Tâm Trạng Khi Điên
Tác giả: Nguyễn Nguyên Phước
Ngày hôm qua, tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi. Người ta đưa tin về một quan chức ngành thể thao hiếp dâm một bé gái vị thành niên. Tôi nhìn bức ảnh người đàn ông có mái tóc muối tiêu. Một khuôn mặt tẻ nhạt. Cuộc đời ông ta chắc cũng tẻ nhạt như thế. Nhà ông ta ở gần khu nhà tôi. Một căn nhà sang trọng, ông ta ngồi đó lơ đãng gắp thức ăn. Người ta tin rằng ngủ với những cô gái đồng trinh sẽ đem lại may mắn. Ông ta đang ngồi tù. Đứa em họ tôi cũng đang ngồi tù. Lúc tôi học năm thứ hai, thấy đưa tin truy nã nó. Tôi cũng không chắc chắn mãi đến khi bố tôi đọc báo và xác nhận. Đã lâu lắm rồi ông không đến nhà nó chơi. Nó lừa đảo ngân hàng hơn một tỷ. Lúc đó nó hai mươi tuổi, bằng tuổi tôi. Lúc đó tôi đang học năm thứ hai, tôi chưa bao giờ có đến một triệu.
Tôi cố gắng hình dung khuôn mặt đứa em tôi. Nó sống ở một nơi mà xung quanh toàn bọn đầu trộm đuôi cướp. Mẹ tôi nói rằng, nó đã thành đàn bà năm mười bốn tuổi. Tôi thì đến bây giờ vẫn chưa từng hôn một đứa con gái nào cả. Tôi không thể tưởng tượng được khuôn mặt nó khi nó thành đàn bà. Trong trí tưởng tượng của tôi, chỉ có hình ảnh một con bé thông minh và lém lỉnh. Lúc đó, nó đang học lớp năm và học rất khá. Tôi vẫn không thể nào quên đôi mắt to tròn ngạc nhiên đầy thích thú của nó khi nó mút que kem. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một niềm vui nào lớn lao đến thế. Giờ thì nó đang ngồi quanh bốn bức tường.
Tôi cũng đang ngồi quanh bốn bức tường. Ở một nơi xa lạ với một thứ ngôn ngữ xa lạ. Nơi đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những con quạ. Trông chúng thật thảm thương, cứ như thể số phận của chúng là suốt đời phải đậu trên đám dây điện chằng chịt kia vậy. Ở lab, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh vì nó là foreign language to everyone và đó là sự công bằng duy nhất mà sensei của tôi muốn thiết lập. Khi ông nói thì tôi hiểu ông nói gì nhưng khi tôi nói thì rõ ràng là ông không hiểu tôi nói gì nhưng ông vẫn khăng khăng rằng ông hiểu điều tôi muốn nói, và rằng chỉ có tôi là không hiểu điều ông muốn nói với tôi. Cả hai chúng tôi đều cô đơn trong cách diễn đạt của mình.
Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy, mở cửa sổ, nhìn thấy tuyết trắng xóa, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết. Nó giống hệt như giấc mơ hồi tôi còn bé. Thức giấc nhìn ra cửa sổ và thấy tuyết rơi. Những bông tuyết hờ hững rơi. Dường như chẳng có gì cả, ngoài một màu trắng. Hàng cây màu trắng. Cột điện màu trắng. Tòa nhà màu trắng. Những con người mặc đồ trắng. Tất cả đều hiện lên với vẻ bí hiểm và ma quái. Hệt như một câu chuyện cổ tích, hay một đám tang.
Bữa trưa, sensei kể cho chúng tôi nghe về một em bé học sinh cắt cổ bạn nó bằng một cái dao rọc giấy. Ông thản nhiên cầm cái thìa làm động tác đưa ngang qua cổ. Đột nhiên, tôi thấy máu phọt ra ở cổ ông, những giọt máu màu nâu đặc quánh như chè đậu đen mẹ tôi vẫn hay nấu vào mùa hè. Món sashimi bỗng trở nên khó nuốt. Bữa ăn tối, ngày thứ bảy, tôi ngồi cùng hai thằng bạn, một Ấn Độ, một Bangladesh. Món ăn chung duy nhất của chúng tôi là thịt gà. Thằng Ấn Độ tin rằng những con bò là linh thiêng còn thằng Bangladesh thì cho rằng những con lợn là bẩn thỉu. Tôi thèm thịt chó. Chúng nó hỏi tôi có thể ăn được thịt gì. "Tất cả", tôi đáp, "trừ thịt người".
