Bông Hồng Không Cánh
Tác giả: Nguyễn Tấn Phong
Nắng. Nắng gay gắt. Ký túc xa buổi trưa rộn lên tiếng cười nói, tiếng soong, nồi va chạm. Người hâm hấp mồ hôi. Mặc kệ! Tôi vẫn nằm yên trên giường sắt và trùm chăn kín mít. Đầu óc quay cuồng. Bao hình ảnh chập chờn hiện lên, tôi nhớ... nhớ...
Đêm mênh mông. Chúng tôi ngồi bên nhau trên thành hồ trước Hội trường Rùa. Ngọn gió từ xa đến se se lạnh, dường như Thủy nép sát vào tôi hơn. Tôi ngoái đầu nhìn về phía sau. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Những đám rêu xanh lơ lửng trong nước. Thỉnh thoảng một vài chú cua con lại nổi lên chuyền từ lá súng này sang lá súng khác. Chúng quơ quơ đôi càng bé xíu và thở ra những bong bóng li ti. Tôi quay lại nói với Thủy trong tiếc nuối:
- Anh định tối nay sẽ hái tặng em một bông súng thật đẹp, không ngờ trong hồ chẳng có bông nào.
Thủy bật cười khúch khích:
- Anh còn nhớ hồi trong tết không? Lúc tụi mình học bài thi đó. Anh đã hái cho em tất cả những bông súng trong hồ để rồi...
Thủy ngập ngừng rồi cười. Tôi tiếp lời em:
- Để rồi bị bà Tư bảo vệ bắt gặp chứ gì?
- Ờ, bữa đó em run hết biết. Nhìn thấy anh năn nỉ bác Tư mà tội nghiệp ghê!
- Công nhận bác Tư già rồi tâm lý dễ sợ. Em biết bữa đó bác Tư nói với anh sao không?
- Hổng biết!
- Bác Tư nói: “Tôi thông cảm cho cậu vì nghĩ rằng cậu không có tiền mua bông hồng nên mới hái bông súng tặng bạn gái...”
Thủy lắc đầu quầy quậy:
- Em không tin, em không tin!
- Thiệt đó.
Thủy không thèm tranh cãi với tôi nữa. Em cúi người di di ngón tay trỏ trên nền gạch rồi đột ngột hỏi tôi:
- Anh biết ăn cọng súng không?
- Biết chứ. Hồi nhỏ chính vì mê ăn bông súng mà trong một lần đi bứt anh đã hụt chân uống nước muốn chết. May ba ra kịp, chứ không thì hết gặp em rồi.
Thủy đấm lưng tôi thùm thụp:
- Anh xạo. Ghét anh ghê!
Em im lặng nhìn vào khoảng không rồi chớp đôi mắt buồn buồn:
- Hồi em chưa lên đây học, ngoại thường bứt cọng súng làm gỏi cho em ăn. Gỏi súng ăn với mắm kho ngon dễ sợ. Em đi rồi chỉ còn một mình ngoại đơn độc ở nhà. Ngoại buồn bã và nhớ em lắm. Kỳ rồi em về ngoại không nói được lời nào, chỉ ôm chầm lấy em nước mắt giàn giụa, rồi ngoại mếu máo: “Mày đi rồi ngoại nhớ mày quá ‘chời’, nhưng ngoại không biết chữ làm sao biên thơ cho mày được...” Mấy ngày ở quê, ngoại làm đủ thứ bánh cho em ăn. Ngày em đi ngoại run run nắm lấy tay em: “Đi ‘gáng’ học cho hay nghe con”. Nhiều lúc em muốn nghỉ học về với ngoại luôn.
- Bộ tính nghỉ làm cô giáo hả?
- Hổng thèm làm luôn.
Tôi không nhìn Thủy, giả vờ nhăn mặt suy nghĩ như cố nhớ lại một chuyện gì đó rồi nói:
- Vậy mà trước kia đã có một cô nhóc đã nói với anh: “Em thích làm cô giáo lắm. Em sẽ lên bục giảng và giảng thật hay cho những đứa học trò của em mở tròn mắt ra mà nghe”.
