watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Riang Bay - tác giả Nguyễn Thị Ái Phương Nguyễn Thị Ái Phương

Riang Bay

Tác giả: Nguyễn Thị Ái Phương

Trân nhõng nhẽo níu tay tôi, đòi mua một cây kẹo bông. “Thứ đó dành cho con nít mà”. “Nhưng em thích, anh nói em thích cái gì anh cũng chịu mà”. Ông già bán dạo thối tiền lại cho tôi bằng bàn tay có những ngón vừa thô to vừa ngắn.
Tôi giật thót mình nhớ lại những bàn tay cũng to và đen như vậy mà tôi đã gặp cách đây chưa lâu lắm. Bàn tay thì to mà cổ tay thì nhỏ và gân guốc, giọng của họ trầm trầm như thấm cả dư âm của tiếng chiêng tiếng cồng tự ngàn xưa.
Năm ấy tôi hai mươi. Năm học sắp kết thúc, tôi lên khoa ngữ văn coi bảng điểm thì gặp Kiều Lan. Lan kéo tay tôi tại hành lang: “Đi không?”. “Đi đâu?”. “Đi bảo tồn tiếng nói của dân mình. Không nghe thầy nói sao, cứ mỗi ngày trên thế giới này lại có vài thứ tiếng bị mất đi, lẹ lẹ chứ không mai mốt người ta không nói nữa, không có cách gì ghi lại được đâu”. Kiều Lan vậy đó, thật khác xa với cái tên gọi nhẹ nhàng, yêu kiều của cô nàng.
Lan hối thúc tôi về chuẩn bị hành lý. “Cái gì nhanh dữ vậy? Còn phải lên khoa xin giấy giới thiệu rồi mới đi chứ”. “Lan xin hết rồi, cho cả hai đứa. Đức chỉ có một việc là đi với Lan thôi”. “Vậy sao Lan không bàn với Đức?”. “Mệt ông quá, nghỉ hè làm cái gì, ăn với ngủ không cũng hết ngày hết tháng, đi với Lan có phải bổ ích hơn không, mai mốt có gì mình phát triển đề tài này thành luận văn tốt nghiệp luôn, mất đi đâu mà sợ”.
Quanh năm thấy Kiều Lan mặc quần jean với áo thun trắng, đi chơi hay ăn uống gì cũng kêu: “Thôi đừng, tốn tiền lắm”. Học chung, chơi chung đã lâu, tôi quá rành tính cô nhỏ. Vậy nên tôi choáng ngợp trước căn nhà bốn tầng bề thế mà Lan bảo: “To nhất khu này đó”.
Lan còn giao cho tôi một chiếc xe đạp thể thao: “Ban ngày ăn uống tự túc, đi khảo sát ghi âm, tối về đây ngủ. Lan đã nói trước với ba má rồi”. Trên chuyến tàu đi Khánh Hòa, hai đứa đã bàn kế hoạch với nhau.
Mà nói cho đúng hơn là Lan phổ biến kế hoạch cho tôi, vì mọi thứ cô nàng đã chuẩn bị trước hết rồi. Ban ngày, hai đứa chia nhau vào xã Suối Cát, một xã của tỉnh Khánh Hòa tập trung rất nhiều người dân tộc Rakley sinh sống, tìm người để thực hiện bảng khảo sát.
Nhà Kiều Lan không gần nơi tiến hành khảo sát lắm nên việc đi lại cũng khá khó khăn. Thường thì tôi phải mang máy ghi âm lên nương vì người dân ở đây suốt ngày đi làm, sống dựa vào nương rẫy. Những đồi nương khô cằn, trên đó trải ra những thân cây bắp nhỏ xíu vì thiếu nước hay thứ màu xanh buồn bã của khoai mì, thân ốm nhom có thật nhiều đốt. Mây vừa nghịch nghịch dùng một lá khoai mì bẻ thành hình sợi dây chuyền đeo vào cổ vừa nói với tôi:
- Anh đang làm chuyện gì vậy?
- Anh ghi lại ngữ âm tiếng Rakley của em.
- Để làm gì?
- Để lưu lại.
- Ông nội em nói tiếng này, ba em nói và bây giờ là em nói, cả ngàn người Rakley ngày đêm vẫn nói và sẽ truyền lại cho con cháu họ, có mất đâu mà anh ghi lại.
