MỘT MẢNH ĐỜI
Tác giả: Ngọc Anh
Tôi không thích đi học.
Vô lớp, tôi không thể nào tập trung vào những chữ Thầy Cô dạy. Đám bạn bè độc ác bắt đầu gọi tôi bằng “con khùng”. Tôi trốn học, lang thang cho tới giờ mới đi về nhà. Tôi sợ tụi nó quá.
Khi Ngoại tôi biết thì Ngoại không cho tôi đi học nữa vì sợ bạn bè chọc làm tôi buồn. Từ đó trở đi tôi không biết chữ
+++
Tôi thích uống trà vào buổi tối . Loại trà Móc Câu hương thơm tinh khiết tới nỗi phải chờ hơn tiếng đồng hồ sau bữa ăn, khi miệng không còn mùi đồ ăn nữa, mới thưởng thức mùi hương nhẹ nhàng của sen ướp trong trà.
Trà tôi pha trong chiếc ly cao, hình dáng thanh mảnh, có vẽ những bông thược dược màu xanh, xòe những cánh cũng mỏng mảnh. Những cánh bông úp vào nhau như thì thầm trò chuyện, những cánh cong xòe ra ngoài như vẫy tay chào. Cũng có những búp non ửng màu hồng của bình minh rất tươi. Bên trong ly là một cái ly nhỏ, có những lỗ tròn, để đựng trà, với cái nắp cũng vẽ bông hoa rất ngộ. Tôi uống trà khó tánh. Nước phải thật sôi, tráng tách trước cho nóng, chế nửa ly nước sôi, rồi mới bỏ một nhúm trà vô ly nhỏ, đậy nắp để giữ nóng. Trà tôi thích pha vừa vừa, không quá đậm, cũng không quá lợt. Vì vậy tôi phải canh chừng, không để trà ngâm lâu hơn một phút. Nhiều người nói trà phải uống đậm mới ngon, vị ngon của trà từ vị đắng và vị chát để lại trên đầu lưỡi. Tôi không thích vị đắng, đặc biệt với loại trà Móc Câu này, pha đậm quá sẽ mất đi mùi hương rất đổi dịu dàng của sen.
Tôi quen sống cô độc từ thuở nhỏ, có lẽ vì thiếu tình thương của Ba và Má. Nói thiếu tình thương cũng không thực sự đúng, Tôi vẫn có rất nhiều tình thương từ ông bà Ngoại, và bà con họ hàng từ hai bên Nội Ngoại.
Ông bà Ngoại nuôi tôi từ khi mới đẻ. Một tháng tuổi là má đã mang tôi về nhà Ngoại, để cho Ngoại nuôi, để má theo ba đi tùm lum chỗ nào ai mà biết, hồi đó ba làm lính đánh giặc.
Tôi chưa thấy ai thương chồng tới nỗi bỏ con cái mình như má tôi. Mà có phải má bỏ chỉ một mình tôi đâu.
Mẹ bỏ cả sáu đứa con.
Khi Bà Ngoại tôi mất, tôi đau lòng lắm. Má với ba ở Mỹ về thọ tang. Lúc đó tôi cũng đã hơn ba mươi tuổi, chớ có còn nhỏ nhít gì đâu. Nhưng từ thuở 5,6 tuổi, tôi đã bị mang tiếng “con khùng” nên lớn lên, rồi già đi, cái đầu có lưa thưa tóc bạc của tôi vẫn nhỏ xíu như thuở mới 10 tuổi thôi hà. Tôi nhớ hôm đó tôi khóc nhiều, thương Ngoại, nghĩ tới nỗi cô độc khi trên đời không còn Ngoại để thương “con khùng”.
Má về, đòi đem tôi đi qua Mỹ ở với má và ba, vì Ngoại chết rồi, không ai lo cho tôi .
Tôi đâu cần ai lo, từ nhỏ tôi chỉ biết có Ngoại thôi mà.
Tôi khóc, kể lể :“ má đâu có nuôi con, má đâu có thương con, chỉ có Ngoại thương con thôi”.
Má nói má không nuôi nhưng má vẫn gởi tiền về đầy đủ cho Ngoại lo mà.
Má hiểu làm sao khi “con khùng” suy nghĩ, tiền của má gởi về đâu có mang tình thương của má về cho con cái . Đẻ đứa nào, má quăng đứa đó cho Ngoại nuôi. Chị tôi vừa mới sanh hai tuần, má đã giao Ngoại, để đi theo ba.
