watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Khoảng Chơi Vơi - tác giả Nam Dao Nam Dao

Khoảng Chơi Vơi

Tác giả: Nam Dao

Gửi Phan-huynh

Tiếng bánh xe trên phi đạo và tiếng gió ù ù thổi ngược khiến hành khách xôn xao. Cô chiêu đãi viên hàng không lại nói, giọng kéo dài hệt như phát từ một cái máy, nhưng chẳng một ai nghe. Mở bức thư viết tay, tôi lướt mắt đọc đoạn cuối « ... sẽ đón ông ở phi trường. Tôi hy vọng ông đến và công việc có thể hoàn tất trong vòng thời gian hạn định ...» Nối đuôi nhau, hành khách vội vã vào nơi thu hồi hành lý. Khi tôi đẩy chiếc xe lăn ra ngoài, tôi nghe tiếng phóng thanh gọi tên đến quầy American Air Line. Ở đó, một người đàn ông đứng chờ. Ông ta chắc người Samoa thổ dân ở đây, ria mép đen nhánh trên da mặt sạm đen, bụng phục phịch tròn xoe trong chiếc áo sơ-mi lổn nhổn đủ màu. Như vậy bà ta không ra đón. Người đàn ông lễ phép đến mức cung kính. Như vậy không phải là chồng bà ta. Ông ta xách va-li cho tôi ra bỏ vào thùng một chiếc Limousine đợi sẵn. Ông mở cửa đằng sau cho tôi vào rồi lên phía trước ngồi cạnh tài xế. Như vậy, ông làm công. Xe thả bánh lăn đi không một tiếng động. Lát sau, xe vào một phi trường nhỏ. Nghe tôi hỏi, ông đáp gọn : Sir, phải lấy trực thăng bay thêm bốn lăm phút nữa “
Chúng tôi xuống trực thăng rồi lại lên xe. Từ lúc đó tôi mới nhìn ra. Nắng chói chan trong vắt. Những hàng dừa xanh chao nghiêng trong gió chạy ngược chiều xe đi. Biển đằng xa tráng bạc lóa sáng. Xe lên triền dốc, chạy thêm khoảng hai cây số men đồi thì tới một trang trại. Bấm nút mở cửa tự động, tài xế nhe răng cười rồi thả xe vào con đường rải sỏi trắng, tiếng lạo xạo như reo chào. Một anh bồi, quần trắng, áo trắng chạy đến mở cửa xe cho tôi rồi hai tay xách hai chiếc valy đi trước, miệng vui vẻ mời tôi đi theo. Ðưa tôi vào căn hộ nằm phía trái biệt thự, có phòng ngủ và phòng khách, trổ ra một góc vườn xanh mát, anh ta cười cười “ ...Lady bảo ông nghỉ cho khỏe. “ Tôi hỏi “ ...bao giờ tôi gặp bà ấy ? “ Lắc đầu, anh bồi cười mỉm đi ra. Tôi nhìn quanh. Bộ sa-lông, bằng mây. Chiếc giường đơn, cũng mây. Tủ treo quần áo, rồi bàn làm việc, trừ mặt kính, cũng là mây nhay nháy bóng. Mở cửa, tôi ra khoảnh vườn. Giữa hai gốc cây, một chiếc võng đã cột sẵn, không phải là loại to bản như võng Nam Mỹ mà là loại võng làm bằng những sợi giây dù, một loại võng nhỏ cho một người, giây dù là từ những cái dù đã mở, lượm lặt lại có lẽ là từ một trận chiến đã kết thúc ở một nẻo xa xôi. Tôi ngả mình xuống đong đưa. Nắng trong vắt rải trên những chùm cây xanh muốt như tráng men ròng lên vạn vật.

Hai tháng trước, tôi đọc trong mục rao vặt một tờ báo “ ...cần liên lạc với một nhà văn giúp hoàn thành một hồi ký. Ngoài chi phí di chuyển, lương bổng sẽ thỏa thuận... “. Tôi trả lời, ngượng ngùng dối “ ...với điều kiện là thời gian không quá sáu tuần “ mặc dầu sau đó rồi thì tôi chẳng biết tôi sẽ làm gì. Bức thư hồi âm, kèm vé máy bay và một tháng lương, lại đèo thêm hàng chữ “ ...nếu sáu tuần chưa xong được thì ông có thể hoàn tất sau, ở nơi nào cũng được, với số lương ông qui định “. Ðọc thư, tôi lâng lâng. Có ai trả công cho tôi chuyện viết lách bao giờ. Và chủ, bà chủ nói cho rõ, không hề kỳ kèo bớt một thêm hai. Tôi phải thành thật, điều đó khiến tôi đỡ xấu hổ, và chỉ sự tế nhị đó của bà cũng đủ làm cho tôi dốc hết sức mình làm cái công việc chữ nghĩa ra tiền lần đầu trong đời. Nằm xẹp, tôi xua đuổi cơn cùng quẫn của cả thể xác lẫn tâm hồn bằng tưởng tượng. Tôi hình dung ra bà, đẹp kiểu đẹp u uẩn mang chất định mệnh trên khóe mắt đầu môi, lộng lẫy phù hoa và kiêu sa hỏi “ ...anh đã bao giờ yêu ai đến chết chưa ?” Dĩ nhiên câu hỏi là một thách thức, và tôi sẽ là kẻ đi chinh phục. Như Thành Cát Tư Hãn, quất ngựa không yên cương trù bị cuộc viễn chinh bằng tính nhẩm. Tôi mang theo mình một bọc chữ, mỗi con chữ là một phép lạ, và nắm cái bí mật nhào trộn những con chữ để tạo ra những cuốn kinh tình yêu với sức mạnh tái sinh cả địa cầu. Nó bắt đầu như thế này “ Vực sâu ghê rợn nhất của cuộc sống là ... ? “. Là gì ? Tôi định viết là không tình yêu, nhưng thấy nhàm dễ sợ. Hay là ý thức sự bi thảm bất khả kháng của cuộc sống không tình yêu ? Tại sao lại ý thức, có phải ý thức xác định cuộc sống đâu. Cái phần vô thức hấp dẫn hơn nhiều. Vả lại, bất khả kháng có nghĩa là tuyệt vọng, và thế thì còn gì nữa để nói để viết. Cuốn kinh có lẽ phải bắt đầu bằng một khẳng định lạc quan. Chẳng hạn, “ tôi yêu, là tôi tồn hữu “. Hoặc “ yêu là tồn hữu “ cho gọn và sắc. Tôi dẫu không hẳn tin nhưng khoan khoái hơn. Dĩ nhiên với sự khoan nhượng cho chính mình như khí giới cuối cùng của kẻ bị tuyệt vọng săn lùng. Khoan khoái, phải nói thật, cũng phần nào nhờ tháng lương gửi trước. Có nó, tôi đi sắm đồ bộ, thửa lại cặp kính gọng vàng, quăng cặp kính nhựa vào sọt rác như quăng đi quá khứ. Và tôi lên đường, hăm hở mặc dầu chẳng biết trước mặt là gì. Tôi chỉ tự nhủ, vượt biên còn được thì, trượng phù hề, xá chi. Có phải biển cả với con thuyền mong manh hai lốc và gần sáu mươi nhân mạng có đúng một trăm lít nước đâu ?
Ðây có phải là Kahoolawe, một trong số những hòn đảo trải ra giữa biển xanh biếc nhìn từ trực thăng ? Sau khi đáp xuống, một chiếc Lincohn đã chờ tôi. Ba mươi phút sau, tôi ở trong căn phòng này. Và bây giờ, ngỡ ngàng, tôi tự hỏi, tôi đang làm gì ? Ðợi đó. Thế nào bà ta cũng sẽ đến. Tôi vội vã vào nhà rửa mặt, đánh răng và chải tóc lại. Tôi xếp va-li vào một góc, lôi để trên bàn viết dăm ba cuốn sách , bày ra nào là Hợp Lưu, là Văn Học, là Văn, ý bảo với bà ít nhất, phải, ít nhất là tôi bảo đảm một phẩm lượng văn học tối thiểu sẽ có. Ngay cả ở thể một hồi ký, không phải chỉ kể chuyện dọc theo trục thời gian thẳng tắp ngày tháng với những sự kiện cái đến trước cái đến sau cứ làm như thể từ cái nọ đẻ ra cái kia trong một chuỗi cấp số. Vào ngồi trước bàn viết, tôi tiếp tục chờ. Nhìn điện thoại đặt một góc, tôi đợi nó reo.
Buổi trưa qua đi. Vẫn không một ai. Nhìn lên vách, tôi ngắm nghía một bức tranh chiếm đến gần nửa bức tường trong phòng. Người đàn bà trong tranh đội khăn vàng, ngồi chống chân chữ ngũ nhìn một người đàn ông bán thân lõa thể, nằm nhắm mắt. Như ngủ, hay đã chết ? Khác nhau, chỉ là hơi thở lẫn độ phập phồng của ngực. Nhưng tranh trên không gian hai chiều không cho thấy hơi thở lẫn độ phập phồng. Tôi đành đoán, cho mình yên tâm, rằng người đàn ông đang ngủ. Nhưng tại sao mắt người đàn bà lại vướng vất hơi hướng nửa thần linh, nửa ma quái. Và nhìn kỹ, chiếc khăn vàng xõa xuống vai với chi tiết từng sợi lụa dệt thô như đang lay động. Thế thì tôi có thể nhầm. Lẽ nào người đàn ông đã chết. Tôi cảm thấy lạnh gáy. Tôi không muốn sống chung với người chết. Tôi tập trung tầm nhìn vào ngực người đàn ông. Lát sau, nó phập phồng. Có nghĩa là hắn ta đang ngủ. Hoặc có chết, chắc đã sống lại.

