watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Xây Mộng - tác giả Nguyễn Thế Hoàng Nguyễn Thế Hoàng

Xây Mộng

Tác giả: Nguyễn Thế Hoàng

Suốt buổi sáng chúa nhật hắn cứ lè nhè bên vợ hắn. Nét mặt hắn buồn hiu thảm bại. Hắn cảm thấy chán nản, bất lực. Chưa bao giờ hắn bực bội trước nét mặt lạnh lùng của vợ mỗi lần hắn nói.

Người chi mà khó ưa quá. Bằng lòng, không bằng lòng, cứ nói, sao lại lặng thinh như thế. Hắn không chùng bước. Hắn luôn nhẫn nại và nhẫn nại. Hắn kiên trì thỏ thẻ bên tai vợ hắn đang ngồi chăm chú đọc sách trên sofa : Em bằng lòng cho anh mua computer nhen em ? Hắn thỏ thẻ lập đi lập lại đôi ba lần câu nói mà hắn đã phát âm từ mấy ngày nay với vợ.

Vợ hắn bĩu môi, im ỉm, giả tảng như không nghe, không biết, không hiểu. Hắn lập lại câu nói một lần nữa. Đột nhiên, vợ hắn vứt quyển sách xuống bàn cau có :
- Mấy hôm nay anh cứ lãi nhãi với em chuyện gì không đâu. Bực mình ghê đi. Anh có để cho em yên không ?
Nghe vợ nói, hắn mừng rỡ, cười ruồi :
- Anh xin lỗi. Anh chẳng làm phiền em điều gì. Anh chỉ xin em bằng lòng cho anh mua cái computer thôi mà.
- Để làm gì ? Vợ hắn gay gắt.
- Anh muốn có một computer để đọc và viết.
Vợ hắn bĩu môi :
- Đọc và viết ! Hừ !! Nhà sách báo tràn lan ra đó. Tuần nào anh cũng ra phố ôm về cả chồng báo chợ. Sách thì cứ mua hết quyển này đến quyển khác. Mua về để đầy trên ngăn sách nhưng em đâu hề thấy anh đọc, lâu ngày bụi bám đầy, sinh sản từng ổ dán, đẻ trứng như vãi cát, trông ghê ơi là ghê ! Còn viết...
Vợ hắn cười hì hì chọc quê :
- Viết ! Viết ! lúc nào em cũng nghe anh nói anh viết... viết và viết, mà chẳng thấy gì. Anh viết một bức thư gởi người thân cũng chẳng ra hồn. Thảo lá đơn xin việc làm lúc còn ở quê nhà cũng trật lên trật xuống, sửa tới sửa lui câu cú không chỉnh. Vậy mà cứ đòi viết...viết cái gì hả..? thật là khổ cho ông chồng của em ghê đi !

Hắn không nản, cố gắng bào chữa :
- Em biết không ? Hồi trước khác, giờ khác đấy mà. Viết thư, làm đơn gì đó là chuyện nhỏ, ai lại chẳng làm được. Tại anh chẳng dốc lòng làm. Còn viết ! hà hà ! Em biết anh viết gì không ? Viết văn, làm thơ đấy, em ơi ! Anh đang khởi sự làm chuyện lớn. Em nào đâu biết viết văn, làm thơ là gì ? Viết cho người ta đọc đâu phải là chuyện dễ mà cũng chẳng phải là chuyện đùa. Người đọc sẽ tiếp nhận những tư tưởng lớn, những kiến thức uyên bác của mình để họ học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết của họ mà em.
- Ghê gớm thế à ? Anh chỉ thích nói dóc thì có. Bấy lâu nay em thấy anh vẫn viết và viết...rồi chẳng thấy gì cả. Hắn tìm cách chống chế :
- Tại anh chưa đủ phương tiện thích nghi công việc... em biết chứ ?
Vợ hắn cười mủi :
- Viết mà cũng cần đủ phưong tiện thích nghi. Phương tiện thích nghi là gì thế ? Vĩ đại như thế ư ? Em nghe nói mấy ông nhà văn, nhà thơ đa số ông nào cũng nghèo tả tơi, họ sống rất đơn sơ bình dị, vậy mà họ vẫn thành danh. Họ đâu có gì gọi là phương tiện thích nghi như anh mơ ước. Họ chỉ cần cây viết và tập giấy thôi đấy mà.

Đúng ! Vợ hắn nói đúng. Ngày trước hắn cũng nghĩ thế. Chã có gì là khó khăn, rườm rà. Hắn nghĩ viết văn, làm thơ dễ ợt, chẳng cần gì thêm ngoài cây viết và tập giấy. Chẳng chần chờ, hắn khởi sự đi vào sự nghiệp lớn. Rồi khoảng hai năm đằng đẳng sau đó hắn đã cất công rị mọ, dùi mài, ngày rồi đêm, tháng này tháng khác liên lũy để cho ra đời những bài văn ngắn ngủn, những bài thơ con cóc thật đắc ý...đưọc chép tay rất ư là cẩn thận để gởi đi các tòa báo lớn khắp nước, kể cả các nước khác trên trái đất này. Mỗi bài như thế, hắn gởi nhiều tờ báo cùng khắp. Khoản chi cước phí thư bảo đảm cũng không nhỏ. Hắn phải cần kiệm bớt nhưng chi tiêu vặt để bù vào mục này. Gởi đi...và hằng ngày hắn ngồi chờ tin vui. Chờ và chờ đến năm bảy tháng sau cũng chẳng thấy tăm hơi gì. Sao lạ lùng thế ! Hắn tức tối làm sao ! Nhưng hắn không nản. Hắn tiếp tục gởi lại lần hai... lần ba...và có bài hắn gởi đến lần thứ tư không biết chán. Hắn luôn xin ơn trên phù hộ cho bài của hắn được lên mặt báo là hắn nghiễm nhiên trở thành nhà văn lớn, nhà thơ lớn của thời đại.


