watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đôi môi nồng nàn - tác giả Nguyễn Chí Thiện Nguyễn Chí Thiện

Đôi môi nồng nàn

Tác giả: Nguyễn Chí Thiện

Hắn là nhà báo trẻ sung sức, có lợi thế được lãnh đạo nhiều cơ quan cấp bộ quý, nên thường được mời đi đó đây, viết phóng sự dài về những công trình, dự án khu đô thị mới tầm vĩ mô, ngồn ngộn con số tăng trưởng. Hắn lại cao to khá đẹp trai, nhiều bạn gái. Nhưng những người bạn đó chẳng thể trông chờ ở hắn chung xây tổ ấm.

Ngoài ba mươi tuổi, hắn phớt lờ việc mẹ già giục lấy vợ. Mới đây, cô bạn gái chung tình đã lâu, xa nhau gần năm báo tin: "Em lấy chồng. Chồng em yêu em lắm. Đám cưới em anh nhớ đừng trốn đấy". Tin khá dữ, đúng lúc hắn muốn ngỏ lời: "Anh mệt mỏi, lênh đênh mãi, muốn dừng chân nơi bến sông em rồi".

Hắn không muốn tin. Nhưng. Nàng và chồng sắp cưới kết kỹ lắm. Cá của đôi đó, trong ao nhà họ đã được hơn hai tháng. Anh bạn già là phóng viên ảnh mắng: "Đồ ngu, đồ không biết yêu!". Hắn buồn buồn, rượu bia chán mấy tuần lại vui như con trẻ, quên chuyện lấy vợ. Chỉ khi mẹ và các chị giục, hắn loanh quanh: "Vâng, con đang cố" hoặc "Từ từ, em đang tìm, đang tán tỉnh đây".

Các chị thương thằng em trai duy nhất, coi hắn như con khủng long cuối cùng sót lại trên trái đất nên săn đón, giới thiệu một cô. Hắn ưng ưng, nhưng bận công tác đành khất. Bà chị trách: "Chị chẳng tin. Cậu sẽ phòng không suốt đời cho xem". Hắn không hờ hững nhưng vì nhóm bạn có chương trình đến vùng sâu, vùng xa tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghe nói vậy, mẹ hắn giãy nảy: "Không đi, đường sá xa xôi phức tạp, vất vả lắm". Rồi bà than thở, rên rỉ kêu ốm, bỏ ăn. Hắn an ủi: "Mẹ sợ con bị bùa ngải chứ gì, mẹ đừng lo, ánh sáng văn minh dẹp hết bóng tối lạc hậu, nhảm nhí rồi".

Xưa bố hắn có lần công tác mạn ngược, khi về, ông suốt ngày lục tài liệu, đọc sách, ngân nga mấy câu hát tiếng dân tộc. Tài liệu quý nhất là bà ông không ngó ngàng, còn đòi quay lại vùng cao đó điều nghiên thực địa lần nữa. Bà nghi ông bị cô người Mường người Mán bắt hồn, bí mật tìm thầy giải bùa. Hôm bố hắn ngồi lỳ trong thư viện quốc gia cả ngày, lúc về đói mèm, thấy cỗ bàn bày linh đình, chẳng hỏi han cứ thế ngồi cùng cả nhà ăn uống phủ phê, nào biết đó là cỗ lễ phá giải bùa ngải.

Thầy giải xong, mươi ngày sau, bố hắn đến bên vợ nịnh, hôn bà chùn chụt khoe: "Anh sớm hoàn thành bản đồ khoáng sản tỉnh đó, em ạ". Bà: "Vâng! Không bị người ta khoắng đi cả người là may rồi"... Chuyện tâm linh hư hư thực thực, thật khó hiểu.

Ngày đầu nhóm của hắn đến chợ Cò của xứ Mường. Chợ đông người, nhiều loại hàng hóa. Để ý, hắn chẳng thấy ai là người dân tộc, chỉ thấy mua bán chứ không ca hát, trò chuyện giao duyên như trên phim ảnh. Hắn hơi thất vọng, sẵn đói bụng ngồi xuống ăn cái bánh. Bánh bằng bột tẻ xay cối tay ngon, lạ miệng. Sực nhớ, hắn ngẩng đầu, thấy mấy tay phóng viên ảnh tíu tít quanh cô gái trang phục dân tộc Mường.

