Qua Cơn Hồng Thủy
Tác giả: Ngọc Loan
Sinh ngày 5/8/1941 tại Hà Nội
Cựu nữ sinh Trưng Vương
Cựu Giáo sư Gia Long
Đậu cử nhân Văn Khoa Sài Gòn 1966
Đã xuất bản 2 tập "Thơ Nguyễn Lê"
và tập truyện ngắn "Chồng Con" cùng với chồng là Song Thuận
_______________
Biến cố 1975 đúng là một cơn hồng thủy. Nó cuốn trôi cả xã hội Việt Nam vào dòng nước xoáy xuống vực sâu thăm thẳm... Gia đình tôi cũng cũng không thoát khỏi cơn hồng thủy đó nên đã phải lênh đênh trôi dạt trên biển Đông, để tìm đường sống từ cõi chết.
Chuyến hành trình biển Đông bắt đầu vào tháng 6/1980. Tôi dắt ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất lên 10, bé nhất lên 5, và một thằng cháu con của ông anh lớn xuống thuyền... Chủ tầu dặn trước : mỗi người chỉ được mang theo một bộ quần áo, tuyệt đối không được mang theo đồ kềnh càng, ăn uống do chủ tàu lo. Cẩn thận tôi mang theo một ít cơm nắm thịt ruốc, sợ các con tôi đói dọc đường. Tôi còn khâu vào bộ quần áo mang theo của chúng mấy chỉ vàng, phòng hờ chẳng may bị thất lạc, chúng có vật tùy thân.
Giờ đổ người lên thuyền bất ngờ vào giữa trưa, khác với những chuyến trước thường là vào ban đêm. Việc đổ người xảy ra thật nhanh, thật gọn, khiến tôi choáng váng đến ngộp thở, không nhận biết được gì.
Phút chốc tôi thấy mình bị đẩy lên thuyền vượt biên với ba con. Cùng lúc, có tới 4 hay 5 ghe nhỏ khác đổ thêm người lên thuyền. Sau đó, chúng tôi bị đẩy xuống khoang thuyền, rồi mấy người tổ chức vượt biên phủ lưới lên trên, ngụy trang thành tầu đánh cá.
Ngồi trong khoang, tôi quan sát chung quanh. Thuyền này rất nhỏ, bề ngang chỉ độ một mét, bề dài hơn mười mét, lòng khoang hẹp ghép bằng những miếng ván và có những thanh gỗ đóng ngang cạnh thuyền cách nhau nửa mét. Phía trên chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ. Về sau tôi mới hay máy tầu chỉ có 3/4 mã lực và có tới ba mươi người lớn nhỏ "xếp cá mòi" trong thuyền.
Mấy người khoẻ mạnh bắt đầu lấn áp mẹ con tôi khiến chúng tôi ngộp thở vô cùng. Đứa út còn quá nhỏ cứ đòi ngồi trên lòng mẹ, các đứa khác ngồi trên những thanh lườn thuyền than khóc không thôi. Tôi phải cố nuốt lệ, cố tìm lời dỗ dành khuyên bảo chúng. Sau một ngày vật lộn với sự chen chúc và sóng gió, các con tôi đều mệt lả thiếp đi. Còn tôi phần vì lo lắng, phần sở hãi nên cứ trơ trơ ngồi canh chừng trong tư thế khó chịu, đau đớn vô cùng.
Đến tối thuyền bỗng nhiên ngưng chạy. Hỏi ra mới biết vì máy yếu, trở quá nặng nên không chịu nổi. Ngặt một nỗi, thuyền chưa ra hỏi hải phận nên ai cũng sợ bị tầu Việt Cộng bắt lại thì chỉ có nước ngồi tù cả đám. Trong lúc người lái tầu sửa máy, đám thanh niên leo hết lên boong thuyền tìm chỗ nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi, thay vì ở dưới khoang phụ tát nước. Họ để máy dùng tát nước chạy phun khói mịt mù.
Vợ con chủ tầu an nhiên tọa hưởng trên cabin, chỉ khổ cho trẻ con và những bà mẹ như chúng tôi phải chịu cực hình xông khói. Chị bạn tôi thấy con cái ngộp thở, ho sặc sụa, van xin chủ tầu tắt máy mãi không được, chị bèn nguyền rủa, chửi bới om xòm về sự vô nhân đạo và việc làm tắc trách của chủ tầu.
