Phật ở lòng ta
Tác giả: Nguyễn Dậu
Nhạn và Phong là một đôi nam nữ sinh viên xuất sắc nhất của khoá 42 Đại học Y khoa. Cả hai đều có nhiều điểm nổi trội hơn các sinh viên khác. Phong, đẹp trai, vạm vỡ, khôi ngô và thông minh nhất trong phái khoẻ. Còn Nhạn, xinh gái, đức hạnh, học lực nổi bật nhất trong số phái yếu của trường. Thời kỳ còn đang học hành, hai người đã được các bạn "gán ghép". Và trong lòng riêng cả Phong và Nhạn đều âm thầm chấp nhận sự gán ghép đó với niềm vui chứa chan.
Sau thời gian đi thực tập ở các cơ sở y tế trở về trường, mỗi người đều thật sự hạnh phúc khi được nhận một chứng chỉ bác sĩ loại ưu. Ngoài ra, cả hai còn có một niềm vui vô biên là họ cùng có chung một chứng chỉ hôn nhân màu hồng đào xinh xắn. Họ sống với nhau rất mực đằm thắm được hai tháng thì chiến tranh đến gõ cửa buồng hạnh phúc của họ. Như người ta nói: khi thần chiến tranh đến tìm, có nghĩa là đàn ông phải hiến máu, còn đàn bà thì hiến nước mắt. Chiến tranh xé tan những đôi người này và cũng chắp ghép những đôi người khác lại với nhau.
Nhạn được điều động về phụ trách một cơ sở nội khoa ở ngay quê hương - một tỉnh đồng bằng. Còn Phong số phận dành cho kiếp trai nhiều khắc nghiệt hơn, trạm phẫu thuật tiền phương, kéo anh vào tận cực nam, rồi từ cực nam sang miền viễn tây một mạch 7 năm trời cho đến khi nằm trong đôi bàn tay mềm mại của người vợ không phải là tấm thân yêu quý của người chồng là một tờ giấy... báo tử đã hoen ố mưa và nắng.
Nhạn đã hiến dâng một lượng nước mắt nhiều gấp bảy lần những người đàn bà khác. Nhưng chị vẫn đứng vững và phải đứng vững.
Thời gian trôi đi... Bây giờ chị là bệnh viện trưởng kiêm chủ nhiệm khoa nội sau năm năm trời nữa, chị quyết định dành cho mình một chức năng thiêng liêng, ấy là quyền được làm mẹ, nhưng không phải quyết định lấy một đời chồng thứ hai, mà là thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng người đàn ông nào đó vĩnh viễn được giữ bí mật. Thực hiện cái công việc thiêng liêng và nhân đạo này, đối với một phụ nữ bình thường, cũng không phải là điều khó khăn, huống hồ đối với một nữ bác sĩ nổi tiếng về tài năng và đức hạnh.
Cũng có người phản đối Nhạn trong việc này. Đó là bố mẹ chị và cô em gái. Họ khuyên Nhạn nên đi bước nữa, vun đắp lại một hạnh phúc đã bị chiến tranh huỷ nát. Xét về mặt pháp lý và đạo đức Nhạn chẳng có lỗi gì. Đồng chí, bạn bè và cả những người chị quen sơ thôi, cũng đều thành tâm mong Nhạn đi theo con đường đó. Song Nhạn vẫn khăng khăng chọn con đường thứ hai. Nàng không cổ hủ bị gò trói vào đức hạnh cổ xưa "gái chính chuyên chỉ lấy một chồng", mà thực tâm từ trong sâu thẳm của con tim, từ một linh giác huyền bí nào đó vẫn âm thầm vang lên trong lòng Nhạn một câu nói: "Anh ấy sẽ trở về. Cho dù trong cõi chết thật sự, anh ấy vẫn sẽ trở về".
Một cháu gái bụ bẫm không có bố đã chào đời sau chín tháng mười ngày người mẹ mang nặng đẻ đau. Nhạn đã được làm mẹ. Nàng hạnh phúc, nhưng đó là niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn bởi vì trong tim nàng vẫn canh cánh niềm mong ngóng người chồng thương yêu kia trở về. Đứa trẻ lớn dần lên, niềm tin của nàng cũng lớn dần lên, toàn tâm toàn ý vững tin vào một sự thần kỳ.