Sự chờ đợi của hắn cứ thế dài ra không một phép lạ nào hãm lại được. Đến lúc bực mình chịu hết nỗi, hắn chửi thề lung tung rằng người đời sao quá ư hẹp hòi, ích kỷ không nhận thức được văn tài của mình.


Một hôm, may thay hắn đọc được trả lời của một tờ báo lớn trong Hộp Thư Bạn Đọc - bảo rằng "Thơ và Văn " của ông chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đạt chất lượng và cũng không thích hợp lập trường, quan điểm của tờ báo. Đồng thời đề nghị bài viết của ông phải đánh máy gởi qua email hoặc diskette.


Tòa soạn không nhận bản thảo viết tay. Hắn nhủ thầm, mấy ông làm báo này đã coi thường văn, thơ của mình. Lấy cớ này cớ nọ rắc rối, làm khó dễ, hoạnh họe không tưởng. Viết được một tác phẩm tốn bao nhiêu là ngày và đêm, công sức đổ ra, tiêu đi bao nhiêu là cà phê, khói thuốc lá mù mịt căn phòng, quên ăn, mất ngủ, thức trắng đêm, mệt phờ người mới có được, chứ đâu phải chuyện đùa, mấy ông có biết không ? Có sẳn bài để đăng báo hốt bạc, khỏe re như bò kéo xe, mà không thông cảm cho tác giả.

Mặc dầu thỉnh thoảng hắn bị loạn tinh thần như thế, hắn vẫn không nản chí. Hắn tiếp tục gởi bài. Hắn tiếp tục nhẫn nại chờ. Giờ hắn quay sang gởi bài cho các báo chợ. Tại địa phương cũng đang có những tờ báo chợ chuyên đăng quảng cáo thương mại in ấn trang nhả, đẹp mắt và những bài viết "nguội" góp nhặt từ nơi này nơi khác nhét cho đầy tờ báo. Có bao nhiêu bài là hắn gởi hết cho các báo chợ tại địa phương. Gởi rồi chờ đợi. Đã gọi là báo chợ, báo lá cải, lá sung, lá mít, lá vông...cũng là báo, nhất định là họ không kén chọn đâu. Có phải là lá cải, lá vông...cũng chẳng sao. Miễn sao bài được đăng lên mặt báo, giấy trắng mực đen, được nhiều người khắp bốn phương trời đọc, thưởng ngoạn tài năng văn học của mình là khoái rồi. Tư tưởng uyên bác cao siêu của mình được tung ra khắp nơi, đang được mọi người đọc, tiếp nhận một cách chân tình và trang trọng.

Báo chợ thì dễ thôi, nhất định họ nhận được bài là họ đăng ngay. Đọc những bài thơ, bài văn trong báo chợ, hắn nhận thấy chẳng xứng đáng để đăng. Thua, thua xa văn thơ của mình lắm lắm mà. Nhận xét của hắn không thiên lệch cao ngạo theo kiểu văn mình vợ người. Hắn nghĩ thế để tô dày niềm hy vọng, tạo nghị lực phấn đấu chờ đợi. Sự chờ đợi bấy lâu như được tôi luyện thành một bản năng sinh tồn cho sự nghiệp viết lách của hắn. Mãi rồi thành thói quen không còn cảm giác khó chịu và mệt mỏi nữa.


Tròm trèm gần hai năm lăn lóc dấn thân mệt mỏi trên trường văn trận bút, để có được một ngày đẹp trời may mắn lần đầu tiên trong sự nghiệp hắn nhìn thấy được một bài thơ của hắn đã được trang trọng chào đời trên một tờ báo chợ. Bài thơ tình lăng nhăng ướt át mười hai câu nằm khiêm nhường ở một góc của một trang báo quảng cáo. Hắn vui mừng hớn hở nhìn đứa con tinh thần đang hiện diện trước mặt. Hắn lẩm bẩm trong niềm vui đầy phấn khích và hãnh diện. Chính nó đấy... ! nó là tim óc, máu thịt, là đứa con tinh thần của ta đã lọt lòng sau những năm trời thai nghén. Hắn chậm rãi đọc từng chữ, từng câu để biết rằng đây là sự thật. Sự thật trăm phần trăm. Sự thật của một sự nghiệp lớn đang thành hình. Hắn đọc chậm chậm suốt bài thơ để thưởng thức trọn vẹn văn tài của mình. Lòng hắn rộ lên bao niềm vui, niềm tự hào khả năng thành đạt của hắn đã dấn thân trong thời gian qua. Cuối bài thơ là bút danh "Tú Lang Thang" của hắn được in đậm nét nhìn rất ư là ngạo nghễ. Tú Lang Thang từ nay nghiễm nhiên ngự trị trên văn thi đàn thời đại. Bút danh Tú Lang Thang hắn đã phải mất gần hai tháng trời suy nghĩ, tìm tòi, chọn lựa mới có được. Nhất định không được trùng với bút danh kẻ khác. Không được đồng âm dị nghĩa. Phải cẩn thận, không khéo sẽ bị kẻ khác cưỡng chiếm hoặc hiểu nhầm. Bút danh phải có cái gì đó đặc biệt, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và khi nghĩ đến là thiên hạ sẽ hình dung ra một thiên tài văn học.