Bọn chủ tầu và thợ máy không những không nghe, họ sẵng giọng mắng xuống : "Mấy bà im mồm đi ! Trước tụi tôi cần vàng nên mới đưa mấy bà đi. Bây giờ không cần nữa, con mấy bà có chết cứ việc liệng xuống dưới biển, đừng có la lối."
Tôi biết nếu để tình trạng này kéo dài vài giờ nữa lũ trẻ sẽ chết ngộp do hơi độc carbon tỏa ra. Bản năng tự vệ nổi lên, tôi vẹt mọi người ra leo lên boong, dõng dạc : "Tôi xin lỗi tất cả các anh đi học tập có mặt trên tầu vì việc tôi sắp làm có thể nguy hại đến các anh. Tôi đứng đây chờ tầu hải quân Việt Cộng đi qua sẽ la to cho họ đến bắt. Giải cứu các con chúng tôi trước để khỏi bị chết ngộp, việc tù đầy tính sau. Tính mạng trẻ con là trên hết ! "
Do lời nói cứng cỏi và ý trí mãnh liệt của tôi, bọn họ đành phải bàn tính lại. Rồi họ tắt máy tát nước, cho hết các trẻ con lên boong, các bà mẹ cùng lên theo, còn các thanh niên xuống cùng thay phiên nhau tát nước. Gần sáng máy chạy được, tầu thoát ra khỏi hải phận. Thật hú hồn !
Song, "Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai ". Đi được hơn một ngày, chúng tôi gặp ngay một tầu hải tặc Thái Lan. Vừa thấy tầu cướp, chủ tầu vội ra lệnh tất cả đàn bà trẻ con xuống hết khoang thuyền. Bị bít bùng, chúng tôi không hay biết chuyện gì xảy ra ở trên. Chỉ biết rằng chúng tôi sợ gần chết, vì đã từng nghe chuyện kể lại thế nào là hải tặc Thái Lan : Cướp của, giết người không gớm tay, hãm hiếp phụ nữ thật dã man...đều là nghề của bọn này !
Bỗng có lệnh gọi mọi người lên boong hết. Ba, bốn tên cướp súng dắt bên sườn, tay khoa mã tấu sáng láng. Chúng xuống khoang lục soát kiếm vàng. Rồi chúng lên bắt mọi người cởi hết quần áo để chúng khám xét. Bao nhiêu nhẫn vàng và đồng hồ đeo tay đều bị chúng lột hết.
Lùng sục xong trong khoảng một tiếng đồng hồ, chúng ra lệnh chúng tôi qua tầu chúng. Trong cơn giục giã, xô đẩy hỗn loạn của bọn cướp tôi cũng bị kéo qua tầu chúng. Trẻ con thì bị thẩy qua như thẩy banh.
Nhìn lại, tôi thấy bị mất sạch hành lý trong có dấu mấy chỉ vàng, nhưng thấy còn đủ ba đứa con, tôi mừng rỡ chạy lại ôm chúng khóc nức nở.
Tôi len lén nhìn bọn hải tặc. Trời ơi! Chúng dễ sợ quá : đầu quấn khăn, mình để trần nhễ nhại mồ hôi quấn mỗi cái sà-rông, tay lăm lăm mã tấu, trông như những quái vật đầu người mình thú. Tôi lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra và nghĩ thôi đành phó mặc cho số mệnh.
Nhưng bọn hải tặc cho chúng tôi ăn. Các con tôi sung sướng lắm vì đã hai, ba ngày nay từ lúc lên tầu đã bị đói khát. Những nắm cơm đi đường ít ỏi chúng đã ngốn sạch. Từ trước khi leo lên tầu chủ tầu có hứa lo đồ ăn đồ uống, nhưng họ làm ngơ.
Tối đến nằm trên boong tầu hải tặc, tôi ôm chặt lấy đứa út và không ngớt cầu nguyện xin ơn trên ban phước lành cho các con tôi. Chợt tôi nhìn sang đứa con gái lớn 10 tuổi đang ngủ say, tôi sợ hãi và hối tiếc đã không cho nó mặc đồ giả trai. Chưa kịp nghĩ xa hơn thì những ánh đèn pin loang loáng rọi đến chỗ chúng tôi nằm. Một cô gái bị đánh thức dậy và đưa lên phòng lái. Rồi cô thứ hai, thứ ba... Họ là những cô gái tuổi xanh mơn mởn ! Tôi rùng mình sợ ánh đèn pin chiếu đến con gái tôi. Tôi thầm khấn xin cho tôi thay cháu làm vật tế thần nếu có chuyện gì xảy ra, đừng để con tôi phải chịu đọa đầy. Cả đêm hồi hộp lo âu, tôi không tài nào chợp mắt. Cũng may, bọn chúng chỉ bắt những cô gái trẻ lên để hành lạc chứ không man rợ hãm hiếp phụ nữ ngay trước mặt chồng con họ khiến cho vợ phát điên, chồng tự vẫn vì phải mục kích những cảnh kinh hoàng khủng khiếp đó, như các tầu hải tặc khác.