- Anh chọc quê em đó hả? Người ta buồn người ta nói vậy chớ bộ. Nghỉ chơi với anh luôn.
Thủy phụng phịu quay mặt đi nơi khác.
Tôi mỉm cười vu vơ rồi ngước mắt... đếm sao đêm. Một, hai, ba... Chà, em giận thiệt rồi. Không có gì dai hơn con gái giận. Phải tìm cách thôi. Tôi nhè nhẹ khều em:
- Nè, giận xong chưa?
- Còn! - Thủy đáp gọn lỏn.
Tôi tiếp tục dụ khị:
- Bây giờ anh đố em cái này nhé. Nếu em trả lời không được thì tụi mình... huề?
Tôi nín thở chờ đợi sự đồng tình của em. Đợi gần hết hơi em mới đủng đỉnh nói:
- Còn nếu em trả lời được thì sao?
Tôi nhanh nhảu:
- Thì anh sẽ thua em hai hủ da ua ở quán cô Nại. Chung liền, chịu hôn?
- Chịu!
- Vậy đố em tìm được bông không cánh?
Em im lặng một lúc rồi nói:
- Bông gì lại không có cánh lạ quá. Chắc không có. Anh xí gạt em rồi.
Tôi mỉm cười trong chiến thắng:
- Có.
- Ở đâu?
- Nhưng em chịu thua đi?
- Rồi, người ta chịu thua đó!
- Vậy là hết giận?
Thủy gật đầu. Tôi giơ tay chỉ:
- Đó thấy hông?
- Hổng thấy.
- Đó.
- Bông còng mà?
- Ừa, nhưng đó là bông không cánh.
Thủy không tin lời tôi nói. Đêm đó tôi đã dẫn em quanh quẩn với hàng còng để chứng minh cho phát hiện của mình. Những bông còng trong gió nhẹ rơi rơi – loài bông không cánh chỉ có những cọng nhụy mong manh như sợi chỉ, phớt hồng...
... Lớp học buổi sáng!
Đầu giờ chơi, Thuận bước lên trước lớp:
- Tôi xin thông báo với các bạn: Phòng Đào tạo vừa gởi công văn yêu cầu các bạn còn nợ tiền học phí phải thanh toán gấp. Nếu không sẽ bị đình chỉ học tập và không được thi giai đoạn.
Lớp học nhao nhao:
- Tiền đâu đóng?
- Đói thấy mồ!
- Thư thả một thời gian nữa được không lớp trưởng?
Thuận lắc đầu:
- Tôi không rõ! Đây là yêu cầu của Phòng Đào tạo. Trường hợp các bạn gặp khó khăn hãy lên gặp trực tiếp Phòng Đào tạo để giải quyết.
... Buổi chiều em gặp tôi, nét mặt thật buồn:
- Chắc em phải nghỉ học quá!
Tôi sửng sốt:
- Sao vậy?
- Em còn nợ học phí năm thứ nhất nhưng em không biết kiếm đâu ra tiền để đóng.
- Vậy mình lên Phòng Đào tạo xin hoãn một thời gian nữa.
Thủy lắc đầu:
- Không được, em đã lên gặp rồi. Họ không tin em...
- Hay là em gởi thư về xin tiền ngoại?
- Ngoại già rồi lại bệnh hoạn hoài. Thế mà ngày nào cũng gồng gánh, báng bưng dành dụm tiền gởi lên nuôi em học. Ngoại đã cực khổ nhiều, em không muốn ngoại vất vả mãi.
Thủy nói mà mắt rưng rưng. Tôi im lặng thất vọng.
- Chiều mai em về quê. Anh đưa em ra bến xe nhé!
Tiếng Thủy kề bên mà tôi nghĩ dường như xa, xa lắm. Như một cái máy tôi chỉ biết lẳng lặng gật đầu.
