Thế giới trong chiếc hộp
Tác giả: Nguyễn Quốc Việt
Trong căn phòng nhỏ bé, kín đáo với những bức tranh chen chúc trên tường, thời gian trôi qua thật chậm, như thể khi lạc vào đây nó bỗng trở nên hiền từ, đằm thắm, không một chút vội vàng, trốn chạy. Tôi thường đến chiếc hộp ấy vào các buổi chiều để học vẽ mà không hề biết rằng sẽ có ngày mình gặp phải một chuyện rất kỳ lạ ở chính nơi này.
Giữa bốn bức tường chật hẹp của lớp học có ít nhất hai thế giới đang tồn tại, một của đám người đang diễn kịch câm, một của chúng tôi.
Nữ họa sĩ đứng tuổi, tác giả các bức tranh trong phòng, đang say sưa với màu sắc, ý tưởng chưa thể hiện hoàn toàn. Thế giới riêng ấy chẳng ai ngoài chính chủ nhân của nó có thể cảm nhận được. Còn thế giới của tôi cùng vài người bạn khác thì đơn giản hơn với công việc đo tỉ lệ và vẽ một ông già hốc hác, trắng bệch bằng thạch cao. Nhưng thỉnh thoảng tôi không thật sự tập trung với công việc của mình. Tôi bị cuốn hút bởi những hành động lạ thường, khó hiểu từ nhóm nghệ sĩ kịch câm ngồi cạnh. Họ vẫn say sưa thể hiện thứ ngôn ngữ không thanh âm mà chẳng thèm quan tâm đến bài vẽ còn dang dở của mình.
Có cả thế giới khác nữa trong căn phòng này, đó là giọng ca trù huyền bí từ đĩa nhạc đang mở. Nhiều thế giới khác nhau đang tồn tại lộn xộn trong một chiếc hộp. Và mỗi thế giới đều khó hiểu như nhau.
Những con người không thích nói cũng chẳng thèm nghe đang sôi nổi, hào hứng. Họ tới đây để vẽ nhưng dường như họ đã quên đi công việc của mình. Những ngón tay chuyển động như thôi miên người đối diện, những gương mặt thay đổi cảm xúc đến bất ngờ, xem ra câu chuyện của họ khá thú vị dù tôi chẳng hiểu được gì, đơn giản vì tôi ngồi ngoài thế giới của họ.
Vậy mà đấy lại là những con người đứng cách xa không gian chứa đựng sự dao động và tần số âm thanh. Họ không thể nói, không thể nghe. Họ chẳng biết thế nào là gào thét, là nhạc pop, là tiếng chuông điện thoại hay tiếng rơi vỡ của chiếc bình thủy tinh. Họ bất hạnh nhưng dường như họ không cảm thấy thế. Cùng hiện diện trong căn phòng này có những bức tượng thạch cao dùng làm mẫu vẽ. Chúng trật tự hơn hẳn nhóm người trẻ tuổi ngồi cạnh tôi, dù cả hai đều chẳng phát ra thứ âm thanh nào. Một bên thì đứng yên, bất động hết ngày này sang ngày khác. Còn một bên lại sôi nổi và quá ồn ào, dù là ồn ào trong câm lặng.
Rồi tôi nhận ra thế giới riêng cũng khá thú vị của những bức tượng thạch cao. Mà xem ra câu chuyện giữa họ cũng chẳng kém phần kịch tính như cách nhìn sự vật vô tri vô giác của Andersen (*) về thế giới của những chú lính chì.
