Người về từ đáy mộ
Tác giả: Người kể chuyện ma
Lão Tư cố hả miệng ngáp một cách đau đớn:
- Mày đầu độc tao... Mày đầu độc tao, con quỉ cái!
Bà Tư gật đầu, đáp bằng một giọng thật lạnh lùng:
- Đúng, tôi đầu độc ông. Trước sau gì thì ông cũng chết, thầy y tá đã nói như vậy, chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể một vài tháng, có thể một vài năm, và ông hiểu rằng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Mười lăm năm nhục nhằn! Mười lăm năm đầy cay đắng!
Lão Tư nghiến chặt hai hàm răng vì đau đớn nhưng cũng ráng gừ lên một tiếng chửi rủa như lão vẫn chửi rủa vợ lão mỗi ngày trong suốt mười lăm năm qua:
- Con đĩ chó khốn nạn! Trời sẽ phạt mày.
Bà Tư vẫn lạnh lùng:
- Đáng lẽ mình không nên lấy nhau. Tôi không hề yêu ông và ông cũng chẳng ưa tôi. Ông căm hận tôi vì việc ông không lấy được con Ba cháo lòng. Còn tôi, ông cũng biết rằng tôi chỉ muốn làm vợ anh Bảy thợ hồ. Chỉ vì mấy thửa ruộng của hai nhà sát bên nhau mà cha mẹ ông và cha mẹ tôi buộc tôi phải lấy ông và ông phải lấy tôi. Tôi biết đó là cả một cực hình cho ông cũng như cho tôi.
Lão Tư vừa lăn lộn vừa chửi rủa:
- Đồ con đĩ chó!
Bà Tư vẫn nói bằng một giọng đều đều:
- Tôi có ý định đầu độc ông từ khi ông mới ngã bệnh. Thầy y tá nói rằng ông có thể sống lây lất hàng năm khiến tôi không chịu nổi. Tôi không còn muốn bị ông đánh đập chửi rủa mỗi ngày nữa.
Lão Tư rên rỉ:
- Tao cầu mong cho lũ quỉ mặt xanh nanh vàng tra tấn mày dưới điạ ngục.
- Có thể... Nhưng dầu sao tôi cũng tìm được sự bình an trên cõi đời này trước đã. Sống với ông đâu có khác gì bị ác quỉ hành hạ tra tấn!
Lão Tư vặn mình đau đớn, hai bàn tay lão nắm chặt lại chịu đựng. Là một người cứng rắn và mạnh mẽ, lão cố thu hết tàn lực:
- Tao sẽ trở về từ đáy mộ... con quỉ cái...
Rồi lão ráng giơ một nắm tay về phía bà vợ:
- Tao sẽ chờ mày...
Kiệt lực, lão buông tay xuống, mồ hôi tháo ra như tắm, toàn thân run rẩy:
- Trời đất ơi! Đau quá! Như dao đâm vào ruột...
Đột nhiên bà Tư ngẩng đầu nghe ngóng. Có tiếng chuông xe đạp. Bà bước vội tới bên cửa sổ, nhìn ra ngoài lẩm bẩm:
- Sao thầy y tá tới sớm quá vậy hà?
Rồi bà bước tới bên giường,lượm tấm khăn lông nằm dưới chân giường cuộn thành một bó đè cứng vào mặt lão Tư. Ngộp thở, lão Tư cố vùng vẫy nhưng bà Tư đè nguyên người lên tấm khăn... Chân tay lão Tư giựt mạnh mấy cái rồi buông xuôi...
Biết lão đã tắt thở, bà Tư đứng lên thở phào nhẹ nhõm, ném cái khăn lông lên lưng ghế trước khi bước ra mở cửa.
Bà nói với thầy y tá vừa bước vào bằng một giọng lạnh lùng:
- Lão đi rồi sau khi bị bất tỉnh như mấy kỳ trước. Mấy nhỏ đi học nên tôi không biết làm sao kêu thầy. Nhưng dầu sao tôi cũng mừng khi lão không còn hành hạ tôi được nữa.
Thầy y tá lắc đầu thông cảm. ở ngôi làng này mọi người đều biết chuyện của nhau. Thầy đứng nhìn thi thể lão Tư một lát trước khi kéo cái mền phủ kín mặt lão rồi quay sang bà Tư:
- Ngồi nghỉ một chút đi bà Tư. Đừng lo nghĩ gì nhiều, để tôi cho ông Tám Tàng hay trước khi nói với thầy giáo cho con Hoa và thằng Đực về ngay bây giờ. Bà Tư có muốn kêu ai nữa không?
