Ông túi phồng
Tác giả: Mori, Toshio
Sinh năm 1910 tại Oakland, California. Hồi trẻ Toshio Mori mơ làm nghệ sĩ, đi tu và chơi dã cầu, trong khi phụ giúp trồng hoa cho cửa hàng ươm cây của gia đình. Ông thường viết về những chuyện xảy ra trong cộng đồng người Nhật tại Mỹ mà ông biết rất rõ. Sự nghiệp viết văn của ông bất thần bị gián đoạn khi nhà xuất bản hủy bỏ hợp đồng in tuyển tập truyện ngắn đầu tay của ông, Yokohama, California, vào lúc Mỹ bắt đầu tham dự vào trận thế chiến thứ hai. Cùng với hàng trăm ngàn người Nhật khác từ năm 1941 tới 1944, ông bị đưa vào trại tập trung ở Oakland, California, rồi tới trại Topaz thuộc bang Utah. Sau thế chiến, ông trở lại sống ở vùng vịnh San Francisco, tiếp tục viết và xuất bản các tác phẩm của mình, Yokohama, California (1949), The Chauvinist and Other Stories (1979), và The Woman from Hiroshima (1980). Ông mất năm 1980.
Ông túi phồng (The Man with Bulging Pockets) trích trong tuyển tập nhiều tác giả Vital Signs, do Dorothy Sennett và Anne Czarniecki tuyển chọn; Graywolf Press xuất bản năm 1991 tại Saint Paul, Minnesota.
Trại tập trung Tanforan có một ông làm người ta chú ý vì túi áo phồng và cái đuôi ái mộ phía sau. Ngay từ hôm đầu ông bước chân vào khu đất lúc trước là trường đua ngựa, bọn trẻ con đã điểm ông, và chẳng mấy bữa sau mọi người đã bắt đầu gọi ông là "Ông Ngoại". Thế là khởi đầu cho danh tiếng ngày càng tăng của ông, có lẽ không ai ở Tanforan bằng, ngoại trừ mấy con ngựa đua lừng lẫy nhất hồi trước chiến tranh. Khuôn mặt già nua tươi tắn của ông, nhăn nheo với thời gian và sức sống, nhấp nhô trên đám trẻ vây quanh. Tiếng trẻ kêu: "Ông Ngoại! Ông Ngoại tới!" đuổi theo ông khắp mọi nơi, và nụ cười của ông nở rộng hơn bao giờ.
Trước đó không ai trong cộng đồng gặp ông, và trong một thời gian dài người ta không biết ông sống ở đâu. Rồi một hôm đám bạn con nít của ông dõi theo tới phòng ông, nơi ông sống cùng với bà vợ. Ngày này sang ngày khác, trẻ con tới cửa nhà ông, gọi tên ông, và khi có nhà ông sẽ ra mở cửa với một cái hộp đầy kẹo. Trẻ con tinh mắt bắt đầu nhận ra những cái túi may riêng, khắp trên áo khoác của ông, và chúng túm tụm quanh ông với những đôi mắt mở to chờ đợi chuyện bất ngờ và kẹo bánh.
Chẳng bao lâu, người thuộc nhiều khu ở vùng vịnh vào cổng trung tâm đều biết Ông Ngoại, người đàn ông có kẹo bánh đầy nhà, và tiền bạc không biết từ đâu đến trong ngân hàng của ông. Một số bạn mới quen của ông thề rằng ông giầu nhất Tanforan, tài sản giấu ở khắp các tiểu bang, trong khi kẻ khác bảo ông đã về hưu với vài ngàn tiền mặt dùng làm "tiền kẹo bánh" cho trẻ con. Khi người lớn ca ngợi tính rộng rãi của ông, ông chỉ mỉm cười và gạt phắt lời khen, nhưng khi có đứa bé nào trong đám nhỏ theo ông hỏi ông giầu cỡ nào, ông sẽ có câu trả lời thế này thế khác.
Ông gật đầu bảo:
- Đúng đấy, Sammy. Ông giầu. Ông không giầu tiền nhưng có lẽ ông giầu. Ông giầu vì ông nghĩ ông giầu, và bây giờ ông chẳng có ý làm tiền.
Nhưng Sammy vẫn tò mò:
- Nhưng thế nhỡ ông nghèo, ông có thích giầu tiền để mua kẹo cho chúng cháu không?
Khi đó Ông Ngoại sẽ vỗ đùi, cười ồ lên và gật đầu:
- Ừ, Sammy. Khi đó ông sẽ thích giầu tiền.