- Có những cái không phải làm cho bây giờ mà cho mai sau nữa Mây à.
Mây là một thiếu nữ Rakley nhỏ nhắn, da ngăm ngăm. Đang mùa hè nên Mây không phải tập trung học tại trường dân tộc nội trú tỉnh. Già làng Khê rất hoan nghênh việc Kiều Lan và tôi đang làm nên mới cắt cử Mây đi làm “phiên dịch viên” cho tôi, gặp trường hợp người dân không biết tiếng Kinh tôi phải nhờ cậy Mây.
“Đi với anh, em không phụ ba làm rẫy được, ba em có nói gì không?”. “Ba bảo anh làm việc tốt cho dân làng em, ba vui”. Mây ngập ngừng một lát rồi hỏi: “Anh đã hỏi thật nhiều người nhưng sao anh không nhờ ba em đọc để anh ghi âm”. Tôi thật tình chẳng biết nói sao, cái này phải người làm trong ngành mới thông cảm được.
Người được chọn để khảo sát phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo mức độ chuẩn xác trong phát âm, mà ông Mạ, ba của Mây, lại có hàm răng hô, khó quá. “Ờ”. Tôi buông ra một tiếng hờ hững, không nỡ từ chối thẳng. Trong lòng bối rối mà lại thấy vui vui. Thật ra, trên đường nghiên cứu nhiều khi gặp được người mình cần, nhưng họ không chịu hợp tác với mình đâu.
Không phải ai cũng sẵn một lòng tốt hồn nhiên như cha con Mây. Một số người nói thẳng: “Cây chuối, cây bắp đâu có tự mọc lên khi tôi đang đứng đây mà giúp anh”. “Trả tiền trước đi rồi muốn hỏi gì thì hỏi”. Tôi thấy rõ sự bối rối của Mây khi phải dịch cho tôi những câu như vậy. Thường thì tôi cũng rất sẵn lòng đưa tiền, số tiền nhỏ thôi nhưng trông họ mừng rỡ, họ nắm tờ giấy bạc màu đỏ trong đôi bàn tay của nương rẫy vừa đen vừa to, như đôi tay mà tôi thấy của ông bán kẹo bông dạo của chiều nay.
- Anh làm sao vậy? Ước gì em biết được những điều anh đang nghĩ.
Ngồi bên nhau đã lâu lắm rồi mà cây kẹo bông còn nguyên trên tay Trân. Những cánh hoa dầu xoay tít rơi rơi gần chỗ hai đứa tôi đang ngồi. Cánh hoa khô màu nâu nhạt, giòn và mong manh. Vốn được cưng chiều từ bé, Trân chẳng bao giờ biết có một vùng quê xa xôi không hề được biết thế nào là Internet, biết đến cây kẹo bông nhiều màu hồng trắng xanh, biết thế nào là một công viên với hồ nước phun nhân tạo, những thứ đơn giản nhất…
Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn thầm cảm ơn Kiều Lan. Đó là hai tháng đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Tôi đã biết nhiều hơn là ngữ âm của tiếng Rakley như ban đầu dự tính, mà còn biết về một vùng đất, về những con người, về những cảnh đẹp giấu mình trong vẻ hoang sơ mà quyến rũ đến nao lòng... Đọng lại trong tôi không chỉ là những kỷ niệm buồn bã về sự nhọc nhằn, nghèo khó mà còn tuôn chảy dòng thác Riang Bay, còn chơn chất bao nhiêu mái nhà sàn nằm giữa rừng núi, và thứ tiếng nói diệu kỳ phát ra trên đôi môi xinh hơi cong cong của Mây.
- Tiếc là anh không đến vào mùa có hội, nên không thể thấy cảnh con trai con gái Rakley mặc quần áo đẹp múa hát. Ngày thường bọn em cũng ăn mặc như người Kinh thôi.
- Ờ.
- Anh mệt chưa, hay tụi mình nghỉ một tí nhé! Để xe đạp ở đây đi, em dẫn anh đi đến chỗ này hay lắm!