Khoảng bảy giờ chiều, anh bồi đến lễ phép mời tôi đi dùng bữa. Bà ta chắc chắn ở đấy đợi. Chắc có cả ông chồng. Và con cái họ, không chừng. Tôi bước theo anh bồi qua một hành lang đi lên phòng ăn, thấp thỏm nhưng im lặng không hỏi. Biệt thự này hai tầng, rộng thênh thang, phía sau là chỗ nuôi ngựa có đến cả đàn. Mặt trời buổi chiều đỏ ối rơi xuống mặt biển như trái chín rụng xuống cội. Mặt đất lơ lửng chớm sương, kéo ngang tầm mắt những đám mây lung linh hắt về chân trời một vòm mênh mang màu tía pha những ánh tím sáng mơ ảo. Anh bồi mở cửa cho tôi vào. Bàn ăn dài, cả chục người ăn cũng có chỗ. Ðầu bàn, chỉ có đĩa, ly rượu và muỗng cho một người. Tôi ngạc nhiên ngồi xuống. Bữa đó, tôi chỉ một mình. Rượu đỏ là rượu Pháp thượng hạng vùng Bordeaux. Và món ăn do một tay bếp người Âu nấu. Tôi hỏi. Anh bồi lại cười mỉm “ ...tôi không biết. Lady dặn đến giờ thì mời ông đi ăn “. “ Lady đâu ? “. Anh ta lắc đầu. Tôi thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Cái cảm giác lạc lõng tôi biết từ khi tôi lên bảy tuổi, từ nhà quê lên Hải Phòng rồi lớ ngớ thế nào tôi lạc mất mẹ ở chợ Sắt. Lần này, tôi không sợ nhưng lại thấy tủi. Tôi ăn nhanh rồi về căn hộ dành cho mình. Khoảng cách lúc đó chỉ là vết nứt, giữa nhà văn và nhân vật.
Ngày thứ hai, cô thư ký của bà ta điện thoại xin lỗi là bà còn mệt.
Ngày thứ ba, cũng vậy.
Vết nứt đầu toác miệng to dần. Tôi sợ nó sẽ kéo tôi hút vào một đáy sâu, và tôi bảo cô thư ký, tôi về L.A, sẽ trở lại khi bà chủ đã khỏe hẳn. Cô ta đáp, cô phải hỏi phép. Bấy giờ, tôi mới rõ rằng ở đảo này phải dùng trực thăng của bà mới bay về Honolulu được. Ðột nhiên, tôi chợt có cái cảm giác là tù giam lỏng, thứ cảm giác người sống trên những hòn đảo biệt lập với đất liền khá quen thuộc. Cô thư ký lại nhẹ nhàng, sao ông không làm việc của ông, nghỉ ngơi và nhất là đi dạo quanh hòn đảo này. Chu vi nó chỉ độ bốn mươi cây số, và nếu ông thích, có xe đạp cho ông đạp.
Không làm gì mà nhận lương khiến tôi bồn chồn. Từ mặc cảm ký sinh đến sự lỳ lợm chai đá là một quảng đường vừa đi ta vừa tự biện minh bằng những biếm luận lảm nhảm về nhân sinh. Tôi quên mất cuốn kinh tình yêu bắt đầu bằng một câu, gọn và sắc, yêu là tồn hữu. Nhưng như mọi điều, trừ Thượng Ðế và sự chết, chúng đều đến cái giới hạn sau đó chúng đầu thai thành điều khác. Tình yêu, chẳng hạn, có thể thành sự căm thù, ức chế, cưỡng đoạt. Và tệ nhất, sự dửng dưng. Thậm chí, sự không cả cái không gì hết. Ở đúng trạng thái đó, bà ta xuất hiện. Bữa tối hôm đó, bàn ăn bày biện cho hai người. Tôi làm ra dáng bất cần, ngồi xuống trước thì bà ta hiện ra. Và xin nói, chẳng phải tôi là nhà văn sẽ viết về bà mà tôi dối bạn, nói ngay là bà ta, người đàn bà nuôi tôi ăn không ngồi rồi một tuần nay, là một người đàn bà nhan sắc.
- Chào ông.
- Thưa bà...
- Ông khỏe, mọi sự như ý ông ?
- Còn bà ?
- Tôi khỏe.
- Năm tuần nữa, tôi phải đi. Bao giờ ta bắt đầu ?
- Ngay bây giờ. Ta bắt đầu rồi. Ông dùng đi !
Tôi cầm nĩa lên rồi bỏ xuống bàn. Bà ta ăn, tay kiểu cách nâng ly mời. Tôi uống. Nước mắt tôi cay sè. Niềm tủi nhục khiến cổ tôi se lại :
- Tập hồi ký. Bà cho để tôi còn đọc.
- Tập hồi ký nào ?
- Thưa bà, tôi tưởng công việc của tôi là biên tập hồi ký của bà để sau in lại... như một tác phẩm văn học cho công chúng.
- A, ra ông nghĩ thế. Cũng có thể. Ông dùng đi... Tôi có ghi chép sơ sài, nếu gọi là hồi ký thì hơi quá. Còn biên tập là để giúp tôi sắp xếp một thứ trật tự cho tôi. Chuyện in, tôi quả chưa nghĩ tới. Không nghĩ thì đúng hơn. Ðời mỗi một người có gì đáng để kể ?

