watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Vĩ thanh từ trung du - tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền

Vĩ thanh từ trung du

Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền

Bến xe thị tứ Sơn Phòng thật sự thay đổi, thay đổi đến ngỡ ngàng trong con mắt của Nhàn. Nhà cao tầng, hàng quán nhộn nhịp san sát chưa đủ để gây ấn tượng với anh bằng hình ảnh đội xe Toyota, Mercedes Benz 12 chỗ ngồi luân phiên vào bến xuất bến trong vòng mươi phút, làm cho Sơn Phòng giờ đây thật gần với trung tâm thành phố, dẫu không gian vẫn là 80 cây số đường chim bay. Bốn năm trước, khi Nhàn còn là anh giáo viên tăng cường miền núi, mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe để nối thung lũng Sơn Phòng với thế giới bên ngoài. Và đó là hai chiếc “cam-nhông” chở lính trước 1975 được “chế độ” thành xe đò chở hành khách.
Nhưng từ Sơn Phòng lên đến chân núi Diều thì chưa có gì thay đổi trong lĩnh vực phương tiện giao thông. Vẫn là những chiếc Minsk có bộ vó những con ngựa nhà trời cao nghệu, bụi bặm. Nhàn trèo lên một chiếc đến phiên trong số xe thồ xếp thành dãy chờ khách. Anh bảo:
- Xóm Diều...
Gã xe thồ nhìn lại ông khách, kêu lên:
- Thầy Nhàn!
Lẽ thường là thế, trò dễ nhận ra thầy, chứ thầy không thể nhớ hết được học trò của mình. Bốn năm cũng đủ để biến Hải từ cậu học trò lớp 12 gầy nhom nhút nhát thành một gã xe thồ lực lưỡng, trông dữ dằn với bộ râu quai nón không chăm chút.
Trên tám cây số đường đất đỏ gồ ghề Nhàn ôm lưng Hải bằng vòng tay thân ái của thầy trò. Cảm giác đó thật lạ, thật khác với việc ôm lưng một anh tài thồ. Hai người thỏa sức kể lể, tâm sự về kỷ niệm, về những đổi thay trong đời sống của mỗi người, và về bạn bè trang lứa của Hải vốn cũng là học trò cũ của Nhàn. Nhàn giữ ý không hỏi câu nào về Duyên, “hấp lực” chính đã cuốn hút anh trở lại chân núi Diều trong chuyến đi không định trước này.
Nhàn bảo Hải tấp vào một quán bên đường, đầu xóm Diều. Hai thầy trò cụng ly côm cốp làm nụ cười cô gái bán bia rạng rỡ. Nếu Hải không trịnh trọng giới thiệu về Nhàn, cô không thể hình dung ra đấy là hai thầy trò. Hải phong sương trông có vẻ già hơn Nhàn. Và thật ra, Nhàn cũng hơn Hải chừng một, hai tuổi mà thôi. Khi cả hai đã ngà ngà, Nhàn nói với Hải rằng anh muốn một mình vào nhà bác Tốn, nơi anh từng ở trọ, gọi là gây bất ngờ. Hải đành chiều ý thầy giáo quay về bến xe Sơn Phòng.
Trong bóng hoàng hôn trung du, Nhàn lại bắt gặp cảm giác ngày đầu khăn gói đi nhận nhiệm sở. Anh thấy mình thật nhỏ bé giữa những đồi chè thoai thoải nối tiếp nhau đến tận chân trời. Ngôi nhà bác Tốn đã lên đèn. Đó là ánh sáng điện khí chứ không phải ánh sáng ngọn đèn măng-xông của bốn năm trước. Con chó con lao ra cổng sủa ăng ẳng. Bác Tốn khàn khàn hỏi vọng:
- Ai đến chơi thế?
Nhàn bất ngờ nhận ra giọng mình khác thường:
-Dạ cháu Nhàn đây...
Bác Tốn hối hả:
- Thầy giáo Nhàn! Bà nó, mở cổng...
Nhàn không còn nhận ra không gian cũ. Nếp tranh nghèo đã được thay thế bằng ngôi nhà ngói khang trang. Duyên đi vắng. Cô không biết Nhàn lặn lội lên chân núi Diều. Sau giây phút xúc động vì cuộc viếng thăm bất ngờ, bác Tốn bảo vợ:
- Bà cho chúng tôi ấm chè.
Bác Tốn tay vẫn nắm bàn tay Nhàn như muốn xác tín về sự trở lại của anh, hỏi đức ông chồng:
- Hay là dùng cơm xong hẵng uống chè?
Ông Tốn gắt:
- Đến cái đất này, phải làm một ấm chè đã rồi mới tính chuyện khác!
