Cơ may của Nhím
Tác giả: Nguyễn Kiên
Bà lão mù ngồi trước đống lửa nhập nhòa trong đêm.
Ngọn lửa tỏa hơi nóng và nhờ hơi nóng bà lão biết lúc nào ngọn lửa sắp tàn, liền quờ quạng tìm thanh củi vụn cho thêm vào. Bà lão nói một mình, giọng nói rì rầm, chìm khuất nhưng cũng có lúc nổi lên, chậm rãi và rành rọt, như nói với một ai đó vô hình đang lắng nghe. Ta già rồi, chín mươi bảy tuổi rồi, ta quên ngày sinh tháng đẻ, còn tuổi thì ta nhớ chứ, cái tuổi già lụ khụ rồi. Nhưng so với ông Bành Tổ sống lâu trên tám trăm tuổi thì ta mới chỉ là đứa con nít. Thấm tháp gì! Dù là thế, ta cũng trải qua gần trọn một đời người, có biết tý tẹo về cuộc sống. Một tý tẹo thôi, thậm chí trong đó có cả nhầm lẫn, chịu không phân biệt được. Ta có cái linh cảm... Ơ, này Nhím, cháu gái của ta, cháu vẫn nghe ta nói đấy chứ? Cháu rời Lũng Sỏi (vùng đất này khô cằn, khắc nghiệt, chỉ trơ ra toàn sỏi thôi!) vượt qua con dốc sườn núi đá gọi là dốc Bòng Bong (vì sườn đá chỉ rặt cây bụi phủ đầy dây bòng bong), sang vùng đất bên kia chân đèo, ở bên đó cháu sống thế nào? Ta vẫn nhìn theo cháu, tưởng tượng về cháu, sẵn sàng nghe cháu nói với ta. Mà cháu không nói gì cũng được, thậm chí không nhớ đến ta cũng chẳng sao. Mỗi người phải tự gánh vác lấy cuộc đời riêng, ta đâu có thể nhân danh cái đoạn chót của đời người để can thiệp vào sự diễn tiến tự nhiên, với vô số ngẫu nhiên của đời người khác được... Buổi chiều Nhím rời Lũng Sỏi, cô bé ra đi như thế nào nhỉ? Thoạt tiên bà lão nghe thấy tiếng vó ngựa lóc cóc lan truyền trong lòng đất, bà lão mù nên đôi tai cực thính, có thể cảm nhận tiếng lóc cóc lan truyền yếu ớt từ rất xa, lại còn đoán được những đặc điểm của con ngựa. Hẳn là con ngựa này thuộc giống ngựa bản địa, nó nhỏ con, tuy không hùng dũng nhưng nhanh nhẹn, quen trèo đèo dốc. Cùng với con ngựa, có một người khách đến Lũng Sỏi, họ đến rồi đi, chắc chắn thế và chuyện này chẳng liên quan gì đến bà lão. Bà lão nhãng đi, như cái đầu óc của tuổi già thường vẫn vậy... Chợt có tiếng Nhím ở ngay trước mặt bà lão: “Bà ơi, có ông khách từ xa đến, ông ta dắt ngựa xuống ngòi cho ngựa uống nước. Cháu nhìn con ngựa, nghĩ thầm con ngựa này nếu được chăm sóc tốt sẽ được việc lắm đây. Ông ta nhìn cháu rồi bỗng nói, cháu biết chăm sóc ngựa à? Cứ y như ông ta đọc được ý nghĩ của cháu. Cháu im lặng còn ông ta thì cười cười, lấy lòng cháu. Ông ta rủ cháu theo về nhà ông ta, giúp chăn ngựa cho ông ta. Chăn ngựa cũng là một công việc chứ bà nhỉ? Cháu có nên đi không nhỉ?” Nhím hỏi nhưng không đợi bà lão trả lời, nó hấp tấp nói: “Cháu phải đi, bà ạ. Cháu đến chào bà, cháu đi đây!”.