Bà Tư lắc đầu:
- Nhờ thầy nói ông Tám tới đem lão đi ngay dùm tôi. Bây giờ căn nhà này là của tôi. Lão đi khuất mắt tôi sớm phút nào hay phút nấy. Tôi không muốn nhìn mặt lão nữa.
Bà nói tiếp bằng một giọng đầy cay đắng:
- Suốt đời lão làm khổ tôi. Tôi thù ghét lão từ ngày phải về với lão. Bây giờ căn nhà này là của tôi. Tôi sẽ khóa chặt căn phòng của lão ngay khi ông Tám đem lão đi. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy bên trong căn phòng đó nữa. Chỉ toàn là những kỷ niệm đớn đau, những lời chửi rủa, hận thù. Tôi sẽ thiêu rụi căn phòng của lão nếu căn nhà này không bị ảnh hưởng gì.
Rồi bà ngồi xuống ghế ngước nhìn thầy y tá bằng đôi mắt lạnh lùng ráo hoảnh. Thầy nhìn bà Tư, nói bằng một giọng dịu dàng, thông cảm:
- Bà mệt mỏi quá rồi. Để tôi về lấy chai thuốc bổ tới cho bà.
- Tôi không cần thuốc bổ. Cái chết của lão là liều thuốc bổ tốt nhất đối với tôi... Thầy...
Thầy y tá gạt ngang:
- Thôi, không nên nói xấu người quá cố nữa. Ai cũng biết ông Tư đối xử với bà ra sao rồi. Để tôi đi kêu ông Tám.
Chưa đầy nửa tiếng sau, ông Tám Tàng và một thanh niên phụ việc đẩy xe tới. Bà Tư đứng ngay cửa phòng chờ cho hai người vừa khiêng lão Tư ra là bà khóa cửa lại, bỏ chìa khoá vào túi áo:
- Tôi thề sẽ không bao giờ đặt chân vào căn phòng này cho tới khi tắt thở.
Hai người đàn ông lắc đầu thông cảm. Họ hiểu rõ cuộc sống khốn khổ nhục nhằn của bà bên ông Tư từ nhiều năm qua.
Những năm kế tiếp, bà Tư ra đồng làm việc cùng các lực điền, và dành dụm thêm được khá nhiều vào cái vốn đã đồ sộ của bà. Bà vẫn lạnh lùng, không hề hở môi và không hề có bạn, như lão Tư không hề có bạn.
Rồi hai đứa con bà lớn lên. Con Hoa lập gia đình rồi theo chồng về làng bên. Bà Tư không nói một lời. Thằng Đực lớn lên ra đồng làm việc phụ mẹ khiến bà giảm được một gánh nặng. Rồi thằng Đực lấy vợ và đem cô dâu mới về ở chung với bà Tư. Rồi lũ con nít ra đời, sáu đứa cả thẩy. Nếu những tiếng cười vô tư của bầy trẻ có khiến tâm hồn bà nội chúng mềm đi một chút, bà không hề để lộ ra ngoài.
Suốt những tháng năm dài đó, một cái phòng, được gọi là phòng của nội, vẫn luôn luôn được khóa chặt. Cả gia đình không một ai nhắc nhở tới. Lũ trẻ biết có một cái gì - mà chúng cho là rất kinh khủng - ở bên trong nên mỗi lúc phải đi ngang phòng, chúng đi thật lẹ, và khi bóng tối bao phủ căn nhà, ánh đèn dầu lung linh tạo nên những hình nhân lắc lư rung động trên tường, chúng không bao giờ dám bước tới gần căn phòng của nội. Dĩ nhiên đầu óc trẻ thơ của chúng tưởng tượng thật nhiều.
Rồi một năm châu chấu phá hoại mùa màng. Năm sau trời hạn hán khiến giá thóc gia tăng trong khi lương bổng bị cắt giảm. Nhiều chủ điền cho thợ nghỉ việc.
Gia đình Hoa là một trong những nạn nhân đầu tiên. Mùa màng thất bát, chồng đau ốm rồi một đứa con ra chào đời! Vợ chồng Hoa bồng con về xin bà Tư cho ở chung. Bà Tư vẫn lạnh lùng như thường lệ, nhường cho vợ chồng Hoa một phòng.