Ngày hôm qua, tôi nhận được tin ông tôi mất. Ông và tôi cùng có chung một niềm vui là nuôi gà chọi và giải toán đố. Ông bị một thứ bệnh mà y học không có tên gọi, nên người ta đành xếp nó vào nhóm bệnh thần kinh. Trong khoảng hai mươi năm, trí nhớ của ông bị gặm nhấm dần. Ban đầu, khái niệm về thời gian bị thu hẹp lại. Cuối cùng, tất cả các sự kiện trong quá khứ đều được chập lại vào một thời điểm mà ông gọi là "ngày hôm qua", dù thực tế có thể nó diễn ra cách đây rất nhiều năm. Lần cuối cùng tôi gặp ông, ông kể về một chuyến đi địa chất thời trai trẻ. Đoàn có mười tám người, ông là trưởng đoàn. Họ lạc vào một cái bản hoàn toàn không tiếp xúc với thế giới văn minh. Người trong bản giao tiếp bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với tiếng Việt. Nó giống tiếng chim hót hay tiếng chó sói hú hơn là tiếng người. Họ cũng biết dùng lửa và chế ra một số vật dụng thô sơ khác. Đoàn địa chất được họ cho ăn một bữa thịnh soạn, có rất nhiều món ăn ông không biết tên. Đặc biệt, họ có một thứ đồ uống kỳ dị đựng trong cái ống tre. Nó không phải là rượu hay bia. Nó có một cái vị rất kỳ quặc mà ngôn ngữ của chúng ta không có khả năng diễn đạt. Ông không nhớ được là mình đã uống bao nhiêu, chỉ biết khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm dưới chân núi. Những người bạn đồng hành của ông đều biến mất. Nhiều năm sau vẫn không có tin tức gì về họ cả.
Ông tôi có chín người con, bốn con trai và năm con gái. Bố tôi là con cả và là người tỉnh táo nhất nhà. Chú hai và chú ba tôi đều mắc bệnh thần kinh từ nhỏ, cả hai đều chết đúng ngày tròn hai mươi tuổi. Chú tư là người thông minh, tài hoa nhưng từ nhỏ đã được nuông chiều nên hư hỏng. Chú lấy vợ sớm nên con gái chú bằng tuổi tôi, chính là đứa bây giờ đang ngồi tù. Vợ chú là một người đàn bà nhan sắc và lẳng lơ. Bố tôi kể rằng, năm đứa em họ tôi lên bảy, chú tư đột nhiên bỏ nhà ra đi, chẳng để lại một tin tức gì. Bốn năm sau, mẹ nó tái giá. Bố dượng của con bé là một gã xích lô, nát rượu và cục súc. Lão hay đánh đập con bé cực kỳ tàn nhẫn mỗi khi nó không mang đủ tiền về cho lão mua rượu. Cũng cần nói thêm là sau khi mẹ nó tái giá, em họ tôi phải bỏ học đi bán vé số. Bố tôi lấy vợ năm ba mươi tuổi. Tôi ra đời ba năm sau đó. Các cô của tôi thì đều lấy chồng xa, chẳng mấy khi tôi gặp họ. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bảo "cái quần mày đang mặc là may từ mảnh vải của cô Năm cho" hay "cái mũ này là của cô Bảy". Và như vậy trong hình dung của tôi, cô Năm giống hệt như cái quần kẻ sọc hai màu đen và xám mà tôi mặc suốt những năm cấp hai, còn cô Bảy là cái mũ màu nâu mà tôi đội cho đến tận ngày vào đại học. Tôi không bao giờ tưởng tượng được khuôn mặt họ. Ngay cả khi sau này dù đã gặp họ một vài lần, những khuôn mặt đó cũng chẳng thể nào in sâu vào trong trí nhớ của tôi. Cô Năm vẫn chỉ là chiếc quần sọc, cô Bảy vẫn chỉ là chiếc mũ nâu.