Bà lão mù ném thêm thanh củi vụn vào đống lửa sắp tàn, ngọn lửa bốc cao và bà lão hơ hai bàn tay, chà xát, khuôn mặt nhăn nheo của bà lão hơi ngửa lên. Ơ này Nhím, cháu gái của ta, trước cuộc ra đi vừa nông nổi vừa quả quyết của cháu, ta còn biết nói gì? Ta tin cháu nhưng dù sao cũng gờn gợn trong lòng một chút bất an. Cháu mới mười sáu tuổi, lớn lên ở Lũng Sỏi là cái vùng heo hút, bị bỏ quên, cháu như một cây non hoang dại, may hay rủi chẳng thể nào nói trước được. Ta nghe thấy tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên nền đất sỏi, nó đi ngang qua chỗ ta và tai ta (chứ không phải mắt) còn nhận biết trên lưng ngựa có thồ kiện hàng gì đó không nặng lắm, kiện hàng khẽ nẩy lên theo nhịp chân ngựa. Người chủ ngựa dắt ngựa đi cùng với cháu, ông ta tên Phường, cháu có nói với ta thế. Cái ông Phường này chân hơi tập tễnh, cứ nghe bước đi một bên nặng một bên nhẹ thì biết. Còn cháu Nhím của ta, bước đi của cháu thế nào, bà lão mù này đã quá quen thuộc. Ừ thôi, cháu cứ đi đi! Đi đến chỗ ông Phường, chăn ngựa cho ông ta. Hoặc cũng có thể ông ta chỉ nói thế thôi, cháu không phải chăn ngựa. Chẳng biết thế nào... Duy chỉ có điều ta biết là ta vẫn ngồi đây canh đống lửa và nghĩ đến cháu mà thôi!
2
Chuyến đi của Phường đến Lũng Sỏi, mang theo Nhím về chăn ngựa cho ông ta là chuyện hoàn toàn ngoài dự liệu. Ông ta không nghĩ đến ngựa và kiếm người chăn ngựa. Chẳng qua đang lúc bế tắc thì dắt ngựa đi, con ngựa là bạn đường bất đắc dĩ để có cớ giải tỏa tâm trạng của riêng mình. Phường từng có một thời hiển hách, con ngựa này là chứng tích còn lại đến hôm nay. Ai tặng ta con ngựa này nhỉ? Chính là hắn, là thằng cha Cao Thời bây giờ vênh vang trên phố Núi, chứ còn ai! Thời Phường làm đội trưởng lâm trường, quyền uy bao quát cả khu rừng xanh um chân núi thì Cao Thời mới là tổ trưởng, chui rúc ở trong rừng. Tức là hắn ở dưới Phường một cấp. Nhưng Cao Thời xạo, hắn thông lưng với đám lái gỗ, tuồn gỗ từ trong rừng ra, buôn gỗ lậu kiếm được khá tiền. Cao Thời đối với ông đội trưởng Phường cứ nhũn như con chi chi, gọi dạ bảo vâng, giữ đúng thân phận, không chê vào đâu được. Hắn véo von ca ngợi ông đội trưởng sâu sát, ngày nào cũng lội bộ kiểm tra rừng rồi nói thêm, vừa khâm phục vừa ái ngại: “Ông đội trưởng cứ lội bộ hoài, khốn khổ quá!”. Cao Thời rình lúc Phường vắng nhà, dắt đến buộc trước sân nhà ông ta con ngựa, sau này Phường trách hắn thì hắn nói nhuế nhóa: “Người ta còn đi tàu bay, đi ô-tô, xe máy... đủ kiểu, ông đội trưởng cưỡi ngựa đi kiểm tra rừng cũng là phục vụ cả thôi!” Quả thực Phường cũng hãnh diện mỗi khi ngồi trên lưng ngựa, dù nó là con ngựa còm nhom, kém mẽ nhưng vẫn cứ hơn lội bộ xuyên rừng y như dân sơn tràng. Phường ngồi cao hơn Cao Thời một bậc, bây giờ đã có con ngựa do chính thằng cha đem đến biếu tặng, chứng minh và Phường hạ cố nhìn xuống hắn lập tức thấy hắn cũng có chỗ đáng thương. Hắn cũng quyền biến ra trò, xoay tít như con thò lò sáu mặt nhưng mụn con trai đẻ muộn và đẻ khó của hắn lại mắc chứng động kinh, cứ tự nhiên lăn đùng ngã ngửa, mắt trợn ngược, bọt mép sùi ra. Thế là hỏng rồi!
