao tôi chắc nhà tôi được chiếc nhẫn sẽ rất mừng. Một nghìn hai trăm phờ-răng đeo ở tay, kể cũng thú. Còn chiếc nhẫn bé kia, Anphônxơ vừa nói thêm, vừa nhìn ra vẻ đắc ý chiếc nhẫn trơn đeo ở tay, chiếc nhẫn này là của một cô ả ở Pa-ri cho tôi một ngày thứ ba béo đấy. Úi chà! Hồi tôi ở Pa-ri cách đây hai năm, ăn chơi một dạo thật là phỉ chí. Ăn chơi như ở đấy mới là ăn chơi!…Nói rồi anh thở dài tỏ ý luyến tiếc.
Hôm đó chúng tôi phải đến ăn cơm tối ở Puygaric tại nhà bố mẹ cô dâu; chúng tôi lên xe ngựa đến lâu đài cách thành phố Ilơ chừng một dặm rưỡi. Tôi được giới thiệu và tiếp đón như một người bạn thân của gia đình. Tôi sẽ không kể ra đây bữa tiệc hôm ấy và những câu chuyện trò sau đó mà tôi cùng ít tham gia. Anphônxơ ngồi cạnh cô dâu, cứ độ mươi lăm phút lại ghé tai thì thầm. Còn cô dâu thì cứ cúi gầm mặt và mỗi khi chú rể nói gì với mình lại đỏ mặt một cách thùy mị, nhưng đáp lại không lúng túng.
Cô Puygaric mười tám tuổi; dáng người mềm mại, mảnh khảnh, trái ngược hẳn với hình dáng xương xẩu của chú rể to lớn vạm vỡ. Cô ta không những đẹp mà còn rất có duyên. Tôi rất khâm phục cô ta lúc nào cũng đối đáp hết sức tự nhiên; cô ta trông hiền hậu nhưng không phải không có đôi chút tinh nghịch khiến tôi phải liên tưởng đến pho tượng thần Vệ-nữ của chủ nhân. Trong khi thầm so sánh như vậy, tôi tự hỏi: phải nhận là tượng đẹp hơn người, nhưng không biết cái hơn kia có phải là một phần lớn do vẻ hổ cái không? Vì nghị lực ngay trong những dục vọng xấu xa bao giờ cũng gây ra ở ta sự ngạc nhiên và một thứ thán phục không tự giác.
"Đáng tiếc là, tôi nghĩ thầm khi rời Puygaric, một người đáng yêu như vậy lại giầu có khiến cho một con người không xứng đáng với mình tìm hỏi làm vợ để lấy của hồi môn".
Khi trở lại Ilơ, tôi nghĩ rằng theo phép lịch sự thỉnh thoảng cũng phải nói dăm ba câu chuyện với cụ bà Đơ Pêrơhôrát, nhưng tôi không biết nói thế nào.
- Nhân dân ở xứ Ruxiông ta tinh thần cứng cỏi thật! Tôi kêu lên. Thế ra các cụ cho tổ chức lễ cưới vào ngày thứ sáu à! Ở Pa-ri chúng tôi mê tín hơn, không ai dám lấy vợ vào ngày đó.
- Trời ơi! Xin ông đừng nói chuyện ấy làm gì, cụ bà Pêrơhôrát nói, nếu chỉ là tùy ở như tôi, thì chắc hẳn tôi đã chọn một ngày khác rồi. Nhưng ông nó nhà tôi lại muốn như thế, nên đành phải chịu. Song tôi rất phiền trong bụng. Nhỡ xảy ra chuyện gì chẳng lành thì sao? Chắc chắn cũng phải có lý do gì chứ, không thì tại sao người ta ai cũng sợ ngày thứ sáu?
- Ngày thứ sáu, cụ ông kêu lên, là ngày của Vệ-nữ! là ngày tốt cho việc cưới xin. Ông bạn đồng nghiệp thấy không, tôi chỉ nghĩ đến pho tượng Vệ-nữ của tôi. Xin thề với ông! Chính vì pho tượng mà tôi đã chọn ngày thứ sáu. Ngày mai nếu ông đồng ý trước khi làm lễ cưới, chúng ta sẽ biệt dâng một lễ nhỏ lên Vệ-nữ; chúng ta sẽ giết hai con bồ câu, và tôi biết chỗ kiếm ra ít hương trầm để đốt nữa.
- Phỉ thui! Cụ bà hết sức bất bình, cắt ngang lời chồng. Đem hương cúng thần tà giáo à! Thật là một việc ghê gớm kinh tởm! Rồi quanh đây người ta sẽ nói ông thế nào?
- Thì ít nhất, cụ Đơ Pêrơhôrát nói, bà cũng cho phép tôi đặt lên trên đầu tượng một vòng hoa hồng, hoa huệ chứ?
MANIBUS DATE LILIA PLENIS
(tiếng La tinh: Hãy dâng cúng những bông hoa bằng một bàn tay hào hiệp)

Đấy ông có thấy không, hiến chương chỉ là chuyện hão huyền, chúng ta có quyền tự do thờ phụng đâu.
