watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tứ - tác giả Nguyễn Phước Huy Nguyễn Phước Huy

Tứ

Tác giả: Nguyễn Phước Huy

Nếu nói văn tôi viết là một sự thật của cuộc sống thì cũng chưa đúng, nếu nói tôi viết không chân thật thì cũng thật là sai. Bởi cuộc sống là những mảnh ghép, tôi sẽ ghép nó lại để trở thành một tác phẩm, dù không xuất sắc, nhưng phản ánh được phần nào suy nghĩ của tôi...và đánh dấu từng bước lớn lên trong tâm hồn tôi!


TỨ…


Nguyễn Phước Huy



Chiều rắc dài những mảng nắng rục rữa qua cái cây khô héo queo nằm lất phất bên đường. Người ta treo trên đó một mảnh vải màu trắng, bay lơ phơ giữa trời, nhìn ghê sợ, cũng chẳng ai biết cái sợi dây đó treo từ khi nào, nhằm mục đích gì, chỉ biết, họ đã thấy nó từ lâu lắm rồi, từ cái ngày mà quán nhậu Sáu Tiêu mới bắt đầu mở cửa. Nắng trải dài, rộng và lờ mờ chờ bóng tối. Xa xa, cái quán Sáu Tiêu đã nổi lửa lên đợi chờ những đợt khách đầu tiên cho một đêm bán buôn căng thẳng.

Thằng nhóc Tứ với bộ đồ võ, xách thanh gươm trắng toát màu sát khí hườm hườm đến quán, cái “lạnh” từ nó như xóa đi cái hơi lửa đang rừng rực cháy trong bếp. Nó ngồi phệt xuống đất, buộc chặt cái sợi dây giày, súc miệng bằng một thứ nước màu trắng rồi phun phèo ra bên cạnh, buộc cái đai võ ngang hông rồi đứng lên đi thẳng vào trong quán.

Đêm rộng Sài Gòn nườm nượp trong khói xe tàu lượn, người người tránh ra đường hoặc trốn ở một nơi nào đó sau một chuỗi giờ căng thẳng với công việc. Quán Sáu Tiêu nóng là thế, chật là thế nhưng người ta vẫn lần lượt kéo vào như xem một điều gì lạ lắm vậy. Đêm thấm đượm buồn trong cái khăn vải trắng vẫn lất phất bay trong một trời đen kịt, quán Sáu Tiêu nằm gọn góc ở cuối con đường xa xăm có những bóng xe qua lại. Cậu bé chừng 14 tuổi đang múa máy thanh kiếm, lâu lâu lại dừng uống một cái thứ gì đó màu trắng đục rồi tiếp tục múa kiếm. Người thì vô tình xem nhưng chuyện bình thường, người thì lâu lâu đi ngang lại vô tình nhìn thấy thương có – xót có, người thì ngồi trong quán vỗ tay vô hồn sau cái “cốc” của ly rượu khi màn biểu diễn kết thúc.

Trời khuya đen ngịt thêm nữa những chớm ánh sao rõ hơn trên bầu trời Thành Phố, cậu nhóc lại biểu diễn tiết mục của mình trong khuôn mặt thật khó kiếm những nụ cười ngơ ngác. Rồi Tứ uống no vào họng một ly rượu nặng, đặt một thanh gỗ có lốm đốm lửa ở đầu rồi phun ra như một con rồng nhỏ, lửa tóe sáng một góc của con đường, người ta vỗ tay, rồi tắt ngấm khi màn biểu diễn kết thúc. Quán đóng cửa lúc chừng 2 giờ sáng.

Đường Sài Gòn 2h sáng ngập trong cái lặng, hẵng lâu lâu thì bỗng có một vài tiếng rú xe của tụi thanh niên quậy quạng đường phố, hay tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe tải lao mình như điên như dại. Cậu bé lơ mình đi về, miệng còn ngậm lát chanh để nhòa đi cái mùi rượu còn nặc hắc lên mũi. Đường dài, nhạt nhòa trong bóng đêm lạnh buốt, lạnh như khuôn mặt của cậu và chắc cũng như trái tim của cậu.

Gian nhà tranh khắc đậm những tiếng cọt kẹt ban đêm nghe buồn da diết, người đàn ông tóc lấm tấm màu bạc ngủ co ro trong cái mùng vá đủ chỗ đủ bề. Nó quăng thanh gươm xuống cái bàn, phun lát chanh ra miệng qua cái cửa sổ bằng cây chống ngược lên trong cái góc bếp. Đồ đạc chuệnh choạng, bát đĩa còn ngâm trong cái thau nhôm. Tứ dọn dẹp trong cái mệt nhoài của nó rồi nằm phệt ra trên cái tấm ván được kê bằng những viên gạch đặt giữa gian nhà.

Sáng sớm, người đàn ông tóc lấm tấm màu bạc lò mò kiếm cây gậy đặt gần cạnh cái giường bé xíu, ông lơ quơ đến cái bếp rồi sau đó lặng lẽ bước ra khỏi nhà khi mặt trời vừa he hé mở ánh nắng đầu tiên. Ông bị mù. Ông thường thức thật sớm để đi bán vé số, ừ đời khổ gì mà khổ đến thế!

Tứ thức giấc khi mặt trời điểm rõ giữa trưa, ánh nắng lóe qua cái lỗ của mái nhà tranh rồi soi xuống ánh mắt nó làm nó chợt giật mình sợ hãi. Ừ thì cũng sợ, sợ cái đời dài quá những chặn đường còn chưa biết lối đi, sợ lắm những cái qua khứ đau buồn mà kết quả của nó là hiện tại…Ừ, bốn năm rồi còn gì nữa. Nó chợt nhớ!...