Sau đêm thỏa mãn thú tính, sáng ra hải tặc đuổi chúng tôi về tầu cũ đã bị cướp sạch những gì có thể cướp được và bị phá nát máy tầu để tìm vàng. Thế là chúng tôi lênh đênh trên biển cả, không có chút đồ ăn nước uống.
Sáng sáng tầu theo dòng nước trôi ra khơi, tối tối được sóng đánh dạt vào phía bờ ! Thấp thoáng như có bóng đảo Côn Sơn. Trong tình huống tuyệt vọng này, ai cũng mong được trôi dạt trở về. Tù tội cũng cam lòng.
Tội nghiệp các con tôi, mới ngần ấy tuổi đã chịu cực hình ngồi bó gối trên những thanh gỗ nhỏ gồ ghề, chịu nhịn đói ngày này qua ngày khác, và chịu đọa đày nóng thiêu đốt ban ngày, lạnh cóng xương ban đêm. Mỗi khi trời mưa chúng tranh nhau ra phía cửa khoang, ngửa miệng hứng từng giọt. Nhiều lúc chúng nức nở kể lể : "Sao mẹ bắt con phải đi khổ sở như thế này. con thèm nước đá chanh quá. Con thèm bát cơm rang quá !" Rồi chúng thay nhau kể ra những món chúng ưa thích : nào xá xị, hủ tíu, nào chè cháo, bánh bao...! Nghe chúng than khóc, kể lể chủ tầu nạt lớn : "Im mồm chúng mày đi ! kể lể làm tụi tao cũng bắt thèm luôn." Tôi vừa buồn cười, vừa giận bọn chủ tầu nhưng phải cố gắng trấn an các con với viễn vọng huy hoàng ngày mai này !
Nói sao hết nỗi đói khát, cơ cực giữa lòng biển cả mênh mông ! Nước biển tràn đầy xung quanh nhưng chúng tôi vẫn khát. Cá bơi lội ê hề nhưng chúng tôi vẫn đói. Đứa con gái lớn nói : "Con không chịu nổi nữa đâu. Thôi con nhảy xuống biển chết đi cho khoẻ." Tôi phải ôm nó vào lòng dỗ dành, đã hết lời mà nó cứ làm tới, tôi dọa lại : "Con thử nhảy xuống xem nào." Nó ấm ức : "Con phải được uống một ly nước cho đã thèm rồi con mới nhảy xuống được." Tôi mỉm cười : "Nếu có một ly nước, mọi chuyện thay đổi ngay. Con ráng đợi ly nước đó nhe con."
Mấy đứa con tôi lịm dần trong cơn mê vì đói khát lả người. Chúng như không còn cảm giác, lúc tỉnh lúc mê và đang đi dần vào một thế giới nào khác. Nhìn chúng, niềm đau lòng làm thắt ruột gan tôi. Tôi bỗng thù hận tất cả. Hận Cộng Sản đẩy người dân vào đường cùng đến nỗi phải liều mạng với biển rộng trời cao để tìm tự do. Hận đồng hành vô tình, ích kỷ, chèn ép mẹ con tôi. Hận cả chính mình, ngu muội và bất lực, không bảo vệ được con mình. Tôi hận, hận tất cả.
Sang đến ngày thứ 14, tình trạng các con tôi tệ hại vô cùng. Chúng lở lói, thân hình nhơ nháp những phân và nước tiểu, thê thảm khôn cùng ! đứa út còn tệ hại hơn, vừa đói khát vừa kiết lị nên khô đét như nắm xương bọc da nhăn nhúm, nằm thoi thóp nửa tỉnh nửa mê...