Ngoại nhận lãnh đứa cháu đỏ hỏn non nớt như cọng cỏ non dưới ánh mặt trời . Rồi má đẻ tôi, má cũng thảy cho Ngoại, rồi đi mất tiêu.
Hồi 3, 4 tuổi gì đó, tôi thường xuyên bị nhức đầu. Tối ngày hở ra là tôi ôm đầu khóc:
“Ngoại ơi, đầu con đau”. Tôi khóc nhiều lắm, ngủ không được, Ngoại kể.
Khi cậu Mười lo lắng, nhắc với Ngoại đem tôi đi bác sĩ thì đã hơi muộn. Bác sĩ khám phá tôi bị bịnh đau màng óc. Ngoại phải đem tôi vô nhà thương để mổ, đầu tôi bị cạo trọc lóc.
Nhưng vì tôi nhỏ quá, nhà thương không dám mổ. Họ cho thuốc để trị .
May sao, tôi bớt lần. Nhưng có cái gì đó không ổn trong bộ óc nhỏ xíu.
Tôi không thích đi học.
Vô lớp, tôi không thể nào tập trung vào những chữ Thầy Cô dạy. Đám bạn bè độc ác bắt đầu gọi tôi bằng “con khùng”.
Tôi trốn học, lang thang cho tới giờ mới đi về nhà. Tôi sợ tụi nó quá.
Khi Ngoại tôi biết thì Ngoại không cho tôi đi học nữa vì sợ bạn bè chọc làm tôi buồn. Từ đó trở đi tôi không biết chữ, mà cũng không cần biết chữ, vì đi học cứ bị kêu “con khùng” hoài làm sao ưa.
Tôi thù trường học từ đó.
Ngoại tôi cứ phải qua nhà hàng xóm mắng vốn cha mẹ tụi nó :
“Nó khùng mà nó có qua nhà mày ngồi trên bàn thờ nhà mày không? Nó khùng mà nó có đốt nhà mày không?“.
Đó là những lời Ngoại kể, chớ tôi có nhớ gì.
Càng ngày tôi càng sợ những đứa hàng xóm cùng tuổi với tôi. Với lại, tụi nó cũng không thèm chơi với “con khùng”. Rồi má sanh thêm em kế, rồi em kế , rồi em kế nữa. Má cũng thảy con cho Ngoại nuôi. Sáu đứa, Ngoại chăn không nổi. Ngoại đâu rượt nổi bầy cháu phá phách, mỗi năm ngoại mỗi già. Vậy là Ngoại đem ba đứa em tôi sang nhờ bà Nội tiếp nuôi. Chị em lại phải chia hai, xa cách nhau.
Nhà Ngoại khá giả, nên ăn uống dễ dàng. Ở nhà Ngoại , bữa ăn nào cũng thừa mứa cơm canh đồ ăn.
Lâu lâu tôi cũng được Ngoại đưa qua thăm Nội vài ngày, để chị em tôi gặp nhau. Tôi không thích nhà Nội như nhà Ngoại. Mỗi lần tới tôi hay bị đói vì nhà Nội cũng giàu mà sao bữa ăn, Nội dọn ra mỗi món ăn đều có chút xíu, tôi không dám gắp đồ ăn, cũng không dám bới cơm. Gia đình Nội người Huế. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là cách sống trưởng giả của người Huế, tôi không thương Nội nhiều như thương Ngoại.
Má tôi chắc không bao giờ nghe những lời Ngoại tôi nói “con không có cha có mẹ ở gần, ai cũng chửi mắng, cũng ăn hiếp được”.
Chắc tôi thành “con khùng” cũng vì bị người người chửi mắng.
Ngoại thương tôi lắm. Cứ nhớ tới Ngoại là tôi khóc không ngăn được. Không có tình thương của bà Ngoại với ông Ngoại, chắc tôi không phải là “con khùng” mà tôi đã chết từ lâu rồi. Má làm sao hiểu, tôi thèm khát hai tiếng má ơi ngọt ngào.
Hồi đó má với ba đã qua Mỹ sống rồi.
Ngoại chết, tôi sống bơ vơ với mấy chú thiếm và ông Ngoại. Dù chú thiếm thương yêu đùm bọc, dù còn ông Ngoại, tôi cũng buồn lắm. Mấy đứa em tôi lớn lên, lấy vợ lấy chồng. Ở chung với em trai, tôi bị vợ nó ăn hiếp, chắc tại nó thấy tôi “khùng”!