….

Mẹ nó đang ngồi thổi cái bếp lửa nấu nồi nếp để làm đám dỗ nội, Tứ đi học về trong cái cảnh quần áo xộc xệch lấp láp bùn, nó bốc tay vào cái rổ chả giò đang hừng hực âm ấm thì bị cha nó quát cho một cái, bảo nó đi tắm rửa sạch sẽ. Nó giận mình quăng cặp rồi chạy ra cái cánh đồng nhà nó, tụi nhỏ đang thả diều, bay lất phất như những ước mơ của tụi nhỏ. Cánh diều của Tứ bay cao xa rồi bỗng như xà xuống, cơn gió lặng lẽ lướt qua rồi im lặng làm cánh diều không thể nào cất lên được nữa.

Tứ ngồi phệt xuống đất, lấy cây sáo ra thổi da diết một bài buồn thui thủi, ông nội nó trước khi đi đã dạy nó thổi thật nhiều bài hay, thật nhiều những bài có cảm xúc lắng đọng, nhưng sao chỉ là những bài ca thật buồn khiến lòng người ta sầu não. Tiếng sáo cắt lòng ánh nắng ban trưa, soi xuống mặt ao lấm tấm những gợn sóng không vô hồn như người ta thường nghĩ, nhưng đối với một tâm hồn vừa tròn mười tuổi thì có lẽ là hơi hà khắc khi gieo vào đó những nốt nhạc bi thương. Ngày còn sống, ông nội nó còn dạy nó tập võ, múa kiếm, khi ông mất, nó cứ lầm lầm lì lì như tâm hồn đã lặng cùng những nốt nhạc.

Chiều đó bỗng trở mưa lất phất nhưng không to. Bà con dòng họ ngồi lại trong ngôi nhà rộng rãi nói chuyện với nhau. Rồi họ bàn nhau về gia sản, đâu đó trong cuộc nói chuyện đã lớn tiếng với nhau. Sau đó là cãi vã, chú Ba đứng dậy ném cái ly rượu xuống đất vỡ toan, mẹ nó khóc thút thít nói không thành lời, ba nó chỉ ngồi, im lặng như tờ trong cái không gian hỗn loạn. Tụi nhỏ nhìn nhau, thằng Tí con cô Năm nói “ba má mày định lấy hết đất hả, tía tao nói nếu mà vậy là ổng chém cả nhà mày đó”. Nó lặng im, có lẽ với một tâm hồn còn quá non nớt như nó, những chuyện xảy ra như một cơn mưa vội vã dội xuống những mầm xanh còn yếu ớt, nó đi ra hiên, trời vẫn mưa lất phất một màu buồn, nó thổi sáo. Tiếng sáo cắt ngang xương thịt của những con người có cùng ruột thịt, cắt ngang những tâm hồn anh em đã cùng gắn bó với nhau và cắt ngang những tiếng nói vô tình của những con người bị chai sạn dần tình thân….tiếng sáo réo rắt…

…..

Mọi chuyện trôi qua với nó như những đám mây vụt qua cánh chim đang sải cánh rộng trên bầu trời to lớn, điều gì đó nó chỉ biết là khi đó nó dọn đến ở trong một gian nhà tranh chỉ bằng căn bếp nhà cũ. Cùng ba và mẹ. Từ đó, nhà nó bỗng ít tiếng nói hơn, ba nó thì ngày ngày rượu đến như chôn mình trong những ký ức nhảm tạp trên vùng đất phù sa bát ngát. Mẹ nó im lặng, cãi vã nhau rợn người với ba nó như những tiếng thét cắt ngang tai. Sau đó, mẹ nó trở bệnh, rồi èo uột trên cái giường mái nhà tranh xiêu viêu và bỏ nó ra đi từ khi ấy. Nó nghỉ học.

Ba nó và nó dọn lên ở Sài Gòn một năm sau đó, ba nó đi bán vé số, một hôm bị đụng xe, không có tiền và mất đi đôi mắt. Sao mà như một cơn ác mộng, nó chẳng hiểu gì cả, lọc lại trong đầu nó, nó cố gắng nghĩ đến từng chi tiết đã xảy ra với nó, những điều mà nó nhớ đến và hiểu được làm nó nhận ra “thật nó đã mất mẹ rồi sao?” ừ thì sự thật dẫu có đôi lúc như một lưỡi dao kề cổ những ước mơ đang chờ ngày chắp cánh, nhưng sự thật dẫu có né tránh thì vẫn là sự thật, có tránh được gì đâu, thôi chấp nhận vậy. Nó ngồi dậy, lấy cây sáo ra thổi da diết một bài, để nó biết rằng nó còn có cái để mà sống. Nó thật sự vẫn chưa hiểu lắm nhiều cái còn quá phức tạp.
Chiều lại rắc dài những mảng nắng rục rữa qua cái cây khô héo queo nằm lặng lẽ bên đường. Nó lênh đênh trong tâm trạng lơ ngơ của tâm hồn. Đến quán Sáu Tiêu. Nó chợt nhìn cái khăn trắng. Hình như cái khăn trắng treo lất phất trên cành cây đơn thuần chỉ có ý nghĩa là để cuộc sống biết sự tồn tại của nó…


MrRua - Nguyễn Phước Huy

Các tác phẩm khác của Nguyễn Phước Huy

Trái tim bồn bồn*

Nước Mắt Một Dòng Sông

NHỮNG LINH HỒN KHÁT SỐNG

Hoa Khói

ĐỨA CON GÁI CỦA GIÓ

Cho Tôi Xin Một Nửa Cuộc Đời