Mừng quá, hắn hốt hết hai chồng báo chợ free có bài thơ đã đăng mang nhanh ra xe, vội về nhà ngay khoe với vợ.
- Em ơi ! Em đâu rồi. Em ! Ra đây coi nè. Tin vui em ơi. Mau lên em.
Vợ hắn đang làm thức ăn trong bếp hỏi vọng ra :
- Gì mà ồn ào vui thế ?
Hắn líu lo :
- Này bà xã của anh ơi ! Anh long trọng tuyên bố cho em biết rằng, kể từ hôm nay anh đã trở thành Nhà Văn Nhà Thơ lớn có tác phẩm đăng báo rồi đấy. Nhà Văn, Nhà Thơ là phải có tác phẩm đăng báo, phải in sách... em biết chứ ? Không còn ai khinh thường anh, kể cả em. Em đừng có ỡm ờ với anh nữa, nghe chưa. Thơ văn của anh đã đạt trình độ cao nên mới được người ta đặc biệt đăng tải. Phục tài anh chưa ? Vợ hắn xì một tiếng, giọng càu nhàu :
- Tưởng gì ! Thơ với văn...của anh...ấy à ! sao em ngửi không ra mùi. Cũng vì nó anh mê say nó. Anh lạnh nhạt bỏ bê em bấy lâu nay, đâu còn ngó ngàng đến em.
- Em nói chi mất tình mất nghĩa hết sức. Vợ chồng mà, sao em không tiếp sức hà hơi, nâng anh lên, khen ngợi anh. Anh đang lo sự nghiệp. Em biết không ? Bài được đăng lên báo là họ phải trả tiền nhuận bút. Rồi đây anh sẽ có nhiều tiền. Anh đã gởi bài đến hằng mấy chục tờ báo từ bấy lâu nay, em biết chứ ? Nhất định họ sẽ lần lượt đăng tải hết không thể bỏ sót.
Vợ hắn cười khẩy, nói giọng móc họng :
- Em biết. Chỉ duy nhất có anh, Chồng em tài giỏi lắm mà. Hừ !! Chứ những người khác không phải vậy. Anh có thể xin nghỉ việc, viết văn, làm thơ mà sống khỏe re đó anh.

Điều ấy, hắn đã nghĩ đến từ lâu rồi, bây giờ đang trở thành sự thật. Trở thành nhà văn, nhà thơ vừa nổi danh vừa có tiền. Sướng thế còn đòi gì nữa ! Hắn đang bước đi một bước khá dài trong sự nghiệp văn chương. Hắn bắt đầu chờ đợi tờ báo chợ gởi trả tiền nhuận bút bài thơ của hắn vừa được đăng. Trong đầu hắn đang phát sinh thêm những suy nghĩ mới cho sự nghiệp. Khi đã trở thành nhà văn, nhà thơ nổi danh được nhiều người ái mộ là hắn sẽ đứng ra thành lập các thi văn đoàn, các cơ sở văn học nghệ thuật thuần túy để phát huy,và bảo tồn trường phái riêng của hắn lưu danh đời đời. Hắn sẽ gia nhập các tổ chức văn bút, hội thơ, các diễn đàn văn chương, văn học....để tìm chỗ đứng trên văn thi đàn, làm mưa làm gió, tạo áp lực phe phái khuynh loát những gì hắn thích. Hắn sẽ tìm mọi cách này cách khác nhảy vào ứng cử, tranh cử hoặc độc diễn cho bằng được chức chủ tịch, hội trưởng...hoặc cùng lắm là phải nằm trong ban chấp hành, trong ban cố vấn. Hắn sẽ in sách cho phát hành hằng loạt. Hắn sẽ có những buổi ra mắt sách đình đám xôm tụ, và sẽ bán được nhiều sách để thu tiền vào vừa gở vốn, vừa kiếm lời bỏ túi. Gì chứ nói về tài năn nỉ, mời mọc, chiêu dụ người này người khác tham dự những đêm hội hè, ra mắt sách của hắn thuộc loại siêu, ít ai bì nổi.. Không hiểu hắn thỏ thẻ như thế nào đến người khó tính nhất cũng phải siêu lòng. Vẫn chưa hết, hắn nuôi mộng sẽ ra báo. Hắn sẽ làm chủ nhiệm, chủ bút, làm tổng biên tập...chỉ đạo chỉ đường mà ban phát ân huệ chẳng thua gì ai.

Hắn phải nổi danh là một nhà thơ lớn chỉ cần bước đi bảy bước là ứng khẩu được ngay một bài thơ tuyệt cú mèo để đời ngâm nga, Ai muốn đem thơ của hắn phổ nhạc, hơặc những kiệt tác văn chương của hắn dựng thành kịch bản, phim ảnh, hoặc dịch ra các ngôn ngữ khác phải xin phép bằng giấy trắng mực đen, có hợp đồng thù lao hẳn hoi. Hắn cũng sẽ là một văn hào có những tác phẩm văn học lớn bề thế được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến rộng rãi cho mọi dân tộc. Hắn sẽ là một nhà phê bình văn học nghệ thuật để hướng dẫn, sửa sai và chỉ dạy con người viết văn. Ôi..!! bao nhiêu là mộng lớn, mộng con, mộng bé...cứ thế trào ra... trào ra như mạch nước ngầm bao quanh đầy ắp trong tầm mơ ước suy nghĩ của hắn.


