watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người Chém Đá - tác giả Ngô Viết Trọng Ngô Viết Trọng

Người Chém Đá

Tác giả: Ngô Viết Trọng

Đ ó là một ngôi nhà kiểu cổ khá rộng, nền xây cao, nằm giữa một khu vườn vuông vức ước hơn một mẫu tây. Trước nhà được xây một bức bình phong. Gần bức bình phong đặt một bể chứa nước có đặt một hòn non bộ bên trong. Bên cạnh đó, một khoảnh sân rải toàn sỏi nhỏ trắng như muối, được đặt nhiều tảng đá lớn nằm nhấp nhô, có người nói chủ nhân đã sắp xếp chúng theo dạng "bát trận đồ" của Khổng Minh thời Tam Quốc.
Khu vườn được ngăn cách với bên ngoài bằng những bức tường thành xây lâu năm quét vôi trắng nay đã trở thành màu vàng ố lẫn với màu rong rêu, mặt ngoài nhiều chỗ đầy dấu vết bôi vẽ của trẻ con hoặc dây leo bám vào bị dứt ra. Một vài chỗ tường đã bị sụt lở, những người tác cao đứng ngoài đường có thể nhón chân nhìn vào bên trong được. Mặt trước vườn tiếp giáp với con đường rộng, một trong những con đường giao thông chính của huyện Thiêu Quan. Ngõ vào nhà có hai bức cửa bửng lớn bằng gỗ, khi mở banh ra, hai cỗ xe ngựa có thể đi ngược chiều nhau được.
Nghe đâu chủ nhân trước kia của nhà này là một vị quan làm việc ở địa phương. Sau này, khi được thăng làm Tổng Đốc Lưỡng Quảng, vị quan đã giao ngôi nhà này lại cho một bà thứ thất của ông ở.
Nhưng bà thứ thất này phúc bạc, bị Tổng Đốc phu nhân cho người đầu độc chết cùng với một số kẻ ăn người ở trong nhà. Từ đó, người ta đồn trong nhà này hay có ma hiện hình quấy phá ban đêm nên ai cũng ngán.
Tiếng đồn quái ác đã làm ngôi nhà bị bỏ hoang một thời gian khá lâu không ai dám mướn dám mua, có lẽ đã hơn ba mươi năm.
Mới đây, ngôi nhà này được ông tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc mua lại. Ông cho dọn dẹp, sơn quét, sửa sang lại cẩn thận. Nghe đâu ông tướng định để dành cho một người khách đặc biệt của ông ở.
Người dân địa phương rất hồi hộp, tò mò chờ đợi những chuyện gì sẽ xảy ra.
Cũng bắt đầu từ đó, gần ngôi nhà ấy được chính quyền thiết lập mấy bót quân sự nhỏ. Dân địa phương bàn tán các bót này lập nên mục đích để canh chừng an ninh cho ngôi nhà. Theo họ, có lẽ người khách đặc biệt của tướng Lưu Vĩnh Phúc là một nhân vật quan trọng.
*
Vào một buổi chiều, có một đoàn người đi xe ngựa đến ngôi nhà này. Người cầm đầu là một ông già dáng vẻ đường bệ, gương mặt quắc thước, khắc khổ. Toán đi theo gồm tám người toàn là đàn ông, hầu hết ở tuổi trung niên, người nào cũng mang vẻ mặt trầm tư...
Người đưa họ đến có lẽ là người nhà của Lưu Tướng quân. Ông này chỉ dẫn, dặn dò họ khá lâu trước khi từ giã.
Trong khi mọi người lo việc sắp xếp nơi ăn chốn ở thì ông già cùng một người khác đi quanh khắp sân trước vườn sau để quan sát cẩn thận. Ông già dừng lại khá lâu ở khoảnh sân nơi có bố trí những tảng đá "bát trận đồ", mặt đăm chiêu nghĩ ngợi...
Hôm sau, có mấy viên chức địa phương đến thăm viếng ông già. Vị nào cũng tỏ vẻ lễ phép, cung kính với ông ta. Sau này, còn nhiều người khác nữa, có nhiều vị là quan lớn, vẫn thỉnh thoảng ghé vào ngôi nhà này. Nhưng ông già gần như lúc nào cũng giữ vẻ nghiêm nghị đến lạnh lùng, khiến có vài người khách nói lén với nhau là "ông già đau khổ".
Dần dà người ta biết được rằng ông già chính là một vị đại thần rất nổi tiếng của triều đình Việt Nam, nguyên là Thượng Thư Bộ Binh, tổng chỉ huy Quân Đội nước Việt Nam, một lân bang một thời cường thịnh ở phía nam Trung Hoa, đó là ông Tôn Thất Thuyết. Ông đã thất trận và rời khỏi Việt Nam chưa lâu lắm.
Trước sức mạnh quân sự của Pháp, quân đội Việt Nam đã hoàn toàn tan rã. Việt Nam đã bị quân đội Pháp chiếm đóng toàn bộ. Nhưng nhiều nhân sĩ Việt Nam không chịu khuất phục, vẫn cố gắng qui tụ những người yêu nước đứng dậy chống Pháp. Vị vua chính thống của Việt Nam là đức Hàm Nghi đang lẩn trốn vào vùng rừng núi phía bắc miền Trung để tiếp tục lãnh đạo toàn dân toàn quân kháng chiến phục quốc.
Trong khi đó, người Pháp lập lên một vị vua khác làm bù nhìn để phủ dụ lôi kéo lòng người, đó là vua Đồng Khánh.
Sau khi kinh thành Huế thất thủ, quân Việt phải rút về lập chiến khu ở các vùng rừng núi. Tôn Thất Thuyết nhận thấy quân kháng chiến không thể nào đủ sức đương cự với quân Pháp vượt hơn hẳn về mặt vũ khí tối tân. Nhất định phải tìm dựa vào một thế lực bên ngoài mới có hi vọng đảo ngược tình thế. Ông Thuyết đã nghĩ đến Trung Hoa, nước mới đây đã gởi quân sang giúp Việt Nam trong thời kỳ Pháp đánh Bắc Kỳ. Ông vẫn còn tin ở sức mạnh của Thanh triều. Nhưng muốn sang cầu viện Trung Hoa, phải có một người đủ tư cách đại diện, hiểu biết tình hình tổng quát và có khoa ăn nói. Đó là một việc hết sức khó khăn lúc ấy vì những người có khả năng, nặng tình với đất nước phần đông đã tử tiết hoặc đã tản mác về những nơi hẻo lánh rất khó tìm. Bất đắc dĩ, và để cho chắc ăn, ông Thuyết phải thân hành đóng vai sứ giả.
Trên đường hành trình sang Trung Hoa, Tôn Thất Thuyết đã ghé qua nhiều căn cứ kháng chiến để quan sát tình hình, vận động cổ võ tinh thần, góp ý xây dựng với các thủ lãnh địa phương. Ông sắp đặt cho người phụ tá thân tín Trần Xuân Soạn ở lại lãnh đạo kháng chiến khu vực Thanh Hóa. Ông cũng gặp tộc trưởng người Thái là Cầm Bá Thước ở phủ Thường Xuân, tù trưởng người Mường là Hà Văn Mạo thuộc châu Quan Hóa, tù trưởng người Thái Điêu Văn Trì ở vùng núi rừng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu)... để chỉ thị một đường lối kháng chiến thống nhất.
Trong thời gian này, vua Đồng Khánh đã hai lần xuống chiếu tha tội cho ông, kêu gọi ông về sống ở nguyên quán chỉ với một điều kiện là phải từ bỏ ý đồ chống Pháp. Nhưng ông nhất định không nghe.
Đầu năm 1887, ông đã đến Vân Nam rồi sang Quảng Đông. Ông được đón tiếp nồng hậu, nhất là trong giới người Hoa vốn căm thù người da trắng vì các vụ xâu xé lãnh thổ Trung Hoa trước đây. Thấy tình hình có vẻ lạc quan, ông phấn khởi vận động xin giúp đỡ tiền của để mua vũ khí gởi về giúp phe kháng chiến trong nước cũng như chiêu tập được một số kiều dân yêu nước ở biên giới tham gia các tổ chức hậu thuẫn. Trong bước đầu với hi vọng tràn trề như thế, ông gởi một bài thơ về cho tộc trưởng người Thái là Cầm Bá Thước đang chỉ huy kháng chiến ở châu Thường Xuân, trong đó có đoạn:


"Trăm họ giúp vua đang cố gắng,
Một thân vì nước đang long đong
Phen này nếu được lòng trời giúp
Quay gót về nam lối hẳn thông"


Nhưng rồi hoạt động của phái đoàn sứ giả Việt Nam không qua mắt được bọn tình báo của Pháp. Lập tức, tòa Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh liền gởi kháng thư lên Thanh triều phản đối việc dung dưỡng người Việt chống Pháp trên đất Tàu.
Lúc bấy giờ Thanh triều sợ liệt cường phương Tây và Nhật như bò sợ cọp. Vì thế, họ phải chiều ý Pháp, không những quay lưng trước sự cầu cứu của phái đoàn Việt Nam, triều đình còn chỉ thị cho các chính quyền địa phương ngăn cấm mọi sự giúp đỡ có tính cách quân sự cho phái đoàn này.
Tuy thế, nhờ sự yểm trợ ngầm của tướng Lưu Vĩnh Phúc, ông Thuyết vẫn tích cực hoạt động, xây dựng được nhiều toán võ trang ở vùng biên giới Hoa Việt.
Tháng 6 năm 1892, ông Thuyết cho một đội quân do Vũ Thái Hà chỉ huy tiến đánh quân Pháp ở Bình Hồ, Mống Cái, hợp với lực lượng của các ông Tiên Đức, Vũ Ôn Bảo, Lương Phúc kiểm soát được toàn lưu vực sông Tiên Yên từ Hoành Mô xuống tới ven biển. Việc này kéo dài cho đến năm 1893, làm cho người Pháp vô cùng lúng túng. Nghĩa quân Việt Nam ở biên giới Hoa Việt ngày càng lớn mạnh thấy rõ.
Nhưng rồi cuộc chiến tranh Trung Nhật đã xảy ra năm 1894 ở vùng Đông Bắc Trung Hoa. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương thấy Trung Hoa đang lấn cấn bèn lợi dụng cơ hội ấy để gây áp lực. Họ yêu sách Trung Hoa phải tảo trừ nghĩa quân Việt Nam ở biên giới Hoa Việt. Thanh triều sợ nếu cứ để cho nghĩa quân Việt Nam trú ẩn ở biên giới có thể làm cho Pháp nổi giận mà mở thêm một mặt trận nữa nên ra lệnh khóa chặt biên giới đồng thời bắt giết một số thủ lãnh nghĩa quân Việt Nam đang nương náu trên đất Trung Hoa. Chính phủ Pháp ở Đông Dương cũng yêu cầu Trung Hoa quản thúc Tôn Thất Thuyết và theo dõi cô lập tướng Lưu Vĩnh Phúc.
Thế là ông Thuyết bị đưa về sống ở huyện Thiêu Quan từ đó.
Người Thanh vì lo bảo vệ chính họ, đành hi sinh ý nguyện chí thiết của một quốc gia chư hầu có tình môi răng khăng khít với họ ngót hai trăm năm qua.
Trong một công điện của Tổng Đốc Lưỡng Quảng Trương Chí Long phúc đáp Sứ Quán Pháp về việc quản thúc "sứ giả Việt Nam Tôn Thất Thuyết" viết rõ như sau:
"Gần đây một vị thượng quan An Nam tên là Tôn Thất Thuyết cùng với mười kẻ phụ tá có đệ lên triều đình chúng tôi một văn kiện than phiền sự ngược đãi của người Pháp trên đất An Nam để tâu lên hoàng đế. Nhưng bản chức đã... ra lệnh phát cho họ hàng tháng một số tiền là 57 lạng bạc 36 xu, ủy cho viên đại tá quân vụ thị trấn Quảng Đông giam họ.
Nhưng việc giam giữ họ giữa thành phố này cũng có nhiều trở ngại nên bản chức đưa họ về Long Châu để các nhà chức trách dân-quân-chính tỉnh này trông coi... Bản chức cho họ biết không được tăng thêm số người tòng vong dù cớ nào. Họ không được tính toán việc gì từ nay và cấm không được ra khỏi thành phố..."*.
*
Đã không được người Thanh giúp đỡ, lại còn bị họ theo dõi, ngăn cấm mọi hoạt động, ông Thuyết vô cùng đau khổ.
Trong khi đó, những tin tức không tốt từ quê nhà nườm nượp bay sang:
Ngày 26 tháng 9 Mậu Tý (1888), vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc làm phản bắt đem nộp cho Pháp. Người con của ông là Tôn Thất Thiệp đang làm nhiệm vụ bảo vệ vua Hàm Nghi bị giết.
Tiếp đó, người con khác của ông là Tôn Thất Đạm đang chỉ huy quân Cần Vương ở Hà Tịnh, nghe tin vua Hàm Nghi bị bắt bèn tập họp thủ hạ lại, viết hai lá thư, một để dâng vua Hàm Nghi xin tha tội vì không bảo vệ được ngài, một gởi cho cấp chỉ huy Pháp xin cho các thuộc hạ của ông được đầu thú về quê làm ăn. Sau đó ông tự tử.
Năm 1895, ông Phan Đình Phùng lãnh tụ phong trào Văn Thân mất, phong trào Văn Thân tan rã.
Những sự kiện đó đã làm cho ông Thuyết càng xuống tinh thần.
Cứ mỗi buổi chiều, "ông già đau khổ" lại mang gươm dạo sân. Hình như tôn trọng sự đau khổ của người trên, để cho ông được yên tĩnh, những lúc ấy, thuộc hạ của ông không ai lai vãng quanh đó. Gương mặt ông già lúc nào cũng cau có, không hề có sắc cười. Có khi ông cúi gầm mặt suy tư bước từng bước một, chốc chốc lại buông tiếng thở dài. Có khi ông hậm hực, bước xăm xăm, gươm cầm tay lăm lăm, miệng lẩm bẩm gì không ai biết, rồi bất thần chém chan chát vào những tảng đá trong sân.
Ban đầu việc ông chém đá chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Nhưng dần dần ông chém đá thường hơn. Một thời gian sau, việc chém đá thành lệ vào mỗi buổi chiều. Ông già cứ tiếp tục dạo sân và nhiều tảng đá cứ dần vỡ ra. Sau khi ông già vào nhà thì một thuộc hạ lại ra dọn dẹp những mảng đá vỡ.
Thấy hành động lạ lạ của ông già, ban đầu có vài người khách qua đường tò mò dừng chân lại nhìn. Rồi mỗi ngày mỗi đông người chú ý theo dõi chuyện đó, nhất là bọn trẻ con, có khi họ tụ tập cả đám đông đến nghẽn đường. Nhưng ông già chẳng bao giờ để ý đến họ. Ông cứ bước, cứ lẩm bẩm, cứ chém, chẳng ngó ngàng đến ai, nhiều khi đến tối ông mới trở vào nhà. Dần dần một cái tên mới người ta đặt cho ông già trở thành thông dụng: "Đả Thạch Ông".


Tuy hành động của "Đả Thạch Ông" có vẻ như điên dại, nhưng người ông vẫn toát ra một vẻ gì oai nghiêm dũng liệt khiến cho những kẻ nghịch ngợm và trẻ con vẫn không bao giờ dám trêu ghẹo đến ông. Rất nhiều người xem Đả Thạch Ông chém đá đến thành ghiền, ngày nào cũng thu xếp thì giờ đến xem.
Một lần, sau khi hậm hực chém bể một tảng đá, có lẽ "Đả Thạch Ông" thấy gươm bị móp mẻ chi đó, ông bước lại một tảng đá khác đặt xuống mài. Hôm ấy mặt trăng lên sớm. Đả-Thạch-Ông mài gươm xong ngước mặt lên chợt nhìn thấy trăng, tự nhiên cảm khái, ông ngâm lên bài thơ Thuật Hoài của chí sĩ Đặng Dung đời Trần:


"Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma!"


Không nhớ vị nào đó đã dịch ra như sau:


"Cuộc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng thất thế ngẫm càng cay
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gội sông trời khó vạch mây
Thù nước chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài dưới nguyệt biết bao rày!"