Mọi công việc của ngày hôm sau đã được xếp đặt như sau: Đúng mười giờ sáng, mọi người đều phải sẵn sàng, quần áo chỉnh tề. Dùng Sô-cô-la xong, sẽ lên xe ngựa đến Puygaric. Lễ cưới sẽ làm ở tòa Hương chính, còn phép cưới làm ở nhà nguyện riêng trong lâu đài. Sau đó đến bữa ăn trưa. Ăn xong, tùy ý có thể làm gì thì làm, cho tới bảy giờ.Đến bảy giờ trở về nhà cụ Đơ Pêrơhôrát ở Ilơ, cả hai họ sẽ cùng ăn tối ở đó. Mọi việc khác cố nhiên cứ tiến hành bình thường. Không khiêu vũ được, người ta định kéo dài bữa tiệc càng lâu càng tốt.
Mới tám giờ, tôi đã ngồi trước pho tượng Vệ-nữ, tay cầm bút chì vẽ đi vẽ lại hai mươi lượt đầu pho tượng mà vẫn không thể hiện nổi vẻ riêng kia. Cụ Đơ Pêrơhôrát đi đi lại lại quanh tôi, góp ý kiến, nhắc lại những ngữ nguyên của tiếng Phê-ni-xiêng, rồi xếp những bông hồng Bănggan lên trên bệ pho tượng và cất giọng bi hài kịch, cầu xin pho tượng phù hộ cho đôi lứa sắp sống chung dưới mái nhà mình. Vào khoảng chín giờ, cụ về nhà để lo sửa soạn quần áo và cũng vừa đúng lúc đó Anphônxơ hiện ra trong bộ lễ phục mới nhất rất khít người, tay đi găng tay trắng, giầy da láng, khuy chạm, một bông hồng cài ở ve áo.
- Rồi ông vẽ hộ chân dung vợ tôi nhé, Anphônxơ vừa nói vừa cúi xuống xem bức vẽ, vợ tôi cũng rất xinh.
Vừa lúc đó ở ngoài sân đánh pôm, người ta bắt đầu một trận đấu làm cho Anphônxơ chú ý ngay. Còn tôi thì mệt mỏi, thất vọng vì không thể hiện nổi bộ mặt quái ác kia, một lát sau tôi cũng bỏ không vẽ nữa để xem đánh pôm. Trong số đấu thủ có mấy bác lái la người Tây Ban Nha vừa mới đến đây hôm trước. Họ là những người miền Aragông và Navarơ, hầu hết chơi tuyệt giỏi. Cho nên các đấu thủ ở Ilơ, tuy phấn khởi vì Anphônxơ có mặt ở đấy và luôn luôn mách nước, nhưng cũng mau chóng bị những tay tân vô địch kia hạ. Khán giả người trong xứ đều ngao ngán. Lúc bấy giờ mới chín rưỡi, bà mẹ Anphôxơ chưa chải đầu. Anh không do dự nữa, cởi phăng cái áo lễ phục ra, bảo đưa cho chiếc áo vét, rồi chạy ra thách bọn người Tây Ban Nha đấu. Tôi mỉm cười nhìn Anphônxơ, hơi ngạc nhiên.
- Phải bảo vệ danh dự của xứ sở, anh nói.
Lúc bấy giờ tôi thấy anh thật là đẹp. Anh đang hăng say. Bộ quần áo làm anh rất bận tâm khi nãy không còn nghĩa lý gì đối với anh nữa. Mấy phút trước anh còn ngại quay đầu sợ làm xốc xếch ca-vát. Bây giờ thì anh không còn nghĩ gì đến bộ tóc uốn quăn, đến cái lá sen ở áo lót chếp rất khéo. Còn cô vợ sắp cưới? Ối chà! Nếu cần thì tôi chắc anh cho hoãn lễ cưới lại cũng nên. Tôi thấy anh đi vội một đôi dép, xắn tay áo, rồi tiến ra cầm đầu phe bị thua với vẻ quả quyết như Xêda tập hợp binh sĩ ở Duyrachium. Tôi nhảy qua hàng rào đứng vào một chỗ thoải mái dưới bóng cây tầm ma để xem hai bên cho rõ.
Trái với sự chờ đợi của mọi người, Anphônxơ đánh hụt quả bóng đầu tiên, kể ra thì quả bóng đã bay tới sát mặt đất do một đấu thủ người Aragông có lẽ là thủ quân của đội Tây Ban Nha đánh mạnh một cách lạ lùng. Hắn trạc bốn mươi tuổi, người rắn rỏi, nóng nảy, cao sáu bộ, nước da cũng thẫm gần bằng màu đồng của pho tượng Vệ-nữ.
Anphônxơ điên tiết quăng cái vợt xuống đất.
- Chỉ tại cái nhẫn chết tiệt này, anh kêu to lên, siết chặt lấy ngón tay, làm hụt mất một quả bóng ăn chắc.
Anh tháo mãi, mới ra cái nhẫn kim cương. Tôi chạy lại để đón lấy nhưng không kịp, anh đã chạy trước đến chỗ pho tượng Vệ-nữ, đeo cái nhẫn vào ngón tay đeo nhẫn của pho tượng, rồi lại chạy về lãnh đạo đội Ilơ.