Và sự thần kỳ đã xảy ra thật. Khi bé Nhan, con gái yêu của Nhạn buổi đầu tiên cắp sách đến trường thì cũng là ngày trong bệnh viện người ta chuyển cho nàng một bức điện báo từ quê hương gửi lên: "Phong đã về!".
Nhạn gần như ngất đi vì sung sướng. Nàng bủn rủn hết cả chân tay. Niềm vui khiến trái tim tưởng chừng có thể vỡ vụn. Bệnh viện cho ôtô nhỏ đưa nàng băng vút về quê hương. Bản thân sự sống sót của Phong cũng là một câu chuyện kỳ diệu. Anh bị thương nặng từ chiến trường viễn tây, rồi bị bắt làm tù binh. Vết thương quá nặng, tiếp đến là những cơn sốt rét rừng cộng với những kiểu cách ngược đãi tù binh thật sự rùng rợn, song nhờ vào sức trẻ sung mãn và nhất là nhờ vào ý chí mãnh liệt, cho nên Phong đã năm bảy lần chiến thắng thần chết. Anh đã thoát khỏi địa ngục nhờ vào sự hoà hoãn trên chính trường và những cuộc trao đổi tù binh tuy ngặt nghèo nhưng may mắn.
Khi vươn tay ôm lấy vai chồng, đôi môi run rẩy bật ra được hai tiếng "anh Phong", thì sau đó Nhạn ngất đi thật sự. Cơn choáng không kéo dài lắm. Chỉ cần một ống thuốc trợ tim của Phong, người vợ đã hồi tỉnh, rồi trở lại trạng thái bình thường rất nhanh. Bây giờ, niềm vui hoàn toàn chi phối, nàng tươi cười nhìn chồng, nhìn bố mẹ chồng và mấy cô em chồng cũng đang có mặt tại gia đình.
Song ngay lập tức, nàng tan biến mọi hào hứng, vì nhận thấy vẻ lạnh nhạt trên khuôn mặt của từng người. Cả Phong cũng thế. Anh buồn rầu, lạnh lẽo nhìn Nhạn đăm đăm, rồi cay nghiệt hỏi:
- Cô đã có con với thằng nào?
Nhạn rụng rời cả hồn vía. Trời hơi lạnh, mà mồ hôi hột long lanh từng hạt trên khuôn mặt tím ngắt của nàng. Nàng oà khóc nức nở:
- Trời đất ơi... Sao anh nỡ hỏi em như thế?
Phong vẫn lạnh lẽo pha chút đau khổ:
- Nếu không hỏi cô, thì tôi biết hỏi thằng nào?
Những người trong gia đình đều lặng lẽ rút xuống nhà ngang. Riêng bà mẹ chồng trước khi bước qua bậu cửa, đã bảo con trai một câu hiền từ nhưng khủng khiếp:
- Mày "chết" đã mười mấy năm, thì trách móc người ta mà làm gì? Cả xã này, cả nước này, những chuyện ấy nhan nhản ra. ở được cùng nhau thì ở, không ở được, thì lìa nhau ra, hà tất phải lục vấn?Phong hỏi dồn dập thêm Nhạn mấy lần nữa. Nhạn dần dần lấy lại điềm tĩnh như những lúc nàng chủ trì các cuộc hội nghị trước những "ca" hiểm nghèo. Nàng nhẹ nhàng đáp:
- Sau khi có giấy báo tử về anh, bảy năm sau em mới thụ tinh nhân tạo.
Phong cười khẩy:
- Không "nhân tạo" thì "thiên tạo" à?
- Em đã quyết ý không lấy chồng vì vẫn tin rằng sẽ có ngày anh trở về, mặc dù cả vạn người chẳng ai tin có chuyện thần kỳ đó.
Cảm ơn, cảm ơn cô nhiều. Những việc thụ tinh của cô cứ cho là thật đi, thì liệu có là cái cớ để che đậy những sự thật đau đớn cho tôi không?
Nhạn đau đáu ngắm chồng, nàng thấy thương chồng vô hạn. Chiến tranh đã làm cho anh ấy khốn khổ về thể xác, và cũng làm cho anh ấy bị chấn thương và méo mó cả lý trí nữa. Nàng quyết định không tranh cãi cùng chồng nữa. Bị xúc phạm ghê gớm song nàng đã tha thứ cho chồng, cũng như "trời đất" đã tha thứ cho nàng mà đem anh ấy về tặng lại cho nàng.