Hắn ráo riết viết bài, làm thơ ngày đêm không biết mệt. Càng viết văn, càng sáng tác thơ hắn càng hăng đôi lúc quên ăn, quên ngủ và quên cả mọi sự diễn ra chung quanh. Từng đêm và từng đêm hắn phải cần đến ba bốn ly cà phê đen nóng đậm đặc, đôi ba gói thuốc lá để đánh thức giác quan, trí óc tươi tỉnh tạo nguồn hứng giao duyên nàng Thơ, nàng Văn lúc nào cũng rập rờn, âu yếm, vuốt ve hắn. Vợ hắn chẳng bao giờ dám bước chân vào căn phòng ngột ngạt mịt mù khói thuốc. Nếu muốn gì là vợ hắn cứ đứng ngoài nói vọng vào. Thì giờ là vàng ngọc. Đâu thể chần chờ để rồi không hoàn thành kịp cho sự nghiệp lớn. Viết xong là hắn còn phải tốn công sức bỏ ra bao nhiêu là thời gian rị mọ nắn nót chép tay ra giấy hằng chục bản mang ra bưu điện gởi bảo đảm đi cho nhiều tờ báo. Ngoài giờ đi làm về, thì giờ còn lại là đọc và viết.

Bây giờ hắn đi đâu là trên tay kè kè tờ báo chợ có đăng bài thơ, mấy trang bản thảo đang viết dỡ dang chi chít chữ nguệch ngoặc, gạch gạch bỏ bỏ, xóa tới xóa lui tèm hem, kèm đôi quyển sách kẹp chặt giữ bên nách. Tuy không phải là dân cận thị, nhưng khuôn mặt gầy nhom của hắn lúc nào cũng chễm chệ đôi kính trắng, gọng mạ vàng trông rất ư là trí thức. Nói năng phải chững chạc, văn vẻ, lý luận đâu ra đó, câu cú đầy đủ chủ từ, động từ, túc từ. Quần áo phải sạch, ủi là thẳng nếp đàng hoàng. Nhà văn, nhà thơ là phải như thế. Đâu như mấy ông nhà văn, nhà thơ nào đó lúc nào áo quần cũng lê thê lếch thếch, tóc tai bù xù, nghèo rách mồng tơi như vợ hắn nói. Nhà văn, nhà thơ là phải dính liền với sách vở, với báo chí, với văn chương chữ nghĩa, với cây bút, tập bản thảo... mới đáng được gọi là giới trí thức. Đối với hắn, giới trí thức là thành phần cốt cán của đất nước, dân tộc, là kẻ sĩ, là sĩ phu, là kẻ ăn trên ngồi trước, là người hướng dẫn tư tưởng, dư luận, quan điểm quần chúng...to tát và ghê gớm như thế đấy. Đâu phải là kẻ tầm thường.

Vậy mà vợ hắn cứ luôn chọc quê, chế giễu phũ nhận tài năng siêu việt của hắn. Gặp ai là hắn thích trao đổi danh thiếp cá nhân ghi rõ ràng bút danh Tú Lang Thang - Nhà Văn - Nhà Thơ - địa chỉ - số điện thoại. Giờ hắn đang thích người khác mỗi khi gặp hắn nên gọi hắn là Nhà Văn, Nhà Thơ Tú Lang Thang hơn là gọi bằng cái tên cúng cơm, tên trong giấy khai sanh vô danh tiểu tốt mà cha mẹ hắn đã đặt cho hắn lúc vừa lọt lòng.

Thường thì cứ mỗi sáng chúa nhật hắn thích có mặt tại các quán cà phê quen thuộc trong thành phố. Hắn cũng có lắm bạn cà phê tán dóc trong những giờ phút thư giản ấy. Hắn luôn khoe đứa con tinh thần đang chễm chệ có mặt trong tờ báo chợ. Hắn thích tặng báo có đăng bài thơ cho những ai ngưỡng mộ tài năng đang lên của hắn.

Được dịp là hắn ngâm nga bài thơ đã đăng báo nhừ nhuyễn đến tả tơi, rồi bô bô thuyết giảng mộng lớn, mộng con đang ôm ấp không biết mệt, không bao giờ chán. Bạn bè cười cợt tâng bốc lấy lòng để có được những chầu cà phê miễn phí. Mặc dầu tiền bạc có khan hiếm thật đó, nhưng hắn không nề hà chi trả những ly cà phê, gói thuốc lá đầy tình nghĩa biết người biết ta của đám bạn chầu rìa.

