Thùng lủng đáy
Tác giả: Nguyễn Hiệp
Chưa khi nào Tết miền Nam lại lạnh lẽo như năm nay. Ông Thực pha thêm một bình nước ấm xịt lên quanh chậu mai lần nữa mới tạm yên lòng thả người ngồi phịch xuống chiếc ghế mây. Lẽ ra ngày đưa ông Táo về trời, mai rớt vỏ trấu, phân chi, đằng này mãi hai lăm tháng chạp, chút màu xanh trông đợi ấy mới nhu nhú, lại nghèn nghẹn không rộ đều. Kinh nghiệm chơi hoa mai già đời đã nói với ông: “Năm nay chẳng ra sao”. Ông chỉ tiếc là mấy năm nay, con gái ông mới được ăn Tết tại quê nhà, ông muốn cho nó xem cành mai vàng rực, ông muốn nó hít được làn hương mai thơm nồng vào sáng mùng một Tết… để sang lại xứ người có cái để mà nhớ. Ông vuốt đầu con chó bẹc-giê to lớn đang phủ phục bên cạnh: “Vận đã xuống thì xuống đến tối mắt, chơi cũng chẳng như ý nữa là, phải không Ki!?” Con chó tên Ki tuồng như hiểu đưa lưỡi liếm tay chủ mấy bận. Mỗi khi có những suy tư buồn rầu gì ông thường trò chuyện chia sẻ cùng con Ki, đó là thói quen của ông. Cả đời ông công minh liêm chính chí công vô tư, luôn sống giản dị, chỉ việc ông nuôi con chó bẹc- giê bầu bạn là hành vi sa sỉ nhất vốn xa lạ với hai từ “giản dị” trong phương châm sống của mình. Con Ki càng lớn càng đẹp! Bao nhiêu cán bộ cấp dưới ông trước đây đã luôn miệng tấm tắc khen con Ki làm ông cũng thấy tự hào về nó. Mỗi lần có người khen con Ki, ông lại đưa tay vuốt mớ lông vàng pha nâu bờm xờm trước ngực nó và nói, giọng tự hào: “Nhìn chỗ này mà xem, như chiếc yếm sư tử”. Đưa con Ki từ tỉnh về, ông vẫn giữ thói quen tâm sự với nó và luôn coi con Ki là người bạn trung thành duy nhất của mình. Cho đến giờ này, chỉ duy một lần ông đánh cây lên đầu nó, cũng chỉ vì tức quá không chịu nổi…
Vào những ngày về hưu đầu tiên, ông đạp xe lặn lội mãi tận xóm trên mua về cặp thỏ lông trắng như hai búi tơ, hai đôi mắt hồng hồng vô ưu nhìn đến xao xuyến lòng người. Ông hì hục suốt với khoanh lưới sắt và những thanh tre. Ông có ý định gầy cặp giống này thành bầy đàn gọi là góp chút thu nhập cho bà Thực. Bà Thực luôn miệng nói: “Chán, nghề của ông là cái nghề mà khi buông ra chẳng còn biết làm gì nữa”. Sau hai ngày lưng đẫm mồ hôi thì công trình chuồng thỏ của ông đã thi công xong. Ông thả cặp thỏ từ cái thùng giấy ra, bỏ vào mấy cọng rau lang, chỉ hai cái búi tơ trắng ấy mà vợ chồng ông hết săm soi bên này lại ngắm nghía bên kia suốt mấy tiếng đồng hồ, bà Thực cũng tít mắt cười với niềm vui nho nhỏ. Chạng vạng, ông vừa vào nhà thì nghe tiếng hực hực gầm gừ của con Ki. Ông nhào ra nộ cho nó một trận. Con Ki cụp đuôi thui thủi về góc nhà nằm bẹp xuống. Buổi sáng, đang còn mơ màng ngủ thì ông nghe bà Thực rú lên ngoài sân. Ông vừa dụi mắt vừa hỏi “chuyện gì?”, “Ra coi này ông ơi!”