Nàng chỉ thật sự cảm thấy chết đi khi Phong yêu cầu anh chàng lái xe đưa vợ quay ngay trở lên bệnh viện. Từ đó không bao giờ Phong gần vợ nữa, cho đến khi anh xin ly hôn và cưới ngay một cô văn công của tỉnh nhà, do mẹ anh chọn cho.
Bé Nhan đã học hết cấp một. Nó khôn lớn nhí nhảnh và thông tuệ một cách lạ lùng. Tạo hoá còn ban cho nó một đặc ân nữa là hoàn toàn giống mẹ như tạc, từ dáng đi, điệu đứng, nước da mịn màng đến khuôn mặt bầu bĩnh, hiền từ. Báo hiệu rằng ngày sau xã hội sẽ có thêm một phụ nữ thuần hậu, nhân từ nữa. ở góc bàn học của nó lúc nào cũng có tấm ảnh tráng kiện, xinh trai của Phong mà nó luôn luôn tự hào về người bố tử sĩ của nó.Nó chưa đủ tinh khôn để hiểu, và mẹ nó cũng không cho nó hiểu hững việc xảy ra trong thế giới người lớn. Nó không thể biết rằng nó đã ra đời như thế nào. Nó không biết "bố" Phong nó còn sống, trở về đang công tác tại một bệnh viện ở một tỉnh gần đó và hiện cũng đã có một đứa con trai chừng ba bốn tuổi. Nó lại càng không rõ rằng "bố" Phong của nó ngày một nhanh chóng thăng tiến trên đường công danh và luôn luôn dẫn đầu các đoàn đại biểu y tế của nước ta đi công tác tại các nước bạn để diễn thuyết về sự ghê tởm của chiến tranh.
Nó chỉ biết có một điều là gần đây luôn luôn có chú này, bác nọ, những người tử tế, mái tóc đã lấm tấm điểm bạc thường đến thăm mẹ nó, ngồi nói chuyện khá lâu với tư thế nghiêm trang, hoà nhã. Song điều kỳ lạ là, với ai, mẹ nó cũng chỉ hiền hậu mỉm cười, lắc đầu nhè nhẹ và nói một tiếng "không!", chỉ đủ nghe, nhưng rất mực cương quyết.
Ban đêm, đôi khi mẹ Nhạn ấp chặt nó vào khuôn mặt của mẹ và nó cảm thấy má nó sũng ướt.
- Mẹ ơi, mẹ khóc đấy à, mẹ?- ừ, mẹ khóc con ạ.- Mẹ thương nhớ bố Phong phải không?
Người mẹ nghẹn ngào trả lời con:
- Không... à, mà đúng! Mẹ nhớ bố Phong.
- Cô giáo con bảo những liệt sĩ hiến dâng sinh mệnh cho đất nước, đất nước sẽ đời đời ghi công.
- Đúng thế con ạ. Riêng con, con sẽ càng phải xứng đáng với bố con.
- Có. Con hãy mãi mãi ưu tú cho bố vui lòng.
- Thế thì mẹ phải vui lên chứ?- ừ, mẹ vui lắm. Vui vì con. Vui vì bố con.Nói đến đây thì Nhạn ghì chặt con gái mà hôn và khóc nức nở, cổ họng nghẹn tắc, không nói được gì nữa.
Đến lượt bé Nhan xúc động. Mẹ nó khóc mãi, khiến nó mủi lòng, sau một lúc dồn nén, không chịu nổi nữa, nó cũng vòng tay ôm chặt lấy cổ mẹ, áp má vào má mẹ mà khóc nấc lên từng hồi.
Khóc được một lúc, đứa bé thông minh liền lái mẹ sang cảm xúc khác:
- Mẹ ơi, có phải ngày mai dì Nhàn từ dưới quê lên đón con về nghỉ hè với ông bà ngoại, với các cậu, các dì không?