Bố tôi là một công chức nhà nước. Ông là người luôn giữ một niềm tin tuyệt đối vào những giá trị mà mình đã từng tôn thờ. Khi em gái tôi có bầu với thằng bồ nó trước khi cưới mấy tháng, ông đã đuổi nó ra khỏi nhà và kiên quyết không dự đám cưới. Sau này, khi thằng cháu tôi lên hai, nhờ sự tác động của ông thủ trưởng cũ, một người mà bố tôi rất kính trọng, ông mới cho nó bước chân vào nhà. Ở ngay chính giữa phòng khách nhà tôi, ông cho treo một bức ảnh rất to trong đó có hình ông được chụp với một ông thứ trưởng nào đấy mà đến giờ tôi cũng chẳng nhớ tên nhân dịp ông thứ trưởng kia đến thăm cơ quan. Tấm ảnh đen trắng là một cái gì đó rất thiêng liêng và đặc biệt đối với tuổi thơ hai anh em tôi. Ông thứ trưởng, trong bộ đồ kaki giản dị, lúc nào cũng nghiêm khắc nhìn chúng tôi. Ngay cả buổi sáng trước khi lên đường đi du học, tôi vẫn thấy ông nghiêm khắc nhìn tôi. Cái nhìn không mấy thiện cảm.
Cứ khoảng bẩy giờ sáng, sensei đánh thức cả lab dậy tập thể dục. Ông dẫn chúng tôi đi lại trong khuôn viên của trường và nói những chuyện linh tinh nhảm nhí. Những lúc như thế, thằng Ấn Độ trở nên hoạt bát một cách đáng ngờ vì bình thường nó là đứa trầm tính. Mỗi lần như thế, nó lại kể về mối tình của nó. Nàng hai mươi hai tuổi, nước da bánh mật, đôi mắt to đen, khuôn mặt thánh thiện và nụ cười mê hồn. "Cuộc sống thật đê tiện", nó thường lẩm bẩm như thế mỗi khi bắt đầu kể về đoạn kết câu chuyện tình của nó. Nàng bị ép gả cho một gã cùng đẳng cấp trong cái giai tầng rối rắm mà mỗi khi thằng Ấn Độ mô tả, tôi mặc dù đã cố gắng tập trung hết sức vẫn không thể hình dung ra được. Nó thì trôi giạt sang cái xứ sở chết tiệt này. Nắng bắt đầu gắt, chúng tôi đi về lab. Buổi tập thể dục sáng thường kết thúc như vậy.
Sau đó, chúng tôi quay về lab. Ở lab, mỗi đứa có một cái bàn nhỏ. Trên bàn, chúng tôi bầy la liệt đủ thứ: sách vở, máy tính, dao cạo râu, bàn chải đánh răng và dầu gội đầu. Thậm chí có lần tôi còn bắt gặp trong ngăn kéo bàn của thằng Ấn Độ có mấy cái bao cao su, chả biết nó mua ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn nó không dùng. Nó là thằng ngoan đạo. Công việc của chúng tôi khá đơn giản, chúng tôi thường gọi đùa là trò chơi nặn đất sét. Sensei giao cho tôi năm cái lọ đựng đủ các loại chất lỏng nhầy nhầy. Tôi bắt đầu trộn chúng với nhau, ngày nào cũng vậy. Ngày nào tôi cũng trộn năm dung dịch đó và chờ đợi. Một sự chờ đợi đầy mệt mỏi và sung sướng. Dung dịch có nhiều màu. Tôi cứ thế trộn và hy vọng. Hy vọng vào sự may mắn. Hy vọng rằng đôi khi Đấng Tối Cao cũng không quên những kẻ trộn dung dịch như tôi. Tôi chờ đợi Người ban ơn. Tôi ngồi trộn dung dịch vì biết rằng mình không đơn độc. Tôi ngồi trộn dung dịch để thấy mình còn tồn tại, mình còn có ý nghĩa. Tất cả mọi người ở lab chúng tôi đều làm như vậy và được trả lương. Chúng tôi ngồi trên những cái bàn nhỏ, tất cả đều im lặng, căng thẳng, run rẩy và sợ hãi. Tất cả chúng tôi đều cố lắng nghe một tiếng gọi mà chúng tôi tin rằng nó tồn tại mặc dù chưa từng ai trong tất cả chúng tôi nghe thấy. Trong trí tưởng tượng của tôi, nó có thể giống như là tiếng gió rít từ phía bên kia cánh đồng, hoặc tiếng quạ kêu trên nóc nhà, hay tiếng máy bay lượn lờ giữa đêm khuya như những bóng ma màu trắng. Nhưng rất có thể, trên thực tế chẳng có âm thanh nào cả. Chiều tối, sensei thu hết tất cả mấy lọ. Ngày hôm sau ông lại phát một loạt lọ mới.
Ngày hôm qua, ông tôi khóc. Không có giọt nước mắt nào cả. Ông đờ đẫn nhìn vào bức tường màu trắng. Những vệt trắng nham nhở vốn là kết quả của một gã thợ nề vụng về không hiểu sao lại khiến tôi liên tưởng đến nét cọ của một tay họa sĩ siêu thực mà tôi quen ở quán cà phê. Tay này theo tôi vốn chẳng có tài cán gì, hắn chỉ là một tên bịa đặt. Những thứ hắn vẽ chả cái nào ra hồn cả. Hắn chỉ cho tôi một bức tranh tuyền màu trắng, chẳng khác gì người ta cầm một tấm vải nhúng xuống hố nước vôi, và bảo đây là bức "Gấu trắng ở Bắc cực". Hiển nhiên là hắn chưa bao giờ đến Bắc cực cũng như chưa bao giờ nhìn thấy gấu trắng. Tôi nhìn sang một bức tranh toàn màu đen kịt và hỏi: "Thế bức này là Chó mực ở bãi tha ma à?". Hắn bảo "Không. Đây là bức Bướm đêm". Thế là chúng tôi cãi nhau. Hắn thì khăng khăng là hắn vẽ bướm đêm, còn tôi thì khẳng định là tôi chỉ nhìn thấy chó mực. Cuối cùng, cả tôi và hắn đều khóc, khóc vì những điều ngớ ngẩn xảy ra trong cuộc đời chúng tôi, vì những cái chúng tôi chẳng bao giờ hình dung ra được. Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại hắn nữa. Ông tôi cầm chiếc quạt nan cũ kỹ lấy hết sức đập con ruồi trên bức tường. Tất nhiên, chả có con ruồi nào cả. "Lại trượt rồi", ông lầm bầm và bắt đầu rấm rứt khóc. Tôi muốn dỗ dành ông nhưng không biết làm thế nào cả. Tôi chẳng nhìn thấy con ruồi nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy nhát quạt của ông đập vào tường. Nhưng tôi không biết làm thế nào để nói cho ông hiểu được. Làm sao tôi có thể chứng minh được điều đó? Nhỡ có con ruồi thật thì sao? Tôi thấy buồn rười rượi. Tôi xấu hổ vì sự ngu dốt của mình. Vì tôi không nhìn thấy con ruồi.
Buổi tối, tôi và bạn gái đi chơi Hồ Tây. Đang đi bộ trên đường Thanh Niên, đột nhiên một gã thanh niên đầu húi cua, mặt đầy sẹo, chặn chúng tôi lại, cười nhăn nhở nói với bạn tôi: "Em xinh như một con phò". Đoạn hắn quay sang tôi cười giễu cợt. Tôi cụp mắt xuống. Tôi không dám nhìn vào mắt hắn. Tôi kinh hãi và hiểu rằng nếu có đánh nhau chắc tôi không phải đối thủ của hắn. Tôi im lặng. Tôi im lặng không phải vì tôi là kẻ khôn ngoan như những nhà hiền triết trong sách giáo khoa mà là vì tôi không biết nói gì. Tôi chưa bao giờ lâm vào tình huống khó xử như thế này. Thực ra, về sau này tôi mới nhận thấy rằng những tình huống kỳ quặc như vậy luôn luôn xảy ra. Nó xảy ra thường xuyên đến mức nhiều lúc tôi có cảm tưởng đó là ý muốn quái gở của Thượng đế. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua, hắn bỏ đi, còn tôi xấu hổ. Suốt đoạn đường còn lại, chúng tôi không nói với nhau lời nào. Ngày hôm sau, cô ấy gọi điện nói lời chia tay sau "một đêm suy nghĩ rất kỹ". Cô nói rằng cô không chịu đựng được ý nghĩ rằng người yêu mình là kẻ hèn nhát. Tôi chẳng nói gì. Kẻ hèn nhát không nên nói gì cả. Tôi chia tay mối tình đầu trong nhục nhã. Từ đó trở đi, tôi kinh tởm đàn bà.
Buổi chiều, gió mạnh và nắng gắt. Tôi hay cảm thấy đau đầu vào những lúc như thế. Đầu nhức như búa bổ, tôi không còn giữ được sự tỉnh táo cần thiết để nhận biết mọi thứ nữa. Thay vì trộn dung dịch màu trắng vào dung dịch màu đen, tôi lại trộn dung dịch màu xanh vào màu đỏ. Và kết quả là chả ra sao cả. Gió vẫn thổi mạnh, tai tôi ù đi vì sợ hãi. Tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng gió. Càng cố gắng tập trung, tôi càng mất phương hướng. Tôi không còn nghĩ được điều gì nữa. Óc tôi như bị vỡ vụn thành trăm mảnh. Sensei đưa cho tôi cốc nước, tôi chẳng kịp nhìn xem nó màu gì, hình như là màu xanh. Tôi uống nhưng kết quả cũng không khá hơn. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng lầm bầm ở đâu đó. Một giọng nói đứt quãng, và lí nhí đến nỗi tôi lúc đầu tôi không thể phân biệt đó là giọng người lớn hay trẻ con. Cuối cùng tôi cũng nhận ra là có hai người đang nói chuyện. "Chỗ này lạnh lắm, mẹ ạ" - giọng một thằng bé khoảng năm sáu tuổi nói. "Nhưng mình đi tìm hai mươi năm nay đâu có chỗ nào tốt hơn" - người mẹ nói. Giọng bà ta trầm đục và có vẻ mệt mỏi. "Thế bố có ở đây không?" - thằng bé lại hỏi. "Mẹ không biết. Con đừng hỏi nữa, mẹ mệt lắm rồi. Mình dừng ở đây thôi. Thôi mình đi ngủ đi con!".
Từ hôm đó trở đi ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng hai mẹ con họ vào lúc trước khi đi ngủ. Tôi kể cho thằng Bangladesh nhưng nó không tin. Nó chả tin vào cái gì ngoài lễ ramadan và những con lợn bẩn thỉu. Ngày nào đối với nó cũng thuộc về tháng ramadan. Nó chỉ ăn vào buổi tối sau khi mặt trời lặn. Sensei nhiều lần cố nhét thức ăn vào mồm nó nhưng không được. Hai mẹ con họ nói đủ thứ chuyện trên đời. Thỉnh thoảng họ lại nhắc đến người bố giấu mặt.
Buổi tối, tôi đi dạo trong thành phố. Một thành phố đơn điệu. Không văn hóa, không lịch sử, không gì cả. Chỉ đơn giản là nơi người ta đến ở, rồi một lúc nào đấy đột nhiên họ quyết định gọi nó là thành phố. Chín giờ tối, không một bóng người. Cứ đi khoảng vài trăm mét, tôi lại thấy một công viên mini. Buổi tối chúng giống như những nghĩa địa. Tôi đi mãi và thấy mệt mỏi. Chẳng có gì đặc biệt, những ngôi nhà giống hệt nhau với những cái mái hình chóp và hàng rào bằng một loại cây nào đó mà tôi không biết tên. Tôi cứ thế đi một mình, chẳng có gì cả ngoài sự sợ hãi. Một thành phố chết. Tôi nằm trên cái ghế đá, nước mắt trào ra. Tôi nhớ đến những buổi tối ngày xưa, tôi hay ngước nhìn bầu trời đầy sao và thấy mình hạnh phúc. Giờ đây, cái niềm vui ấy cũng chẳng còn nữa. Những ngôi sao kia giờ chỉ làm tôi cảm thấy sợ hãi. Chúng đang cười nhạo tôi. Nỗi sợ hãi mơ hồ cứ thế lớn dần lên. Tôi quá đơn độc dưới bầu trời này. Tôi cứ nằm yên như thế, y như một kẻ tội đồ chờ đợi hình phạt.
Sáng sớm hôm sau, mới sáu giờ sáng, thằng Bangladesh đã đánh thức tôi dậy. Tôi lật đật chạy theo nó ra hành lang. Thân hình cao lớn của nó trong cái ánh sáng lờ mờ của buổi sáng mùa đông trông thật khủng khiếp. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hình dung ra cảnh nó bóp cổ mình. Với cánh tay lực lưỡng đầy lông lá kia, chắc chắn tôi, cho dù cố gắng giãy giụa đến đâu, cũng không chịu đựng được quá năm phút. Đến cuối hành lang, nó chỉ ra sân trường, rồi thì thầm hỏi: "Mày có nhìn thấy gì không?". Tôi hơi ngạc nhiên, mới sáng ra mà nó đánh thức mình dậy để nhìn sensei đang nói chuyện với một ông giáo ở lab khác ở dưới sân trường hay sao.
Tôi thờ ơ đáp: "Sensei đang nói chuyện". "Thế mày không thấy gì khác lạ à?" - nó hơi thất vọng. "Chả có gì. Ông ấy vẫn thế!". "Mày nhìn quần áo ông ấy xem?" - nó lại thì thầm". "Ừ. Nó có vẻ không giống mọi ngày". "Đấy. Mày bắt đầu thông minh rồi đấy. Mọi ngày ông ấy lúc nào cũng mặc đồ trắng. Nhưng cả tuần nay tao để ý. Trước giờ tập thể dục của bọn mình, chẳng bao giờ ông ấy mặc đồ trắng. Chỉ khi nào gặp bọn mình ông ấy mới mặc đồ trắng thôi". "Thì sao?". "Chẳng sao cả. Tao chỉ thấy lạ thôi. Mà đó là một phát hiện quan trọng đấy. À mà mày đã biết chuyện gì chưa?" - nó lại chuyển sang giọng thì thầm.
Chuyện gì nữa đây? - tôi hơi bực mình. Nó đánh thức mình dậy sớm chỉ vì một chuyện hết sức vớ vẩn mà nó cho là unusual. Chúng tôi làm thí nghiệm suốt ngày chỉ mong có cái gì unusual với lại unexpected xảy ra. Nhưng rốt cục nó lại chẳng bao giờ xảy ra. Tất cả mọi thí nghiệm đều diễn ra hết sức bình thường, bình thường đến mức buồn tẻ, bình thường đến mức chúng tôi chẳng cần nhìn cũng biết kết quả nó phải thế, không thể khác được. Nhưng cuộc sống của chúng tôi thì ngược lại. Chẳng có một quy luật nào hết. Tất cả đều diễn ra hết sức lộn xộn, lộn xộn một cách bất bình thường. "Thằng Ấn Độ sắp lấy vợ" - nó vẫn thì thầm.
Đột nhiên, tôi thấy rùng mình. Tôi nhớ có lần thằng Ấn Độ bảo với tôi rằng có đến tám mươi phần trăm dân Ấn cưới nhau theo kiểu arranged marriage. Nó cũng nằm trong cái tám mươi phần trăm của cái đất nước gần một tỷ dân ấy. Nó chẳng có sự lựa chọn nào hết. Cô dâu của nó có đẳng cấp cao hơn nó một bậc, một intercaste marriage theo cách gọi của nó. Điều duy nhất mà nó biết về cô dâu tương lai là một tấm ảnh. Tôi đã từng xem tấm ảnh ấy một lần. Cô gái trong ảnh khá dễ thương trong bộ quần áo cổ truyền Ấn Độ. Có lẽ khi chụp tấm hình này, cô không nghĩ rằng một ngày nào đó tấm ảnh sẽ là mối liên hệ duy nhất với vị hôn phu tương lai của cô. Tôi hỏi thằng Ấn Độ:
- Thế mày được chọn cái gì?
- Voi - nó lầu bầu. - Tao được chọn con voi dành cho lễ cưới. Tao sẽ cưỡi lên con voi đấy trong ngày cưới. Dù sao, tao cũng có sự lựa chọn mặc dù nó không quan trọng lắm.
