watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ngày hạnh phúc - tác giả Nguyễn Trọng Hoạt Nguyễn Trọng Hoạt

Ngày hạnh phúc

Tác giả: Nguyễn Trọng Hoạt

Chiều thứ bảy, như bao thứ bảy khác, chắc Chiến sẽ về. Từ trưa, anh Ba đã bồn chồn ngóng con. Đang nằm trên giường, nghe tiếng xe máy chạy trên đường làng, anh liền nhổm dậy, nheo mắt nhìn qua cửa, nhìn đến khi chiếc xe lướt qua ngõ nhà mình cuốn theo lớp bụi mù mới thôi. Bữa trưa có món canh cua rau đay, anh rất thích nhưng chỉ và được lưng chén cơm rồi chống đũa nhìn mông ra khoảng sân đầy nắng. Tôi bảo: “Chiều nó còn làm việc, giờ chưa về đâu”. Anh ừ ừ, ngồi lặng nhìn tôi dọn mâm. Đón ly nước từ tay tôi, anh nói: “Dứt khoát hôm nay anh phải nói chuyện với Chiến”. Chẳng nhớ đã bao ]ần anh không thực hiện được ý định ấy. Và mỗi lần lỡ hẹn với chính mình, anh lại day dứt, mất ngủ.
*
* *
Ngày quê hương giải phóng, anh Ba về, không phải từ chiến khu mà từ trại an dưỡng ngoài Bắc. Chẳng lặng lẽ một mình như ngày đi, anh về cùng chị Điệp và Chiến. Chiến lúc đó hai tuổi, được mẹ bồng trên tay. Me tôi chạy ra ngõ, ôm lấy con trai, khóc. Tưởng mơ, bà đẩy anh ra, nhìn từ đầu tới chân, miệng cười mà nước mắt chảy dài. Phút xúc động qua, bà nhìn chị Điệp, ý chừng muốn hỏi. Bà chưa kịp lên tiếng, chị đã nhắc Chiến: “Lại với bà nội đi con”. Thằng bé tròn mắt, rụt rè; mẹ tôi bồng xốc lấy nó, hôn hít khắp người... Tiễn bốn con đi đánh giặc, giờ chỉ anh Ba tôi trở về, có thấu nỗi đau ấy mới hiểu niềm vui của mẹ trong ngày gặp con, dâu và cháu nội.
Chỉ qua vài ngày, Chiến đã bám lấy bà. Bà đi đâu, nó cũng lủn củn đi theo. Đến bữa ăn nó ngồi trong lòng bà, khi ngủ phải gối lên người bà nó mới chịu. Mỗi lần bị mẹ bẻ roi rượt vì hoang nghịch hay nói hỗn, Chiến nhào tới ôm lấy bà. Chiều chiều, mẹ tôi cõng Chiến đi chơi khắp xóm. Hình như bà muốn khoe đứa cháu - hiện thân của niềm vui vô bờ sau bao đau thương, mất mát. Ở quê nhưng Chiến chẳng bao giờ được tắm sông, leo cây, đánh trận giả bởi mẹ tôi cưng nó hơn cả trứng mỏng. Chẳng biết từ đâu, trong xóm có tiếng xầm xì sao Chiến chẳng giống ba. Lời bình vu vơ ấy lòng vòng rồi đến tai mẹ tôi. Chị Điệp ngăn mãi bà mới thôi truy kẻ “độc mồm độc miệng” nào đó khiến bà bực tức.
Rồi tôi cũng được biết cái góc khuất trong cuộc đời anh trai, chị dâu mình. Với giọng buồn buồn, chị Điệp kể tôi nghe thời trai trẻ của hai người vào một đêm trăng, bên gốc xoài trước ngõ. Chị bảo ngày mẹ còn sống, chị không dám kể chuyện này sợ vơi đi niềm vui hiếm hoi trong cuộc đời chất chồng khổ đau của mẹ.
... Chị nguyên là cơ sở hoạt động trong phong trào sinh viên ở nội thành, bị lộ nên phải nhảy núi. Giữa ngút ngàn bom đạn nơi chiến khu ngày ấy, sự xuất hiện đột ngột của người đẹp Hoàng Điệp đã khiến bao chàng trai rung tim, xao lòng. Chẳng có mốt nào khác ngoài mấy bộ bà ba màu lá nhưng mấy chàng trong cơ quan binh vận của chị để ý hơn đến ăn mặc, râu tóc và cả nói năng. Anh Ba cũng không phải ngoại lệ. Là đội trưởng bảo vệ và sản xuất của cơ quan, anh chẳng có công văn tài liệu nào để lấy cớ gần cô văn thư xinh đẹp. Anh dành cho mình quyền yêu Hoàng Điệp trong câm lặng. Cả khi chị đã yêu Vĩnh, chàng trai đàn giỏi, hát hay của cơ quan, anh cũng không lấy lại được thăng bằng cho trái tim khó bảo của mình.