. Bà Thực có lệ dậy từ mờ sớm quét sân, thấy cục gì tròn tròn trăng trắng nằm bên hiên, bà lấy chổi đưa qua đưa lại, ngồi xuống nhìn chợt bà thất kinh hồn vía. Vợ chồng ông tiến tới chuồng thỏ, ông không còn tin vào mắt mình nữa, một chiếc đầu thỏ kẹt trên những thanh tre, chút lông da kéo dài xuống dưới đáy chuồng vừa đủ cho ông bà hình dung ra cảnh tượng tấn công và hai cái chết thê thảm đến mức nào. Ông điên tiết quơ vội cây cài cửa quật mạnh lên đầu con Ki. Xong, ông cứ ân hận mãi, “Lỗi tại mình, nó là chó mà, sao trách nó được”. Đã quen với cảm giác trước những chuyện đại sự lúc đương chức nên chuyện nhỏ nhặt cũng chóng qua trong lòng ông Thực. Nhưng sau sự cố đó, ông để tâm dạy dỗ con Ki nhiều hơn, bởi khi chọn loại chó này để nuôi ông nghe nói nó là loài chó thông minh hơn hết các loài chó. Ông nghĩ: Âu cũng là niềm vui tuổi già. Ông gọi con Ki nằm xuống bên cạnh rồi vừa gải gải quanh cổ nó vừa giảng giải phải biết tôn trọng sự sống. “Đời sống của mỗi cá thể tuy ngắn ngủi, vô thường nhưng rất đáng quý trọng. Vì sao con biết không? Vì nó biểu hiện sự thường hằng, miên viễn của vũ trụ.” Con Ki nghe tới đây thì ngáp dài một cái, đưa đầu mẹp xuống bàn chân ông. Ông cúi mình thấp hơn, các ngón tay tiếp tục gải gải lên đỉnh đầu nó. “Ki, có khi nào con nghe tiếng ếch nhảy vào trong nước chưa?” Ông bụm tay lên miệng, đánh lưỡi nhái tiếng nước động. Một tiếng “tõm”vừa đủ cho con Ki nghe, nó ngước lên liếm vào bàn tay ông làm cho ông thêm hứng khởi: “Ừ đúng, tiếng ếch nhảy hay gió trăng một buổi sáng sớm, hoặc cặp mắt thỏ long lanh là những sát na hiện thành, con phải biết tôn trọng”. Nhân nói chuyện ếch nhảy, ông Thực còn ngâm nga cho con Ki nghe một bài thơ nổi tiếng mà ông đọc được trong sách:
“Vắng vẻ ao hồ cũ
Tiếng ếch nhảy vào giữa hồ
Dội ra một tiếng bì bõm.”
Đó, con nghe thấy không, đó là sát na hiện thành… Đang nói ông chợt nhìn xuống chân, con Ki đã ngủ tự lúc nào, ngủ mà hai tai vẫn nhúch nhích làm ông cứ lầm tưởng nó đang nghe giảng. Ông thở đánh thượt rồi rót cho mình ly trà đầy. Rót mà không uống. Suốt đời ông chẳng hiểu sao sự ăn sự uống lại ít làm cho ông hứng thú. Ông ngồi nghĩ về cuộc đời mình, đúng là có “sát- na- hiện- thành”, nhưng đối diện với chính mình, ông chưa một lần vừa ý.
&
Về làm dân. Ông đã tự nhẩm đi nhẩm lại hàng trăm hàng ngàn lần cái vế câu “Dân vạn đại” nhưng vẫn không thể phủ nhận bao nhiêu là bỡ ngỡ khó khăn khi xách túi về chấp nhận sự thay đổi vốn không thể khác được ấy. Tết này, ông đã về làm dân thiệt rồi sao? Chưa kể bao nhiêu lần ông Thực lẩm cẩm ôm cặp da bước ra khỏi cổng nhà rồi mới ớ ra, bà Thực còn hơn một lần cười ra nước mắt khi ông cứ mãi lầm bầm: “Giờ này, sao chẳng đứa nào đến chúc Tết?”. “Ông ơi là ông ơi! Về làm dân rồi sao còn…” “Ừ, về làm dân…” Ông lại cười tẻn tò với bà Thực, mặt cứ chín hồng lên, rồi đỏ kè, rồi tím tái. Ông Thực lại quay mặt, lắc đầu qua phải, lắc đầu qua trái, xong lại quật xuống xoay vòng mấy cái trước khi bước đi né tránh tia nhìn thương hại qua lưng tròng nước mắt của vợ. Thật ra ông cũng chẳng biết mình làm những động tác ấy với ý nghĩa gì.
