Một người muốn đập vỡ đàn
Tác giả: Nguyễn Tuân
Đêm thứ bảy này, cũng như tất cả những đêm thứ bảy trước, Xuân phải đánh đàn nhiều quá, bởi vì những tối thứ bảy là tối kiếm được nhiều lời, những tối mà khách sạn Bagatelle trên đường Quần Ngựa mở cửa cho người ta ăn và nhảy cho đến sáng bạch nhật. Thật đúng như cái lối chơi "sáng đêm" của thành phố Sài Gòn, người ta có thể đi xem Tuồng - Cải Lương từ chín giờ tối cho tới gần sáng, giữa chừng chỉ nghỉ mắt một chút đủ thời giờ để đưa cái miệng khô nhạt vào Chợ Lớn ăn dăm bảy miếng síu dề, hồ lấy sức lại để xem tiếp lớp tuồng càng gần đoạn chót, càng múa may nhiều, càng inh ỏi nhiều.
Xuân đi trên con đường đê Parreau giải nhựa, trời mát thế mà chàng vẫn luôn luôn rút mùi xoa ra thấm mồ hôi đẫm mái tóc và tràn cả xuống thái dương. Ba bốn giờ sáng rồi còn gì ra xe pháo ở chỗ này.
Xuân định rẽ ngang sang phía nhà dầu Tam Đa, rồi xuống tìm Quý, người bạn chàng cũng làm nhạc công ở tiệm khiêu vũ Moulin Sans Souci. Tiệm khiêu vũ sát ngay ven Hồ Tây này, ở xóm Thụy Khuê, nguyên trước là một mái đình cổ. Nơi thờ kính cũ kỹ ấy giờ cũng đông khách thập phương đến "chơi" lắm, bởi vì người ta đã sửa sang lại cho nó thành một cái Nhà Xay Lúa Vô Ưu. Quý vốn đàn ở đấy, cũng kiếm được ra tiền. Nhưng từ ngày có người Tàu sang đây lánh nạn đông quá, Quý gặp cái cô Tú Sương Hương người Thượng Hải manh mảnh ấy, Quý đâm ra chán nghề, chỉ muốn hủy hợp đồng với chủ tiệm và Xuân không chắc bạn mình có còn ở đấy nữa không mà đến tìm cho mất công. Lâu nay Xuân muốn gặp lại Quý, nhưng tối đến thì là cái thời khắc biểu của tất cả nhạc công, và lúc ban ngày có được rảnh việc, nhưng người nhạc công còn phải ngủ trả nợ cho mắt đêm qua, đêm kia, đêm kìa... Thành thử Quý và Xuân lâu nay không có gặp nhau và bây giờ Xuân lại cứ thẳng đường đê Parreau mà đi, nhất định không rẽ sang Nhà Xay Lúa Vô ưu tìm bạn nữa. "Thà không tìm hẳn nhau, còn hơn là tìm mà không thấy". Xuân thở dài, tai lắng nghe chuông sở La Pho điểm bốn tiếng rè rè bên bờ hồ nước. Xuân thấy đêm gần tàn, nhớ đến ăn và tự bảo: "Biết thế ban nãy mình cũng cùng ăn đồ nguội với anh em cho nó xong. Cái lão chủ tiệm ấy được cái khá là đêm đêm lúc hết giờ đánh đàn cho khách hàng của lão chơi nhảy, lão không có bủn xỉn về bữa ăn đêm của đám anh em nhạc công mình".
Đi qua Bách Thú, tuy là đi ở vòng ngoài công viên mà Xuân cũng bắt lấy được một vài tiếng động của cái vườn rộng mà đêm đã nhuộm thẫm một màu bí mật và tội lỗi. Một con gấu nhớ rừng, rống mạnh lên mấy tiếng liên tiếp, nghe như tiếng người thuê nhà trên gác hay kê lại chiếc tủ áo. Một con công chợt tỉnh ngủ, tưởng đã sáng, vội kêu mấy tiếng "Xấu hổ! Xấu hổ!". Đã đi đến cổng đình Ông Bảy rồi mà Xuân vẫn còn nghe thấy cái thanh âm đồng vọng của một con vượn cái kêu rầu. Người làng Ngọc Hà đã lũ lượt gánh rau đi qua Cửa Bắc, xuống bán ở chợ Đồng Xuân từ bao giờ.
