Người ở rừng U Minh
Tác giả: Nguyễn Thị Diệp Mai
Chân phải bước lên, trọng lượng dồn lên, thân người như nhảy dựng. Cái tướng đi cà tựng, cà tựng này không thể lầm với ai được. Đó là chân dung một “người ở rừng U Minh” từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, và giờ đây cũng không thể xa được mảnh đất trộn máu thịt đồng đội của mình…
Một lần tôi dẫn đoàn làm phim đến Vĩnh Thuận để làm một phóng sự. Ðoàn đến sân trạm kiểm lâm rừng đặc dụng U Minh Thượng thì thấy trong sân có năm sáu người đàn ông vào rừng trộm sản vật bị cán bộ kiểm lâm bắt giữ. Chú Phục "Tôn Tẫn" đang giải quyết.
- Tui biết bà con mùa nầy thiếu gạo, đành vô rừng làm liều. Hồi đó tới giờ bà con quen ỷ vào rừng rồi...
- Ông nói vậy thì thương mà tha cho tụi tui lần nầy... Kiếm chút đỉnh về bán lấy tiền mua gạo... Của rừng mà.
- Mua gạo thì được, mua rượu nhậu thì không. Nhưng mà Nhà nước đã cấm rồi thì bà con đừng tái phạm nữa. - Chú cầm cái tàng ong trong thùng mật gần nhất giơ lên - Lấy mật thì cũng chừa khúc ong non chớ. Lấy ráo trọi rồi mai mốt còn đâu mà ăn nữa. Của rừng thì cũng phải có gốc, có con mới sanh đẻ được chớ. Mùa nầy mà đốt ong xong liệng luôn tàn thuốc xuống đất. Hồi nãy mà tui không dập kịp thì cháy rừng rồi. Chú thiệt là không có ý thức gì hết!
- Tui lỡ... tui thôi rồi...
- Thôi. Ðược rồi. Từng người vào làm cam kết rồi ra về. Mấy con trúc, con chồn nầy thả về rừng. Mật ong lỡ lấy rồi thì cho đem về làm thuốc. Còn mấy xuồng tràm đã đốn thì tịch thu.
Mấy chú lính kiểm lâm đưa nhóm người vi phạm vô văn phòng làm bản cam kết. Chú Phục "Tôn Tẫn" nhìn theo đám người đầu vấn khăn rằn cũ mèn, quần áo ống cao ống thấp, ố mầu phèn khẽ thở ra. Rừng đang cạn kiệt mà bà con sống nhờ rừng bao đời nay vẫn chưa tìm được cách nào kiếm sống khá hơn. Cứ cái điệu nầy... xử mạnh thì đau lòng, không xử thì chẳng bao lâu U Minh chỉ còn là tên gọi. Ðám người đi khuất, chú khoác súng lên vai kêu đoàn của tôi đi theo chú vào rừng.
Chân phải bước lên, trọng lượng dồn lên, thân người như nhảy dựng. Cái tướng đi cà tựng, cà tựng này không thể lầm với ai được. Người ở Kinh Làng vào rừng trộm lâm sản, đốn tràm lậu... chỉ cần thấy chim chỗ nào tự nhiên bay lên hoảng hốt là biết ngay ông Phục "Tôn Tẫn" tới. Hai chục năm rồi tới chim rừng còn quen chứ đừng nói gì dân. Lưng gài chéo khẩu AK, bộ đồ vải tám đen mốc, đầu quấn khăn rằn, chân khập khiễng, cứ vậy chú cần mẫn ngày ngày ruồng lùm bụi, tuần tra khu vực rừng mình phụ trách.
Tướng chú cao lớn hơn người thường gần cái đầu, khung xương bự chảng, nặng bảy tám chục ký, giọng nói ngòng ngọng. Nghe nói trước kia một mình chú vác bao gạo hai giạ lội rừng tỉnh queo trong khi người khác chỉ có thể vác được một táo.
Có người trong đoàn thắc mắc cái tên Phục "Tôn Tẫn" là nghĩa gì, chú cười ha hả bảo:
- Tại cái tướng tao đi như Tôn Tẫn bị cụt chân, anh em kêu lâu ngày thành quen. Bây giờ họ không nhớ tao họ gì, lót chữ gì luôn. Thôi kệ, nghe cũng hay hay.