Hắn cảm thấy khoái, khoái lắm, vui và yêu đời một cách chi lạ. Một hôm hắn được qưới nhân phù trợ. Một người bạn cũ đã xa nhau lâu lắm rồi, đột nhiên anh ta xuất hiện tại quán cà phê trong buổi sáng chúa nhật. Lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng rôm rả. Cơ hội đến là hắn tuôn ra hết thân thế, sự nghiệp, mộng lớn, mộng con ấp ủ từ lâu cho người bạn chí thân nghe cốt để bạn có thể bị ớn lạnh tài năng siêu việt đang lên của hắn. Say sưa kể lể ngọn nguồn bất tận trong chiều thích thú, cuối cùng hắn than thở nghe cũng mủi lòng, như có ý trách móc thân phận : - Nói mà nghe hơn hai năm nay tớ viết lách bao nhiêu là thơ, là văn, gởi đi không biết bao nhiêu là tờ báo và cũng không biết bao nhiêu lần như thế... rồi cứ chờ dài cổ ra. Thế mà không hiểu sao họ chẳng chịu đăng bài của tớ. Ức thiệt. Mấy ông làm báo bây giờ chảnh lắm, khinh người lên mặt đếch chịu được. Tớ mà làm chủ nhiệm, chủ bút hả, là tớ cho bài vở đi láng hết.
Nghe thật não lòng, người bạn thắc mắc hỏi hắn :
- Vậy chứ anh gởi bài bằng cách nào ?
- Bài viết xong, tớ chép tay lại sạch sẽ đem gởi bảo đảm qua bưu điện cho họ, chứ không lẽ mang đến giao tận tay. Phải tốn bao nhiêu là cước phí bưu điện.
Người bạn gật gù mỉm cười :
- Chẳng được gì cả cũng phải. Anh phải sử dụng computer gởi bài qua email, bằng CD, diskette, USB... thì may ra. Tôi nói ‘’ may ra’’ mà thôi đấy nhé. Anh phải biết rằng không ai có thì giờ ngồi đánh máy bài của anh đâu, cho dù bài có đặc sắc tuyệt cú mèo và cần thiết đến mấy đi nữa, họ cũng vứt ngay vào sọt rác cho đở nhọc công. Họ cũng chả thèm đọc bài viết tay của anh đâu, anh đừng có mơ... - Hả ? Anh nói sao ? Vậy là bao nhiêu tác phẩm giá trị của tớ từ trước đến nay đều nằm phơi mình trong giỏ rác ấy à ? Đâu tệ đến nỗi như anh nói.
- Chứ gì nữa. Thời đại vi tính phải ứng dụng kịp thời. Lẹt đẹt như anh chỉ là dã tràng xe cát. Hơn nữa, anh phải nghĩ đến việc dành ưu tiên cho bè phái, phe đảng, thân thiết của họ chứ, hoặc có thể còn phải trả bằng tiền để cậy đăng, hoặc ủng hộ, hoặc mua báo dài hạn...chứ khơi khơi xuất hiện đột ngột kiểu như anh, đến tết công-gô cũng hoài công thôi ông bạn của mình ơi !
Còn gì để mà than với thở.


Nghe những lời chân tình của người bạn, hắn mới hiểu ra cái yếu kém của mình từ hai năm qua. Thôi thì muốn thành danh, muốn làm nên sự nghiệp lớn phải có computer và học cách sử dụng. Hắn chép miệng thở dài ngao ngán. Sao rắc rối thế nhỉ ! Ngày xưa, mấy ông Nguyễn Du, Khái Hưng, Nhất Linh... đâu cần gì vi tính. Thôi thì ăn theo thuở, ở theo thì vậy. Phải tốn thêm những số tiền lớn. Bấy lâu nay đã phải tốn biết bao nhiêu là tiền cho sự nghiệp rồi ? Còn phải bỏ ra một thời gian dài học cách sử dụng vi tính. Cũng đến mệt mỏi và phải kiên nhẫn ghê gớm lắm đây. Tiền bạc thì chẳng mấy khấm khá trong đời sống vợ chồng của hắn. Cưới nhau ba bốn năm gì rồi mà hai vợ chồng vẫn chưa có mụn con nào. Từ lúc đam mê xây mộng lớn, mộng con thời gian sống cho vợ gần như thưa dần đến như vắng bóng. Hằng đêm hắn bận miệt mài với cây viết, tập bản thảo, cuốn sách, tờ báo...hắn chỉ vào giường ngã lưng được vài tiếng là thức dậy đi làm ngay. Suốt ngày cứ ngáp ngắn, ngáp dài. Cơ thể luôn uể oải. Đầu óc chẳng có giây phút thoải mái, vì cứ luôn suy nghĩ đến những gì để viết, tìm cảm hứng để nắm bắt những câu thơ đắc ý. Vợ hắn thường xuyên càu nhàu, cằn nhằn, cẳn nhẳn, thỉnh thoảng đôi co lớn tiếng với hắn, còn có ý muốn chia tay hắn, cũng vì hắn quên vợ mình đang ở bên cạnh. Thu nhâp hai vợ chồng hằng tháng để có chi tiêu chẳng mấy dư ra. Vợ hắn thường so bì những gia đình khác, chồng làm hai ba công việc có thêm tiền chi phí cho đời sống gia đình. Thường vợ hắn khuyến khích hắn tìm việc làm thêm, nhưng hắn cứ ì èo than mệt, Làm nhiều, lao động quá mức là tiêu tùng sớm. Có nhiêu ăn nhiều, có ít ăn ít là lý tưởng nhất. Được cái là vợ hắn biết cần kiệm tối đa, đôi lúc có dư ra chút it gởi ngân hàng tích cốc phòng cơ, nhưng chẳng được là bao. Vợ hắn đòi đi làm thêm job phụ trong giờ ban đêm nhưng hắn cản, vì không ai lo cơm nước, công việc nhà. Hắn cũng chẳng thích vợ đi đêm đi ngày, lỡ ra vấp phải chuyện gì đó, có ai quyến rũ nào ai biết trước là không thể được.