Phường đưa Nhím về nhà và cô bé quen ngay với công việc mới. Cơ ngơi nhà Phường chiếm một khu đất rộng sườn đồi, vừa kiên cố vừa tạm bợ, tất cả đều có vẻ dở dang, có thể cứ thế này xây tiếp, cũng có thể phá bỏ. Mấy đứa con Phường đều đã ra ở riêng, nhà chúng trấn giữ mấy ngả đường thông ra đường đá, còn quãng đường đá chạy dưới chân đồi gần như trở thành của riêng Phường vì có cái bãi gỗ do đích thân ông ta cai quản. Phường đi vắng suốt ngày, Nhím ở nhà chăn ngựa, cắt cỏ ngựa, làm các việc vặt, đến bữa thì ra ăn với đám thợ ngoài bãi gỗ. Con ngựa hồi phục nhanh chóng, da căng mượt, đôi mắt tinh nhanh, bộ lông bờm dài rậm rủ lòa xòa. Nó quen hơi Nhím, mỗi khi cô bé vỗ về nó là nó dụi đầu vào vai cô. Nhím ngủ ở gian nhà ngang, bên cạnh gian chuồng ngựa. Nửa đêm thức giấc, ôm cỏ vứt vào chuồng cho ngựa ăn rồi Nhím cứ đứng rì rầm trò chuyện với ngựa. Con ngựa thò cổ ra ngoài dóng chuồng, phả hơi thở lên mặt Nhím, quên cả nhai cỏ, quên cả vẩy đuôi và đập móng xuống nền chuồng đuổi muỗi. Phường cũng thường thức giấc lúc nửa đêm, đó là thói quen của ông ta. Hễ thức giấc là Phường đi lầm lũi trong bóng tối, một vòng quanh nhà, xuống bãi gỗ rồi lại quay lên. Chẳng phải để kiểm tra kiểm soát cái gì, việc ấy đã có đám giai nhân. Ông ta vừa đi vừa nghiền ngẫm quãng đường đã qua của đời mình và cái tham vọng chập chờn ở phía trước. Ừ, ta đang làm đội trưởng loanh quanh thế nào ta lại bị văng ra khỏi lâm trường nhỉ? Vì cái lâm trường ấy đang cơn hấp hối, rừng suy kiệt hết rồi, của cải bị phá tán rồi, không hấp hối sao được. Người ta bàn chuyện giao khoán đất rừng cho các hộ công nhân nhưng ý kiến khác nhau, phương án khác nhau, chỉ tranh cãi thôi đã mất cả năm trời. Phường sôi máu lên, ông ta hợm mình, quá tự tin vào tài cán của riêng mình, coi người khác chỉ là đồ ăn hại đái nát. Ta mặc xác các người, các người cứ ôm lấy cái vỏ rỗng lâm trường mà tranh cãi dài dài, còn ta xin về một cục. Ấy là tự ý ta, ta xung phong về một cục, rồi các người sẽ biết ta là người như thế nào... Sẵn có con ngựa và một ít lưng vốn, Phường thồ muối và dầu hỏa lên các làng bản xa khuất trong mây mù, đổi lấy măng khô, nấm hương và các loại lâm sản quý. Ông ta bắt mối với đám thợ săn và các hảo hán núi rừng, dần dần chuyển sang buôn bán các loại thú rừng quý hiếm, cả con sống lẫn con chết. Hùm beo, gấu chó, gấu ngựa cho đến hươu nai, tê tê, kỳ đà... Con sống cứ để nguyên, cũng có con đang sống bị biến thành con chết để lấy xương da, lấy sừng gạc, lấy nanh vuốt... chẳng bỏ đi thứ gì. Người đời rồ dại, thích tầm nã những thứ quý hiếm, những của độc và cuộc tầm nã biến thành một ma trận, thực giả nháo nhào, không dễ gì phân biệt. Này ông khách, ông biết thế nào là xương hổ thật chứ? Hãy nhặt đoạn xương cẳng của nó lên mà xem, ở chỗ gần khớp nối có một lỗ nhỏ hình con mắt, dài và hẹp, con mắt đẹp, gọi là mắt phượng. Chỉ có xương cẳng chân hổ chính hiệu mới có con mắt phượng. Hà hà... Còn nấu cao xương hổ thì sao nhỉ? Cứ cho là có cả bộ xương hổ thứ thiệt, cùng với một ít quy bản (tức là cái yếm rùa, thứ này là vị phù trợ, không thể thiếu) tự tay ông cho vào chảo nấu cao đi. Lúc chảo cao sắp được, có lớp váng nổi lên, sủi bọt ở trên mặt, nếu ông sơ ý để ai đó hớt mất lớp váng thì phần còn lại chỉ là sái thôi! Chỉ bảo cho nhau đến thế tức là phơi bày gan ruột chứ còn gì. Vậy mà thật giả vẫn lộn tùng phèo, Phường vừa bán của thật vừa lừa của giả và chính ông ta cũng bị quân ma giáo lừa. Mấy năm trời lăn lóc trong cuộc chơi thật giả, tuy cũng có cay đắng, thua thiệt nhưng ông ta kiếm khá và trở thành một nhân vật có tiếng tăm trong vùng. Đã đến lúc Phường phải quay về phố Núi. Ừ, ta phải về phố Núi, về nơi trung tâm đô hội của cả vùng, để thi thố một phen. Không ngờ đụng ngay phải Cao Thời, thằng cha Cao Thời tổ trưởng từng biếu nịnh Phường con ngựa ngày xưa, nay hắn đã là một Cao Thời khác, án ngữ trước mặt Phường.
Ngọn đèn nhỏ treo trước chuồng ngựa thu hút sự chú ý của Phường. Nhím ôm cỏ rải vào máng chuồng cho ngựa ăn và trong vầng sáng vàng quạch của ngọn đèn dầu bị ám khói, cô bé mải vỗ về con ngựa, miệng rì rầm... “Ta cứ tưởng khuya khoắt thế này chỉ mình ta còn thức, hóa ra còn có cháu cũng thức. Ta khen cháu...”. Phường định chỉ khen Nhím vài câu vu vơ để chứng tỏ ông ta quán xuyến, không có gì lọt khỏi mắt ông ta. Đột nhiên ông ta nói, hoàn toàn ngoài ý thức: “Này, ta kể cho cháu nghe chuyện này. Con ngựa mà cháu đang chăm bẵm nó đấy, là có người biếu ta từ lâu lắm. Ta có thích nó hay không nhỉ? Ta không biết! Gần đây có kẻ thấy ta cứ bỏ nó dài dài, liền gạ ta bán cho hắn. Để làm gì? Hắn bảo, để nấu cao ngựa, đang có ối kẻ chuộng, có giá lắm. Ta không bán con ngựa, không phải vì ta chê giá rẻ hoặc quyến luyến gì nó. Chẳng qua là vì ta ghét thằng cha hỏi mua ngựa, hắn đấu hót về những thứ cao dê cao chó cao ngựa với những gì gì trước ta, khác nào múa rìu qua mắt thợ. Này, chú mày ngu lắm, hãy im mồm đi, cuốn xéo đi! Không hiểu sao tự nhiên ta lại nổi đóa lên, ta với hắn có gì khác nhau nhỉ?” Phường chợt im, phút im lặng kéo dài, ông ta cảm thấy mình đã quá đà, bộc lộ ra trước Nhím cái tâm trạng đang cần giấu kín. Nhưng Nhím đã quay sang Phường, vầng sáng đèn phản chiếu trong đôi mắt mở to của cô bé và cô nói: “Cháu không hiểu... ông không bán ngựa cho người ta giết thịt nó, ông cũng chẳng quyến luyến gì nó, thế là sao? Ông định làm gì với con ngựa?” Phường vẫn im lặng, con bé này hồn nhiên mà đáo để, nó ở bên cạnh ta là tốt hay là xấu nhỉ? Nhưng thôi, trước hết Phường cứ cười xòa và nói một câu nhẹ bỗng: “Ta chẳng làm gì với con ngựa. Bây giờ đã có cháu chăn ngựa cho ta, thành thạo và tốt lắm, ta giao phó hoàn toàn con ngựa cho cháu. Cháu là người nhà của ta!”.
