Dành dụm
Tác giả: Nguyễn Bình Phương
Hắn bảo tôi là thằng mặt chuột. Hề gì, mấy chục năm quăng quật ở chiến trường, bố tôi chỉ mang về một câu nói đáng giá: Phải biết dành dụm. Tôi tò mò hỏi lại: Còn những vết sẹo? Bố khoát tay khinh bạc: Vặt. Mẹ tôi thở dài, bà dành dụm từng đồng lẻ ngay từ khi còn để tóc đuôi gà nhưng gia sản chẳng khá lên là mấy. Tôi hay mơ thấy bầu trời màu vàng chanh lờ đờ chuyển vận theo chiều ngang. Mỗi lần như thế, tôi thèm được sắt chúng ra thành từng mảnh nhỏ để thủ vào túi. ở trường, cô giáo giảng cho chúng tôi đường bay của lũ chuồn kim nhưng không giải thích ý nghĩa. Tôi cho đó là bài học sâu sắc nhất.
Sẩm tối hắn lại rủ tôi ra thị trấn, hai thằng im lặng đạp xe song song cạnh nhau mồm hắn mím lại, đầu vênh sang trái, đăm chiêu toan tính. Thi thoảng hắn quay sang tôi móc một câu: Mày sa đì à? Tôi gật đầu theo thói quen. Tôi không sánh được với hắn, chân hắn dài, to, cân xứng với cái thân hình thang úp ngược, cằm đầy râu, mũi to, mắt xếch, lông mày sải rộng như đôi cánh con đại bàng đen. Nói chung hắn đẹp trai và rất rất đàn ông. Tôi nhỏ, cao, mắt đục, răng bàn cuốc. Xưa tóc tôi xoăn tít, càng lớn càng thẳng, để dài mãi cũng thế. Dạo bé tôi phát điên lên vì sung sướng khi nghe nói tóc xoăn thì khổ. Tôi sinh ra để làm chân gỗ cho hắn, có bao nhiêu bạn gái hắn tìm cách sở hữu bằng hết còn tôi phải ngồi quán trông xe và trả tiền bao thuốc hắn lấy hút. Tôi hé mắt thấy hắn ấn dúi người yêu vào gốc xà cừ, tay trợt đi trượt lại ở ngực con bé, sau hắn cuống cuồng vục mặt xuống. Trong bóng tối lờ mờ thân hình hắn ưỡn cong dâm đãng. Lão chủ quán chột mắt ngáp dài, thè lưỡi liếm môi dưới theo hình vòng cung. Lão không nhìn tôi, lẩm bẩm: Tám tháng con không bốn chưa về. Tôi dụi thuốc vào mép ghế bắt chuyện: Dạo này ngựa trắng hiếm. Lão bĩu môi. Một chiếc xe máy vụt qua, ánh sáng loé lên rồi vụt tắt. Lão chủ quán châm đóm vào lõ điếu, con mắt độc nhất hấp háy: Thời buổi cơ chế, nhìn trời cũng thấy đĩ. Trên đường về tôi hỏi hắn tạo sao phải cong người khổ sở đến thế. Hắn đang vui vẻ bỗng quắc mắt: Ðồ thọc mạch, thằng chó dái. Tôi gật đầu. Vào Vách Ðá lấy củi, hai thằng chung nhau, hắn chặt gốc, tôi trèo lên phạt cành. Cây đổ, mặt tôi bị gai cào tướp táp. Khi vác về, hắn phía ngọn, tôi đằng gốc, lúc chia thì ngược lại. Hề gì, nếu anh biết dành dụm từng chiếc lá mai sẽ được một cây cổ thụ xum xuê. Hình như lá đang hát trong tôi, bài hát xanh rợn trườn theo các vân gỗ.
Ðêm qua bão, gió quặn thừng bốc tất cả mọi thứ ném vật vạ khắp nơi. Lão chủ quán bị cây đè chết. Tôi đồ rằng thiên hạ mất đi một nhà tiên tri đại tài. Sáng, mọi thứ quang quẻ, bình thản. Trưa nay giỗ ông ngoại tôi, mẹ ngâm gạo nếp từ sớm. Tôi ngồi cọ mấy chiếc nồi. Hắn sang chậm rãi, nhẹ nhàng xà xuống bên cạnh nói nhỏ: Chăm thế? Tôi nhếch môi: Không gọi là đồ mặt chuột nữa à? Hắn lắc đầu, vừa sắn tay áo làm cùng tôi vừa rủ rỉ kể sắp tới sẽ xin vào xí nghiệp vôi. Giọng hắn đều đều tẻ nhạt: Hoá ra bố tao còn sống, không phải liệt sĩ. Tôi nghiến răng cọ mạnh chiếc xơ mớp, đít nồi quá bẩn, tro trộn với mỡ thành một thứ keo nhầy nhụa, đặc sệt. Hắn bảo cần làm giầu để đón bố về. Thực ra nhà hắn chỉ có cây hồng xiêm là giá trị nhất, cây ấy bố hắn trồng trước khi vào Nam. Mẹ hắn hơi đần độn lại điếc nặng, quanh năm chỉ thốt có độc một câu: Cóc cóc. Ngày có giấy báo tử, hai mẹ con hắn nhìn nhau đờ đẫn, nước mắt ràn rụa, bố tôi phải sang an ủi mãi. Khi chiếc nồi cuối cùng đã sạch bóng, hắn xoa hai tay vào nhau, hẹn tôi tối ra thị trấn sẽ chiêu đãi. Hắn nói rằng rất ân hận vì đối xử với tôi không tốt. Mắt hắn long lanh háo hức: Bọn mình sẽ là bạn tốt với nhau. Thế à? Tôi dửng dưng hỏi lại, cầm chiếc nồi gang hay dùng ninh xương, quật giữa mặt hắn. Cả hai đều bẹp rúm. Hắn thở hắt: Mũi tao.. Chân tay hắn co lại rồi duỗi dài, lỏng lẻo, tuyệt vọng...
Mười sáu năm, qua chấn song rỉ sét, tôi sở hữu một bầu trời vàng chanh đẹp mê hồn bị cắt thành từng ô nhỏ đều đặn.
NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG