Khủng bố và Xung đột giữa các nền Văn minh
Tác giả: Nguyên Nguyên
‘Khủng bố’ quả thật một đề tài hết sức khô khan, nhưng không kém rùng rợn, không mấy ai thích viết. Viết cái gì bây giờ, về thứ đề tài ai cũng có những quan điểm riêng, dễ dính dấp đến cả chính trị lẫn tôn giáo, và có thể lôi cuốn sang những thành kiến sẵn có từ nhiều năm.
Tuy nhiên đó cũng là một thử thách lớn, theo với quan niệm khá thông thường: bất cứ chuyện gì dù khó khăn, hay khô khan cách mấy, thế nào cũng có lúc người khác sẽ thực hiện được. Thật ra, nếu xem vấn đề viết lách dưới một góc nhìn chủ quan - viết thế nào cũng được - thế nào rồi cũng có một số độc giả, hay ít ra chủ báo, đồng ý với người viết ở vài khía cạnh. Bởi trong thời đại ‘thông tin’ hiện nay, tin tức có thể trở nên đa dạng và đến được với nhiều người. Thật nhanh. Tin tức về bất cứ một biến cố nào ở bên kia mặt địa cầu hay tại một lục địa khác sẽ đến với bên này trong vòng vài phút. Nếu muốn tìm hiểu thêm, ai cũng có thể tìm đến những bài bình luận do những chuyên gia hàng đầu về vấn đề viết hay phát biểu qua báo chí, truyền hình, truyền thanh, internet, và ngay cả trên điện thoại di động cell phone. Không có gì mới lạ nữa hết. Nhưng chính ở chỗ tin tức nhanh chóng đến được với mọi người, đặc biệt trên nhiều môi trường, sẽ đưa đến việc có rất nhiều quan điểm khác nhau, cho cùng một thứ tin-tức có cùng tầm cỡ, kích thước như thời xa xưa.
Loại đề tài như kiểu ‘khủng bố’ cũng rất rộng. Nó có thể bao hàm đủ mọi lĩnh vực: tôn giáo, thần học, triết lý, chính trị, kinh tế, sử học, nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, quân sự học, binh thư Tôn Tử, phong tục, tập quán, văn hoá, văn minh, tức ‘đủ thứ học’. Có viết đến hàng trăm quyển sách cũng không diễn tả hết những chuyện mắt thấy tai nghe hay nghiên cứu về vấn đề đó được. Chỉ ngay ở biến cố 9-11, có thể đã có đến 100 quyển sách viết về vụ này. Và trong tương lai, khi mọi việc hơi lắng đọng một chút - thế nào cũng có cả chục phim từ Hollywood chuyên chú về đề tài ‘ngày 11 tháng 9’.
Rào trước đón sau như trên có thể tạm đủ. Bây giờ, trước hết xin quan sát ‘khủng bố’, như một từ ‘Hán Việt’. Đây là một trong những từ rất có thể thu nhập từ tiếng Hoa sau khi quốc ngữ đã hoàn chỉnh. Nó có phát âm rất giống Hoa ngữ - kiểu quan thoại: /kong bu/. /Kong/ có âm /h/ nho nhỏ (thành ra /kh/) và mang thanh điệu thứ 3. Tương ứng với dấu hỏi tiếng Việt: ‘khủng’. ‘Khủng’ mang nghĩa chính: ‘kinh hãi’, ‘kinh sợ’. Thí dụ: Khủng Long, được người Hoa dịch từ ‘Dinosaur’ mang nghĩa ‘thứ rồng gây kinh sợ’. ‘Bố’, giống như ‘Khủng’ được viết với bộ ‘tâm’, chỉ ‘tim’. Bị sợ, tim … ngừng đập. ‘Sợ’ cũng giống như ‘yêu’ hay ‘âu lo’, hoặc nhiều thứ cảm xúc khác thường ảnh hưởng đến nhịp đập trái tim. Viết theo tiếng Hán thường được viết kèm với bộ ‘tâm’, chỉ ‘tim’. ‘Nhưng ‘bố’ được dùng như để bổ túc ý nghĩa cho ‘khủng’. Nó cũng mang nghĩa ‘sợ’, và có vẻ hàm chứa khu vực (khá rộng lớn), lan rộng đến nhiều người, hoặc tình trạng bị ‘kong ju’ (khủng cụ), bị sợ hãi, của nhiều người. Người Hoa không dùng ‘khủng bố’ như một động từ, theo kiểu Việt: ‘đừng khủng bố tinh thần nó’ . Ngày nay họ thường dùng ‘khủng bố’ như một hình dung từ: ‘Kong bu de dian ying’: điện ảnh (phim) kinh dị; ‘kong bu fen zi’: khủng bố phần tử (terrorists). Để mô tả hành động ‘Khủng bố’ tức ‘gây sợ hãi’, người Hoa ưa dùng động từ: /Xia/ tức ‘Hạ’ hay ‘Hách’ [1]: ‘Kong bu fen zi xia si wo le’: Khủng bố phần tử hạ tử ngộ liễu, tức là Những phần tử khủng bố đã làm tôi sợ gần chết.
Trở qua Anh ngữ, ‘khủng bố’ có vẻ được một chỗ đứng khá cao cấp: thuộc loại ‘chủ nghĩa’, tức [-ism], terrorism . Khiến ta liên tưởng ngay đến những [-ism] khác: capitalism (chủ nghĩa tư bản), communism (cộng sản), socialism (chủ nghĩa xã hội), Nazism (quốc xã), militarism (quân phiệt), colonialism (thuộc địa đô hộ), Buddhism (đạo Phật), Hinduism (Ấn Độ giáo), Judaism (Do thái giáo), Confucianism (Khổng), humanism (nhân bản), monotheism (thờ độc thần), nationalism (tinh thần quốc gia), individualism (chủ nghĩa cá nhân), collectivism (hợp quần), v.v.
‘Phần tử khủng bố’, hoặc ‘kẻ khủng bố’ tiếng Anh gọi: ‘terrorist’, kéo từ ‘terrorism’. Y như ‘capitalist’ hoặc ‘humanist’, tuần tự, xuất phát từ ‘capitalism’ và ‘humanism’. Do đó nếu phân tích theo chiều hướng ‘từ nguyên’, bắt buộc ta phải để ý vì sao ‘khủng bố’ được nâng cấp lên một [-ism]. Muốn trả lời câu hỏi này, lại phải duyệt qua một số đặc tính chung của các ‘–ism’ (chủ nghĩa), tốt lẫn xấu. Đại khái ta thấy các ‘-ism’ có chung một số đặc tính:
Được một số đông, được nhiều người thực hành.
Thường thường mang tính cách quốc tế, vượt khỏi biên giới một quốc gia.
Thành một cái ‘mốt’ đứng vững ít lắm cũng vài mươi năm, nếu không nói cả trăm năm. Có thứ [-ism] chỉ hiện hữu vài mươi năm, xong rồi đi vào sách vở. Nhưng thông thường nó tồn tại cả thế kỷ. Thí dụ về [-ism] sớm nở chóng tàn: ‘existentialism’, tức triết lý hiện sinh, của nhiều triết gia Âu Châu, nhưng nổi tiếng nhờ triết gia Pháp Jean Paul Sartre, với câu nói bất hủ, tạm dịch nôm na: ‘hiện hữu đi trước bản thể’.
Có thể liên hệ, dù có khi bàng bạc mơ hồ, với một triết lý sống, một chủ thuyết chính trị, một phong trào nào đó dính dáng đến một giai cấp hay một nhóm người, thường vượt khỏi ranh giới quốc gia, không phân biệt màu da hoặc chủng tộc.
Thông thường cũng mang nghĩa tôn giáo hoặc một thứ niềm tin nào đó. Thí dụ: Buddhism (Phật giáo), Judaism (đạo Do Thái).
Đặc biệt rất có thể đã xuất hiện từ lâu. Nhưng chỉ trở thành [-ism] sau khi được người Tây phương phát hiện hay ý-niệm-hoá. Thí dụ: những giáo huấn của Khổng Tử và các đồ đệ nổi tiếng của ngài, đã trở thành ‘Confucianism’ sau khi có tiếp xúc với Tây phương, bởi [-ism] thật ra nguyên thủy là một ý niệm của ngài Tây phương. Ngược lại, ‘đạo thờ cúng ông bà’ của Việt tộc đáng lý ra có thể được nâng lên thành một [ism] ngay từ đầu thế kỷ 20, nhưng vì người An-nam mãi bận lo tranh thủ giành độc lập nên không sản xuất được đủ triết gia hay học giả uyên bác để hiện thức được [ism] này hay nhiều [ism] khác [2].
Nếu để ý đến điểm đặc trưng cuối của [-ism] như đã ghi phía trên, tức ‘rất có thể đã xuất hiện từ lâu’, ta sẽ thấy nó sẽ giúp ta như một khởi điểm cho một cuộc quan sát và phân tích khá lý thú về ‘khủng bố’.
Thật vậy ‘khủng bố’ có vẻ đã xuất hiện cùng một lúc với văn minh của loài người. Nó là một công cụ thiết yếu cho chiến tranh và chính trị - trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. ‘Khủng bố’ cũng chất chứa rất nhiều ‘kiến thức’ và ‘kinh nghiệm’ về tâm lý và phản ứng của đối tượng (bị) khủng bố.
Nhưng trước khi đi sâu vào những vấn đề như ‘cội nguồn’ hay ‘tính cách song hành’ của khủng bố đối với văn minh loài người, đặc biệt trong khung đối chiếu của đạo Hồi, chúng ta thử phân tích ‘thế nào là một hành động khủng bố’.
Từ điển Webster’s dưới dạng bỏ túi ‘new ideal’ có ghi:
Terror: 1. trạng thái sợ hãi ‘kinh khủng’. 2. (a) Nguyên nhân của kinh sợ hoặc âu lo; (b) một người hoặc sự vật ‘dễ sợ’. 3. việc xử dụng bạo động và việc làm tàn ác, như một vũ khí chính trị.
Terrorism: n: việc xử dụng ‘khủng bố’, như phương tiện để giữ hoặc chiếm đoạt chính quyền. (danh từ liên hệ: terrorist = kẻ khủng bố)
Như sẽ phân tích thêm phía sau, ta để ý ‘khủng bố’ như một ‘-ism’ theo định nghĩa của từ điển Webster bao gồm ý niệm ‘dùng khủng bố để giữ vững chính quyền’ . Tức ‘khủng bố’ theo ý niệm cơ bản vẫn có thể gây ra bởi chính chính quyền của ta, bởi chính phe ta.
Muốn tìm hiểu thế nào là ‘một hành vi khủng bố’, trên khía cạnh cơ bản, dễ nhất có lẽ phải nhờ đến điện ảnh, đến loại phim kinh dị - điển hình nhất, phim của nhà đạo diễn gốc Anh đã quá cố: Alfred Hitchcock.
Những ai hâm mộ xi-nê thuộc thế hệ sinh sung hay trước đó đều nhớ trong thập niên 50-70 mỗi khi rạp hát có chiếu phim Hitchcock, rạp hát được dịp hốt bạc. Nhiều phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, vẫn có đông đảo khán giả ghiền phim Hitchcock đến xem. Phim nổi tiếng nhất của Hitchcock phải là ‘Psycho’ với Anthony Perkins, Janet Leigh, Vera Miles. Phim hay và kinh dị đến độ cho đến bây giờ vẫn giữ vững ngôi vị một trong 10 phim kinh dị nhất từ xưa đến nay. Psycho lăng xê rất nhiều kỹ thuật nổi bật đến độ hầu hết những phim thuộc loại kinh dị từ dạo đó đến giờ thường cóp nó, không kiểu này cũng kiểu khác.
Như đã phân tích trong loạt bài ‘Thử đọc lại Kim Dung’, một xen được gọi ‘kinh dị’ hay mang tính ‘khủng bố’ (theo nghĩa thật hẹp tiếng Hoa: kinh sợ), khi nó mang đầy đủ 3 thành tố:
Tấn công phải mang tính bất ngờ: nạn nhân không ngờ và thiếu phòng bị;
Nạn nhân không có vũ khí để chống trả, và không có vật bao che;
Không có lối chạy, để thoát thân.
Trong phim Psycho, cảnh vai nữ do Janet Leigh đóng, bị đâm trong lúc tắm vòi sen, bởi một lão bà (Anthony Perkins) hội đủ 3 thành tố kể trên:
Bất ngờ: lúc tắm, thân thể đang thư giãn – không có phòng bị;
Không có quần áo che thân trong lúc tắm, chứ đừng nói đến vũ khí phòng ngự;
Không lối chạy: lão bà nhảy vào từ cửa phòng tắm, và đâm xối xả vào nạn nhân. Nạn nhân không có lối thoát.
Những phim áp dụng kỹ thuật này, ngoài rất nhiều thứ cóp nguyên cảnh phòng tắm, bao gồm phim James Bond như ‘From Russia with Love’ cảnh điệp viên 007 bị phi cơ rượt bắn trên một ngọn đồi. Cảnh này lại cóp phim ‘North by NorthWest’ cũng của Hitchcock.
Thành tố:
Bất ngờ
Không thứ gì che thân, tương xứng với vũ khí tấn công: Súng bắn từ phi cơ, nạn nhân đứng trên đồi trơ trọi.
Không lối chạy: Chạy đi đâu mới tránh khỏi phi cơ trên trời rượt bắn xuống.
Tương tự, phim Goldfinger của 007 James Bond, cảnh điệp viên 007 bị tia laser sắp sửa cắt tới ‘thằng nhỏ’:
Bất ngờ: bởi tia laser lúc đó hãy còn rất mới, ít người biết
Thật sự có quần áo cũng như không, bởi tia laser cắt được luôn chất kim loại
Không có chỗ chạy: 007 đang bị trói nằm ngửa trên bàn
Rồi kỹ thuật kinh dị ‘tắm vòi sen’ cũng được Kim Dung cóp vào truyện chưởng của tiên sinh: ‘Lộc Đỉnh Ký’ với cảnh công chúa Mãn Thanh cắt đứt ‘thằng nhỏ’ của con trai cưng của tướng Ngô Tam Quế; ‘Ỷ Thiên Đồ Long Ký’ qua đoạn Trương Vô Kỵ bị một cú Huyền Minh thần chưởng đánh vào sau lưng, trong lúc bị gian tặc Mông Cổ bắt cóc, và vừa mới thả ra; v.v.
Bây giờ thử đối chiếu 3 thành tố kinh dị kiểu Psycho với sự cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại World Trade Center ở New York:
Bất ngờ: nước Mỹ từ thời lập quốc đến giờ chưa hề bị tấn công ngay tại lãnh thổ. Cuộc tấn công đó xảy ra tại một ví trí hoàn toàn dân sự. Không có đề phòng.
Không có vũ khí bảo vệ hoặc áo giáp che thân: Dù có áo giáp hai ba lớp cũng chỉ tử thôi. Bởi nhiệt độ lên tới cả ngàn độ Farenheit hoặc Celsius.
Không có lối chạy. Sức lực và năng lượng tấn công rất cao. Có khả năng bay nhanh như chim cũng chưa chắc ra khỏi được vòng lan toả của sức nóng.
Ngoài ba thành tố hay đặc tính cơ bản đó, ta có thể để ý ‘hành vi khủng bố’ còn mang tính chất ‘răn đe’ – răn đe công cộng nhằm vào một số đông dân chúng. Nó cũng gần giống với việc ‘tống thư đen’ (thường quen gọi theo nghĩa hẹp: ‘tống tiền’) nhưng khác ở chỗ ‘tống thư đen’ thường nhằm vào cá nhân hay một gia đình, nhưng ‘khủng bố’ nhằm vào một khối quần chúng, có khi một hay nhiều quốc gia. Thí dụ: Bắt sống một ngoại kiều thuộc quốc tịch Nhật hay Phi Luật Tân, làm con tin. Doạ sẽ chặt đầu hay cắt tay cắt chân ngoại kiều đó, nếu chính phủ liên hệ không chịu rút quân ra khỏi Iraq. Chỉ nội hành động bắt sống và loan tin ‘bắt sống’, nhưng sẽ được thả với điều kiện này nọ, hoặc nếu không người bị bắt sẽ bị hành quyết dã man – đã hoàn tất đầy đủ định nghĩa của ‘hành vi khủng bố’. Tuy ‘hành vi khủng bố’ đó đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn kiểu kinh dị Hitchcock với 3 đặc tính hay thành tố kể trên, ta thấy ‘khủng bố’ theo nghĩa ‘răn đe’ thông thường vẫn hàm chứa đầy đủ 3 thành tố đó, mặc dù chỉ ‘bao hàm’ một thời tương lai. Như sau:
Ngoại kiều bị bắt cóc, trước giờ ít khi nào ngờ mình sẽ bị bắt cóc cho một cuộc đấu tranh chính trị. Chính phủ của ngoại kiều rất khó lường được ý định của khủng bố. Nếu lường được họ sẽ theo đường thương thuyết. Để ý rất nhiều phim về ‘terrorism’ như loạt phim ‘Die Hard’ với Bruce Willis, hay ‘Passenger 57’ với Wesley Snipes, đã cho thấy quân ‘khủng bố’ lúc nào cũng sẵn sàng thí mạng ‘thường dân’ để cho chính phủ biết họ rất nghiêm túc trong ‘công tác’. Họ sẽ thực hiện đúng những gì đã đe dọa.
Lúc bị bắt, ngoại kiều có số phận như chim lồng, cá chậu. Không có vũ khí che thân.
Nếu chính phủ không đáp ứng yêu sách của quân ‘khủng bố’, ngoại kiều sẽ bị hành quyết theo một phương cách dã man. Không cách gì chạy thoát được.
Như vậy, ở trường hợp khủng bố được xử dụng như răn đe, thường thường vẫn có dính líu giữa răn đe và 3 thành tố kinh dị kể trên. Mặc dù 3 thành tố đó đã bước sang thời ‘tương lai’: Nếu không, quân khủng bố sẽ …thực hiện thành tố thứ 3 (hành quyết dã man ngoại kiều đã bị bắt, hiện không cách gì trốn được).
Trong một hoàn cảnh khác, thí dụ như bọn khủng bố đã hành quyết một ngoại kiều xong rồi gửi băng video, hoặc phát hình TiVi, cho thấy cảnh chặt đầu nạn nhân rất rùng rợn, để răn đe đối phương. Hành động răn đe này tự nó cũng là một hành vi khủng bố. Không đòi hỏi 3 đặc điểm kinh dị kể trên. Khủng bố trong trường hợp này bao gồm hai động tác: (i) hành quyết theo phương cách rất rùng rợn, và (ii) phô trương việc hành quyết đó.
Bây giờ xin trở lại với điểm đặc trưng của ‘-ism’: Có thể đã có từ lâu . Việc một ‘-ism’ thường xuất hiện từ lâu, ít ra trong ‘bản chất’ của hiện tượng, sẽ cho thấy ‘terrorism’ có chứa ít nhiều ‘túi khôn’ hoặc ‘kinh nghiệm’ của con người. Trong đó có ‘cảm thức con người’ đối với ‘rủi ro’, đối với cái chết. Tức hành động ‘khủng bố’, làm cho nhiều người sợ, phải mang hiểu biết về ‘tâm lý’, về những ‘phản ứng’ – thông thường rất chủ quan - của con người và ngay cả chánh quyền, đối với hành động đó.
"Cảm thức" về rủi ro và tai nạn thương vong của con người thông thường vẫn liên hệ đến thành tố thứ 3 kể trên. Xin đơn cử một thí dụ. Hai vợ chồng John và Angela McMao, người Mỹ gốc Hoa, sinh sống ở khu vực Annaheim cả đời, mấy năm gần đây ưa lái xe đi Las Vegas thăm bạn bè thân thuộc. Trước khi lái xe đi chơi xa, hai vợ chồng McMao, cũng như bao nhiêu người Mỹ khác, ít khi nào kiểm soát lại xem hiện giờ tờ di chúc được giữ ở đâu. Thế nhưng, cả năm nay họ dành dụm dư được một số tiền, nên quyết định dùng số tiền đó bay đi chơi Âu Châu một chuyến. Chuyện đầu tiên, ngoài việc xem tiền để đâu, ở trương mục nào tại ngân hàng, là họ đi gặp luật sư để nhờ luật sư thảo lại tờ di chúc. Bởi trong thâm tâm họ sợ rớt máy bay. Cho dù có một thống kê gia giỏi đến thuyết phục với họ mức độ rủi ro họ bị tai nạn xe cộ ở dưới đất, cao hơn cái rủi họ bị rớt máy bay, có thể họ vẫn không tin. Họ vẫn tiến hành lo viết tờ di chúc đâu đó cho đàng hoàng [3].
Tại sao vậy? Bởi họ xem nhiều phim Hitchcock chăng? Không. Họ sợ, bởi 3 thành tố kể trên nhất là thành tố thứ 3, xem kỹ ra, rất kinh khủng. Tai nạn không có cơ thoát. Rớt máy bay chỉ có nước tử. Cũng giống như bị một bà bà đâm vài nhát dao trong phòng tắm trong phim Psycho: Bất ngờ, không có gì che bọc và không có lối thoát. ‘Kinh khủng’ đi đôi với ‘cảm thức chủ quan’ của con người về ‘rủi ro’ và tai nạn gây thương vong.
Nó cũng y như chuyện gia đình một quân nhân Úc khi được tin con mình sắp được gửi đi theo đoàn quân sang Iraq. Khi so sánh với nỗi lo sợ của gia đình có đứa con gái kỹ sư được hãng gửi đi qua công tác tại nước Saudi Arabia, nơi trước đó vài tháng có một hai kỹ sư Úc đã chết vì bom nổ của bọn khủng bố. Gia đình có cô con gái kỹ sư sẽ lo sợ hơn gia đình của anh quân nhân Úc. Cũng dính dấp đến 3 đặc tính kinh dị kể trên. Người ta sẽ không sợ cho anh quân nhân Úc, bởi đó là công việc của người lính. Quan trọng hơn hết, anh ta lúc nào cũng phòng bị và sống chung với đồng đội (phản thành tố 1), lúc nào anh cũng có vũ khí phòng thân (phản thành tố 2), và lúc bị thương, thông thường anh có đồng đội đến giải cứu và đem về hậu tuyến (phản thành tố 3). Tức anh có ‘cơ hội’ để sinh tồn.
‘Khủng bố’ như một ‘-ism’ do đó chứa nhiều ‘túi khôn…kinh khủng’ của nhân loại, về ‘cảm thức’ và ‘phản ứng’ của con người trước ‘tai nạn thương vong’ và sự chết, nhất là … lối chết. Đặc biệt ‘khủng bố’ lúc nào cũng xử dụng ít lắm một hoặc hai trong 3 đặc tính kinh dị kể trên. Nhìn một cách tổng quát và đơn giản, ‘khủng bố’ thường bao hàm một tấn công bất ngờ (1), với một sức lực to tát vào một hay nhiều nạn nhân không có vật hay vũ khí phòng ngự (2), và nạn nhân không có lối thoát (3). ‘Cứu cánh’ của khủng bố luôn luôn mang đặc tính răn đe, gây kinh hoàng trong quần chúng. Ở khía cạnh này, khủng bố hàm chứa một hành động trả đũa, hoặc tấn công, với sức lực to tát và dã man - cộng với việc phô trương hành động đó trước đối phương và công chúng.
Đặc tính ‘bất ngờ’ (1) rất dễ hiểu. ‘Bất ngờ’ có thể hiểu một cách nôm na, là tấn công vào những mục tiêu dân sự, hoàn toàn không có chuẩn bị hay phương tiện đối kháng. Hai đặc tính kia cũng vậy. Thí dụ điển hình là ‘không tặc’. Hành khách trên máy bay thông thường dân sự. Và hành khách lẫn phi đoàn bị uy hiếp trên máy bay luôn luôn không có lối thoát. Không bao giờ có chuyện không tặc uy hiếp một máy bay quân sự chuyên chở một đoàn lính nhảy dù. Cũng y như kẻ sát nhân hàng loạt sẽ không bao giờ gây nên kinh hoàng cho khu xóm khi tất cả những nạn nhân của y đều là cảnh sát công an mang đầy đủ vũ khí trong giờ làm việc. Trong trường hợp như vậy, kẻ khủng bố hoặc gây kinh hoàng cho dân chúng không còn là kẻ sát nhân hàng loạt nữa, mà lại chính là vị Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An - rồi có thể kéo theo chính phủ nữa - bởi các vị này thật ra không đủ sức cáng đáng công việc của họ. Đây chính là điểm quan trọng có thể giúp chúng ta hiểu được phản ứng của các chính phủ thuộc phe ‘Liên Hiệp’ sau vụ 9-11 và bom nổ ở Bali.
Cả 3 thành tố ‘kinh dị’ cộng với thành tố răn đe (tạo một cách giết người cho rùng rợn và phô trương trước quần chúng) có thể hợp lại và cho ra định nghĩa ‘hành vi khủng bố’. Và tất cả 4 đặc tính khủng bố này thật ra đã dựa rất nhiều trên hiểu biết về tâm lý và cảm thức của con người trước cái rủi và sự chết.
Một khi ta thấy ‘khủng bố’, như một ‘-ism’, là thứ ‘túi khôn’ nhân loại tích tụ qua nhiều thời đại, ta sẽ thấy ‘khủng bố’ không có gì mới mẻ hết. Và nếu vẫn còn thấy mới lạ, chính đó là kết quả của mớ ‘cảm thức chủ quan’ tạo nên, do ở việc một số đông chúng ta đang đứng phía bên này của một hàng rào, một chiến tuyến – hàng ngày vẫn chịu đựng dài dài ‘bom đạn tin tức’ của giới truyền thông. ‘Khủng bố’, nếu nhìn theo dạng ‘răn đe’, đã hiện diện từ ngàn xưa, từ lúc loài người tạo dựng nên bộ lạc, nên tập đoàn và xã hội. Và vẫn có mặt thường xuyên trong mọi cơ viện của quốc gia, nhất là luật pháp.
Từ xưa đến nay, ‘khủng bố’, vẫn là một kỹ thuật cốt tủy của chiến tranh. Đọc ‘Đông Châu Liệt Quốc’ ta để ý khi một vị tướng bị tử vong ngoài trận mạc, phe chiến thắng thường cắt ‘thủ cấp’ của tử tướng rồi đem treo trước cửa thành, để răn đe, để ‘khủng bố’ tinh thần đối phương. Rồi đến cái màn ‘tru di tam tộc’ mỗi khi một vị quan bị mất ân sủng hay có hành vi phản nghịch đối với nhà vua nhà chúa. Đến lối xử tội phạm theo kiểu lăng trì, xẻo da cắt thịt. Lối đóng đinh vào khung thập tự giá. Thời đế quốc La Mã cũng vậy, loạn tướng Spartacus khi bị hành quyết, bị đóng đinh vào người và treo thân cho chim chóc xơi thịt. Trong binh thư Tôn Tử, một trong những chiến thuật dụng binh đánh giặc chính là yếu tố ‘bất ngờ’ kể trên (thành tố số 1). Jeanne d’Arc vào khoảng giữa thế kỷ 15 đã bị phe đối địch Anh quốc hành quyết bằng lối thiêu thân, trong lúc bị trói chặt vào một khung gỗ. Và phương pháp trừng trị tội phạm trên toàn cầu chỉ mới được ‘văn minh’ hơn một chút ít, kể từ khoảng giữa thế kỷ 19. Ngày trước, tù nhân thường bị bắt đi làm lao động, nhất là việc đi làm đường xá (Áo quốc, Thụy Sĩ, bang Pennsylvania tại Hoa Kỳ) [4]. Tù nhân phạm trọng tội thường bị xiềng xích và phơi nắng trước công chúng. Lối trừng phạt khủng bố này được hủy bỏ tại Pháp vào năm 1789, và ở Anh quốc năm 1837 [4]. Ngay cả đến thời hiện tại, luật pháp vẫn cứng rắn trừng phạt thứ ‘sát nhân hàng loạt’. Sát nhân hàng loạt mang tính ‘khủng bố’ (theo lối chiết tự tiếng Tàu đề cập ở trên) bởi số nạn nhân không phải một, mà là nhiều người. Luật pháp trừng trị sát nhân hàng loạt đó cũng mang đầy tính chất răn đe, khủng bố. Mới tương xứng. Và gần đây, tại một số quốc gia Tây phương, người ta cấp bách thông qua những đạo luật mới rất gắt gao - tức mang nặng tính ‘khủng bố, răn đe’ - để xử những phần tử có liên hệ đến khủng bố. Nhiều vụ xử án bọn khủng bố hay liên can, cho thấy luật đã được soạn trong hấp tấp nên không được thuần nhất với tinh thần pháp luật (như ở Sydney, Úc) hoặc bất hợp hiến (ở Jakarta – Inđônêxia). Quân lính phía Mỹ vẫn dùng chiến thuật khủng bố như thường đối với tù binh thuộc phe Saddam Hussein. Hình ảnh một nữ quân nhân Hoa Kỳ cầm roi quất hay răn đe một số tù binh Iraq, trần truồng như nhộng, đã gây ấn tượng mạnh mẽ về khủng bố, về kinh dị - vượt khỏi các phim của Hitchcock rất xa. Đối với các quốc gia hay Bang ở Hoa Kỳ vẫn còn giữ án xử tử, việc xử bằng ‘ghế điện’ mặc dù mang tiếng ‘nhân đạo’ hơn chém đầu hay xử bắn, nói chung vẫn không lột bỏ được tính cách ‘khủng bố’ hay răn đe. Tội phạm vẫn bị trói chặt trên ghế điện và một luồng điện cao thế vẫn là một sức lực rất mạnh để kết liễu đời tội phạm.
Nếu nhìn lại lịch sử thế chiến thứ hai, và đối chiếu với 4 đặc tính khủng bố kể trên, gồm 3 đặc tính kinh hoàng cộng với 1 đặc tính ‘răn đe’, ta có thể thấy rõ những quốc gia nào đã xử dụng khủng bố nhiều nhất trong chiến tranh. Trước hết, Đức quốc xã. Việc đưa hàng triệu dân Do Thái vào những lò khí độc là một hành vi khủng bố không tiền khoáng hậu. Tiếp đó, quân Nhật tàn sát và khủng bố dân chúng tại Trung Hoa, Triều Tiên và rất nhiều các nước khác ở Đông Nam Á. Nhưng, hành vi khủng bố gây kinh hoàng cho Mỹ và các quốc gia đồng minh vẫn là trận tấn công bất ngờ của hai đợt phi cơ Nhật vào tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng vào sáng chủ nhật 7 tháng Chạp năm 1941. Tấn công Trân Châu Cảng mặc dù nằm trong lãnh vực quân sự vẫn mang đầy đủ 3 đặc tính kinh dị kể trên bởi nó là một cuộc tấn công bất ngờ, không theo quy ước chiến tranh. Thiếu thốn việc… tuyên chiến. Tiếp đó, quốc gia đã phát minh ra một mốt khủng bố mới mẻ nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay chính là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, qua vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, tại Nhật. Đầy đủ: bất ngờ (bom thả vào vị trí dân sự), không có vũ khí phòng ngự, và không cách gì chạy thoát được. Vũ khí tiêu hủy 2 thành phố Horoshima và Nagasaki cũng là thứ ‘vũ khí tiêu hủy khối lớn’ (weapons of mass destruction, WMD) - lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại [5]. Việc xử dụng ‘vũ khí tiêu hủy khối lớn’ đó ở hai thành phố Nhật Bản cũng chứa luôn cả ‘đặc tính răn đe’ của khủng bố: hành quyết rùng rợn và phô trương trước cộng đồng thế giới việc hành quyết đó.
