watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Áp thấp - tác giả Ngọc Nhung Ngọc Nhung

Áp thấp

Tác giả: Ngọc Nhung

"Mới áp thấp thôi, có phải bão đâu mà con lại lo quá như thế"- Tiếng mẹ đứt quãng. Anh chợt bàng hoàng nhận ra lâu nay mình đã sống vô tâm đến nhường nào.
Áp thấp đổ bộ vào Miền Trung, Hà Nội cũng chuyển mình trong những cơn mưa nắng thất thường. Nắng loá lên ngay đấy rồi đất trời lại mù mịt tối sầm trong những làn mưa bỏng rát, âm u. Chưa phải bão để cây đổ ngổn ngang chặn đường về nhà, nhưng cơn trở chứng của đất trời cũng khiến lòng người bất an.
Không kìm được lo lắng, anh gọi điện ngay về quê để hỏi thăm mẹ. Căn nhà ba gian tuềnh toàng mọc chênh vênh phía biển. Gió thốc phía nào cũng nham nhám vị cát. Tiền anh gửi về sửa nhà, mẹ cũng cất đi bảo để dành cho anh cưới vợ.
Bao lần anh đã muốn về đón mẹ ra HN để tiện chăm sóc nhưng mẹ thì không thể xa cái góc nhà ấy một lần, mặc cho mưa, mặc cho bão. Dọc doi cát miền Trung, có mùa nào không bão, những cơn áp thấp ở biển cũng dữ dằn như muốn dỗi hờn, hằn gắt. Và thế là bao lần anh chặc lưỡi, mẹ đã ở quê bao năm có sao đâu. Từ ngày cha mất, mẹ vẫn thui thủi một mình cũng có sao đâu. Không phải vì anh không muốn đưa mẹ ra Hà Nội mà vì mẹ nhất quyết không chịu ra đấy chứ.
Nhưng sao tiếng mẹ đứt quãng trong điện thoại. Rồi bị chen lấp bởi ngàn vạn tiếng mưa xối xả, có khi xa lắc lơ như đang có một cơn lốc xoáy cuồn cuộn thổi bạt góc nhà chỗ mẹ đứng. Giọng miền Trung nằng nặng, mẹ báo vẫn bình yên.
Bao lần rồi, gọi điện về nhà vẫn là bình yên.
Suốt thời kỳ anh học ngoài Hà Nội, ở nhà đã xảy ra bao nhiêu chuyện, nhưng gọi về, mẹ vẫn bảo "bình yên". Nào chuyện thằng Út đi bạn lần đầu gặp phải cơn bão số 4, tàu đánh cá neo ngoài khơi suốt 2 tuần, cạn kiệt lương thực. Ở nhà tưởng Út đã mất tích, chị Cả đã chạy ra bờ biển, khóc lên ngã xuống, bố rụt rè muốn gọi điện báo cho anh về. Nhưng mẹ gạt đi vì vẫn tin rồi bão sẽ tan và Út sẽ về. Quả là Út trở về thật. Chuyện lớn là vậy, mà gọi về hỏi chuyện, mẹ vẫn cho đó là một việc rất đỗi may mắn và rằng ở nhà Út bình yên, không sao hết.
Rồi đến chuyện cái chân của bố bị sứa cắn bỏng rát nhưng bố không giữ gìn lại cứ thế đi biển vậy là uốn ván nằm trong bệnh viện cả tháng trời... Giá hồi đó cô bạn gái không gọi điện giục về thì anh vẫn yên lòng ở ngoài HN, thanh thản nghĩ bố ở nhà vẫn đi biển, mẹ vẫn chiều chiều ngồi vá lưới, tàu về lại theo các cô các dì tranh nhau "xí phần" những mẻ cá tươi ngon nhất. Như bao nhiêu năm nay vẫn vậy.
Bao nhiêu năm nay, bạn bè cùng cơ quan bảo anh là người tốt bụng, "biết điều". Ngoài cậu bạn nối khố ở quê, anh giữ mình để không quá thân thiết với ai. Anh cũng biết lựa cách xử thế để người xung quanh không ai phải mất lòng. Bao nhiêu năm từ ngày ra trường anh đã "an toàn" trong sự lựa chọn ấy, không có kẻ thù, không người ganh ghét, lại được yêu thương vừa đủ để tránh cảm giác mang ơn, trả nợ. Và anh gọi đấy là bình yên, là rạch ròi để được nhẹ nhõm, thanh thản. Không có mối quan hệ nào dây dưa để phải bận lòng.
Như nắng thì phải gắt gao, bỏng rát mà bão gió là phải xoáy lốc, phải cuồn cuộn, phải cay xé mắt và tối sầm mặt mũi. Dù mơ hồ, đôi lúc anh cũng nhận thấy mình cô độc, bao nhiêu cô gái yêu anh đã đến rồi đi bởi ở bên anh "bình yên quá", không cho họ nếm trải cái cảm giác được thử thách để đi đến tận cùng một cái gì.
Nhưng chiều nay tiếng mẹ nghèn nghẹn qua điện thoại bảo anh là ở nhà rất bình yên, "Mới áp thấp thôi, có phải bão đâu mà con lại lo quá như thế".
Ừ nhỉ, chưa có giông tố. Chỉ như một cơn dư chấn vừa chợt đến để lay động. Anh bàng hoàng nhận ra lâu nay mình đã sống lơ đãng và vô tâm đến nhường nào.