Có lẽ nỗi đau của người xưa đã quyện lẫn với nỗi đau hiện tại của ông, khiến giọng ngâm của ông trở nên bi tráng lạ thường. Tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng khí hùng nào đã bị uất nghẹn khi thoát ra được đều có thể bốc thấu trời xanh. Cái hơi hướm bi tráng ấy dữ dội đến nỗi những người dân địa phương vốn bất đồng ngôn ngữ, không biết ông già ngâm gì cũng cảm nhận được nỗi đau lòng toát ra từ trong những lời ngâm ấy. Ai nấy đều bồi hồi xúc động...
Đây là lần đầu tiên người dân địa phương nghe ông già lạ lùng này chính thức lên tiếng trong một lúc cảm khái.
Sợ cầu cứu Thanh triều không nên việc, ông Thuyết có thể tìm cách về nước lãnh đạo kháng chiến trở lại, người Thanh phải chiều ý người Pháp, quản thúc ông rất nghiêm ngặt. Ông Thuyết chỉ được tự do trong phạm vi được chỉ định của ông. Mỗi bước ra ngoài của ông đều bị theo dõi quấy rầy ráo riết. Việc này đã đẩy ông Thuyết ngày càng trở nên bất bình thường. Ông không những chỉ phẫn hận giặc Pháp cướp nước mà còn phẫn hận cả người Thanh phản bội đồng minh. Họ đã cam đành bán đứng những lực lượng kháng chiến Việt Nam để vừa lòng người Pháp.
Quá đau khổ, có một thời gian ông Thuyết đã chúi đầu vào tìm quên ở nàng tiên nâu. Nhưng rồi ông lại tỏ ra hối hận quyết chừa, thể hiện qua mấy vần thơ ông làm như sau:


"Thù nước hẹn ngày thề trả sạch
Tuổi già nhiều bệnh quyết lo chừa
Lời gởi nước non khách đồng chí
Thân này dẫu mệt dám đâu lơ!"