Nhạn trả lời con gái trong tiếng nấc:- ừ mai dì Nhàn lên đón con.- ứ! Con muốn ở lại cùng mẹ.- Mẹ phải đi học bổ túc nghiệp vụ chừng hai tháng. Suốt hai tháng ấy, mẹ bận lắm. Con về quê cho ông bà ngoại và các cậu các dì đỡ nhớ. Rồi mẹ sẽ về đón con trở lên Hà Nội.
- Những hai tháng, con không muốn đi lâu như thế!
- Vì sao nào?
- Vì... mẹ hay khóc đêm. Không có ai thương mẹ...
- Nhạn phì cười. Chị vừa trào nước mắt, vừa ôm ghì lấy con gái.
Bé Nhan về quê ngoại cùng dì Nhàn đã được nửa tháng. Trong nửa tháng ấy, nàng mới nhận thấy rằng mình đã nhầm quá đỗi. Sự thật là nàng có phần nhẹ nhõm hơn, nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm về những chương trình bổ túc nghiệp vụ và dần dần hoàn chỉnh ở trong đầu một dự án phó tiến sĩ: Những "thu hoạch lâm sàng về bệnh bạch hầu" của trẻ em. Chỉ mới tạm xa con gái có nửa tháng, Nhạn đã cảm thấy khiếp hãi vì cô đơn, khổ sở vì nhớ thương và day dứt vì nỗi khao khát có con bên mình. Mới đầu niềm thương nhớ chỉ thỉnh thoảng ùa đến vào lúc nàng ăn cơm, nàng căng màn, nàng ngồi xem tivi. Nàng bần thần, bứt rứt, rồi tìm cách vui đùa với mấy đứa trẻ hàng xóm cho khuây khoả, cho giảm nhớ thương. Dần dần thì nỗi nhớ thương cứ đến dồn dập, luỹ tiến về sự giày vò và bồn chồn chư cào xé tắc dạ. Dường như bên cạnh nỗi thương nhớ máu mủ, còn có sự huyền bí xen kẽ; một niềm thần giao cách cảm linh báo đến nỗi nàng ăn thấy nhạt miệng, ngủ trong chập chờn ngồi xuống thì thảng thốt, mà đứng dậy thì không biết là nên đi đâu.
Cuối cùng, không chịu nổi sự xa vắng đứa con yêu dấu, nàng quyết định sáng sớm mai sẽ đánh điện báo dì Nhàn đem cháu Nhan lên ngay lập tức. Vậy mà cuộc đời dường như cố ý chỉ dành cho Nhạn những éo le. Ngay chiều hôm ấy Nhạn đã nhận được một bức điện báo từ quê nhà gửi lên với vài chữ ngắn ngủi nhưng xiết đỗi hãi hùng: Cháu Nhan ốm nặng. Chị về ngay!
Nhạn bối rối sửa soạn "valy thầy thuốc" nước mắt đầm đìa, vừa bàn giao mọi công tác của viện cho tập thể khối bác sĩ trực ban, rồi lên xe cấp cứu, lao nhanh trên quốc lộ I. Anh lái xe đã mở hết tốc lực. Tín hiệu xanh tím trên đầu xe lấp loè xoay tít mù tắp, nhưng Nhạn vẫn cảm thấy quá chậm chạp. Dọc đường nàng mím chặt môi, im lặng không nói gì, song từ trong sâu thẳm lòng nàng, dông bão đang cuồn cuộn núi lửa đang sục sôi và trái tim như có trăm nghìn mũi dao rạch khía.
Trong đêm tối, chiếc xe đang vùn vụt cuốn nuốt dặm đường, thì bỗng phải dừng phắt lại ở đầu thị trấn H, nhờ ánh đèn pha sáng quắc rọi chiếu, Nhạn nhận ra được có khoảng bốn năm người mặc áo bờ lu trắng đang đứng thành hàng ngang ở trên mặt đường mà giơ tay chặn xe lại.
Một người có lẽ là bác sĩ trưởng, hấp tấp chạy lại bên cửa xe, nhanh nhẹn hỏi vọng vào?
- Xe các đồng chí đi cấp cứu phải không?
- Anh lái xe im lặng, dành quyền trả lời cho Nhạn:
- Vâng chúng tôi đi cấp cứu.
- Chúng tôi ở đây có một bệnh nhân hết sức nguy kịch gần như mất máu hoàn toàn. Các đồng chí có mang theo các bình máu dự trữ không?