Trông anh tái xanh, nhưng bình tĩnh và kiên quyết. Từ đó, anh không đánh lỗi một quả nào nữa, và đội Tây Ban Nha đại bại. Sự vui sướng phấn khởi của khán giả thật là một cảnh đẹp mắt, người thì reo mừng, vừa hò hét vang trời vừa tung mũ lên; người thì bắt tay anh, gọi anh là vinh dự của xứ sở. Giá anh có đẩy lùi được một cuộc xâm lăng, tôi chưa chắc anh đã được người ta chào mừng một cách nhiệt thành như vậy. Vẻ buồn của những kẻ bị thua lại càng làm cho thắng lợi của anh thêm phần rực rỡ.
- Chúng ta còn đấu nhiều trận khác nữa, anh bạn ạ, Anphônxơ nói với gã người Aragông giọng trịch thượng, nhưng tôi sẽ chấp anh mấy điểm đấy.
Tôi muốn Anphônxơ tỏ ra khiêm tốn hơn và tôi thấy hơi buồn trước sự tủi nhục của đối phương của anh.
Gã khổng lồ người Tây Ban Nha kia thấm thía sâu sắc về sự sỉ nhục ấy. Hắn nghiến răng buồn bã nhìn chiếc vợt, rồi nghẹn ngào khẽ lẩm bẩm: ME LO PACARAS. (Thù này có ngày mày phải trả.)
Tiếng cụ Đơ Pêrơhôrát gọi bỗng phá đám cậu con trai đang lúc chiến thắng rầm rộ:chủ nhân rất lấy làm lạ khi không thấy con có mặt lúc sửa soạn xe ngựa, nay lại càng ngạc nhiên khi thấy con mồ hôi nhễ nhại, tay đang cầm chiếc vợt. Anphônxơ chạy về nhà rửa tay, mặc lại cái áo lễ phục mới, đi lại đôi giày da láng, và chỉ năm phút sau chúng tôi đã ngồi trên xe ngựa chạy nước kiệu lớn thẳng đường tới Puygaric. Tất cả những người chơi pôm trong thành phố và một số đông khán giả chạy theo hò hét reo mừng. Những con ngựa kéo chúng tôi khỏe thế mà cũng không chạy nhanh hơn những người Catalan gan dạ kia được bao nhiêu.
Chúng tôi đến Puygaric và đám cưới đã sắp sửa kéo tới Tòa thị chính thì Anphônxơ bỗng đập tay vào trán nói nhỏ với tôi:
- Thế có chết không! Tôi quên mất cái nhẫn rồi! Nó ở ngón tay tượng Vệ-nữ. Quỷ đến tha mất rồi! Nhưng xin ông đừng nói với mẹ tôi nhé. Có lẽ mẹ tôi sẽ chẳng biết gì đâu.
- Cậu có thể sai người về lấy, tôi nói.
- Chậc! Tên hầu của tôi ở lại Ilơ mất rồi. Còn những đứa ở đây, tôi không thể nào tin được. Một nghìn hai trăm phờ-răng kim cương. Cái đó có thể làm cho khối đứa tối mắt. Hơn nữa người ta sẽ nghĩ thế nào về sự đãng trí của tôi? Họ sẽ cười tôi, gọi tôi là chồng của pho tượng… Miễn sao không có kẻ lấy mất! Được cái may là pho tượng làm cho bọn vô lại sợ hãi, chúng không dám đến gần cách một cánh tay đâu. Chậc! Không sao, tôi còn chiếc nhẫn khác đây.
Lễ cười và phép cưới tiến hành với mọi sự linh đình cần thiết và thế là tiểu thư Đơ Puygaric nhận chiếc nhẫn của một cô hàng mũ ở Pa-ri, mà không ngờ rằng tân lang đã hy sinh một vật kỷ niệm yêu đương. Sau đó mọi người ngồi vào bàn ăn uống, rồi lại ca hát nữa, bữa tiệc kéo dài rất lâu. Tôi buồn cho cô dâu về sự vui mừng thô kệch nổi lên ầm ĩ xung quanh; tuy vậy cô dâu có thái độ bình tĩnh vững vàng mà tôi không thể ngờ tới; và vẻ thẹn thùng của cô không phải do vụng về hay điệu bộ.
Biết đâu trong hoàn cảnh khó khăn người ta lại không trở nên can đảm.
Tiệc xong nhờ trời lúc ấy mới bốn giờ; bọn đàn ông chúng tôi thì ra tản bộ ngoài vườn, một khu vườn tuyệt đẹp, hay xem các cô gái quê ở Puygaric nhảy múa trên bãi cỏ trong lâu đài, cô nào cô nấy đều ăn mặc quần áo ngày hội. Chúng tôi nhờ vậy qua được vài giờ. Trong khi đó phụ nữ xúm xít xung quanh cô dâu, đang đem cho họ xem làn đồ cưới. Sau đó cô dâu đi thay quần áo và tôi nhận thấy cô ta đội mũ vải và mũ lông chim lên bộ tóc đẹp vì phụ nữ bao giờ cũng chỉ lăm lăm dùng những món trang sức mà tục lệ không cho dùng khi hãy còn con gái.
Khi sắp sửa lên đường trở về Ilơ thì đã gần tám giờ. Nhưng trước khi ra đi đã diễn ra một cảnh hết sức cảm động. Người dì cô Puygaric, đối với cô cũng như mẹ, một cụ bà rất già, rất mộ đạo, sẽ không cùng chúng tôi đi lên tỉnh.