Đang lúc quá thất vọng. Bỗng có một tầu đánh cá Thái Lan xuất hiện. Cả tầu lại xôn xao, mọi người không còn gì để mất nên không sợ hãi như lần trước nữa. Tất cả chỉ mong được thức ăn nước uống... rồi chết cũng cam tâm. Để làm mủi lòng ngư phủ tầu Thái, vài người vội bồng con gái út bé nhỏ của tôi giơ cao lên đưa hướng về họ. Tội nghiệp con bé thoi thóp thở trong chiếc hình hài chẳng giống người.
Tầu ngừng lại, nhìn qua và có lẽ thấy cảnh tượng thương tâm đó nên cứu mọi người. Khác với bọn hải tặc lần trước, họ rất tử tế thòng dây qua giúp từng người sang hết tầu họ, bỏ lại con tầu ọp ẹp của chúng tôi sắp chìm trong sóng biển. Kiểm được đầy đủ các con an toàn trên tầu đánh cá rộng lớn, tôi mừng như chết đi sống lại. Mọi người được cho ăn uống no nê. Trẻ con được uống cả nước ngọt và sữa nữa. Tôi xin một ly sữa, nhỏ từng giọt vào miệng con út, nhưng cháu rất yếu chỉ thều thào nuốt được vài ba giọt.
Hỏi thăm tôi được biết ông chủ tầu Thái này trước đây đi đánh cá từng bị công an Việt Cộng bắt, may gặp một bà mẹ Việt Nam cứu thoát nên nay muốn trả ơn xưa.
Tầu vào gần đất liền, ông cố gắng tìm một làng đánh cá hẻo lánh và trong đêm đó chuyển lậu chúng tôi lên bờ. Xong vội vã ra khơi để tránh liên lụy vì chính phủ Thái và nhiều nước lúc đó không nhận cho người tị nạn Việt Nam vào.
Chúng tôi nằm ngủ thiếp đi dưới những gốc dừa. Sáng dậy thấy dân địa phương khám phá ra kéo đến xem chúng tôi. Cảnh thê thảm tang thương của đoàn người lưu lạc, sa cơ thất thế làm họ thương cảm sụt sùi. Rất tử tế, họ mang cho chúng tôi từng nải chuối, trái dừa, khoai bắp luộc...đượm thắm tình người. Sau đó chúng tôi được đưa đến trại cảnh sát Thái, được ở tạm trong khu chuồng bò để chờ Hồng Thập Tự Quốc Tế đến, và được cấp gạo, cá khô...
Mọi người sung sướng ăn uống no nê. Riêng con gái út tôi kiệt sức vì kiết lị và mất nước nên nằm thoi thóp, rúm ró trong bọc vải. Chắc nó không sống nổi ba ngày nữa chờ Hồng Thập Tự đến giúp. Tôi vội hỏi mượn đám chủ tầu ít tiền để ra ngoài mua sữa cho cháu nhưng họ làm ngơ, lén lút dúi tiền cho con cháu họ mua quà bánh ăn. Túng quá, tôi ôm cháu ra ngoài chợ, mong dân địa phương thương hại để xin một hộp sữa cứu sống cháu. Vừa đến cổng trại gặp ông Đại Úy Thái Lan cụt chân vẫy lại hỏi tôi đi đâu. Tôi nói đi ra chợ xin hộp sữa cho con và mở cái bọc vải để lộ thân hình bé tí teo. Ông ứa nước mắt, nói không có sữa, rồi cho tôi 20 Bath tiền Thái Lan mà đi mua. Nhờ có 20 Bath (vừa đúng 1 đô la Mỹ) Tôi mua một hộp sữa, ít chanh, đường về pha cho cháu uống. Cháu từ từ hồi sinh, ba ngày sau Hồng Thập Tự đến, con tôi đã thoát khỏi ách tử thần.
Chúng tôi được chuyển đến trại tị nạn Song Kha và sau đó được chồng và hai đứa con trai lớn đã vượt biên năm trước bảo lãnh sang định cư tại Mỹ.
Cơn hồng thủy đã tràn vào nước tôi dìm bao nhiêu người dân lành xuống biển Đông? Đã hơn hai mươi năm trôi qua, chuyện kể vượt biển Đông vẫn như vừa mới hôm qua. Phải trải qua đói khát khổ đau, ô nhục và nước mắt thấy hết sự chịu đựng bền bỉ của những con người đành bỏ lại tất cả mà ra đi. Và trong kinh hoàng tuyệt vọng có những vị cứu tinh xuất hiện như những bông hoa nhân ái nở giữa biển khổ trần gian.