Tí khùng
Tác giả: Nguyễn Thị Mộng Thu
Đó là tên của hắn. Mọi người trong làng, từ người già cả cho đến bọn nhóc tì, ai cũng gọi hắn như thế.
Mẹ hắn, một phụ nữ nửa ngây nửa dại không biết từ đâu trôi dạt về đây. Lúc mới đến cô ả đi từng nhà xin ăn, tối tối chui vào các hàng quán bỏ không mà ngủ, có hôm cô ả còn nằm ngủ ngay dưới bệ thờ trong ngôi miếu đầu làng. Dân quê vốn rộng lòng, ai cũng sẵn sàng nhường bớt cho ả chút ít thức ăn mình có. Có lẽ vì vậy nên ả không đi đâu nữa mà quyết cư ngụ tại đây. Cô ả tuy dở người nhưng khỏe mạnh và khá chăm làm, bất kỳ gặp ai mang xách nặng hoặc bận rộn chuyện gì ả đều xấn tới “làm giúp cho” nên rất được lòng chòm xóm.
Một thời gian dài, thấy ả cứ loanh quanh ăn xin mãi trong làng, người ta bèn họp nhau lại bàn tính cho cuộc sống của ả. Gần một buổi bàn bạc với nhau, cuối cùng họ quyết định:
-Trời đất khiến xui nó về ở làng mình, thôi thì mình chung tay mà lo cho nó vậy!
Thế là hôm sau họ dựng cho ả một túp lều con con trên mảnh đất công bên cạnh ao làng. Rồi thì người mang tới cho chiếc nồi cũ sứt quai, người giúp vài ba cái chén, đôi đũa… Cả làng nhộn nhịp, vui như có hội. Họ đùa với nhau “hôm nay cho gái ra ở riêng”. Mọi người trêu chọc ả, ả cứ nghệch mặt ra cười. Ả đã có một ngôi nhà để che sương che gió. Tối đó người ta nghe tiếng ả hát, chẳng biết hát bài gì nhưng chắc hẳn lòng ả đang vui, và dân làng cũng vui lắm.
Từ đó, ả thôi không đi xin ăn nữa. Ngày mùa, ả giúp người ta phơi phong, thu dọn hoặc gánh rơm, gánh lúa, làm cỏ… Nói chung, những công việc đơn giản và không nặng quá nặng nề thì ả làm được hết. Lúc rảnh việc, ả tới quét dọn nhà máy xay lúa để nhặt nhạnh gạo thóc rơi vãi, người ta thương tình thường vốc hàng vốc gạo cho vào cái túi cũ kỹ lúc nào ả cũng đeo kè kè bên hông. Ả không biết đếm tiền và cũng không biết tiêu tiền, nên người ta trả công cho ả bằng gạo, cá, mắm muối, áo quần, chỉ thỉnh thoảng mới có người đưa cho vài đồng lẻ để ả ăn quà bánh. “An cư lạc nghiệp”, cuộc sống của ả từ ngày có nhà riêng dần dần khá lên, trong nhà lúc nào cũng có sẵn vài ba lít gạo. Ả bắt đầu đỏ da thắm thịt, áo quần tươm tất hơn lên.
Ai cũng tưởng cuộc đời ả cứ bình lặng trôi đi như thế, nhưng rồi một hôm ả ngã bệnh. Buổi sáng không thấy ả, bọn trẻ đến nhà tìm rủ ả đi bắt cua đồng thì thấy ả ngồi ủ rũ, nôn ọe từng cơn. Người ta đè ả ra cạo gió và ngày nào bà cụ hàng xóm cũng nấu nước lá sả, lá dầu gió cho ả xông, nhưng cái chứng nôn ọe của ả mãi vẫn không hết, mới mấy ngày mà ả đã xanh như tàu lá. Cuối cùng người ta khám phá ra rằng ả đã mang thai.
