Hồi Giáo Đại Cương
Tác giả: Nguyễn Minh
Dẫn
Hằng ngày xem tin tức thế giới trên báo chí hay truyền hình, hẳn cụm từ “khủng bố Hồi giáo” thường xuyên được lặp đi lặp lại trước mắt hay bên tai ta. Cách đưa tin có phần phiến diện của các hãng truyền thông đã khiến không ít người đi đến nhận định sai lầm là đánh đồng Hồi giáo và khủng bố, đánh đồng Hồi giáo với sự xấu xa, lạc hậu, và chậm tiến. Đánh đồng như thế liệu có công bằng chăng? Có nhất thiết rằng một quốc gia Hồi giáo thì phải chậm tiến không? Nếu thế thì ngay cả Malaysia cũng là một nước chậm tiến mất rồi. Có nhất thiết rằng Hồi giáo là gắn liền với bạo lực không? Thế thì những cuộc thập tự chinh Cơ Đốc lẽ nào không phải là bạo lực, lẽ nào các vụ thảm sát người Tin Lành thời Luther và Calvin lại tốt đẹp hơn chăng?
Nếu như cứ lấy những hành động của một thiểu số cực đoan mà bảo đấy là thực chất của đa số thì chắc rằng trên đời này chẳng còn một đoàn thể nào có thể gọi là tốt. Tôn giáo chân chính vốn không đạo nào xấu. Theo cách này hay cách nọ, tất cả các đạo đều chung một mục tiêu lánh ác hướng thiện. Tôn chỉ của Hồi giáo cũng chỉ hướng đến cái mục tiêu chung nhất ấy mà thôi.
Có rất nhiều người cứ luôn khăng khăng khẳng định Hồi giáo là đạo nhảm, nhưng hỏi nhảm như thế nào thì lại không trả lời được. Như thế thì chẳng qua họ cũng chỉ nghe người ta nói rằng nhảm mà tin là nhảm thật, chứ sự thể ra sao thì có được biết đâu? Vậy trước khi nhận xét về một sự vật hiện tượng gì thì cứ hãy cất công tìm hiểu nó đã, như thế ắt là hơn. Hiểu được rồi thì có thể tự mình rút ra kết luận, chứ chẳng phải dựa dẫm vào kết luận của thiên hạ. Muốn biết lẽ thật về Hồi giáo thì chi bằng xem qua vài nét lịch sử đại cương của tôn giáo ấy?
Nguồn Gốc Hồi Giáo
Trên phương diện khoa học nhân văn, Hồi giáo là một tôn giáo ra đời vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, dựa trên những nền tảng có sẵn của Do Thái giáo (Judaism) và Cơ Đốc giáo (Christianity). Đôi khi người ta cũng gọi Hồi giáo là đạo Muhammad (Muhammadanism), theo tên của đức sáng tổ. Tuy nhiên, với những tín đồ Hồi giáo, đạo của họ là đạo thường hằng trong vũ trụ, do Thiên Chúa (hay Thượng Đế) tạo ra, và vì Thiên Chúa vốn bất sinh bất diệt nên đạo của Ngài cũng bất sinh bất diệt; còn Muhammad đơn thuần chỉ là một người “thuật nhi bất tác”, thuật lại cho mọi người những mặc khải của Thiên Chúa mà thôi.
Trong quan niệm của các tín đồ, Hồi giáo không khởi sinh từ Muhammad. Với họ, con người đầu tiên do Thiên Chúa tạo ra, tức Adam, là tín đồ Hồi giáo đầu tiên, và ngay từ thuở hồng hoang, khắp đất trời đã là một vương quốc Hồi giáo. Không chỉ người mà thôi, mà tất cả muông thú, cỏ cây đều tuân theo Hồi giáo cả. Sở dĩ Adam và loài người được kiến tạo là để thay mặt Thiên Chúa cai quản các loài thảo cầm ở nhân gian. Và vì đẳng cấp của loài người cao như thế, nên Thiên Chúa đã dùng chính hình mẫu của mình ban cho con người.
Đến đây thì vấn đề nảy sinh. Do mang hình mẫu của Thiên Chúa nên con người có được sự tự do ý chí. Sự tự do ý chí đôi khi dẫn đến những lầm lạc, lầm lạc dẫn đến rời bỏ Chúa, và xa dần chánh đạo. Khi Adam, con người đầu tiên và cũng là nhà tiên tri đầu tiên, lìa trần, con cháu ông, không còn ai chỉ bảo, càng lún sâu vào con đường tối. Do thế mà Thiên Chúa lại phải gửi xuống nhân gian những vị tiên tri mới để nhắc lại Thiên Đạo, đưa loài người về đúng nẻo ngay. Trước Muhammad, đã có hằng trăm ngàn tiên tri giảng lời mặc khải ở trần thế, trong đó có Noah, Abraham, Moses, David và Jesus Christ. Tuy nhiên, một là do loài người u mê chưa tỉnh ngộ, hai là do khả năng của các vị cổ tiên tri còn hạn chế, không truyền đạt hết được lời Chúa, mà chính đạo vẫn bị bóp méo như thường. Rốt cuộc, đến thế kỷ thứ 7, Thiên Chúa quyết định khải thị cho Muhammad, và biến ông trở thành vị tiên tri hoàn hảo nhất trước nay, hơn hẳn những tiên tri tiền nhiệm. Do đó mà đạo của Muhammad truyền bá cũng là hoàn hảo nhất, không thể bị bóp méo như trước kia. Muhammad trở thành vị tiên tri cuối cùng, và bất cứ ai dám xưng tiên tri sau Muhammad đều là kẻ tà giáo.
Như đã thấy ở trên, Abraham, sáng tổ Do Thái Giáo, và Jesus Christ, sáng tổ Cơ Đốc Giáo, đều có vị trí tiên tri trong Hồi giáo. Như vậy, Thiên Chúa mà ba tôn giáo này thờ phượng chỉ là một. Nói về Hồi giáo, chúng ta vẫn thường hay nhắc Thánh Allah, nhưng gọi như thế là sai, vì Allah trong tiếng Arab mang nghĩa là Thiên Chúa. (Những tín đố Cơ Đốc người Arab khi cầu nguyện cũng gọi Đức Chúa Cha là Allah.). Thiên Chúa dĩ nhiên phải cao hơn Thánh, vả lại trong đạo Hồi chính thống hoàn toàn không có khái niệm Thánh. Người Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo cũng được tín đồ Hồi Giáo tương đối coi trọng và gọi là Giáo Dân Thánh Thư (People of The Book). Kinh Thánh Cơ Đốc cũng là sách thiêng trong Hồi giáo, có điều người ta coi nó không đầy đủ và hoàn thiện như Koran.
Muhammad, Koran, Sunna, Và Hadith
Muhammad sinh tại Mecca, bán đảo Arab, nay thuộc lãnh thổ Arabia Saudi. Ông là một người mù chữ, trước khi nhận được mặc thị Thiên Chúa vào năm 40 tuổi thì tư chất cũng không có gì nổi trội hơn người. Những huấn dụ của Chúa được truyền đạt đều đặn cho Muhammad cho đến ngày ông qua đời thông qua thiên sứ Gabriel, và Muhammad theo đó rao giảng khắp quê hương Mecca. Bị xua đuổi ở Mecca, Muhammad dời đến Medina và thành lập hội đoàn Hồi giáo đầu tiên tại đây. Sau khi Muhammad mất năm 632, những lời giảng của ông được tập hợp lại thành sách, tức là cuốn Thánh Điển Koran.
Tuy nhiên, những lời trong kinh Koran dù sao cũng chỉ là lý thuyết, còn phần thực hành thì các tín đồ phải noi theo cung cách sống của Tiên Tri Muhammad mà lấy đó làm gương. Những câu nói, hành động hằng ngày của Muhammad được những giáo đồ thân cận ghi lại trong các tiểu phẩm nhỏ gọi là Hadith, tương tự như cách các môn sinh của Khổng Tử chép chuyện thầy trong tập Luận Ngữ. Tập hợp của các Hadith ấy được gọi là Sunna. Koran và Sunna làm nên nền tảng của Hồi Giáo, tầm quan trọng của chúng cũng như Vệ Đà Kinh (Vedas) và Áo Nghĩa Thư (Upanishads) đối với Bà La Môn giáo (Brahmanism) vậy.
Dù được tôn vinh mặc lòng, địa vị của Muhammad vẫn chỉ là một tiên tri. Nói theo ngôn ngữ Cơ Đốc giáo thì ông chỉ là một Ngôi Lời (The Word) của Thiên Chúa, ngoài ra thì vẫn sống một đời sống của người thường, không hề và cũng không thể thực hiện phép lạ.
Nền Tảng Hồi Giáo
Trong quan niệm Hồi giáo, không hề có sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị, không có gì khác biệt giữa thể xác và linh hồn, tất cả hoà hợp làm một nhất thể, và nhất thể ấy hoàn toàn quy phục dưới một Đấng Tối Cao Toàn Năng. Trong những đạo giáo khác, có thể phân cách giữa đạo với đời, nhưng ở Hồi Giáo thì điều này là bất khả. Người Hồi giáo sống trong đời tức là sống trong đạo, ngay cái ăn, cái uống, cái nhấc tay nhấc chân, nhất cử nhất động không có gì là ra khỏi Thiên Đạo, bởi vì ngoài bên Thiên Đạo chỉ còn có tội lỗi và hư không. Nói cách khác, giáo lý Hồi giáo đồng thời cũng đóng vai trò của pháp luật, và toàn bộ luật ấy được áp dụng cho tất cả giáo dân. Đó chính là điểm khác biệt rất cơ bản giữa Hồi giáo và các tôn giáo lớn khác như Phật giáo và Cơ Đốc giáo, vì ở hai tôn giáo này, chỉ những vị tu hành mới phải tuân theo những giới luật khắt khe nhất, còn giáo dân bình thường được tương đối “thả lỏng”.
Sở dĩ có sự khác biệt trên là do giáo dân đạo Hồi có thể trực tiếp câu thông cùng Thiên Chúa mà không phải thông qua bất kỳ trung gian nào, và tất cả giáo dân đều bình đẳng dưới Chúa. Bản thân mỗi tín đồ Hồi giáo là một nhà tu, họ không cần đến linh mục hay hoà thượng dẫn dắt, mà có thể tự thân tìm đến đấng tối cao. Ulama, tức hàng chức sắc giáo sỹ Hồi giáo, chỉ làm công việc rao giảng lời thánh, dạy những điều mình biết cho người chưa biết, chứ không mang những trách nhiệm tâm linh như các linh mục hay hoà thượng, không đảm trách các nghi lễ thiêng liêng như rửa tội, cầu siêu. Những gì thiêng liêng đều thuộc về Thiên Chúa, Thiên Chúa không chia sẻ quyền năng cho tầng lớp trung gian nào.
Luật pháp của Thiên Chúa, tức Sharia, được ghi lại trong kinh Koran và các pho Sunna. Sharia quy định rất rõ 5 điều bổn phận và trách nhiệm của một giáo dân. 5 điều ấy thường được gọi là Ngũ-Trụ-Hồi (Five Pillars of Islam). Ngũ Trụ Hồi là:
1/ Xưng tụng đức tin: một người được coi là giáo dân khi và chỉ khi người ấy chịu xưng tụng câu “Không có chúa khác nào ngoài Allah, và Muhammad là kẻ truyền tin của Người”. Khi mới sinh ra, câu đầu tiên một đứa trẻ Hồi được nghe người thân nói là câu ấy, khi già rồi chết đi, câu ấy cũng lại là lời cuối cùng bên tai.
2/ Cầu nguyện: 5 lần một ngày, vào lúc ban mai, trưa, chiều, hoàng hôn, và tối, hướng về thánh địa Mecca để cầu nguyện. Giáo dân có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu, nhưng buổi trưa ngày thứ sáu thì phải đến giáo đường, vì đó là lễ trọng.
3/ Bố thí: Năng làm việc phúc, giúp đỡ kẻ khó, mẹ góa con côi. Đúng theo quy tắc thì bất cứ ai có khả năng về tài chính, mỗi năm phải bỏ ra ít nhất 2.5% tổng tài sản (tài sản chứ không phải thu nhập) để bố thí.
4/ Nhịn ăn trong tháng Ramadan: Trong tháng Ramadan, tháng thứ 9 trong lịch Hồi giáo, tín đồ phải tuyệt đối tránh chuyện tình dục, không ăn không uống từ bình minh cho đến hoàng hôn mỗi ngày. Mục đích việc này là để trai giới cho tâm hồn thanh tịnh mà tưởng niệm Thiên Chúa, lại cũng để hiểu thấu nỗi khổ đau của những kẻ nghèo đói lang thang không có cái ăn, từ đó mà biết thương người hơn.
5/ Hành hương về Mecca: Ít nhất một lần trong đời, người Hồi giáo phải hành hương về Mecca, quê hương của Tiên Tri Muhammad, và là nơi tọa lạc Kaba, Căn Nhà Của Chúa. Tương truyền Kaba được dựng lên bởi cổ tiên tri Abraham, bên trong có chứa viên huyền thạch thiêng liêng của Thiên Chúa.
Ngoài Ngũ Trụ Hồi, đôi khi người ta cũng nói đến Jihad như một trụ cột thứ 6 của Hồi giáo. Jihad không phải Thánh Chiến như người ta vẫn hiểu một cách sai lệch. Jihad là “đấu tranh vì đạo, vì lẽ phải”. Cuộc đấu tranh ấy có thể diễn ra bên ngoài xã hội, hay trong chính nội tâm của một cá nhân. Jihad bao hàm nghĩa Thánh Chiến, vì một khi đã đấu tranh thì có thể dẫn tới chiến tranh, nhưng Thánh Chiến không đồng nghĩa với Jihad.
Vì bản chất của nó là pháp luật, Sharia không chỉ nêu lên 5 bổn phận ở trên, mà còn quy định rất rõ nhưng quy tắc trong việc tang lễ, kết hôn, ly dị, và ẩm thực, vv và vv. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì Sharia mang tính chất của…luật dân sự. Những quy định mọi người vẫn hay nghe nói đến đó là cấm ăn thịt heo, cấm uống rượu và các đồ gây nghiện, cấm cho vay lấy lãi, cấm trộm cắp bạo lực, cấm một đàn ông lấy quá bốn vợ,…. Cái điều luật “một ông bốn bà” này đã đem lại nhiều chỉ trích cho Hồi giáo, nhưng nếu đặt điều luật này vào bối cảnh lúc ra đời thì mới thấy là nó mang rất nhiều tính tiến bộ. Thật vậy, bởi vì trước khi có luật ấy thì đàn ông ở Arab, cũng giống như Trung Hoa, có quyền lấy…vô số vợ, bao nhiêu tùy thích. Điều luật không những hạn chế số vợ xuống, mà còn răn rằng nếu như không đối xử được công bằng với các vợ, và không chu toàn được cho họ một đời sống sung túc thì một người đàn ông chỉ được lấy một vợ mà thôi. Nếu người nào nghèo đói mà lại cứ lấy càn nhiều vợ, đem về nuôi không nổi thì người vợ có quyền đi kiện. Hiện nay chúng ta thấy ít người nam Hồi giáo nào dám lấy hơn một vợ dù luật cho phép, một là vì nếp sống đã văn minh hơn, hai cũng là vì tài chính không dư dả nên không dám đèo bòng vậy.
Những người chỉ trích Hồi giáo cũng hay nêu ra những vấn đề về mạng che mặt và sự cấm cung phụ nữ. Nhưng xét ra thì trong kinh Koran hay Sunna không có điều nào quy định phụ nữ phải đeo mạng, chẳng qua chỉ nhắc nhở họ nên ăn bận giản dị và mặc trang phục sao cho cho kín ngực mà thôi. Tục đeo mạng là của phụ nữ xứ Ba Tư, người Hồi giáo bị ảnh hưởng tục này khi họ xâm lấn Ba Tư, chứ thời Tiên Tri Muhammad thì chưa có thế. Còn chuyện cấm cung thì cũng là sản phẩm của xã hội tiền Hồi, chứ không phải do Hồi giáo quy định ra. Trong những nền văn hoá cổ ở Á châu, cấm cung là chuyện thường tình.
Tóm lại, tuyệt đối tuân theo những lời răn Thiên Chúa đã nêu trong Thánh Thư, làm lành tránh dữ, như thế tức là sống một đời đạo hạnh. Cũng như các tôn giáo khác, Hồi giáo có một “hệ thống” để thưởng thiện, phạt ác, thiện thì thăng thiên đàng, mà ác phải đọa địa ngục.
Những Hệ Phái Hồi Giáo- Sunnites and Shiites
Sau cái chết không để lại di thư của Tiên Tri Muhammad, vấn đề ai sẽ kế vị ông trên ở ngôi vị Caliph (thống lãnh giáo đoàn) trở nên nóng bỏng. Một nhóm tín đồ ủng hộ bố vợ của Tiên Tri là Abu Bakr, nhóm khác lại tiến cử Ali, cháu và cũng là con rể Muhammad. Cuối cùng thì nhóm của Abu Bakr thắng, nhưng những xung đột giữa nhóm ủng hộ ông và phe Ali vẫn âm ỉ như sóng ở đáy sông. Tuy Abu Bakr mất sớm chỉ sau 2 năm nắm quyền (634), Ali vẫn bị đánh bại trong 2 cuộc “tranh cử” caliph liên tiếp sau đó, trước Umar và Uthman. Ali trở thành Caliph sau khi Uthman chết, nhưng bị dòng họ Umayyad, phe phái của Uthman, chống đối.
Sự qua đời của Ali đánh dấu chấm hết cho một Hồi giáo thống nhất, vì sau đó chiến tranh giành quyền lực đã diễn ra giữa các con trai ông, Hasan và Husayn, và dòng họ Umayyad. Trong trận kịch chiến giữa hai phe tại chiến trường Kabala (680), Husayn chết tại trận. Từ đó trở đi, mâu thuẫn không thể hàn gắn được nữa, và Hồi giáo chính thức chia ra 2 hệ phái, phái Shiites do các hậu duệ của Ali lãnh đạo, và phái chính thống Sunnites.
Sở dĩ gọi Sunnites là chính thống vì hệ phái này trung thành với những giáo lý nguyên thủy từ thời Tiên Tri Muhammad, trong khi bên phái Shiites, giáo lý ấy được biến đổi nhiều đi nhiều. Những người Sunnites theo đúng niềm tin rằng không có tầng lớp trung gian giữa Chúa và con chiên, không có các bậc Thánh. Caliph, thủ lãnh Hồi giáo Sunnites, chỉ có thế quyền mà không có thần quyền. Việc giảng giải kinh Koran và Sunna, cũng như các chuyện đại sự, là do tập thể các chức sắc cùng quyết định, chứ Caliph không thể độc đoán.
Ngược lại, người Shiites gọi thủ lãnh của mình là Imam và tôn sùng vị ấy như một bậc Thánh. Imam là người toàn quyền quyết định vạn sự, là người duy nhất có quyền biện giải kinh Koran, một lời Imam nói ra là bất khả tư nghì. Tuy trên lý thuyết, Muhammad vẫn là Tiên Tri ở địa vị cao nhất, nhưng trên thực tế, người Shiites coi địa vị của Ali, vị Imam đầu tiên, có phần còn cao hơn. Với nhiều tín đồ Shiites, Karbala, nơi Imam Husayn tử trận, là một thánh địa còn thiêng liêng hơn cả Mecca.
Sau khi một Imam chết đi, đôi khi lại xảy ra một vụ tranh giành quyền lực, do đó mà từ Shiites Hồi giáo lại nảy sinh ra thêm những hệ phái nhỏ khác. Hệ phái Shiites được coi là chính thống lưu truyền được đến đời Imam thứ 12 là Muhammad al-Muntazar. Vị Imam này có vai trò gần giống như Jesus Christ của Cơ Đốc giáo, ông đột ngột mất tích vào thế kỷ thứ 9, và người ta lưu truyền rằng ông chỉ trở lại nhân thế sau Ngày Phán Quyết (Judgement Day), lúc Thiên Chúa đã trừng phạt mọi tội lỗi và biến thế giới thành một vương quốc Hồi giáo tinh tuyền như xưa. Từ ngày al-Muntazar ra đi cho đến nay, ngôi vị Imam để trống, những vị thủ lĩnh mới, tức Ayatollah, chỉ là người tạm thời thay thế, và không có được quyền lực cao như Imam.
Một điểm khác biệt nữa giữa Shiites và Sunnites là ở chỗ thế giới quan Shiites có phần bi quan hơn. Người Shiites đề cao hơn sự khổ hạnh và tử vì đạo. Vì Imam Husayn đã tử vì đạo, do đó trở thành một truyền thống được đề cao trong hệ phái này.
Sự Phát Triển Của Hồi Giáo
Một thế kỷ sau ngày mất của Tiên Tri Muhammad, Hồi giáo đã được phổ biển rộng khắp từ lưu vực sông Indus, Ấn Độ phương Đông cho đến Bắc Phi và Tây Ban Nha phương Tây, theo chân sức mạnh quân sự của các vương triều Arab. Ở vùng Đông Nam Á xa xôi, nơi vó ngựa xâm lăng Arab không vươn tới nổi, Hồi giáo dần dần được du nhập qua những hoạt động buôn bán, giao thương. Đế Quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng đạo Hồi sang đến Đông Âu qua những cuộc xâm chiếm, trong khoảng thời gian từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 17. Từ Bắc Phi, Hồi giáo lại lan truyền xuống Đông và Tây Phi, cạnh tranh mạnh mẽ với Cơ Đốc. Những người Phi da đen bị bắt làm nô lệ đưa sang châu Mỹ lại góp phần truyền bá đạo tại vùng đất mới. Theo làn sóng nhập cư thời hiện đại, hiện nay các cộng đồng Hồi giáo có mặt khắp nơi trên thế giới, với dân số lên đến trên một tỷ người. Số lượng tín đồ đạo Hồi chỉ đứng sau có Cơ Đốc.
Dĩ nhiên, khi lan truyền đi khắp nơi, đôi khi Hồi giáo không còn được tinh tuyền như cũ. Nó hấp thụ những bản sắc văn hoá bản địa, những tinh hoa của tôn giáo bản địa, mà trở nên dị biệt với đạo gốc. Khi những dị biệt quá lớn thì nó trở nên những tôn giáo mới, chẳng hạn như đạo Bahai ở Trung Đông, và Shiksm ở Ấn Độ. Người Hồi giáo không còn coi những đạo ấy là…Hồi một chút nào nữa. Trường hợp của đạo Huyền Hồi (Sufism) thì phức tạp hơn. Trong khi nhiều tín đồ Hồi giáo vẫn bao dung đạo này, một số khác lại công kích nó là tà giáo.
Đạo Huyền Hồi
Huyền Hồi, tức là Hồi Giáo huyền hoặc. Trên phương diện triết lý thì Huyền Hồi đối vói Hồi giáo cũng tương tự như Thiền Tông đối với đạo Phật. Nhưng về hình thức, Huyền Hồi lại hàm chứa những nghi lễ thần bí kiểu như Mật Tông. Huyền Hồi đáp ứng nhu cầu thăng hoa về tâm linh mà một Hồi giáo nguyên thủy do quá nhập thế đã không cung cấp.
Sỡ dĩ nói giáo lý Hồi nhập thế là vì nó chủ yếu chỉ đề cập đến những phạm trù hình nhi hạ mà thiếu nhiều về hình nhi thượng học. Hồi giáo ra đời chưa bao lâu thì một số tín đồ thức giả đã nhận thấy điều ấy, và quyết định thổi thêm vào tôn giáo một chiều sâu. Những tín đồ này nhấn mạnh vào những khía cạnh huyền bí trong cuộc đời Muhammad, đến những lần ông rời bỏ giáo đoàn để thiền quán một mình, họ rút ra kết luận rằng quán tưởng tâm linh mới là cứu cánh cho sự an lạc vĩnh hằng, và sở dĩ Muhammad, hay Thiên Chúa thông qua Muhammad, chỉ chuyên chú dạy về lý lẽ hình nhi hạ chẳng qua là do thính chúng không đủ sức tiếp thu chân đế.
Từ thế kỷ thứ 9 trở đi, Huyền Hồi ngày càng xa cách Hồi giáo nguyên thủy. Do chú trọng về tâm linh, dĩ nhiên tín đồ Huyền Hồi đặt nhẹ vật chất và chủ trương một đời sống khổ hạnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất giữa họ và các tín đồ chính thống thể hiện trong vấn đề cứu cánh. Tín đồ chính thống sống đời đạo hạnh để về Thiên Đàng và được ở dưới chân Thiên Chúa, trong khi mục đích tối hậu của tín đồ Huyền Hội là hợp nhất cùng Chúa, tan biến linh hồn vào Chúa bao la. Để đạt đến cứu cánh có nhiều phương cách khác nhau, tín đồ Huyền Hồi thường tụ tập cộng tu, quán tưởng Thiên Chúa qua việc niệm tên Ngài không ngơi nghỉ; rồi bằng những khúc nhạc và điệu vũ thần bí kéo dài hàng giờ, họ tìm đến Đấng Toàn Năng. Họ tin rằng những vũ nhạc ấy có năng lực siêu nhiên đưa bản thân lên một trạng thái thăng hoa, câu thông cùng Thiên Chúa. Do quan điểm có thể câu thông cùng Thiên Chúa nên trong Huyền Hồi mới nảy sinh khái niệm Thánh. Tuy tín đồ Huyền Hồi vẫn chấp nhận giáo điều rằng Muhammad là Tiên Tri cuối cùng, họ vẫn tin mình có thể đạt tới cảnh giới Thánh, một địa vị còn cao hơn…Tiên Tri. Một số người còn đi xa hơn, như al-Hallaj (mất năm 922) khi khẳng định nếu bản thân đã hợp nhất cùng Chúa thì bản thân ấy cũng chính là Chúa. Đến đây thì triết lý của họ chẳng còn là Hồi nữa mà thành ra… Phật; Thiên Chúa mà họ đề cập lấy trong Phật giáo gọi là Pháp Thân, còn cá nhân hoà vào Thiên Chúa chính là Báo Thân. Một thiếu số Huyền Hồi khác nữa, lãnh đạo bởi Ibn al-Arabi (mất năm 1240) thì “biến” Thiên Chúa thành một dạng linh hồn vũ trụ kiểu như Brahman của Bà La Môn giáo. Theo thiểu số này thì Thiên Chúa bàng bạc khắp mọi nơi, có mặt trong vạn vật; một hòn đá, hay một ngọn cỏ, không gì không phải là Thiên Chúa. Lý luận như thế tức là họ đã đánh đồng Thiên Chúa cùng với Thiên Đạo, hay nói theo Cơ Đốc là đánh đồng Chúa Cha (God The Father) và Thánh Linh (Holy Spirit).
Như đã trình bày ở trên, tín đồ Huyền Hồi thường sử dụng hình thức cộng tu, từ cộng tu dẫn đến đời sống tu viện (monastery). Nên nhớ rằng Hồi giáo chính thống không chấp nhận tu viện, nên sự thành lập viện lại càng đưa Huyền Hồi ra xa gốc rễ. Cuộc sống trong tu viện tuy khắc khổ nhưng không quá nghiêm cẩn như trong các nhà tu kín Cơ Đốc, vì trọng tâm Huyền Hồi muốn nhấn là tình yêu. Huyền Hồi, không gì khác hơn, chính là đạo của tình yêu.
Dĩ nhiên Hồi giáo chính thống cũng dạy người yêu kính Thiên Chúa, nhưng không nhấn mạnh tình yêu bằng bổn phận và trách nhiệm. Giáo dân chính thống được dạy phải thực hành Ngũ Trụ Hồi vì đó là bổn phận, nhưng tín đồ Huyền Hồi thực hành nó chỉ vì tình yêu Thiên Chúa mà thôi. Giáo lý Huyền Hồi nhấn mạnh rằng tình yêu Chúa phải bao la vô hạn định, và nhất mực không được kèm theo lòng vị lợi hay một điều kiện nào. Rabia al-Adawiyya (mất năm 801), một bậc anh thư dòng Huyền Hồi, đã để lại những lời bất hủ như sau:
“Lạy Chúa
Nếu con thờ phượng Chúa chỉ vì sợ sa Địa Ngục, xin thiêu đốt con nơi Địa Ngục.
Nếu con thờ phượng Chúa chỉ vì mong được Thiên Đàng, xin đuổi con khỏi Thiên Đàng.
Nhưng Chúa ơi
Nếu con thờ phượng Chúa chỉ vì lòng yêu Chúa mà thôi, xin đừng lấy khỏi con vẻ mỹ hằng của Chúa”.
Thế Nào Là Fundamentalism
Sự tiếp xúc Đông Tây trong thời kỳ thực dân đã dẫn đến nhiều phong trào cải cách trong Hồi giáo. Những phong trào ấy đào thải những hủ tục trì trệ, và tiếp thu vào đạo những tinh hoa văn hoá Tây phương. Kinh Koran và Sunna được diễn dịch lại theo phong cách mới để theo cùng thời đại. Ở nhiều quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, từ khoảng đầu thế kỷ 20 trở đi, tôn giáo và chính trị dần dần trở thành hai lãnh vực riêng biệt.
Sự thay đổi ấy cố nhiên không làm hài lòng một bộ phận bảo thủ. Những người bảo thủ do thế mà phát động “phản cải cách”, kêu gọi mọi người “về nguồn”, khôi phục lại Hồi giáo tinh tuyền và bác bỏ đi những tư tưởng ngoại lai. Những phong trào “Về nguồn” như vậy đang phổ biến trên thế giới ngày nay, và được phương Tây gọi bằng cái tên “fundamentalism”, hoặc “Islamism”. Nếu chỉ căn cứ vào nhật báo hằng ngày thì fundamentalism cũng đồng nghĩa với khủng bố, nhưng trên thực tế thì không phải thế. Quả thật, cũng có những nhóm người chủ trương “Về nguồn” bằng cách dùng bạo lực phá hoại thể chế hiện tại, song phần đông chỉ hoạt động trong hoà bình.
Trong những nhóm hoạt động hoà bình lại chia ra hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là chống “Tây phương hoá và hiện đại hoá”. Những người theo xu hướng này chẳng những chống phương Tây và còn chống mọi biểu hiện của khoa học kỹ thuật do phương Tây đem lại, như TV, máy tính, vv…, coi đó là những sản phẩm độc hại cần loại bỏ. Với họ, những thành tựu của văn minh chỉ làm hư hỏng thêm con người. Dĩ nhiên, xu hướng kể trên mang nhiều tính phản động.
Xu hướng thứ hai là xu hướng chủ đạo, chỉ chống “Tây phương hoá”. Xu hướng này thì phổ biến ở mọi nền văn hoá phương Đông, chứ không cứ gì văn hoá Hồi giáo. Những người theo xu hướng hai một mặt tiếp nhận thành tựu khoa học phương Tây, một mặt duy trì bản sắc dân tộc để không mất gốc. Một mặt họ thu hút lấy những tinh hoa của nước ngoài, một mặt họ đấu tranh loại bỏ những hệ quả xấu kèm theo, chẳng hạn như chủ nghĩa vật chất và lối sống thác loạn. Như vậy có thể thấy Fundamentalism chân chính chẳng qua chỉ là phong trào duy trì bản sắc đó thôi. Tuy những tổ chức như Al Qaeda cũng giương cao ngọn cờ Fundamentalism, nhưng nó không thể đại diện cho Fundamentalism, cũng như sự diệt chủng do Pol Pot gây ra trong thập niên 1970 không thể đại diện cho chủ nghĩa Marx.
Kết
Xin nhắc lại, mục tiêu của tôn giáo có thể tóm gọn trong hai chữ hướng thiện. Hồi giáo là một tôn giáo, nên tôn chỉ cũng không thể nằm ngoài hai chữ này. Lược qua vài nét chính của Hồi giáo trong lịch sử 1400 năm, ta càng thấy rõ điều ấy. Nếu có xét nét thì cũng chỉ có thể bảo rằng đạo Hồi chỉ chú trọng phần thực dụng mà thiếu vắng cái cao siêu, nhưng sự thiếu vắng ấy thì Huyền Hồi đã bổ sung rồi. Vả lại những cái gọi là cao siêu kia có thực ích lợi cho nhân quần hay chăng thì hãy còn là điều gây tranh cãi. Cũng có thể bảo Hồi giáo “duy ngã độc tôn”, tự cho mình là thường đạo của vũ trụ, nhưng thử hỏi có tôn giáo nào lại không “duy ngã” bao giờ? Trải qua thời gian, trong nội bộ Hồi giáo không khỏi xảy ra những chia rẽ, xung đột, song như thế hãy còn là ít so với các đạo khác. Một minh chứng là số hệ phái trong Hồi giáo hiện nay ít hơn rất nhiều so với đạo Cơ Đốc.
Những hành động khủng bố hiện nay quả tình gây tác động xấu đến thanh danh Hồi giáo, nhưng những kẻ khủng bố chẳng qua cũng chỉ là nhân danh đạo mà làm xằng đó thôi. Trong đạo phái nào lại không có những kẻ xấu giả danh, và tùy lúc tùy thời mà những kẻ ấy có cơ lộng hành ít hay nhiều. Điều quan trọng là ta phải biết tỉnh táo mà xét đoán, nhận ra đâu là “sâu” và đâu là “canh” vậy.
Bibliography:
Eickelman, Dale F. & Piscatoni, J. 1996, Muslim Politics, New Jersey: Princeton University Press.
Ernst, Carl W. 1997, Sufism, Boston& London: Shambala.
Esposito, J.L.1995, The Islamic Threat: Myth or Reality?, New York: Oxford University Press.
Esposito, J.L.1998, Islam:The Straight Path, New York: Oxford University Press.
Hussain, J. 1999, Islamic Law and Society: An Introduction, Leichhardt, NSW Federation Press.
Manger, L.1999, Muslim Diversity: Local Islam in Global Contexts, London: Curzon.
Ruthven, M. 2000, Islam in The World, Penguin Books.
Stowasser, BF. 1984, Muslim Women, London: Croom Helm.