Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn Việt kiều Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Ðịnh Tốt nghiệp đại học Sư Phạm Huế. Hiện làm chủ bút tạp chí Văn Học tại hoa Kỳ. Tác phẩm đã xuất bản: Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung (tiểu luận, NXB Văn Mới, Sài Gòn, 1972), Bão Rớt (tập truyện ngắn, NXB Trí Ðăng, Sài Gòn, 1973), Tiếng Chim Vườn Cũ (NXB Trí Ðăng, 1973), Qua Cầu Gió Bay (truyện dài, NXB Văn Mới, Sài Gòn 1974), Ðường Một Chiều (truyện dài, NXB Nam Giao, Sài Gòn 1974), Ngựa Nãn Chân Bon (tập truyện ngắn, NXB Người Việt, 1983), Xuôi Dòng (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ 1987), Mùa Biển Ðộng (trường thiên tiểu thuyết, NXB Văn Nghệ 1984-1989), Sông Côn Mùa Lũ (trường thiên tiểu thuyết, NXB An Tiêm, Mỹ 1991 và NXB Văn Học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học 1998).
Bạn đọc cả nước - nhất là những ai quan tâm đến lịch sử và tiểu thuyết lịch sử - hẳn đã biết Nguyễn Mộng Giác là tác giả bộ tiểu thuyết trường thiên "Sông Côn mùa lũ" (SCML) 4 tập, 2.000 trang viết về thời Tây Sơn-Nguyễn Huệ (NXB Văn Học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 1998).
Trước năm 1975, ông là giáo sư dạy văn nổi tiếng ở Sài Gòn và đã là tác giả của nhiều tập truyện dài. Ông hiện định cư tại Mỹ. Khi SCML ra đời, tôi chưa hề quen biết ông, cũng không phải nhà phê bình chuyên nghiệp, nhưng có dịp được đọc sách, lại đang cư trú trên vùng đất còn in dấu nhiều di tích thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ, tôi đã đánh bạo viết bài phê bình (Tạp chí Sông Hương - số 4-2000).
Đang mong có dịp gửi ông bài viết, càng mong được gặp ông để "tranh cãi" thì vào những ngày Huế đang rộn ràng chuẩn bị cho Festival, tôi nghe ông gọi điện, không phải từ Mỹ, mà từ căn nhà nhỏ của một người bà con ở "thôn Vĩ". Thì ra ông vừa về thăm Huế và đã đọc bài phê bình của tôi.
Cứ tưởng ông đã già lắm, hóa ra ông còn kém tôi một tuổi (ông sinh năm 1940), tuy mái tóc hoa râm đã chớm hói. Với nụ cười rất dễ gần, ông nhanh nhẹn bắt tay tôi và chúng tôi "vào chuyện" ngay, không chút khách sáo.
- Phê bình sách của anh mà chưa có dịp hỏi anh SCML đã được sáng tác như thế nào?
- Hồi tôi viết cuốn sách ấy đời sống còn cơ cực lắm. Sáng, 6 giờ dậy đạp xe đi làm công trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Phú Lâm, mang theo một "ăng-gô" gạo kèm ít "chao", bắc sẵn bên lò mì, 12 giờ trưa nghỉ ăn xong là cắm cúi ngồi viết đến đầu giờ làm chiều. Trên đường về lại Thị Nghè, chở mì đi bán. Tối về đến nhà, 9 giờ lại ngồi vào bàn cho đến 12 giờ khuya. Suốt mấy năm như thế, bắt đầu viết từ 1978 đến 1981 thì xong. Tôi có thói quen là làm đề cương rất kỹ lưỡng, còn khi viết, bản thảo rất sạch sẽ, ít sửa chữa. Cũng phải nói là may có niềm say mê văn chương và quyết tâm viết bộ SCML như là một món nợ phải trả cho quê hương, tôi mới sống qua được những tháng ngày khó khăn đó...
Viết xong, tôi đến gặp anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, trình bày công việc của mình. Anh Hà Mậu Nhai rất hoan nghênh, nhưng khi thấy chồng bản thảo dày hơn cả gang tay, tính phải dùng một số lượng giấy quá lớn giữa lúc đất nước còn nhiều thiếu thốn, anh bảo tôi tạm cất giữ, chờ một thời gian sau...
- Bài tôi viết về SCML, có điều gì làm anh khó chịu không?
- Bây giờ ít người chịu đọc những bộ sách dày như thế, có được người đọc kỹ như anh là mừng rồi. - Nguyễn Mộng Giác nhỏ nhẹ và từ tốn tránh trả lời trực diện, nhưng một lát sau, ông nói tiếp - Anh có phê bình là tôi dành quá ít trang miêu tả những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ, nhưng tôi nghĩ, về các trận đánh này, nhiều cuốn sách đã viết rồi; tôi muốn miêu tả khía cạnh khác, ví như thái độ của người dân trước những biến động lịch sử... Do đó, trong SCML, bên cạnh các nhân vật có thực của lịch sử, tôi đã xây dựng tuyến nhân vật hư cấu của đời thường - những nhân vật vô danh (không có tên trong lịch sử), nhưng cũng là nhân vật chính, với rất nhiều tâm huyết, tiêu biểu là cô An...