Có bữa tôi đi chơi vòng vòng về trễ, vợ nó liệng chén đá bát. Thôi thì tôi mua cái nồi nhỏ, mỗi ngày tự đi chợ nấu cơm nấu canh ăn một mình để khỏi làm phiền ai. Mười năm sau đó má về Việt Nam hoàn tất giấy tờ để đem tôi qua Mỹ. Tôi không muốn đi chút nào.
Ở Việt Nam, tôi còn có ông Ngoại. Ông Ngoại già lắm rồi. Dù mấy đứa cháu tôi cũng chăm lo cho Ngoại, nhưng biết có lo đầy đủ không?. Tôi vẫn nấu cơm nước cho ông ngoại mỗi ngày từ khi bà Ngoại tôi mất. Ông Ngoại già yếu lắm rồi, đi phải chống gậy .
Năm nay tôi bốn mươi lăm tuổi, nghe chị tôi nhắc chớ tôi đâu biết đếm số gì đâu. Trong gia đình chị em ai cũng thương tôi vì biết tôi bịnh mà.
Chị tôi đã có hai đứa con vô đại học, em kế tôi cũng đã có ba đứa con, em trai em gái đều đã có vợ có chồng, chỉ còn có tôi vẫn là “con khùng“.
Ngày má từ Mỹ về, dắt tôi đi phỏng vấn, tôi vẫn ao ước giấy tờ bị xù, để tôi được ở lại với ông Ngoại. Tôi trả lời rất khùng như họ hỏi tôi thủ đô của nước Việt Nam là gì, tôi trả lời là Saigon”, họ hỏi thủ đô nước Mỹ là gì, tôi nói “ Tui hỏng biết, làm sao tui biết khi tui chưa ở Mỹ , mà thủ đô là cái gì?“ Họ tách rời má với tôi khi phỏng vấn nên tôi tha hồ quậy hồ sơ. Khi họ hỏi 100 đồng trừ 3 đồng thì còn lại là bao nhiêu, tôi lẩm nhẩm, rồi trả lời “tui hỏng biết”.
Họ gởi tôi qua bịnh viện Chợ Quán để khám, lý do trí thông minh của tôi không được bình thường Đi Chợ Quán thì đi, tôi đâu có muốn đi Mỹ. Ở Chợ Quán họ cũng quay tôi hầm bà lằng xắn cấu. Họ hỏi tới biên giới nước Thái nước Miên gì gì đó, tôi chớ có biết, nhưng khi họ hỏi một đồng tiền đô la Mỹ bằng bao nhiêu đồng tiền Việt Nam thì tui sùng lắm, trả lời bằng một bao bố tiền Việt chớ nhiêu.
Vậy mà không hiểu tại sao, hồ sơ bảo lãnh của má cũng đi chót lọt, và bây giờ tôi đang ở Mỹ. Mấy người kia họ nói “người ta được đi Mỹ thì cười, còn tôi đi Mỹ sao tôi lại khóc?”
Tôi nhớ Ngoại quá, nhớ ông Ngoại còn sống lẫn bà Ngoại đã mất.
Bây giờ tôi đang sống với ba má, có đầy đủ tình thương tôi đã từng thèm thuồng ao ước từ hồi còn nhỏ, mà sao tôi cứ khóc hoài.
Ở đây buồn quá hà. Tôi muốn trở về Việt Nam, nơi đó tôi còn có ông Ngoại để nấu cơm cho Ngoại ăn, tôi còn được đốt cây nhang trên mả bà Ngoại, tôi còn được chạy lên chạy xuống chỗ này chỗ kia, ở đây tôi như ở tù.
Lâu lâu tôi gọi điện thoại về Việt Nam để nói chuyện với ông Ngoại tôi. Ngoại ưa hỏi
”Con vui không, ở với ba má sướng quá hả con”.
Tôi nói “Dạ con vui lắm“.
Tôi nói vậy trong điện thoại , nhưng nước mắt chảy ròng ròng, Ngoại đâu có thấy.
Tôi nhớ bà Ngoại quá trời. Nhớ hồi đó ngoại cứ kể đi kể lại nhiều chuyện hồi nhỏ, để tôi đừng có quên, vì Ngoại nói dây thần kinh của tôi bị yếu, sợ ngày nào đó tôi không nhớ tôi là ai….