Tiền bạc trong gia đình do vợ hắn nắm chặt hầu bao, kể cả trương mục ngân hàng. Chi tiêu gì ngoài chi phí thường xuyên gia đình phải có sự đồng ý của nội tướng. Thời gian gần đây hắn phải tìm cách lươn lẹo, bịa ra bao nhiêu là lý do chính, lý do phụ để có được khoản tiền riêng đáp ứng nhu cầu đam mê. Hắn mong đợi ngày nào đó, bài vở được đăng báo là hắn sẽ có tiền, khi ấy cũng chả cần gì đến đồng lương.

Trọn tháng nay hắn nài nỉ vợ chi tiền mua computer để có phương tiện thực hiện giấc mộng lớn. Phải biết kiên nhẫn, biết nịnh đầm, biết dựng chuyện, có lý, vợ hắn mới chấp nhận chi tiền cho mà mua. Khổ sở đến như thế. Hắn biết, nhưng phải tự chế cũng vì sự nghiệp đang theo đuổi của hắn.

Một buổi sáng đẹp trời, hắn lái xe đến cửa hàng chọn mua máy. Gần nửa ngày trời hì hục, đi tới đi lui, rờ mó, ngắm nghía, hỏi han mà hắn chưa chọn được chiếc máy nào vừa ý. Mọi sự đều mới lạ với hắn. Đến khi mang được computer về nhà trời đã tối. Từ đêm đó trở đi hắn mệt mỏi, khốn đốn điên cả cái đầu trước ‘’khối sắt có linh hồn’’ này. Cứ tưởng là dễ ăn lắm sao ! Dù sao hắn vẫn tự nhủ thầm, người ta làm được, mình ắt phải làm được. Bỏ tiền ra thuê người hướng dẫn là chuyện hắn không dám nghĩ đến cũng vì đồng tiền rất hạn chế trong tay đối với cô vợ quá khắt khe của hắn.

Gần trọn năm trời hắn mới biết cách sử dụng một số căn bản trên chiếc máy computer cũng là vừa lúc hắn ngã bệnh nặng.

Hắn bị kiệt sức trầm trọng, người cứ rạc đi gầy nhom. Khuôn mặt hốc hác như người vừa ốm dậy vì luôn thức trắng đêm, vì uống nhiều cà phê đen đậm và từng điếu thuốc lá hít khói liên tục. Thức để mãi mê gỏ bàn phiếm cho bài mới. Lúc này hắn viết bài liên tục. Thức để đánh máy và nhuận sắc lại các bài đã có từ trước save vào máy, gởi bài cho các báo qua email. Không những thế, hắn đang khởi sự viết truyện dài, viết hồi ký. Thức để say sưa tìm tòi, học hỏi thêm cách sử dụng máy. Thức để đọc biết bao nhiêu là bài vở trên net. Ôi thôi ! cả một khối lượng khổng lồ chữ nghĩa, hình ảnh, không thiếu một thứ gì trên màn ảnh ảo. Hắn thích thú đọc và ngắm say sưa, đọc đến phờ người ra mà chẳng bao giờ hết.

Hắn cứ nghĩ như thế này thì cũng chả cần gì phải mua sách, mua báo tốn tiền. Thì giờ không bao giờ đủ cho hắn mỗi ngày.

Bao đam mê cứ bủa vây dồn dập, hối thúc hắn. Mỗi ngày hắn mỗi truy cập, phát hiện ra vô số điều mới lạ trên màn ảnh ảo thật kỳ diệu, thú vị và hấp dẫn vô cùng. Có những cái từ lâu hắn ao ước thèm muốn ghê gớm nhưng chẳng bao giờ có được. Bây giờ trên màn ảnh ảo kia có đủ cả, chỉ sợ không đủ thì giờ, không đủ công sức để hưởng thụ mà thôi. Hắn trở nên ghiền và ham thích internet một cách kỳ lạ.


Thế là hắn càng yêu say đắm nàng PC của hắn để rồi hắn như quên hẳn cô vợ vừa trẻ vừa đẹp nõn nà mơn mỡn bằng xương bằng thịt đã cưới nhau mấy năm nay, đêm đêm lạnh lùng chiếc bóng trên chiếc giường cô đơn luôn ước có được một mụn con để ẳm bồng. Cứ thế hắn lao mình phóng tới trong nổi đam mê như người đang trong cơn ghiền ma túy. Cứ thế, sức khỏe hắn ngày mỗi kiệt. Đi khám, bác sĩ bảo hắn bị nám hai lá phổi trầm trọng. Nếu không chữa trị ngay, có thể trở thành lao chỉ còn chờ ngày chết. Bác sĩ khuyên hắn ăn uống nghỉ ngơi điều độ, không thức đêm, bớt cà phê thuốc lá, không suy nghĩ vẩn vơ. Vợ hắn luôn tỏ dấu bất bình về nếp sinh hoạt hằng ngày của hắn từ khi hắn khởi sự xây mộng. Bây giờ có thêm cái PC bên cạnh, vợ hắn càng lồng lộn ghen tức. Chồng gì coi computer còn hơn vợ. Lúc nào cũng ôm cái máy không rời một phút. Việc nhà, vợ con...tất cả chẳng hề để mắt đến, cứ phớt lờ tỉnh bơ. Nào ai mà chịu nổi.