Nhàn chỉ cười vâng lệnh. Anh quá biết tính khí ông Tốn. Điều anh ngạc nhiên là quy trình ấm trà chẳng thay đổi tí nào giữa bao điều thay đổi chung quanh. Bà Tốn vẫn thận trọng mở túi ny-lông, vốc một nắm búp chè ưởi bỏ vào chảo đất nung, đặt lên lò than luôn đỏ sẵn, vẫn dùng chính năm đầu ngón tay đã cong queo chai cứng của bà để xáo chè, cảm nhận chính xác nhiệt độ cần thiết và phán đoán thời điểm nhấc chảo ra khỏi lò than để chè có hương vị tuyệt hảo, nghĩa là “đúng ý” của chồng, vẫn chiếc ấm men gan gà rạn chân chim có niên đại chế tác còn cao hơn tuổi đời chủ nhân và không bao giờ tiếp xúc với nước lạnh...
Thật kỳ diệu, chén trà cỏn con đã đánh bạt mùi chua của bia còn vướng trong cổ họng Nhàn. Nhân khi ông Tốn chống gậy đi sang phòng bên nghe điện thoại (lại là cái mới mẻ ở đây), Nhàn ân cần bảo bà Tốn:
- Bây giờ bác cũng cao tuổi rồi, giảm được việc nào hay việc nấy, mỗi lần sao vài cân chè để sẵn, thế có phải hơn không?
Bà hất chiếc cằm nay đã nhô cao bởi hai má hõm sâu về phía phòng bên, thì thào:
- Sao chè thế cho “lão quỷ sứ” quẳng ra đường hả thầy?
Nhàn bật cười. Ánh mắt và giọng nói người đàn bà thật âu yếm khi thốt lên ba tiếng “lão quỷ sứ”. Hai năm ở trong ngôi nhà này anh không lạ gì đức tính chịu đựng, chiều chồng của bà Tốn. Và Duyên, cô con gái của bà, học trò của anh, dường như cũng thừa hưởng tính nết dịu dàng, đảm đang của bà. Thời ấy vùng bán sơn địa này còn nghèo lắm, thịt cá là thứ xa xỉ, lâu lâu mới trông thấy trong bữa ăn. Vì vậy, Nhàn không thể nào quên những món đầy sáng tạo mà Duyên chế biến từ những vật phẩm hết sức dân dã, thu hoạch ngay trong vườn, ngoài suối. Hơn thế, anh biết vì cái gì mà Duyên chăm sóc cẩn thận bữa ăn cho anh đến thế. Mối quan hệ thầy trò đã là bức tường đạo đức không cho phép hai người thổ lộ tình yêu của họ. Cũng như nhiều học trò ở quê, Duyên chỉ kém Nhàn có 2 tuổi. Tình yêu càng sâu kín càng nồng nàn, bay bổng với trí tưởng thăng hoa không bờ bến của tuổi trẻ. Có những đêm khuya mưa rả rích, Duyên và Nhàn nằm thao thức lắng nghe âm thanh trở mình của nhau trên giường tre, tiếng thở dài khe khẽ của nhau qua bức phên nứa trát đất sét sưa sót, rồi lịm vào hảo mộng...Nhàn có ý định chờ cho Duyên tốt nghiệp cấp 3 mới “đặt vấn đề”. Nhưng rồi anh có lệnh thuyên chuyển về thành phố. Rồi anh gặp Nhung và yêu ngay. Bây giờ thì anh hiểu chính xác là mình mê đắm Nhung hơn là yêu. Thứ nhan sắc cháy bỏng, chủ động, thậm chí táo bạo của Nhung đã đốt cháy ngay anh giáo nhút nhát, hai năm kề cận bên Duyên mà chưa một lần dám chạm vào tay Duyên...Nhung thành thật khai báo rằng không biết nấu ăn, không biết giặt giũ, làm vợ rất kém. Nhàn bảo ngay là anh không cần các thứ ấy! Anh thầm nghĩ: càng nhiều thời gian để yêu nhau càng tốt! Nhưng ngọn lửa trong anh lụi tắt dần sau một năm sống chung với Nhung. Và cũng như khi gặp nhau, chính Nhung là người chủ động đặt vấn đề “đường ai nấy đi”. Hôm rồi, trong một đám cưới, qua một học trò cũ, Nhàn tình cờ nghe tin Duyên từ Sài Gòn về thăm cha mẹ và có ý định ở lại quê. Quan trọng hơn, vẫn nguồn tin trên, Duyên chưa lập gia đình. Thế là anh nôn nao chờ qua đêm để ngược lên chân núi Diều. Anh thèm một bữa ăn có bàn tay người phụ nữ đảm đang, vì yêu thương mình mà chế biến, mà bày biện...
Ông Tốn từ phòng bên quay lại, vui vẻ:
- Con Duyên nghe thằng Hải báo tin có thầy lên chơi, nó đóng cửa hàng chạy về ngay đó!
Nhàn cố giấu cái cảm giác xao xuyến biểu hiện quá rõ trên mặt bằng cách nhấp một ngụm chè. Bà Tốn:
- Ông tiếp thầy nhé, để tôi đi bắt con gà làm cơm...
Ông Tốn cắt ngang:
- Khỏi. Khỏi nấu nướng gì cả. Con Duyên bảo nó mua hết dưới nhà hàng Sơn Phòng rồi!
Nhàn nuốt ực ngụm chè. Vị chát của chè hãm quá lâu làm tê tê đầu lưỡi anh.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền

Vẫn chảy cùng Sêrêpôk

Trò chơi tháng giêng

Trầu cau

Lũ sớm

Lá chanh

Chương bốn ở Tokyo

Chiếc lá Cruyang

Bữa tiệc màu huyết dụ