Qua Đèo
Tác giả: Nguyễn Nam An
T ôi có cái dở khi nhắc đến vai vế của những người trong họ, bên nội cũng như bên ngoại. Dở tệ! Chín mươi chín phần trăm tôi đoán và gọi trật thứ bậc họ hàng. Đã vậy lúc còn nhỏ lại hay bắt chước. Nghe ai xưng hô với nhau (như bác, chú, cô, cậu, dì) là cứ thế cứ lập lại dầu nhiều khi tôi phải xưng khác đi. Má tôi có người thân là cô Năm. Tôi nghe bà nói nhiều về người này. Thế đó tôi cũng bắt chước gọi “cô Năm” tỉnh bơ. Tôi đâu biết mình thuộc hàng cháu phải gọi cô của má là bà. Nhưng người lớn đâu chấp nhất. Những ngày giỗ kỵ lớn họ hàng bà con gặp nhau, bận rộn quá không ai để ý giúp tôi sửa sai. Thế là trong đầu óc non nớt của thằng nhỏ thứ bậc của người trong gia tộc cứ lộn xộn.
Ở bên nội có người ông thương tôi lắm, có thể vì tôi “nhỏ cấp” nhất và mồ côi cha. Ông chỉ là anh em với ông nội tôi. Sau ngày chia đôi đất nước, nội tôi kẹt ngoài Bắc. Ba tôi, con trai độc nhất, lập gia đình, có tôi rồi qua đời. Khi về lại Huế thăm ông năm dưới mười tuổi, ông thường cho tôi ngủ chung. Thằng cháu đích tôn của ông bị đi ngủ với mẹ ruột vì nó được ông cưng nhiều rồi. “Con thằng Vi (là tôi) ra bộ ngựa nằm với ông.” Nhiều lúc ông nhìn tôi thật lâu rồi vừa nói vừa cười với mấy bác. “Thằng ni giống cha hắn quá. Tội anh...(tên ông nội ruột tôi) còn kẹt bên nớ. Mấy năm ni không biết tin biết tức chi hết. Còn thằng Vi cha hắn (ông đưa tay vuốt đầu tôi) rứa mà vắn số.” Tôi nằm yên nghe ông nói chuyện. Thỉnh thoảng không ai để ý tôi nhón tay lấy cục đường phèn của ông dùng khi uống trà bỏ vào miệng. Nhiều lần bị bắt gặp ông lại lấy cho thêm cục nữa. Tôi biết ông thương tôi nên làm tới. Một hai đây là nội của tao. Về tới Đà Nẵng kể chuyện Huế cho bạn bè cũng lại nội của tao. Thuở ấy ông còn khoẻ, chiều chiều chèo đò đưa cháu đi chơi. Tôi ngồi đầu mũi nốt (chiếc thuyền) nhìn ông cầm lái phía sau khoan thai chèo nhịp. Ông mặc đồ trắng, đi chân, râu tóc bạc phơ bay trong gió. Đời sống êm ả như sông nước lặng lờ chảy. Bến bên ni qua tới bến bên chợ Nọ chừng ba trăm thước. Có chiếc cầu bắc ngang sông nhưng ông không đi. Ông lấy chiếc nốt, chèo chở tôi ra giữa giòng. Buổi chiều gió sông lồng lộng. Tôi cúi đầu soi bóng mình trên mặt nước, thích thú thò bàn tay nhỏ tạt nhè nhẹ. Ông đàng sau lái nói lớn: “Đừng hoang như rứa. Coi chừng rớt cái trốt (cái đầu) thằng cha mi bi chừ.” Tôi lè lưỡi như sợ, ngồi yên một tí lại nghịch ngợm tiếp.
“Ôn ơi, mình đi mô bên ni?”
“Qua thăm nhà ôn khác.”
“Răng mà nhiều ôn quá rứa ôn nội. Con nghe mấy bác cứ nói ôn ni ôn tê hoài.”
Ông tôi cười hiền hoài. Nơi đây họ nội tôi lập nghiệp, đời này qua đời khác họ hàng như dây mơ rễ má. Có những đứa gọi tôi bằng chú lại lớn tồng ngồng, đứng hơn tôi cả cái đầu. Tụi nó ở đây, ngày ngày đi học trường quận, chiều về thả trâu ăn cỏ. “Nghé nghé ngọ ngọ” cho đến hoàng hôn thì dắt trâu về mẹp (dầm nước) ngoài bến. Cái bến nơi ông tôi đậu thuyền.
Quận lỵ thuở đó còn yên. Đồn phòng ngự, cũng là quận đường, sơ sài hàng rào tre vót nhọn bao quanh. Từ nhà ông tôi, theo con đường đất lác đác phân trâu đến hàng rào phòng thủ quận không xa. Cái lô cốt xây từ thời nào đôi lúc là chỗ đám trẻ chơi đùa. Thôn xóm chưa có tiếng súng. Người lính dân vệ gác để gác! Anh ôm súng ngồi, hút thuốc ngó làng mạc ruộng đồng.
“Ôn ơi chiều rồi.”
“Con nhớ nhà phải hôn? Thôi mai mốt bác mi trở lại Đà Nẵng thì về trong nớ.”
Tôi mà nhớ gì. Cảnh “chiều chiều ra đứng ngõ sau” chưa đến với tôi ở tuổi này. Lâu lâu ngồi nơi tam cấp nhà từ đường thấy mặt trời lặn, chim xao xác về tổ, tôi đứ đừ sau cả ngày rong chơi nên nín câm như buồn. Về quê nội khỏi phải đi học hè lại được ông để ý đến nên tôi hư ra. Tôi muốn ở lại đây đi chăn trâu!
Hôm qua đám nhóc bà con rũ tôi ra bến sông. Tới nơi đứa nào đứa nấy trụt quần nhảy tùm xuống nước. Làm cho lẹ không thôi người ta thấy... dầu rằng tụi con gái bà con ở nhà. Thằng nào thằng nấy tồng ngồng. Tôi ngồi tòng teng trên cành cây nhìn tụi nó thèm thuồng. Mấy thằng nhóc bơi như rái. Có đứa kêu tôi xuống cho biết nước sông Hương. Cho tiền tôi cũng không dám vì bơi là chìm. Nước sông Hương cũng như nước sông Hàn thôi, có gì đặc biệt mà bắt tôi xuống để chết trôi! Mẹ tôi dặn trước khi về quê là không được tắm sông. “Sông có ma da, xuống đó bị nhận nước chết đó nghe.”
Tôi muốn nhảy xuống nhập bọn mà không dám. Thằng Đơ hét lớn chọc quê.
“Bộ mi không dám cởi truồng hả? Có ai đâu mà sợ.”
“Tao không biết bơi.”
“Xuống đây tao chỉ cho. Bơi dễ ẹt. Bắt con chuồn chuồn voi cho cắn vào rốn là bơi được liền?”
“Tao nghe mấy thằng trong xóm nói vậy mà không tin. Chuồn chuồn cắn rốn đau chết thì có liên quan gì đến bơi với lội.”
“Ai biết.”
Tôi hỏi gặn nó.
“Mà mi có để rốn cho chuồn chuồn cắn chưa mà bơi dữ rứa?”
Thằng Đơ nhe răng cười. Nó chúi đầu xuống nước lặn một hơi ra giữa giòng. Tôi vai chú nó mà dở ẹt. Tự nhiên tôi tức. Sao tụi bà con tôi dưới quê trò gì chơi cũng trội cả. Chỉ có cái mã thành phố còn thua tôi chút ít. Chắc tối về nhà nội tôi phải cầu cứu anh Viên.
Anh Viên là con thứ bác tôi. Lúc đó anh mười bốn mười ba gì đó. Xong cơm nước buổi tối anh lặn mất tiêu như mặt trời. Không ai thắc mắc gì vì anh đã lớn. Làm lụng giúp gia đình cả ngày phải cho anh có chút thời giờ với bạn bè khi đêm đến. Nhất là những đêm trăng ở dưới quê, người ta còn sinh hoạt có khi đến khuya. Viên thường ra cái quán bên con đường lộ nối liền thành phố Huế với Thuận An, tụ năm tụ ba hút thuốc. Đám bạn dưới quê cũng như anh, ít có dịp đi xa. Họa hoằn lắm lên tới chợ Đông Ba trên phố Huế mua nhu yếu phẩm rồi về. Đà Nẵng với anh thì xa tít mù nói gì tới những tỉnh miền nam. Viên vào trường trễ hai năm, học xong tiểu học ở trường quận gần mười ba tuổi, anh ở nhà. Tuổi mười ba này chất phát như ngô như khoai, nhưng thi vị không kém. Quận lỵ chỉ có lớp tiểu học. Lên trên Huế thi vào trường trung học công lập là một vấn đề. Bác tôi không muốn con đi xa vì nhà cần người, lỡ gì mùa gặt mùa cấy. Trăm ngàn lý do để anh Viên thôi học. “... con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nhưng cô nhỏ bạn học anh đậu vớt vào trường Đồng Khánh kỳ thi đệ thất. Viên dậm chân tại chỗ làm nông dân. Tình đầu của hai đứa học cùng lớp như “hai đường thẳng song song”. Viên mới biết tới đó. Anh chưa có dịp ngồi lớp cao hơn để nghe thầy giảng phần còn lại “không bao giờ gặp nhau tại một điểm.”
Trong mớ quà mang về biếu bà con dưới quê má tôi có gởi vải cho ông và mấy bác. Viên năn nỉ ông nội xin xấp vải trắng may áo. Ông cho. Anh mang qua bên kia chợ Nọ đặt may, về mặc với quần tây trông kẻng lắm. Mận nhìn em cười tủm tỉm. Chú Viên đã biết diện rồi khi con Tịnh, bạn học Viên bắt đầu để tóc, mặc áo dài trắng đi học. Nhà ba má Tịnh cách nhà ông tôi một hàng chè tàu. Nhiều lúc chị Mận đứng bên này rút rơm chụm bếp nói chuyện với Tịnh bên kia. Hai người quen thân nhau từ nhỏ, lúc Tịnh còn đi qua nhà mượn này mượn nọ cho mạ hay rủ chị Mận đi giặt đồ ngoài bến cho có bạn. Tịnh đi học đúng tuổi nhưng con gái mau lớn, đã biết thẹn thò lúc Viên thấp thoáng bên hiên nhà ông tôi nhìn qua vườn nhà cạnh. Tịnh biết nhưng giả vờ cúi đầu vào cuốn tập hoặc cắm cúi làm việc nhà.
Trước khi về Đà Nẵng anh Viên cứ dặn tôi hoài. “Mi về nói thím cho tao cái đồng hồ. Sang năm ra nghỉ hè mang cho tao. Đừng nói cho ôn hay bọ biết. Tao bị la.” Tôi hứa mấy lần mà Viên không yên tâm. Anh sợ tôi quên nên buổi tối trước ngày tôi đi, Viên nhét cái thư anh viết gởi mẹ tôi để xin quà vào xách tay. “Tao để bên dưới lớp áo quần. Mi nhớ đưa cho thím nghe.”
Ba năm sau tôi trở về Huế. Anh Viên mười sáu tuổi, người vạm vỡ như Vọi của Trống Mái. Nhìn anh đánh trần, tay cầm đòn sóc bên những giạ lúa nặng chịch tôi tưởng tượng đến những nhà tập thể dục thẩm mỹ hay các tay hảo hán trong phim quyền cước. Ngó vậy nhưng anh hiền. Hôm tôi đến nhà ông nội Viên mừng quá, kéo ngay ra góc nhà hỏi có quà của má tôi cho anh không. Tôi lấy trong túi đưa cho Viên cái đồng hồ rồi tặng thêm anh cuốn sách sưu tập những lá thư tình hay nhất thế giới. Anh lật qua lật lại, nhìn tôi tẽn tò.
“Mi cho tao cuốn ni làm chi?”
Hỏi rứa chứ anh cất liền. Tối đó Viên nói tôi ngủ chung. Anh hỏi mãi chuyện trong Đà Nẵng, chuyện bác ruột anh (ở cùng khu phố với ba mẹ tôi) mở hiệu đóng bàn ghế. Viên tò mò hỏi tôi có bồ chưa. Chuyện này tôi dấu. Tình đầu mà. Một lúc vui miệng anh nói về Tịnh. Cô ấy đã học đệ tứ trên Đồng Khánh. Hai buổi đón xe lên phố đi học rồi về. Viên nói say mê.
“Kỳ trước nhà Tịnh bên nớ có giỗ, tao mặc bộ quần xanh áo trắng như dân đi học, theo ôn nội qua ăn cỗ. Con Tịnh mà thấy chắc lác mắt.”
Tôi ừ ừ hử hử để anh có hứng kể tiếp.
“Không thấy hắn mô nhưng mà thấy cũng nói không được. Đến lúc người bừng bừng vì chén rượu đế, tao ra sau hè định tìm hắn nói vài lời thì ôn biểu về. Uổng quá!”
“Mà anh định nói cái chi với chị Tịnh?”
Viên đưa tay vò tóc.
“Tao thương nó nhưng không biết nói như thế nào. Mi nghĩ tao nên nói cái chi?”
Nghe anh hỏi ngược tôi bí. Sực nhớ đến cuốn sách tôi nói anh nên viết thư cho Tịnh, có gì tôi đưa giùm cho. Tôi biết giờ xe buýt trên Huế tới chợ Nọ. Tịnh vẫn về chuyến ba bốn giờ. Chịu khó chờ ngoài đường lộ chắc tôi giúp Viên “gởi thư tình” được. Tịnh biết tôi là em bà con với Viên; đi theo đưa thư chắc không khó.
Anh Viên bỏ ba bốn ngày không viết xong cái thư. Cuốn tập xích lô trăm trang cứ mỏng dần vì Viên xé, vò, đem xuống bếp đốt bởi không dám vất bậy bạ. Anh có nguyên cuốn sách những lá thư tình hay nhất thế giới làm bùa mà không ứng dụng được. Có thể thư trong đó được viết với bối cảnh thành phố, có ngôi biệt thự réo rắc tiếng đàn dương cầm? Viên loay hoay xem cẩm nang vài bữa cuối cùng xoay qua hành tôi.
“Mi viết giùm tao cái thư?”
“Mô được. Bồ của anh chứ đâu phải của tôi. Tôi viết sạo sạo rồi chị Tịnh thương tui sao?”
Viên xuống nước.
“Viết thư cho tao đi rồi tao chỉ mi bơi. Tao dạy không cần cho chuồn chuồn cắn vào rốn.”
Anh nhớ lại chuyện cũ nên dụ tôi liền.
“Khỏi cần. Tôi bơi chỉ làm sông Hương cạn nước vì có thằng uống hết!”
“Viết giùm tao nghe.”
Tôi gật đầu đồng lõa.
Đến lúc tôi vò đầu bứt tai viết thư tình để Viên gởi cho Tịnh. Tên anh họ không cho tôi đầy đủ chi tiết về cô láng giềng. Chỉ biết Tịnh học trường Đồng Khánh, lớp đệ tứ. Con gái học trung học đẹp nhất là năm đệ ngũ. Qua đệ tứ đám tóc dài đến tuổi trăng tròn, không còn cái đẹp đang tới dầu vẫn đủ sức để đánh ngã những chị học trên lớp. Mấy thằng bạn lớn trước tuổi của tôi nghe ai nói lại rồi chiêm nghiệm ra điều đó. Tôi làm đệ tử tụi nó khi có tình đầu. Thư tình đã viết, xé, vò rồi đem đốt. Cũng như Viên lúc này, không ai đẹp hơn bồ mình, nhưng tôi may mắn hơn là viết được thư cho con bé bên trường nữ. Viên đặt tôi vào thế kẹt. Đã vậy anh cứ hối hoài làm tôi hoảng. Túng quá tôi lấy thơ của “tình đầu tôi”, đổi ngôi thứ, bối cảnh, tên người, tên thành phố để thanh toán cho xong món nợ lỡ hứa. Con nhỏ viết cho tôi ở Đà Nẵng, tôi đổi thành Phú Vang, Huế. Trường Nữ Trung Học Hồng Đức được phịa thành Đồng Khánh. Hai dãy kiền kiền trước trường bồ tôi, trong thư viết giùm Viên trở thành hàng me xanh lá lủng lẳng những con sâu đo... Chiều đó tôi rủ anh ra bến đò đọc thử. Viên chịu quá tối về thắp đèn chép lại. Tôi thở phào trút được gánh nặng. Không ngờ mang theo cái thư con bé lại giúp tôi nhiều thế.
Tịnh nhận được thư của Viên. Chị ấy cầm cuốn sách, trong đó tôi kẹp lá thư viết giùm anh họ mình, đỏ mặt hỏi tôi.
“Vang cho tôi mượn cuốn Tuổi Hoa loại hoa tím này hả?”
“Của anh Viên đó. Anh nhờ Vang mua trong Đà Nẵng để tặng chị Tịnh.”
Tôi láo như miệng có thoa mỡ.
“Hồi mô chị muốn đọc sách chi thêm nói anh Viên nhắn em mua dùm cho.”
“Hồi mô Vang đi vô trong nớ?”
“Hết hè.”
“Có gì cho chị gởi chút quà cho người bà con.”
Tôi nhận lời liền. Đến lúc này tôi mới hết run. Chỉ sợ chị Tịnh không nhận lời thì uổng công tôi cắm cúi viết thư mấy ngày. Tôi chào chị rồi chạy một mạch trở ra đường lộ, tìm lối khác về nhà ông nội. Tôi sợ đi ngang nhà Tịnh vì biết chị đẹp.
Tối đó Viên rủ tôi đi chơi. Anh hỏi lui hỏi tới cử chỉ của Tịnh khi tôi đưa thư như sợ thằng em mình quên đi vài chi tiết quý giá. Tôi kiên nhẫn tả khuôn mặt Tịnh lúc nhận cuốn sách có nhét phong thư (Tịnh lật thật nhanh rồi nhét vào cặp); lập lại những điều Tịnh hỏi về Viên. Ông anh họ tôi đang say men tình đầu nên quay tôi như chong chóng. Tôi chỉ mong anh đừng nhờ tôi viết thêm lá thư hồi âm nếu Tịnh trả lời.
Viên chẳng cần tôi cố vấn nữa. Hai tuần sau chị Mận thấy Viên và Tịnh cầm tay trong vườn sắn sau nhà. Chị định đi kiếm ít rau về luộc nhưng bỏ ngang. “Đi ra ngoài nớ tụi nó biết tội nghiệp.” Từ đó chị Mận có vẻ săn sóc Tịnh những lúc có dịp gần nhau. Mận hỏi xa hỏi gần “Tịnh định học tới đâu? Học xong lên ở luôn trên Huế hay ở dưới quê?” Toàn những câu thăm dò. Tôi biết anh Viên không nói với ai trong nhà về Tịnh. Anh giữ kín mối tình đầu với cô bạn thuở nhỏ ngoại trừ tôi.
Anh Viên theo người cha đi hơn nửa tháng, vượt đèo báo tin ông nội chết. Phải đi bộ, lần mò dọc đường xe lửa theo đoàn người bỏ Huế trong tết Mậu Thân. Ông tôi chết không đúng lúc. Bác con cả ở xa. Huế tạm thời không có phương tiện di chuyển đến những tỉnh lân cận. Viên và người cha quyết định theo đoàn người chạy nạn, vượt Hải Vân bằng chân, báo hung tin cho bác cả. Hai cha con đi vẹt cả giày mới đến Đà Nẵng.
Anh em tôi gặp nhau ở nhà bác cả. Câu chuyện xoay quanh cái chết của nội. Bác cả tôi phải đi Huế gấp vì xác ông tôi cần liệm. Viên lại theo cha và bác cả về Huế. Trước khi đi anh nói nhỏ tôi biết chút ít tin chị Tịnh. Viên còn dự định vào Đà Nẵng theo bác học nghề thợ mộc để sinh sống. Ở Huế mãi làm sao mà sống nếu “không đi học rồi đi dạy học”.
Bác cả tôi là tay đào hoa. Ông có vợ ngoài làng, đi làm ăn xa gặp thêm người nữa. Người đang chung sống với ông ở Đà Nẵng là bà thứ. Anh Viên học nghề với bác ruột không đến nổi bị bạc đãi. Nhưng vợ bác tôi dùng anh như người sai vặt trong nhà. Nhà bác ở cạnh nhà mẹ tôi. Nhiều lúc nghe bác gái nói cạnh nói khoé đứa cháu mẹ tôi lắc đầu. Mẹ tôi vẫn thương anh Viên. Với tôi anh lúc nào cũng hiền hòa như thời gian nghỉ hè ngoài quê nội. Về sau Viên nói cho tôi biết Tịnh chuyển vào học trong Đà Nẵng. Thỉnh thoảng chị ấy về Huế, ghé qua nhà nội tôi chơi với chị Mận. Tịnh đổi chút ít nhưng Viên không nhận ra. Ông anh tôi lụy với mối tình đầu nên như con ngựa thồ bị che mắt rồi.
Nơi tôi ở người ta phải đi lấy nước uống hơi xa. Giếng chùa Tân Ninh, sau lưng trường tôi học nổi tiếng nước ngọt. Mùa hè múc một gàu, uống vài hớp mát rượi cả người. Bác gái tôi thích nấu trà với nước giếng chùa. Anh Viên là người cáng đáng việc đó. Một lần tan học về, gặp Viên đang loay hoay gánh nước tôi thương anh quá. Tôi biết anh quê khi tụi con gái tan học nhìn anh lạ lùng. Chẳng có gì là mệt nhưng Viên ngại ngùng gánh tiếp đôi nước về nhà. Tôi đi theo anh nói chuyện tầm phào nhưng biết anh không vui. Viên vẫn tiếp tục học nghề thợ mộc; bị bác gái dùng như một người ở không công trong nhà. Về sau đi gánh nước ở chùa, anh tránh giờ trường bãi học. Tôi hiểu vì sao anh làm như vậy. Trường hợp tôi như anh chắc phải độn thổ khi gánh nước mà bị chọc. Khổ nỗi những đứa chọc là con gái đi học, khoảng tuổi Tịnh.
Tôi đề nghị mẹ tôi cho Viên mượn chiếc xe đạp để đi chở nước uống. Chỉ cần một thanh gỗ cột ngang chỗ chở người với bốn cái móc nhỏ, Viên có thể móc được hai thùng nước, nhẹ nhàng chở về nhà. Viên biến chế xe đạp của tôi thành “xe thồ nước”, đi về giữa nhà bác và chùa Tân Ninh vài ba bận mỗi tuần.
Sân bóng rổ trường tôi đối diện với chùa. Hôm Viên đi chở nước thấy tôi đang tập đánh banh anh ghé coi. Ở ngoài quê Viên chưa thấy người ta chơi bộ môn này. Gần trưa hai anh em tôi về. Hình như ai như Tịnh ngồi Honda vụt qua. Người chở là một tên học hơn tôi hai lớp cùng trường. Viên cũng thấy. Chỉ Tịnh vô tình cười nói, tựa sát lưng tên con trai. Người anh họ hỏi tôi đột ngột.
“Vang, mi có tiền không cho tao mượn một ít?”
Tôi ngạc nhiên.
“Chắc hỏi mạ thì có. Mà anh cần tiền làm chi?”
“Tao mua vé xe đò về Huế.”
Hai anh em tôi im lặng hết đoạn đường về nhà. Dựng chưa xong chiếc xe, Viên ngã lăn ra đất mặt tái xanh. Có tiếng bác tôi hốt hoảng.
“Cái chi rứa. Thằng Viên bị cái chi rứa?”
Người ta xúm vào giựt tóc mai cho anh tỉnh. Mẹ tôi lấy đồng tiền cạo gió anh tơi bời. Bà quýnh lên sợ Viên chết. Tôi vực Viên dậy. Anh đùa đùa bảo tại vì đang đói bụng mà “hút thuốc năm chục đồng ba điếu” bị phê. Khi mọi người tản mát, anh hỏi nhỏ tôi về số tiền hỏi mượn mà mắt buồn vô hạn.
“Tao muốn qua đèo về sống ngoài quê. Mi chưa biết chuồn chuồn cắn rốn như thế nào nhưng tao vừa thử. Đau lắm Vang ơi!”
31 tháng 7,1998