Ngoại kể lúc tôi còn nhỏ ưa bịnh lắm. Sau khi chữa xong bịnh đau màng óc, tôi yếu lắm. Cả nữa người bên phải của tôi gần như bị liệt, cầm cái gì rớt bể cái đó. Ngoại đã đút cho tôi từng muỗng cơm, tắm rửa cho tới khi tôi 12 tuổi. Tới giờ hai bàn tay của tôi cũng bên nhỏ bên lớn, chân tôi đi cũng còn hơi khấp khểnh, nửa bên đít cũng hơi teo. Tôi chỉ mới biết cầm đũa ăn một mình khoảng từ mười năm nay thôi. Tại lớn rồi, hỏng lẽ đi đâu chơi, có ăn uống, mà không biết cầm đũa ăn sợ người ta cười.
Tôi cũng có vài bạn lúc còn nhỏ, mấy đứa hàng xóm đó. Tụi nó đi đâu có rủ tôi đi theo cũng cực lắm vì tôi ngồi hay bị té. Chắc cái gì đó trục trặc trong đầu tôi nên tôi không ngồi vững được. Tay chân tôi có nhiều vết sẹo vì té ngã. Nhiều khi bị té chảy máu, tôi chun lên lầu trốn Ngoại. Ngoại thương, không bao giờ đánh đòn. Khi tôi lì quá, phá phách quá, hay nhõng nhẽo quá, Ngoại réo ông Ngoại “ Nó lì quá, ông quánh nó vài roi cho tui”.
Vậy mà khi nghe tiếng tôi ré lên khóc là Ngoại quính quáng chạy ra la: “Sao ông quánh nó?.”
Ông Ngoại lắc đầu” Thì bà biểu… ”.
Lớn lên, từ từ bạn bè tôi đều xa lánh tôi.
Cũng phải mà, đứa có chồng, đứa đi học, đi làm ăn xa, đi xuất ngoại. Chỉ có tôi là không ai thèm cưới. Bi giờ tôi chỉ có những bà bạn già năm, sáu chục tuổi . Hồi Ngoại còn sống, Ngoại cũng ưa nói với tôi :” Thôi con, lấy chồng làm chi, cực khổ lắm”. Tôi nghĩ chắc Ngoại nói đúng, tôi không thích lấy chồng đâu, sống như vầy sướng hơn.
Ở đây tôi buồn quá!.
Má gởi tôi theo chương trình của những người chậm phát triển.
Tôi được cô giáo tới rước mỗi buổi sáng từ nhà, cùng với mấy người bạn cũng bị chậm phát triển như tôi, đi vòng vòng chơi để học hỏi và biết đời sống bình thường của những người bình thường. Tôi cảm thấy vui hơn vì cô giáo tôi vui lắm, lại thương tôi. Mấy tháng đầu khi mới theo ba mẹ qua đây tôi nằm ở nhà khóc suốt ngày.
Má không dám cho tôi về Việt Nam chơi, chắc má sợ tôi “đào ngũ luôn“.
Hôm nào tôi nói chuyện với ông Ngoại, xong điện thoại, tôi ưa nằm khóc vì nhớ Ngoại.
Bà Ngoại chết đã muời năm rồi.
Ngày chôn bà Ngoại, ông Ngoại đòi làm hai mộ bia, một cái cho bà, một cái cho ông, đặt kề bên. Phải chừa một lỗ nhỏ, vừa đủ chỗ để chôn cái bình tro của ông Ngoại khi ông chết, thiêu xác, phải chôn bình tro này sát bên cái hòm của bà Ngoại.
Tôi nhớ hồi bà Ngoại còn sống, bà ưa nói với ông Ngoại “Tui muốn chết trước ông, để ông coi sóc mồ mả của tui” .
Bà chết, ông cũng như héo hắt chết theo.
Không có tôi, ai lo cơm nước cho Ngoại bằng tôi! Tôi cũng biết đi chợ, biết nấu cơm mà. Mấy đứa cháu nó ham vui, có nhớ gì tới ông Ngoại già không?. Tôi lại khóc.
Mai mốt rành đường đi nước bước, tôi sẽ mua vé máy bay, bay về với ông Ngoại.
Tôi nghĩ là tôi sẽ làm, má chờ coi, má đừng hòng nhốt tôi như nhốt tù.
Sao má không cứ sống với ba, như hồi đó, tôi còn nhỏ. Có Ngoại mà, tôi đâu có thiếu tình thương.
Ly trà đã nguội ngắt, nhưng mùi hương sen vẫn còn thoang thỏang bay trong không khí như dẫn đường tôi về với Ngoại.
NGỌC ANH