Nhạn nghiêm nghị hỏi:
- Bệnh viện của các đồng chí là ở cấp nào?
- Thưa... cấp tỉnh!
- Cấp tỉnh thì phải luôn có máu dự trữ chứ?
- Có đấy, đồng chí ạ. Nhưng bệnh nhân thuộc nhóm máu AB cực hiếm, chúng tôi lại không có loại máu ấy.
- Thế thì phải chuyển ngay lên các bệnh viện Trung ương chứ?
Những người thầy thuốc ở dưới đường người thì nhún vai, người thì lắc đầu. Người bác sĩ trưởng buồn rầu nói:
- Không kịp được. Bệnh nhân là một cháu trai bốn tuổi bị ngã xuống ao. ở dưới ao có cái cọc tre ngầm đâm thủng động mạch chủ ở đùi cháu. Theo chúng tôi, cháu chỉ còn thoi thóp được nửa giờ nữa thôi.
Nhạn không thể đắn đo gì nữa. Nàng cắn chặt môi rồi hỏi:
- Đồng chí vừa nói cháu thuộc nhóm máu AB?
- Vâng. Đã là đồng nghiệp thì đồng chí rõ đấy, máu AB rất hiếm!
Nhạn gật đầu. Nàng ôn tồn, nhưng dứt khoát như ra lệnh:
- Vậy thì các đồng chí vào sửa soạn phương tiện tiếp máu ngay. Tôi sẽ cho máu.
- Chị cũng thuộc nhóm máu AB?
- Tất nhiên. Nếu không có, nghĩa là tôi giết cháu à? Cần nghiêm khắc phê bình anh về câu hỏi kỳ quặc đó!
- Xin lỗi! Xin lỗi! Chúng tôi cuống quá. Vì cháu trai đây là con một đồng chí cán bập cấp cao cùng ở trong ngành y chúng ta, hiện đang đi nước ngoài vắng.
Nhạn hơi gay gắt:
- Anh vào sửa soạn ngay mọi thứ cần thiết. Cao cấp với thấp cấp lúc này đều cần được cấp cứu như nhau. Đừng phí thời giờ vô ích. Nào!
Trên hành lang của bệnh viện tỉnh. Nhạn gặp một phụ nữ trạc ba mươi tuổi đang ngồi ôm mặt khóc. Bác sĩ trưởng bảo với chị ta:
- Thôi, xin chị đừng tuyệt vọng nữa. May mắn quá, có nữ bác sĩ đây sẽ tiếp máu cho cháu.
Người phụ nữ nọ nghe nói vội ngẩng mặt và đứng phắt dậy, tưởng tai mình nghe nhầm, hỏi Nhạn:
- Bác sĩ tiếp máu cho cháu ạ?
- Vâng tôi cũng thuộc nhóm máu AB của cháu.
- Ôi... lạy trời, lạy đất - người mẹ trẻ trung và rất xinh đẹp vội vàng ôm lấy hai bàn tay Nhạn - Em trăm nghìn lạy tạ ơn chị. Xin chị cứu lấy con em.
Nhạn không kịp ngắm nét mặt người mẹ. Chị ngửi thấy mùi nước hoa sực nức, và một khuôn mặt diễm lệ, quý phái dù hoen nước mắt, vẫn rất xinh tươi màu son phấn.
Theo bác sĩ trưởng bệnh viện tiến vào phòng cấp cứu, việc đầu tiên là Nhạn đọc tấm phiếu ghi bệnh lịch của nạn nhân trong đó có ghi tình trạng ngộ nạn, nhiệt độ, mạch đập... các thông số đều rất xấu. Nhạn lẩm bẩm như vậy, và nàng chợt bủn rủn chân tay, nét mặt có lẽ tái đi khi đọc tên bố cháu bé là Vũ Tiến Phong. Ôi, Vũ Tiến Phong, ước mơ của nàng, hạnh phúc của nàng, oan nghiệt của nàng, bất hạnh của nàng. Cuộc đời sao lại đẩy nàng đến một cảnh ngộ oái oăm thế này?