Chú kéo ống quần đưa đầu gối mất cái xương bánh chè, cởi nút áo phành ngực cho mấy người tò mò coi. Cái đầu gối mất xương không lạ, nhưng cái bộ ngực sẹo ngang dọc, sần u, chỗ đen chồng lên chỗ đỏ đến không thấy được miếng da lành khiến cho người xem rợn da gà, chắt lưỡi hít hà. Chú lại cười hả hả, khề khà kể.
*
* *
Năm năm mươi sáu, lúc đó Phục hai mươi chín tuổi tham gia lực lượng vũ trang bí mật của ta thành lập để làm hậu thuẫn nếu sau này hiệp định Giơ-ne-vơ không được thực hiện. Ðược phân công ở lại bám cơ sở, Phục vui vẻ nhận. Những năm này giặc mở chiến dịch càn quét, khủng bố, tìm tiêu diệt những cơ sở cách mạng còn bám trụ lại vùng nông thôn. Lực lượng vũ trang của ta được thành lập nhưng vì chủ trương tôn trọng Hiệp định nên không hoạt động công khai. Bọn giặc thâm độc dựa vào điểm này ra tay đánh phá rất mạnh. Phục từng được nghe kể lại có những chiến sĩ của ta bị bọn "tự vệ hương thôn" đánh cho đến chết dù trong tay có súng vẫn không dám chống trả. Giặc ráo riết càn quét dữ dội, bổ ngang xẻ dọc U Minh Thượng như bàn cờ. Chúng chà xát từ đông sang tây, rồi từ tây sang đông, liên tục bắc nam, nam bắc không lúc nào vắng vài cánh quân ăn dầm nằm dề ngày đêm. Các điểm đóng quân của ta bây giờ phải chia nhỏ ra hoạt động, đóng cách nhau chừng hai chục cây số và có một điểm phụ nhưng tuyệt đối bí mật, mỗi điểm chốt chỉ có người tiểu đội trưởng và tiểu đội phó mới biết được chốt thứ hai ở đâu. Phục được phân công làm tiểu đội trưởng bám ở vùng Kinh Sáu La Cua, gần khu dân cư miệt Trí Phải. Tiểu đội Phục theo nguyên tắc chia làm hai tổ. Phục phụ trách điểm tổ một gồm bảy người nằm gần trục kinh vào rừng, cách vùng trồng khóm của dân vài cây số. Vì đây là nơi nằm trong trọng điểm càn quét của giặc, dân trong vùng lúc này đã bị dồn quy khu, nhà cửa vườn tược bỏ hoang. Một sáng được tin báo giặc càn vào chốt, Phục ra lệnh cho anh em rút về điểm chốt của tổ hai. Mọi người chưa chuẩn bị xong, bộ binh ập tới bất ngờ không kịp trở tay. Một số người chạy thoát được, ba người bị bắn chết tại chỗ. Phục vọt ra chạy càn về hướng khác, cố xô cây gây chú ý cho giặc để chia lửa cho anh em có cơ hội rút càng xa càng tốt. Chúng mắc lừa đuổi theo bắn như vãi đạn sau lưng. Phục chạy ào ào, quanh quẹo để tránh đạn. Ước chừng anh em đã rút an toàn, Phục chạy về hướng cái bầu sâu ở phía trái cách chốt chừng năm trăm thước. Phục cúi người định bò xuống bàu "chém vè" thì một viên đạn va vào thân tràm xuyên qua đầu gối phải. Phục nghe cốp một phát, đầu gối tê rần. Biết mình bị trúng đạn, Phục cố trườn thật nhanh lẩn vào đám cỏ lác đã định trước trong lúc chưa có cảm giác đau. Ém xong, có ba thằng thủy quân lục chiến trờ tới, sục sạo. Tìm không thấy gì, chúng chửi đổng mấy câu rồi bỏ đi về hướng khác. Phục ém ở đó tới gần xế, độ chừng giặc rút hết, bò ra, định hướng tìm về trại. Ra khỏi lùm choại, vừa dợm đứng lên, chỗ đầu gối bể bị giựt mạnh đột ngột, mấy mảnh xương bể va vào nhau, đau đến thấu tim óc, Phục choáng váng ngã ngất lịm. Ðến lúc tỉnh lại, trời đã ngã chiều. Phục giở vết thương ra coi. Xương bánh chè bể một miếng lớn dính lủng lẳng với khớp bằng một cọng gân trắng trắng. Phục tháo chiếc khăn rằn quấn đầu gối lại, gượng nhẹ để khỏi bị đau đột ngột. Buộc xong, trán Phục đầm đìa mồ hôi. Không thể đi được, Phục định hướng và bắt đầu trườn. Hai tay bườn tới, đầu gối trái phụ đẩy người lên, súng quảy trên lưng. Còn chừng năm chục thước nữa tới điểm trại, nghe tiếng bọn giặc láo nháo, Phục vội chui núp vào một lùm kín. Bọn giặc phục lại chờ xem có chiến sĩ của ta trở lại lấy xác đồng đội không. Chờ mãi không được, trời tối, chúng buộc phải rút. chúng đi ngang chỗ Phục ém, gió tạt vào mặt nghe mát lạnh. Ðợi một lúc, đoán chắc là giặc đã rút hết, Phục lếch vào trại.