Hoàng Điệp có bầu. Cha đứa bé - người thứ hai có lỗi trong chuyện này? Câu hỏi ấy lặp đi lặp lại trong buổi sinh hoạt chi đoàn kiểm điểm chị. Nhiều đôi mắt dồn về phía Vĩnh đang ngồi ở góc lán, hàm ý động viên anh ta lên tiếng.
Nhưng Vĩnh phì phèo hút thuốc, mặt tỉnh bơ, cả khi chị thút thít khóc. Chị bảo, Vĩnh không dám nhận sự thật, chị cũng chẳng giận. Nhưng chính vẻ lạnh lùng dửng dưng của Vĩnh khiến chị đau xót nghĩ anh ta không xứng đáng làm cha dù đích thị là cha của con chị. Bởi thế, chị nín lặng chịu kỷ luật một mình. Tan họp, anh Ba đi về phía Vĩnh trừng mắt, quăng vào mặt anh ta: “Đồ hèn!”. Trước ngày lên đường ra Bắc để sinh cháu, chị Điệp nhận lời để anh Ba làm cha đỡ đầu cho con chị. Bấy giờ anh mới mở lòng mình, chị sững sờ khi muộn màng nhận ra tình yêu chân thật.
Chị Điệp đi được không lâu thì Vĩnh chiêu hồi. Hắn trượt dài tội lỗi khi dẫn bọn biệt kích bất ngờ đánh lên căn cứ. Đã quá quen những bãi chông, mìn bảo vệ cơ quan từ vòng ngoài, Vĩnh dễ dàng dẫn địch vượt qua vật cản, tiếp cận cơ quan, đánh úp. Trong cuộc chiến đấu ấy, anh Ba bị thương nặng và được đưa ra Bắc. Khi biết tin, chị Điệp bồng Chiến đi khắp các bệnh viện, trại an dưỡng dành cho cán bộ miền Nam để tìm anh, đến cả ban Thống nhất Trung ương để hỏi. Hôm gặp anh ở Hà Đông, chị khóc nhiều hơn nói. Anh xanh gầy trắng nhợt sau lớp bông băng khắp người. Lúc sốt mê man, anh cứ gọi chị. Khi tỉnh, anh cầm chặt tay chị, cứ như sợ mất chị lần nữa. Nhưng còn đi học nên chị không thể ở với anh lâu. Chị gởi lòng mình vào từng trang nhật ký và những lá thư đều đặn mỗi tuần cho anh. Nhưng anh thì không thế, thỉnh thoảng mới có đôi dòng cho chị và rồi thôi hẳn. Chị chơi vơi hẫng hụt khi đọc lá thư cuối cùng anh viết từ trại an dưỡng, rằng hai người không có duyên với nhau, chị nên tìm người khác làm cha cho Chiến. Chị gởi con, mượn xe, đạp liền một mạch hơn trăm cây số trong đêm tìm đến anh. Anh lánh mặt. Chị không thể trở về khi chưa biết lẽ gì đã khiến anh đổi lòng. Khi hai người ngồi với nhau nơi ghế đá dưới bóng cây nhãn xum xuê trong khuôn viên bệnh viện, chị bảo: “Nếu không còn thương em và con, anh hãy nhìn vào mắt em để nói điều ấy”. Bất ngờ, anh ôm lấy chị, khóc. Chị bàng hoàng khi biết đạn thù đã cướp của anh phần thân thể kín đáo nhưng rất riêng của đàn ông. Anh không thể làm chồng trọn vẹn, càng không thể làm cha. Bởi thương chị nên anh không muốn chị khổ. Đã thế, chị càng không thể xa anh.
Tôi chợt nhớ, những đêm khuya, chị không ngủ được, ngồi nơi bậc thềm, thở dài bâng quơ. Rồi những sáng sớm, chị dậy làm việc quần quật, cứ như làm để kìm nén, để quên nỗi niềm nào đó. Chồng hy sinh như tôi đã đành; còn chị, có chồng nhưng... Tôi hiểu khoảng trống khó nói thành lời trong những tháng năm chị làm vợ anh Ba.
Đã qua rồi bỡ ngỡ, khi lần đầu chị xắn quần bước xuống ruộng cấy, ai cũng nhìn đôi chân trắng như ngó sen của chị mà lắc đầu, ái ngại. Chỉ còn trong lời kể về chuyện chị đỏ mặt đưa hai tay đỡ cây đòn gánh trên vai mỗi khi gánh lúa, gánh rạ. Ngay cái tên đẹp của chị cũng không mấy ai còn nhớ, người làng quen gọi chị theo thứ của chồng- chị Ba. Mỗi khi bạn bè chị tới thăm, cứ “mày, tao” một lứa khiến tôi giật mình bởi nhìn chị già hơn họ cả chục tuổi. Chị dâu tôi đã lặng lẽ gắn đời mình với làng cát nghèo xác xơ này. Cô nữ sinh xinh đẹp ngày nào dường như chỉ còn trong tấm ảnh chị đội mũ tai bèo được treo trên tường. Người lạ đến chơi, nhìn ảnh cứ tròn mắt: “Ai mà đẹp thế này?”