Tôi giật mình, cúi đầu nghĩ ngợi. Bà ta nhìn tôi, ánh mắt tinh quái thách thức :
- Tình yêu, chẳng hạn...
- Tôi chưa hề biết đó là gì.
- Ông nhà đâu ?
- Ông nào ?
- ...
- Tôi ba đời chồng. Cười nhạt, bà ta tiếp - ông nghĩ dễ lấy ai là yêu người đó à ? Ông biết gì về tình yêu ?
- ...
- Ông nói đi - bà nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng châm biến - tôi xin nghe...
Tôi sượng sùng. Từ lúc ấy, sự khó chịu ùa đến như nước mùa lũ. Cố nhếch miệng cười tủm, tôi im lặng giữ thế thủ. Anh bồi rón rén rót rượu, rồi lui vào góc phòng, đứng khoanh tay.
Vết nứt đầu tiên mở toác ra thành một khoảng cách đẩy tôi xa nhân vật của tôi đến độ tôi cảm thấy bất lực, hệt như lần đầu đi nhà thổ vào ngày mùng hai Tết, sau khi đã đếm đủ năm mươi đồng lì xì, tiền thời Cộng Hòa miền Nam thứ nhất hồi chưa mất giá. Cô gái làng chơi nhìn tôi tháo lui la ...Tết nhất đừng làm tôi xui nghen! Thương hại, cô hỏi, lần đầu hả ? Rồi kéo quần tôi xuống. Bồ nằm đi thoải mái, tôi lo. Cô ta rửa xà bông cho tôi, rồi cúi xuống úp mặt vào, lát sau ngửng lên, lại la ...sao kỳ vậy, cha nội. Không, không thể thụ động như vậy. Tôi thầm nhủ, phải bung ra, phá vỡ cái ngột ngạt giữa tôi và bà. Ngước nhìn bà đang ngắm tôi như một con mồi, tôi thách đố :
-Thưa bà, có lẽ công việc bà giao tôi không làm được...
- Sao kỳ vậy, nhà văn.
- Vì cái khoảng cách ấy, giữa nhân vật và tôi.
Bà ta bật cười, diễu cợt :
- Cứ thoải mái, để tôi lo.
Nhưng bà ta vẫn ngồi ở đầu bàn, không cúi xuống mà ngửng lên, giọng chiến thắng :
- Chuyện đó có chi lạ. Giao tiếp lần đầu ai chẳng thế. Ông cứ từ từ, không có gì phải vội vã cả.
Sau bữa tối, bà ta đưa cho tôi cầm về một tập giấy, khoảng trăm tờ, xếp theo thứ tự ngày tháng. Tôi bỏ cả đêm ra đọc, ghi chép lại những sự kiện, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra chút gì là nội tâm bà, nhân vật của tôi. Mường tượng lại buổi tiếp xúc vừa qua, tôi chỉ có cái cảm giác xuống vực đối mặt vào vách đá bí ẩn, trơ trọi, lạnh lẽo. Và thô cứng thứ nham thạnh kiêu kỳ sẵn sàng chĩa nhọn đâm toạc vào bước bất cẩn của những bàn chân trần trụi da thịt con người. Tôi điện thoại. Cô thư ký hẹn sẽ gọi lại. Ðến trưa, cô ríu rít, Lady hẹn bữa tối. Rồi cô bảo, tôi tên là Jacintha. Hân hạnh. Vâng, hân hạnh. Trưa thứ bảy, tôi rảnh. Lại có một chiếc xe đạp cho ông. Ði dạo nhé. Ðảo đẹp lắm, nhất là vào hoàng hôn, lúc mặt trời lặn. Vâng. Tôi thầm nhủ, cũng là dịp tôi hỏi Jacintha để tìm hiểu nhân vật của tôi.

Jacintha có lẽ xấp xỉ ba mươi. Cô ta sinh đẻ ở đảo, gốc Phi luật Tân, mẹ một đứa bé gái chạc năm tuổi thỉnh thoảng thấp thoáng trong khu vườn cạnh chuồng ngựa. Ðến đảo làm việc từ thuở ông chủ còn sống, cô gần như không có một ai là thân thích, lâu lâu mới đưa con đi Honolulu ở một vài ngày rồi lại về. Cô mặc áo pull, quần zin Levi, tóc cắt ngắn, dáng hao hao chút nam tính, cười khoe hàm răng trắng muốt. Ðạp xe dấn lên trước, cô dặn, sau khúc này xuống dốc đấy, you cẩn thận nhé. Chúi người trên chiếc xe cuốc, tôi thử bóp phanh cho yên tâm, rồi thả cho lao xuống. Ðến khi hết đà, chúng tôi ngừng lại ở mỏm núi. Phía dưới đá tảng nằm chồng lên nhau, nhô ra biển hứng những con sóng trắng xóa hắt văng lên hàng ngàn giọt nước lấp lánh mặt trời.
Jacintha kể, nửa hòn đảo thuộc bà ta, đất dùng để trồng trà xanh xuất khẩu sang Nhật. Ba năm trời kể từ ngày ông chủ mất, Lady dành vài mẫu đất trồng loại lan chịu được nóng. Xưa đi học về thực vật, Lady nay vẫn thường xuyên mua loại báo chí chuyên đề, cấy và ghép được một vài loại lan mới, nhưng không bằng lòng vì vẫn là loại lan đất. Lady quyết bằng mọi cách cấy phong lan, tạo độ ẩm nhân tạo trong phòng thí nghiệm, nhưng hình như chưa đi đến đâu. Mỗi lần về L.A với Lady, Jacintha than, y rằng là chỉ chở về hóa phẩm thí nghiệm và sách báo. Tôi dò hỏi “ ...sách thực vật không thôi à ? “. Không, Jacintha đáp, đủ loại. Tiếng Anh, tiếng Việt và đôi khi tiếng Pháp. Chép miệng, Lady chỉ có cái thú vui đó và hoa lan. Thế con cái Lady đâu ? Jacintha trợn mắt, làm gì có. Lady còn trẻ, giàu có thế, tìm một người đàn ông bầu bạn dễ ợt, tôi bàn. Jacintha nhìn thẳng vào mắt tôi “ ...ông có phải là người đó không ? “. Cái nhìn xoáy thốc vào khiến tôi phát ngượng, vội vàng đáp, không. Tôi nói về công việc tôi phải làm. Jacintha vui vẻ, mắt long lanh nhìn ra xa, reo lên “ ...hóa ra you là writer, my God ! “ Tại sao cô kêu lên my God. Ấy, bởi đây là lần đầu tôi gặp. Bây giờ người ta là chuyên viên đủ loại, chứ writer, hiếm lắm. Còn ai chịu làm cái chuyện ít tiền đó, Jacintha nhìn tôi thương hại. Tôi buột miệng như than “ Never mind ! “ Nhìn những đợt sóng trắng xóa đuổi nhau vào bờ, tôi bâng quơ tiếp :
- Ở đảo chỉ có nước và trời...
- ...và nỗi cô quạnh, giá mà không có Tina thì chắc chịu chẳng nổi !
- Tina ?
- Con gái tôi, you chưa thấy nó à ?
Tôi khẽ gật, hỏi :
- Thế anh ấy...
Jacintha lắc đầu không đáp, chạy đến một gềnh đá chơ vơ nhô khỏi bờ. Khi tôi đến gần, nàng chỉ tay ra biển, mắt óng ánh :
- Ðợi mùa nước xuống, tôi đưa ra xem đảo san hô ngoài kia...
- Bao giờ ?
- Ðộ hai tháng nữa.
Tôi mỉm cười, nói là lúc đó tôi về đất liền rồi. Tròn mắt nhìn tôi, Jacintha giọng luyến tiếc “ That's
too bad ! “.