Ai cũng biết ông Thực là người chịu khó nghiền ngẫm sách vở, nhớ hồi ông đưa ra sáng kiến xây thêm một hòm thư âm dưới chân tượng đài lớn nhất tỉnh nhà, rồi cũng chính ông là người viết bức thư gửi thế kỷ sau đặt vào đấy, khoá lại. Dù hầu hết cán bộ trong tỉnh đều kính nể ông nhưng việc đã tới nước đó, nhiều người buộc phải tỏ thái độ phản đối, họ cho rằng ông chưa xứng tầm, nhiều người quá khích bụm miệng trốn vào nhà vệ sinh. Nhưng ai cũng thừa nhận lời lẽ bức thư gửi thế kỷ sau ấy quả là thống thiết, điển tích có chọn lọc, từ ngữ hàm súc, vang vang. Ngay nhiệm kỳ sau, người ta đã lẳng lặng vứt bức thư rồi trét kín xi-măng chỗ ấy, nhưng nhắc điều đó để thấy rằng ông Thực là người chịu khó và cũng văn hoa bóng bẩy như ai.
Chính ông đôi lần cũng tự thừa nhận mình là người chịu khó, không đến nỗi thốt lên cái câu “Tôi phục tôi quá!” như những kẻ ganh ăn ghét ở đồn đãi, nhưng ông có tự biết ưu điểm lớn nhất ấy của mình. “Mọt sách nhưng có tính mục đích rõ ràng, chưa đọc được ngàn cuốn sách thì có gì để nói phải không Ki?” Ông lại xoa đầu con Ki phân trần. Đề tài ông theo đuổi lớn nhất, nhất quán nhất, xuyên suốt nhất, nhiều trăn trở nhất chính là đề tài bất tử, là cải lão hoàn đồng. Các loại sách khác ông cũng có đọc nhưng ít lưu lại trong óc. Chỉ hai cái từ “bất tử” là cuốn hút hết tâm trí ông. Có lần ông còn có giấc mơ kỳ quặc là chẳng biết bằng cách nào ông lại giáp mặt với những thuộc hạ của Tần Thủy Hoàng, đó là những thuộc hạ nhận sứ mệnh đặc biệt đi khắp chân trời góc biển để tìm thuốc trường sinh về cho vị hoàng đế quyền uy tột đỉnh này. Ông hỏi họ: “Có không?” Tất cả họ đều im lặng cụp mắt lại và biến đi rất nhanh. Có lẽ họ sợ đánh mất sự bình an của mình khi nhắc lại tham vọng kỳ quặc có một không hai ấy, cũng có thể bởi họ chỉ còn là những bóng ma. Riêng ông, ông lại tin là có, con người có thể bất tử nhưng không phải cái cách thức thực tế mà Tần Thủy Hoàng cố tìm, càng không phải cái cách thần Jupiter ở phương Tây ban cho bà vợ Junon nguồn suối cải lão hoàn đồng chỉ có trong truyền thuyết. Ông Thực tin có một cách duy nhất để con người bất tử là danh tiếng người đó để lại cho đời sau. (Đối diện với chính mình ông cũng thừa nhận mình viết bức thư gửi thế kỷ sau ấy là có chút mơ tưởng về danh tiếng để lại cho hậu thế). Ông bà mình dạy điều gì cũng chí lý, học đâu cho xa: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cái tiếng tăm truyền từ đời này sang đời khác ấy chẳng phải bất tử là gì!? Hơn một lần ông đã thuyết giảng cho con cháu mình điều đó. “Ở đời, tham vọng ai cũng có, nhưng phải hiểu đúng tham vọng của mình”. Chẳng biết có phải đám cháu ông đã uống từng lời vàng ngọc của ông không nhưng hầu hết đều ra sức lấy bằng đại học chuyên tu, tại chức, đa phần đều bằng cấp căng phồng cặp da, có đứa còn đổ ra đầy mặt bàn rồi day day bàn tay trải ra như cách nhà nông phơi nông sản. Lúc còn đương chức, ông luôn cười rạng rỡ mỗi lần về dự giỗ chạp và nghe kết quả con cháu báo cáo, ông không cần biết chúng lấy mớ chứng chỉ ấy bằng cách thức nào nhưng như vậy là ông đã có một lực lượng hùng hậu đủ mạnh để nối dài cánh tay hoài bão của mình. Ông cũng dựa vào cái sự hanh thông lẽ ấy của từng đứa để cất nhắc gửi gắm vào những cơ quan gọi là “sống được”. Chẳng phải ông chủ trương cho con cháu trèo cao chui sâu, củng cố quyền lực cho mình gì gì, nhưng ông cho rằng lũ cháu ấy xứng đáng khi biết nghe lời ông. Tuy nhiên ông cũng thường nhắc chừng chúng: Các cháu là sướng nhất trên đời. Từ xưa đến nay, con người ta đều cơm cha áo mẹ, ăn học thành tài mới làm quan, còn các cháu làm quan rồi mới đi học, mà lại cơm áo nhà nước lo.