Dưới ánh sáng nhạt nhòa của bóng chiều một cảnh tượng tang thương bày ra trước mắt Phục. Xác Út Sinh, Bảy Lành nằm thành hàng, máu chảy thành một vũng lớn đã đặc quánh. Người nào cũng bị vài dấu đạn, bụng bị mổ phành ra, gan ruột đổ ra ngoài vì bọn ác ôn mổ bụng móc mật. Trong góc trại gần đó thằng Thành mới có mười chín tuổi, trẻ nhất tổ nằm úp mặt xuống đất. Phục nghiến răng thật chặt để khỏi bật khóc nhưng nước mắt cứ tuôn trào không kềm được. Phục lếch lại bên ba cái xác, cẩn thận nhét phần gan ruột lòi ra cho vào bụng, kéo áo che lại từng người, sửa cho họ nằm ngay ngắn. Rồi lếch đến bên thằng Thành, lật thằng nhỏ lại, sửa nằm ngay ngắn, kéo tấm chiếu phủ lên người nó. Phục gạt nước mắt, lếch ra cửa, quay lại nhìn lần nữa:
- Anh em nằm đây, tui đi kiếm người về chôn cất anh em nghe!
Phục định hướng điểm trại tổ hai, cứ như vậy lếch, trườn đi, từng thước một. Ra tới đường mương dọc rẫy khóm, trời đã tối hẳn không còn thấy đường đi nữa. Phục chợt nghĩ hay quay về chốt cũ, nơi đó gần hơn, biết đâu anh em quay trở lại. Nhưng rủi bọn biệt kích phục lại thì sao? Phục quyết định đi về hướng điểm chốt mới. Vết thương bắt đầu đau nhức. Dân trong vùng không còn ai, rẫy khóm bỏ hoang, con mương đầy cỏ lác, đường bờ cỏ lấp đến đầu. Lếch, trườn đã cách chỗ cũ gần ba cây số. Gai góc, mương, sình, hố bom, bò vòng, bườn đại, hai cùi chỏ bắt đầu đau rát. Trăng lên chếch chếch ngọn tràm, Phục mệt lả không còn sức để bò nữa. Nằm một lúc nghe bụng đói cồn cào, đưa mắt nhìn quanh, lờ mờ Phục thấy cách chỗ Phục nằm chục bước có rẫy khoai mì ai nhổ còn sót lại vài cây. Phục bò đến, chọn một cây, gượng nhẹ đứng dậy, trụ trên một chân, nắm cây khoai lúc lắc để nhổ lên. Mỗi lần nhúc nhích, cái chân đau buốt đến tận xương tủy. Gần nửa tiếng đồng hồ, lay, lắc, giật gốc khoai mì đã nhích lên. Nhờ đất U Minh xốp nên gốc khoai đứt ngang nửa củ cái. Theo đà nhổ vọt lên, làm Phục mất thăng bằng ngã ngửa. Vết thương bị động mạnh, đau chết giấc. Ðến lúc tỉnh dậy, trăng đã gần lặn, Phục thấy trong tay vẫn còn nắm cây khoai mì. Lần mò, bẻ được củ khoai, phủi sạch đất, dùng răng cạp vỏ đến đâu ăn đến đó, cứ vậy Phục ăn hết củ khoai. Mắt Phục bắt đầu díp lại, nghe xương sống rân ran ớn lạnh, môi khô rát, lịm dần rồi thiếp đi. Tỉnh dậy, mặt trời đã lên gần tới đọt tràm. Rừng im ắng lạ, chỉ nghe u u tiếng ong tìm mật. Phục nhìn mặt trời bắt đầu định hướng tiếp tục bò tìm về đơn vị. Theo tư thế cũ: tay nắm cỏ, chân tiếp đẩy, rướn người tới, rướn tới...