Cô khá đẹp, sành trong các tư thế để nhiếp ảnh gia tác nghiệp. Hắn cũng đến ngắm. Mấy ông Tây ba lô chụp ảnh ăn theo, đối thoại nhiều bằng tiếng Anh, mời cô lúc khác có thời gian làm mẫu cho họ. Cô: "No! Sorry! I'm very busy" ("Không! Xin lỗi! Tôi bận lắm!").

"Cô gái Mường thạo tiếng Anh?" - Hắn ngạc nhiên. Chợt có tiếng khúc khích bên tai. Quay sang, hắn ngỡ ngàng, một cô gái giống cô kia như đúc, chỉ khác mặc bộ đồ hiện đại, mốt. Hắn đến bên hỏi: "Em tên gì?". Cô nhìn hắn chăm chăm, lúc sau chớp chớp mắt nói: "Ủn Bui". Hắn không hiểu nên hỏi lại: "Em tên là nào?". "Tên Vui" - cô đáp. "Em là người dân tộc gì?". "Người Mường".

Cứ như lần đầu gặp người Mường, hắn cười tươi, nhìn ngắm tò mò: "Em và cô làm mẫu kia quan hệ thế nào?". "Ủn cái". “Ủn cái là gì?" "Em gái ruột" - cô nhát gừng, môi bậm lại. Thay đổi chiến thuật, hắn xích gần lại khen: "Này, chị em em rất đẹp. Nhưng Vui đẹp hơn, còn xinh nữa".

Cô gái tươi hẳn, vẻ sung sướng, dễ bắt chuyện: "Nó là em gái". Cô kể, em gái tên Ngân học đại học năm thứ ba, nhà ở thôn Chằm Cun, cách đây mấy xã. Thỉnh thoảng Ngân mới về nghỉ. Hôm nay chơi chợ, chị em đổi quần áo cho nhau. Cả chợ mỗi Ngân mặc bộ đồ Mường, thành tâm điểm cho cánh nhiếp ảnh. Và thảo nào Ngân diễn xuất khéo, nhưng thiếu thiếu cái gì đó.

Hắn nhận xét: "Này Vui, em chụp ảnh mặc quần áo dân tộc Mường đẹp hơn Ngân đấy? Em có nét hồn nhiên hơn, đáng yêu hơn". Vui cúi nghiêng đầu cười thẹn. Hắn thật lòng. Đúng, ở Vui còn nét khác đẹp hơn, nhưng khen thành lời thì… Đó là đôi môi. Làn môi cô nhìn vào đã thấy hấp dẫn, giờ tươi nở như căng hơn, nồng nàn như đóa hoa đón xuân đầu mùa.

Thấy cô cầm cuốn sách nhỏ, hắn hỏi: "Em làm gì ở xã". "Không làm gì" - Cô lúng túng giấu. Đó là sách giáo khoa lớp một. "Hay em là cô giáo?” - hỏi vậy, trong hắn đã vang lên nhạc điệu một bài hát "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi… tính tình tang…". "Chăng, ủn mu chự". "Là gì cơ?" "Em mù chữ". "Em mà mù chữ?" - Hắn ngạc nhiên tròn mắt, khiến cô cũng ngạc nhiên.

Đúng lúc đó, cô em như quan sát từ trước bỏ chụp ảnh, đến cầm tay Vui kéo đi nói giọng không dễ chịu: "Chăng maạng, chăng yểng gia". Vui lật đật bước, mặt ngoảnh lại, mắt chớp chớp chưa tỉnh cơn say. Họ đi rồi, hắn ngẩn ngơ xao xuyến mãi. Nghe hắn kể, nhóm bạn cho rằng Vui bị khuyết tật về não bộ. Có vậy cô ta mới dễ nhận mình mù chữ, em gái vội vã lôi đi.

Chấp nhận giả thuyết đó vì thấy Vui hơi thụ động, nhưng hắn cứ bâng khuâng, nao nao thế nào. Tối, nhóm nhà báo giao lưu với thanh niên địa phương. Niềm vui, sự say mê của tuổi trẻ trong hắn bùng lên theo điệu múa, lời ca và ánh lửa trại tưng bừng reo.