Một con đường nhỏ xíu, những cô gái gánh nước suối nói ríu rít, miệng nở nụ cười tươi vui trên gương mặt ngăm ngăm, bàn chân bước thoăn thoắt. Kề bên dòng suối là một cây gì lớn lắm nở hoa trắng ngần, hoa rơi vào lòng suối, cánh xoay nhẹ rồi chao nghiêng.
Hồi đó Mây có nói cho tôi biết tên của cây đó, nhưng không làm sao lục lại trí nhớ nổi, chỉ còn hiện ra trước mắt những cánh hoa bé bỏng xoay xoay, xoay như cánh hoa dầu trong công viên này. Ước gì tôi cũng là cánh hoa tự rơi vô tư lự, đã lìa cành còn nhún nhảy yêu đời. Bước thêm vài bậc đá nữa, trước mắt tôi là dòng thác đổ từ cao xuống. Thác không đổ xiết mà lại tung bọt trắng dịu dàng, cảnh rất nên thơ.
- Nơi này đẹp nhất làng em đấy.
Tôi đã chụp cho Mây mấy kiểu ảnh.
Mây ngồi bó gối, ngượng ngùng trên một tảng đá xám giữa suối. Cô đang vốc nước lên đùa, không phải như kiểu các cô gái làm dáng khi chụp hình. Đó là hình ảnh người con gái ngây thơ nhất mà tôi từng gặp. Mây rất hân hoan. Càng vui trông Mây lại càng xinh, nụ cười càng rạng ngời. Chiều đó, Mây đãi tôi một bữa cơm do cô tự nấu. Mây sòng phẳng lắm. Cô không chịu để ai cho không mình cái gì đâu.
Ngôi nhà sàn của hai cha con Mây nằm cheo leo, hơi cách biệt so với những nhà khác trong thôn, phía dưới mấy con bò vừa ậm ừ vừa nhai cỏ. Đó là một bữa ăn đơn sơ mà tràn đầy niềm vui. Chúng tôi đã nói rất nhiều. Mây dùng thứ lá gì đó giã nhỏ, cho vào nước mắm, làm cho mắm có vị thơm thơm, chua nhẹ rất thanh, chấm gì cũng thấy ngon. Ông Mạ thì cười khoe hàm răng vẩu suốt.
- Cho anh nè! – Mây đưa tôi một chiếc răng nanh của heo rừng – Con heo ấy ba em bắt được đó.
- Không nói là “cho anh”, em phải nói là “tặng anh” mới đúng.
- Thì cho cũng là tặng rồi. Anh được nhận quà mà còn... Đúng là lùn mà lối!
Tôi bật cười. Không biết Mây học ở đâu cái câu đó.
- Em hư lắm.
- Em không hư - Mây thè lưỡi ra trêu tôi.
***
Kiều Lan hỏi tôi công việc tới đâu rồi. “Lo mà làm cho xong đề tài, hè sắp hết đến nơi. Ngày khai giảng cận kề rồi đó”. Kiều Lan khó chịu ra mặt khi có lần Mây đi bộ mấy cây số đến nhà Lan để gặp tôi. “Con nhỏ đó coi bộ nhiệt tình quá hén. Đức cho nó ăn gì mà nó mê Đức dữ vậy”. Biết tính Kiều Lan nói năng đôi lúc bốp chát, tôi làm lơ nhưng Lan cứ nói tới:
- Ở đây một thời gian ngắn rồi lại đi, Đức tính sao thì tính, đừng làm khổ người ta, đừng thấy nó khờ dại mà…
- Lan nói gì khó nghe dữ vậy? Mây chỉ đi với Đức, dịch tiếng Rakley giùm Đức thôi mà.
- Đức có nhìn vào mắt nó chưa? Có tới mấy ông sao long lanh trong đó, Lan mà còn thấy rõ rành rành nữa là…
- Đức chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Còn riêng Mây nếu có nghĩ gì thì đó có phải lỗi tại Đức đâu.
Kiều Lan im lặng một chút.
- Đức có biết vì sao Lan lại rủ Đức làm chung đề tài này không? Bao nhiêu bạn cùng lớp Lan vì sao Lan không rủ.
- Thì tụi mình đều cùng muốn bảo tồn tiếng dân tộc.
- Đức có biết Lan thần tượng ai nhất không?