3
Thực ra Phường có nuôi một ý định về con ngựa, ý định liên quan đến Cao Thời, người trước đây là cấp dưới của Phường nhưng nay đã vượt qua đầu ông ta, cản đường ông ta. Phường không chịu khuất phục Cao Thời, ông ta phải thắng, chí ít thì cũng phải được ngang thưng. Đến lúc ấy, chính tay Phường sẽ giết thịt con ngựa (chớ có coi thường món thịt ngựa, ta biết cách chế biến, ngâm tẩm mắm muối và gia vị, lại gia giảm thêm mấy vị thuốc bắc tùy theo từng món, ngon miễn chê!) Phường sẽ mời Cao Thời đến bản doanh mở bữa tiệc thịt ngựa linh đình, rượu vào lời ra bỗ bã: “Này ông Cao Thời, ông còn nhớ con ngựa này chứ?” Hà hà, chỉ mới mơ màng thế đã thấy hả hê rồi. Nhưng xem ra điều Phường mơ màng cứ ngày càng xa vời... Cao Thời bám dính vào lâm trường dai dẳng rồi chuyển từ lâm trường lên phố Núi, tức là thăng tiến lên trung tâm đô hội của cả vùng, hiện giữ chức Trưởng ban quản lý dự án. Một vùng đồi núi xa xôi và nghèo xơ xác, được cấp trên ưu tiên cho nhiều dự án nhằm tạo đà cho nó phát triển. Trồng rừng. Đào hồ chứa nước. Mở đường giao thông. Hỗ trợ các trang trại đang khởi nghiệp... Dự án nào cũng tiền tỷ. Tiền của nhà nước nhưng quyền nắm giữ lại ở trong tay Cao Thời. Những kẻ muốn giành phần dự án và những kẻ ăn theo, nhăm nhe chấm mút tiền dự án cứ vo ve như ruồi nhặng quanh Cao Thời. Cao Thời biết rằng cái ghế ông ta ngồi chông chênh lắm, bởi có ối kẻ ghen, phải luôn ngó quanh, giữ gìn cẩn thận. Nhưng chỉ là giữ bề ngoài thôi. Những đường dây riêng lẻ hoặc là nối thông nhau, phải hoặc không phải đích thân ông ta tổ chức, cứ âm thầm sôi sục ở phía sau ông ta. Cao Thời cũng nổi máu tham nhưng chưa đến mức quá quắt bởi ông ta có nỗi phiền muộn riêng, như là quả báo, muốn vứt bỏ hoặc quên đi đều không được. Có một mụn con trai, lúc bé nó chỉ mới mắc chứng động kinh, bỗng dưng ngã lăn đùng, sùi bọt mép, lớn lên thành ngây dại rồi mắc chứng điên, những cơn điên cứ tự đến rồi tự đi, chẳng biết thế nào. Nhà cao cửa rộng, của nổi của chìm để làm gì khi có đứa con trai như thế, nó tên Cao Thì hỗn danh là Thì điên. Phường đụng với Cao Thời, chỉ mới gián tiếp thôi đã thấy Cao Thời ghê gớm. Cái bãi gỗ của Phường trước đây còn mua lậu được gỗ loại một loại hai, có cả loại tứ thiết (những loại này vừa dễ bán vừa lời to) nhưng bây giờ chỉ còn gỗ tạp, gỗ củi. Gỗ quý còn sót lại trong rừng vẫn bị chặt phá nhưng nó tuồn ra khỏi rừng bằng những nẻo khác, có nghĩa là Phường đã bị gạt ra rìa. Ông chủ bãi gỗ là Phường, tìm gặp các mối làm ăn cũ, trước đây họ "làm luật" với Phường trắng trợn, bây giờ Phường vừa rút tiền trong túi ra họ đã chặn lại và còn đe "lập biên bản về tội hối lộ nhà chức trách". Mẹ kiếp, bọn này làm ra vẻ chính nhân quân tử nhằm mục đích gì nhỉ? Chúng lập công với Cao Thời, hòng giành giật dự án, là cái quả đậm, ở chỗ Cao Thời, chúng trở mặt với mình vì mình chẳng vào dây nào hết. Chúng cũng đang chơi trò thật giả nhưng mượn danh nghĩa nhà nước để chơi nên biến hóa khôn lường. Phường cay đắng nhận ra rằng, cái trò thật giả một mình ông ta chơi trước đây té ra chỉ là trò kiếm chác cò con. Phải chơi trò thật giả như Cao Thời, dùng quyền ban phát để hưởng cống nạp mới là trò kiếm chác lớn. Phường tự giận mình ngu, ông ta đi sai nước cờ, rõ ràng là đang lâm vào thế bí trước Cao Thời và cái ảnh hưởng vô hình của vị trưởng ban.