Chỉ con gái ông là tội nghiệp, đứa con gái duy nhất, ở nhà được cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa, mà đành phải rứt ruột rời ba rời má đi học ở tận trời Tây lạnh lẽo. “Ở đời, muốn làm được chuyện lớn phải có đức hy sinh.” Nhớ ngày đầu đưa con ra sân bay, ông đã ân cần nói với con như vậy, nói cứng với con vậy thôi nhưng máy bay cất cánh là nước mắt ông cứ tuôn tràn. Tết này, nó về lại mang theo một thằng bé mới sinh. Dù gì thì cũng là cháu ngoại, sao ông không thương. Nhìn đôi mắt tròn xoe với cái miệng chu chu bằng hột bắp cái của nó, ông muốn bế ẵm trên tay mà nựng nịu, nhưng buộc ông phải sựng lại đóng mặt lạnh. Có kiểu gì thì ông cũng phản đối cái kiểu sống thử của bọn trẻ bây giờ. Quốc gia có pháp luật, gia đình có kỷ cương, có nề nếp chớ không phải muốn gì tùy thích, lộn tùng phèo hết gia phong như vậy. Rồi ông sẽ nói hết những điều này với nó khi thuận tiện, còn bây giờ, con nó mới về, lại Tết nhứt đến nơi, làm cha làm mẹ ai nở mở miệng lúc này.
Tết này, phần cũng vì buồn con gái sự nghiệp chưa thành lại sinh con đẻ cái không giá thú như vậy tự dưng cái đề tài bất tử lại nổi lên hành hạ ông. Cũng có thể vì đây là Tết đầu tiên ông làm dân, cái ngõ cụt của chốn quan trường đã hiện ra sừng sững trước mặt. Hôm qua, ông mơ thấy mình trở lại thời tuổi nhỏ, quảy hai thùng nước gánh mướn trên vai, ông nhanh nhẹn sang hết vai này rồi vai kia như cái thời làm mướn đầy tủi nhục. Chỉ lạ một điều là hai thùng nước cứ chảy ròng ròng dọc đường, ông càng chạy, nước càng chảy nhanh, ông càng lao như bay, nước dưới đáy thùng càng tuôn túa ào ào, đến nơi thì không còn nước nữa. Ông gục mặt ngồi khóc… Thật khó giải thích tại sao cái cảnh đổ nước vào thùng mãi mà chẳng còn lại gì trong chỗ lẽ ra phải chứa đựng ấy. Giấc mơ quay về thời niên thiếu này cứ lấn át mọi suy nghĩ từ những ngày cuối năm nay. Ông Thực mải nghiêng bình trà, nước tràn đầy ly rồi tràn ra mặt bàn mà ông vẫn còn rót. Tết, đương nhiên bông hoa, cây cảnh chiếm ưu thế nhưng có gì đó đau đáu trong tâm hồn lại đòi ông hướng ra khỏi các xôn xao, rực rỡ đời thường. Tết, quay nhìn lại cũng là lẽ tự nhiên. Thời đại ông Thực sinh ra và lớn lên, nguyên cái gọi “niên thiếu- lựu đạn- truyền đơn” ấy là một thời đại chết bầm. Làng xóm là một trại gia binh khổng lồ. Đất nước là một chiến trường tang thương. Nơi điêu linh. Nơi kiệt quệ. Nơi suối máu, sông hồn. Nơi suối sọ, sông tóc. Nơi suối cẳng tay, sông cẳng chân… Cơn