Lúc khởi hành cụ giảng cho cháu gái một bài nữ huấn rất cảm động về đạo làm vợ, bài nữ huấn đã đưa đến chỗ hai dì cháu nước mắt ròng ròng ôm hôn nhau mãi không thôi. Cụ Đơ Pêrơhôrát so sánh cuộc ly biệt đó với chuyện bắt cóc Xabin. Cuối cùng chúng tôi cũng lên đường; dọc đường mọi người tìm cách giải khuây cho cô dâu và định làm cho cô cười nhưng vô hiệu.
Tới Ilơ, tiệc tối đã sẵn sàng đợi chúng tôi và tiệc thật ra tiệc; nếu cái vui ầm ĩ thiếu tế nhị lúc buổi sáng làm tôi thấy chướng thì bây giờ tôi càng thấy chướng hơn khi nghe những lời bông đùa bóng gió để trêu chú rể và nhất là cô dâu. Trước khi ngồi vào bàn tiệc, chú rể chạy đi đâu chốc lát, bây giờ thấy tái xanh, vẻ mặt nghiêm trang lạnh như tiền. Chốc chốc anh lại uống rượu Cô-li-ua để lâu, một thứ rượu nho nặng ngang rượu mạnh. Tôi ngồi bên cạnh anh và thấy mình có trách nhiệm phải nhắc anh:
- Cậu coi chừng đấy! Người ta nói rượu Cô-li-ua...
Tôi không biết mình đã nói những lời bậy bạ ngu xuẩn gì để hòa nhịp với khách trong bàn tiệc. Anphônxơ hích đầu gối tôi, nói rất khẽ:
- Khi nào ăn xong đứng dậy…ông cho tôi được nói vài lời.
Giọng trang nghiêm của anh làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhìn anh kỹ hơn và nhận thấy mặt anh mất sắc hẳn đi.
- Cậu thấy trong người khó chịu à?tôi hỏi.
- Không. Nói xong anh lại uống.
Trong khi đó, giữa những tiếng reo hò và vỗ tay một đứa bé mười một tuổi chui ở dưới bàn ra, giơ cho khách xem một mẩu ruy-băng rất đẹp, nửa trắng nửa hồng, vừa dứt được ở cổ chân cô dâu. Người ta gọi cái đó là nịt chân của cô dâu.
Nó liền được cắt làm nhiều mảnh nhỏ và phân phát cho các thanh niên đeo vào ve áo, theo một tục lệ cổ truyền hãy còn tồn tại ở một vài gia đình theo chế độ gia trưởng. Đây cũng là một dịp làm cho cô dâu thẹn chín cả người…Nhưng cơn bối rối thẹn thùng của cô dâu lên tới tột độ khi cụ Đơ Pêrơhorát yêu cầu quan khách yên lặng rồi cất tiếng ngâm tặng cô dâu mấy câu thơ Catalan, theo lời cụ; mới ứng khẩu làm ra. Mấy câu thơ, nếu tôi hiểu đúng nghĩa như sau:
“ Cái gì thế này, các bạn! Rượu uống vào làm lão nhìn một hóa hai chăng, ở đây có hai Vệ-nữ…"
Chú rể quay ngoắt đầu lại, vẻ mặt hãi hùng, làm cho mọi người cười ồ.
"Vâng, cụ Đơ Pêrơhôrát ngâm tiếp, có hai Vệ-nữ dưới mái nhà lão, một Vệ-nữ lão bắt được ở dưới đất, như một cấy nấm tuyệt ngon, còn Vệ-nữ kia, từ trên trời sa xuống, vừa chia cho chúng ta thắt lưng nàng"
Cụ muốn nói cái nịt chân.
"Con ơi, trong hai Vệ-nữ, Vệ-nữ La-mã và Vệ-nữ Catalan, tùy con chọn một. Thằng láu cá chọn Vệ-nữ Catalan, và đó là phần tốt nhất. Vệ-nữ La-mã đen, Vệ-nữ Catalan trắng. Vệ-nữ La-mã lạnh như tiền, Vệ-nữ Catalan thì ai lại gần đều thấy lòng bừng cháy".
Bài thơ hạ ở câu đó làm cho mọi người vỗ tay hoan hô ầm ĩ, tiếng cười như pháo ran, tôi tưởng trần nhà sắp sụp. Chung quanh bàn tiệc chỉ có ba bộ mặt nghiêm trang, là cô dâu, chú rể và tôi. Tôi nhức đầu quá mà cũng không hiểu tại sao bao giờ đám cưới cũng làm cho tôi buồn. Đám cưới này, hơn thế nữa, còn làm cho tôi thấy hơi ớn.
Người hát sau cùng là viên phó xã trưởng; bài hát của ông ta, tôi phải nhận là rất nhẹ nhàng, khoái hoạt. Hát xong mọi người sang cả phóng khách để xem cô dâu cáo từ, người ta sắp đưa cô dâu về phòng riêng vì lúc bấy giờ đã gần nửa đêm.
Anphônxơ kéo tôi lại bên thành cửa sổ, vừa nói vừa đưa mắt nhìn đi chỗ khác:
- Chắc ông phải cười tôi…nhưng không biết là tôi làm sao ấy…tôi như bị ai chài? Không biết ma bắt tôi hay sao ấy!
Thoạt đầu tôi cho rằng anh ta tưởng mình bị một tai họa gì đe dọa thuộc loại như Môngtenhơ và bà Đơ Xêvinhê đã nói đến:
"Tất cả thế giới yêu thương đầy rẫy những chuyện bi thảm".