Cái tin động trời đó vỡ ra làm hết thảy đàn ông, trai tráng trong làng mất ăn mất ngủ, nhớn nhác lo âu. Đám phụ nữ thì tức giận, họ quyết tìm cho ra kẻ khóân nạn nào làm chuyệt bất nhân ấy. Họ nhỏ to khuyên bảo, răn đe rồi dẫn ả đi từng nhà để nhận mặt chỉ tên kẻ đã ăn nằm với ả. Ả riu ríu đi theo, nhưng tới đâu ả cũng lắc đầu nguầy nguậy, sau những cái lắc đầu đó là những tiếng thở phào nhẹ nhõm của các đấng mày râu. Ả bước ra khỏi cửa nhà ai, y như rằng sau lưng ả mấy ông sồn sồn, trai tráng đều chắp tay xá dài, nửa đùa nửa thật “bà mà chỉ quàng xiên là tôi khó sống”!
Gần một tuần lùng sục vẫn không tìm ra thủ phạm, các bà thôi không bắt ả đi nữa. Vả lại họ mừng vì chồng con mình không dính dáng nên cơn giận cũng nhanh chóng qua đi. Mọi người lại đùa rằng tại ả “đón nhiều gió nam quá nên phưỡn bụng ra như thế!”
Tám tháng sau Tí khùng ra đời. Người ta vẫn chưa biết cha hắn là ai, ẩn núp ở đâu sau những gương mặt chân chất quanh đây? Hắn là một thằng bé bụ bẫm, hay ăn chóng lớn và có gương mặt sáng láng nên dân làng bảo nhau “Thằng Cu Tí này lớn lên sẽ nuôi mẹ nó đây! Trời thương mẹ nó nên cho nó xuống đầu thai để phụng dưỡng…”.
Nhưng khi hắn được 5, 6 tuổi người ta bắt đầu nhận thấy ở hắn có những nụ cười ngờ nghệch, ánh mắt hắn nhìn dài dại và những cử chỉ, lời nói không giống trẻ con bình thường khác. Cả làng thở dài thất vọng.
Năm hắn lên 10 tuổi, một đêm mùa hè oi bức, mẹ hắn trải chiếu ra sân nằm ngủ, và đã ngủ luôn không bao giờ còn thức dậy được nữa.
Đám tang mẹ hắn tuy sơ sài nhưng cũng có đông bà con lối xóm. Cũng có người khóc ả vì tuy không bình thường nhưng ả sống không mất lòng ai. Hắn cũng khóc, khóc to lắm, nhất là lúc hạ huyệt hắn cứ nháo nhào đòi lao xuống theo cỗ quan tài. Người ta bắt giữ hắn lại , hắn cố giãy dụa, cố dằn ra, rồi hắn quỵ xuống khóc nấc từng cơn, dòng nước mắt tràn ra khỏi đôi mắt dại khờ của hắn.
Sau đám tang mẹ, hắn lại sống tiếp cuộc đời của mẹ hắn trước kia. Nhưng hắn không đi quét dọn nhà máy xay lúa nữa mà làm những công việc khác nặng hơn. Hắn giúp người ta chăn trâu, cắt cỏ, gánh lúa, gánh phân. Vì thuê hắn không phải trả ngay bằng tiền mặt nên người ta thích gọi hắn đến làm, chẳng khi nào hắn thất nghiệp. Hắn là kẻ chăm làm, nhà ai sắp có tiệc tùng hoặc ma chay, cưới hỏi hắn luôn là người đến giúp việc đầu tiên và ra về sau cùng. Gánh nước, bửa củi, khuân bàn ghế… việc nào cũng có hắn, và hắn làm bằng hai, bằng ba kẻ khác. Khi mọi việc xong xuôi, khách khứa đã ngồi vào bàn và mâm cỗ được dọn lên hắn vẫn chưa hết việc. Hắn tự coi nhiệm vụ châm nước, pha trà, dọn bàn… là của mình. Nếu đói, hắn mò xuống bếp xin một tô gì đó rồi ăn vội ăn vàng để không lỡ việc.
- Tí khùng ơi, nước sôi chưa?
- Tí khùng ơi, lấy giùm chai rượu!
- Tí khùng, dọn mâm này đi!