Ông già xấu xí cau có nhìn chàng trai vuông vức đang giương đôi mắt không tròng hướng về phía cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh. Một thanh niên cường tráng đứng góc tường đối diện như định ném thẳng cái đĩa vào mặt ông già đáng ghét. Đứng đằng sau là thần Vệ nữ thanh thoát, uyển chuyển đang từ tốn khuyên giải hành động bất kính và tội đồ kia. Còn đám tượng bán thân nhốn nháo, chen chúc dưới đất lại xì xào bàn tán câu chuyện khôi hài đang diễn ra trước mắt…
Bên cạnh thế giới trắng bệch, lộn xộn ấy là thế giới của những bức tranh sơn mài đầy màu sắc, quyến rũ nhưng hơi khó hiểu. Có thể nhiều người, trong đó có tôi, chẳng biết rõ các bức tranh ấy nói gì, nhưng cũng không quan trọng, chúng đều có ma lực riêng để hấp dẫn người xem. Không gian hình họa nổi bật trên nền tường nâu trầm là thế giới của sự cảm nhận. Tất cả đều thu hút dù khá trừu tượng. Điều ấy giống như các tác phẩm văn học khác thường, chẳng có cốt truyện gì hoặc nếu có lại rắc rối, dài dòng, nhưng hấp dẫn ở những bất ngờ thú vị, kín đáo. Sự lôi cuốn đôi khi khó hiểu và khó giải thích. Vì thế đứng trước một bức tranh, cảm xúc mới thật sự quan trọng.
Người nữ họa sĩ đồng thời là thầy dạy vẽ của chúng tôi, và cũng là chủ nhân của căn phòng này, say mê thể loại sơn mài với cách biểu đạt vừa hiện đại vừa mang hơi thở truyền thống. Tính Phật giáo, tâm linh xuất hiện hầu hết trong các tác phẩm của bà. Bên cạnh những bức tranh khó hiểu theo cảm nhận của tôi, bà còn vẽ nhiều về hoa sen nhưng hoàn toàn khác với lối vẽ mềm mại quen thuộc. Hoa sen trong tranh bà không xanh ngát, thanh tao. Nó cứng cáp, rực rỡ với ánh vàng ánh bạc. Chúng đan xen ngang dọc, khỏe khoắn trong những gam màu tối đậm với sắc xanh, sắc đỏ mạnh mẽ. Cánh hoa góc cạnh, nhập nhằng và không thành búp, ấn tượng nhưng đúng là sen.
Tồn tại chung với thế giới thạch cao trắng bệch, cùng các tác phẩm hội họa đầy màu sắc là những đốm đen, trắng bí ẩn. Chúng rình rập trong đám người bán thân ngổn ngang dưới đất. Chúng không hề được chào đón. Chúng vô gia cư và xâm nhập bất hợp pháp. Cứ tống cổ cả bọn ra khỏi cửa ban ngày thì ban đêm, khi mọi người về hết, chúng lại đột nhập vào trong. Mà cũng thật tài tình - căn phòng kín như chiếc hộp, chẳng biết lũ lì lợm ấy đào tường hay độn thổ để vào.
Chúng bị đuổi đi rồi lại xuất hiện. Đuổi chán rồi chẳng ai thèm quan tâm đến chúng. Chúng ngang nhiên định cư, vật vờ ẩn hiện trong những khe hở hay dưới gầm bục gỗ. Chỉ có đám người trắng toát đứng trên bục mới khó chịu vì sự quấy rầy này.
Nhập gia tùy tục, bọn sinh vật lạ cũng biết im lặng và sở hữu hẳn một thế giới riêng, giống như mọi sự hiện diện trong phòng. Chẳng ai ngó ngàng tới chúng, trừ tôi ra. Mọi người đều có việc để làm, không vẽ thì lại say sưa nói chuyện bằng tay. Có đốm đen lớn nhất với đôi mắt xanh lè, sắc sảo thích nằm lì bên tượng ông già khó tính mà tôi dựng hình. Nó luôn nhìn xoáy sâu một hướng, thường là nhìn tôi, với vẻ kiêu kỳ, mềm mại và không hề chớp mắt như thể muốn làm mẫu cho tôi vẽ lắm vậy.