Khi nắng tắt, chúng tôi dắt xe lên dốc. Từ đỉnh nhìn xuống, mặt trời lừ lừ chìm dần vào đại dương nhuộm đỏ lè một màu máu, loang loáng hắt ánh chiều thoi thóp vào mênh mang. Nhìn đồng hồ, tôi giục. Jacintha còn luyến tiếc, nhưng khúc khích “ ...wonderful ! “. Cô ta thân mật “ you cứ giữ xe đạp để dùng. Lần sau, tôi sẽ đưa đi nơi khác trên cái thiên đường này “. Khi chia tay, Jacintha lại cười. Nhìn cặp mông thon cứng trên yên xe và đôi chân dài cô chống xuống đất, tôi thầm nhủ, người đàn bà này còn nợ tôi một câu trả lời.
Buổi tối, tôi đọc lại sổ tay có ghi sẵn một số điều tôi muốn trao đổi với bà ta, nhân vật và cũng là chủ tôi. Khi anh bồi đưa tôi vào, bà đã đợi sẵn ở phòng ăn. Tôi nghiêng người chào, đợi bà chỉ tay mời để ngồi xuống. Bà nghiêm nghị hỏi xem tôi có bằng lòng với cuộc sống ở đây không, và nhắc cần gì thì cứ hỏi Jacintha. Cuối bữa, bà đề cập đến công việc. Lần này, tôi cảm thấy bà có đôi chút bồn chồn , tay mân mê thìa cà phê, mắt nhìn lên thoáng lo lắng :
- Ông đã đọc hết.
- Vâng...
Tôi im lặng. Phải để nhân vật tôi nói. Và xem xinê, hình như các vị bác sĩ tâm thần đều giữ vẻ mặt thản nhiên. Tôi cắn răng kiên nhẫn đợi. Lát sau, bà hỏi :
- Ông thấy thế nào ?
- Tôi ghi được một số sự kiện hay. Chẳng hạn như các ông nhà, cứ ở được bảy năm với bà, là ...mất. Dĩ nhiên lý do thì khác, nhưng cái chu kỳ đó lại hệt nhau...
Bà ta cười nhạt, ngắt :
- Những sự kiện thê thảm cho một người đàn bà như thế mà ông bảo hay...
Tôi chột dạ, vội vàng cướp lời :
- Tôi xin lỗi nếu nói đụng chạm đến nỗi riêng tư của bà. Tôi nói hay, là cái hay trong biên tập hồi ký của bà như một công việc văn chương. Cái hay nằm trong thảm kịch...
Bà ta giơ tay, lạnh lùng :
- Ông ạ, không có thảm kịch nào hay cả. Người đọc thảm kịch cảm thấy toàn bộ cái thảm kịch đó thì không thấy “ hay “ đâu... Họ có thể đau đớn, uất ức như nhân vật. Văn chương biến khách thể thành chủ thể. Nếu còn thấy hay , người đọc vẫn đóng vai khách quan, đứng ngoài văn bản để phán xét, để thưởng ngoạn. Hất mặt lên, giọng có thoáng khinh bạc, bà tiếp - Chẳng lẽ tôi mang cuộc đời tôi lên giấy để người đời thưởng ngoạn sao, thưa ông ?
Thú thật, tôi choáng váng không biết trả lời bà ra sao. Tôi ấp úng nói một câu vô nghĩa đến không nhớ nổi. Bà nghe, không đáp, chỉ tay mời tôi ăn. Nhưng đó là một món tráng miệng cố nuốt cũng không trôi. Sau đó, bà đưa tôi lên phòng khách. Anh bồi ra rót Cognac và đưa một hộp xì-gà. Bà ta chìa ra mời tôi, tự tay lấy một điếu, đánh diêm châm. Cố không nhìn bà để giấu đi sự ngạc nhiên, tôi đưa mắt lên tường. Xung quanh, có lẽ có đến một chục bức tranh khổ lớn. Vẫn một người đàn bà, khi đứng, lúc ngồi, đủ tư thế. Vẫn thêm một người đàn ông, lúc nào cũng nằm, mắt nhắm, cũng đủ tư thế, nhưng như ngủ hay như đã chết đây ? Tựa thể đoán được cảm nghĩ của tôi, bà thốt lên, giọng có chút gần gũi :
- Họa sĩ này sống nửa âm nửa dương. Bên cạnh sự sống, là cái chết của tĩnh vật. Con người, nếu như tĩnh vật, thì sẽ bất diệt. Còn sự sống kia, ông nhìn xem, có cái giới hạn ma quái ở ngay khóe mắt con người...
Bà nhìn tôi, ánh mắt chừng thiện cảm hơn, nhẹ nhàng :