Rồi tới phiên anh rể của Đực bị chủ điền cho nghỉ việc. Không công ăn việc làm, không tiền trả tiền mướn, anh ta cầu cứu vợ Đực. Nàng dâu bèn thưa chuyện với mẹ chồng.
Bà Tư, lúc này đã già, nói với con dâu bằng một giọng cương quyết trong bữa ăn chiều:
- Thêm bốn miệng ăn nữa cũng chẳng sao. Cho tụi nó tới đây. Nhưng... không biết rồi tụi nó ngủ ở đâu?
Hoa liếc nhìn Đực trước khi ngập ngừng nói lên cái ý nghĩ của tất cả mọi người:
- Phòng của nội. Mình có nên mở cửa phòng cho thoáng khí trước khi cho họ dọn vào không... mẹ?
Bầu không khí đột nhiên trở nên yên lặng nặng nề. Bà Tư liếc nhìn con gái trước khi lần lượt nhìn vào mặt từng người, gằn giọng:
- Mẹ đã thề không bước chân vào phòng đó cho tới ngày nhắm mắt.
Hoa thu hết can đảm:
- Nhưng mẹ đâu có bước vào đó làm gì. Nhà mình chật quá đâu còn chỗ nào khác nữa.
Bà Tư đặt đũa xuống bàn nói thật chậm rãi:
- Nếu có ai ngủ trong phòng đó, người đó phải là mẹ. Mẹ đã ở với cha tụi bay mười lăm năm trời, mười lăm năm đầy đắng cay thù hận. Cha tụi bay ghét mẹ hơn mẹ ghét ổng. Căn phòng đó đầy những sự thù ghét và sau mấy chục năm trời đóng kín, những sự thù ghét đó hiện đang sôi sục chỉ chờ cửa mở là tràn ra phủ ngập căn nhà này. Nhưng không sao, mẹ sẽ dọn vào đó.
Hoa nói bằng một giọng đầy hối hận:
- Phải chi con đừng đưa ra đề nghị đó. Con biết là có một cái gì giữa cha và mẹ nằm trong đó, nhưng con không biết ...
Bà Tư ngắt lời con gái:
- Một cái gì mà con nói đó chính là sự thù ghét giữa mẹ và ổng. Nhưng không sao, mẹ đã già rồi, hơn bẩy mươi rồi. Chắc mẹ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa...
Bà ngưng lại, đôi mắt già mỏi mệt nhìn thật xa xôi:
- Có thể đây là sự tiền định. Ổng nói rằng ổng sẽ chờ mẹ... Có thể... Ai biết!
Rồi bà đứng lên:
- Mẹ sẽ mở cửa phòng vào sáng ngày mai.
Dứt lời, bà mím chặt đôi môi, bước lên cầu thang về phòng ngủ trên lầu.
Vào phòng, bà Tư đóng cửa lại, ngồi yên lặng trên cái ghế nhỏ bên giường, đôi mắt mệt mỏi nhìn vào hư không trong khi cuốn phim dĩ vãng hiện ra thật rõ. Bây giờ, bà đang bị thúc giục mạnh mẽ bởi một ước muốn mà bà vẫn chôn chặt trong lòng từ gần một nửa thế kỷ, ước muốn của tất cả những kẻ sát nhân muốn nhìn lại khung cảnh phạm trường.
Ước muốn này đã tới với bà hàng ngàn lần trước đó nhưng lần nào bà cũng nén lòng được. Bây giờ, chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa căn phòng sẽ được mở ra, ước muốn lại trở về, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Căn phòng đóng kín đang réo gọi bà. Trong óc bà, một tiếng nói vô cùng mạnh mẽ vang lên “Bây giờ! Bây giờ!”. Tiếng nói này rất quen thuộc đối với bà vì đó là tiếng nói của chính ông Tư, người bà thù ghét, người bà đã giết chết!
Bà lặng lẽ đứng dậy, bước tới tủ áo, ngồi xuống mò dưới đáy tủ lấy cái chìa khóa mà bà đã giấu kín hàng mấy chục năm trời. Rồi bà trở lại ngồi trên ghế lắng nghe những tiếng chân lần lượt về phòng. Một lúc sau, căn nhà tối tăm đã hoàn toàn yên tĩnh.
Bà Tư đứng dậy hé cửa nhìn ra dẫy hành lang. Tất cả đều đã ngủ yên. Bà bèn trở vào phòng cầm cây đèn dầu, mở cửa thật nhẹ rồi rón rén bước xuống cầu thang.