sóng dữ của vận mệnh đã lùi xa nhưng những phút giây Giao thừa của ông khó mà trở thành một loại ảnh đơn sắc phẳng lì, bởi tâm hồn thời đại luôn chồng chồng lớp lớp máu bùn và những chuyện ba dớ bi kịch. Có người ác ý châm chọt: Ông chỉ là người “Cách mạng 30 tháng tư” là muốn ám chỉ sự nửa mùa trong sự nghiệp cách mạng của ông, nhưng cũng có cái lẽ đời là người nào uống nước người đó biết nước ấm lạnh, nội cái thành tích tuyên truyền rầm rộ cho “khoán mười”, rồi sau đó là giai đoạn cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh đầy cam go đã đủ đưa ông lên hàng “cách mạng tiên phong” của tỉnh nhà, dẫu cho đó chỉ là việc triển khai công văn ở trên gửi xuống. Đầu óc ông luôn rền rền vang động những lý lẽ nước ấm nước lạnh chỉ mình mình biết và tự thấy yên lòng phần nào với những gì mình làm được cho đời. Có chăng chỉ là giấc mơ bất tử làm ông bất an, nhưng chỉ mình ông im lặng ngẫm nghĩ nuôi dưỡng, chắc là im lặng cho đến ngày bước xuống tuyền đài. Cho đến giờ này, ông vẫn hy vọng về bức thư gửi thế kỷ sau của mình. Cứ nghĩ tới đó là ông muốn hát lên nghêu ngao hay là ngâm một bài thơ vui nào đó.
&
Hoa nở rồi tàn. Xuân đến xuân đi xuân trở lại. Giao thừa chỉ là cái mốc tạm thời. Ngày xuân cũng chỉ là khoảnh khắc thời tiết. Giấc mơ Tết, mơ xuân của ông phải được tắm rửa hàng kỳ trong những chiều ba mươi nhang khói ngút tràn, ngút tràn từ bàn thờ cha mẹ trong nhà cho đến bàn thờ chung của làng xóm- dấu vết còn lại của một thời chiến tranh. Bao nhiêu thảm cảnh đã từng đập vào mắt một đứa bé sống qua thời cuộc dông bão như ông. Tắm sạch giấc mơ được không? Còn cái đầu gối ông cứ nhô nhô trên chiếc ghế mây, hai tay choàng quanh một vòng nửa tròn nửa méo. Nghĩ. Còn mái tóc ông dài ra rũ xuống rã rời lúc nào không hay. Ngẫm. Còn đôi mắt ông thao láo nhìn vào đêm đen, còn tâm tư ông luôn quay vào bên trong miệt mài lý giải “giấc mơ không ngủ” của mình. Giấc mơ ông cũng như hình hài ông, là một phần của ông, thậm chí bên trong ông nữa, sao không thể tắm sạch được? Có một tứ thơ về cái sự tắm táp ấy vừa chảy tràn trong ông. Lúc còn đương chức, ít ai dám làm thơ vì sợ ý tứ không chặt chẽ dễ bị suy diễn mất ghế như chơi. Nhưng nay, ông chẳng còn gì để mất sao lại không làm thơ được, ông nghĩ vậy rồi vừa vuốt đầu con Ki vừa đắc ý ngâm nga:
CON TR ÂU GI À TẮM VÀO CHIỀU BA MƯƠI TẾT
NHÚNG GIẤC MƠ VÀO NƯỚC MÁT SÌNH LẦY
TÚM GIẤC MƠ LẶN ĐÁY CÁT CÙNG MÂY
CHÀ CHO N ỔI BỌT XÀ BÔNG DANH LỢI.