- Tôi cảm tranh của ông họa sĩ này, về Sài Gòn tôi lùng mua hết. Dĩ nhiên là trừ những bức vẽ cái ghế, cái đèn, lọ mực kiểu học trò trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh. Người đàn bà trong những bức tranh kia là vợ ông ta, hiện sống ở Cali. Còn ông ta, ông ở lại chính là bởi nửa cái thế giới chết kia không có được ở bên này để ông ta vẽ.
Nhìn tôi thật lâu, bà buồn bã :
- Tôi thì ở đâu tôi cũng có cái nửa thế giới chết ở kề bên. Ông tiếp cận được nó thì cái việc biên tập kia sẽ thành...
Thu hết can đảm, tôi nói :
- Thưa bà, tập hồi ký bà trao là một chuỗi ngày tháng và sự kiện. Ðọc, tôi không thấy được, hiểu được con người của bà. Vì thế tôi không biết phải làm sao ngay cả ở cái mức cảm nhận tối thiểu giữa nhà văn với nhân vật, nói chi đến cái nửa thế giới bà vừa nói đến. Còn biên tập là việc viết lại cho mạch lạc, ngay ngắn để ai đọc cũng hiểu thì bà chỉ cho tôi ba bữa nữa, tôi làm xong ngay. Còn truyền đạt được gì, tôi không biết. Vì chỉ có sự kiện, thì chưa có gì cả...Vì sự kiện , nói gọn, chỉ là phương tiện thô, chất xúc tác, cái móc nối giữa những khoen xích tạo ra đời sống của văn bản...
Bà ngắt ngang :
- Nếu chỉ viết lại mạch lạc, ông nghĩ tôi cần đến nhà văn à ? Một thanh niên học xong cử nhân văn chương, thông minh vừa đủ, và lương thiện, là làm được ngay.
- Thế thì... công việc của tôi là từ những sự kiện đó tạo dựng một thế giới, một nửa là cõi chết ư ?
- Ðiều đó cần. Ðể nửa kia là cõi sống. Nhưng phải thực sự là một nhà văn, mới làm được...
Bà ta nhìn tôi. Vẫn một chút diễu cợt khinh khi, một chút thương hại. Phần mình, tôi tê điếng, nửa ngạc nhiên, nửa bực bội. Ngạc nhiên, nhưng thích thú vì bỗng dưng nhân vật dạy tôi hành văn. Bực bội, có lẽ tự ái bị đụng chạm. Tôi, nhà văn, làm sao thụ động thế này trước nhân vật đang thách thức đến tận sự sống còn và lẽ tồn sinh của ngòi bút. Tôi lẳng lặng phà khói thuốc, rồi chậm rãi như đặt cái láng cuối của một trận xì -phé đánh đến trắng tay:
- Công việc bà vừa nói, là tiểu thuyết. Muốn viết được, thì cái khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật không còn. Ðây là một cuộc phiêu lưu, và kết cục, có thể là hài, có thể là bi, cho cả hai. Lẽ sống của tôi là viết, cuộc phiêu lưu đó tất là dịp may. Còn đối với bà, nhân vật, thì trò này nguy hiểm như làm xiệc...
Bà ta mỉm cười :
- Sống và làm xiệc, như nhau. Có gì mà nguy hiểm hỡi nhà văn. Giọng diễu cợt, bà tiếp - Còn sẩy chân ngã từ dây đu ngã xuống, đó là điều tất nhiên. Ai trên đời này lại không sẽ rồi cũng ngã một lần nhỉ ?
Tôi đứng dậy. Tự trong sâu thẳm, một sự thúc giục không khiên cưỡng được cất thành tiếng :
- Nếu là nhân vật, bà phải chấp nhận chỗ đứng của tôi. Ngược lại, tôi sẽ tuân thủ qui luật của những con chữ, khi thì làm chủ, lúc lại là nô lệ cho bà. Từ nay, tôi gọi bà là Thu Huyền. Tại sao ? Tôi thích thế. Và có lẽ ai tên Huyền mắt cũng sâu và buồn. Còn Thu, vì tôi yêu mùa này... Thu Huyền thế là rất có cá tính. Nhưng nàng vẫn thiếu...

Lần này, bà ta ngửng lên, hoảng hốt :
- Thiếu gì...
Lúc đó, tôi hôn lên môi bà và gọi, Thu Huyền, Thu Huyền của tôi ơi. Thú thật, tôi không hiểu động cơ nào đằng sau hành động của mình . Chẳng lẽ nó đến từ niềm tuyệt vọng của nhà văn khi anh ta bất lực trong việc săn đuổi để nắm bắt nhân vật. Nhất là khi anh ta đã nhận gia công biên tập cho một cuốn hồi ký chỉ có tháng năm và những sự kiện.
*
Khoảng cách giữa Thu Huyền và tôi thu lại ở mức tôi, tác giả, định đoạt. Nếu xa, làm sao tôi viết được. Ngược lại, nếu đi quá một cái hôn để gần, gần quá thì chính tôi cũng trở nên một nhân vật tiểu thuyết. Ðiều này tôi cho là cấm kỵ vì như vậy, tiểu thuyết hóa thành một loại tự sự của chính tác giả. Với sự nhẹ dạ, lòng tự ái, tính vị kỷ, chứng cuồng ảo, bệnh tự huyễn vì sợ sự thật và đủ mọi tật xấu khác ở ai cũng có, loại tự sự này chỉ có thể là những bản văn đi mê mị người đọc. Nhưng tiểu thuyết thì không thế được. Tự thân, nó có tên là truyền kỳ, roman, novel, fiction, nghĩa là một sản phẩm thuần trí tuệ của nhà văn. Khẳng định với người đọc như thế ngay từ đầu thì nhà văn đâu có bịp bợm mê mị ai. Anh ta chỉ rủ rê người đọc vào một cuộc chơi. Chơi thì mở sách ra, không chơi gấp lại. Với sự tự do đó, không người đọc nào chấp nhận những nhà văn đi lừa dối mình. Ðối phó rất giản dị, người đọc chỉ cần gấp sách lại và thế là xong.
Hôm sau, tôi tự mình đến phòng thí nghiệm cấy lan. Thu Huyền khoe “ ...lan đất, cấy lên một loại gỗ mục ẩm rồi dùng quạt thổi như gió và hy vọng, với tình cờ, sẽ gặt được một vụ phong lan. Huyền đã làm được dăm ba lần, không hiểu sao có lan đấy mà không làm cho ra hoa được “. Tôi mỉm cười, nhận thấy Thu Huyền khác hẳn bà ta. Nhưng dẫu gì chăng nữa, đừng quên một khoảng cách tối thiểu giữa tôi và nhân vật, tôi thầm nhủ, rồi nhắc nàng cái công việc của tôi. Nàng vui vẻ diễu cợt “...dạ, em không quên. Nhà văn muốn gì em cũng chiều được “
Trưa đó, Thu Huyền và tôi ăn trên sân thượng của tòa biệt thự. Nhìn ra biển, những đợt sóng xa xô nhau chạy đuổi trên mặt biển tráng ánh dương, thấp thoáng điểm những cánh buồm trắng dập dềnh trong gió. Tôi hỏi “ ...về lời nguyền của ông nội, Huyền có thêm chi tiết gì không ? “
Lặng lẽ giây lâu, nàng gỡ cặp kính dâm xuống, nhìn xa vắng. “ Ông nội và ông ngoại em là bạn từ thuở thiếu thời. Hai bên hứa hẹn làm thông gia với nhau khi mẹ em mới lọt lòng, nhưng bà nội nhất định không chịu, mặc dầu chẳng có lý do gì, ngoài cái chuyện so đôi đuổi không hợp. Ðến tuổi thành niên, cha mẹ em lại yêu nhau, và dẫu chưa cưới hỏi, đã vụng trộm với nhau. Mẹ em mang thai đến tháng thứ ba thì bà ngoại em sang nói chuyện với ông bà nội. Thảm kịch bắt đầu từ đấy... “. Thu Huyền nghẹn lời, thở hổn hển, tay với ly nước uống một hơi.