Chẳng ai biết có tất cả bao nhiêu đốm trắng, đốm đen trong căn phòng này. Và vì sao chúng - mèo mẹ và lũ mèo con - từ đâu ra và tại sao thích sống ở đây. Chẳng hiểu chúng yêu nghệ thuật hay thích nghe ca trù. Mà cũng thật lạ, ngày xuất hiện của đàn tiểu hổ ấy cũng là ngày biến mất của con chó vàng lực lưỡng hay ngủ mê trên bậc thang đầy nắng. Nó vẫn thường rên ư ử với cơn ác mộng mà tôi đoán là về con dao và cái thớt, về củ giềng và chiếc lá mơ lông. Rồi ngày kia con chó biến mất hẳn dù người họa sĩ đã tìm khắp nơi. Và cũng kể từ ấy, xuất hiện các bức tranh khác thường, ẩn hiện sau những hoa sen rực sáng là những hoa sen mang hình gương - mặt - mèo.
Lũ lông lá bốn chân dù tự do ẩn hiện đến đâu vẫn không hề dám mon men đến một chiếc tủ gỗ cũ rích, vì nếu vi phạm chúng sẽ bị trừng trị thích đáng. Trong đấy là thế giới của quá khứ, bí ẩn, linh thiêng. Những chiếc đĩa men xanh ngọc, những chiếc bình gốm với hoa văn thật lạ, cả những tượng đồng Chămpa uốn éo trong một vũ điệu bất diệt. Mọi thứ đều rất cổ xưa và đắt giá nằm bất động trong chiếc tủ già cỗi...
* * *
Ngày nào cũng thế, những con người kỳ lạ với đôi tay biết nói, những bức tượng thạch cao mãi đứng yên mà không thấy mỏi, những bức tranh chờ đợi, những con mèo lười biếng, tất cả chỉ im lặng và bằng lòng với nhịp phách lóc cóc, tiếng đàn đáy và giọng hát ậm ừ từ đĩa nhạc đang mở. Nhưng chắc chắn có điều gì đó không bình thường trong căn phòng. Dù cảm nhận thế, tôi vẫn chẳng thể nào hình dung nổi câu chuyện sẽ xảy ra ở đây, dường như quá viễn tưởng và hoang đường.
Đấy là ngày căn phòng xuất hiện vị khách lạ. Cô gái từ tốn bước vào với chiếc áo dài màu nâu xám có cánh hoa sen mềm mại, thanh thoát. Cô không hoàn toàn giống như những khách xem tranh khác, thường chỉ ghé mắt qua các tác phẩm ội họa. Cô lặng lẽ quan sát mọi thứ. Tôi không biết vì sao cô mỉm cười.
Người họa sĩ tạm ngưng ý tưởng sáng tạo, vặn nhỏ lại nhạc rồi đến sửa bài cho học trò của mình. Còn cô gái quẩn quanh bên những hoa sen trên tường và ngắm nhìn chúng tôi vẽ. Những bạn trẻ khiếm thính lại có chuyện mới để tranh luận, về chiếc áo dài xưa cũ hay cách cô trầm ngâm trước mỗi sự vật trước mắt. Người họa sĩ luôn phải nhắc nhở họ tập trung hơn. Bà hướng dẫn cho chúng tôi cách dựng hình, cách nhìn nhận sáng tối trên gương mặt của các bức tượng rồi phải dùng thứ ngôn ngữ không lời để sửa bài cho nhóm học sinh đặc biệt được bà rất yêu thương.