Nỗi phẫn hận đã khiến tinh thần ông thêm điên loạn vào những ngày cuối đời. Ông đã chém tả tơi hầu hết những tảng đá trong sân. Người phụ trách việc dọn dẹp không còn tinh thần để làm việc chu đáo nữa. Đá vụn bấy giờ đã rải tóe ra khắp nơi. Nhưng mỗi buổi chiều Đả Thạch Ông vẫn tiếp tục hành hạ chúng...
*
Cả tháng nay, Đả Thạch Ông thấy trong người luôn mệt mỏi. Đã nhiều đêm ông thức trắng, chân tay ông dường như rã rời hết. Nhưng theo thói lệ gần đây, mỗi chiều ông vẫn gắng dạo sân chém đá.
Buổi sáng ấy, Đả Thạch Ông gượng giở tập Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ra đọc giải khuây, bỗng thấy mắt hoa tai ù, ông gục mặt lên sách tạm nghỉ...
- Tướng quân sức khỏe bất an chăng?
Nghe tiếng người hỏi, Đả Thạch Ông ngẩng mặt nhìn ra. Ông thấy hai người lạ dáng vẻ đường bệ đang bước vào. Điều kinh dị là có một người mặc áo hoàng bào, vị kia thì mặc đồ võ quan, đều là kiểu Việt Nam. Đả Thạch Ông cảm thấy bối rối đứng dậy chắp tay vái chào:
- Thuyết này xin thất lễ, không biết quí vị là ai? Đến đây có việc gì dạy bảo?
Hai người khách cũng vái chào đáp lễ. Người mặc hoàng bào nói:
- Một hội một thuyền cả, xin Tướng quân đừng khách sáo! Chắc Tướng quân chưa rõ, ta chính là Hồ triều Thái thượng hoàng Quí Ly đây!
Đả Thạch Ông hết sức kinh ngạc, miệng há hốc...
Người mặc đồ võ quan tiếp lời:
- Vâng, ngài đây chính là Thái thượng hoàng Hồ Quí Ly. Ngài là một vị vua có rất nhiều sáng kiến cải cách đất nước, tiếc rằng lòng trời không giúp nên ngài đành ôm hận bỏ cuộc nửa chừng... Còn tôi là Bùi Bá Kỳ, nguyên Tì tướng của Thượng tướng quân Trần Khát Chân, vị anh hùng đã giết được vua Chiêm Chế Bồng Nga vào đời Trần...
Đả Thạch Ông nhìn hai vị dị nhân kinh ngạc quên cả mời khách ngồi, rồi chợt nhớ ra một điều, ông hỏi:
- Thưa nhị vị, những lời nhị vị vừa nói sao khó tin quá! Theo tôi biết, sau khi Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu sát Thái sư Hồ Quí Ly bất thành thì ông ta bị giết với tất cả đồng lõa. Tì tướng Bùi Bá Kỳ may trốn thoát được chạy sang Tàu. Vậy thì hai vị là kẻ thù không đội trời chung với nhau sao bây giờ lại đi cùng nhau được?
Viên võ tướng xưng Bùi Bá Kỳ nói:
- Những điều Tướng quân nói không sai, nhưng đó chỉ là chuyện ngày xưa. Sau này tôi đã nhận ra những lỗi lầm do sự suy nghĩ ấu trĩ và ích kỷ của mình nên ân hận lắm.
Đả Thạch Ông nói:
- Ngài có thể cho tôi biết ngài đã lỗi lầm như thế nào không?
- Được chứ. Khi tôi cùng Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Thái sư Hồ Quí Ly là chỉ nhắm mục đích cứu nhà Trần thoát khỏi móng vuốt của ông ấy thôi. Nhưng mưu sự bất thành, tôi may thoát thân được trốn sang Trung Hoa. Thật tình lúc đó tôi chỉ mong tìm cái sống chứ có ý nghĩ gì khác đâu. Thế nhưng triều đình Trung Hoa chớp ngay cơ hội này, giả nhân giả nghĩa mềm mỏng dụ dỗ tôi với mục đích khai thác tìm hiểu nội tình Đại Việt để trục lợi. Khi Thái sư họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh liền tiến hành âm mưu chiếm cứ Đại Việt ngay. Đầu tiên họ lượm cái tên bá vơ Trần Thiểm Bình mạo danh con vua Nghệ Tôn để làm con bài. Tôi đã cực lực bác bỏ sự mạo nhận này nhưng vua Minh không nghe. Khi vua Minh định đưa y về nước, tôi lại phản đối thì vua Minh giận dữ đưa tôi đi an trí ở Cam Túc. Tới khi Thiểm Bình bị vua Hồ giết, vua Minh vời tôi trở lại và khuyên tôi hợp tác với họ để kéo quân sang Đại Việt diệt họ Hồ dựng lại họ Trần. Mình ở trong tay họ, nghe dỗ ngon dỗ ngọt mãi, cuối cùng tôi cũng mềm lòng tin họ có thiện chí với nhà Trần thật và theo đoàn quân xâm lăng về nước. Bị chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ" gây hỏa mù nên quân dân Đại Việt mất định hướng, sinh ra chia rẽ. Vì thế, họ Hồ không chống nổi. Nhưng quân Minh vừa chiếm xong Đại Việt liền trở mặt ngầm tìm tiêu diệt con cháu họ Trần đồng thời cho hủy diệt tất cả những văn hóa phẩm của Đại Việt một cách tàn tệ. Họ quyết biến Đại Việt thành quận huyện của họ. Tôi nhắc lại lời ước cũ "phù Trần" nhiều lần nhưng người Minh cứ lơ đi. Vì thế, tuy được phong chức Hữu Tham nghị, tôi hổ thẹn với quốc dân không dám làm việc mà quyết lòng tàng ẩn. Khi có mấy vụ nổi dậy của con cháu họ Trần, người Minh sinh nghi tôi và lại bắt tôi đưa về Kim Lăng. Tôi đã chết ở đây với bao nỗi ân hận tràn đầy, nhất là vụ theo quân Minh diệt nhà Hồ. May khi xuống suối vàng gặp lại Thái thượng hoàng đây ngài cũng thông cảm... nên lòng tôi cũng nguôi ngoai chút ít.
Đả Thạch Ông nghe đến đây liền chắp tay vái khách một lần nữa:
- Kẻ hậu sinh thất lễ quá, xin tha tội cho, xin tha tội cho! Xin thỉnh Thái thượng hoàng ngồi! Xin thỉnh quan Hữu Tham nghị ngồi!
Khách chủ an vị xong, Thái thượng hoàng Quí Ly nói:
- Tướng quân vì việc nước mà đến đây, chịu không biết bao nhiêu cay đắng nhục nhằn mà không kết quả gì. Ta và quan Hữu Tham nghị rất hiểu nỗi khổ tâm của Tướng quân. Tiếc rằng chúng ta không thể giúp gì cho Tướng quân được, thật xấu hổ lắm!
Đả Thạch Ông từ tốn thưa:
- Đây chỉ là việc của tiểu tử, có dám đâu để các bậc tiền bối bận tâm!
Thái thượng hoàng Quí Ly nói:
- Tướng quân nói thế không đúng. Chúng ta đều là người Việt, Tướng quân tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc Việt thì chính chúng ta cũng chịu ơn Tướng quân rồi. Ngoài ra, chúng ta với Tướng quân còn có tình nghĩa đồng hội đồng thuyền nữa: những người cùng vong thân trên đất Tàu. Chúng ta chẳng biết làm gì hơn là xin gởi đến Tướng quân vài lời khuyên vậy.
Đả Thạch Ông nghe qua có vẻ thảng thốt:
- Tiền bối nói sao quả thật tiểu tử không hiểu nổi. Chẳng lẽ tiểu tử cũng vong thân trên đất Tàu? Đau đớn đến thế này sao? Ta tuyệt vọng thật ư? - Ông nấc lên nghẹn ngào, nước mắt ông ứa ra.
Bùi Bá Kỳ nói:
- Tướng quân đừng xúc động! Chết sống là chuyện thường mà!
Đả Thạch Ông sụt sùi uất nghẹn:
- Tiểu tử từng xông pha trận mạc từ thuở nhỏ, vẫn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, há sợ gì chuyện chết? Chỉ hận nỗi là khi ra đi tiểu tử đã thề hẹn quá nhiều, gây bao nhiêu tin tưởng cho mọi người, bây giờ buông xuôi tay trên đất khách âm thầm thế này ư? Tiểu tử tủi hận vì chính mình đã làm cho một dân tộc tuyệt vọng! Ôi non sông! Ôi Tổ quốc! Ai thấu hiểu lòng ta!
Hồ Quí Ly thấy Đả Thạch Ông đang bị xúc động cực điểm thì vói tay nắm lấy tay Đả Thạch Ông lắc mạnh:
- Hãy bình tĩnh đi nào! Hãy nghe ta giải thích! Ở đời vẫn thường lẫn lộn rủi với may. Dù nguyện vọng của Tướng quân không đạt, xin chớ lấy làm buồn, vì đó chính là điều may mắn to lớn cho dân tộc Việt Nam ta!
Đả Thạch Ông chợt cau mặt giận dữ:
- Thật tiền bối làm cho tiểu tử muốn điên lên được! Tiền bối nỡ nào trêu cợt tiểu tử đến thế sao?
Hồ Quí Ly cười điềm đạm:
- Ta đâu dám chà đạp lên nỗi đau lòng của Tướng quân! Ta chỉ nói lên một sự thật. Tướng quân hãy bình tĩnh nghe ta nói đây. Việt Nam ta là một dân tộc đầy sức sống quật cường. Ta đã từng bị Trung Hoa đô hộ ngót một ngàn năm mà vẫn đứng dậy được, Tướng quân có thấy dân tộc nào được như thế chăng? Giặc Pháp từ phương xa đến xâm chiếm nước ta, họ thắng được là nhờ sức mạnh quân sự. Ta phải tạm thời chịu sự cai trị của họ. Nhưng họ da trắng, ta da vàng, phong tục đông tây cũng khác biệt nhau nhiều, họ khó lòng mà đồng hóa ta được. Với tinh thần độc lập mãnh liệt của dân tộc ta, nhất định có ngày con cháu ta đủ sức mạnh đuổi họ ra khỏi nước. Dù có thể muộn màng hơn, nhưng mình tự lực giành độc lập thì mình khỏi nợ ai cả. Tướng quân thấy không?
Ông ngừng lại một chốc, nhìn vào mắt Đả Thạch Ông cho đến khi thấy ông này có vẻ đồng tình...
- Còn nếu Tướng quân cầu viện Trung Hoa, cứ giả sử việc thành đi nhé! Chúng ta hãy tưởng tượng khi quân Trung Hoa ồ ạt đổ sang giúp Việt Nam, đánh bại đuổi được giặc Pháp ra khỏi nước rồi, chuyện gì sẽ xảy đến với nước ta Tướng quân có dự đoán ra chăng? Mối nợ đó dân ta sẽ phải trả đến bao giờ mới hết?
Ông lại ngừng lại nhìn thẳng vào mắt Lão Thạch Ông. Lão Thạch Ông chừng như đang mơ sực tỉnh, ông ta gật gật... Quí Ly lại tiếp:
- Kinh nghiệm qua lịch sử, chắc Tướng quân đã rõ người Trung Hoa chẳng bao giờ thành thật với mình hết. Đời Nam Hán họ mượn cớ cứu Kiểu Công Tiện để tiến quân vào sông Bạch Đằng, may ta có vị anh hùng Ngô Quyền mới giữ được độc lập. Đời Minh họ lại dùng chiêu bài phù Trần diệt Hồ rồi khi thành công thì họ diệt sạch con cháu Trần luôn. Chính ta và quan Hữu Tham nghị đây là nạn nhân của Trương Phụ, tướng lãnh nòng cốt của chiến dịch phù Trần diệt Hồ. Cũng đời Minh, họ mượn cớ phù Lê diệt Mạc để buộc Mạc Đăng Dung dâng đất cống vàng mới tha. Qua đời Thanh họ lại dùng danh nghĩa cứu họ Lê diệt Tây Sơn, khi đoạt được Thăng Long là họ coi vua Chiêu Thống như đày tớ. May lại có vua Quang Trung đuổi họ đi không thì nợ ấy có thể bây giờ ta còn phải trả.
Đả Thạch Ông nghe đến đây thì đổi ra sắc mặt tươi tỉnh:
- Cám ơn tiền bối! Cám ơn tiền bối! Quả thật sự thất bại của tiểu tử là một cơ may của dân tộc Việt Nam. Nếu không, người Trung Hoa cứ ở miết để bảo vệ cho Việt Nam thì quả thật khó nói. Chính tiểu tử lại là người mang tội đầu tiên! Phải! Mấy đời bánh đúc có xương...