Cũng có thứ khủng bố mang tính cách bí mật, kín đáo, nhưng vẫn mang tính ‘khủng bố’ như thường bởi nó gây nên kinh hoàng cho một nhóm người. Đó là loại ‘khủng bố’ kiểu sát nhân hàng loạt, serial killer, như vụ ‘Boston strangler’ năm xưa ở Mỹ, hay ‘giết người ba-lô’ (backpack murderer) ở Úc. Ai thấy mình giống mô tả các nạn nhân sẽ sợ hãi vô cùng. Trên bình diện quốc gia, khủng bố loại này bao gồm thứ khủng bố vào nhân dân như các chế độ ‘khủng khiếp’ kiểu Hitler, Stalin, cách mạng văn hoá ở Trung quốc, v.v. Đêm đêm vào nhà tư bắt người dẫn đi thủ tiêu đâu mất. Mặc dù bí mật, nhưng dân chúng vẫn dễ biết - bởi hiện tượng mất tích thường xảy ra, và xảy ra cho một loại người nào đó. Trên ‘cấp’, và ở tột đỉnh của mức thang khủng bố, người ta ưa gán cho một từ khác, ‘genocide’ tức diệt chủng, như chế độ Pol Pot ở xứ Khmer. Và trong những năm cuối thế kỷ 20, lại thêm một từ mới, ‘ethnic cleansing’ tạm dịch nôm na ‘diệt sạch sắc tộc’, như ở Bosnia, xưa thuộc nước Nam-Tư (cũ).
Đến đây có thể thấy khá rõ:
Khủng bố thông thường có thể được liên kết với, hoặc 3 đặc tính kinh dị (bất ngờ, không bao che/chống trả, không lối thoát), hoặc 1 đặc tính răn đe (tạo dựng một lối hành quyết rùng rợn và phô trương cuộc hành quyết đó).
Khủng bố cũng có thể mang tính bí mật ban đầu. Nhưng dần dà bởi số lượng nạn nhân tăng lên cao (như chế độ Stalin), ‘khủng bố’ trở lại với đặc tính răn đe trong việc ‘phô trương’, mặc dù không chánh thức, những cuộc hành quyết đó.
Khủng bố, như một ‘–ism’, đã xuất hiện từ ngàn xưa – và dựa trên hiểu biết của nhân loại về tâm lý cùng cảm thức chủ quan đối với sự rủi ro, tai nạn và cái chết. Cũng như hiểu biết về cảm thức con người đối với bản năng sinh tồn.
Khủng bố là một công cụ thiết yếu của chiến tranh, chính trị. Nó hiện diện ở phe địch và ngay cả ở … phe ta. Nhưng gần như không một chính quyền nào dám tự nhận mình là một chính quyền ưa khủng bố. Trong mấy mươi năm gần đây, ‘terrorism’ được dùng như một nhãn hiệu để gán lên cho phe địch, không thuộc hàng ngũ các quốc gia Tây Phương.
Quan sát hành vi ‘khủng bố’ trong bối cảnh ‘phân tích’ như trên, người ta sẽ thấy rất dễ tránh hoặc không đồng ý với một vài lối nhìn khá chủ quan của giới trí thức hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ, tiêu biểu giáo sư Samuel P. Huntington trong quyển sách thuộc loại bán chạy nhất: ‘The Clash of Civilizations…’ [8] (Xung đột giữa các nền văn minh), mà phía dưới sẽ đi thêm vào chi tiết. Trong quyển sách dày trên 360 trang, Huntington có đưa ra nhận xét về ‘terrorism’, theo thiển ý rất chủ quan, bởi thiếu thốn phân tích ‘từ nguyên’ như trên. Trang 187, Huntington viết: ‘Terrorism historically is the weapon of the weak, that is, of those who do not possess conventional military power. ’ (Tạm dịch: Khủng bố theo dòng lịch sử là vũ khí của phe yếu, tức của những kẻ không có trong tay sức mạnh quân sự theo quy ước). Như đã viết phía trên, Trung quốc, tất cả các quốc gia Âu Châu, Liên Bang Sô Viết, Hiệp chủng quốc, Anh quốc, Nhật Bản, đế quốc Ottoman, La Mã, Hy Lạp, Ai Cập, … theo dòng lịch sử đều là những quốc gia, vào những thời đại khác nhau, đều có sức mạnh quân sự theo quy ước – và luôn luôn từ xưa đến giờ - họ đã từng xử dụng những hành vi ‘khủng bố’ theo đúng nghĩa khách quan, đặc biệt trong các lãnh vực quân sự và chính trị.
Tuy vậy, người ta có thể đồng ý một phần nào một nhận xét khác của Samuel P. Huntington về việc xử dụng ‘vũ khí tiêu hủy khối lớn’. Trang 186: ‘The time, effort and expense required to develop a first-class conventional military capability provide tremendous incentives for non-Western states to pursue other ways of countering Western conventional military power. The perceived shortcut is the acquisition of weapons of mass destruction and the means to deliver them. ’ Xin tạm dịch: ‘Thời gian, nổ lực và phí tổn đòi hỏi để phát triển một kho vũ khí quân sự quy ước hạng nhất đã tạo nên những động cơ mãnh liệt khiến các quốc gia ở ngoài khối Tây Phương phải tìm kiếm những phương thức khác để đối trả với sức mạnh quân sự quy ước của Tây Phương. Con đường tắt họ đã thấy chính là việc thu mua các vũ khí tiêu hủy khối lớn, và phương tiện bắn phóng các vũ khí đó.’
Dựa vào phân tích về khủng bố như trên, chúng ta có thể góp ý thêm chút ít như sau. ‘Khủng bố’ một từ Hán Việt, tuy có vẻ hơi khác với ‘terrorism’ trên khía cạnh ‘cấp bậc’ - một đàng ở cấp ‘-ism’, một đàng như một danh từ ‘thường tình’, không có gì đặc biệt – nhưng nếu nhìn kỹ ‘khủng bố’ vẫn có thể là một thứ ‘-ism’ trong nền văn minh Trung quốc. Bởi ở chỗ, ‘khủng bố’ chính là một thứ chiến thuật của du kích chiến. Và du kích chiến được các nhà cách mạng Tàu, đặc biệt Mao Trạch Đông và các cộng sự, phát triển trong thế kỷ 20. Dựa trên một vài chương sách của binh thư Tôn Tử, ở thời Xuân Thu - Chiến Quốc xa xưa (770-476 T.C.N. và 475-221 T.C.N.). Báo chí Tây phương trong mấy năm gần đây ưa loan tin Osama Bin Laden hay Saddam Hussein đang ráo riết đọc các sách về du kích chiến, họ cố ý viết lầm, của Việt-Nam. Họ cố ý viết lầm, bởi đối với người Tây phương trung bình, thời bây giờ, nếu nói ‘du kích chiến’ hoặc ’vạn lý trường chinh’, hay ngay cả Mao Trạch Đông, không mấy ai hiểu là gì. Nhưng nếu nói ‘chiến tranh Việt Nam’, bao hàm nhiều nghĩa và dụng ý khác nhau, vấn đề có thể dễ hiểu hơn. Cũng bởi ở phương Đông, khủng bố đã từng được ghi chép vào sách vở từ ngàn xưa, và đã được áp dụng qua nhiều thời đại, ‘khủng bố’ ở phương Đông cũng mang cấp bậc tương đương với một ‘-ism’ theo ý niệm Tây Phương: terrorism . Do đó, xử dụng ‘khủng bố’ để đối trả với sức mạnh quân sự Tây phương, ngoài một phương tiện đi đường tắt như Huntington đã nhận xét, còn là áp dụng một chiến thuật đã có trong sách vở quân sự của phương Đông. Thực thi một ‘-ism’ của cả Đông phương lẫn Tây phương.
Noam Chomsky [6], một giáo sư về ngôn ngữ học tại MIT ở Boston, viết và thuyết trình rất nhiều sau vụ 11 tháng 9. So với rất nhiều trí thức Mỹ, có thể Noam Chomsky là một người có can đảm nói lên được nhiều quan điểm tương phản với chính sách của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, lối nhìn của Chomsky mặc dù có vẻ rất mới, rất sôi động tại Mỹ, những trí thức bên ngoài nước Mỹ vẫn xem rất xoàng. Nhưng Chomsky vẫn được xem một hiện tượng, một ‘guru’, do ở những nhận xét, căn cứ vào các dữ kiện ông đã thu thập được. Quan trọng nhất, Chomsky cho rằng ‘khủng bố’ từ phía đạo Hồi sẽ chấm dứt khi Mỹ chấm dứt khủng bố các quốc gia khác, các khu vực khác. Đặc biệt, Chomsky nêu danh nhiều quốc gia thuộc phe ‘Liên Hiệp’ như Thổ Nhị Kỳ, Nga, Trung Quốc, v.v. đã từng có thành tích khủng bố những cộng đồng sắc tộc địa phương. Nay họ theo Mỹ để Mỹ và thế giới (Tây phương) có thể quên đi hành vi khủng bố của họ, và đồng thời họ có thể nhận được viện trợ hay điều kiện thuận lợi cho mậu dịch. Chỉ mới chỉ trích sơ sơ và có quan điểm tương phản với chính phủ Noam Chomsky đã bị chụp mũ ‘biện giải’ cho phe địch. Bởi vậy không ai sẽ lấy làm lạ, khi thấy rõ Noam Chomsky khựng lại, và chỉ dùng đến nửa trang giấy [6], khi đề cập đến mối liên hệ mật thiết giữa Mỹ và Israel (Do Thái). Thật ra trong bất cứ quyển sách tham luận nào của trí thức Mỹ, và hình như của trí thức Tây phương nói chung, người ta khó tìm một cuộc phân tích về liên hệ giữa Mỹ và Do Thái. Noam Chomsky, có lẽ được nổi tiếng như một nhà bình luận chính trị nước Mỹ, chỉ vì ông có vẻ rất mạnh dạn với quan điểm chỉ trích chính sách Mỹ - và thỉnh thoảng dám đề cập đến mối dây liên hệ giữa Mỹ và Do Thái [11], mặc dù không sâu hơn bao nhiêu, những gì người ta có thể đọc qua báo chí. Đại khái, liên hệ giữa Mỹ và Do Thái có thể được tóm tắt như phản ánh các điểm đặc trưng sau:
Do Thái là đồng minh trung hậu nhất đối với Mỹ từ khi Do Thái được lập quốc trở lại sau thế chiến thứ 2. Để ý đến liên hệ đồng minh có thể có thay đổi giữa Mỹ và các quốc gia như: Nhật, Đức, Taiwan, China, Vietnam, Afghanistan, Iraq, Iran, Ai Cập, Thổ Nhị Kỳ, Cam-Bốt, … Nhưng giữa Mỹ và Do Thái, trước sau vẫn như một [9].
Do Thái chia xẻ với Mỹ truyền thống văn minh Ju-đà / Ki-Tô, từ xưa đến nay.
Do Thái có thể là một đại diện đáng tin cậy nhất của Mỹ để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, nhất là về vấn đề dầu hỏa, ở Trung Đông.
Do Thái, trong sự tồn tại của quốc gia, chính là biểu tượng cho hãnh diện một cường quốc thứ 1 của Hiệp Chủng quốc, trên danh nghĩa bảo vệ tự do, dân chủ, và chống áp bức qua kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo.
Việc một nhà trí thức Tây phương dám chỉ trích những gì liên hệ đến Do Thái cũng giống như chuyện một người quẩn trí đem tiền bạc của mình ra đốt. Nhất là ở một quốc gia mang tiếng tự do dân chủ như Mỹ. Chỉ một nhãn hiệu anti-Semitic (chống-Do-Thái, theo nghĩa thường dùng hiện nay) [10], cũng đủ làm sự nghiệp trí thức khoa bảng tan ra mây khói. Nhà khoa học hoặc tư tưởng gia mang tiếng anti-Do-Thái sẽ rất khó xin được tài trợ cho công trình nghiên cứu của mình. Bởi người Do Thái chính thật là những nhà phát minh ra kỹ thuật ‘lobby’, gây ảnh hưởng với tất cả các chính quyền Tây phương, nhất là sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc. Ở Mỹ dù có chính phủ Dân Chủ hay Cộng Hoà gì đi nữa, người Do Thái cũng thường xuyên bơm tiền vào những vụ vận động tranh cử, ở mọi cấp: thị trưởng, quốc hội, thống đốc và tổng thống. Ở nhiều bang tại Mỹ, và gần như hầu hết tại các nước Tây phương, thế nào cũng có ít lắm một người Do Thái được xếp vào hạng giàu có, từ hạng 1 đến hạng 10. Họ có đại diện ở khắp các đại học hàng đầu nước Mỹ. Bất cứ giáo sư nào khá nổi ở một đại học lớn, hay bác sĩ y khoa ở một bệnh viện có tiếng, luật sư tại một hãng luật lớn, cũng có những đồng nghiệp hoặc ‘boss’ giỏi hơn, nhưng thuộc gốc Do Thái. Cái nhãn ‘anti-Semitism’ đối với giới trí thức Mỹ, hay ngay cả giới nghệ sĩ hay tài tử xi-nê, ở một phương diện nào đó, cũng mang tính chất giống như cái mũ ‘phản quốc’ hay ‘cấu kết với ngoại bang’ trong một quốc gia chưa được phát triển, hay ở trong tình trạng chiến tranh. Còn nhớ cách đây vài năm, khi phim ‘A beautiful mind’ (Khối óc tuyệt vời) với tài tử Úc gốc Tân Tây Lan Russell Crowe, bắt đầu được đề nghị giải Oscar. Phe chống đối lập tức viện cớ nhà toán học John Nash, nhân vật chính của phim, có thật, hồi trẻ có quan điểm ‘chống-Do-Thái’ (anti-Semitic), để hầu thuyết phục những phiếu chọn giải Oscar sẽ không bầu cho phim ‘A beautiful mind’ đó. Người Do Thái còn có một lợi điểm tối cao: Họ có nhiều ảnh hưởng ở thủ đô phim ảnh Hollywood, hoặc Hollywood phải làm phim theo quan điểm của họ. Thông thường, hướng dẫn lối suy nghĩ, và quan điểm quần chúng cho được phù hợp với quyền lợi và sinh tồn của dân Do Thái. Kết quả, phim ảnh thường đề cao những điểm tốt của xã hội Mỹ. Nhưng rất thường, chỉ những điểm tốt của xã hội Mỹ trong…tương lai. Điển hình, xem phim ảnh Mỹ ta thường thấy vai trò các quan toà thường thường được giao cho tài tử Mỹ đen. Hay thuộc phái nữ. Hoặc vừa phái nữ vừa Mỹ đen. Xếp của FBI hay CIA, nhất là các trạm cảnh sát lớn cũng thường Mỹ đen. Thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn tại quốc hội, và đôi khi tổng thống, cũng Mỹ đen. Hoặc phụ nữ, hoặc cả hai. Thậm chí những tay chuyên gia về điện toán thuộc phe khủng bố, hay phe công an hình sự cũng thường là Mỹ đen. Khán giả khắp thế giới xem phim Hollywood thường bị nhiễm lối tuyên truyền phe ta phe họ, hồi nào không hay. Người Hoa, người Hàn, người Nhật, người Ấn Độ, người In-đô-nê-xia, v.v. hiện cũng đang áp dụng theo sách vở của người Do Thái, nhất là trong kỹ thuật ‘lóp-bi’ hay giúp quỹ bầu cử tại các nước Tây phương.
Bây giờ xin thử sơ lược về đạo Hồi để có thể tìm hiểu chút ít một vấn đề nóng bỏng của thời đại.