Cứ mãi mê không nghe, vợ hắn sẽ giao nhà mà ở một mình thì đừng có trách. Lúc sau này trong gia đình thường có sự bất hòa giữa hai người. Từng đêm vợ hắn nhắc chừng hắn phải uống thuốc, đi ngủ sớm giữ sức khỏe. Chuyện văn chương chữ nghĩa thơ phú, mộng lớn, mộng con tào lao thiên địa gì đó hãy dẹp nó qua một bên cho yên chuyện. Lúc nào vợ hắn cũng dọa nếu hắn không nghe, không còn yêu thương nhau thì đường ai nấy đi, chứ sống như thế này vợ chồng không hợp ý, không chăm sóc, không vun vén tình cảm cho nhau thì đâu còn gì là hạnh phúc.

Những ngày đầu hắn vâng lời bác sĩ, vâng lời vợ răm rắp. Hắn cũng biết sợ lắm. Sợ bị lao phổi là đời sẽ tàn, chết non. Sợ vợ hắn chán bỏ đi lấy chồng khác, đời hắn lại càng khổ hơn. Vợ hắn cũng đâu đến nổi xấu gái. Nàng một cô gái có học, có sắc, duyên dáng, nết na đâu thua gì ai. Sợ, nên hắn quyết định đi ngủ sớm, giảm cà phê, thuốc lá, không suy nghĩ vẩn vơ, uống thuốc đúng giờ giấc, cố quên bớt đi những đam mê, siêng năng tập thể dục để phục hồi sức khỏe.

Lòng thì có hạ quyết tâm theo lời dặn bác sĩ, và chiều theo ý vợ, nhưng từng đêm qua từng đêm nằm trên giường, bên cạnh cô vợ trẻ nõn nà, mà nào hắn có ngủ được. Khó ngủ vô cùng. Hình như giấc ngủ đối với hắn là một cực hình. Bao lâu rồi, dường như đã quen rồi, đêm cũng như ngày, giấc ngủ đến với hắn thật hiếm hoi. Nằm trên giường mà đôi mắt hắn cứ mở thao láo nhìn bâng quơ, mà tâm hồn, trí óc luôn cuồn cuộn xoay tròn trong sự nghiệp lớn đang dở dang. Đôi lúc hắn nhìn sang vợ nằm bên cạnh trong lớp quần áo mỏng khêu gợi phơi bày cơ thể no tròn chin mùi, đầy những đường nét qưyến rũ mời mọc, khiêu khích nhưng nào hắn chẳng hề có cảm giác thèm khát mà lại càng thấy ghét cay ghét đắng vợ hắn. Tâm tư hắn giờ cứ đang quay cuồng trong thao thức, trong trằn trọc với bao nổi thèm khát mọi công việc cho sự nghiệp thơ văn đang tiến hành đến độ dại người ra. Bao nhiêu những việc đã làm, phải thực hiện trong thời gian qua đang còn dở dang cứ ùn ùn hiện ra trong đầu óc thôi thúc hắn đến điên người. Thời gian sau này, thơ văn của hắn đang lai rai có mặt trên một số báo trên trời, báo dưới đất.

Sự nghiệp văn thơ của hắn đang nở rộ đầy màu sắc lung linh hấp dẫn. Chân trời phía trước chan hòa ánh sáng long lanh và con đường đi tới đầy hoa thơm cỏ lạ, bừng nở giấc mơ vẩy tay chào mời hắn trở lại thật nồng nhiệt.

Cố gắng nhẫn nại trong cuộc sống chừng mực để dưỡng sức khỏe và làm vừa lòng cô vợ trẻ đâu được hơn tuần lễ hắn đã không còn chịu đựng nổi. Hắn liền phân giải và năn nỉ vợ :
- Em à ! Mỗi đêm sau khi cơm tối xong, em hãy để cho anh tự do công việc của anh đến 10 giờ là anh đi ngủ, sáng 6 giờ thức dậy đi làm, 4 giờ chiều về nhà. Như thế, mỗi ngày anh ngủ được 8 giờ là tốt ghê gớm cho sức khỏe rồi đấy, chứ không dám thức suốt trắng đêm như lúc trước. Em đồng ý với anh được chưa ?
Nghe hắn giải bày, vợ hắn càng thêm ghét :
- Em chỉ yêu cầu anh giữ gìn sức khỏe. Anh không quý sức khỏe, chết ráng chịu. Có sức khỏe anh mới làm được chuyện khác. Đang bị bệnh phổi như thế mà cứ ham. Dưỡng sức, nghỉ ngơi một thời gian đi có được không ? Nếu anh không nghe, em không nhắc nhở nữa, anh thích thì anh cứ làm.
Hắn cười, khoe với vợ :
- Gần tuần nay anh cảm thấy khỏe trong người em ơi. Sức khỏe anh vẫn tốt, em chớ quá bi quan.
- Bệnh phổi là như thế. Khỏe đó nhưng chết bất ngờ lúc nào chẳng hay. Vi trùng phá nát hai lá phổi của anh chỉ một thời gian ngắn thôi. Không chừng anh lại lây nhiễm sang em.
Nghe vợ nói, hắn vội đề nghị :
- Hay là vợ chồng ngủ riêng một thời gian đi em, anh sợ lây em. Chừng nào hết bệnh thì hãy chung giuờng. Được chứ em ?
- Cũng được thôi. Anh phải lo thân anh. Nói mãi anh không nghe, em đưa anh đi bệnh viện và cách ly anh trong khu vực những người bệnh lao chịu hôn ?
Giọng hắn nghe thật thiểu não :
- Đừng ! đừng em ơi ! vào đó là anh chết sớm. Tội nghiệp anh.