Lát sau, nàng thủ thỉ, “ bà nội em nghe, lắc đầu khóc ngất, kêu trời như phát điên. Ông nội em gặng hỏi, bà nội vừa khóc vừa nói : “ ...anh em mà chúng nó lấy nhau à ! “. Ông nội lặng người, lập đi lập lại “ thảo nào ! “. Bà nội em quì dưới chân ông, kêu “ ...Lạy mình, tha lỗi cho tôi ! “ Ông nguyền “ Truyền đời cho chúng bay tuyệt giòng tuyệt giống. Ðàn ông thì tuyệt tự rồi bất đắc kỳ tử. Ðàn bà thì sát phu, cứ lấy thằng nào là bảy năm sau là thằng đó chết, năm lần bảy lượt cũng vậy...”. Ngay đêm hôm đó, ông bỏ đi lên Thái Nguyên. Vài ngày sau, bà nội treo cổ. Cha em lúc đó rõ hết mọi chuyện. Chôn cất cho bà xong, cha tìm ông ngoại bảo “ ...đẻ ra tôi, nhưng ông đẻ ra để mà rồi giết con giết cái ông ! “. Không nói thêm một lời, cha đi biến. Tháng sau, người ta báo vớt được xác cha chương phình dạt vào bờ sông Ðáy. Về phần mẹ em, mẹ chỉ biết khóc. Ông ngoại đóng cửa không nhìn một ai. Bà ngoại lo em sẽ là cái quái thai, kết quả một cuộc loạn luân không ai ngờ đến... “.
“ Ông ngoại chết vì xấu hổ. Bà ngoại, mẹ và em di cư vào Nam. Năm em lên sáu thì mẹ đi bước nữa. Ðúng khi em được mười ba thì dượng em khi không kêu nhức đầu, đến tối ngã vật xuống đất, đem vào cấp cứu chỉ hai giờ sau là chết. Bà ngoại thì thào, cái lời nguyền kia, có phải nó vật ngã dượng em không ? Mẹ sợ. Mẹ đi xem bói, rồi đội bát hương hầu đồng. Năm em mười chín, trong tiếng kèn tiếng nhị, mẹ đảo người lắc lư rồi chỉ vào mặt em thét “ ...truyền đời cho chúng bay tuyệt giòng tuyệt giống... Ðàn bà thì sát phu, cứ lấy thằng nào là bảy năm sau là thằng đó chết, năm lần bảy lượt cũng vậy”. Bà ngoại em rú lên, tay xua, miệng lạy van. Rồi bà kể cho em nghe, nước mắt ròng ròng, ôm em kêu “ ...con ơi là con ơi ! “. Thu Huyền gục đầu xuống bưng mặt, hai vai run giật như cánh chim non mắc bẫy giẫy lên yếu ớt. Không kìm được lòng, tôi để tay lên vai Thu Huyền, ấp úng “... chuyện đã qua, thôi đừng khóc nữa ! “ Nâng mặt nàng lên, tôi dịu dàng lau những vệt nước mắt trên má trên môi, và tôi bảo, Thu Huyền ơi, để anh kể cho em nghe một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện dĩ nhiên có bà tiên và phép mầu xóa sạch những khổ ải. Nhưng tôi tin và khẳng định, chuyện có thật đấy, em ạ. Thu Huyền gật nhẹ, rúc đầu vào vòng tay tôi ôm tìm che chở.
Suốt ngày hôm đó, khi về phòng tôi đánh vật với một số câu hỏi và lời nguyền Thu Huyền vừa kể. Với cái chu kỳ cứ bảy năm bà ta chôn chồng. Nếu tôi tin nhân vật Thu Huyền của tôi, kết luận rằng lời nguyền là nguyên nhân thì sẽ đưa đến câu hỏi thứ nhì, làm thế nào cái thực tại kiểm nghiệm được mỗi bảy năm có thể hình thành từ một sức mạnh bí ẩn phi vật chất. Ngược lại, ba cái chết trong hai mươi mốt năm cũng có thể là nguyên nhân để lời nguyền kia chỉ là cách biện minh cho cái thực tại xếp đặt theo một sự điên cuồng bệnh hoạn. Cách trả lời những câu hỏi sẽ quyết định con đường hành văn và tính cách của tiểu thuyết. Tin Thu Huyền, tôi sẽ đi vào một cõi huyễn thực huyền ảo không cần biện minh. Ngược lại, tôi buộc phải đẩy tiểu thuyết vào dòng tâm lý, có cái móng vừa ý thức lẫn vô thức nhào trộn vào nhau để tra vấn một hiện thực. Ngày lại ngày, tôi ngơ ngẩn ngồi trước bàn viết, đầu óc lung bung. Khi tôi chọn tôi chỉ tin Thu Huyền và thề sẽ trung thành với nhân vật của tôi thì chợt có tiếng gõ cánh cửa trổ ra vườn. Bà ta xuất hiện, giọng trang trọng :
- Việc đến đâu, thưa ông ?
Ngạc nhiên, tôi không hiểu vì sao trong thân xác bà ta Thu Huyền lại thình lình đổi thái độ với nhà văn, xa cách như chưa hề có một buổi trưa và những giọt nước mắt hôm nào. Mời bà ngồi, tôi đáp một cách dè dặt :
- Xong được đoạn đầu, thưa bà ! Nhân tiện, bà cho tôi hỏi thêm về lần đầu bà lấy ông Trung úy hải quân. Bà gặp ông nhà trong hoàn cảnh nào ?
- Trong hoàn cảnh nào ? Tôi quen khi anh ta còn là sinh viên sĩ quan...
- Lúc đó, bà có nghĩ đến lời nguyền kia không ?
- Có chứ. Chính tôi bảo anh ấy chọn hải quân. Khó chết hơn đám bộ binh, nhảy dù, biệt động...
- Ông có biết các lời nguyền đó không ?

- Không ! Với tôi, anh ấy sống là tốt nhất. Nhưng nếu chết, đừng đợi đúng bảy năm. Chết sớm hơn thì hay. Vì thế có nghĩa là lời nguyền không linh...
Mặt đanh lại, bà ta thở dài :
- Hoặc là đẻ được một đứa con...Cũng vậy.
Tôi ngập ngừng :
- Ông mất trong trường hợp nào ? Xin lỗi bà, tôi khơi lại chuyện cũ.
Bà ta nhìn tôi, giọng khinh bạc :
- Không sao ! Chết đuối... Hải quân mà chết đuối, ông ạ ! Chết đúng bảy năm sau khi lấy nhau, xê xích đâu vài ngày...
Ðứng lên, bà ra đến ngưỡng cửa. Ngần ngừ nắm quả đấm, bà bỗng nhỏ nhẹ :
- Cái điều ghê rợn không phải là sự chết...
Quay về phía tôi, bấy giờ lại là Thu Huyền, nước mắt chan hòa :
- ...mà là, Huyền vì sợ mà không bao giờ dám yêu người mình lấy. Thành ra, cái chết của anh ấy chỉ làm Huyền nghiệm ra lời nguyền... Anh có biết không, ba đời chồng rồi mà Huyền chưa thể yêu lấy một người...
Nói chưa dứt lời, Thu Huyền chao người ngã vật xuống. Tôi vội chạy lại xốc nàng lên. Mớ tóc xõa tung ra buông xuống nền gạch, mắt nhắm nghiền, nàng víu lấy tôi như víu cái phao tròng trành trong một không gian loãng ra, nhẹ hễnh, chỉ chực bay biến. Thình lình, Thu Huyền vùng dậy chạy ra ngoài nắng. Bóng nàng mơ hồ thấp thoáng sau lùm cây Cora hoa màu mào gà đỏ bốc lửa, để lại tiếng chân lạo xạo trên con đường sỏi trắng. Nhìn theo, tôi bỗng nhớ cuốn kinh của tôi mở đầu bằng một câu sắc và gọn, “ yêu là tồn hữu “, và hiểu rằng nó rỗng tuếch. Nhân vật của tôi, không dám yêu vì sợ một lời nguyền, vẫn có đó, chới với sống thân phận một con người bé nhỏ, bó tay trước những oan nghiệt nàng không hề trách nhiệm.
Trở vào, tôi mở tập giấy bà ta ghi sự kiện, chăm chú đọc lại. Ðời chồng thứ hai, một ông bác sĩ. Và hy vọng có con qua phương cách thụ thai nhân tạo. Nhưng trứng tử cung bà ta có phản ứng thải tinh trùng. Ông bác sĩ thử ba lần, lần cuối dùng điện vi tế kích thích cho cái cuộc gặp gỡ kỳ diệu tạo thành đời sống có cơ thành hình. Vô phương. Bà ta ghi “ ...đã hết năm thứ sáu, bước vào năm thứ bảy, tôi không còn ngủ được. Hàng đêm, tôi văng vẳng nghe tiếng người trong tai. Tôi kinh hoàng. Nhà tôi bảo, căn bệnh này hiếm nhưng không phải là lạ với nền khoa học hiện đại. Tôi không tin. Vì điều tôi nghe là những lời nguyền năm xưa “