Phường lảng tránh câu hỏi của Nhím trong đêm hôm nào ở trước chuồng ngựa nhưng chính cái câu hỏi vô tình mà như xoi mói ấy đã khiến Phường thay đổi ý định. Mình không thể cứ ngồi hóng suông. Mình buộc phải chấp nhận cái tình thế hiện tại, chịu khuất phục tạm thời trước Cao Thời, mọi chuyện khác sẽ tính sau. Phường nói với Nhím: "Hôm nay ta muốn cháu dắt ngựa theo ta lên phố Núi. Ta nói trước để cháu biết, chúng ta sẽ đến nhà ông Cao Thời, một nhân vật quan trọng, bạn cũ của ta. Ta viếng thăm người bạn cũ, chuyện trò thế nào là việc của ta. Còn cháu chỉ có việc đứng giữ ngựa, trông nom con ngựa, như công việc thường ngày cháu vẫn làm, đơn giản thế thôi...". Nhà ông Cao Thời ở hơi lảnh phía ngoại vi phố Núi, một ngôi nhà ba tầng ngất ngưởng, hơi thô kệch, chung quanh có vườn cây, ao cá và dẫy chuồng trại ở phía sau, theo đúng mô hình VAC. Cao Thời tiếp Phường ở phòng khách, ông ta không vồ vập cũng không hững hờ, đáp lại theo đúng phép xã giao những lời thăm hỏi của Phường. Phường nghĩ, ở vị trí của Cao Thời hiện thời, ông ta phải đề phòng khách không mời như Phường là đúng thôi, mặc ông ta, rồi mình sẽ hâm nóng cuộc trò chuyện này lên. Phường bắt đầu kể lể loanh quanh một hồi rồi độp cái dẫn đến chuyện con ngựa (qua cửa sổ phòng khách có thể nhìn thấy Nhím đứng nắm cương con ngựa, dưới bóng cây ở trước sân). Vẫn con ngựa ấy nhưng chuyện về nó thì hoàn toàn đảo ngược, một công trình bịa đặt có tính toán, cả giọng kể cũng có tính toán. Mười năm trước, thưa ông Cao Thời, ông đã cho tôi con ngựa, món quà tình nghĩa, chắc chắn ông không thể tưởng tượng nó sâu nặng đối với tôi thế nào. Lúc ấy tôi đang khốn đốn, con ngựa của ông cho đã cứu nguy cho cả nhà tôi. Rồi tôi phải thôi việc lâm trường, mình quen được Nhà nước nuôi mình, bất ngờ bị văng ra, quả thật là hoang mang, tuyệt vọng. May nhờ có con ngựa ông cho, tôi thồ muối lên núi cao, mình phục vụ được bà con mà cả nhà mình cũng sống được. Thú thật với ông, thưa ông Cao Thời, bây giờ thì hoàn cảnh tôi đã kha khá, tôi vẫn giữ lại nuôi con ngựa ông cho, nó chỉ chơi nhởi thôi, để tôi luôn nhớ đến cái tình nghĩa... Phường cứ thế tuôn ra ào ào, như bủa vây người chịu chuyện. Có thể Cao Thời biết tỏng Phường đang dối trá, mặc ông ta, rồi chính ông ta sẽ tự nhận điều dối trá ấy là sự thật. Nào có mất gì khi Phường tự dẫn xác đến làm nhân chứng, khua môi múa mép bốc thơm cho ông ta... Nhưng trái với tính toán của Phường, ông Cao Thời vừa nghe Phường ca hát véo von vừa lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Rồi Cao Thời bỗng quay sang Phường, mắt nhìn chăm chú, giọng nói gần như thì thầm: "Này ông Phường, cô bé giữ ngựa cho ông ở ngoài kia, tên gì?". Phường nói bừa: "Nó tên Nhím, là cháu họ xa tôi mang từ dưới quê lên". Cao Thời cười nhăn nhở: "Cháu họ ông thì tốt rồi. Tôi có điều này muốn bàn với ông...".