Tôi nghĩ thầm: "Mình cứ tưởng những sự cố đó chỉ xảy đến với những người tài trí".
- Tại cậu uống nhiều rượu cô-li-na quá đấy thôi, cậu Anphônxơ ạ, tôi nói. Tôi đã bảo thế mà.
- Vâng, có lẽ như thế đấy. Nhưng đây là một cái gì ghê gớm hơn nhiều kia.
Giọng anh nói nhát gừng. Tôi cho là anh say rượu thật rồi.
- Ông biết cái nhẫn của tôi đấy chứ? Anh yên lặng một lát rồi nói tiếp.
- Thế nào! Người ta lấy mất rồi à?
- Không.
- Nếu vậy thì cậu đã lấy lại được rồi chứ gì?
- Không…tôi..tôi không thể rút nó ra khỏi ngón tay Vệ-nữ quỷ quái kia được.
- Thật à? Chắc cậu không rút mạnh đấy thôi.
- Có chứ…Nhưng mà tượng Vệ-nữ…đã quặp ngón tay lại…
Anh trừng trừng nhìn tôi như người mất hồn, phải vịn vào song cửa cho khỏi ngã.
- Hão huyền! tôi nói…Tại cậu ấn cái nhẫn mạnh quá chứ gì. Ngày mai mang kìm ra cặp là lấy được. Nhưng cẩn thận đấy nhé, khéo không lại hỏng tượng.
- Không, tôi đã nói với ông là ngón tay tượng Vệ-nữ đã co lại, đã gập lại rồi kia mà. Nó nắm chặt bàn tay lại, ông nghe chưa?…Hình như nó là vợ tôi rồi, vì tôi đã cho nó cái nhẫn của tôi, nó không chịu trả lại nữa.
Bỗng nhiên tôi rùng mình và người tôi sởn gai ốc mất một lúc. Rồi Anphônxơ thở dài rất to, phà hơi rượu vào mặt tôi, làm cho mọi xúc động ở tôi đều tiêu tan hết.
- Gã khốn khiếp này, tôi nghĩ thầm, say bí tỉ rồi còn gì.
- Ông là một nhà nghiên cứu đồ cổ, chú rể nói tiếp, giọng nghe rất thảm hại; ông biết rõ những thứ tượng đó…biết đâu ở trong không có lò xo, một cái trò quỉ quái gì đó mà tôi không được rõ…Hay ông thử ra xem…?
- Xin sẵn lòng, tôi nói, nào cậu cùng đi với tôi.
- Không, tôi muốn ông ra đó một mình thôi.
Tôi rời phòng khách đi ra.
Trong lúc ăn tiệc, thời tiết đã thay đổi, và trời đã bắt đầu mưa nặng hạt. Tôi định hỏi mượn ô nhưng tôi chợt nghĩ lại thôi. Tôi nghĩ thầm, mình sẽ là một anh đại ngốc nếu mình đi kiểm tra lời nói của một anh chàng say. Vả lại biết đâu hắn lại không bày một trò đùa hiểm ác với mình để làm trò cười cho mấy ông bà thật thà ở tỉnh nhỏ kia và trong việc này ít nhất mình cũng sẽ bị một mẻ ướt như chuột lột, mua lấy một cơn cảm lạnh ra trò vào mình.
Nghĩ như vậy, tôi đưa mắt nhìn về phía pho tượng đang ướt ròng ròng rồi tôi về thẳng phòng mình, không trở lại phòng khách nữa. Tôi lên giường nằm nhưng mãi không ngủ được. Tất cả nhửng cảnh xảy ra hôm đó lại hiện ra trong trí. Tôi nghĩ đến người thiếu nữ xinh tươi trong trắng kia bị phó thác vào tay một tên thất phu rượu chè be bét. Tôi nghĩ thầm, lấy nhau chỉ vì môn đăng hộ đối là một chuyện hết sức khả ố! Một viên xã trưởng quàng cái khăn choàng lễ, thế là một người con gái lương thiện nhất trên đời bị đẩy vào lòng một tên quỷ sứ! Hai con người không yêu nhau, thì thử hỏi có thể nói gì với nhau vào lúc như thế này, lúc mà đôi lứa yêu thương nhau có thể vì nó mà hy sinh cả cuộc đời. Có bao giờ một người đàn bà có thể yêu được một người đàn ông mà mình đã có lần thấy tỏ ra thô lỗ? Những ấn tượng đầu tiên không bao giờ phai, và tôi tin chắc rằng cái anh chàng Anphônxơ kia rồi ra có bị căm ghét cũng là đáng kiếp…
Trong khi tôi nói thầm một mình như vậy -tôi kể ra đây cũng đã tóm tắt nhiều- tôi thấy trong nhà đi lại nhộn nhịp, tiếng cửa mở, cửa đóng, tiềng xe ngựa chuyển bánh, rồi hình như có tiếng nhiều phụ nữ đi rón rén ở cầu thang sau đó đi về phía đầu đàng kia hành lang đối diện với phòng tôi. Có lẽ đấy là đám người đưa cô dâu lên giường. Sau đó người ta xuống cầu thang. Cửa phòng Mợ Đơ Pêrơhôrát đóng lại. Tôi nghiệp cho cô ta, tôi nghĩ thầm, chắc cô ta bối rối thẹn thùng lắm đấy! Tôi cáu kỉnh trở mình trên giường, người đàn ông chưa vợ thường đóng một vai trò lố bịch trong một nhà có đám cưới.