Sau đó, mỗi ngày bà viết chỉ đúng một dòng có ba chữ “ cứu tôi với “. Tôi đếm được ba trăm hai mươi dòng. Ðến dòng ba trăm hai mươi mốt, bà vắn tắt “ Nhà tôi đã qua đời. Một cơn đau tim. Bác sĩ lại chết vì bệnh. “

Tôi gấp tập giấy, tai văng vẳng tiếng kêu “ cứu tôi với “, “ cứu tôi với “... Nỗi thương cảm một kiếp nhân sinh khiến tôi lặng người đi. Ðến cuối trưa, tôi gọi điện. Jacintha đầu dây nói ríu rít “ A, writer. Khỏe chứ ! “. Tôi ngập ngừng nhờ cô báo cho Lady rằng tối nay tôi không lên dùng cơm chiều với bà. Jacintha hỏi “ Tại sao ? “. Tôi đáp “ ...tôi cần suy nghĩ. Với lại, tôi không đói... “. Jacintha mau mắn “ ...thế thì tối nay ra phố nhé ! “ và chẳng đợi tôi phản ứng, nàng cúp máy, để lại dư âm một tiếng khúc khích.
Thấy tôi đăm đăm, Jacintha cười “ Relax, writer ! “ Nàng đưa tôi ra khỏi gia trang, lái xe dọc những đồi trà, đi đến downtown thì trời vừa tối. Chúng tôi vào một quán ăn Jacintha khoe là chỉ bán đặc sản của thổ dân Tonga đã cư ngụ Hạ Uy Di từ nhiều đời. Dàn nhạc sống, lại có vũ công múa những điệu múa đã có cả ngàn năm nay. Vũ nữ mặc váy làm bằng sơ dừa, đầu kết hoa, theo tiếng đàn Hạ Uy Di uốn mềm như cành dừa trong gió. Có lẽ nào chính đây là hình ảnh thiên đàng. Một thiên đàng đã thực sự lạc mất theo bước thời gian.
Khi tôi hỏi Jacintha về ông chủ chết chưa đầy một năm thì nàng có vẻ buồn buồn. Ông là người gốc Nhật nhưng đã đến Hawai hai đời. Trước khi lấy Lady, ông có một đời vợ người Mỹ trắng và hai đứa con trai. Cách đây mười năm, hai người ly dị. Ông bỏ công việc ở đất liền, dốc tiền ra mua đất trồng trà và có thể nói là ông khá thành công, một mặt vì thị trường Nhật ông quen biết, mặt khác, ông không ngừng gia sức cải biến và hoàn thiện sản phẩm. Chính vì muốn có cơ sở khoa học, ông đã thuê chuyên viên và Lady, một người có đào tạo, đã đến làm cách đây tám năm. Ông bà còn đương xuân, yêu nhau không phải là chuyện lạ. Nhưng ông ao ước có thêm một đứa con, con gái. Dĩ nhiên là họ hy vọng, rồi lại thất vọng. Sau khi xẩy thai hai lần, bà bảo, nếu muốn ông có thể có con với người khác, miễn là sau đó thì để bà kiểm soát hết, kể cả lo cho đứa bé ông sinh ra. Jacintha lại cười “ Kể cũng lạ ! Chiều chồng thế, đúng là number one ! “ Tôi ngắt :
- Ông ta chết như thế nào ?
Jacintha nhăn mặt :
- Kinh lắm !
Nghe tôi giục, Jacintha thở dài :
- Ông chủ rất thích thể thao, nhất là môn trượt nước. Ông để thuyền máy cao tốc kéo lướt trên nước, rồi tung người lên không. Lần đó, không hiểu thế nào khi đáp xuống ông đáp vào đúng một vùng đá san hô ngầm. Không ai dám nhìn xác ông cả !
- Ai lái thuyền ?
- Lady !
- ...
- Lady gọi cho cảnh sát tuần tra viễn duyên. Tìm xác thì dễ thôi, vì hai cái ván trượt nước nổi lềnh bềnh. Họ bảo, lúc đó nước thủy triều rút nên mới xảy ra tai nạn. Nếu không, chắc chẳng việc gì...
- Tai nạn...
Jacintha nhìn tôi gật đầu. Về phần tôi, tôi nổi da gà. Trong tập giấy bà ta viết, có những trang bà tỉ mỉ tả lại một khoảng đá ngầm bà khám phá ra. Bà đã từng đến đó lặn xuống, xem những loài cá đủ màu đủ sắc, bắt những con sao biển, có lần quay phim được một loài hải mã rất hiếm.