Hôm sau nhóm du khảo đi tiếp. Đường trải đất đá thô lồi lõm, dốc hẹp, ngoằn ngoèo, nhà sàn thưa thớt, vắng bóng người khiến cảm giác hun hút hoang sơ. Nhóm dừng ở trung tâm xã làm việc. Chị Trưởng ban giáo dục báo Tuổi xanh Thủ đô đặt vấn đề: Xã phổ cập lớp mấy, có trường mầm non chưa. Chủ tịch xã vui vẻ trả lời. Nghe đến tên thôn Chằm Cun, cả nhóm như giật mình.

Hắn tranh thủ hỏi: "Xã ta có bao nhiêu thanh niên mù chữ". Ông Chủ tịch như bị xúc phạm, nói ngay: "Chăng. Chăng ai mu chự". "Ông nói gì" - Chị Trưởng ban giáo dục hỏi. Ông Chủ tịch cười, xin lỗi vì nói bằng tiếng Mường, mọi người không hiểu. Ý ông, xã không có thanh niên mù chữ. Chuyện đó chỉ có ở đâu đó xa xôi hẻo lánh. Hắn nghe mà nhẹ lòng.

Trưởng nhóm phân hắn và anh phóng viên nhiếp ảnh già xuống thôn Chằm Cun. Chỉ cách chợ Cò hơn chục ki lô mét, mọi thứ ở đây khác hẳn. Dân trò chuyện tiếng Kinh với nhà báo, nhưng trao đổi với nhau bằng tiếng dân tộc nhanh líu lo. Hắn và anh bạn được gia chủ niềm nở tiếp. Chưa uống cạn ly nước lá rừng thơm thơm ngọt nhẹ, hắn nghe tiếng cười đầu sàn nhà. Một cô gái bước vào, miệng chưa dứt cười.

"Ô kìa, Vui!" - Hắn không tự chủ được thốt lên. Đúng là Vui, cô gái hôm qua ở chợ Cò. Vui cũng sững người rồi chạy vào buồng. Mươi phút sau, hắn nghe tiếng con gái hát líu lo. Đó là Ngân. Thoáng vài giây ngạc nhiên nhìn hắn: "Chào ông nhà báo ạ!", rồi Ngân khẽ lườm, nhẩu môi như muốn đuổi. Hắn cũng ngạc nhiên, chẳng biết mình có lỗi gì.

Anh bạn ở cùng rủ cả nhóm đến. Cảnh chiều muộn, sương thu giăng giăng, khói lam chiều vương vấn quanh những nếp nhà sàn. Các nhiếp ảnh gia mê mải sáng tác, đến lúc nghỉ, chào gia chủ để về thì Vui bưng mâm lên. Ông trưởng thôn, chủ nhà lịch sự: "Chẳng mấy khi các đồng chí nhà báo lên xứ Mường, đường xa diệu vợi. Nhà chúng tôi chỉ có mâm cơm rau rừng với chén rượu nhạt để mời. Mong quý khách đừng cười chê!".

Chủ nhà đã nói vậy, lại ngót bụng đã lâu, cánh nhà báo cám ơn lấy lệ rồi vào mâm, đánh chén, uống rượu hun hút. Ông chủ nhà rất vui thấy khách ăn ngon, còn khen món ăn lạ. Tối, Vui mắc màn cho hắn ngủ. Đêm miền rừng lạnh nhưng tấm chăn của Vui đem hương thơm và hơi ấm giúp hắn ngon giấc.

Hôm sau, nhóm hắn đi sưu tầm chuyện và phong tục cổ của người Mường. Anh phóng viên nhiếp ảnh và hắn nhờ Vui dẫn đường, họ thu hoạch được kha khá. Hắn khoe với bố Vui: "Chú ạ, em Vui khéo lắm, nhờ em chúng cháu có nhiều tư liệu quý và ảnh đẹp". Buổi tối, thanh niên xã rủ nhau đến thăm các nhà báo, đem theo hũ rượu cần đãi. Thanh niên trai gái uống rượu, hát đối đáp giao duyên.

Vui tham gia nhiệt tình, thỉnh thoảng nhìn sang hắn đắm đuối, đôi má ửng hồng. Rượu cần ngọt êm làm hắn ngấm, ngắm Vui thấy rạo rực. Tối, trước khi ngả đầu xuống gối êm, hắn đến bên Vui: "Vui ơi, ngày mai mình lại đi cùng nhau nhé. Có em anh may mắn đấy". Vui chỉ cười gật đầu.