Ngay từ sáng sớm, bố mẹ thằng Ấn Độ đã đến ngồi chờ ở phòng tiếp tân. Họ đến để đưa nó về Ấn Độ làm đám cưới. Nó không chịu về. Họ phải bay một quãng đường dài để đến đây đưa nó về quê lấy vợ. Dù sao, nó cũng không thể trốn tránh trách nhiệm. Nó có trách nhiệm duy trì nòi giống. Nó có trách nhiệm cưới cô gái mà Thượng đế dành cho nó. Đấy là truyền thống mà nó không thể phá vỡ. Nó chẳng có sự lựa chọn nào cả vì nếu có chắc chắn nó sẽ không chọn sinh ra làm người Ấn Độ. Bố mẹ nó trông nhỏ bé và nhẫn nhục so với căn phòng tiếp tân quá rộng và quá sang trọng. Họ có nước da ngăm đen rất đặc trưng. Ông chồng để ria mép; cùng với cái trán hói, nó càng làm ông thêm nhỏ bé và nhẫn nhục. Bà vợ đội khăn trùm gần kín mặt nhưng nó vẫn không che được những nếp nhăn mà chỉ cần nhìn thoáng qua người ta đã thấy nó tồn tại mặc dù có thể thị giác không ghi nhận được thông tin về những nếp nhăn đó. Thằng Ấn Độ buồn bã đi theo bố mẹ nó ra khỏi trường. Thỉnh thoảng nó ngoái lại nhìn chúng tôi. Không hiểu sao tôi thấy đôi mắt thằng Ấn Độ buồn ngơ ngác giống hệt đôi mắt con chó cún của tôi ngày trước lúc nó sắp chết. Một tháng sau, chúng tôi nhận được tin nó mất. Một cái chết kỳ lạ.
Thằng Bangladesh ngày càng ăn ít và tất nhiên là nó chỉ ăn vào buổi tối vì những ngày lễ ramadan chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng điều kỳ lạ nó không giảm cân nào. Nó giấu thức ăn thừa dưới gầm giường cho đàn chuột. Khoảng nửa đêm, bọn chuột bắt đầu rúc rích mò vào phòng. Chúng bò lổm ngổm trên sàn nhà, leo lên cả bàn học. Mà không chỉ có thế, chúng vừa chạy vừa kêu rinh rích đầy khoái trá. Tôi căm ghét những con chuột màu xám với đôi mắt thao láo; chúng chẳng bao giờ biết xấu hổ. Thằng Bangladesh, ngược lại, rất quý đàn chuột. Nó thường túm cổ lấy con to nhất, vuốt ve một cách rất trìu mến khiến con chuột lim dim vì khoái cảm rồi đột nhiên nó bóp mạnh một cái. Con chuột bị đau kêu oai oái và cuối cùng không chịu đựng được con chuột quay đầu lại cắn một nhát vào tay khiến thằng Bangladesh phải buông tay ra. Ngày nào thằng Bangladesh và con chuột cũng chơi trò đấy. Điều kỳ lạ là con chuột mặc dù rất đau nhưng vẫn vui vẻ tham gia vào trò chơi cùng thằng Bangladesh, cứ như thể giữa chúng có một sự thỏa thuận ngấm ngầm trong trò chơi bệnh hoạn đó. Đàn chuột ngày càng đông, thức ăn thừa của thằng Bangladesh dần tỏ ra không đủ đáp ứng cho cái thói phàm ăn và sinh sản nhanh khủng khiếp của những con chuột, mặc dù thằng Bangladesh đã cố gắng nhịn ăn đến mức tối đa. Thậm chí, nó còn mang cả lọ mứt mà mẹ nó gửi cho nó ăn cả năm để cho đàn chuột ăn trong một tuần. Rồi nó bắt đầu đi xin cả thức ăn thừa của những đứa phòng bên cạnh nhưng dường như nỗ lực của nó chả thấm vào đâu. Cuối cùng thằng Bangladesh quyết định giảm số lượng đàn chuột. Đầu tiên là con chuột đầu đàn. Tối hôm đó, thằng Bangladesh vẫn chơi trò chơi thường lệ với con chuột rồi đột nhiên nó bóp mạnh vào mình con chuột. Con chuột quay đầu lại cố gắng cắn vào tay thằng Bangladesh nhưng lần này nó không buông tay. Bàn tay hộ pháp của nó càng tóm chặt con chuột hơn. Con chuột kêu la thảm thiết. Nó không ngờ lại có kết cục này. Trò chơi của ngày hôm qua cuối cùng cũng kết thúc. Con chuột biến thành một đống bầy nhầy trong tay thằng Bangladesh. Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt thằng Bangladesh hiện ra một nụ cười bí hiểm.