Một thước, hai thước... Một cây số, hai cây...
Ðến lúc không thể nhích người được nữa thì cũng không còn xác định được mình đã đi bao xa và tới đâu rồi. Mặt trời đã qua đỉnh đầu, Phục không dám quay xít qua phải hay trái vì sợ lạc mất lối đi. Cây súng trở thành một khối nặng đè lên người, cởi nó ra định thảy đại chỗ nào đó. Phục chợt nghĩ lại, nó là tài sản của Cách mạng, bao nhiêu đồng chí đã đổ máu để đưa được nó tới tay Phục. Phục đưa mắt tìm được một gốc tràm um tùm choại, dớn cố sức bò đến. Phục khó nhọc xoay chuyển, giương lê đánh dấu lên gốc tràm, giấu cẩn thận cây súng vào đó, Phục định thần cố nhớ thật kỹ dấu tích, nếu sau này còn sống sẽ trở lại tìm. Tiếp tục bò tới đoạn con mương nối với kinh phòng cháy rừng, Phục tìm quanh được vài khúc mướp khô, bứt bừa hai cọng choại, đặt mấy khúc mướp vào giữa cột thành một tấm bè nhỏ, quấn lại quanh ngực. Xong xuôi, phục tuột xuống mương thả trôi theo dòng nước. Ðầu nghểnh trên mặt nước, tay khoát nhè nhẹ đẩy mình đi. Ðiều quan trọng là làm sao cho khỏi bị ngất đi và va vào bờ. Phục thả "bè" được chừng ba cây số, mấy khúc mướp ngấm nước nở bự dần. "Phựt! Phựt!" hai sợi dây cột cái bè tuột bung. Cái bè trôi vuột đi. Phục hoảng hốt định bườn theo chụp nó lại nhưng chợt nhớ nếu cử động mạnh, vết thương bị động sẽ ngất xỉu. Ngất xỉu bây giờ chìm xuống nước chỉ có chết. Phục cố bình tĩnh, gượng nhẹ, hít đầy một hơi vào phổi, giữ chân bị thương không cử động, tay khoát nước lần vào bờ. Tay nắm được mấy cọng cỏ bắc, chân chạm nhẹ vào đất, Phục thở phào thoát nguy hiểm. Phục ngẩng lên bờ tìm đường lên. Bờ kinh cao dốc cả thước. "Làm sao lên được? - Phục thở dài - Chắc mình chết ở đây". Mắt lại hoa lên, Phục thấy mình lả dần. Chợt nhớ mấy anh bác sĩ quân y nói thương binh uống nước nhiều sẽ chết vì ra máu nhiều. Phục gục đầu uống nước. Uống no sẽ chết. Mấy ngụm nước vào bụng ngọt lịm. Phục tỉnh táo hơn. "Chết thì cũng phải tìm nơi cao ráo mà chết cho xứng đáng cán bộ Cách mạng chứ". Phục chợt nhớ mấy câu hát nghêu ngao của tụi nhỏ trong tiểu đội:
"Ðời nghệ sĩ lăn tuốt xuống mương, ai thèm thương cái thây sình trương?"...
Tự nhiên miệng lẩm bẩm hát theo. Phục bám vào đám cỏ bắc, nhích người từng chút lên khỏi mặt nước. Nhấc được ngực lên bờ Phục ngất lịm, tay vẫn nắm chặt đám cỏ. Tỉnh dậy, tiếp tục trườn lên. Lại ngất. Tỉnh, lại trườn. Lên được đến bờ gối đầu lên một gốc tràm Phục ngất luôn... Tỉnh lại, tiếp tục tiến theo hướng đã định...