Cảnh đã trở lại yên lặng được một lúc lâu thì chợt có những tiếng chân bước nặng nề lên cầu thang. Bậc thang gỗ kêu cót két.
- Con người đến lỗ mãng!Tôi kêu lên. Thế nào hắn cũng ngã lăn ở cầu thang cho mà xem.
Cảnh lại trở lại yên tĩnh. Tôi vớ một quyển sách để bắt đầu óc nghĩ sang chuyện khác. Đây là một quyển thống kê của tỉnh trong có bài thuyết trình của cụ Đơ Pêrơhôrát về những đền đài di tích của người Đruyđơ ở trong quận Prađơ. Đọc đến trang thứ ba thì tôi thiu thiu ngủ.
Tôi ngủ không yên giấc, mấy lần sực tỉnh dậy. Có lẽ lúc bấy giờ đã đến năm giờ sáng; tôi tỉnh dậy được quá hai mươi phút thì gà gáy. Trời đã sắp sáng. Lúc ấy tôi nghe thấy rất rõ ràng cũng vẫn những bước chân nặng nề, và tiếng cầu thang kêu cót két như tôi đã nghe thấy trước khi chợp mắt ngủ. Cái đó có vẻ quái lạ. Tôi vừa ngáp vừa cố đoán thử xem tại sao Anphônxơ lại dậy sớm như vậy. Tôi không tìm ra được lý do nào có vẻ có lý. Tôi đang định nhắm mắt ngủ lại thì nghe thấy những tiếng chân dậm kỳ dị làm cho tôi phải chú ý, một lát sau xen lẫn những tiếng giật chuông, tiếng mở cửa rầm rầm, tiếp đó tôi nhận thấy có những tiếng kêu hỗn loạn không rõ.
Hay là anh chàng say rượu đã gây ra hỏa hoạn ở đâu rồi! Tôi nghĩ thế rồi từ trên giường vội nhảy xuống đất.
Tôi vội vã mặc quần áo rồi đi ra ngoài hành lang. Ở phía đầu đàng kia tiếng kêu khóc vọng lại, và át tất cả những tiếng khác là tiếng kêu như xé của Bà Đơ Pêrơhôrát: "Con ơi! Con ơi!", chắc chắn là đã có chuyện gì chẳng lành xảy ra cho Anphônxơ rồi. Tôi chạy lại phòng cô dâu; trong phòng chật ních những người. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là người thanh niên kia, hở nửa người, nằm vắt ngang trên giường, mà gỗ ở giường thì bị gãy, người xanh xám không cựa quậy. Bà mẹ gào khóc bên cạnh. Cụ Đơ Pêrơhôrát rối rít, lấy nước hoa xát hai bên thái dương cho con, lấy thuốc muối cho ngửi. Nhưng thương ôi! Con cụ đã chết từ lâu. Cô dâu ngồi trên chiếc tràng kỷ ở đầu buồng đàng kia, quằn quại giãy giụa một cách kinh khủng. Cô ú ớ kêu không ra tiếng, hai người hầu gái lực lưỡng cố hết sức mới giữ nổi.
- Trời ơi! Làm sao thế? tôi kêu lên.
Tôi lại gần giường, vực người thanh niên tội nghiệp kia lên; xác đã cứng đờ và lạnh ngắt! Răng nghiến chặt, mặt xám đen tỏ ra anh ta đã trải qua những sợ hãi ghê gớm. Chắc là anh đã chết một cách bất đắc kỳ tử và cơn hấp hối rất khủng khiếp. Tuy vậy trên quần áo không có một vết máu. Tôi vạch áo sơ-mi ra thấy trên ngực có một vết lằn xanh kéo dài sang hai bên xương sườn và vòng ra sau lưng, tưởng chừng như anh đã bị một vòng sắt thít chặt ngang người. Chân tôi dẫm phải một vật gì cứng trên thảm; tôi cúi xuống xem thì ra là chiếc nhẫn kim cương.
Tôi kéo hai vợ chồng cụ Đơ Pêrơhôrát về phòng; rồi tôi bảo vực cô dâu sang phòng đó.
- Hai cụ hãy còn một người con gái, tôi nói, hai cụ có bổn phận phải chăm sóc. Nói thế rồi tôi đi ra.
Có lẽ không còn nghi ngờ gì nữa đây là một vụ ám sát và hung thủ đã tìm cách lọt vào được phòng cô dâu lúc ban đêm.
Tuy vậy vết bầm tím ở ngực hình vòng đai làm tôi hết sức lúng túng khó giải thích; vì một chiếc gậy hay một thanh sắt không thể nào làm thành vết bầm tím như thế được. Bỗng nhiên tôi nhớ ra là nghe nói ở Valăngxơ có những kẻ liều mạng dùng túi da dài đựng cát nhỏ để hạ thủ những người mà họ được người ta thuê giết. Tôi liền nhớ ngay đến gã lái la người xứ Aragông và lời hắn đe; tuy vậy tôi cũng không dám nghĩ rằng hắn đã trả thù một cách ghê gớm như vậy vì một câu nói đùa không đâu.