CỞI ÁCH RỒI…i…i…i
RỬA SẠCH…i…i… i…ì…ì…ì…
CẤT GIẤC MƠ VÀO TẬN NƠI KHÔNG TIẾNG NÓI,
ĐUÔI THÔI QUẪY NƯỚC
MI ỆNG THÔI NHAI LƯỠI CỦA MÌNH…
CON TRÂU GIÀ
TẮM TẮM TẮM.
Đón xuân Con trâu bằng một tứ thơ tâm trạng, hình ảnh ví von rất phù hợp như vậy làm ông Thực thấy vơi nhẹ buồn phiền trong lòng. Còn đi tắm giờ này thì ông thật không dám nghĩ tới. Chưa có năm nào Tết miền Nam lại lạnh như năm nay.
Lại chuyện tắm táp, ông chợt nhớ miên man: Một lần đi nghỉ mát, tắm ngoài khơi với một người sang trọng mới quen.
Ông bơi ra thật xa rồi nằm ngửa, bất động, duy trì hơi thở theo nhịp lên xuống của con sóng (kiểu tắm này ông đã tập được trong thời lặn hụp cùng với bầy trâu trong thời tóc hớt ba phân đi chăn trâu mướn). Bỗng người ấy hét lên: “Âm nhạc. Âm nhạc nói được nhiều hơn hết. Hồi học nước ngoài mình đã nghĩ, giờ biết thật thế”. Ông Thực hơi trở người gật đầu. Ông đồng tình với người kia vì từ lâu việc tắm biển xa bờ đã đem lại cho ông hứng thú đặc biệt, ngoài làn nước sạch, sóng duềnh êm, ông còn được nghe một loại âm nhạc rất lạ, những âm thanh nửa khơi nửa lộng, nửa trên không nửa dưới nước, ông chẳng biết lấy một chút nhạc lý nhưng những âm thanh ấy đã nói lên cả những điều ngôn ngữ trong lòng ông bất lực, chắc đó là những âm thanh vi tế mà ông thường nghe nhắc đến trong sách. Sau này, ông mới biết anh bạn tắm biển xa bờ ấy là một ca sĩ opera lừng danh, được đào tạo bài bản từ nhạc viện Trai- cốp- xki, người ấy cũng bị nhập loại âm nhạc này. Cứ sáng sớm là hai người hẹn nhau bơi ra “khu vườn âm nhạc” ngoài khơi ấy. Họ lại nằm ngửa, lắng nghe, lắng nghe cho đến khi lông trong tai mọc dài (ông cảm giác vậy), da ở các đầu ngón tay quăn queo, đến khi cơ thể có nguy cơ bị “vộp bẻ”, tâm hồn bị “ao lò” nhận nhũi xuống lòng sâu biển mặn. Vậy mà hôm nào họ bơi vào bờ cũng trong trạng thái lưu luyến, tiếc nuối.
Những ngày ấy ông Thực rất hạnh phúc, ông thật sự thấy cái tầm văn hoá của mình là xứng với địa vị hiện tại, nhưng khuya cứ chìm vào giấc ngủ là lại thấy mình dắt con Ki và một chú cá chép khó nhọc lê lết trên đường. Những âm thanh vi diệu vi tế vi vu gì gì của nhận thức, của cảm nhận, của trí tuệ, trí huệ ấy nhanh chóng bị cắt đứt khỏi dòng chảy am ám miên man trong đầu. (Có lẽ chú cá chép này không vượt vũ môn được nên lê lết trên đường sỏi đỏ trầy da trốc vảy nứt môi nứt miệng, nứt nẻ cả linh hồn). Chẳng biết bằng cách tập luyện theo phương pháp hữu hiệu, tuyệt kỹ, tuyệt diệu nào mà chú cá chép đã phì phò thở được trên bờ, trên không, trên chỗ không phải nước. Khi ngang qua cầu, một chiếc cầu nhỏ bắt qua dòng suối sọ hay dòng sông máu gì đó, chú cá chép đột ngột mất tích. Quá đỗi kinh hoàng ông vò tai vò tóc treo mình thò đầu tìm kiếm. Một bọt khí đột ngột nổi lên. Tội nghiệp! Chú cá chép giấc mơ của ông Thực đã chết đuối ngay chính nơi quê hương ruột rà, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tổ tiên sinh sống tạo dựng vô thức cộng đồng, nơi văn hiến giống nòi đời đời bền vững. Chết đuối trong vũng nước nghĩa mẹ công cha ấy quả là tội nghiệp. Khốn nạn. Trong giấc mơ của ông luôn có những giấc mơ khốn nạn.