Khi số bạn của ông tăng lên, Ông Ngoại thấy mình cần người giúp và chả mấy chốc thằng Sammy lanh lợi được chỉ định làm phụ tá trưởng. Mỗi lần Ông Ngoại đi dạo hàng ngày quanh trung tâm, Sammy sẽ tháp tùng ông và giúp phân phát kẹo bánh. Bé trai bé gái từ các dãy nhà bỏ đồ chơi chạy đến la hét vui mừng. Bọn con trai phấn khởi tâm sự với ông những hy vọng và ước muốn của chúng khiến Ông Ngoại mỉm cười.
Một thằng kêu:
- Chừng nào lớn tao sẽ mua thuốc hút cho Ông Ngoại. Tao mua thiệt nhiều hộp thứ ngon nhứt cho ông.
Đứa thứ hai la lên:
- Ông Ngoại, hết thảy tụi con mua thuốc hút cho ông. Nhiều tới nỗi ông khỏi phải lo nữa.
Ông Ngoại hỏi với đôi mắt lấp lánh:
- Vậy sao?
Chúng đồng thanh đáp lại:
- Bảo đảm với ông.
Ông Ngoại nói và vỗ những cái đầu ngẩng cao:
- Cám ơn, cám ơn các cháu.
Sammy thốt:
- Và khi ông chết, Ông Ngoại, chúng cháu sẽ khiêng quan tài của ông ra mộ. Chúng cháu sẽ nhớ ông, Ông Ngoại, nhớ hoài.
Ông Ngoại cười nắc nẻ và gật đầu biết ơn:
- Bây giờ thì ông cảm thấy yên tâm và thoải mái không sợ chuyện gì xảy ra nữa. Nhưng nếu muốn khiêng quan tài của Ông thì mấy đứa con trai phải ăn ngủ thật nhiều và lớn lên khoẻ mạnh mới được.
Trung tâm ngày càng đông, đủ loại người bắt đầu nảy sinh, và ngay cả Ông Ngoại cũng gặp rắc rối. Trong số hàng ngàn người mới tới sau này có một ông cụ độc thân có hồi đã là bạn Ông Ngoại, ganh tị nhìn ông được ưa chuộng. Trẻ con gọi ông ấy là Ông Già. Với cặp mắt sắc lẻm, ông quan sát những lối Ông Ngoại đi hàng ngày để tìm cách có một đám ái mộ đông hơn Ông Ngoại, và được ưa chuộng hơn.
Chẳng bao lâu, ông biết việc hàng ngày của Ông Ngoại khởi sự lúc tám giờ sáng từ phía tây của trung tâm, thế là Ông Già ấn định giờ đi bộ của ông trễ hơn nửa tiếng để xoá mờ những gì Ông Ngoại đã hoàn thành trong ngày.
Lúc đầu Ông Ngoại không biết mình có địch thủ cho đến hôm một trong những bạn nhỏ của ông kể cho ông về ông già cũng mang kẹo và đồ ngọt tới.
Ông Ngoại thốt lên thật thà:
- Tốt! Tốt! Ông ấy phải là người tử tế. Các cháu có thấy kẹo của ông ấy cũng ngon không nào?
Một trong mấy đứa con trai nói:
- Ngon, ông ấy cho tụi cháu nhiều hơn ông, Ông Ngoại.
Ông Ngoại nói:
- Vậy sao? Vậy ông ấy phải giầu, cả tiền và thứ khác nữa.
Sammy nói:
- Cháu không thích ổng. Ổng cho tụi cháu nhiều kẹo lắm nhưng cháu vẫn không thích ổng.
Ông Ngoại ỉm Sammy đi để mấy đứa kia không nghe:
- Đừng vội quá cháu à. Ông ấy phải tốt mới rộng rãi như thế. Cháu phải từ từ. Cố hiểu ông ấy chứ.
Sammy đáp:
- Cháu vẫn không thích ổng.
Ông Già đạt tiến bộ rất ít với lũ trẻ theo Ông Ngoại, nhưng ông ta bắt đầu nhắm mấy đứa mới tới và ông gặp may với chúng. Thời gian trôi qua, đám theo ông ta cũng rất đông nhưng ông không hài lòng. Ông muốn đám theo Ông Ngoại kìa. Ông muốn là người duy nhất được ưa chuộng của trung tâm, và ông cương quyết hoàn thành mục đích này một lần cho xong.
Bọn trẻ trung thành của Ông Ngoại kiện với Ông Ngoại về nghiệp báo sắp đến nhưng ông cười gạt đi. Ông Ngoại nói:
- Ông ấy làm tốt, các cháu à. Ông ấy làm mọi người sung sướng. Các cháu không nên chối bỏ chuyện tốt ông ấy đang làm kia.
Đám bạn nhỏ của ông kêu lên:
- Nhưng mà ổng nói xấu ông.
Ông Ngoại không nghe:
- Toàn là chuyện nói thôi các cháu. Ông chả tin mấy thứ đó đâu tới khi nào chính ông nghe ông ấy nói.