Hồ Quí Ly cười:
- Phải, mấy đời bánh đúc có xương... Trung Hoa lúc nào mà chẳng muốn nuốt chửng lấy Việt Nam? Vậy là Tướng quân khỏi tiếc hận rồi nhé! Phải làm sao cho con cháu ta không bao giờ còn ai lầm lẫn nữa. Nếu kẻ nào thấy vận nước suy mà nhờ đến người Trung Hoa giúp đỡ thì chắc chắn đó là kẻ mê mờ, đã có cơ sa chân vào tội bán nước rồi đấy!
Bùi Bá Kỳ cũng cười nói:
- Đúng, kẻ nào dù có thiện ý với dân tộc đến đâu mà nhờ tới tay người Tàu giúp đỡ thì trước sau kẻ ấy cũng trở thành kẻ bán nước. Xin mừng cho Tướng quân! Bây giờ chắc Tướng quân thấy rõ việc cầu viện Trung Hoa thất bại chính là điều đại phước của dân tộc mình chưa? Vậy từ nay Tướng quân hết tiếc hận rồi nhé!
Nhưng lập tức Đả Thạch Ông trở lại vẻ buồn bã cố hữu, nói:
- Đành rằng chuyện cầu viện thất bại đã trở thành điều may mắn, nhưng tiểu tử vẫn còn mang nhiều nỗi oan khuất khác. Như hiện tại trong nước, thánh chỉ nào cũng một "nghịch Thuyết", hai "nghịch Thuyết", những kẻ làm sử, làm văn cũng a tòng gọi như thế, cứ lập đi lập lại làm cho quốc dân nghe thành quen tai. Nhiều kẻ cho tiểu tử là hạng hèn nhát đào ngũ nữa chứ! Như thế làm sao mà tiểu tử vui được?
Hồ Quí Ly nói:
- Tướng quân đừng quan tâm dư luận nhất thời làm chi cho mệt! Người đời sau đứng ngoài cuộc sáng suốt chắc chắn phán xét công bằng hơn. Tướng quân hãy nghe ta hỏi mấy câu thì tướng quân sẽ thấy rõ chân lý ngay!
- Dạ, tiểu tử sẵn sàng chờ nghe lời dạy...
- Có phải Tướng quân đã đánh với Pháp cho đến khi kiệt lực mới chạy sang Trung Hoa cầu viện không?
- Dạ đúng!
- Có phải thân sinh Tướng quân cũng vì nước mà bị tù đày không?
- Dạ phải!
- Có phải nhạc phụ của Tướng quân khởi nghĩa chống Pháp ở Bãi Sậy vang danh một thời rồi thất bại gởi xương ở quê người không?
- Dạ phải!
- Có phải hai người em ruột của Tướng quân đều bỏ chức quan mà khởi nghĩa chống Pháp rồi hiện ở tù hay chết đâu chưa rõ không?
- Quả có!
- Có phải Tướng quân có hai người con một bị giết trong khi bảo vệ vua Hàm Nghi và một tử tiết khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt không?
- Quả có!
- Những cống hiến quá to lớn đối với đất nước như thế, có gia đình nào theo kịp không? Tướng quân phải hãnh diện mới được chứ! Tướng quân lòng son dạ sắt, nhất định người sau sẽ công bằng mà xét cho Tướng quân! Cứ xem Nhạc Phi tức Võ Mục đời Tống, bị chém vì tội khi quân mà vạn thế đều ca tụng lòng trung liệt của người chứ có hiểu lầm đâu? Ngược lại, Tần Cối bán nước thì chỉ làm mưa làm gió được một thời rồi bị vạn thế nguyền rủa. Một số người có thể phán xét lầm hoặc cố tình xuyên tạc, nhưng lịch sử không bao giờ phán xét lầm được. Bây giờ Tướng quân đã thấy phần nào chân lý hiện nét chưa?
Đả Thạch Ông bấy giờ mới nở một nụ cười:
- Tiểu tử cám ơn tiền bối đã mở mắt cho...
- Tuyệt hảo! Tuyệt hảo! Thôi, giờ đây chúng ta tạm giã từ, mình sẽ hội ngộ một ngày gần đây! Bảo trọng! Bảo trọng!
Nói xong hai người khách thong thả đứng dậy đi ra. Đả Thạch Ông cảm thấy lòng thoải mái, muốn bước theo mời giữ hai ông ở lại để tạ ơn một chén rượu. Nhưng Hồ Quí Ly khoát tay đẩy mạnh Đả Thạch Ông một cái:
- Tướng quân hãy trở vào!
Cái đẩy mạnh của họ Hồ làm cho Đả Thạch Ông chúi nhủi, chân trái ông vấp vào một vật gì đó khiến ông giật mình. Ông ngẩng đầu nhìn lại thì chẳng thấy ai nữa cả. Thì ra cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mà Đả Thạch Ông cầm trên tay đã rớt xuống chân trái ông. "Ta đã mộng gặp cổ nhân thì cũng có nghĩa như ta sắp theo chân cổ nhân" - ông nhủ thầm. "Dù cuộc ra đi cầu viện đã hoàn toàn tuyệt vọng nhưng bây giờ thì lòng ta thoải mái lắm! Ta rất vui mừng vì ta đã thoát khỏi cái tội rước voi dày mả tổ. Ôi! Chút nữa ta phải mang danh bán nước muôn đời! Cám ơn trời đất! Cám ơn trời đất!"
Đả Thạch Ông đang vui vẻ thì người đầu bếp bưng cơm trưa lên.
- Chiều nay khỏi bưng cơm lên đây nữa. Ta sẽ tới dùng cơm chung với các ngươi!
Vẻ mặt lầm lì của vị chủ nhân mặt sắt nghiêm khắc biến đâu mất thay vào đó là vẻ cười cởi mở và giọng nói khác thường khiến cho người đầu bếp kinh ngạc hết sức. Y không dám tin vào tai, vào mắt y nữa. Y há hốc miệng:
- Bẩm Thượng quan...
Đả Thạch Ông cười hiền hòa:
- Ta nói thật đấy, chiều nay hãy đem bình rượu quí của ta ra đãi tất cả mọi người, ngươi nhớ nhé! Thôi, cho ngươi lui, bao giờ cần ta gọi.
Người đầu bếp vừa đi xuống nhà dưới vừa lẩm bẩm:
- Ai cũng nói là ông ấy điên rồi, phải chăng bây giờ đến lúc ta điên?


