Kẻ cơ hội
Tác giả: Nguyễn Thế Duyên
--Sao? Dạo này làm ăn thế nào?—Vừa ngồi xuống tôi đã vui vẻ hỏi ngay Hà, cô vợ của ông bạn vàng.Hà cười tươi tỉnh, vừa rót cho tôi chén nước vừa nói.
-Cũng được bác ạ. Gớm lâu lắm rồi mới thấy bác lại chơi.
Tôi nhìn quanh nhà, một bộ sa lông mới, ti vi mới, tủ lạnh mới. ngôi nhà đã bé nay hình như càng có vẻ chật chội hơn vì những đồ mới sắm.Tôi cười bảo
-Mua những đồ này làm gì vội. ?Sao không dồn tiền xây lại cái nhà lên cho rộng rãi. Xây đi! Thiếu tôi cho vay một ít
-Vâng! Chúng em cũng tính thế
-Thế ông bạn vàng của tôi đi đâu?
-Nhà em đi học lớp đối tượng đảng
Tôi giật nảy mình tưởng là mình nghe nhầm vội vàng hỏi lại
-Cô bảo đi đâu?
Không để ý đến thái độ của tôi Hà thản nhiên nhắc lại
-Nhà em đi học lớp đối tượng đảng—Thấy tôi trợn tròn mắt vì ngạc nhiên, Hà hỏi lại tôi—Bác chẳng khuyên chúng em xây lại ngôi nhà là gì?
Tôi càng ngạc nhiên hơn
-Xây nhà thì có liên quan gì đến vào đảng?
-Bác ngốc thật đấy!-- Hà khẽ sì một cái, môi hơi bĩu ra—Thảo nào bác giỏi thế mà suốt đời cũng chỉ đủ ăn.—Đây là khu giải tỏa ai người ta cho xây. Bán cũng chẳng ai mua. Cứ ngồi đây mà chờ chết à? Thế nên nhà em mới lại phải phấn đấu vào đảng chứ.
Tôi bỗng nhiên cảm thấy hứng thú và tò mò. Ừ! Tôi ngốc thật. Nhà anh bạn tôi nằm đúng vào khu giải tỏa để xây dựng một cái gì đấy mà có lẽ chỉ giời mới biết . Mới đến đầu khu vực này ai tinh ý sẽ thấy một cái biển treo tít trên cao mà hàng chữ viết bằng sơn đã bong tróc gần hết theo năm tháng
“Khu vực giải tỏa, cấm xây dựng”
Cái biển ấy có tuổi đời còn cao hơn cả tuổi đời của con trai tôi, còn nó thì đã phong cho tôi lên chức “ Tướng một sao” mà cái biển thì vẫn cứ “ Trơ gan cùng tuế nguyệt”
-Thế vào đảng thì được xây nhà à?
Tôi tò mò hỏi. Hà cười
-Cũng không dễ thế. Vào đảng rồi thì lại phải tìm cách vào làm một chức quan gì đó ở phường thì xây nhà người ta lờ đi coi như không biết.Đấy bác xem cái nhà đằng kia kìa.—Vừa nói Hà vừa chỉ tay vào ngôi nhà ba tầng đang xây ở ngay bên kia đường.—Đấy là nhà của ông phó chủ tịch phường
Ra vậy! Cuộc đời này quả thật là có lắm lối đi. Mới nói chuyện đến đấy thì ông bạn vàng của tôi đi học về. Thấy tôi, anh ta cười rất tươi. Có lẽ anh chàng có điều gì vui lắm. Tôi hỏi ngay.
Sao ?Hôm nay đi học về cái gì đấy? Chống diễn biến hòa bình hay kiên định con đuồng tiến lên chủ nghĩa xã hội ?
Mặt ông bạn tôi nhăn tít lại, anh ta ném cuốn sổ tay vào góc chiếc ghế ngồi rồi lắc đầu ngán ngẩm
-Bố ai mà biết họ nói gì. Ai nghe! Đến điểm danh cho có mặt. Mà ông đã biết rồi đấy à?—Rồi anh ta quay sang vợ mắng—Bà chỉ đuộc cái mỏng môi. –Anh chàng nhìn tôi có vẻ ngượng ngượng thanh minh.—Biết làm sao được
Tôi cười vỗ vai ra điều thông cảm.
-Ừ! Âu cũng là một cách đầu tư. Nhưng ông phải xem thử xem liệu có hiệu quả không? Sợ rằng lâu quá.
Hình như câu của tôi đã đánh trúng vào gan ruột của anh chàng nên anh ta kéo tay tôi ngồi xuống ghế.
-Tôi tính kĩ rồi. Chắc cũng chỉ một năm đổ lại.Ông tính tổ hưu, chi bộ đuồng phố có thằng chó nào nghĩ đến vào đảng. Cả mấy năm rồi chi bộ cụm tôi có kết nạp được ai đâu. Nay có một người hăng hái phấn đấu xin ra nhập quý hơn bắt được vàng ấy chứ. Bây giờ không như thời tôi với ông vào đảng trước đây đâu. Mà tôi cũng ngu thật. Biết thế này ,hồi đi Tiệp về tôi cứ sinh hoạt đảng ở đường phố có khi bây giờ lại hay.
Anh ta nói câu đó với vẻ mặt đầy ân hận.
*
* *
Chúng tôi biết nhau đã gần ba mươi năm. Hồi ấy vào những năm 72 của thế kỉ trước chúng tôi đi lính và ở cùng một đơn vị. Ba tháng huấn luyện trên Bắc giang, đám lính trẻ Hà nội chúng tôi thôi thì làm đủ mọi chuyện. Từ bỏ đơn vị một vài ngày chuồn về nhà, đến lân la tán những cô gái trong khu vực đóng quân. Cả đơn vị ai cũng thế, chỉ trừ mỗi ông bạn của tôi. Hắn chăm chỉ như một con ong. Không bao giờ bỏ đơn vị . Luôn luôn xung phong nhận những công việc khó khăn vất vả nhất mà chẳng một ai muốn làm. Một lần giữa đám đông người, tôi còn nhớ hôm ấy có cả mặt chính trị viên đại đội, tôi mới đùa bảo anh ta
-Không chừng sau đợt huấn luyện này ông được kết nạp đảng cũng nên
Mặt anh ta nghiêm nghị hẳn lại.
-Vào Đảng! đó là mơ uốc của tớ từ lâu rồi.
Tôi thấy chính trị viên nhìn anh ta một cách chăm chú. Và rồi cuối của đợt huấn luyện hắn vào đảng thật. Tối hôm được kết nạp vào đảng hắn ta chui sang chăn của tôi, tôi nắm tay hắn.
-Chúc mừng mày.
Anh ta bảo
-Chúc mừng cái con khỉ! Tao phấn đấu vào đảng là nhằm vào đợt đi học lớp cán bộ khung cuối đợt huấn luyện này.
Tôi đờ người ra. “Thằng cha này ranh thật” tôi thầm nghĩ. Cứ sau mỗi đợt huấn luyện, tiểu đoàn lại chọn ra một vài người cho đi học lớp tiểu đội trưởng và giữ lại làm cán bộ khung để huấn luyện các đợt tân binh tiếp theo . Số còn lại tất cả đều bị đưa vào trong chiến trường đi chiến đấu. Hắn quả thật có tầm nhìn xa hơn tôi nhiều.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Cuối đợt huấn luyện ấy, anh ta không được giữ lại làm cán bộ khung và tất cả chúng tôi đều đuộc bổ xung cho chiến trường Tây Nguyên. Trên đường vào chiến trường, anh ta bị sốt rét nặng phải gửi lại trạm. Khi chia tay với tôi ở trạm, anh ta nói thầm vào tai tôi
-Đừng uống thuốc phòng sốt rét, ngủ nhớ thò tay ra khỏi màn cho muỗi đốt.
Đúng là thằng cha này “Quái” thật. Của đáng tội, tôi cũng đã theo cách của anh ta bày cho mình, tối hôm ấy tôi ngủ thò tay ra ngoài màn nhưng chỉ đến nhát chích thứ ba của bọn muỗi rừng, tay tôi đã thụt lại đút tụt vào trong chăn. Tôi tặc lưỡi
-Thôi kệ! Được đến đâu hay đến đó
Một năm sau, tôi gặp lại anh ta trong chiến trường . Hồi ấy tôi đã là trung đội trưởng, một lần đi nhận quân bổ xung cho trung đoàn, tôi lại gặp anh ta trong đám tân binh bổ xung cho đơn vị. Thấy tôi, anh ta có vẻ vừa mừng vừa lo. Anh ta kéo tôi ra một góc nói thầm.
-Này! Mày đừng nói với ai tao là đảng viên đấy nhé.
-Sao vậy?
Tôi hỏi. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt thương hại cho một thằng ngố.