. Thương chị nhất là khi anh Ba ốm. Một mảnh đạn còn trong đầu nên mỗi khi gió bấc, mưa giông là anh lại lăn ra vật vã. Những lúc ấy chị thức trắng đêm, chăm cho anh còn hơn chăm đứa bé ẵm ngửa. Lúc tỉnh lại, nhìn vợ hốc hác, anh rủa mình: “Sao không chết quách đi cho vợ con đỡ khổ!”. Nhưng anh vẫn sống để phải chứng kiến nỗi đau mất chị. Chị “ra đi” sau một cơn bạo bệnh, đúng lúc Chiến học đại học năm ba. Nỗi đau mất mẹ khiến thằng bé ngơ ngơ cả tháng liền, trông thương ứa nước mắt. Nó nâng niu từng di vật mẹ để lại, từ quyển sổ, cây bút đến chiếc mũ tai bèo, cái ba lô bạc màu. Chiến ít nói hẳn, cả bước chân như cũng khẽ hơn.
Ra trường, Chiến làm việc ở thành phố. Khi đi xe đạp hay lúc có xe máy, đều đều nửa tháng Chiến lại về. Mấy lần anh tôi nhắc phải dành tiền để còn lo chuyện vợ con, nhà cửa nhưng nó chỉ cười. Anh nhắc thế bởi nó cứ dồn lương mua cho anh từ cái dao cạo râu đến cái kính lúp để đọc sách, từ radio đến quần áo, giày dép và nhiều nhất là thuốc chữa bệnh. Hôm mắc được điện thoại, nó hướng dẫn tôi cách gọi và dặn: “Khi ba cháu có chuyện gì, cô a lô vào đây, cháu về ngay”. Mới đây, Chiến dẫn bạn về, mang theo cái máy, nó bảo là camera. Thế là khi anh tôi ngồi đan rổ hay đọc sách, kéo ống nước tưới trầu hay cắt tỉa hàng chè tàu trước ngõ, cả lúc anh đứng ngắm giàn khổ qua trước sân... thằng bạn nó cứ chĩa ống kính về hướng đó. Nó nài nỉ ba làm những việc như mọi ngày để đứa bạn quay phim. Tôi hỏi: “Để làm gì?”. Nó ghé tai tôi, nói nhỏ: “Ba cháu yếu rồi, cháu muốn ghi những hình ảnh này để kỷ niệm”. Chiến sẽ nghĩ sao nếu biết cháu không phải là con đẻ của anh Ba? Dự cảm về những điều không vui khi sự thật này mở ra khiến tôi phập phồng, không yên. Đã mấy lần tôi khuyên anh đừng nói chuyện này với Chiến nhưng anh không chịu.
*
* *
Dọc đường xe hư nên Chiến về trễ hơn mọi lần. Anh Ba ra sân đón con, nhắc đi tắm rồi ăn cơm luôn. Suốt bữa, anh chỉ gắp thức ăn cho con, lặng nhìn trìu mến. Chiến vẫn vô tư, vừa ăn vừa nói chuyện tía lia. Một lát nữa, khi anh tôi nói chuyện với Chiến, liệu những ngày cuối tuần đầm ấm thế này còn không? Nỗi lo khiến tôi bần thần.
“Điều này ba định nói với con từ lâu - Khi ngồi uống nước với Chiến ở bộ ván giữa nhà, anh Ba bắt đầu, giọng chùng xuống - Ba chưa nói được chẳng phải vì ích kỷ mà vì thương con, sợ con buồn...”. Chiến cắt ngang: “Thôi, ba đừng nói nữa”. “Mỗi người cần biết sự thật về thân phận mình con ạ. Ứng xử trước sự thật ấy thế nào lại là chuyện khác - Giọng anh xa xăm - Đó là một câu chuyện dài nhưng gọn lại một điều, Chiến ơi, con không phải là...”. Anh nghẹn lại, lệ ứa ra. Chiến ôm lấy ba, tưởng như có nước mắt thấm trong từng lời: “Con hiểu điều ba định nói. Ba ơi, sau ngày mẹ mất, đọc nhật ký của mẹ, con mới hay mọi chuyện. Nếu biết điều này sớm hơn, chắc con không thể im lặng. Nhưng lúc đó con đã cố nén lòng, không dám hỏi lại, sợ ba buồn...”.
Anh Ba ôm chặt lấy con. Hai mái tóc khẽ rung rung. Tôi ngoảnh mặt, không thể cầm lòng trước những giọt nước mắt khổ đau và hạnh phúc.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Trọng Hoạt

Với tình yêu

Ông lão nằm viện

Đêm cuối năm