- Tí khùng, thêm chén đũa…
Mãi đến lúc tiệc tàn người ta mới mời hắn ngồi vào mâm cơm gia đình, hắn tỏ ra vui vẻ, bằng lòng lắm. Hắn đã quen như vậy, người ta cũng quen như vậy!
Hắn làm quần quật, chơi đùa quần quật. Người lớn thích hắn, trẻ con cũng thích hắn. Hắn sẵn sàng giả làm bò, làm ngựa cho chúng cưỡi trên lưng, hoặc trèo chót vót lên cây hái những chùm trái keo cong queo, chín nứt nở phơi lớp cơm trắng nõn đem cho lũ trẻ.
Mười sáu tuổi, hắn đã có cái sức vóc của một thanh niên cường tráng, hắn lại thừa hưởng của mẹ cái nết siêng năng, hiền lành nên nhanh chóng hắn trở thành cánh tay đắt lực trong làng. Giống như mẹ, hắn không biết xài tiền, có đồng nào là hắc chạy vội đến quán bà Ba Ú mua hết bánh kẹo chia cho đám trẻ con trong xóm. Nhờ hắn có sức lực lại chịu khó nên người ta trả công cho hắn hậu hĩ lắm. Bây giờ hắn “giàu” hơn mẹ hắn trước kia nhiều! Căn chòi sau nhiều lần sửa chữa đã được dựng thành một túp lều nhỏ khang trang. Dân làng còn bàn tính tìm một đứa con gái nào đó mồ côi hoặc cũng thuộc loại dở hơi đem về làm vợ hắn, nhưng mãi mà họ chưa tìm được.
Thường thì nhà hắn hay có sẵn một ít đường, trứng hoặc trái cây… đó là những thứ người ta trả công cho hắn. Từ ngày cuộc sống của hắn sung túc lên, hắn ít chơi đùa với lũ trẻ, ít lân la đi xem tivi buổi tối, hắn có những cuộc vui riêng tại nhà hắn ở cuối làng. Bọn trai tráng bất hảo trong xóm và các xóm lân cận trở thành bạn bè của hắn từ lúc nào không ai biết rõ. Ban đầu, buổi trưa hoặc tối bọn chúng tụ tập ở nhà hắn để uống trà, đấu láo với nhau và trêu chọc, cười đùa cùng hắn. Hắn ngây ngô và tốt bụng, hắn sẵn sàng đem hết thức ăn có trong nhà ra thết đãi đám bạn lôm côm đó. Bọn chúng toàn những kẻ lười chảy thây, chỉ thích chơi bời lêu lỏng chứ chẳng màng mó tay vào công việc.
Thỉnh thoảng có tiền là đem nướng hết vô sòng bạc hoặc nhậu một chầu đi tong, sạch túi! Trong làng, lâu lâu lại xảy ra một vài vụ trộm vặt: mất buồng dừa, con gà, ổ trứng… Chưa ai bắt được tận tay, nhưng ai cũng biết chắc rằng chính đám thanh niên lêu lỏng ấy là thủ phạm.
Bọn chúng được hắn tiếp đãi nồng hậu quá nên – như chúng nói – chúng thương cho cái số kiếp điên khùng của hắn, chúng là những người bạn tốt, muốn kết nghĩa đệ huynh với hắn để chia xẻ những buồn vui trong đời hắn, để bênh vực hắn nếu có kẻ nào thấy hắn ngây ngô dám ăn hiếp hắn, bắt chẹt tiền công của hắn. Bọn chúng thi nhau nói, hắn nghe những tiếng “đệ đệ, huynh huynh” đó ngồ ngộ, những cánh tay “thân ái” choàng qua vai hắn làm hắn thấy ấm áp hơn, yên tâm hơn. Hắn không thể hiểu hết bọn chúng nói gì nhưng hắn vui lắm nên cứ ngoác miệng ra cười , cười mãi, và ngoác miệng ra uống ừng ực cái chất nước đắng đắng, cay cay mà lũ bạn tốt ấy đổ vào miệng hắn. Đêm ấy hắn và đám bạn say mèm, ngủ lăn lóc khắp nhà, nằm cả trên những vũng ói.