-Làm đảng viên để gương mẫu lao lên họng súng à
Và thế là suốt ba năm trời ở chiến trường anh ta nổi tiếng là kẻ bầy hầy, tụt tạt trong đơn vị. về đến đơn vị, anh ta bảo tôi.
-Mày cho tao nhận cối 60 nhé.
Tôi ngạc nhiên. Ở đơn vị bộ binh chẳng một ai thích cầm cối 60 cả . Nó vừa nặng, vừa cồng kềnh. Hay nhất là đuộc cầm một khảu AK vừa gọn , nhẹ mà cầm nó đi đâu cũng yên dạ. Còn cối 60 riêng mang từ tám đến mười hai quả đạn cối đã mấy chục cân chưa kể đến khẩu cối. Tôi nghi ngại nhìn anh ta. Chắc phải có điều gì đó ở đây. Kinh nghiệm đã mach bảo tôi như thế
-Cũng được thôi.—Tôi thản nhiên bảo.—Nhưng sao ông không muốn cầm AK. Vác cối nặng bỏ bố . Báu gì!
Anh ta ngần ngừ nhìn tôi. Có lẽ vì là bạn đã lâu nên cuối cùng anh ta cũng nói.
-Nặng nhưng lại đuộc đi đằng sau. Nặng hơn hay vỡ gáo hơn?
Tôi cười.
-Ra vậy! Tôi cứ tưởng ông ….
Tôi bỏ lửng câu nói nhưng anh ta cũng nhận ra.
-Tao ngu gì mà gương mẫu nhận cái chết.
Chúng tôi chỉ ở cùng đơn vị với nhau được hơn một năm rồi sau đó tôi bị thương được chuyển ra Bắc. Sau năm 75 chúng tôi lại gặp nhau ở xí nghiệp. Lúc này tôi là Kĩ sư của phòng kĩ thuật phụ trách khối cơ điện còn anh ta làm công nhân của nhà máy. Phải nói cho công bằng, Anh ta vốn là người chăm chỉ và chí thú. Mẫu người như anh ta, trong xã hội cũng có thể gọi là người tốt của cuộc đời cộng với cái lý lịch cựu chiến binh nên anh ta là đối tượng nhắm tới của chi bộ. Thật là trớ true, tôi lại được chi bộ phân công dìu dắt anh ta vào đảng. Tôi tìm đến gặp anh ta.
-Này! Chi bộ đang nhắm ông để phát triển đảng đấy.
Anh ta cười bảo tôi.
-Vào đảng làm gì? Để đi bê nước à?
-Sao lại đi bê nước?
Tôi không hiểu hỏi lại. Hắn cười có vẻ thương hại cho sự ngốc nghếch của tôi
-Thế ông không thấy bây giờ chỉ những thằng có bằng cấp như ông mới phấn đấu vào đảng à? Có mảnh bằng, có đảng mới leo lên làm ông nọ bà kia để còn xúc được còn những người như tôi người ta muốn kết nạp vào đảng để kiếm một chân sai vặt. Có điên thì mới vào đảng. Chẳng được gì mỗi tháng lại bị mất bát phở.
-Sao lại mất bát phở?
Anh ta cười.
- Nộp đảng phí chẳng mất bát phở là gì
Tôi lắc đầu ngán ngẩm nhưng cũng phải công nhận là anh ta nói đúng. Những người không có bằng cấp, tôi chẳng thấy ai muốn vào đảng cả. Sau lần nói chuyện ấy khoảng nửa năm, một hôm, đột nhiên anh ta lại mò đến nhà tôi
-Này mày! Tao lại muốn vào đảng. Mày giúp tao nhé.
Tôi cười.
-Ông đang chạy mánh gì mà phải cần cái mác đảng viên à?
Anh ta cười, ngồi xuống ghế thẳng thắn thừa nhận.
-Ừ! Mày có biết không, sắp tới bộ mình sẽ xuất khẩu lao động sang Đức và Tiệp. Tao cần phải vào đảng để có thể đi xuất khẩu đợt đầu.
Đấy là vào những năm 85 của thế kỉ trước, các nhà máy hoạt động cầm chừng. Công nhân thay phiên nhau nghỉ đi làm buổi đực buổi cái. Để giải quyết khối lao động thừa, nhà nước có chủ trương xuất khẩu lao động sang các nước Đông âu. Hồi ấy, được ra nước ngoài dù chỉ là xuất khẩu lao động cũng là mơ ước của bao nhiêu người. Sao hắn thính thế không biết?
Và rồi anh ta lại vào đảng và được đi xuất khẩu lao động ở Tiệp đúng như tính toán của anh ta.
Cũng phải công nhận là số anh ta đen đủi thật! Dẫu có tính đúng mà giời không cho ăn cũng chịu. Anh ta xuất khẩu được hơn một năm thì Đông âu sụp đổ, thế là khăn gói quả mướp về nuốc. Anh ta đến nhà tôi chơi và cho tôi một cái đồng hồ đeo tay điện tử loại bán cân. Tôi hỏi
-Sao không ở lại bên ấy?
Anh ta lắc đầu.
-Bên ấy không như bên mình. Bên ấy họ làm thật, ăn thật. Mà để làm mới có ăn thì ở đâu cũng om xương. Tốt nhất là về nhà thế nào chẳng có một cơ hội nào đấy.
-Ông đúng là một kẻ cơ hội điển hình
Hắn gật đầu.
-Ừ đúng vậy. Nhưng tôi chỉ là kẻ cơ hội thời vụ thôi. Tôi cơ hội nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Ối thằng cơ hội cả đời ấy chứ.Những thằng ấy mới đáng nể
-Thế sao ông không cơ hội cả đời?
Anh ta lắc đầu.
-Không đủ điều kiện. Ông tưởng cơ hội cả đời dễ lắm đấy à? Ít nhất ông cần phải có hai tấm bằng. Bằng đểu thôi nhưng phải là thật
-Bằng gì? Mà sao đã “Đểu” mà lại còn “Thật”?
Tôi không hiểu phải hỏi lại anh ta. Anh ta nhìn tôi thương hại
-Đó là bằng đảng viên và bằng Kĩ sư. Tiến sỹ càng tốt. “ Thật” là những bằng này do nhà nuốc cấp, còn “Đểu”là những bằng này không cần nội dung. Ông muốn bằng bất cứ cách nào có nó cũng đuộc.
-Tức là tôi có đủ điều kiện .Đúng không?
Tôi cười, đùa với anh ta. Anh ta nhìn tôi từ đầu xuống đến chân rồi lại nhìn tôi từ chân lên đến đầu rồi chậm rãi lắc đầu.
-Ông không đủ điều kiện
-Còn điều kiện gì nữa?
-Phải “Vô liêm sỉ”—Hắn nói giọng tỉnh không.—Những người như ông, không những xấu hổ với những người xung quanh lại còn xấu hổ với chính mình thì chẳng làm được cái gì cả.—Hắn phán một câu chắc nịch
Một thời gian sau, tôi đến nhà hắn chơi và thấy con anh ta , mới có gần hai tuổi đang chơi với một tấm thẻ đảng. Tôi hỏi
-Sao? Không sinh hoạt đảng nữa à?
Anh ta lắc đầu.
-Hết phi vụ!
Và bây giờ thì anh ta lại đang phấn đấu vào đảng
*
* *
Anh ta rót nước ra chén, ẩn cái chén lại phía tôi. Nhìn mặt anh ta tôi biết là anh ta đang tính lung lắm. Tôi dè dặt
-Ông tính cho kĩ vào. Đời chán vạn đảng viên có phải thằng nào cũng xây được nhà đâu. Ít nhất ông cũng phải làm đuộc một chức quan nào đó mới mong xây nhà được. Mà để có được chức quan nào đó thì có khi xương ông mục mất rồi.
-Chưa chắc!—Anh ta trầm tư—Để có một chức quan có lộc như chủ tịch, phó chủ tịch hay tổ trưởng tổ quy tắc xây dựng phường thì khó chứ còn một chức quan không có lộc loại quyền rơm vạ đá như hội cựu chiến binh hay tổ trưởng dân phòng thì chưa chắc. Nhưng chức ấy mời mỏi mồm chẳng ai chịu nhận cho
-Nhưng chức ấy thì làm sao xây nổi nhà?
-Ông lại nhầm rồi.—Anh ta lại lắc đầu.—Chỉ cần ông có mặt trong hội đồng nhân dân phường là chúng nó phải nể. Chuồng chim nào chẳng có cứt. Mà công tác đoàn thể lại rất dễ vào hội đồng nhân dân.
Tôi chịu anh ta là người có đầu óc. “May mà anh ta không có tấm bằng kĩ sư” Tôi thầm nghĩ
Chỉ một năm sau, anh ta mời tôi đến ăn tân gia. Muôn năm những kẻ cơ hội!
Hà nội 1—2 –2011