Câu chuyện đột ngột xoay chiều. Phường còn đang ngồi ngây thì Cao Thời đã xích ghế lại gần, khẽ đập đập tay lên vai Phường: "Cảm ơn ông bạn đã đến thăm tôi, nhắc lại chuyện tình nghĩa. Điều tôi muốn giúp ông cũng là chuyện tình nghĩa...". Hóa ra vị trưởng ban cũng có nỗi buồn riêng, vướng mắc riêng, là cậu con trai mắc chứng làm cho nó phải tàn đời.
Suốt buổi chiều Phường lùng sục khắp các nơi Nhím thường chăn ngựa rồi mò mẫm khắp các ngóc ngách trong vùng. Không thấy Nhím, đến một dấu vết nhỏ để nuôi hy vọng lần tìm cũng không. Mãi đến lúc chạng vạng tối mới thấy con ngựa đứng lẻ loi sau lùm cây rậm, bên con đường vắng gần chân dốc Bòng Bong. Phường vồ lấy con ngựa, tay quấn chặt dây cương, cơn giận dữ tích tụ trong ông ta lập tức trút ào ào lên đầu con ngựa. Ông ta bẻ cái roi tre, vụt tới tấp: “A, a… con Nhím đâu? Nó trốn đâu? Mày là quân phản chủ, tao sẽ không tha cho mày!”. Con ngựa giằng co quyết liệt, bọt mép nó sùi ra, lúc chồm hai chân trước, lúc hất chân sau đá hậu và xoay tròn. Phường thở hồng hộc, ông ta rút ngắn dây cương, ghìm con ngựa lại, túm lấy bờm rồi nhảy vọt lên lưng nó. Một sức mạnh hung bạo cực kỳ nổi lên trong người, hoàn toàn sai khiến ông ta: “Tao điên rồi đây! Tao điên! Mày phải chở tao đi tìm con Nhím. Đi! Không tìm thấy con Nhím thì tao sẽ giết mày!”. Ngồi trên lưng ngựa Phường không cần biết con ngựa chạy xuống hay chạy lên dốc, đầu óc ông ta mụ mẫm, ông ta chỉ cần biết dưới ngọn roi ông ta quất vun vút, con ngựa phải chạy, thế thôi. Trời sập tối, con đường dốc gập ghềnh nhòa lẫn giữa lờ mờ đá núi và bóng cây rừng. Con ngựa chợt hí một tiếng ngắn, hai chân trước chồm lên, hai chân sau hất tiếp, như muốn thoát ra khỏi Phường. Phường nổi điên đến cực điểm, ông ta cúi rạp người, ôm chặt cổ ngựa, hai chân thúc vào bụng nó: “A,a… mày vào bè với con Nhím, định chống lại tao. Mày phải nhớ tao là chủ mày!”. Đúng lúc đó một mảng sườn dốc lở ùm, kéo theo cả Phường lẫn con ngựa đổ nhào xuống lòng vực sâu hun hút. Phường bị văng ra khỏi lưng ngựa, mắc vào một bụi cây ở lưng chừng lòng vực, còn con ngựa thì rơi thẳng xuống đáy vực, gần như bị vùi lấp dưới đống đất đá ầm ầm lăn theo. Con ngựa chết, Phường chỉ hút chết, ông ta bị bầm dập khắp người, một bên chân bị gãy nát (chính bên chân hơi ngắn, làm cho bước đi của ông ta trước đây hơi tập tễnh). Ông ta dồn hết sức tàn, cố bám vào gờ đá, kéo lê tấm thân bầm dập và bên chân gẫy nát mà nhích lên, leo lên… Phường nằm vật ra trên vạt cỏ dệ đường, ông ta nhận ra đây là con dốc Bòng Bong, nó còn ngoằn ngoèo lên cao, lên cao nữa, vượt sang bên kia Lũng Sỏi. Tức là cái hồn vía tán loạn đang dần dần tụ tập về trong con người Phường: “Ta chưa chết. Ta không thể chết. Rồi ta sẽ lê cái chân què đi khắp thế gian!”.