Lúc đầu Ông Ngoại không nghe Ông Già nói, nhưng một buổi chiều ông và Sammy đi tua của mình trễ, ông nghe được lời của Ông Già. Ông Già đang trò chuyện với đám nhỏ:
- Ông Ngoại chả hay hớm gì. Đừng lấy kẹo của ổng nhe các cháu. Kẹo ổng dở, các cháu đừng rớ tới. Lấy của ông nè.
Sammy kéo tay áo Ông Ngoại:
- Nghe không Ông Ngoại? Ông nghe Ông Già nói không?
Ông Ngoại im lặng gật đầu và tiếp tục bước. Trong một thoáng mặt ông nghiêm lại và kiên quyết, mắt ông dán xuống đất. Sammy lo lắng nhìn ông kêu lên:
- Đừng buồn, Ông Ngoại. Tốt cả thôi. Hết thảy tụi cháu đều thích ông.
Ông Ngoại vỗ đầu nó và nụ cười quen thuộc của ông trở lại. Vài phút sau ông cười ồ khi thấy trẻ con nô đùa quanh sân chơi. Mắt ông lấp lánh và tiếng chào của ông vọng đến các dãy nhà có trẻ con chơi đùa. Những túi áo phồng của ông được viếng thăm nhiều lần và chẳng bao lâu trống rỗng, bọn nhỏ ngồi quanh Ông Ngoại nhấm nháp kẹo bánh của chúng và đợi các câu chuyện nho nhỏ của Ông Ngoại. Ông Ngoại nhìn đám đông, mắt ánh lên niềm vui. Ông nhìn những khuôn mặt trẻ thơ chưa mang dấu vết cuộc đời và gật đầu hy vọng. Ông vuốt đầu chúng và đùa nghịch véo má chúng. Bọn trẻ thấy sự yên lặng và vẻ khác lạ trên khuôn mặt ông.
Một giọng nhỏ xíu hỏi:
- Chuyện gì vậy, Ông Ngoại? Có chuyện gì buồn hả?
Ông Ngoại nói:
- Không, không. Mọi chuyện đều tốt. Ở nơi nào có trẻ con thì nơi đó có đời sống. Các cháu có biết thế không? Các cháu là những người đáng quí. Người già như ông vô dụng và có ngày các cháu sẽ thay thế chỗ của ông.
Bọn trẻ vui sướng nhảy nhót chung quanh. Tiếng la hét của chúng tràn đầy không gian và người đi ngang tươi cười nhìn nhóm của họ. Ông Ngoại vẫy tay và bắt đầu kể chuyện. Bọn nhỏ chồm người tới chú ý. Bỗng nhiên sự chú ý của nhóm bị phân tán vì tiếng xì xào. Ông Già đang đi tới.
Ông Ngoại chào Ông Già nhưng ông ta lặng lẽ đi qua. Hai nắm tay đầy kẹo, ông ta mỉm cười với đám nhỏ. Vài đứa chạy theo ông, ông trút cho chúng những gói kẹo cao su và những thanh sô cô la. Đám còn lại lưỡng lự nhìn, rồi chúng thấy Sammy ngồi xuống áp vào gần Ông Ngoại hơn để nghe kể chuyện. Bọn trẻ bắt chước theo và Ông Ngoại sung sướng mỉm cười nhìn đám nhỏ của mình. Ông cười lên khanh khách và các bạn nhỏ hoạ theo.
Sammy ngây thơ hỏi:
- Chuyện gì tức cười vậy Ông Ngoại? Ông không giận Ông Già sao?
Ông Ngoại lắc đầu mỉm cười:
- Ông không giận vì ông cũng đang có nhiều bạn tốt mà. Ông ấy cũng cần bạn nhỏ tốt, cháu không thấy thế sao?
Cả nhóm lặng yên, và Ông Ngoại kể tiếp câu chuyện. Ông nhìn những khuôn mặt say mê của đám bạn nhỏ của ông, mặt ông hằn dấu lo âu. Trong chợt ngừng đen tối đó, trí ông loáng lên một ý gở. Ông Già và ông thuộc chung một vòng tròn lớn, trong đó không nên có những ý nghĩ xấu xa và những hành vi ngấm ngầm. Đáng lẽ họ nên nắm tay nhau và hoan hỉ trong con tim trẻ thơ. Đáng lẽ họ nên ca hát và tạo niềm hy vọng nhất thể, nhưng không. Họ là hai phe, và vết rạn nứt trong vòng tròn của họ là điều bí ẩn và vết nhơ của loài người.
Nguồn: The Man with Bulging Pockets, trích trong tuyển tập nhiều tác giả Vital Signs, Dorothy Sennett và Anne Czarniecki tuyển chọn; Graywolf Press 1991, Saint Paul, Minnesota, USA.