Ông Thực kể cho người bạn là ca sĩ opera vừa mới quen nghe, người ấy trầm ngâm một hồi rồi nói: “Đã từng đọc một câu chuyện như thế khi học ở nước ngoài”. Ông Thực gật đầu mặc dù hơi buồn cười vì ông này nói gì cũng có hai tiếng “nước ngoài” kèm vào. Có thể có vô vàn giấc mơ bị trầy da trốc vảy như thế trong kho chuyện thế thái nhân tình. Cứ đọc, cứ ngẫm nghiệm, sống qua. Ông Thực vuốt đầu con Ki và nói chuyện với nó: “Kí ức nhân loại sống động đến mức ai cũng có thể thấy, nhận ra một phần mình trong đó, phải không Ki?!”. Ông muốn dừng lại dạy cho nó cách nghe loại âm nhạc đặc biệt là sự tương tác của thiên nhiên với con người nhưng dòng suy tư của ông đã tuôn tràn, mạnh mẽ đến mức trong ông không còn dòng suy tư nào khác. Ông đang chìm đắm trong ý nghĩa những giấc mơ. Vì có sự thật nên có giấc mơ. Vì có giấc mơ nên sự thật thành vết thương không ngủ, cả trong giấc mơ cũng không ngủ được, cả trong giấc mơ cũng không liền da lành lặn được, cả trong giấc mơ cũng có những giấc mơ, ông luôn ướt mồ hôi lạnh mỗi khi chạm mặt với giấc mơ bất tử.
&
Sáng mùng một Tết, áo quần tươm tất, thắp nhang giáp hết bàn thờ trong ngoài xong, ông Thực kể cho con gái nghe giấc mơ bất tử của mình. Ông hy vọng đó là bài thuyết pháp đầu năm cho con cái cả năm phấn đấu “dắt cá chép tiếp tục lặn lội” trên con đường sỏi gai phía trước. (Hoàn cảnh tay xách nách mang của nó bây giờ sỏi gai càng nhiều hơn). Ông kết thúc như đóng đinh vào cột: Cá chép có thể trốc da trầy vảy nhưng nó vẫn là cá chép. Vị ngôn sứ là ông vừa dứt lời vàng, lời ngọc, ít ra là ông nghĩ thế, con gái ông đã nước mắt sợi vắn sợi dài. Nó bị “sốc” vì những lời lẽ nặng nề cao đạo của ông hay trong nó đang nặng nề một bi kịch khác? Mà có thể thiệt trăm phần trăm, nó có thể chết đắm trong môi trường thanh sạch của gia đình, của gốc gác chôn nhau cắt rốn, của suối nguồn, sông nguồn lắm chứ. Con người ta khi đã quen với những trò ba dớ bi kịch quay trở về bình thường đâu có dễ.