Từ hôm đó, nhà Vui trở thành điểm tụ tập của nhóm nhà báo bàn chuyện hôm sau và chia sẻ thông tin. Vui nhàn việc, đưa hắn đi các nơi, còn rủ đến thăm người bà con ở các thôn. Hai người quấn quýt trong mắt nhiều người. Ngôi nhà sàn đơn sơ của Vui trở nên ấm áp hơn nhờ tối tối thiếu nhi đến đầy nhà, và cô là tâm điểm vui chơi hồn nhiên cho các em.

Hắn ngồi ngắm nhìn Vui say sưa với các em nhỏ, ngẫm nghĩ về cô, về cuộc đời con người, chợt: "Sao màn do Vui mắc mình ngủ ngon thế? Không biết, mình và Vui có hợp với nhau không nhỉ... chắc mẹ chẳng bao giờ..." rồi giật mình vì suy nghĩ ấy.

Một chiều, con trâu đực to của nhà trong thôn ngã khe suối què chân. Cả thôn cùng thịt chia nhau ăn giúp, đến vụ trả bằng thóc. Nhóm nhà báo nộp ngay tiền nhận một phần, nhờ gia chủ làm món, thế là lại có tiệc. Vui ngồi bên chăm chỉ gắp cho hắn, trông hai người thật đẹp đôi. Mọi người ăn và trò chuyện hết sức vui vẻ, tự nhiên.

Ông chủ nhà uống khỏe nhưng cũng ngà ngà, chỉ vào Vui: "Con bé Vui nhà này mù chữ đấy, em gái cho mượn điện thoại di động cũng chẳng biết bấm". Hắn ngạc nhiên, miệng há hốc, suýt để rơi miếng thịt gắp dở, hỏi: "Sao chú không cho Vui đi học?".

Ai biết được chuyện như thế. Vui tròn tuổi tôi thì có em. Năm sau bố mẹ Vui ly hôn. Ngân với mẹ về quê ngoại. Vui theo bố. Mẹ Vui gặp người thương quý-là ông trưởng thôn bây giờ-cưới về, coi Ngân như con đẻ cho học hành tử tế. Bố Vui lấy vợ, nhưng suốt ngày say xỉn, mặc Vui cho dì ghẻ chăm sóc.

Sáu tuổi, Vui phải cùng dì đi lấy măng. Mười tuổi, Vui thui thủi vào rừng một mình. Bố Vui bỏ vợ hai, lấy vợ nữa. Vui như người đi ở làm thuê, sống cô đơn. Qua mùa gặt, cô làm thuê chỗ này chỗ nọ kiếm miếng cơm qua ngày. Bằng tuổi, nhiều cô gái đã chồng con, Vui vẫn chẳng ai ngó ngàng.

Cô gái Mường khi lấy chồng phải tự lo hai chỉ vàng, tiền mua ba bộ chăn màn mùa đông biếu bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và một bộ cho mình. Theo bản năng con gái, Vui nhịn ăn dành dụm từ bao giờ được hai trăm ngàn đồng, cất kỹ lắm nhưng bị ai lấy mất. Chỗ Vui giấu tiền, chỉ có dì biết. Cô hỏi để đòi liền bị bà đánh thừa sống thiếu chết. Nghe tin, mẹ Vui lật đật lên đón.

Mấy tháng đầu, Vui chẳng muốn gần gũi chuyện trò với ai, nhạt cả với mẹ dù bà muốn vỗ về. Khi bố dượng hoặc mẹ giao việc, cô cắm đầu cắm cổ làm như máy. Người Vui gầy, môi lúc nào cũng bậm lại. Một lần, bố dượng có chút hơi men nhắc: "Cả ngày mai, cái Vui lên rừng chặt tỉa gỗ tràm cùng mẹ. Làm cho xong vạt rừng đó trong ngày".

Hôm sau lên rừng, Vui làm cắm cúi, mẹ giục nghỉ cũng không dừng, cố đốn tỉa mãi, đến lúc mệt hoa mắt gục xuống. Mẹ Vui ôm lấy con khóc: "Mệt sao con không nghỉ, cố sức thế làm gì?". Vui nói trong ngắt quãng: "Con sợ bị bỏ đói, sợ bị đuổi đi" rồi gục vào lòng mẹ khóc òa, nước mắt ướt đầm ngực áo mẹ.