Từ hôm đó trở đi, ngày nào thằng Bangladesh cũng giết vài con chuột. Đàn chuột ngày càng trở nên khôn ngoan nhưng thằng Bangladesh còn thông minh hơn. Ngày nào nó cũng tóm được vài con chuột. Những con chuột còn lại phần vì nhu cầu thức ăn, phần vì cái ảo tưởng rằng với kinh nghiệm của ngày hôm qua chúng có thể dễ dàng chạy thoát khỏi bàn tay của thằng Bangladesh nên vẫn mò lên phòng vào ban đêm. Số lượng chuột giảm rất nhanh. Đêm hôm qua, nếu như tôi đếm chính xác thì chỉ còn mười hai con chuột. Thằng Bangladesh thì càng ngày càng say mê với trò chơi giết chuột nhưng bây giờ mỗi ngày nó chỉ giết một con vì đàn chuột giờ còn rất ít. Tôi để ý thấy khuôn mặt nó ngời sáng lên mỗi khi nhìn thấy con chuột giãy giụa trong lòng bàn tay, ngời sáng đến mức trong bóng đêm tôi vẫn có thể nhìn thấy cái vẻ long lanh rất khó tả trên đôi mắt thằng Bangladesh.
Chiều hôm qua, thằng Bangladesh nhận được một tin đặc biệt. Buổi tối, nó không buồn ăn cơm. Dường như có cái gì bất ổn trong tâm trạng của nó. Cuối cùng nó nói với tôi:
- Tao phải về Dhaka làm giáo sư.
- Tuyệt vời! - tôi nói - Mày có thể làm cái mà mày thích.
- Tao cũng chẳng biết nữa. - Nó buồn bã lắc đầu. - Từ trước đến giờ, tao chưa bao giờ làm cái gì độc lập cả. Tao sợ sự đơn độc. Nhất là trong nghiên cứu.
Tôi không nói gì. Tôi cũng thế. Tôi sợ nỗi cô đơn khi phải đi một mình trên con đường mà mình không biết phương hướng. Thằng Bangladesh đột nhiên nói:
- Mày có muốn đi cùng tao không?
Tôi không trả lời. Im lặng kéo dài suốt buổi tối. Chúng tôi ngồi theo đuổi những ý nghĩ riêng. Chúng tôi nghĩ về tương lai trong nỗi khiếp sợ. Cuộc sống rồi sẽ ra sao đây?
Ngày hôm qua, tôi đi đưa đám một người bạn thân thời phổ thông; anh mất ở bệnh viện tâm thần ở Trâu Quỳ. Một bệnh nhân tâm thần cùng phòng đã bóp cổ anh cho đến chết; sau đó, hắn dùng một con dao, loại vẫn dùng để rọc giấy, tự cắt cổ mình. Cho đến nay, anh vẫn là người tôi kính trọng nhất vì nghị lực và ý chí. Năm anh lên sáu, bố anh bỏ nhà theo một người đàn bà khác. Anh và em gái sống cùng mẹ và ông ngoại, một ông già mắc bệnh hoang tưởng, hậu quả của những cơn sốt rét rừng hồi còn ở chiến trường. Mẹ anh phải làm rất nhiều việc như gánh nước thuê, bán hàng rong, vé số... để nuôi cả gia đình. Hàng ngày, anh học một buổi còn một buổi phải đi bán kem để có tiền mua sách vở và đóng học phí. Anh luôn là người đứng đầu trong mọi kỳ thi. Hết năm thứ hai đại học, anh được học bổng sang Nhật học. Cùng năm đó, mẹ anh bị tai nạn giao thông, phải cưa hai chân. Đứa em gái anh, có lẽ vì quá mệt mỏi trước cuộc sống gia đình, đã bỏ nhà đi bụi đời. Mấy năm sau, người ta tìm thấy xác nó trong một ngôi nhà hoang ở ngoại thành. Cái chết của nó cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Học xong tiến sĩ, bạn tôi về nước và một thời gian sau đó thì mắc bệnh thần kinh. Sau đám tang, mẹ anh đưa cho tôi một cuốn vở nhỏ, loại vở có dòng kẻ ô ly vẫn dùng cho học sinh cấp một; bà nói rằng đây là thứ mà bệnh viện họ tìm thấy ở dưới gầm giường anh. Bà muốn nhờ tôi đọc hộ vì bà không biết chữ. Tôi mở cuốn vở ra, đó là nhật ký anh viết trong những ngày ở Trâu Quỳ. Nhật ký bắt đầu bằng câu: "Ngày hôm qua,..."
Nhật Bản, 8/2004