Vậy là Thủy sắp xa tôi ư? Sẽ không còn những ngày hai đứa học bài chung trước Hội trường Rùa, cùng nhau trao đổi những mơ ước...
- Bộ em thích làm cô giáo lắm hả?
- Em thích làm cô giáo lắm. Em sẽ lên bục và giảng thật hay cho những đứa học trò của em tròn mắt ra mà nghe.
Bây giờ ước mơ của cô giáo tương lai đó sắp lụi tàn chỉ vì một lẽ đơn giản nhưng khắc nghiệt: không có tiền để đóng học phí. Không! Tôi không muốn Thủy phải về quê, tôi không muốn em phải nghỉ học. Tôi không muốn...
Tôi vùng dậy dắt xe đạp ra khỏi phòng. Thằng Sơn rửa chân ngoài bồn nước vừa tới gặp tôi nó sửng người:
- Trưa không ăn cơm, không ngủ, đi đâu thằng điên?
- Thủy có qua bảo Thủy đợi tao một chút.
Tôi không trả lời câu hỏi của nó mà chỉ ngoái cổ dặn một câu rồi nhảy lên xe đạp. Chiếc xe đạp lướt đi trên con đường ký túc xa buổi trưa đầy nắng.
Bây giờ đã vào đầu hạ. Trời Cần Thơ mưa nắng bất thường. Ve kêu râm ran và phượng đã nở đầy trên những lối đi. Thủy về quê gần một tháng rồi. Buổi chiều hôm đó tôi trở về phòng người mệt nhoài. Thằng Sơn đứng ở cửa lạnh lùng chia cho tôi lá thư em để lại: “Thủy chờ mày không được đã về quê rồi!”. Tôi run run đọc thư em ròi gieo phịch xuống giường, úp mặt vào gối tôi nằm như chết. Cọc tiền trong túi cộm lên. Thủy ơi, tại sao em lại biết hết những điều anh định làm vậy? Nhưng anh đã trễ, trễ rồi phải không Thủy?
Bây giờ đã vào mùa mưa. Những cơn mưa chợt đến chợt đi cũng như em không hẹn ngày trở lại. Mùa thi đã gần kề. Đêm đêm tôi ngồi học bài đơn độc trên thành hồ trước Hội trường Rùa. Từng cơn gió se lạnh. Những bông súng trong hồ vươn mình khỏi mặt nước rung rinh, và xa xa loài bông không cánh lặng lẽ rơi. “... Anh Phong ơi, em biết anh thương và lo cho em nhiều lắm. Em biết chiều nay anh đang làm những gì... nhưng em không thể ở lại. Hãy thông cảm cho em, đừng giận em. Anh hãy lấy tiền chuộc lại chiếc xe đạp và chiếc nhẫn nghe anh! Chiếc nhẫn là vật ký niệm của mẹ anh mà.. Còn em dường như số phận đã sắp đặt như thế rồi. Em cũng giống như bông còng trên đường ta đi học vậy, loài bông mà anh gọi là không cánh chẳng thể nào gượng dậy nổi giữa phong ba...” Biết bao lần tôi ngồi đọc lại lá thư em để nhớ, để thương, để ngậm ngùi nuối tiếc...
Vâng, em là loài bông không cánh; anh là loài bông không cánh, chúng ta là loài bông không cánh – loài bông không cánh lẻ loi, trơ trọi giữa cuộc đời nhưng chúng ta không thể yếu đuối như loài bông còng kia - cứ cam chịu buông trôi mình cho gió mưa vùi dập. Thủy ơi, giữa cuộc sống khắc nghiệt đầy phong ba, bảo tố, hãy chắp thêm cho mình những đôi cánh để vươn lên. Anh tin rằng em cũng như loài bông súng nọ, không để mình chìm sâu dưới nước, phải không Thủy. Hãy trở lại trường đi Thủy, anh đang chờ em!