*


Mấy buổi chiều liên tiếp Đả Thạch Ông không ra sân như thường lệ. Những người ghiền xem Đả Thạch Ông chém đá đến loanh quanh một chốc rồi trở về với nhiều thắc mắc, ái ngại cùng ít nhiều bâng khuâng. Họ linh cảm đây là một triệu chứng bất thường...
Không ai có thể tưởng tượng được rằng, trong những buổi chiều đó, Đả Thạch Ông đã ngồi cùng những thuộc hạ tòng vong uống trà nói chuyện hết sức thân mật như cha con. Thật tình mà nói, ban đầu thái độ cởi mở lạ lùng của Đả Thạch Ông làm cho những thuộc hạ còn nghi ngờ, dè dặt lắm. Nhưng qua hôm sau thì mọi ngăn cách giữa họ không còn nữa...
- Ta bình sinh, tánh tình nóng nảy nên dễ bị khích động. Thành ra, trong đời ta đã làm nhiều chuyện nghĩ lại không nên làm. Nóng lòng vì việc nước, ta đã không từ cả những việc hại vua, giết đại thần. Nhưng chuyện ta nhớ sâu đậm nhất là chuyện chém một thằng nhỏ. Ngày kia, trong khi ta đi tuần thì thấy một tên lính gác còn non choẹt, có vẻ lơ đãng, đang nghêu ngao ngâm thơ:


"Việt Nam có bốn anh hùng,
Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu!"