"Phựt!", toàn thân Phục bay bổng lên trời, văng phịch xuống đất, chết giấc luôn. Tỉnh dậy mặt trời đã lên gần tới đọt tràm, định thần nhìn quanh, Phục biết chắc mình vẫn còn sống vì vừa nhúc nhích cái chân bị thương đã giựt giựt mấy cái. Cách chỗ Phục nằm chừng chục thước, trên cây tràm lơ lửng cái thòng lọng bẫy heo rừng. May phước lúc đó Phục đặt cái chân đau lên trước chưa tới đúng điểm bẫy đã bật, nếu không thì giờ đây Phục đã chết treo "chân không chạm trời, đầu không tới đất" rồi. Ngẫm nghĩ lại: lính bắn không chết, uống nước không chết, giờ dính bẫy heo rừng cũng không chết, Phục thấy khoái chí bật cười ha hả. Cười một hồi, sẵn dịp Phục mở khăn quấn đầu gối phải ra xem xét. Tuy không nhìn được rõ nhưng vẫn thấy được một lỗ tầy quầy, sưng húp có một cục trắng trắng bằng ngón tay cái. Từ trước tới giờ Phục chăm sóc thương binh, chôn tử sĩ đã nhiều, thấy xương người khác cũng nhiều nhưng xương của mình thì chưa thấy bao giờ. Phục thò tay nắm cục xương dính lủng lẳng, xoay tròn nhẹ nhẹ, rồi mạnh mạnh dần. Ðau thấu tim gan! Phục cắn răng giựt mạnh cái. Cục xương rời ra, Phục cũng ngất xỉu luôn. Tỉnh dậy, mặt trời đã mọc. Cơ thể đỡ mệt mỏi, đầu óc dường như tỉnh táo hơn lúc đêm. Tay Phục vẫn còn nắm mẩu xương đầu gối của mình. Giơ lên xem, nó chẳng khác gì xương của người khác. Phục móc một lỗ đất bỏ miếng xương xuống lấp lại. Phục giũ giũ cái khăn quấn vết thương đầu gối lại. Ngực Phục đau rát như xát muối ớt. Cái áo hơn hai ngày cọ xát với đất, cỏ gai, sình bùn đã te tua không còn hình thù gì nữa. Phục bò đến mặt trời cao huốt ngọn sào thì không thể bò được nữa. Vải áo trước ngực không còn. Da thịt bị cà nát, nhầy nhụa. Máu, thịt, bùn đất, cỏ nát quyện vào nhau. Ðầu óc Phục lờ mờ không còn suy nghĩ được gì. Lùm buội phía trước chập chờn, lúc mờ lúc tỏ. Cử động dường như không còn ý thức. Lếch, trườn, bườn, kéo, nhích tới... Choáng, ngất, tỉnh, choáng, ngất... Mỗi một cái nhích tới, là một lần gan ruột lộn lên. Ðau. Nhức nhối. Xốn xang. Nhích tiếp. Một cái, hai cái... Dừng lại, quơ đọt cây gì đó, bỏ vào miệng nhai. Không còn cảm giác đói, chỉ có khát. Khát cháy cổ. Khát thấu ruột. Khát tới óc. Vị đắng chát trong miệng làm tiết ra chút nước miếng. Cố nuốt tất cả xuống cổ thấy tỉnh táo lại.
Kia rồi, lán trại tổ 2! Phục mừng quá! Sống rồi! Phục nhích từng chút, từng chút. Có hơn hai mươi thước mà mất hơn nửa tiếng. Ðến cửa, Phục trườn vào một góc khuất nằm đợi. Trời ngả chiều không có ai tìm về. Có lẽ nơi đây đã bị giặc phát hiện và anh em rút hết. Bọn biệt kích sẽ trở lại. Phải đi nơi khác, thà chết trong rừng còn hơn để lọt vào tay chúng. Nhưng làm sao để anh em biết có ba tử sĩ ở điểm cứ tổ 1 đang chờ chôn cất. Giờ này chắc xác họ đã sình lên rồi! Ruồi bu, kiến đậu lạnh lẽo quá! Nước mắt Phục ứa ra. Tiếng cười, giọng nói, hình ảnh của từng người trong tiểu đội chập chờn lướt qua. Họ như gần lắm. Lúc nào cũng cười, khổ cũng cười, đói cũng cười, hy sinh mất mát vẫn cười... Họ cười với Phục, họ quấn lấy Phục như người anh cả trong gia đình. Giờ đây, Phục đã không đủ sức chôn cất anh em tử tế, lại không tìm được người giúp đỡ còn đau xót nào hơn. Phải tìm cho được đồng đội, phải lo cho người hy sinh mồ yên... Phục nặng nhọc bò ra khỏi trại...