Khác với những ngài khai sinh các tôn giáo lớn trên thế giới, như Phật Thích Ca, Chúa Ki-Tô, đấng giáo chủ Mohammed của đạo Hồi tức Islam (mang nghĩa ban đầu: chịu khuất phục), vừa là một ngài lãnh đạo tôn giáo, vừa là một nhà cai trị, một chiến sĩ, và một tướng lãnh. Mohammed sinh ra đời vào năm 570 sau Công nguyên tại thành phố Mecca (thuộc nước Arabia - Ả rập), về sau trở thành thánh địa của người theo đạo Hồi. Thời còn thanh niên, Mohammed rất thông minh và gây ấn tượng rất tốt cho một goá phụ, chủ nhân của ông. Hai người về sau thành hôn với nhau, khi bà đã 40 tuổi và Mohammad chỉ mới 25. Ở khu vực đó, thời ấy chỉ mới có đạo Do Thái (Giu-đà) và đạo Ki Tô, cùng với những đạo ‘lung tung’ ưa thờ thần mặt trăng và đủ loại thần thánh địa phương kể cả những mảnh đá đen. Vào năm 610, Mohammed một đêm nọ nằm mơ thấy gặp được Chúa Trời Allah, và chỉ một Allah mà thôi. Sau đó ông đem những gì đã được chúa Trời Allah chỉ dạy trong giấc mơ ‘thiên khải’ đó, ra truyền giảng với các đồng hương. Mohammad nhanh chóng gây nên nhiều kẻ thù, sau khi chỉ trích lối thờ phụng nhiều thần thánh ‘lung tung’, nhất là mảnh đá đen.
Không thành công tại Mecca, Mohammed dọn sang Medina, cách đó 400 cây số. Rồi đất lành chim đậu, đạo Muslim hay Islam do Mohammed gầy dựng thu hút được nhiều tín đồ, và Mohammed trở thành nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo ở Medina. Thoạt đầu người Do Thái có vẻ có cảm tình với tôn giáo mới Islam, bởi Islam cũng dựa nhiều trên thánh kinh Cựu Ước như kiểu đạo Do Thái. Nhưng sau đó không lâu ai về nhà nấy, nhất là sau khi Mohammed dạy người Muslim khi cầu nguyện đừng quay mặt về phía Jerusalem nữa mà hãy hướng về Mecca.
Khi đã củng cố được địa vị, Mohammed âm thầm chuẩn bị chiến tranh với giới thương gia chung quanh. Và với tài năng quân sự siêu việt, và sự trợ lực của nhiều sắc dân du mục địa phương trong đó có nhiều người Ki-Tô, ông chiếm được thánh địa Mecca vào năm 630. Hai năm sau ông trở về với Chúa Trời Allah. Đạo Hồi do những người thừa kế Mohammad nắm giữ, tiếp tục phát triển bằng phương cách bạo lực. Quân Islam tiến chiếm rất nhiều lãnh thổ ở khu Trung Đông và đánh đuổi hoặc bắt dân Do Thái, hay Ki-Tô làm nô lệ. Thành phố Damascus thất thủ vào năm 635 và năm sau đến phiên Jerusalem. Đặc biệt Jerusalem - một thánh địa của đạo Giu-đà lẫn Ki-Tô – bị người Muslim chiếm đóng chừng 1100 năm trong khoảng 1300 năm tiếp theo đó. Sau Jerusalem, quân Ả Rập tràn ngập xứ Ai Cập, thiết lập một thành phố mới bên bờ sông Nile mang tên Cairo.
Những thế kỷ tiếp đó, đã chứng kiến Hồi giáo, với quyển thánh kinh Koran (Qur’an), tiếp tục lan tràn mạnh mẽ. Bằng đường bộ lẫn đường thủy. Vào Âu Châu, vùng đất bao la phía Bắc Phi Châu, Nga La Tư, Trung và Nam Á, tập trung ở Pakistan (khoảng 136 triệu tín đồ Muslim), Ấn Độ (trên 100 triệu), xâm nhập Trung quốc (40 triệu), và biến In-đô-nê-xia thành một quốc gia có số tín đồ Islam (172 triệu) đông đảo nhất thế giới. Tổng cộng ngày nay Hồi giáo có chừng 1 tỷ 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới, chỉ đứng hàng thứ 2 sau Thiên Chúa Giáo [7].
So với các tôn giáo khác, Muslim có những điểm đặc trưng sau đây:
giữ một vài tính chất tà đạo, vô thần ‘pagan’, phản ánh quyền lực thiên nhiên - của thời xa xưa, khi ánh sáng văn minh chưa chiếu đến Âu Châu. Điển hình, địa vị của mặt trăng trong Islam, có vẻ sáng tỏ hơn rất nhiều tôn giáo khác. Với biểu hiệu, trăng hình lưỡi liềm. Lịch của Muslim dựa trên chuyển vận của mặt trăng chứ không phải mặt trời [7]. Cũng giống giống như ‘âm lịch’ người Hoa đã cóp từ Trung Đông. Bởi vậy cho nên tháng tuyệt thực Ramadan (không được ăn từ lúc mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn) cứ luôn luôn thay đổi so với dương lịch.
Rượu bị tuyệt đối cấm chỉ. Nhưng có một thứ giải khát xuất xứ từ thế giới Á Rập lại được phép hâm mộ và uống thả cửa. Đó là cà-phê [15].
Islam đưa ra những luật bảo vệ luân lý rất gắt gao. Trên danh nghĩa họ bảo vệ phụ nữ rất chặt chẽ - theo kiểu luân lý của Muslim. Đàn bà che mặt trước công chúng, không được quyền luyến ái bừa bãi, đụng đâu thương đó, v.v. Nhưng đối với thế giới Tây phương, người ta thường xem đạo Hồi đặc biệt áp bức phụ nữ, chứ không phải bảo vệ gì hết [14]. Đáng kể nhất, theo đạo Islam, đàn ông giàu có, được quyền có đến 4 vợ.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn nào đó, cũng có thể thấy nhiều người phụ nữ Muslim vẫn chấp nhận truyền thống vai vế khác nhau dựa trên phái tính. Bằng chứng, trong thời rất gần đây hoặc hiện tại, có đến hai quốc gia Muslim đã từng có nguyên thủ quốc gia thuộc phái nữ, trước cả Pháp, Đức, Úc và Hoa Kỳ. Đó là thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan, và tổng thống Megawati ở Inđô-nêxia. Cả hai vị nguyên thủ phái nữ này đã được dịp vươn lên trên các đối thủ chính trị nam phái, và không hề đề nghị cải cách gì hết đối với vấn đề nam nữ bình quyền. Chứng tỏ họ chấp nhận và rất trọng những giáo lý của Islam, và kinh Koran. Nói cách khác giáo lý Islam thích hợp với văn minh và văn hoá Islam.
Đi hành hương về chốn thánh địa Mecca là một nguyên lý cốt tủy của đạo Muslim.
Đạo Muslim có vẻ như ‘độc thần’ (monotheism) tuyệt đối. Người ta khó hoặc không thể thấy bóng dáng một vài thánh khác có quyền lực gần bằng Allah, nhất là thuộc phái nữ, như Đức Mẹ đồng trinh Maria của Công giáo, hay Quan Thế Âm Bồ Tát trong Phật giáo.
Cũng giống với Ki-Tô giáo, đạo Islam mang tính chất ‘truyền bá’. Tức những người theo đạo Hồi hoặc KiTô luôn có bổn phận truyền bá đạo mình cho những người ‘ngoại đạo’. Khác với Ấn độ giáo và Giu-đà, thông thường chỉ dành riêng, tuần tự, cho người Ấn hoặc người Do Thái mà thôi.
Cũng giống với Ki-Tô, đạo Hồi mang nặng tinh thần ‘nhị nguyên’, ‘đối đãi’. Có hoặc không. Nóng đối với lạnh. Lên và xuống. Ta và họ. Thắng hay Thua. Sức lực và phản lực. Khác với tinh thần ‘bất nhị’ của Phật giáo.
Theo sử gia Úc Geoffrey Blainey [7], cứ nhìn vào những nguyên tắc chính của Muslim, người ta có thể nhận ra rằng Mohammad có vẻ đã có ‘khải tượng’ đạo Muslim sẽ trở thành một đạo duy nhất ở khu Trung Đông và nếu được, toàn cầu. Nhận xét này có vẻ cùng điệu với rất nhiều sử gia và giáo sư khác hiện nay, khi nghiên cứu vấn đề ‘tại sao Muslim có vẻ lúc nào cũng đặt khối Tây phương, với đạo Ki-Tô như đối thủ của cạnh tranh, ghen tị, và thù hận với nhau’.
Người thiên sứ cuối cùng của chúa Trời Allah mang tên Mohammad cũng là một nhà cai trị và một tướng lãnh. Bản chất nguyên thủy, thuở ban đầu của Muslim trong việc truyền bá đạo vẫn là dùng bạo lực qua việc chinh phục lãnh thổ. Với một số tín đồ khổng lồ 1 tỷ 300 triệu, đạo Muslim là một tôn giáo lớn của thế giới. Muslim đã mang lại niềm tin, an ủi và yên lành cho một số đông con người trên thế giới, qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm. Geoffrey Blainey [7] đã vọng lại lời phê bình của một học giả Ki-Tô W.R. Inge: ‘Những quốc gia nhỏ đã khiến nhân loại chịu ơn họ gồm có: Israel (Do Thái), Athens (Hy Lạp), Florence (Ý), Anh quốc dưới thời Elizabeth I’. Và Blainey đã đề nghị thêm vào danh sách đó, thành phố Medina của thiên sứ Mohammad. Do đó, một phân tích nghiêm túc về xung đột hiện nay giữa Tây phương và Islam (Hồi) có lẽ rất cần xử dụng quan điểm ‘Islam đã có đóng góp lớn với nhân loại’ làm khởi điểm.
Ngày nay, nếu có bước vào một hiệu sách lớn ở một thành phố lớn nào đó thuộc một quốc gia tiên tiến, ta sẽ thấy trên giá sách thuộc đề mục ‘thời sự’ hoặc ‘chính trị’ đầy dẫy những quyển sách mới mẻ do những nhà trí thức hay giáo sư đại học tại Mỹ, Anh, Úc, ... viết và bình luận, về xung đột hiện nay giữa khối Hồi giáo, thường được gọi nôm na ‘fundamentalists’ (cơ bản), và Tây phương dẫn đầu bằng Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Với một trong những đối tượng được bảo vệ là Do Thái.
Đủ thứ lý thuyết. Quyển nào viết cũng hay cả. Bao nhiêu trí thức thì bấy nhiêu lý thuyết. Có thuyết nói ‘phản kháng của giới Muslim’ là đối kháng tất yếu của việc ‘toàn cầu hoá’ văn minh và mậu dịch (Thí dụ: Amy Chua). Rất nhiều sách đề tên Noam Chomsky, nhưng thật ra thường chỉ gồm các cuộc phỏng vấn Noam Chomsky chứ không do Noam Chomsky bỏ công sức ra biên soạn (Thí dụ: ‘A Fateful Triangle’ [11]). Nhưng sôi nổi nhất, vẫn là thuyết về ‘xung đột giữa các nền văn minh’ (the Clash of Civilizations) [8] của giáo sư đại học Harvard, Samuel P. Huntington. (Từ đây về sau xin gọi tắt: thuyết ‘Clash’, hoặc thuyết ‘xung đột văn minh’, hay thuyết Huntington).
Huntington đầu tiên viết bài ‘The Clash of Civilizations’ đăng trong tạp chí ‘Foreign Affairs ’ vào năm 1993. Theo tác giả, bài báo gây nhiều chấn động trong giới trí thức toàn cầu, và tranh luận sôi nổi trong suốt 3 năm liền Bài báo đã gây nên nhiều tranh luận nhất trên ‘Foreign Affairs’ kể từ những năm sau thế chiến thứ 2, thời 1940’s. Thu lượm chi tiết các cuộc tranh luận, Huntington đào sâu thêm từng tiết mục và viết lại thành một quyển sách dày 367 trang mang tựa ‘The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order’ (Cuộc xung đột giữa các nền văn minh và việc tái thiết lập trật tự thế giới’).
Để tìm hiểu thêm đặc tính và cội nguồn của ‘khủng bố’, trong bối cảnh thời sự hiện nay, sau đây chúng ta thử dùng luận thuyết Huntington làm tiêu biểu, và đi vào một số chi tiết trình bày trong quyển sách đó.
Quyển sách chia làm 5 phần:
Phần 1: Lần đầu tiên, thế giới trở nên đa cực và đa-văn-minh. Việc canh tân phải được xem như khác với việc ‘theo mốt Tây phương’. Cả hai sẽ không đưa tới một nền văn minh phổ quát toàn cầu, và cũng không thể Tây phương hoá được những xã hội không phải Tây phương.
Phần 2: Cân bằng lực lượng đang thay đổi, với ảnh hưởng Tây phương bị suy giảm. Văn minh Á Đông nới rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, quân sự và chính trị. Trong khi thế giới Hồi nổ tung ảnh hưởng đến khắp nơi, với hậu quả làm mất sự quân bình, ổn định tại các quốc gia Islam, và láng giềng.
Phần 3: Trật tự thế giới dựa vào các nền văn minh đang ló dạng. Những xã hội có chung văn hóa, sẽ hợp tác với nhau. Trong khi nổ lực biến đổi xã hội từ nền văn minh này qua nền văn minh khác sẽ gặp thất bại chua cay. Nhiều nước, cùng chung một văn minh, sẽ họp đoàn với nhau chung quanh quốc gia đàn anh biểu tượng cho cốt lõi của nền văn minh đó.
Phần 4: Sự kiêu căng về tính phổ quát toàn cầu của Tây phương sẽ đưa Tây phương đến chỗ xung đột với các nền văn minh khác, đặc biệt thế giới Muslim và Trung quốc. Để ngăn chận chiến tranh lan rộng, các quốc gia cốt lõi sẽ tìm mọi cách để ngăn chận chiến tranh.
Phần 5: Việc tồn tại của Tây phương tùy thuộc vào Mỹ quốc, xác nhận được lý lịch căn cước của Tây phương. (Điểm này có vẻ rất khó, bởi ai cũng còn nhớ thành tích chủ nhân thuộc địa của phương Tây). Để rồi nhìn nhận văn minh Tây phương chỉ độc sáng chứ không phải phổ quát toàn cầu. Và hợp nhất lại, bảo tồn nền văn minh đó trước thử thách của những xã hội không -Tây-phương.
Nhìn chung, Samuel P. Huntington hiện thức luận thuyết ‘xung đột’ của ông, chỉ hai ba năm sau khi Liên bang Sô Viết sụp đổ. Trước mắt, chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do-Cộng sản chấm dứt. Bất cứ ai cũng có thể thấy cục diện của ‘trật tự thế giới’ sẽ thay đổi. Thuyết Huntington đưa ra nhằm phỏng đoán những gì sẽ xảy đến cho môt trật tự mới trên thế giới, sau-Chiến-tranh-lạnh. Theo đó, thế giới sẽ bao gồm tình trạng đa-cực và đa-văn-minh. Ý niệm ‘xung đột giữa các nền văn minh’ có vẻ cũng không phải đơn thuần xuất khởi từ Samuel P. Huntington. Nhưng đầu tiên được đề cập đến bởi một học giả hàng đầu về vấn đề Islam, Bernard Lewis vào năm 1990: ‘The roots of Muslim Rage’ (Cội rễ của phẫn nộ Muslim) [12].
Huntington dành nguyên Chương 2 để thảo luận về civilization, về ‘văn minh’. Thật một vấn đề hết sức phức tạp, ở nghĩa hẹp cũng như nghĩa rộng. Nghĩa hẹp của civilization cũng giống như ‘văn minh’ trong tiếng Hán và Việt. Bao hàm một sự phân biệt nào đó với ‘man rợ’ hoặc bán khai, nhất là khi dùng như một hình dung từ: ‘Civilized’. Thí dụ: ‘Cô A lúc này ăn mặc ‘văn minh’ quá xá. Ý là cô chỉ mới lên Sàigòn sống có mấy tháng thôi’. Ở nghĩa rộng, ‘văn minh’ có vẻ dễ bị chi phối bởi nghĩa hẹp. Do đó đôi khi người ta phải kèm theo một hình dung từ nữa (như ‘rực rỡ’) để phân biệt thứ văn minh thông thường, ở nghĩa rộng - với văn minh sáng chói , văn minh rực rỡ, trong nghĩa hẹp. Tiếng Anh, người ta ưa gọi ‘great civilization’, để minh định nghĩa hẹp. Mặt khác, ‘Văn minh’ vẫn thường bị lẫn lộn với ‘văn hoá’ [13]. Theo thiển ý, bất cứ một xã hội nào tạo dựng được một thể chế nhà nước, hay gần như nhà nước, và tồn tại được vài trăm năm, xã hội đó đã có một nền văn minh. Thí dụ: văn minh Phù Nam, văn minh Đông Sơn. ‘Văn minh’ là một ý niệm mô tả phương cách và đặc tính sinh hoạt của xã hội, nằm trên và bao trùm những mô tả khác về tổ chức và giềng mối của xã hội. ‘Văn hoá’ lại khác. Văn hoá thường được hiểu như một bộ phận chính yếu của văn minh. Thành tố chính yếu của văn hoá chính là ‘ngôn ngữ’. Cũng theo thiển ý, ‘văn hoá’ không được hoàn toàn giống y như ‘culture’, bên tiếng Anh. Theo từ điển Meriam-Webster, ‘culture’ mang tất cả 4 nghĩa. Trong đó có nghĩa = ‘cấy giống’, và, = ‘những niềm tin thói tục, dạng thức xã hội, những nét tính vật chất của một nhóm chủng tộc, tôn giáo hoặc một nhóm người trong xã hội ’. Bởi ‘culture’ mang ý nghĩa ‘cultivation’, cấy giống, ‘culture’ trong ý nghĩa ‘văn hoá’ có vẻ bao hàm một cái gì còn sinh tồn, còn ‘quậy được’. Tức ‘văn hoá’ liên kết với thời ‘hiên tại’. ‘Văn hoá’ hiện còn tiếp diễn, chứ không phải văn hoá đã bị tắt lịm từ lâu. Ở khía cạnh khác, ‘culture’ khác với ‘văn hoá’ ở chỗ, theo định nghĩa Meriam-Webster, ‘culture’ có thể quy vào những ‘nét tính của một nhóm người trong xã hội’ . Thí dụ: những nhóm như Ái Hữu Công Chánh, cựu học sinh trường trung học Chu Văn An hoặc Gia Long hay Đồng Khánh, sinh viên Kiến Trúc, sinh viên Y Khoa, binh chủng nhảy dù, không quân, hiệp hội tương tế Quảng Nam, Bắc Ninh, Tây Ninh, giới Hippies ở các quốc gia Tây phương thời 60-70, … đều có thể nói có những ‘culture’ riêng, hơi đặc thù một chút, chút xíu thôi, theo tiếng Anh. Nhưng tuyệt đối, trong tiếng Việt, không ai nói ‘họ có văn hoá’ riêng! Thậm chí, những lưu học sinh đi học từng quốc gia Tây Phương cũng phát triển ra những culture riêng biệt. Thí dụ: ‘chổng culture’ của nhóm sinh viên ex-kiwis, cũng thường gọi nôm na bằng Mitchong, đã từng du học tại Tân Tây Lan. Bởi họ có những lối nói chuyện với nhau, những vụ tụ tập bạn bè, những sở thích khác nhau theo từng nước, phản ánh ‘culture’ chung của nước họ đã đến du học. Culture của giới Hippies cũng vậy. Nó có những đặc tính riêng như: để tóc dài, ưa cài hoa trên tóc, ăn mặc hơi … ‘lôi thôi’, không thích chiến tranh, cổ vũ hoà bình, thích âm nhạc [16], v.v.. Thông thường và gần như luôn luôn, tiếng Việt không dùng ‘văn hoá’ để mô tả hoặc thay cho ‘culture’, cho những nhóm người trong xã hội như vậy. Tức ta không thể nói ‘văn hoá của nhóm Mitchong’, hay ‘văn hoá giới Hippies’, nhưng có thể nói ‘Mitchongs‘ culture’ hoặc ‘Hippies’ culture’. Như vậy, kích thước của ‘culture’ dài và rộng hơn ‘văn hoá’ rất nhiều. ‘Culture’ có thể được dùng cho một nhóm người nhỏ (chừng 100) luôn cho đến cả dân tộc. Nhưng ‘văn hoá’ luôn luôn bị gò bó với một cộng đồng to lớn, chứ không đa dạng được như ‘culture’.
Trở lại với luận thuyết ‘xung đột’ của Huntington. Tác giả dành nguyên chương 2 để thảo luận về ‘văn minh’ và văn hoá. Đặc biệt và đáng nhớ, tôn giáo là một bộ phận cốt lõi của văn minh. Theo Huntington, hiện nay có tất cả 6 nền văn minh: Tây phương, Trung Hoa, Nhật bản, Ấn độ, Chính thống (Orthodox), và Châu Mỹ La-tinh. Và 7 nền văn minh, nếu kể cả Phi Châu.
Theo thuyết ‘xung đột’, trái với tuyên truyền của trào lưu ‘toàn-cầu-hóa’, nhân loại sẽ không bao giờ hay rất khó đạt đến một nền văn minh duy nhất cho toàn cầu. Những quốc gia có chung một thứ văn minh sẽ quây quần hợp đoàn với nhau và sẽ có hành vi theo nhịp với quốc gia cốt lõi của nền văn minh đó. Thí dụ, đối với văn minh Tây phương Mỹ là quốc gia cốt lõi, đàn anh. Các quốc gia đàn em khác trong cùng văn minh, như các quốc gia ở Tây Âu, Úc, và Anh quốc, v.v., sẽ có hành vi đối với các nền văn minh khác theo như khuôn thước của quốc gia cốt lõi (core state), tức theo kiểu của Mỹ.
Và chiến tranh sau này sẽ không gây ra bởi ý thức hệ, mà sẽ bùng nổ bởi khác biệt ở văn hoá và văn minh. Chiến tranh sẽ xảy ra giữa các quốc gia thuộc các nền văn minh khác nhau.
Trong cơ bản, thuyết Huntington hãy còn một vài lấn cấn trong định nghĩa và phân loại các nền văn minh. Tác giả nhìn nhận không rõ lắm về văn minh Hindu (Ấn Độ), và đưa ra phân loại 6 hay 7 nền văn minh khác nhau cho thế giới. Một mặt có vẻ khá chính xác, nhưng mặt khác dễ đưa luận thuyết đến ngõ cụt. Thí dụ: văn minh Nga thuộc thứ nào? Đông hay Tây? Có thể làm quốc gia cốt tủy cho khối Orthodox hay không? Hy Lạp, măc dù theo Orthodox có nhìn đến Nga như một quốc gia đàn chị hay không. Rồi Nhật, một quốc gia cốt lõi cho riêng văn minh Nhật mà thôi. Tại sao Nhật, chỉ một quốc gia lại có một nền văn minh riêng biệt, trong khi Phi Châu cả một lục địa gồm nhiều quốc gia khác nhau, lại chỉ có thể (hoặc không có) một nền văn minh Phi Châu riêng biệt. Liệu các nước mệnh danh theo nền văn minh Khổng Tử tức văn minh Trung Hoa, như Việt Nam, Hàn quốc, Singapore, sẽ nhìn Trung Hoa như quốc gia cốt lõi đàn anh, trong một cuộc xung đột với văn minh khác như văn minh Muslim ở Inđônêxia hay không?
Phân biệt thế giới hiện chỉ có đến 6 nền văn minh chính, sau khi loại bỏ Phi Châu, thật ra là một thứ phân loại có vẻ hơi bị lấn cấn. Nó có vẻ dựa vào việc nhìn xem nhóm hoặc quốc gia nào có thể tạo nên thế lực thách thức được sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ và Tây phương, rồi gán ghép một thứ văn minh cho mỗi một nhóm hay quốc gia đó. Nó có vẻ như việc một giáo sư toán tìm ra giải đáp một bài toán, xong rồi tạo dựng đề toán cho thích hợp với giải đáp. Như một tiểu thuyết gia tìm ra được một dàn ý câu chuyện khá hay, rồi mới bắt đầu tạo dựng từng nhân vật một cho quyển tiểu thuyết đó. Phân loại đó có vẻ chỉ chú tâm đến khả năng quân sự và kinh tế - và dùng 2 tiêu chuẩn đó để xác nhận và phân loại các nền văn minh. Như vậy, thuyết ‘xung đột’ có thể gặp lấn cấn, bởi:
Làm lơ Phi Châu như một khối, có thể chưa có một nền văn minh đặc biệt, tựu trung chỉ áp dụng được cho riêng thuyết ‘xung đột’ mà thôi. Như vậy vô hình chung, thuyết ‘xung đột’ làm mất đi tính khoa học. Như đã trình bày ở trên, bất cứ một cộng đồng xã hội nào đã tiến đến, và sinh tồn trong, hình thái nhà nước, hay gần-nhà-nước, trong vòng vài trăm năm - đều có một nền văn minh. Ở một mặt khác và nói theo kiểu tiếng Anh, ‘trong vỏ hạt đậu’ (đại khái), nếu cộng đồng nào sản xuất được một vĩ nhân hay danh nhân thế giới, cộng đồng đó chắc chắn có một nền văn minh. Phi Châu ở thế kỷ 20 đã có Nelson Mandela, như vậy Phi Châu đã có một nền văn minh riêng biệt từ khuya.
Ngay đến từng khối văn minh, người ta cũng thấy văn minh – theo thảo luận của thuyết ‘Clash’ - vẫn thay đổi với thời gian. Thay đổi cho thích hợp với luận thuyết.
Trước hết thử xem văn minh Trung Hoa (Sinic), hiện nay ưa dùng hoán chuyển với văn minh Khổng Tử (Confucius). Nhưng hồi trước lại khác. Người ta còn nhớ, thời Mao Trạch Đông, Mao ra sức hạ bệ Khổng Tử bởi có thể ông đã tin rằng chủ thuyết Maoism của ông sẽ đưa nước Tàu ra khỏi nghèo đói. Nhưng không. Đến khi Đặng Tiểu Bình từ trại lao động trở lại Bắc Kinh, họ Đặng thấy trên bàn thờ tổ quốc có chỗ trống, mới khôi phục và mời Khổng Tử tái xuất giang hồ. Rồi từ đó về sau, Trung quốc thuận ý cho các quốc gia khác gọi nước họ quốc gia có nền văn minh Khổng Mạnh.
Nước Nga cũng vậy. Trước khi Huntington viết bài ‘Clash’ chừng 5 năm, nếu ai có hỏi một người nào đó gần gũi với điện Kremlin, ‘người Nga các anh thuộc văn minh’ nào. Chắc chắn câu trả lời là: ‘thuộc văn minh xã hội chủ nghĩa’. Vậy mà chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, Huntington cho văn minh Nga thuộc loại Orthodox chính thống. Thật ra, rất hiếm khi có thứ văn minh nào lại có thể thay đổi soành soạch như vậy được. Nga trở thành quốc gia cốt lõi của văn minh Chính Thống, nhưng không thấy bảng liệt kê các quốc gia đàn em. Và cũng khó thấy một quốc gia khác có văn minh Orthodox đàng hoàng, như Hy Lạp có thể nhìn Nga như một quốc gia đàn chị lãnh đạo thế giới Orthodox. Thật ra, vào một chương cuối của quyển sách, tác giả có vẻ gián tiếp cho biết việc gán ghép Nga làm quốc gia cốt lõi cho văn minh Orthodox mang tính gượng ép. Bằng cách cổ xúy các quốc gia Tây phương hãy nhìn nhận Nga là quốc gia đại diện cho văn minh Orthodox, cùng những quyền lợi của quốc gia lãnh đạo này đối với những lãnh thổ Orthodox chung quanh.
Chính Huntington cũng mặc nhiên nhìn nhận điểm lấn cấn trong phân loại văn minh theo thế chiến lược của ông. Điển hình nhất là Nhật. Nhật vừa là quốc gia cốt lõi cho văn minh Nhật và cũng đồng thời là các quốc gia đàn em theo chính mình mà thôi. Điểm này cũng có phần chính xác, bởi người Nhật trong tâm tư ít khi xem mình là dân Á Châu. Cũng giống như một quốc gia ‘hải đảo’ khác bên Đại Tây Dương, Vương quốc Anh, đôi khi cũng xem mình như thuộc Âu Châu, khi thấy có lợi cho họ. Nhưng thường thường, không.
Huntington cũng xác nhận ‘văn minh’ Mỹ đã có thay đổi. Trước thế chiến thứ 1, Mỹ ưa có quan điểm đối nghịch với Âu Châu. Họ xem Âu Châu như một xã hội đầy giai cấp, thiếu phóng khoáng, thuộc về quá khứ. Mỹ biểu hiện cho tương lai, tự do, bình đẳng và tràn đầy cơ hội. Sau hai cuộc thế chiến, Mỹ hoà mình trở lại với Âu Châu và đảm nhận vai trò lãnh đạo nguyên khối Tây phương, bao gồm cả Âu Châu.
Huntington cũng cho thấy mối quan tâm chưa được nhất quán của ông đối với quốc gia đàn em thuộc một nền văn minh nào đó, như Việt Nam. Ở một chỗ, Huntington cho Việt Nam sẽ theo về phía văn minh Trung quốc, với Trung quốc là minh chủ của nền văn minh này. Ở một trang gần cuối quyển sách, Huntington đưa ra một hoạt cảnh, ‘scenario’, giả dụ Trung quốc choảng với Việt Nam vì tranh chấp mấy khu vực dầu hỏa ở biển Nam Hải. Việt Nam lúc đó mới cầu cứu minh chủ nền văn minh Tây Phương là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thuận giúp, đúng vào lúc quân Tàu đã tràn đến Hà nội, nhưng Nhật lại trở mặt, sợ mất lòng minh chủ Tàu nên không cho phép phi cơ Mỹ đáp xuống các căn cứ thuộc lãnh thổ Nhật.
Cũng không thấy tác giả sắp xếp Do Thái thuộc thứ văn minh nào. Chắc chắn Do Thái không thuộc văn minh Hồi, và cũng không thể gọi Do Thái là một nước có truyền thống hoặc văn minh Tây phương.
Huntington cũng giống như nhiều học giả Tây phương khác, thấy nước Nhật giàu mạnh, có đầy đủ khả năng kinh tế và tiềm năng quân sự, vội cho rằng họ có một nền văn minh riêng biệt, và họ chính là ‘quốc gia cốt lõi’ của riêng họ. Thật ra quốc gia nào cũng vậy. Nếu Huntington thử cho Miến Điện (Myanmar) nhìn vào Thái Lan như một core state (quốc gia cốt lõi đàn anh), thuộc nền văn minh nào đó, bảo đảm sẽ thấy dân Miến Điện phản đối liền. Tương tự, Cam Bốt chắc chắn sẽ tự nhận mình có nền văn minh riêng biệt. Không giống Việt Nam và cũng không thể theo Thái Lan.
Tương tự, Huntington có vẻ như dồn In-đônêxia và Mã Lai vào nhóm văn minh Hồi. Đối với văn minh Hồi, thuyết ‘xung đột’ lại ngập ngừng viết rằng văn minh Hồi hiện chưa có ‘quốc gia’ cốt lõi hay minh chủ, ở vai đàn chị. Chỉ biết nhiều quốc gia đang nổ lực dành lấy vai trò cốt lõi đàn anh: Thổ Nhị Kỳ, Pakistan, Iran, và Inđônêxia. Điểm này có vẻ hơi khác với hiện thực. Điển hình, Thổ Nhị Kỳ, theo những trang khác của quyển ‘Clash’ đang ve vãn Âu Châu để được vào Cộng Đồng Âu Châu (European Union) và có hai xu hướng mâu thuẫn tại Thổ: một theo Tây phương, một trở lại với Hồi giáo thuần túy. Nhớ lại, Thổ Nhị Kỳ là hậu duệ của một đế quốc Hồi thứ dữ, đã từng đô hộ Hy Lạp trên 400 năm: đế quốc Ottoman. Nhưng hiện Thổ rất khắn khít với văn minh Mỹ, tạm gạt bỏ Islam để chạy theo văn minh Euro và Dollar. In-đô-nê-xia đang muốn yên thân bởi kinh tế nước này trong mấy năm qua đang suy sụp do bất ổn chính trị. In-đô-nê-xia lừng khừng ngay từ cuộc chiến tranh vùng vịnh ở thời Suharto, cho đến chiến tranh Iraq, gần đây.
Huntington cũng cho Taiwan & Singapore thuộc quốc gia đàn em của văn minh Trung quốc. Ngoài ra còn có thể có Hàn quốc và … Việt Nam. Rất khó đồng ý với một viễn tượng các quốc gia theo kinh tế thị trường từ khuya như Taiwan, Singapore và Hàn quốc có thể chạy theo Trung quốc, và xem nước này như minh chủ, trong chính sách đối ngoại với các nền văn minh khác, như Nhật hay Islam (In-đô-nê-xia và Mã Lai).
Đặc biệt, Ấn Độ cũng là một quốc gia cốt lõi của riêng văn minh Ấn. Nhưng cũng không thấy danh sách các quốc gia đàn em trong nền văn minh Ấn Độ. Xung đột giữa văn minh Tàu và Ấn vẫn chưa thấy. Ngược lại, thế giới ghi nhận từ lúc Hồ Cẩm Đào lên thay Giang Trạch Dân, bang giao Ấn – Hoa phát triển mãnh liệt, kéo theo gia tăng thương mại giữa hai nền văn minh lớn ở Á Châu. Kinh tế Ấn hiện đang phát triển mãnh liệt và khác với mô hình Trung quốc, được dựa vào công nghệ dịch vụ, thi công tạo ra ‘phần mềm’ của điện toán cho các công ty lớn Âu Mỹ.
Hai ‘khối’ khác, Châu Mỹ La Tinh và Phi Châu, cũng giống như khối Islam, hoàn toàn không có quốc gia cốt lõi đàn chị. Huntington quan sát Châu Mỹ La Tinh đang lo Tây phương hoá. Trong khi cả khối LaTinh và Phi Châu không có tiềm năng quân sự đáng kể. Đến đây, tác giả có cho biết hai quốc gia mạnh ở Phi Châu là Nam Phi và Nigeria. Nam Phi có thể tái vũ trang nguyên tử, trong khi Nigeria có thể phát triển vũ khí hạt nhân và lăm le nhìn vào ngôi vị ‘cốt lõi’ văn minh Phi Châu.
Tác giả thuyết ‘xung đột’ cũng thẳng tay gạt những quốc gia theo đạo Phật như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam-Bốt, ra ngoài 6 nền văn minh lớn, nếu không kể Phi Châu. Và cho rằng rất khó sắp xếp họ vào một nền văn minh nào hết, với lý do Phật giáo có phân chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đây là một lý do bề ngoài cho thấy rõ tác giả chỉ chú tâm phân loại những nền văn minh có thể đối chọi với Mỹ và Tây phương trong tương lai gần mà thôi. Tức định nghĩa ‘văn minh’ của thuyết ‘Clash’ đã hoàn toàn bị chi phối bởi cái nhìn chiến lược của Mỹ và khối Tây phương, trên phương diện quân sự và kinh tế. Thật sự nếu lấy lý do ‘nền văn minh Phật giáo còn đang phân ly’ (Đại-thừa và Tiểu-thừa), nền văn minh nào cũng lâm vào tình trạng đó hết. Ki-Tô có Công giáo và Tin-Lành, vẫn còn choảng nhau ở Ái Nhỉ Lan. Islam có 2 phe chính: Chiites và Sunnites, còn đâm chém nhau dài dài.
Thuyết ‘xung đột’ có vẻ vẫn thiếu hỗ trợ bằng dẫn chứng lịch sử. Ngay ở các nền văn minh Tây phương cũng không thuần nhất. Trong quá khứ, chỉ cách đây vài chục năm, vẫn có chiến tranh giữa Đức và Anh, Đức và Pháp, Ý và Anh, v.v. mặc dù các quốc gia này vẫn có nền văn minh Tây Phương như mẫu số chung. Ở Ái Nhĩ Lan, xung đột vẫn thường xảy ra giữa hai khối Tin Lành và Công giáo, cùng chung một nền văn minh, một thứ ngôn ngữ.
Để hỗ trợ cho luận thuyết ‘chiến tranh trong tương lai sẽ bùng nổ giữa các nền văn minh với nhau’, tác giả đã viện dẫn cuộc chiến tranh giải phóng Afghanistan và chiến tranh vùng Vịnh vào cuối thập kỷ 90’s. Để cuộc thảo luận cho được công bằng đôi chút, chúng ta nên tránh dùng những dữ kiện, hoặc chứng cớ lịch sử xảy ra sau năm 1996. Ngay ở chính 2 cuộc chiến tranh này, cũng có thể thấy thuyết xung đột có vẻ thiếu thốn một chút ít dẫn chứng mạnh mẽ, thiếu thốn sức thuyết phục.
Đối với chiến tranh Afghanistan, ở phía trước tác giả viết chính là chiến tranh quyết định sự sụp đổ của Liên Xô, để rồi đưa đến kết thúc chiến tranh lạnh. Nhưng sau đó, thuyết ‘xung đột’, bằng cách ghi nhận Islam là tôn giáo chính của người Afghanistan, đã dán lên đó nhãn hiệu ‘chiến tranh giữa các nền văn minh’.
Chiến tranh vùng Vịnh lần đầu cũng vậy. Thoạt đầu tác giả mô tả nó như chiến tranh về tài nguyên, giữa Iraq và Kuwait. Kế tiếp, quyển sách mô tả phe này phe kia ở chiến tranh vùng Vịnh, người ta thấy phe Hồi theo Mỹ cũng đông kinh khủng. Gồm có: Ai Cập, Syria cộng với Pakistan, Morocco, và Bangladesh. In-đô-nê-xia lừng khừng đứng bên ngoài, và không quyết định dứt khoát. Nhưng đến câu cuối kết luận, lại viết, đại khái, đó là một trận giặc ‘tài nguyên’ giữa các nền văn minh với nhau. Tức các nền văn minh đã tranh chấp nhau vì ‘tài nguyên’ chứ không phải bởi khác nhau trong ‘cung cách văn minh’.
Cả hai cuộc chiến tranh, Afghanistan và vùng Vịnh, không thấy các quốc gia minh chủ cốt lõi choảng với nhau, mỗi bên được một đống đàn em cùng một nền văn minh hỗ trợ. Theo với thuyết ‘xung đột’. Mà chỉ thấy những liên minh tạm thời giữa những nền văn minh khác nhau. Iraq, dù có liên minh cũng không bao giờ được xem như quốc gia minh chủ của khối Hồi.
Tóm lại bởi thuyết ‘Clash’ có vẻ sắp xếp văn minh theo khả năng quân sự và kinh tế, có thể cạnh tranh hay thách thức khối Tây phương, thuyết ‘Clash’ rất khó được áp dụng vào mọi trường hợp phổ quát, trong tương lai.
Nhưng thuyết ‘xung đột’ vẫn có rất nhiều điểm rất hay ho của riêng nó.
Trước hết, nhìn lại thời chiến tranh lạnh, ta thấy rõ ràng có hai phe đối chọi với nhau. Tự Do (Tây) và Cộng Sản (Đông). Mỗi phe chỉ có một quốc gia cốt lõi đứng đầu: Mỹ và Nga. (Trung quốc lúc đầu đứng ở bên Đông). Và mỗi phe có rất nhiều quốc gia đàn em đi theo. Bây giờ, nếu xem hai khối Đông và Tây như hai nền văn minh khác nhau. Mỗi một nền văn minh dựa trên một thứ tôn giáo khác nhau. Cả hai thứ tôn giáo đều mang tính chất ‘truyền bá’. Ta sẽ thất rất rõ: Thuyết ‘xung đột giữa các nền văn minh’ của Samuel P. Huntington thật ra đã hoàn toàn dùng bối cảnh và thông số của ‘Chiến Tranh lạnh’ làm mô hình. Thuyết xung đột, trình bày với dạng đa văn minh, đa cực, do đó chỉ là một hình thức ‘ngoại suy’ của mô hình về ‘chiến tranh lạnh’ mà thôi. Từ lưỡng cực và lưỡng văn minh (Đông và Tây), của chiến tranh lạnh, đổi sang đa cực và đa văn minh.
Như vậy đối tượng chính của thuyết ‘xung đột’ là nhằm vào những khối ‘văn minh’ hiện có tiềm năng quân sự và kinh tế, có thể thách thức văn minh Tây phương, đặc biệt Mỹ - dựa trên kinh nghiệm và mô hình của chiến tranh lạnh. Các đối tượng chính yếu gồm: Khối Muslim, Trung quốc, và Nhật Bản. Điểm rất hay của thuyết ‘xung đột’ là thay vì nêu đích danh các khối hoặc quốc gia có vẻ không ưa thích Tây phương, mà Mỹ là đại diện, thuyết lại gói ghém các nước này trong ‘phân loại văn minh’ để cho luận thuyết được tính cách êm đẹp, ‘chính xác chính trị’, politically correct. Ngoài ra, dùng danh từ ‘văn minh’ cũng tránh được thảo luận về tôn giáo. Tôn giáo thật ra cũng không đích thực là cội rễ của xung đột. Thảo luận về khác biệt tôn giáo cũng có thể rất lôi thôi dài dòng. Mà có đến hàng chục quyển sách chắc cũng không thông suốt được. Huntington đã dùng lối người Tàu và Việt thường gọi ‘ẩn dụ’ để thảo luận về một vấn đề khá nóng bỏng, nhưng vẫn tránh được va chạm trực tiếp đến các quốc gia liên hệ.
Một số chi tiết khác khá gay cấn được trình bày đầy đủ trong quyển ‘Clash’ gồm có sự suy sụp và xuống dốc của thế lực Tây Phương hiện nay, và trong vài chục năm tới. Một sự suy sụp không thể nào tránh khỏi, tiến hành song song với sự vùng lên của những nền kinh tế Đông Á, và đặc biệt, việc tiến bước giận dữ của khối Muslim. Đại khái, dân số thế giới dưới chỉ huy chính trị của Tây phương suy giảm từ 44 phần trăm vào năm 1900, xuống đến 13 phần trăm vào năm 1995 và 10 phần trăm, năm 2010. Đặc biệt Huntington xác nhận trong tương lai, Mỹ không thể nào đảm trách vai trò cảnh sát quốc tế, và chỉ đủ sức gửi quân đội đến một chiến trường mà thôi. Những chiến trường khác phải do các nền ‘văn minh địa phương’ đảm trách.
Quan tâm hàng đầu của việc suy giảm thế lực Tây phương chính là việc phân tán vũ khí qua ‘biên giới các nền văn minh’, và việc tích tụ tăng gia các thứ vũ khí tiêu hủy khối lớn (VTK), tức Weapons of Mass Destruction (WMD). Âu lo nhất là việc hợp tác giữa 3 nền văn minh. Văn minh Nga buôn bán vũ khí cho văn minh Trung quốc. Trung quốc bán lại vũ khí cho ‘văn minh’ Islam, và những nước cực đoan trong cùng một nền văn minh, như Bắc Triều Tiên.
Huntington cũng cho biết đầy đủ, qua viện dẫn nhiều tác giả khác, những điểm đặc trưng của nền văn minh Tây phương, và cho rằng phải xem đó như một nền văn minh độc sáng chứ không thể nào phổ quát toàn cầu được. Những điểm đặc trưng của văn minh Tây phương gồm có:
Christianity tức đạo Ki Tô, bao gồm Công giáo Catholicism và Tin Lành Protestantism.
Thừa hưởng di sản từ những nền văn minh rực rỡ xa xưa: Văn minh, triết lý, và ý niệm dân chủ của Hy Lạp, Luật lệ La Mã, ngôn ngữ và văn hoá La-tinh, v.v.
Đặc biệt việc tách rời giữa Đạo với Đời. Nguyên thủ quốc gia, mặc dù theo đạo Ki Tô, nhưng không chịu ảnh hưởng hoặc khuất phục trước vị lãnh đạo tôn giáo đó. Đây là một đặc tính rất quan trọng, tạo nên một trong những căn nguyên của nền dân chủ pháp trị. Nó rất khác với đạo Islam, thông thường lãnh đạo tôn giáo giữ vai trò tối thượng. Khác với khối Chính Thống Orthodox, lãnh đạo tôn giáo giữ vai vế quan trọng sau nguyên thủ. Khác với Á Châu, điển hình Nhật và Trung quốc, lãnh tụ tức là Trời [17]. Khác với cả Tây Tạng, đức Lạt Ma cũng là nhà lãnh đạo chính trị.
Lề luật của Pháp luật (tạm gọi tắt: Pháp Lệ, Rule of Law). Người Tây phương rất hãnh diện về hệ thống Pháp lý của họ. Trên hết là Rule of Law (tạm dịch: Pháp Lệ). Tóm tắt, trong vỏ hạt đậu, Pháp Lệ được thể hiện bằng tinh thần bình đẳng trước pháp luật, và thượng tôn của luật pháp (vua và thường dân đều có cuộc sống quý giá như nhau – và phải được xử như nhau trước pháp luật). Chuỗi trình tiến hoá của ‘Pháp lệ’ đã kéo dài hàng trăm năm, và đã đưa đến văn minh pháp trị (dựa vào Hiến Pháp), tôn trọng quyền con người, tôn trọng quyền sở hữu của cải đất đai, và tối kỵ với việc xử dụng quyền hạn bất chợt, thiếu tính pháp định.
Đa diện xã hội (social pluralism): tiêu biểu bằng các nhóm người trong xã hội quây quần với nhau không vì lý do chung một thứ huyết thống (tức bà con họ hàng), hay chung quê cha đất tổ, mà lại có cùng chung một thứ quyền lợi, một thứ nghề nghiệp, một loại thương mại mậu dịch với nhau. Biểu tượng của ‘đa diện xã hội’ là các hiệp hội, hay nghiệp đoàn, các khối tôn giáo, giới nông dân, giới quý tộc, …. Theo nhiều học giả, chính sức mạnh của khối quý tộc phong kiến đã hạn chế bớt quyền hành của vua chúa Âu Châu, trong những thế kỷ cần cho việc thiết lập nền dân chủ các nước Tây phương. Trong khi đó, tại Nga, Trung Hoa, và đế quốc Ottoman (tiền thân Thổ Nhị Kỳ), trung ương tập quyền vẫn tiếp diễn dài dài không để dân chủ có cơ hội đâm chồi nẩy lộc. Có thể để ý nước Nhật đã may mắn có đủ các thức gia vị, khoảng thời Minh Trị - nhất là quyền hành của các sứ quân, y như giới quý tộc phong kiến Âu châu - để có thể thực hiện món canh tân và xây dựng một xã hội dân chủ tiên tiến.
Cơ quan đại biểu: là kết quả tất yếu của ‘đa diện xã hội’. Phản ánh qua việc thiết lập quốc hội. Dùng quốc hội như một diễn đàn phát biểu ý kiến về quyền lợi, nguyện vọng của từng nhóm trong xã hội.
Chủ nghĩa cá nhân: Những thành tố của văn minh Tây phương phía trên - cộng với những chủ thuyết từ Ki-Tô giáo - sẽ đương nhiên dẫn đến tôn trọng cá nhân, và chủ nghĩa cá nhân. Trong một cuộc xơ-vây 50 quốc gia, 20 quốc gia tiên tiến có số điểm cao nhất về chủ nghĩa cá nhân, gồm tất cả các nước Tây phương, trừ đi Bồ Đào Nha và Do Thái.
Tất cả những yếu tố phiá trên lại dẫn đến một đặc tính khác nữa người Tây phương vẫn thường hãnh diện: Modernity, tức ‘có khả năng cập nhật hoá’. Lúc nào cũng có thể biến đổi cho hợp thời, cho được ‘hiện đại’. Thật ra tính chất Modernity , theo thiển ý, các nền văn minh sáng chói khác như Tàu và Nhật xưa nay vẫn có, và có thể biểu hiện y như Tây phương. Điển hình các loại truyện chưởng, kiếm hiệp Tàu của Kim Dung. Đó chính là hình thức của ‘modernity’. Của ‘hiện đại’. Truyện chưởng Kim Dung đã đổi mới những dạng thức truyện kiếm hiệp xưa cũ. Kể cả việc các phim tập kiếm hiệp được quay đi quay lại nhiều lần, cũng với mục đích hiện đại hoá, kiếm thêm đô-la. Tương đương ở Tây phương, những phim James Bond. Điệp viên 007 cũng luôn luôn thay đổi tính tình, khuôn mặt, cách yêu đương, … để bắt kịp với Modernity. James Bond đã quay được trên 20 phim và có lẽ sẽ còn xuất hiện dài dài, nhờ ở ‘modernity’. Nước Nhật cũng vậy. Xe hơi, đồ gia dụng của Nhật,… cũng luôn thay đổi để giữ vững mức thu nhập của đồng Yen, cho hợp với mức độ biến chuyển của Modernity. Câu nói ‘bình mới rượu cũ, hoặc bình cũ rượu mới’ của người Á Đông khi xưa đã xác nhận ‘hiện đại’ hay ‘modernity’ cũng là một đặc tính có sẵn của nền văn minh Á Đông.
Ở một hai chương của quyển sách, thuyết xung đột cũng đề cập đến khác nhau giữa việc ‘canh tân’ hay ‘hiện đại hóa’ (Modernization) và ‘Tây phương hoá’ (Westernization). Đặc biệt, các quốc gia Đông Á trên đà phát triển kinh tế hiện nay càng ngày càng vững niềm tin ở chính nền văn minh của họ, và cho rằng ‘canh tân’ không nhất thiết phải cần đến ‘Tây phương hoá’. Huntington báo động đừng nên ngạc nhiên khi thấy các nền văn minh khác Tây phương cũng có sức bền bỉ, và vẫn có thể phát triển kinh tế, mang lại phú cường, mà không cần phải theo kiểu dân chủ hay mô hình Tây phương. So với các nền văn minh khác, ta có thể thấy thế giới Islam là thế giới ít chịu Tây phương hoá nhất. Các nhà lãnh đạo thường cổ xúy dân chúng không xài TiVi, đồng hồ đeo tay, và những sản phẩm tiêu biểu của Tây phương. Quần áo cũng vậy. Ngày nay các nhà lãnh đạo Trung quốc đều đã vứt đi những chiếc áo kiểu Mao Trạch Đông hồi còn nghèo thời xa xưa, và chỉ mặc những bộ suit ‘Âu’ phục, láng coóng, hàng hiệu kiểu Yves St Laurens, Gucci, BOSS, Pierre Cardin, được đặt may theo ni tấc đàng hoàng. Ở Fiji cũng vậy, người ta thấy những chính trị gia tuy mặc váy Sari phía dưới (cho mát), nhưng phía trên vẫn mặc áo veste, áo sơ-mi hàng ngoại Made in Italy, và ca-vát-tê đàng hoàng. Chỉ có Osama Bin Laden và giới lãnh tụ phía Hồi hiện vẫn chưa cần đến ‘Âu phục’ mà thôi. Mặc dù, trong thời gian họ đi du học ở Mỹ, họ vẫn mặc T-shirts quần jean như ai. Tuy vậy một mẩu tin gần đây cho biết thế giới Hồi cũng đang thu nhập ‘Modernity’ qua việc cho phép người Hồi được quyền giải phẫu để thay đổi phái tính (transvestites).
Huntington cũng nhấn mạnh việc tiêu dùng hàng hoá Tây phương, như ăn hamburger Big Mac, uống nước giải khát Coca Cola, xem phim ảnh Hollywood, … chỉ cho thấy cái vỏ bên ngoài của Tây phương hoá. Cốt lõi văn minh Tây phương không nằm ở trong bánh Magna Mac, nhưng ở hiến chương Magna Carta tức một hiến chương ký kết vào năm 1215, mang tính lịch sử ở Anh quốc, hạn chế bớt quyền hành của vua. Tây phương hoá, theo Huntington, thường chỉ xảy ra với giới trí thức elites mà thôi. Đối với khối đông quần chúng, Tây phương hoá vẫn là một chuyện không tưởng. Huntington đưa ra thí dụ về 3 luật sư hoàn toàn Âu hoá, từng du học ở Anh: Mohammad Ali Jinnah (Oxford), Harry Lee (Cambridge) và Solomon Bandaranaike (Lincoln’s Inn). Cả ba trở về nước của họ trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia. Và trong tiến trình đó, họ thay tên đổi họ, cách ăn mặc (như đã đề cập với truờng hợp Osama Bin Laden kể trên), và ngay cả tín ngưỡng để phù hợp với khối quần chúng. Mohammad Ali Jinnah về Pakistan, đổi tên thành Quaid-i-Azam, và lãnh đạo luôn tôn giáo Hồi mặc dù khi ở Anh y không có thói quen cầu nguyện gì hết. Harry Lee trở thành Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu), học tiếng quan thoại và thường xuyên đề cập đến luân lý Khổng Mạnh. Solomon Bandaranaike, một người theo đạo Ki Tô dòng, chuyển sang đạo Phật, và trở thành biểu tượng cho phong trào quốc gia của người Sinhalese ở Tích Lan.
Một điểm khác cũng khá thú vị, của quyển ‘Xung đột’, là phân tích một số quốc gia luôn bị giằng xé không biết nên nhảy theo nền văn minh nào (torn countries). Thí dụ như Thổ Nhị Kỳ phải chọn lựa giữa Hồi và Tây phương. Nga bị do dự giữa Orthodox và Tây phương. Mễ Tây Cơ, giữa Mỹ La tinh và Tây phương. Úc, nhất là Úc, ở thời thập kỷ 80 sang 90, bị giằng co giữa Á Châu và Tây Phương. Theo Huntington, qua nhiều dẫn chứng, muốn tự chuyển sang một nền văn minh khác rất khó. Khó nhất là được sự chấp thuận của toàn dân, và sự thuận ý cho gia nhập của nền văn minh, quốc gia đó muốn gia nhập. Thất bại của Úc trong việc ve vãn gia nhập nền văn minh Á Đông là bằng chứng cụ thể nhất.
Nhận xét của Huntington có vẻ cùng điệu với định nghĩa khủng bố ở trên gồm có:
thật ra phong trào chống Tây phương của giới cơ bản Hồi hiện nay, thường gọi ‘jihad’, không khác mấy với những cuộc viễn chinh ‘crusade’ của thế giới Ki Tô ở Âu Châu đánh vào phe Hồi, tranh giành thánh địa, xảy ra vào thế kỉ 11-13.
Đạo Islam thường mang tiếng ‘truyền bá’, chiêu mộ tín đồ, bằng chiến tranh xâm lược. Nhưng Huntington cho biết đạo Ki Tô cũng vậy, nhưng chỉ khi nào có cơ hội mà thôi.
Quan trọng nhất, thuyết xung đột nêu lên mối quan tâm của việc bắt tay giữa hai nền văn minh lớn để đối chọi với Tây Phương: Islam và Trung quốc. Trung quốc đã, đang và sẽ bán vũ khí cho khối Islam để đổi lấy dầu hỏa. Vũ khí Trung quốc, một phần được sản xuất tại chỗ, một phần mua lại, thường ‘second-hand’, từ Nga Sô. Mặt khác, sức ép của Mỹ với Trung quốc bằng vần đề nhân quyền, và với Nhật bằng việc hứa bảo vệ an ninh, đã bắt đầu mất hiệu nghiệm.
Nhìn chung:
Qua phân tích về các đặc tính của văn minh Tây phương ở trên, có thể thấy những đặc tính đó đều dẫn đến một nền kinh tế thật vững mạnh, hỗ tương cho một nền văn minh thiên nhiều về cơ giới, về vật chất và tiện nghi của đời sống hàng ngày.
Phe Islam, nhất là giới cơ bản có lẽ rất khó chịu trước lấn lướt của văn minh Tây phương trên toàn cầu và trên mọi địa hạt. Sự tràn ngập của văn minh Tây phương, nhất là kinh tế, điển hình qua tất cả những mặt hàng tiêu thụ, đặc biệt phương tiện và mội trường truyền thông trong những thập kỷ gần đây, trở thành một mối đe dọa lớn cho tồn vong của tín ngưỡng Islam.
Mối đe doạ đó bắt nguồn từ những xung đột của hai hệ giá trị của hai nền văn minh khác nhau.
Việc vươn lên của một nền văn minh xưa cũ như Trung quốc cũng gây cho khối Islam chút ít niềm tin và hy vọng. Bởi căn cứ vào lịch sử. Thế giới Ki Tô ở Âu Châu trong thời ‘crusade’ cũng vừa đạt đến một nền văn minh, chỉ ngang ngửa, bằng với văn minh của Islam mà thôi. Trong những cuộc crusades đó có khi Tây phương bị đại bại bởi Islam, nhất là trong thời của tướng Hồi Saladin.
Khối Islam có lẽ cảm thấy họ phải làm một cái gì để chuộc lấy nhục nhã, và suy sụp ‘đạo pháp’, triền miên kể từ khi quốc gia Israel được thành lập vào năm 1948. Trong chiều hướng đó, có lẽ họ xem Đông Á như một mô hình có thể giúp họ tìm cách vươn lên. Họ có vẻ bắt chước lối Kamikaze của những phi đội cảm tử xứ Phù Tang, lối hara-kiri (mổ bụng tự sát) của võ sĩ đạo Nhật, đánh giặc biển người của Trung quốc, lối tự thiêu để hy sinh cho Phật pháp ở Nam Việt Nam trong thập niên 60, và du kích chiến của Việt Cộng. Trong áp dụng du kích chiến, họ đã chọn ‘khủng bố’ làm phương tiện cốt lõi, cải biến chút ít nhờ học hỏi từ phim ảnh Hollywood, để cho hợp với ‘hiện đại’ hoặc Modernity.
Một trong những đề nghị sau cùng Huntington đã đưa ra trước khi kết thúc luận thuyết ‘xung đột’ của ông, là Mỹ và khối Tây phương nên từ bỏ ước mơ dùng văn minh Tây phương để toàn cầu hoá nhân loại. Việc đó, Huntington nhấn mạnh, chỉ là một việc làm điên rồ và vô luân. Bởi Tây phương hoá thường đi đôi với chủ nghĩa đế quốc. Thay vào đó Huntington đề nghị các nền văn minh nên tìm hiểu những mẫu số chung về giá trị, về cơ viện, để tìm cách phát triển thêm ra. Để tránh bớt xung đột giữa các nền văn minh. Từ đó sẽ tránh được chiến tranh.
Có một hai điểm dính líu đến văn minh, Huntington có vẻ đã lướt qua nhanh, và không vào chi tiết. Trước hết, đặc tính ‘cực chẳng đã mới cần đến chiến tranh, mới tham chiến’ dựa trên những nguyên tắc cơ bản xưa cũ của truyền thống Giu-đà và Kitô. Điểm này chính ra đã được biểu hiện qua chính sách cô lập của Mỹ trước thế chiến thứ 1 và thứ 2. Thường được thể hiện qua những phim cao bồi western từ Hollywood [18]. Nhưng rồi phát triển kinh tế mãnh liệt của Tây phương trong vài mươi năm cuối thế kỷ 20, đã tạo nên một sức ép khiến những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phải bỏ lại đằng sau nguyên tắc ‘hiếu hoà’ mang ảnh hưởng tôn giáo đó. Đặc biệt chiến tranh Iraq đã đi ngược hẳn và hoàn toàn hủy bỏ nguyên tắc ‘tránh đánh giặc’ của văn minh Giu đà – Ki Tô. Tấn công Iraq trong khi Iraq không có gây hấn hay tuyên chiến với Tây phương. Chỉ có một lý do khả dĩ có thể biện minh cho việc tấn công Iraq: Lý do răn đe. Nhưng răn đe cũng thuộc vào phân loại ‘khủng bố’ như trình bày phía trên [20]. Nếu nhìn kỹ ra, văn minh rực rỡ của Trung quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng tràn đầy những thứ nguyên tắc hiếu hoà, giống y như truyền thống Giu-đà-Ki-Tô. Trung quốc có Thiếu Lâm Tự và những truyện võ hiệp kỳ tình. Có những nhà sư ngoài công việc ‘thiền định’ còn luyện tập võ nghệ với nhau, hay truyền lại cho người khác. Với mục đích chính là tự vệ, phòng ngự, chứ không phải đi đánh người khác. Võ nghệ và sức mạnh, thường được cổ xúy, chỉ dùng để bênh vực kẻ yếu đánh lại kẻ áp bức. Văn minh Ấn Độ đã sản xuất thánh Gandhi, cổ vũ phong trào chống đối chính quyền thuộc địa Anh bằng phương thức ‘bất bạo động’. Nhật bản có giới Samurai, trong những lúc lang thang tìm ‘job’ với một sứ quân minh chủ nào đó, cũng thường dùng ‘bênh vực kẻ yếu’ làm phương châm.
Điểm khác, Huntington, như bao nhiêu trí thức Tây phương khác, đã có lối suy nghĩ một chiều qua lối dùng chữ ‘westernization’, tức Tây phương hoá. Để ý rất ít khi người ta thấy người Âu Mỹ dùng ‘Easternization’, hay Đông phương hoá. Đồng thời với ý niệm Tây phương hoá, Huntington có vẻ như cho rằng ‘văn minh’ là một thứ gì bất biến. Đông là Đông – Tây là Tây. Điểm này rất phức tạp. Rất khó minh định những ‘bộ phận’ hay thành tố của văn minh có thể chuyên chở qua lại với các nền văn minh khác. Trí thức Tây phương thường lại thiếu nhất quán, về vấn đề này. Có nhiều thành tố, Huntington cho rằng rất dễ chuyên chở qua lại. Nhưng có vẻ Huntington cho rằng cốt lõi của văn minh Tây phương, như những truyền thống về dân chủ, pháp lệ, chủ nghĩa cá nhân, tách rời Đạo và Đời, rất khó ‘xuất khẩu’ sang một nền văn minh khác. Nhưng nếu nhìn kỹ, đặc biệt nếu tìm hiểu mục đích tối hậu của việc ‘Tây phương hoá’ là gì - vấn đề có thể lập tức được nới ra thật rộng. Và cũng có thể thấy, ở một mặt, những truyền thống cốt lõi của văn minh Tây phương, có vẻ rất khó được xuất khẩu sang Á châu. Nhất là nếu đòi hỏi được thực hiện trong một thời gian ngắn. Ở một mặt khác, người ta có thể thấy các xã hội Á Châu đang tìm về những mô hình thành công của nền văn minh xưa cũ của họ. Một trong những mô hình đó chính là cái mốt cần đến Thái Thượng Hoàng. Mô hình này hiện càng ngày càng được hâm mộ, được cóp khắp nơi. Vài mươi năm trước ở Nhật có thủ tướng Tanaka. Sau khi bị mất chức thủ tướng Tanaka vẫn giữ vững ảnh hưởng trong hậu trường, định đoạt ai sẽ được làm thủ tướng trong nhiều năm. Chức vụ ‘Thái Thượng Hoàng’ ở Trung quốc được Đặng Tiểu Bình ghép vào chức ‘Chủ tịch ủy ban quân sự’ trong nhiều năm, và đến cuối đời ông không cần chức gì hết ngoài chức vụ ‘hội trưởng câu lạc bộ đánh bài Bridge’. Hiện nay Giang Trạch Dân đang đảm nhận chức vụ ‘chủ tịch ủy ban quân sự’ trong tư cách Thái Thượng Hoàng. Lý Quang Diệu chơi chữ, cho hợp với văn minh Tây phương ông đã thấm nhuần, gọi đó là ‘Thượng tổng trưởng’, sau khi hết làm thủ tướng. Và ông vẫn giữ chức vụ này cho đến ngày nay. Theo dự trù, con trai của Lý Quang Diệu sẽ lên làm thủ tướng Singapore vào khoảng cuối năm 2004. Ở Mã Lai, thủ tướng Mahathir đang nhiên xin nghỉ hưu sớm, trong khi ảnh hưởng cá nhân hãy còn mạnh trên chính trường..