Khổ nỗi tới tiếng "Thuyết ngu" thì thằng nhỏ lại nhấn mạnh, kéo dài ra. Nghe qua, ta giận điên lên, cho lệnh chém đầu nó tức khắc. Khi bị lôi ra chém, mặt mày thằng bé xanh mét, mồ hôi ra nhễ nhãi, nó kêu "mẹ ơi!". Sau này, mỗi lần nhớ lại khuôn mặt ngây thơ của thằng bé ta lại ân hận lắm. Ngoài ra lại có một anh đồ nho nào đó nữa đã làm ra hai câu đối:


"Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết,
Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường".


Ta nghe được là muốn mượn cái đầu của tác giả nó ngay. Nhưng may phước cho anh ta, ta dò tìm mãi không ra được.
Nói xong Đả Thạch Ông đọc lại hai câu thơ trên rồi cười ha hả. Một người thấy ông đang vui vẻ xen vào:
- Thế bây giờ nếu biết được ai là tác giả hai câu ấy là ai Thượng Quan có chém không?
- Không. Bây giờ ta thấy lòng ta phẳng lặng lắm, oán thù tan biến đâu mất cả. Nếu biết được tác giả hai câu đó là ai, ta sẽ bái ông ta làm thầy...
Thế rồi thầy trò lại cùng nhau cười ha hả...
Không ngờ cái không khí thân mật vui vẻ ấy không kéo dài được bao lâu. Mấy ngày sau Đả Thạch Ông lại cảm thấy mệt mỏi... chỉ ưa nằm lì tại giường. Thầy thuốc có đến hốt thuốc cho uống nhưng bệnh vẫn không giảm.
Một hôm, Đả Thạch Ông gọi tất cả người nhà xúm lại quanh giường rồi nói:
- Ta biết trong người ta lắm. Có lẽ ta không còn chung sống với các ngươi bao lâu nữa. Đối với quốc gia dân tộc, ta đã phục vụ hết lòng. Gia đình ta, cha ta, nhạc phụ ta, các em ta, hai con trai ta, rể ta tất cả đều đóng góp, hi sinh tận tụy cho sự sống còn của tổ quốc Việt Nam. Ta rất hãnh diện vì việc đó, không có gì để phải ân hận cả. Nếu ta đối xử nặng tay với những kẻ phản bội, lừng khừng trong việc chống Pháp đều là việc chẳng đặng đừng. Riêng với các ngươi, cũng hi sinh xa rời người thân, lưu lạc quê người vì sự nghiệp cứu nước, ta rất quí trọng. Tuy nhiên, do nóng lòng vì việc nước, đôi lúc ta đối xử với các ngươi không được hòa nhã, đã làm cho các ngươi buồn phiền, mong rằng các ngươi hiểu mà niệm tình tha thứ cho ta. Sau khi ta chết, Thanh triều sẽ không còn quản thúc các ngươi nữa đâu. Ta mong mọi người đều kiếm được công ăn việc làm đàng hoàng và lập được gia đình, tạo được một tổ ấm trên bước đường tha hương... À, ta cũng còn một điều nữa cần nhắc các ngươi: "Nếu kẻ nào muốn cứu nước mà nhờ đến người Trung Hoa thì chắc chắn đó là kẻ mê mờ, đã có cơ sa chân vào tội bán nước rồi đấy!" Đó là kinh nghiệm xương máu của những người đi trước...
Giọng Đả Thạch Ông yếu dần... Sau cùng, người ta thấy ông hơi mỉm cười và ngâm nho nhỏ:


"Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Non nước từ đây mặc gió thu..."
(Thơ Nguyễn Đình Chiểu)


Mọi người nghe nói đều xúc động rơi nước mắt.
Đêm hôm ấy Đả Thạch Ông qua đời. Thọ được 73 tuổi.
Lúc bấy giờ ông Lý Can Nguyên đang chấp chính ở Bắc Kinh cảm thương người trung dũng tiết liệt đã cho xây một ngôi mộ rất lớn và đề bia:


"Nguyễn Phúc Thuyết Ngự Tiền Thân Vương chi mộ".


Những nhân sĩ Trung Hoa thương mến ông Thuyết đã dự phúng điếu rất đông, họ có câu đối như sau:


Thù nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận
Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, bách niên tàn cốt ký Long Châu


(Thù Tây không đội trời chung, muôn thuở danh thơm lưu đất Việt
Giúp vua riêng tìm cõi thác, trăm năm cốt rụi gởi Long Châu).

Ngô Viết Trọng

Các tác phẩm khác của Ngô Viết Trọng

TRẦN KHẮC CHUNG

Ngôi cổ miếu

Chim ơi! Vĩnh biệt sao đành!

Vương Phi Mị Ê

Lý Trần Tình Hận

Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm

Nợ đời

Công Nữ Ngọc Vạn