Tỉnh lại Phục thấy mình nằm trong một trạm xá. Quanh Phục mấy anh em trong đơn vị, đứng ngồi ủ rũ, có người thút thít khóc. Thấy Phục mở mắt ra, họ kêu rần lên, nhảy, reo hò như chưa bao giờ được vui. Phục cựa mình nhưng không được vì toàn thân quấn băng kín như cái xác được tẩm liệm để đem chôn. Phục cất cái giọng ngòng ngọng đòi uống nước. Anh em tìm thấy Phục bất tỉnh nằm ở cách trại chừng một cây số. Phục nằm bất tỉnh ở trạm quân y ba ngày ba đêm, bác sĩ nói chắc không sống được, vậy mà Phục vẫn sống. Ra viện mấy tháng sau, Phục trở lại công tác như cũ, vẫn vác được hai giạ gạo đi rừng. Sau năm bảy năm, Phục xin trở về làm kiểm lâm quản lý khu rừng nơi đã từng chứng kiến ba ngày đêm chết đi sống lại của mình. Rừng còn là nơi có bao nhiêu máu thịt của bạn bè, đồng đội thấm đẫm. Họ tan vào rừng không mộ không bia. Chú không nỡ xa họ.
*
* *
Kể xong, chú bật cười hả hả, làm mấy người ngồi quanh cười theo.
Sau đó tôi có gặp chú Phục "Tôn Tẫn" vài lần nữa vì tôi được phân công theo dõi mảng lâm nghiệp vùng bán đảo Cà Mau. Rừng U Minh liên tiếp bị cháy, bị "tùng xẻo" theo nhiều kiểu. Mạch nước đỏ sậm là máu của rừng mầu đã nhạt hẳn. Cứ mỗi lần tôi gặp lại, chú sút xuống thấy rõ. Sau đợt rừng cháy dữ dội nhất năm đó, cũng là lần cuối cùng tôi gặp chú. Lửa được dập tắt, nhưng lớp đất mùn vẫn âm ỉ nóng. Chú Phục "Tôn Tẫn" bơ phờ đi trước. Bước trồi thụt dường như nặng hơn dù không có khẩu súng trên vai. Chú vẫn giữ thói quen đi trước dẫn đường. Chú đứng lặng lẽ nơi khu tràm có tuổi cao nhất rừng. Những cây tràm trên ba chục năm giờ lá xanh quắn quéo, vỏ xốp trắng cháy đen nhem nhẻm, thân cành ngã la liệt. Hai chú cháu ngồi bệch xuống mặt đất ngập ngụa tro than. Mùi khét cháy của thú rừng khăn khẳn theo gió. Chú không nói với tôi tiếng nào. Mấy khe vết nhăn thời gian tạc thành hình một gương mặt đau câm nín đến khắc khổ. Trời ngả chiều. Mầu nắng đỏ như bản sao của ngọn lửa cao hơn đọt tràm của mấy ngày trước. Chú quay sang tôi:
- Mày nhìn đi, đừng nói gì hết. Còn gốc thì tràm sẽ mọc. Còn nước thì cá sẽ đẻ ròng ròng. Ðất hết nóng thì thú sẽ về. U Minh rồi sẽ xanh lại thôi con. Chú muốn nghỉ một lúc. Về đi con!
Tôi nghe lời đứng lên đi về trạm. Ðến đầu kinh lộ, tôi quay đầu nhìn lại. Chú Phục "Tôn Tẫn" nằm ngửa dán lưng trên mặt đất còn tro nóng. Chú là vậy. Sinh ra ở rừng, lớn lên ở rừng, sống chết ở rừng. Mấy con chim mất tổ chao chát lượn lờ trên không như cố tìm thứ gì còn lại không. Rồi từ đó tôi không gặp lại chú nữa. Tôi nhiều lần cất công tìm hỏi tin tức về chú nhưng không được. Nếu đọc được câu chuyện nầy, xin chú Phục "Tôn Tẫn" hãy theo địa chỉ trên cho cháu của chú biết tin./.