Chung quanh Nhạn, mọi công việc chuẩn bị truyền máu đang diễn ra rất khẩn trương. Đứa bé đang mê man ra. Xám ngoét, nhưng vẫn thấy rõ là giống cha nó như đúc. Trong khi Nhạn nằm xuống chiếc giường bên cạnh và từ từ vén cao tay áo bờ lu của mình, thì bác sĩ trưởng hỏi Nhạn:
- Chị truyền cho cháu bao nhiêu ạ? Mấy trăm CC?
- 1.800 CC. Nhạn nói kiên quyết.
Tất cả những người có mặt đều rùng mình. Họ nhìn nhau như bị sét đánh. Thông thường mỗi lần truyền máu, người ta chỉ cho không được phép vượt quá mức độ 800 CC. Đằng này những 1.800 CC, điều đó gần như đồng nghĩa với tự sát.
Bác sĩ trưởng lẩm bẩm:
- Thưa chị...
Thấu hiểu nỗi lòng của mọi người, Nhạn ôn tồn nói:
- Tôi biết là rất nguy hiểm cho tôi, nhưng không truyền với lượng máu ấy, tính mạng cháu bé sẽ không cứu được. Vâng, tôi đã liều lĩnh! Các đồng chí hãy chuẩn bị cho tôi 2 lít glucoza đẳng trương, để sau khi cho máu, các đồng chí sẽ truyền glucoza cho tôi ngay nhé.
Tuy hiểu ý về phương pháp quá ư bạo dạn của Nhạn, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng. Điều đó chỉ có thể xảy ra với chính đứa bé ấy là con của chị, nếu không, thì thật sự chị là một thiên thần vĩ đại với một đức hy sinh đầy tính huyền thoại, không thể có ở cõi trần này.
Nhạn bình thản nói thêm:
- Sau khi truyền máu, có thể tôi sẽ bị choáng và phải nằm nghỉ suốt đêm nay, các đồng chí dùng xe đưa ngay cháu bé tới bệnh viện nhi khoa ở Hà Nội, rồi cho xe quay về đây ngay. Bởi vì sáng sớm mai, tôi cần có mặt ở nơi xa để cấp cứu một bệnh nhân khác.
Giọng nói trầm ấm và một thần thái đôn hậu từ người chị toả ra khiến cho mọi người có mặt đều chỉ biết thầm lặng cảm động, thầm lặng phục tùng, không một ai có ý kiến gì khác.
Trong khi dòng máu đỏ thắm của Nhạn theo ống dẫn bơm vào động mạch của cháu bé, người ta thấy Nhạn mỉm cười, đồng thời nước mắt chị tuôn ra xối xả. Chị lắp bắp một cách yếu ớt:
- Khi mẹ về đến nhà, liệu có... quá muộn đối với con không? Con hãy tha thứ cho mẹ, con ơi!
Tất cả vẫn lặng lẽ tiến hành công việc. Không ai hiểu chị nói điều đó có ý nghĩa gì.
Mãi tới lúc sáng bạch, chiếc xe cấp cứu mới từ Hà Nội quay về bệnh viện tỉnh. Cùng trong tình trạng thiêm thiếp và mệt mỏi, váng vất, Nhạn vẫn nhất biết điều đó. Chị yếu ớt ngồi dậy, khoác áo choàng. Các bác sĩ, y sĩ của bệnh viện tỉnh yêu cầu chị cứ nằm tĩnh dưỡng như cũ.
Chị cứ nằm nghỉ, việc cấp cứu một bệnh nhân nào đó ở dưới xã, chúng tôi sẽ đi thay chị.
Nhạn lắc đầu, nói bằng giọng yếu ớt:
- Không! Trường hợp này, tôi phải đích thân đến với bệnh nhân.
Nói xong, Nhạn ra hiệu cho anh lái xe dìu chị ra xe. Các đồng nghiệp vẫn nài nỉ:
- Chị mệt mỏi lắm. Bệnh nhân ở trong địa bàn tỉnh chúng tôi, chúng tôi có thể làm thay chị.
Anh lái xe lúc này đành phải nói thật cùng mọi người:
- Bệnh nhân là con gái của chị ấy. Chị ấy không thể không trực tiếp về với con mình.
Lúc bấy giờ mọi người càng sửng sốt, nhìn Nhạn với ánh mắt trìu mến hơn, khâm phục. Cuối cùng, bác sĩ Viện trưởng quyết định cử một bác sĩ trẻ, tên là Viễn đi cùng Nhạn, để dè chừng cho chính sức khoẻ của Nhạn. Điều này được Nhạn chấp thuận.