Nói là nói, hắn cũng cố gắng giữ được đâu vài tháng đầu. Nhân cơ hội vợ một phòng, chồng một phòng, thưa dần sự để ý giờ giấc của vợ, nổi đam mê của hắn lại bắt đầu kéo rê thì giờ ngồi trước computer đến hai ba giờ sáng mới vào giường, có hôm hứng thú hắn thức đến sáng. Thỉnh thoảng vợ hắn bắt gặp lại cằn nhằn la lối, nói nặng nói nhẹ.... hết hồi rồi đâu cũng vào đó. Vợ hắn mệt mỏi bất lực chẳng biết nói sao, đành phó mặc.

Những tháng sau đó, bệnh của hắn chẳng khá hơn. Đôi lúc hắn mệt ngất với cơn ho thốc, ho tháo và khạc ra cục máu đen ngòm. Hắn cảm thấy trong người đổi khác hơn trước. Mệt mỏi, bần thần, giảm dần sinh lực, chẳng còn thiết gì đến công việc.
Hắn lén vợ đi bác sĩ khám, chụp hình phổi lần nữa. Kết quả bác sĩ bảo hắn bị lao.
Giờ thì hắn mới thức tỉnh cho nổi đam mê phí sức của mình. Sự nghiệp văn chương, văn học, mộng lớn, mộng bé đang còn ngoài tầm tay vói, để chỉ đánh đổi được hai lá phổi có vi trùng lao. Tuôn đổ công sức, tiền bạc, cuối cùng chẳng thu được một hào. Văn, thơ đăng báo, ngồi ngóng chờ, cứ tưởng là được nhận tiền nhuận bút, chỉ là chuyện hư ảo, đừng bao giờ mơ đến. Hắn vỡ mộng. Một buổi chiều đi làm về, hắn thấy nhà vắng tanh. Mở cửa trước cửa sau, vào các phòng chẳng thấy bóng dáng vợ. Hắn hoảng hồn gọi tên vợ ầm nhà, chẳng có tiếng đáp trả. Quần áo, vật dụng riêng tư của vợ đã không còn nữa. Cuối cùng hắn đọc mảnh giấy nhỏ của vợ ghi mấy hàng để lại :

’’ Anh ! - Chúng ta sống đã không có hạnh phúc, nên chia tay là hơn. Cưới nhau hơn bốn năm anh chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến em. Cho đến giờ này em ước mong có một đứa con, nhưng vẫn chưa đạt ước muốn. Sức khỏe của anh hiện thời đáng quan ngại. Em đã hết lời khuyên lơn, anh chẳng nghe, em đành bất lực. Thôi thì tùy anh, và em để anh được tự do cho sự nghiệp của anh đang ôm ấp. Em ra khỏi nhà vẫn chưa biết đi đâu, nhưng có thể cũng trở về Việt Nam với gia đình ba má. Anh đừng bao giờ hoài công tìm kiếm em. Em không để anh gặp mặt em đâu. Lời cuối cùng em khuyên : Anh hãy giữ gìn sức khỏe. Em nói, anh phải nghe em. - Em.’’-

Đọc xong những hàng chữ vợ viết để lại, hắn ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Hắn ngồi phịch xuống ghế ôm đầu rên rĩ thảm hại. Tất cả đều do mình gây nên. Những gì bất cập thái quá thường gây tác hại khó lường được. Hắn đã vấp ngã để đánh mất những cái quí giá nhất trong tầm tay. Hắn nhận ra rằng bấy lâu nay hắn chưa làm chủ được bản thân để phải vụng về sử dụng thời gian không hợp lý. Vợ hắn bỏ hắn ra đi là dấu hiệu cảnh báo hắn thức tỉnh. Bao nhiêu lần hắn hạ quyết tâm sửa đổi, và bây giờ hắn đoan quyết một lần cuối để bảo vệ, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Có sức khỏa mới thành công trong sự nghiệp.

Điều ưu tiên là chữa dứt bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Cấp thời đi tìm vợ năn nỉ, xin lỗi để vợ chồng sum họp, cùng chăm sóc hạnh phúc cho nhau. Văn thơ sự nghiệp gác qua một bên đến một thời điểm khác nếu có thể được trong mức độ vừa phải.

Hắn nhìn những chồng sách báo cao nghệu chung quanh hắn, các bài viết, những trang giấy, những cây viết...nằm la liệt trên bàn, trên kệ...chiếc computer đang trước mặt như thách thức hắn. Tất cả hắn cảm thấy không còn sức hấp dẫn. Chuyện hắn phải làm ngay là tìm giấy viết đơn xin phép công ty nghỉ một tuần lễ về Việt Nam tìm và đưa vợ về lại gia đình. Hắn mỉm cười bằng lòng theo dự tính hợp lý của hắn.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Thế Hoàng

Trên Nỗi Ðau

Trên nỗi đau

Sanh Tật

Rau đồng quê

Như nguồn vui cuối đời

Như hạt bụi đời

Người Bạn Cũ

Một Lần Đi Xa

Mất Trắng

Khát Vọng !

Đổi Đời

Dở Chứng

Cuộc Tình Không Chân Dung

Chẳng phải là của riêng mình

Ăn Tết Hụt