Mệt mỏi do đi ròng rã cả ngày trời, giờ lại còn bị Lan bắt bẻ, tôi chán quá nên im lặng. Lan nói một mình:
- Lan muốn rồi mình sẽ sống cuộc đời giống như đôi vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – nhà thơ Lê Giang. Họ đi khắp mọi miền đất nước, ghi lại những câu dân ca, những điệu lý có từ ngàn xưa, hai người vừa là bạn đời, vừa là bạn tâm giao, và cùng chung chí hướng. Lan tưởng Lan đã được như cô Lê Giang, và mai này có thể cùng người ấy vừa ngao du, vừa làm chuyện có ích cho đời…
Lan khóc. Tôi chưa bao giờ bối rối đến như vậy. Tôi ngồi xuống bậc thang, cơn buồn ngủ bay đi đâu, tan theo giọt nước mắt của Lan đang chảy xuống. Những bậc cầu thang bằng gỗ lên nước bóng loáng, không gồ ghề như bậc thang lên nhà sàn của Mây. Tôi ngồi đó lâu lắm, trong lòng trĩu nặng. Không biết vì sao.
Sáng hôm sau dắt xe đi tôi tránh nhìn mặt Lan. Nhưng thật lạ, Lan cứ tỉnh queo như không có chuyện đêm qua, chỉ có đôi mắt hơi sưng một chút. Lan cũng loay hoay chuẩn bị bảng khảo sát, máy ghi âm như mọi bận. Hay là Lan đùa? Vừa đạp xe đến chỗ Mây tôi vừa tự hỏi. Con gái khó hiểu thật. Nhưng những giọt nước mắt long lanh mà tôi thấy là có thật.
Cho đến bây giờ những giọt nước mắt ấy vẫn còn thấm ướt cả lòng tôi.
Ngày Kiều Lan và tôi thực hiện xong đề tài, thì cũng vừa lúc quay lại trường để chuẩn bị đón năm học mới, tôi không kịp ghé qua thăm nhà mình nữa. Hôm trước ngày đi, Mây có hẹn tôi ra suối, cô sẽ đợi lúc bốn giờ chiều. Tôi không nỡ từ chối.
Tôi đã nợ em rất nhiều trong thời gian mình ở đây. Mây rất hồn hậu giúp tôi mà không hề chờ đợi tôi trả công bằng gì cả. Hôm đó nhà Kiều Lan lại mở tiệc. Tôi đã uống cùng ba má Kiều Lan và ngủ quên đến tối. Khi tôi sực tỉnh và tung mền dậy thì đã trễ lắm rồi. Hi vọng là Mây đợi không thấy đã quay về nhà.
Tôi mong là mong vậy thôi, chứ Mây đã hứa cái gì với ai là cứ đinh ninh nguyên một lời như thế. Trời ơi, nếu mà em còn ngồi đợi! Tôi biết là tôi vô tình. Mây không có nhà. Ông Mạ cũng không. Tôi chạy ra suối. Tôi chạy trong đêm tối, tay nắm chặt chiếc răng nanh heo rừng. Mây đã nói nếu cầm nó thì không sợ bị ma bắt.
Tiếng thác đổ rì rầm. Dưới ánh trăng, Mây ngồi trên tảng đá xám, mặc chiếc xà rông nhiều màu.
- Rồi anh ấy sẽ đến mà, con biết. Ba cứ về trước đi.
Giọng ông Mạ trầm trầm nói gì, tôi nghe không rõ.
Hồi lâu sau, ông đưa tay đỡ Mây dậy. Bóng cha cô đi trước, cô lầm lũi theo sau. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao lúc ấy mình không kêu to tên Mây lên. Sợ ông Mạ ư? Không, ông hiền lắm và rất quí tôi.
Chắc tôi sợ Mây sẽ òa lên khóc. Mới hôm trước tôi đã phải nghe Lan khóc. Tôi sợ nước mắt con gái. Tôi đến chỗ tảng đá Mây vừa rời bước. Tảng đá ướt lạnh sương đêm, chỉ có chỗ trũng nơi em vừa ngồi là ấm nóng. Gần đó có một giò lan nằm lặng lẽ. Chắc Mây cố tình để lại. Những cánh hoa cũng ướt lạnh, thẫm một màu đỏ tía dưới ánh trăng vàng.
NGUYỄN THỊ ÁI PHƯƠNG