5
Bà lão mù vẫn ngồi trước đống lửa, giữa đêm Lũng Sỏi mênh mông. Bà lão không nhìn thấy gì, chỉ nghe và nghe rất rõ ngọn lửa reo, tiếng than củi nổ lách tách, làn hơi nóng chờn vờn trên da mặt đầy nếp nhăn như vỏ cây. Nghe rõ cả sự im lặng trùm lên các chòm xóm gần xa, thiêm thiếp ngủ trong khuya khoắt. Bà lão thức một mình, với cái thế giới riêng của mình được nhìn từ bên trong, cái thế giới mà người sáng mắt mải nhìn ra ngoài nên không thấy… Ơ này Nhím, cháu gái của ta, cháu đi xa chỉ mới đây thôi hay đã lâu rồi nhỉ? Quả thực là ta không thể nhớ rạch ròi ngày tháng, ta già lụ khụ rồi nhưng ta nhớ cháu, vẫn luôn tưởng tượng về cháu. Nhưng cũng không phải chỉ là tưởng tượng… Bà lão hơi cúi xuống, nghiêng một bên tai hướng vào mặt đất và bà lão nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc từ rất xa, truyền lan mơ hồ trong đất. A Nhím, cháu gái của ta, cháu đang trở về!
Lúc ấy Nhím vừa vượt qua con đèo, về tới đất Lũng Sỏi nhưng cô bé còn đang loay hoay tìm phương hướng để có thể mở lối tắt mà đi cho nhanh. Nhím nôn nóng muốn đi nhanh, rũ bỏ nhanh tất cả những gì cô bé vừa trải qua trong ngày. Thoạt tiên là cuộc náo loạn của Thì-điên giữa phố Núi, Nhím chẳng biết Thì-điên là ai, thấy mọi người chạy thì cô bé cũng chạy. Nhím chạy và bị đám đông xô đẩy lạc mất con ngựa. Cô bé lại phải vất vả đi tìm ngựa, mãi đến chiều mới về đến gần bãi gỗ. Một người thợ bãi gỗ chứng kiến cảnh ông Cao Thời và Phường hạch hỏi và nguyền rủa nhau, anh ta thương Nhím đã giữ cô bé lại, nói cho cô bé biết cái tình cảnh tai hại cô bé đang lâm vào mà chẳng hay biết gì cả… Bây giờ thì Nhím đã biết rõ cả. Trên đường đi trốn, Nhím không nghĩ về Thì-điên (anh ta đáng thương, không đáng trách và hơn thế, chính anh ta còn tạo cơ may cho Nhím) chỉ nghĩ về những cơn điên của những kẻ vốn không mắc chứng điên. Nhím thôi là cô bé ngốc nghếch và trở thành cô gái trưởng thành…
“Bà ơi, cháu đã về!”.
Bà lão mù quờ tay sờ nắn hai cánh tay Nhím, ấn cô ngồi xuống bên bà, miệng “ờ,ờ” vẻ như không có gì ngạc nhiên về sự trở về của cô. Nhím nhặt đoạn củi cành, cời cời đám than hồng cho ngọn lửa bốc cao lên. “Cháu đã về với bà, Nhím nhắc lại. Cháu sẽ kể chuyện cháu cho bà nghe…”. Bà lão mù lại quờ tay, lần này thì bà sờ nắn khuôn mặt Nhím, vuốt tóc Nhím, vẻ như bà nghe hiểu những xúc động trong lòng cô gái: “Này Nhím, cháu gái của ta, cháu không cần kể gì hết. Thế gian này có nơi điên đảo, nơi bình yên. Cháu hãy nằm xuống đây, ngủ một giấc say cho lại sức. Đời cháu còn dài…”.
Nhím nằm co bên chân bà lão mù, mặt hướng vào đống lửa. Bà lão mù ngồi im phắc nhưng bà lão vẫn thức, thỉnh thoảng lại quờ tay tìm khúc củi tiếp vào đống lửa, giữ cho ngọn lửa sáng thâu đêm.