Tối ấy Vui bị ốm, sốt nặng mấy ngày liền, nhiều lúc nức nở trong cơn mê, hoặc chồm dậy nói sảng những lời lạ tai khó hiểu. Người già nói, Vui bị ma nhập vì vía mòn yếu. Để lâu ngày vía chết hết, ma bắt hồn thì chết người. Bố mẹ Vui thuê thầy cúng làm lễ. Vui khỏi. Từ đó Vui khỏe mạnh, như lột xác không đen nhẻm mà nước da trắng dần, đôi môi không còn mím chặt hay cười, lộ rõ nét hồng gợi cảm, khiến trai làng nhiều anh tiếc vì chót có vợ. Nhà giao cho thằng em dạy chị học chữ. Biết thân phận nên Vui cố, giờ biết ký tên và trình độ ngang ngang lớp một.

"Thôi, âu cũng do số phận. Vui bị ế rồi. Chỉ mong sau này, có ai thương thì đem về, đừng hắt hủi nó là chúng tôi mừng"- Ông chủ nhà than. Mẹ Vui thở dài. Riêng Vui nét mặt bình thản, có lúc bậm môi hơi cúi. Hắn nghe lòng cứ rưng rưng.

Không khí trầm quá, chị Trưởng ban giáo dục cất tiếng cười động viên: "Lo gì, Vui xinh đẹp thế này, cố học cho hết lớp năm lớp sáu, rồi một hai năm nữa theo chị về Hà Nội, chị tìm việc làm cho. Khi có công ăn việc làm đàng hoàng, em chỉ cần giơ ngang ngón tay ra là khối chàng xin được tặng nhẫn". Mọi người gật gù tán thưởng. Tối ấy hắn trằn trọc mãi, nghĩ chuyện của Vui mà thương quá, không hiểu sao đời bây giờ lại có số phận buồn đến vậy.

Nhóm đi Thác Voi, rủ Vui đi cùng. Thác Voi tuôn nước từ độ cao ngàn thước, qua nhiều tầng bậc tỏa hơi mát. Nơi này không khí trong lành, hương phong lan rừng thơm ngát. Hắn thích lắm, rủ mấy cô phóng viên tắm. Mấy cô phóng viên trẻ để nguyên quần áo nhảy ào xuống, vừa bơi vừa trêu: "Người yêu ơi! Em đố anh đuổi bắt được em đấy".

Hắn rửng mỡ lặn đuổi theo. Lên bờ chẳng thấy Vui đâu, cả nhóm hốt hoảng tìm, thấy Vui ngồi buồn bên khe đá. Nhóm bạn về trước, hắn và Vui về sau. Vui hỏi: "Anh muốn đi thăm thung ma không". Hắn muốn đi vì Vui nói, nơi ấy là khu mộ cổ người Mường xưa. Hắn may, ghi chép và chụp được khối ảnh mộ cổ bằng gạch đá ong già, phải đến hàng ngàn năm tuổi, đã lên nước đen bóng như thép tôi.

Vượt qua con đèo nhỏ trên đường về, Vui kêu mệt, muốn ngồi nghỉ. Để xe một chỗ, Vui và hắn vào một bãi cỏ mọc cao, dầy êm như tấm đệm. Hai người bên nhau trò chuyện trong ánh hoàng hôn và bầy chim ríu rít về tổ, hắn hỏi: "Vui ơi, sao trước đây em không đi học".

Vui kể, cô thèm học lắm, nhiều hôm trên đường qua trường, Vui ngẩn ngơ nhìn mấy đứa chạc tuổi mình được bố dắt tay đi học. Nhìn mãi, mải nhìn mãi, khi cô cậu học sinh cuối cùng vào khuất cổng trường thì đã muộn, Vui tất tả chạy lên rừng. Cảm động số phận bất hạnh, hắn cầm bàn tay Vui nâng lên, muốn hôn.

Vuốt nhẹ từng ngón tay, có một ngón cụt nửa móng, hắn hỏi: "Móng tay này của em bị sao thế". Lần ấy phải băm rau lợn buổi tối, bụng đói, mệt và buồn ngủ nên Vui băm phải tay, cụt sâu quá móng không mọc đầy lại được như cũ.