Đang sinh viên du học ngon lành, đang thời gian bài vở sao con bé bỗng dưng bỏ về nước ăn Tết. Ông nhìn sâu vào mắt con gái rồi hỏi: “Ủa, Năm nay con được về ăn Tết?” “Sao ba má chưa gửi tiền cho con?” Con bé ráo hoảnh đôi mắt, hỏi lại trống trỗng. Bà Thực như đã nín thở đè nén mấy ngày nay chợt nhào tới ôm nó bù lu bù loa “Ba mày về hưu rồi”. “Sao không nói để biết đường mà sống. Thằng bé cứng cáp, con định gửi cho ba má chăm sóc. Con sang lại bên đó”. “Không có tiền, mày định làm gì bên đó?” “Gái sang”, nó nói gọn trơn không chút mắc cỡ, không chút sợ sệt. “Mặt dày mày dạn, mày đừng để tao coi không có đứa con gái như mày. Chỉ còn nước chui xuống chỗ nào đất nứt mà dấu cái mặt nhục nhã. Trời ơi là trời!”. Bà Thực giá giá bàn tay trước mặt con gái, môi run giật từng hồi, mặt bà tím tái. “Không làm đĩ sao tồn tại được, có điều làm gái sang là khó chớ không dễ như ba má tưởng. Xét cho cùng thì…”. “Trời đất, hết chỗ nói!” Bà Thực rời con bé nhào qua ôm lấy ông Thực đang ngã quỵ: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính mà, tôi còn biết làm gì nữa hả trời?” “Ba hy sinh tất cả, giờ con phải làm đĩ để tồn tại sao con?” Ông Thực thều thào mếu máo.“Ba hy sinh gì?” Đứa con gái mà vợ chồng ông chăm chăm chút chút, nâng niu chìu chuộng giờ lại hất tóc ngước mặt nhìn thẳng vào mắt ông mà buông một câu phủ phàng bất ngờ như vậy, thì hỏi ông còn gì để nói. Ông Thực ớ ra, cứng lưỡi.
Ông ngã sốt mê man đúng ba ngày Tết, trong cơn mê man đó ông cứ thấy mình nặng nhọc kéo lê từng gàu nước dưới giếng sâu lên đổ mãi, đổ mãi vào thùng mà cái thùng chết tiệc ấy vẫn cứ trống rỗng, chẳng một giọt nào đọng lại. Ông chẳng biết vì sao lại như vậy. Hoạ vô đơn chí… Hoạ vô đơn chí… Hoạ vô đơn chí…
Cơn mê man sốt của ông bị đánh thức bởi một tiếng rú thất thanh. Ông nhổm người chạy vào cửa buồng con gái, nơi tiếng rú vừa phát ra. Con gái ông đang nằm bất động dưới nền nhà. Bà Thực đứng như trời trồng, thấy ông vội nhào tới ôm quáng quàng, bà lắp bắp: Nó đi vệ sinh… thằng bé nằm một mình trên giường… Ông dấn người tới, nhìn về phía giường. Toàn thân ông chợt cứng lạnh, hai mắt như muốn phọt ra ngoài. Con Ki đang đứng trên giường, miệng và “chiếc yếm sư tử” trước ngực nó bết dính đầy chất nhầy màu đỏ…
Chợt ông nghe tiếng khóc oe oe bên tai và choàng thức giấc. Ông muốn bật mạnh dậy chạy vào buồng con gái để xác nhận lại cơn ác mộng vừa rồi trăm phần trăm chỉ là cơn ác mộng hay là…, nhưng rồi tuổi già buộc ông phải từ từ trở mình bên trái rồi trở mình qua phải, cố đến ba bận như vậy ông mới ngồi dậy được. Tự nhiên hai ngón tay ông lại véo mạnh vào má mình một cái. Đau. Đau thật. Rõ lẩm cẩm. Ông rất sợ hai tiếng “lú lẩn” đi kèm với tuổi già, nhưng rõ ràng vừa rồi ông đã không phân biệt được cái cảnh thằng bé bị… là mơ hay chính việc trở mình choàng dậy của ông là mơ. Ông bước xuống giường rón rén đi qua sát buồng con gái, ông nín thở xem thử có nghe tiếng trở mình của má con nó không. Đợi mãi khi tiếng ru khe khẽ của con gái ông mồn một sau bức vách yên tĩnh ấy ông mới yên tâm thả người xuống chiếc ghế mây. Tay ông nhấc bình trà lên nhưng đầu ông vang vang lời thầm trách cái thứ nhân cách kép đè nén chết bầm suốt thời gian dài ông làm quan đã ăn sâu vào máu mất rồi. Đập vào mắt ông lúc này là một chậu mai điếc nghẹn, chưa một nụ bung vàng, ngay cả điều ấy cũng không tạo cho ông mảy may cảm xúc nào. Ông chợt hắt ra thườn thượt một hơi thở dài trong đêm khuya lạnh lẽo.
Núi Tà Cú, khai bút Tết Kỷ Sửu- 2009
NH