Sáng ra hắn thấy đầu nhức như búa bổ, lại nặng trình trịch, cố gắng lắm hắn mới ngồi dậy nổi. Hắn lê ra lu nước ngoài hè, khom đầu xuống uống ừng ực, mặt mũi tóc tai ướt nhẹp. Đã cơn khát, hắn xăm xăm đi ra ao nhảy ùm xuống tắm táp. Lúc trở lên bờ hắn cảm thấy người nhẹ nhõm hơn. Sau khi khép cửa lại, hắn lầm lũi ra đồng, bỏ mặc đám bạn đang say ngủ trong nhà.
Những đêm vui như thế cứ nối tiếp nhau, ngày sau kéo dài hơn ngày trước. Hắn đã biết thích thú khi uống rượu, hắn cũng đã biết phì phèo hút thuốc. Dân làng có người khuyên hắn, hắn chỉ cười. Nhà hắn bây giờ trở thành nơi tạm trú của bọn “đệ huynh”, hắn đi về mỗi ngày không còn đơn độc nữa. Hắn không đủ trí khôn để suy nghĩ mỗi lúc nhìn vào hũ gạo rỗng không và cái chạn đựng thức ăn thì trống hươ trống hoác. Lũ huynh đệ của hắn những lúc ngà ngà say cứ rút bừa vách nhà đun vào bếp lửa, nổi hứng thì ca hát và đập xoong nồi loảng xoảng nên cái nào cũng móp méo thảm thương, và khi “máu anh hùng” nổi dậy chúng đập cả chén bát và bất cứ thứ gì có thể đập được trong nhà, rồi thì xoay ra đập lộn lẫn nhau.
Giờ thì nhà hắn nhìn thảm lắm, bản thân hắn cũng thê thảm lắm. Lũ huynh đệ tốt ấy rất nhiệt tình “chia sớt” thức ăn với hắn nên hắn không còn đủ lương thực phục vụ cho cái bao tử to đùng của mình nữa. Đã vậy những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm làm cơ thể hắn rã rời. Hắn trở nên biếng nhác và làm việc hời hợt, qua loa. Người ta vốn không thích hắn kết bạn với lũ kia, ngăn cản không được, giờ thấy hắn lại lười biếng nên họ ít khi nhờ hắn làm việc nữa, cũng chẳng còn ai cho nhiều thức ăn để hắn mang về “bảo trợ” bạn bè.
Không có việc làm hắn càng nhậu nhẹt nhiều hơn. “ Huynh là thằng khùng nên tụi nó xử tệ với huynh, đệ sẽ cho tụi nó một bài học để biết thế nào là lễ độ! Đ.M., tụi nó là quân chó đẻ, tụi nó tẩy chai huynh thì thằng em này nuôi huynh, huynh đệ như tay chân mà, phải không huynh?” Hắn lại ngoác miệng ra cười khi nghe những lời tâm sự lè nhè ấy.
Nhà hắn tuy không còn gì để ăn nhưng vẫn còn còn là nơi tụ tập của đám “ đệ huynh thủ túc” ấy. Dân làng không nỡ nhìn hắn chết đói, nhưng họ cũng không thể nhìn hắn bị bọn người kia hút máu, vả lại không mướn được ai hời như hắn, họ gọi hắn trở lại làm việc. Nhưng lần này chẳng ai trả công gì cho hắn mang về mà bắt hắn ăn uống tại chỗ. Hắn không phản kháng, hắn vô tư đánh chén, đến chiều hắn lại vô tư về nhà lăn vô mâm nhậu.
- Đ.M., huynh là thằng chơi xấu, huynh phản bội anh em, huynh ních một mình một bụng mà không chia sớt cho ai cả, huynh không đáng mặt anh hùng!