Hắn thấy đau, như chính mình bị chặt đứt tay, ôm Vui vào lòng vuốt bờ vai: "Thôi, chuyện qua rồi, có anh bên em, đừng lo, đừng sợ". Vui dụi mắt dụi đầu vào vai áo hắn, im lặng trong vòng tay hắn, người mềm đi. Chỉ có rừng biết, nghe thấy tiếng sột soạt của hai người như hai quả cây vả chín mũm, tươm mật hổn hển rơi rụng vào trong nhau.

Hôm sau, trước lúc nhóm nhà báo chia tay trở về, hắn dắt Vui ra một chỗ. Chuyện riêng bịn rịn, mắt đỏ hoe nhưng khi hắn hỏi: "Vui ơi! em yêu anh không?". Vui lại đáp: "Chăng mắt". "Chăng mắt là gì" - Hắn hỏi. "Là không biết, chẳng quan tâm"- Vui lắc lắc người, mái tóc dài mềm mại tung qua, trùm lấy hắn. Hương tóc, mùi hương con gái thơm quyến rũ.

Về đến nhà, hắn cứ như người ngẩn ngơ, nhớ Vui, không hiểu tại sao không yêu mình mà Vui nồng nàn, hiến dâng cho nhau như thế. Chưa được một tuần, hắn quay lại nơi ấy. Lúc đầu Vui mừng rỡ, nhưng sau đối xử nhạt như người lạ mới quen. Xa nơi ấy hắn buồn, chẳng thiết ăn, không chịu làm việc.

Quay lại lần nữa, ở vài ngày hắn hiểu ra, Vui biết phận mình hẩm hiu, chẳng dám đặt hy vọng gì ở hắn. Chỉ cần được hắn quan tâm, yêu quý và cảm thông với mình như thế là cô mãn nguyện rồi. Mẹ và các chị nghi ngờ, hỏi thăm người trong nhóm, nghĩ hắn bị bỏ bùa ngải, vứt hết quà cáp hắn đem về, còn định nhờ chị Trưởng ban giáo dục nọ đưa lên tận nơi xem thế nào.

Bà tìm thầy cao tay ấn nhờ giải bùa ngải. Thầy chẳng phá giải được. Hắn vẫn vậy, còn đưa Vui về xuôi gửi nhà chị Trưởng ban giáo dục. Lần nữa bà đi xem tướng số. Thấy phán, thằng con trai của bà yêu rồi, tình yêu thôi. Vụ này không có chuyện bùa ngải đâu, hắn làm người khác khổ vì mình thì có, nên đi xem thử mặt cô gái ấy thế nào. Mẹ hắn cùng chị đến nhà chị Trưởng ban giáo dục chơi. Bà ngồi yên ngắm, lúc sau mới hỏi chuyện, dần dần tỉ tê. "Con ơi! Số phận con khổ đến vậy ư? - Bà xúc động vuốt tóc Vui - Tội nghiệp con".

Tôi là bạn học cùng lớp đại học với hắn, nhưng công tác tại Nam Bộ, ở một tòa báo nhỏ. Biết chuyện của hắn, nhiều lần muốn chép lại gửi đăng báo mà ngại. Ra thăm nhà hắn, tôi và hắn ngồi uống rượu, nhắm với cá suối muối treo gác bếp lâu ngày của người Mường, ngon như cá Xibêri muối mặn ướp dầu ô liu.

Con trai hắn hơn tuổi đang nghịch đồ chơi. Vui chăm chú nghe máy ghi âm, chép ra thành chữ. Hắn đỡ vất vả hẳn, có sẵn bản tư liệu chép tay ra của vợ, mà Vui cũng thạo nhanh cái chữ. Chuyện này không phải ai nghe cũng tin, nhưng cứ kể ra đây. Bởi vì, họ đã biết yêu và dám đi tới như vậy.



Nguyễn Chí Thiện

Các tác phẩm khác của Nguyễn Chí Thiện

Trăng Nước Sông Hồng

Sương Buồn Ôm Kín Non Sông

Những Bài Ca Cách Mạng

Một Lựa Chọn

ĐÀN BÒ SỮA