Cô gái bước tới gần giá vẽ, hình như muốn nói điều gì. Và thật ngạc nhiên, cô biết dùng đôi bàn tay để thể hiện ý nghĩ của cô đến những họa sĩ tương lai không hề biết đến âm thanh. Họ thích thú và đón chào vị khách mới, tất nhiên là bằng những ngón tay biết nói. Mà hình như không chỉ riêng nhóm bạn trẻ khiếm thính, mỗi thế giới khác nhau trong căn phòng cũng đang dần bừng tỉnh trước sự xuất hiện lạ kỳ ấy. Những hoa sen trên tường như nổi bật, rực sáng thêm. Những bức tượng thạch cao trông mềm mại đến khác thường. Cả tiết tấu từ đĩa nhạc đang mở cũng nhanh hơn, dồn dập hơn. Tôi không biết tại sao mọi thứ lại thay đổi khó hiểu đến thế. Nhưng tôi cảm nhận thấy trên đôi môi cô gái có âm điệu ca trù.
Những đốm đen trắng ở đâu ra nhiều hơn. Những viên bi ve màu xanh ngọc lấp lánh hướng về cánh hoa sen trên chiếc áo dài kiểu cũ. Cô gái như bị thôi miên bởi ánh mắt phẳng lì, trắng tinh của ông già khó tính. Cô đứng lặng im, không nói và khẽ mỉm cười. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ.
Rồi các vết nứt nẻ dần xuất hiện trên những đôi môi thạch cao lạnh ngắt, cả mắt, cả trán, cả trên đôi tay thần Vệ nữ, mỗi lúc một nhiều. Giọng hát từ đĩa nhạc nhỏ dần, nhưng vẫn đến đoạn nẩy hạt, dồn nén, rồi lối thét nhạc trong ca trù cùng tiếng trống cao trào, mạnh mẽ. Và điều kỳ lạ, đáng sợ nhất cứ từ từ hiển hiện. Ông già thạch cao tưởng chừng chỉ là khối vô giác không hồn, đang chuyển động một cách khó khăn, chậm chạp. Tôi chẳng thể nào tin vào mắt mình được nữa khi đôi tay thần Vệ nữ cũng bắt đầu rạn nứt. Lại thêm một đôi tay biết nói, mà lúc này thế giới âm thanh như dần nhường chỗ cho thế giới của sự cảm nhận, bằng chuyển động tượng hình trong nội lực mãnh liệt nhất, riêng biệt nhất, tinh tế nhất của những bạn trẻ khiếm thính. Thế rồi tôi chợt nhận ra thế giới không có tiếng động phải là một thế giới ngang bằng, tồn tại song song với cái thế giới đang tràn ngập thanh âm và có nhiều cảm xúc chẳng thể nào tôi khám phá được.
Dường như thần Vệ nữ muốn nói điều gì bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn với cô gái như đến từ đầu thế kỷ trước. Chỉ những người bạn nhỏ đang ngồi cạnh tôi, sử dụng cùng thứ ngôn ngữ ấy mới có thể hiểu được, và tất nhiên là cả cô gái cũng hiểu. Nhưng dường như vẫn chưa đủ kinh ngạc, ngay sau khi đôi tay Thần vệ nữ ngừng chuyển động theo cách giao tiếp của những người khiếm thính, ông già thạch cao bắt đầu cất tiếng bằng giọng nam trầm trong các vở opera:
“Cô – muốn – ghé – thăm – thế – giới – nào …”
Cô gái chưa trả lời. Nhưng bất chợt, trong nỗi sợ hãi, tôi nhận ra mình đang ở trong một chiếc hộp nhỏ bé nhưng cũng đủ lý thú để khám phá. Và chiếc hộp ấy lại đặt trên mặt đất mênh mông, rộng lớn, chứa đựng được biết bao chiếc hộp như thế. Thế mà mặt đất dù có mênh mông, rộng lớn cũng chỉ là dấu chấm vô định giữa vũ trụ vô hình…
Thôi nghĩ lung tung, viển vông, tôi quay sang nhìn những nghệ sĩ khiếm thính. Họ cũng quay lại nhìn tôi. Hình như họ thương hại tôi. Vì tôi chẳng hiểu được gì. Vì tôi là người ngoài cuộc.
NGUYỄN QUỐC VIỆT