Mấy đêm liền sau hôm đó, phải nói tôi không ngủ được. Ðầu óc tôi quay cuồng những câu hỏi tôi không dám trả lời. Thời gian kế tiếp, tôi xin ăn một mình và rất ít gặp bà ta dẫu Thu Huyền vẫn cứ ám ảnh. Nay chiều chiều, Jacintha lại ghé, lắm khi chỉ nói “ hello ! “ rồi đi. Mỗi lần, nàng để lại khi thì ít trái cây, khi chai rượu, khi dăm ba tạp chí như Times, như Newsweek. Một buổi xế trưa, nàng rủ, ra biển nhé. Lần này có cả Tina. Càng hay, tôi cần có cái gì đấy mát mẻ như một đứa trẻ hầu giải tỏa những ấm ức của cái thế tam giác. Một góc là Thu Huyền. Góc bên kia, bà ta. Ðối diện với cả hai là tôi, nhà văn không thực sự chọn nổi nhân vật của mình.
Cầm tay Tina, tôi theo nó chạy lăng xăng đuổi theo những con dã tràng chạy trên cát biển trắng phau. Mùi muối và rong biển quện lại ấp ủ một khoảnh không gian xa cách mọi chuyện, có và không có, đáng và không đáng, để chỉ giữ lại những giây phút thần tiên chẳng mảy may gợn một thoáng đời ngoài kia với những nỗi khắc khoải nhân gian. Tina nhặt một cái vỏ xò hình tù và. Tôi bảo nó áp tai vào mà nghe, tiếng vọng từ thuở tạo thiên lập địa vẳng về. Nó gật gù reo “ Oh, oh yes...” Jacintha trờ tới. Da rám hồng nắng, nàng cúi xuống nhìn chúng tôi, tóc vương những hạt cát óng ánh. Tôi nhớ câu tôi hỏi nhưng nàng chưa trả lời. Nhìn ra khơi, nàng chỉ bảo, cha của Tina đã đi, đi rất xa. Bất ngờ, nàng quay lại :
- Nhưng sao anh lại cứ hỏi chuyện cũ đó ?
- ...thì tò mò !
- Với một người đàn bà, chỉ tò mò như thế là một báng nhạo...
Nhìn Jacintha, tôi chợt thấy sự bất nhẫn vô ý thức của mình. Tôi xin lỗi. Ðôi mắt thoáng mọng nước mắt, Jacintha quay đi nói nhỏ “ never mind !”. Tảng lờ, tôi ngả người nằm xuống để mặc cho Tina trèo lên bụng, miệng khúc khích kêu, ngựa, chạy nào, ngựa ! Lát sau, Jacintha ngần ngừ :
- Hết contract với Lady, anh làm gì ?
Tôi tình thực nói với nàng rằng tôi cũng chưa biết.
- Thì cứ ở lại đảo ít lâu...Nếu thích, cũng có thể tìm ra công việc.
Không muốn đáp, tôi làm vẻ hồn nhiên :
- Còn thời gian mà. Vùng đứng dậy, tôi la - Tina, xuống tắm nhé !
Chúng tôi chạy ào xuống nước rồi vẫy Jacintha. Nàng bất động một lát, vẫy lại, nhưng vẫn ở trên bờ. Lần đó là lần đầu tôi cảm thấy một khoảng cách với nàng. Nhưng nó khác với những khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật. Nó là khoảng cách giữa một người đàn bà ở đảo và một người đàn ông không biết đời mình đi về đâu. Tôi không muốn vượt nó, ôm Tina hôn lên má, và cám ơn Jacintha đã cho tôi một ngày rất đẹp. Tôi biết nàng thừa nhậy cảm để hiểu là tôi không dám dấn lên đi quá một chặng đường.
Vào độ trăng non, đảo bỗng thay đổi, bất chợt mưa, bất chợt nắng. Không khí chiều chiều ẩm đục. Ðêm, sương như mơ đôi khi giải trên những ngọn đồi trà nhìn từ xa mập mờ đụng đậy tựa những con voi trắng lừng lững chuyển mình khi có gió. Ở đảo, gió là bạn đường. Gió không phương hướng, thình đến rồi đi, ù ù bốc lên, thoáng lại biến mất. Bức tranh người đàn bà áo vàng ngồi cạnh người đàn ông chẳng hiểu đang ngủ hay đã chết trở nên sinh động một cách huyền hoặc. Tôi gỡ nó xuống, áp mặt tranh vào tường. Ngắm cái đinh treo tranh tránh không gợi cho tôi hình ảnh cái tai nạn xảy đến cho một kẻ từ cao tít chúi ngã đập mặt vào những mảnh sắc san hô mọc ngầm dưới mặt nước xanh lơ yên bình.

Khoảng chín giờ tối, trăng nằm ngay tầm mắt nhìn từ cánh cửa mở ra vườn. Tình cờ tính bức xạ của màn hơi mù sương bốc lên từ biển khiến trăng lưỡi liềm to phình ra răn đe con người bỗng trở thành bé tí. Ai đó, đứng nhìn qua cửa sổ giơ tay gõ nhè nhẹ. Tôi ra. Thu Huyền nói vội, ánh mắt nửa như van xin, nửa như trách móc :
- Sao anh không đến ? Anh bỏ rơi nhân vật của anh ư ?
- ...
- Anh cũng tàn ác, chẳng kém gì những con người có thật khác. Một nhà văn không thể thế được...
- ...
- Anh không nói gì à ! Chỗ đứng của nhà văn là góc độ nhìn vào mọi cái trước mắt để thấy tương lai, ở đâu đó, tươi sáng hơn. Hoặc ít nhất, đỡ đi tăm tối. Anh không có quyền tạo em ra, rồi nửa đường bỏ rơi em !
Nhưng không, tôi nào có thấy gì ngoài nghi vấn về liên hệ giữa những cái chết và lời nguyền cay độc. Thu Huyền đó, và tôi, tôi bất lực không tách được nàng ra khỏi bà ta. Nỗi tủi hổ khiến tôi nghẹn lời. Tôi khóc. Tôi gập người, mặc cho nước mắt ướt nhòa muôn vàn hư ảnh, nấc lên từng hồi rồi ừng ực nuốt nỗi đau xuống. Cho đến khi ngửng lên, tôi nghĩ mình ở tầng cuối cùng của địa ngục. Mái tóc Thu Huyền chạm vào môi vào mắt tôi, vuốt ve an ủi hệt như bàn tay mẹ tôi năm nao để lên trán tôi nóng cháy trong một cơn bệnh hiểm nghèo. Tôi chúi vào lòng nàng, mặc cho số phận đưa đẩy. Mặc cho bàn tay nàng lần vào cởi ra từng cái cúc. Mặc hết, kể cả văn chương, tiểu thuyết và khoảng cách cần có giữa nhà văn và nhân vật. Cho đến lúc tôi thành con sâu. Nó chui vào khe đất ẩm rậm nhưng ấm áp. Nó lần xuống thật sâu, ở cái độ con người quẫy một nhịp với sự co thắt của cả vũ trụ. Tất cả, phải, tất cả sáng lòa lên, thành muôn màu muôn sắc. Và tôi, an bình, tôi thiếp đi quên người đàn ông nằm, đang ngủ hay đã ckết. Quên luôn người đàn bà ngồi nhìn.
Sáng tinh mơ hôm sau, tôi thức dậy khi ánh nắng đầu tiên rón rén vào buồng ngủ, lung linh lay nhẹ tấm mành cửa ai đó đã kéo xuống. Tôi hân hoan vùng người. Phải thế chứ. Ðời sống ơi, hãy đợi, tôi sẽ ra chào. Trên bàn làm việc, một mảnh giấy ghim lên chiếc computer tôi mang theo. “ Thanks, my love. J “. Dĩ nhiên, tôi liên tưởng đến J như Jacintha. Không, không phải thế. Không thể thế được. Tôi lao ra, nhắm hướng phòng thí nghiệm thực vật cắm đầu chạy. Không gõ cửa, tôi xông vào. Thu Huyền reo :
- A, anh ! Lâu quá, em có tin vui...
Thu Huyền chạy ra, ríu rít cười rồi kéo tay tôi vào một góc, tay chỉ lên một mảnh gỗ móc lơ lửng trên tường. Nàng vui vẻ :
- Anh xem ! Giò phong lan đầu đã nở hoa...
Ngước mắt nhìn, quả một cái nụ tươi tắn màu vàng có ánh biếc của biển đang hé mở. Phép màu nhiệm của cuộc sinh sôi đã hết cái tình cờ bí ẩn. Bây giờ, sự tái sinh được cân đo tính toán với những thảo trình điện toán và trí tuệ con người. Thượng Ðế cũng có lúc phải nhường một bước. Nhưng còn cái bước sau ? Nhất là, cho mỗi kiếp nhân sinh, bước cuối cùng trước khi qua ngưỡng cửa tử-sinh.
Nắm nhẹ vai Thu Huyền, tôi thành thật :
- Xin mừng. Mừng cho em. Và mừng cho cả giò phong lan cấy bằng giống lan đất... Nhưng còn đêm qua...

Các tác phẩm khác của Nam Dao

TIẾNG CỒNG

Gió Lửa

Đất Trời

xổ bụi

Những con voi không đẻ được

một vị thuốc đắng, một vị thơ...

Vết Bước

Trong Buốt Pha Lê

Quỳnh Hương

Những Sợi Tóc mai

Người Mình