Hắn tợp một cái hết ly rượu, nhón tay bốc mấy hột đậu phộng rang bỏ vào miệng nhai nhóp nhép rồi lại ngoác miệng ra cười, làm thằng “huynh đệ” tức lộn ruột. Nó đứng lên đạp hắn một cái thật mạnh làm hắn ngã ngửa ra sau đúng vào cái bếp lửa đỏ rực, mấy cành củi văng tung tóe…
Người ta cứu hắn khỏi vết bỏng nặng ở đầu, nhưng người ta không cứu được đôi mắt hắn, đôi mắt dại khờ, đờ đẫn ấy mãi mãi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa rồi!
Người ta xót xa cho hắn, thương hại hắn, lo lắng cho quãng đời còn lại của hắn.
- Rồi chắc nó cũng phải bị gậy đi ăn xin thôi!
Dân làng buồn lắm!
Hắn cũng buồn lắm!
Hắn mù rồi! Hắn không nhìn thấy gì nữa cả! Mấy hôm nay hắn cứ ngồi một chỗ chờ những người còn nợ công mang cơm đến cho hắn. Giờ đây hắn buồn quá, hắn nhớ cái không khí ồn ào mỗi tối trong nhà, hắn nhớ những tiếng đệ huynh là lạ mà vui tai, hắn nhớ vòng tay choàng qua vai hắn. Đầu óc âm u của hắn không biết thế nào là tình đời đen bạc nên lúc này hắn chẳng óan trách ai, vả chăng hắn cũng đâu biết thế nào là oán trách.
Hắn mò mẫm tới chạn đựng thức ăn, mò mẫm tìm được diêm quẹt, hắn lại lần dò đi ra hè múc nước đổ vào ấm, còn một ít trà trong hộp, hắn nấu sẵn nước để chút nữa huynh đệ tới có cái mà vui với nhau. Hắn vừa đun lửa vừa nghĩ mông lung.
Hắn không rõ bây giờ trời đã tối hẳn chưa, có lẽ tối lắm rồi vì hắn đã ăn cơm chiều từ lâu. Sao huynh đệ của hắn mãi hôm nay cũng chưa đến thăm hắn kìa?
Ủa, sao bây giờ lại nóng như thế, mới lúc nãy không khí còn dễ chịu lắm mà! Hắn nóng quá, nóng như bị lửa đốt vậy, mà hình như có lửa thật, có tiếng gì nổ lép bép đâu đây. Hắn quờ tay vào vách và rụt ngay lại. Lửa rồi! Cháy nhà rồi! Hắn muốn kêu lên nhưng không hiểu sao đầu hắn nặng quá, miệng hắn cứng quá không mở ra được, hắn loay hoay tìm đường ra cửa. Ừ, ra được ngoài sân nhảy xuống ao tắm một cái cho mát!
Nóng quá! ngột ngạt quá! Hắn thấy khó thở. Lối nào ra cửa hắn cũng không biết nữa, hắn chưa quen sống với cảnh đui mù. Hắn vấp chân ngã sóng soài ra đất, và trong một tích tắt đó dường như mắt hắn sáng ra, hắn nhận thấy quanh hắn rực lửa. Lửa làm hắn chói, hắn vội nhắm mắt lại, hắn quờ quạng như tìm cái gì đó, tìm mãi, vô vọng…
Đám tang hắn thật buồn. Người ta đưa tiễn hắn như ngày xưa đã từng tiễn đưa mẹ hắn.
Dân quê vốn rộng lòng, chôn cất hắn xong, họ quay về dọn dẹp đám tro than trên nền nhà cũ. Thay vào đó, họ dựng một cái miếu con con để đèn nhang cho mẹ con hắn, hai kẻ mà trời đất khiến xui đến sống ở đây và chết ở đây.
Lũ trẻ con mới cách đó không lâu hễ thấy Tí khùng là ùa tới nô đùa, giờ thì chẳng đứa nào dám bén mảng đến khu vực ấy. Bọn trẻ kháo nhau “Tí khùng chết oan, hồn ma hiện về cháy đen, còng queo, ghê lắm!”.
Còn người lớn thì chép miệng thở dài:
- Tội nghiệp!