Hai giờ sau, chiếc xe cấp cứu về tận ngõ. Cả gia đình gồm bố mẹ, các em và vài người trong họ mạc cùng ùa ra đón Nhạn. Nhìn nét mặt căng thẳng của mọi người, Nhạn biết rằng con gái mình khá nguy kịch. Nhàn kêu lên với chị gái:
- Sao chị về muộn thế? Mà mặt mũi chị nhợt nhạt thế kia kìa?
Nhạn không nói năng gì. Nhờ bác sĩ Viễn dìu cánh tay. Nhạn đi thẳng vào nơi con gái nằm.
Nhìn thấy hai bên mép của con có lấm tấm vết loét và sờ thấy nước da nóng bỏng của nó. Nhạn hoảng hốt hỏi:
- Cháu bị lâu chưa?
Bà mẹ ngồi xuống cạnh Nhạn đáp:
- Có dễ đến hơn chục ngày rồi.
Nhàn nói thêm:
- Ngày nào cháu cũng sốt cao, hai mắt cứ đỏ rực lên. Ngày nào em cũng nhờ y tá xã tiêm giảm sốt.
Nhạn vội vã cởi khuy áo của bé Nhan ra, thấy trên nước da trong veo như bột miến đao của nó có nổi lấm tấm những vết mẩn đỏ. Chị luồn tay xuống dưới đại não và nâng nhẹ đầu con gái lên, thấy gáy nó cứng như gỗ, không thể động đậy chút nào về cổ và gáy.
Bác sĩ Viễn chăm chú theo dõi từng động tác của Nhạn, rồi run giọng nói khẽ:
- Chị ơi, có lẽ cháu bị viêm não mủ.
Nhạn gật đầu, rồi phục xuống, ôm lấy con gái khóc oà lên như mưa gió:
- Khổ thân con gái tôi! Khổ thân con gái tôi! Chú lái xe đâu? Phiền chú đưa cháu đi ngay!
Không đợi Nhạn nhờ vả, bác sĩ Viễn ắm bé Nhan đã thiêm thiếp không biết gì nữa, chạy thẳng ra ngoài xe cấp cứu. Tiếng khóc của Nhạn kéo theo tiếng khóc của cả nhà. Nhạn bảo với em gái:
- Không kịp nữa rồi! Em lên Hà Nội cùng chị.
Chiếc xe cấp cứu lại phóng như bay về Hà Nội. Song, quả như Nhạn dự đoán, người ta đã dùng Penixilin liều cao, dùng Cooctizon, dùng Lumina, dùng Glucoza và các y bác sĩ thay phiên nhau chăm nom, thay phiên nhau túc trực suốt đêm ngày mà bệnh vẫn không thuyên giảm, ngược lại cháu bé còn dần dần bị liệt các dây thần kinh 2, 3, 4, 7, 8. ít hôm sau, trong trạng thái mê man bé Nhan êm ả qua đời.Sau vài lần đau đớn đến mức hôn mê, Nhạn dần dần điềm tĩnh trở lại. Chị yếu ớt hơn, chậm chạp hơn, già đi quá chục tuổi, song ở chị lại toát ra vẻ đôn hậu, hiền từ phảng phất cả phong thái của nhà Phật trên gương mặt bầu bĩnh và thương đau.
Từ nước ngoài công cán trở về, ngài vụ trưởng Vũ Tiến Phong, vì quá am hiểu chuyên môn, cho nên ngài bàng hoàng và xúc động vô hạn về phương cách mà người đồng nghiệp phụ nữ nào đó đã liều lĩnh dùng để cứu con ngài. Ngài đã cho đăng báo và nhờ đài phát thanh nhắn tin tìm hỏi người phụ nữ ấy, nhưng tịnh không một hồi âm.
Nghe vợ ngài và những người ở bệnh viện tỉnh X mô tả dáng dấp và hình dong của người phụ nữ kia, trong óc ngài vụ trưởng chợt loé lên một ý nghĩ "Hay là Nhạn".
Song ngài lập tức gạt bỏ ý nghĩ đó! "Một phụ nữ phẩm hạnh tồi tàn đến thế, thì không thể có hành vi cao quý như vậy được!"