Trở lại việc ảnh hưởng qua lại của văn minh, nhất là ở cái vỏ bên ngoài. Trên phương diện khái quát, có thể thấy văn minh Tây phương đã lấn lướt các nền văn minh khác. Đặc biệt ở các cơ viện và tổ chức quốc gia, tổ chức quân đội, nền thương mại, tài chánh, các ngành kinh tế, kỹ nghệ, và hệ thống giáo dục (tiểu học, trung học, đại học, và trường dạy nghề). Ở khía cạnh lối sống, văn minh Tây phương nổi bật ở chỗ: quần áo và kiểu tóc (thủ lãnh mọi quốc gia trên thế giới, và mọi giới trong xã hội, có lẽ trừ khối Islam, ưa mặc Âu phục, và cắt hoặc uốn tóc theo kiểu Tây phương), tiện nghi vật chất (xe hơi, xe gắn máy, máy lạnh, điện thoại, Tivi, internet,…), hoạt động các tôn giáo, tổ chức các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, và …hôn nhau bằng môi [19], v.v. Ảnh hưởng Tây phương trên các cộng đồng phi-Tây phương trên thế giới đã liên tục tiếp diễn theo với giao lưu giữa các nền văn minh, bắt đầu từ thế kỷ thứ 16. Khi Âu Châu bắt đầu hùng mạnh, có những thương thuyền và chiến thuyền đi tìm thị trường thương mại, cùng với việc đánh chiếm thuộc địa ở khắp nơi.
Ảnh hưởng của Á Đông đối với Tây phương cũng không nhỏ. Đặc biệt chỉ bắt đầu rầm rộ sau khi chế độ thuộc địa được xem như cáo chung. Nổi bật nhất trên những địa hạt: tâm linh, ăn uống, và … kung fu. Cũng có ảnh hưởng qua lại chút ít giữa ‘tình họ hàng ruột thịt’ ở Á Đông với ‘chủ nghĩa cá nhân’ của Tây phương. Ở đời sống tâm linh, Tây phương càng ngày càng tìm đến những phương pháp thể dục, thiền định của Đông phương như yoga, 5 thế Tây tạng, Zen, Tai Chi, để tìm cách thư giãn và tránh bớt căng thẳng. Và cho đời sống tinh thần được thêm phong phú. Ăn uống cũng vậy. Bất cứ ở thành phố nào, lớn lớn một chút ở các quốc gia Tây phương cũng đều có những tiệm ăn Tàu, tiệm ăn Nhật, và gần đây, tiệm ăn Thái. Cơm gạo, và việc ăn bằng đũa không còn chi xa lạ đối với người Tây phương. Thậm chí như ở Úc, các đầu bếp trứ danh nhất xứ đều có những món ăn tuyệt chiêu pha trộn cách nấu và gia vị của Đông và Tây. Tuy vậy Tây phương đã ảnh hưởng sâu đậm cho Đông phương qua lối gìn giữ thực phẩm bằng máy lạnh và tủ lạnh. Thành phố lớn nào ở Tây phương cũng có những võ đường dạy đầy đủ các thứ võ nghệ Đông phương như Judo, Taek Won Do, Karate, Ju Jit Su, Wing Chun (Huỳnh Xuân), Aikido, v.v. Tất cả các phim hoạt động đấm đá trên toàn cầu hiện nay đều phải có những cú đá, vừa đá vừa bay trên không, theo kiểu Bruce Lee tức Lý Tiểu Long mới ăn khách được. Để ý văn minh Tây phương bị biến đổi theo Đông phương đôi chút: ngày xưa người Tây phương kị nhất là cú đá trong lúc đấm nhau.
Ngoài ra, ảnh hưởng văn minh Đông phương trên Tây phương còn có thể kể: nghệ thuật cắm hoa ikebana, nghệ thuật bonsai, hòn non bộ, trang trí nội thất, và nhất là sắp xếp phương hướng cho nhà cửa, cơ sở làm việc theo ‘Phong Thủy’, tức Feng Shui.
Ảnh hưởng văn minh Tây phương đối với các nền văn minh khác như Islam hay Hindu vẫn được thể hiện qua nhiều hình thái. Có thể bằng đường di dân. Nhất là giới tỵ nạn chính trị, tỵ nạn chiến tranh trong mấy mươi năm gần đây. Nhưng thông thường ảnh hưởng văn minh qua lại với nhau, đi theo sát giao lưu về kinh tế. Kinh tế Trung Đông và Đông Á phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ vừa qua có thể suy từ việc giao lưu kinh tế. Ở chỗ việc Tây phương đi tìm thị trường mua dầu hỏa. Hay tìm kiếm thị trường nhân công rẻ. Muốn bên ra tiền, và bên thi công hợp tác với nhau được thành công mỹ mãn, bên ra tiền phải giới thiệu hoặc dạy cho bên thi công biết những đòi hỏi của tiêu chuẩn mặt hàng và của giới tiêu thụ. Từ đó ta thấy đôi bên phải tìm hiểu lẫn nhau hai vấn đề mấu chốt: văn hoá và văn minh.
Nhìn chung, còn một điểm quan trọng khác ít khi được các học giả Tây phương, kể cả giáo sư Samuel P. Huntington, quan tâm trong những thảo luận về văn minh. Đó là, nếu xem văn minh như một bộ máy, một chiếc xe hơi, chính thao tác kinh tế và giao dịch thương mại là xăng dầu, nhiên liệu cần thiết để vận chuyển nền văn minh đó. Ví dụ này chỉ dùng để mô tả ‘sinh lực’ của một bộ máy ‘văn minh’, tốt thật tốt, tốt hơn xe Rolls Royce rất nhiều, tuyệt đối rất khó bị hư hao, suy suyển.
Xung đột giữa các nền văn minh, theo Huntington, sẽ là nguyên ủy của chiến tranh trong một thế giới đa cực, đa văn minh, như hiện nay. Nhưng sự sống còn của văn minh hãy còn tùy thuộc vào yếu tố nhiên liệu kia. Tức xung đột giữa các nền văn minh, trong cốt lõi, có thể được hiểu như phản ánh sự xung đột về những thứ quyền lợi kinh tế , hỗ tương cho các nền văn minh đó.
Tháng 8, 2004
Nguyên Nguyên
GHI CHÚ
[1] Khổng Đức & Long Cương (1996) Từ điển Hoa - Việt. Nxb Văn hoá Thông tin.
[2] Nhiều phong trào chưa lên đến ‘-ism’ đã bị cho vào sổ bià đen của chính quyền địa phương, và bị giáng cấp xuống thành ‘cult’, tức tà đạo, hay bàng môn ngoại đạo theo kiểu truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Hay ‘bọn nổi loạn’, bọn thổ phỉ (thí dụ: Pháp luân công, ở Trung quốc).
[3] Cảm thức về lo sợ trước rủi ro ‘bị rớt máy bay’ có thể thay đổi theo từng nhóm người. Nhất là những nhóm thường xuyên phải di chuyển bằng phi cơ vì lý do nghề nghiệp. Tiếp viên hàng không hay phi công sẽ không sợ bởi nếu họ sợ họ đã không thèm làm công việc đó. Giới ca sĩ, nhất là ca sĩ Mỹ đặc biệt có người sợ người không. Những người sợ gặp rủi ‘rớt máy bay’ thông thường là những ca sĩ nổi tiếng nhưng ít khi nào bay ra khỏi Hoa Kỳ để trình diễn. Việc sợ rủi ro của giới này hơi khác với ‘người thường’ bởi thống kê về đồng nghiệp thuộc giới ca nhạc bị rớt máy bay đã tạo nên một danh sách khá dài. Sơ sơ: John Denver, Jim Reeves, Ricky Nelson, Ritchie Valens, v.v. Trong khi đối với giới tài tử xi-nê, tai nạn xe hơi có vẻ gây tử vong nhiều hơn rớt máy bay: James Dean, Phó Thanh, Jayne Mansfield, v.v.
[4] Michel Foucault (1977) Discipline and Punish. The Birth of the Prison. Translated by Alan Sheridan. Penguin Books
[5] Bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 làm 160000 người chết và bị thương. Về sau thêm rất nhiều người chết vì các bệnh tật do vết thương hoặc phóng xạ nguyên tử gây ra. Tổng số thương vong lên đến 237000 người. Bom thứ 2 thả xuống Nagasaki vào ngày 9 tháng 8, gây tử thương đến 70000 người.
[6] Noam Chomsky (2003) Power and Terror: Post-9/11 Talks and Interviews. Seven Stories Press, New York * Little More, Tokyo
[7] Geoffrey Blainey (2000) A short history of the world. Published by the Penguin group (Viking).
[8] Samuel P. Huntington (1996) The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order. Simon & Schuster. (‘Cuộc xung đột giữa các nền văn minh và việc tái lập trật tự thế giới’).
[9] Giáo sư Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama ở đại học John Hopkins duyệt lại mối liên hệ giữa Mỹ và khoảng hai chục quốc gia trên thế giới sau thế chiến thứ 2, và cho rằng Mỹ chỉ thành công ở 3 nước mà thôi: Đức, Nhật và Hàn quốc (tức Nam Triều Tiên). Nhìn kỹ có thể thấy rõ cả 3 quốc gia này đều có truyền thống hay ho và chất xám đặc thù của riêng họ từ khuya.
[10] anti-Semitic theo nghĩa nguyên thủy: chống-người-ở-khu-Trung-Đông nói tiếng Semite thời xưa, gồm có: người Do Thái, Á rập, Ethiopia, Ai Cập, v.v. Anti-Semitic thông thường mang nghĩa chống-Do-Thái hay chống-Á-rập. Ở Âu Châu anti-Semitic có thể mang nghĩa chống-Á-Rập lẫn Do-Thái. Hiện nay đang nghiêng về ‘chống-Á-Rập’. Nhưng ở Mỹ hiện nay, thông thường anti-Semitic mang nghĩa ‘chống-Do-Thái’.
[11] Noam Chomsky (1999) Fateful Triangle – The United States, Israel & The Palestinians (Thế tam giác định mệnh: Mỹ, Do Thái và người Pa-lét-Tin). Black Rose Books.
[12] Khoảng đầu tháng 8/04, người viết được dịp đọc chùa bài này ở trên mạng internet. Sau đó một tuần, khi cố ý tìm lại thì thấy bài viết rất hay của Bernard Lewis đã được khoá lại và chuyển vào tạp chí ‘The Atlantic’. Muốn đọc bài phải mua báo ‘The Atlantic’. Đại khái, Bernard Lewis có chú ý đến một chi tiết, không thấy Samuel P. Huntington đề cập: Giới Muslim ít khi xung đột với Nga, mặc dù Nga hay Liên Xô (cũ), cũng từng sát nhập nhiều tiểu quốc thuộc đạo Hồi, và có đạo Chính Thống (Orthodox) giống với Ki-Tô, chứ không giống Hồi.
[13] Nhiều quyển sách do các tác giả Việt xuất bản gần đây tại, cũng như bên ngoài Việt Nam, về ‘nguồn gốc văn minh’ Việt Nam, không dành được 1 hàng chữ để thảo luận thế nào là ‘văn minh’. ‘Văn minh’ và ‘văn hoá’ lại được dùng lẫn lộn, hoán chuyển với nhau. Có vẻ như rằng ‘văn minh Đông Sơn’ được các tác giả Việt thích dùng với nghĩa hẹp: ‘một nền văn minh sáng chói’. Có một chi tiết nhỏ hơi lấn cấn, ít khi thấy các tác giả Việt phân tích: Trống đồng là một ‘icon’ biểu tượng cho văn minh Đông Sơn. Nhưng đến thế kỷ 20, chỉ có người Mường còn biết đúc và biết xử dụng (thọc) trống đồng mà thôi. Có thể chưa có một người Việt nào đọc được một bài luận hoặc nghiên cứu về sử, cho biết người An-Nam hoặc Giao Chỉ ngưng sản xuất hoặc thôi xử dụng trống đồng vào khoảng thời đại hay năm nào trong lịch sử.
[14] Vấn đề phụ nữ bị áp bức bên phía đạo Hồi, nhiều hơn ở các nền văn minh khác - thường dễ tạo nên một cái cớ để Tây phương gây hậu thuẫn quần chúng trong những xung đột với thế giới Hồi. Đặc biệt gần đây vấn đề ‘quyền giết con gái vì danh dự gia đình’ (honour killings) gây sôi nổi dư luận tại Úc qua quyển tiểu thuyết bán chạy, mang tiếng được viết theo lối ‘tự thuật’, ‘Forbidden Love’ của Norma Khouri, di dân gốc Jordan sang định cư ở Úc. ‘Forbidden Love’ thuật lại câu chuyện một người bạn thân của tác giả bị gia đình giết chết vì yêu một chàng trai theo đạo KiTô. Tác giả lo sợ bị liên lụy nên mới vượt biên khỏi Jordan và tìm đường xin sang Úc định cư. Khổ nỗi, một tờ báo lớn ở Sydney (The Sydney Morning Herald) khám phá toàn câu chuyện chỉ là ‘ba xạo’. Tác giả Norma Khouri thật ra sinh sống tại Mỹ từ thuở bé thơ. Nhà xuất bản sách (Random House) lập tức ra lệnh thu hồi sách, và hủy bỏ chương trình in và xuất bản quyển tiểu thuyết tiếp nối của ‘Forbidden Love’, cũng cùng chung một tác giả.
[15] Nguyên Nguyên (2001) Viết về Cà-phê. Xem: khoahoc.net hay aihưucongchanh.com
[16] Thí dụ như nhạc của Bob Dylan, Joan Baez, v.v. Hippies cũng từng có đại nhạc hội lớn ở Woodstock và bản ‘quốc ca’ ‘If you’re going to San Francisco, be sure to wear some flowers in your hair…’ do Scott MacKenzie hát.
[17] Nhật Bản có ‘Thiên Hoàng’, Trung quốc có ‘Thiên Tử’.
[18] Việc lâm chiến chỉ trong trường hợp bất khả kháng, ngày trước thường được Hollywood trình bày qua những phim cao-bồi Western. Điển hình nhất là các phim ‘Shane’ với Alan Ladd, ‘The fastest gun alive’ (Người bắn nhanh nhất) với Glenn Ford, High Noon với Gary Cooper, v.v.. Trong các phim cao bồi đó, thường thường người hùng chỉ rút súng ra khi bị dồn vào chân tường.
[19] Xem: Nguyên Nguyên (2001) ‘Nói chuyện về Hôn’. tại aihuucongchanh.com hay khoahoc.net
[20] Peter Hartcher trong một bài báo ở The Sydney Morning Herald ngày 20 tháng 8 năm 2004, có vẻ mang cùng ý niệm về tính răn đe của khủng bố như đã trình bày trong bài này. Do đó, có thể nhìn tấn công Iraq như một hành động răn đe các quốc gia ‘bất lương’ như Bắc Triều Tiên, Iran, bắt họ phải ngừng phát triển vũ khí tiêu hủy khối lớn (WMD). Việc răn đe này chính là một hành động khủng bố, và Libya đã thúc thủ, hủy bỏ việc sản xuất WMD.