Tôi quay vào nhà, tìm khắp mọi nơi dấu vết bẻ rào đào ngạch của kẻ gian nhưng không thấy gì. Tôi xuống vườn để xem hung thủ có thể băng lối ấy không; nhưng không có bằng chứng vết tích gì chắc chắn cả. Trận mưa đêm hôm trước đã làm mặt đất ướt sững, có dấu vết gì thì cũng không rõ nữa. Tuy vậy, tôi cũng nhận thấy có mấy vết chân in sâu xuống đất; những vết chân này đi về hai phía ngược nhau, nhưng cùng trên một đường, xuất phát từ góc hàng rào giáp với sân đánh pôm và đi tới cổng nhà. Có thể đây là vết chân của Anphônxơ khi chạy đi tìm chiếc nhẫn ở ngón tay pho tượng. Một mặt khác, hàng rào ở chỗ này thưa hơn chỗ khác; chắc hung thủ phải qua lối này. Đi đi lại lại trước pho tượng, tôi đứng dừng lại một lát để ngắm. Lần này, thú thật, tôi không khỏi nhìn pho tượng mà không thấy rợn người trước vẻ mỉa mai giễu cợt hiểm độc kia; trong đầu óc tôi hoàn toàn là những cảnh tượng rùng rợn tôi vừa mới được chứng kiến, tôi cảm thấy như đứng trước một vị hung thần đang khoái trí thấy tai họa giáng xuống gia đình này.
Tôi quay về phòng và ở lì trong đó cho mãi đến trưa, bấy giờ mới đi ra ngoài hỏi thăm tin tức về chủ nhân. Hai cụ đã bình tĩnh lại được đôi chút. Còn cô Đơ Puygaric -nói cho đúng hơn tôi phải gọi là người vợ góa của Anphônxơ- cũng đã tỉnh lại. Cô còn nói được với cả viên biện lý ở Perpinhăng nhân đi kinh lý qua Ilơ nên cũng hỏi cung cô. Ông ta cũng hỏi cung cả tôi. Tôi biết gì khai hết, và cũng không giấu những điều tôi tình nghi về gã lái la xứ Aragông. Viên biện lý bèn ra lệnh bắt ngay.
- Vợ cậu Anphônxơ có cho ngài biết rõ được gì không? tôi hỏi viên biện lý sau khi tôi đã viết và ký xong tờ khai của tôi.
- Người thiếu phụ tôi nghiệp ấy đã điên mất rồi. Ông ta mỉm cười buồn rầu nói với tôi. Hóa điên mất rồi! Điên hẳn hoi rồi! Đây cô ta khai với tôi thế này:
- Cô ấy đi nằm, theo lời cô ta nói, đã được mấy phút, màn cửa kéo kín, thì cửa phòng bỗng mở và có người đi vào. Lúc ấy cô ta đang ở cái ngách ở giữa giường và tường, mặt quay vào tường. Cô ta không nhúc nhích tin chắc rằng người đi vào là chồng mình. Được một lát, cái giường kêu cót két như dưới một vật gì rất nặng. Cô ta sợ quá nhưng không dám quay đầu lại. Năm phút, có lẽ mười phút…, cô ta không còn nhận rõ được bao nhiêu lâu, trôi qua như vậy. Rồi cô ta vô tình cử động, hoặc người ở trên giường cử động, nên cô ta thấy có vật gì đụng vào người lạnh như nước đá, đó chính là nguyên văn lời cô ta nói. Cô ta bèn lùi sâu vào ngách, chân tay run cầm cập. Một lát sau, cửa phòng bỗng lại mở một lần nữa và có người vừa đi vào vừa nói: "Kìa em". Một chốc có tiếng kéo màn cửa. Cô ta nghe thấy một tiếng kêu như bị nghẹn lại trong cổ họng. Người đang nằm trên giường, bên cạnh cô ta, ngồi nhỏm dậy và hình như giang hai tay về phía trước. Cô ta quay đầu lại…Và cô ta trông thấy, theo lời cô ta nói, chồng cô quỳ bên cạnh giường, đầu ngang mặt gối, đang bị một thứ người khổng lồ màu xanh đen, ghì chặt trong lòng. Cô ta nói, và nhắc đi nhắc lại đến hai mươi lần, tội nghiệp cô ta!…cô ta nói là nhận ra…ông có đoán ra ai không? Là tượng Vệ-nữ bằng đồng, pho tượng của cụ Đơ Pêrơhôrát…Từ khi có pho tượng này ở đây, mọi người ai cũng nằm mơ thấy. Thôi để tôi xin kể nốt câu chuyện của con người điên rồ tội nghiệp ấy. Trông thấy thế, cô ta ngất đi, hay chắc trước đó một lúc cô ta đã mất trí rồi. Cô ta không nói được rõ đã ngất đi bao nhiêu lâu. Khi tỉnh lại, cô ta vẫn trông thấy cái bóng ma, hay pho tượng, theo lời cô ta gọi, pho tượng không cử động, chân và nửa người dưới ở trên giường, nửa mình trên và hai cánh tay vươn ra phia trước, và người chồng của cô không cử động bị ôm trong hai cánh tay của pho tượng. Có tiếng gà gáy. Pho tượng liền bước xuống giường, buông cái xác chết ngã lăn xuống rồi đi ra. Cô ta bèn níu lấy cái giây giật chuông, và về sau như thế nào ông đã rõ.