Ngoài trời không khí bỗng trở nên nặng nề dường như muốn bão. Bà nghe tiếng gió rít qua những cành cây. Có một cái gì tương tự như tiếng gió than van ngoài đêm tối? Bà Tư ngưng lại, nghiêng tai lắng nghe và đột nhiên ký ức trở về thật rõ. Bà lẩm bẩm:
- Giống như đêm trước khi lão chết.
Tim bà đập mạnh hơn khi đứng trước cánh cửa đen ngòm, lạnh lùng của căn phòng chứa đầy thù hận. Sau một thoáng ngập ngừng, bà chuyển cây đèn sang tay trái, tay mặt lấy cái chìa khóa đút vào ổ khóa... Bà vặn nhẹ... Ổ khóa không chuyển động... Bà vặn mạnh hơn... Cạch! Ổ khoá bật ra. Bà đứng yên một lát, bàn tay đặt trên nắm cửa. Tự nhiên bà run lên vì lý do gì không rõ. Bà lẩm bẩm:
- Lão đã nói là lão sẽ trở về từ đáy mộ... Lão sẽ chờ...
Bà vặn nắm cửa, đẩy mạnh. Cái bản lề cũ kỹ rít lên phản đối trước khi cánh cửa bung ra... Một làn sóng hận thù từ trong phòng tràn ra phủ kín người bà.
Bà chậm chạp bước vào, đôi môi mím chặt. Giơ cao ngọn đèn dầu, bà quan sát mọi vật trong phòng. Đó là cái giường với tấm khăn trải giường nhăn nheo, nơi ông Tư thở hơi cuối cùng - hay không thể thở hơi cuối cùng? Đó là cái gối mà ông Tư gối đầu trước khi nhắm mắt. Mọi vật không hề thay đổi.
Bà Tư thoáng nhớ rằng cả thầy y tá lẫn ông Tám Tàng, những người cuối cùng đặt chân vào căn phòng này đều đã ra người thiên cổ. Kế bên đầu giường là một cái bàn nhỏ nơi vẫn còn cái ly mà bà pha thuốc độc cho ông Tư.
Bà lẩm bẩm:
- Lão đã nói là lão sẽ chờ...
Căn phòng thật ẩm thấp và bụi bặm. Bà Tư khép cửa lại, đặt ngọn đèn dầu lên cái bàn nhỏ bên cạnh cái ly rồi bước tới bên cửa sổ, mở toang cánh cửa. Một ngọn gió từ bên ngoài lùa vào, rít lên...
Ngọn đèn chợt lung linh vì gió tạo nên những bóng đen quái đản nhảy múa trên tường. Trên lưng ghế, chiếc khăn lông mà bà dùng đè cho ông Tư chết ngộp đã trở thành vàng khè, tuy bà vẫn nhìn thấy thật rõ một đốm đen ở chính giữa, đốm đen mà bà biết là những giọt nước rãi cuối cùng của ông Tư.
Bà bước tới giữa phòng, đôi mắt vẫn không rời khỏi đốm đen trên chiếc khăn lông. Rồi bà lập đi lập lại:
- Lão đã nói là lão sẽ trở về từ đáy mộ... Lão sẽ chờ ...
Đột nhiên một cơn gió mạnh thổi ào qua khung cửa sổ. Ngọn đèn chao lên trước khi tắt ngấm.
Bóng tối bất ngờ khiến bà Tư hoảng hốt. Lần đầu tiên trong đời bà biết sợ! Bà liếc nhìn về phía cái giường, và chợt nhận thấy dường như có một người đang nằm, mặt quay về phía bà đưa tay vẫy vẫy. Bà run rẩy bước lui trước khi té ngồi xuống ghế. Một cơn gió mạnh thổi chiếc khăn lông bung lên chùm kín mặt bà Tư. Bà hoảng hốt giẫy giụa trong bóng tối và cảm thấy chiếc khăn lông như một con bạch tuộc với những cái vòi gớm ghiếc đang xiết chặt quanh cổ bà. Bà đưa hai tay lên cố kéo mạnh chiếc khăn lông ra trong khi bên tai bà, tiếng ông Tư vang lên mồn một: “Tao sẽ trở về từ đáy mộ... Tao sẽ chờ mày...”
Sáng sớm hôm sau, người ta thấy bà Tư nằm chết trong căn “phòng của nội”. Quanh cổ bà là chiếc khăn lông vàng khè, chiếc khăn mà bà dùng hạ sát ông Tư.