Tôi muốn được nghe ý kiến của ông nên không trình bày lại các nhận xét của mình. Thực ra thì số trang nhiều ít chưa phải là điều quyết định. Tôi chỉ tiếc là người anh hùng Nguyễn Huệ qua những trang miêu tả chiến trận chưa thấy "bay lên" cho xứng với một thiên tài quân sự... Hình như lúc này ông cũng chưa định bàn sâu về tác phẩm của mình mà muốn nói đến vấn đề có tính khái quát hơn:
Anh có nhớ bài của ông Trần Thanh Đạm nói về "vĩ mô" và "vi mô" trong sáng tác đăng trên báo Văn Nghệ số Tết vừa rồi không? Theo tôi, tiểu thuyết chủ yếu là vi mô, qua cái vi mô mà làm nổi bật những điều bản chất của cái vĩ mô. Bản chất của tiểu thuyết là "thế sự", dù là tiểu thuyết lịch sử. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử chỉ minh họa lịch sử, từ đầu chí cuối chỉ toàn các vua quan âm mưu tranh giành quyền lực, còn đời sống người dân thế nào, biến cố lịch sử đó ảnh hưởng đến họ ra sao, tác giả không quan tâm; tôi cho cuốn sách đó không phải là tiểu thuyết đúng nghĩa...
- Bên anh vẫn có báo Văn Nghệ đọc thường xuyên à?
- Vâng. Nhiều loại sách báo trong nước được chuyển sang bán bên đó...
- Như tờ "Văn nghệ", anh phải mua bao nhiêu?
- Ba đô-la.
- Thế anh đã đọc tiểu thuyết "Hồ Quý Ly" chưa? Theo tôi, đây là một cuốn sách hay...
- Tôi đọc rồi. Theo tôi, cuốn ấy vẫn nặng về "vĩ mô". Tiểu thuyết "Vỡ bờ" của Nguyễn Đình Thi, tập I thành công hơn vì chủ yếu là "vi mô". Hay như "Con đường đau khổ" của Alexei Tolstoi, phần "Hai chị em" chủ yếu là "vi mô" nên thành công hơn hai tập sau.
- Hình như anh vẫn trung thành với cách viết "cổ điển", truyền thống?
- Tôi biết có người nêu vấn đề: Lịch sử như cái đinh đã đóng vào tường; người viết tiểu thuyết lịch sử có thể tùy thích "treo" vào đó những bức tranh của mình. Tôi thì quan niệm người viết tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng những gì đã được ghi vào lịch sử. Còn về cách viết thì lớp chúng tôi, hồi những năm sáu mươi đã học theo các trào lưu "cách tân" ở châu Âu nhưng thấy không đến đâu. Hình như một số bạn trẻ ở trong nước hiện nay đang dẫm lại vết chân lớp bọn tôi bốn chục năm trước.
- Tôi nghĩ là các kiểu cách tân về hình thức đều có cái lý của nó. Nếu như cứ theo cách kể chuyện có đầu có đuôi theo trình tự thời gian thì để viết một cuốn tiểu thuyết ôm trùm khoảng không gian rộng lớn trong dăm chục năm thì biết mấy trang cho vừa?
- Làm sao có thể miêu tả được tất cả. Mỗi tác giả chỉ lựa chọn những gì soi sáng cho tư tưởng của tác phẩm. Nếu tôi không nhầm thì tiểu thuyết Việt Nam ít có tác phẩm gây tiếng vang lớn vì thiếu sức nặng của tư tưởng.
- Chắc anh còn nhớ rằng tôi cũng đã nêu vấn đề "tư tưởng của tác giả và tác phẩm SCML không thật rõ". Có đúng là tác giả chưa tiện viết hết những suy tưởng của mình?
- Có phần như thế. Như đã nói với anh, tôi hoàn thành tiểu thuyết năm 1981 tại Sài Gòn, khi đất nước chưa "đổi mới"... Khi qua Mỹ, tôi làm gì có đủ tiền để in sách. Chỉ riêng tiền đánh máy đã hết 5.000 đô-la. Hai người bạn ở Nhà xuất bản An Tiêm bỏ ra 25.000 đô-la in giúp, sách bán từ năm 1991 đến nay mới hết. Vậy nên tôi rất mừng khi sách được in trong nước và được tái bản. Ở Mỹ, người làm kinh doanh ai dại gì bỏ vốn mười năm mới bán hết sản phẩm! Nhưng với mình, văn chương là cái "nghiệp" nên cứ phải theo đuổi. Tôi còn làm tờ tạp chí Văn Học, làm không công và người viết bài cũng không có nhuận bút. May là tiền bán báo vừa đủ tiền mua giấy và công in. Tôi hình dung là sau này việc in sách báo bằng tiếng Việt ở nước ngoài sẽ càng khó khăn hơn vì các thế hệ tiếp nối chủ yếu đọc bằng tiếng Anh.
- Nhưng chắc là anh vẫn đang tiếp tục viết tiểu thuyết?
- Vâng. Tôi đang soạn bộ tiểu thuyết về cuộc đời mấy gia đình người Việt định cư ở nước ngoài...
Cuộc trò chuyện đã dài. Tôi biết Nguyễn Mộng Giác còn "chương trình" đi thăm mấy bạn văn ở Huế. Chúng tôi bắt tay tạm biệt. Nguyễn Mộng Giác tiễn tôi ra ngõ và vẫn với nụ cười mỉm hiền lành. Mong là ông sớm hoàn thành tác phẩm mới và mong sớm được đọc nó, dù biết rằng cuốn sách ông đang viết rất dễ "đụng chạm". Nhưng chẳng lẽ cuộc đời thăng trầm của hàng triệu người dân Việt đang định cư ở nước ngoài không đáng là đề tài cho nhà văn và bạn đọc cả trong và ngoài nước quan tâm hay sao?