Người ta dẫn gã Tây-Ban-Nha đến, hắn rất bình tĩnh và tự bào chữa một cách thản nhiên và nhanh trí. Vả lại hắn cũng không chối đã nói những lời tôi đã nghe thấy; nhưng hắn giải thích là hắn muốn nói rằng ngày hôm sau khi đã nghỉ ngơi lấy lại sức hắn sẽ thắng cuộc đấu pôm với kẻ đã thắng mình. Tôi nhớ là hắn còn nói thêm:
- Một người Aragông, một khi bị nhục, không đợi đến mãi ngày hôm sau mới trả thù. Nếu tôi cho là ông Anphônxơ có ý định lăng nhục tôi, thì lập tức tôi đã cho một nhát dao vào bụng.
Người ta đem so giày của hắn với vết chân trong vườn; giày của hắn to hơn nhiều.Cuối cùng, người chủ quán nơi hắn trọ cam đoan rằng suốt đêm hôm ấy hắn hì hục chà xát và cho thuốc một con la bị ốm.
Vả lại gã người Aragông đó không phải là người thành tích bất hảo, cả vùng này ai cũng quen biết hắn, và năm nào hắn cũng tới đây buôn bán. Người ta đành phải xin lỗi và tha hắn ra.
Tôi quên chưa nói đến lời khai của một người đầy tớ trai là kẻ đã gặp Anphônxơ lần cuối cùng khi còn sống. Đó là lúc Anphônxơ sắp lên buồng vợ và gọi anh ta lại hỏi, có vẻ lo lắng, xem có biết tôi ở đâu không. Người đầy tớ đáp không trông thấy tôi đâu cả. Anphônxơ thở dài, thừ ra một lúc, sau mới nói:
"Thôi! Lại ma bắt nốt ông ấy mất rồi!"
Tôi hỏi anh ta khi Anphônxơ nói chuyện với anh ta thì có đeo chiếc nhẫn kim cương kia không. Người đầy tớ ngập ngừng một lát sau mới trả lời; anh ta nói hình như không thì phải, vả lại anh ta cũng không để ý nữa.
- Nếu ông Anphônxơ đeo chiếc nhẫn ấy ở tay, anh ta nghĩ thế nào lại nói thêm, chắc hẳn tôi đã để ý nhận thấy, vì tôi tưởng ông ấy đã cho bà Anphônxơ rồi.
Khi hỏi người đầy tớ này, tôi hơi cảm thấy rờn rợn mê tín do lời khai của vợ cậu Anphônxơ đã gây cho tất cả mọi người trong nhà. Viên biện lý nhìn tôi mỉm cười, tôi đành thôi không hỏi thêm nữa.
Mấy giờ sau khi làm lễ chôn cất Anphônxơ, tôi sửa soạn rời thành Ilơ lên đường. Cụ Đơ Pêrơhôrát sẽ đánh xe đưa tôi về Perpinhăng. Tuy còn rất yếu, ông già tội nghiệp kia cũng đòi tiễn tôi ra tới tận cổng vườn. Chúng tôi yên lặng đi qua vườn, cụ vịn vào tay tôi, bước lê đi không được. Lúc chia tay, tôi đưa mắt nhìn lần cuối cùng pho tượng Vệ-nữ. Tôi biết trước rằng chủ nhân tuy không sợ hãi và thù ghét pho tượng như một số người trong gia đình cụ nhưng thế nào cũng sẽ tống khứ một vật không lúc nào không nhắc mình nhớ đến một tai họa khủng khiếp. Tôi có ý định khuyên cụ đem pho tượng vào một viện bảo tàng. Tôi còn đang ngập ngừng chưa biết đi vào câu chuyện như thế nào thì cụ Đơ Pêrơhôrát bất giác quay đầu về phía tôi đang chăm chăm nhìn. Cụ trông thấy pho tượng liền ứa nước mắt khóc. Tôi ôm hôn cụ, rồi lẳng lặng không dám nói nửa lời bước lên xe đi.
Từ khi đi rồi tôi cũng không nghe nói có chút ánh sáng gì mới rọi vào vụ thảm họa huyền bí này.
Con chết được mấy tháng, cụ Đơ Pêrơhôrát cũng qua đời. Trong di chúc cụ để lại cho tôi thừa hưởng những bản thảo của cụ, những di cảo này có lẽ một ngày kia tôi sẽ cho xuất bản. Trong những bản thảo đó, tôi không thấy có bản thuyết trình về những dòng chữ khắc trên pho tượng Vệ-nữ.


Bạn tôi là ông Đơ P…mới từ Perpinhăng viết thư cho tôi nói pho tượng kia nay không còn nữa. Sau khi chồng qua đời, việc cụ bà Đơ Pêrơhôrát lo lắng đầu tiên là cho đem pho tượng đúc chuông và nay pho tượng được dùng ở Nhà thờ dưới hình thức mới đó. Nhưng ông Đơ P…cho biết thêm, hình như cái bất hạnh vẫn cứ dai dẳng theo đuổi những ai có chỗ đồng ấy. Từ khi cái chuông ấy vang lên ở Ilơ thì nho bị băng giá làm hỏng mất hai vụ rồi.