... Cái hiệu cháo lòng sáng ở ven đường Cửa Nam, trông sang chợ là một nơi có đủ hạng người đến. Nhưng số đông, vẫn là đám phu xe. Người ta vào đây là để ăn cho mau, cho ấm cái bụng trống không rồi đi làm việc ngay với cái ngày cần lao của người ta bắt đầu từ lúc còn tối đất. Xuân phải lấy đêm làm ngày theo với nghề sống của mình, đến đây húp một bát cháo nóng để rồi về đi ngủ. Chàng thấy mệt lắm, chán lắm, xương thịt buồn như người nghiện thiếu a phiến. Nếu bây giờ ăn xong, lần về đến nhà mà giấc ngủ lại chưa đến cho thì Xuân tin sẽ phải khổ sở vật vã nhiều lắm. Đã có bao nhiêu người rất khôn ngoan, không bao giờ dám điên dại lấy một phút, vụt trở nên phạm nhân, tiêu tiền một cách kiêu ác, đập phá đồ đạc và đến cả những cuộc đời chung quanh, chỉ vì lúc bấy giờ, họ đã cầu nguyện mãi một giấc ngủ không chịu đến cho đúng lúc.
Trời đêm nay đổi tiết, mọi vật trở nên khô cứng, co lại. ở góc buồng riêng của Xuân, có một cây đàn đứt dây. Sợi dây ruột mèo đứt đánh bộp một cái. Tiếp cái tiếng khô ngắn rã rời ấy là một hồi tiếng vang của chùm kim thanh yếu ớt rỉ rền rung trong thùng đàn khô nỏ. Lòng Xuân cũng se lại vì cái âm hưởng tượng trưng ấy. Thương cây đàn đã mấy bữa bỏ quên không đánh đến, quên không nới dây những lúc cây đàn được vô sự. Xuân vặn trái lại những trục đàn, đánh chùng lũ dây xuống. Trục đàn không có dầu trơn, gắt rít lên. Nhẹ nhàng chải dây đàn, vuốt sợi tơ, Xuân chợt nhớ đến một mẩu chuyện được nghe đã lâu lắm ở một nơi hòa nhạc. Là cái ông Hoàng Ngũ Đại ấy, ở Huế, những ngày phải lên trên Tân Lăng trông nom lăng tẩm và sửa sang những chỗ vôi gạch sứt mẻ, biết sẽ phải vắng khỏi phủ mình lâu ngày, trước khi đi, bao giờ tự mình cũng lấy cái áo lụa xanh năm thân đột chỉ trứng rận của Đức ông đem đắp phủ lên cây đàn cho khỏi có bụi bám vào dây và cho sợi tơ đỡ ải. Họ kêu là ông Hoàng ấy ủ đàn.
Đàn đứt mất cái dây đại, Xuân lẩm bẩm: "Đứt vào quãng giữa thế này thì nối sao được nữa. Thế là lại mất hai đồng bạc mua sợi khác. Mà bây giờ là ngày cuối cùng tháng".
*
* *
Khách sạn trên Quần Ngựa đêm hôm thứ bảy này lại đông như lệ thường. Đám nhạc công phải đàn luôn tay. Họ là sáu người. Một người Tây lai, một người Phi Luật Tân, một người Tầu và hai người nữa cùng một quốc tịch với Xuân. Xuân xử cây đàn contrebasse mà anh em thường gọi đùa là cây đàn bò.
Đám người giàu có ngồi ở dưới kia phần nhiều là người ngoại quốc dắt nhau tới tiệm Bagatelle để thỏa mãn ít nhiều nhục dục. Một cặp vợ chồng già uống rượu để tiếc đời. Một cặp nhân tình trẻ muốn say sưa để mà càng thương xuân. Giữa hai món ăn, họ nhẩy. Bọn Xuân, theo bài khiêu vũ phải đàn liến thoắng lên cho những người ấy tìm thấy được vui trong lòng. Bọn Xuân, như một cái máy thụ động, cứ việc ngồi đấy ôm lấy nhạc khí mà đàn, đàn cho đến sáng hửng. Bao giờ những vị thực khách kia đã mỏi, nghỉ, thì đám nhạc công cũng mới được quyền mỏi mệt. Đám nhạc công thực tình nhiều buổi đã muốn phản kháng lại, không muốn bấm phím nữa, không muốn ngậm cái đầu dăm kèn, không muốn hoa cây vỹ lên nữa. Tai họ đã ngấy những thanh âm quen thuộc ngày ngày của khúc loạn tấu rồi.
Xuân cảm thấy cái đời nhạc công của mình ở một khách sạn khiêu vũ, không những là vô vị mà còn nhục nhã là khác nữa. Tấu nhạc trong hoàn cảnh này đã hết là một cái thú thanh cao âm thầm của tâm hồn. Ra từ trước tới giờ Xuân chỉ là một kẻ a tòng vô tình giúp một tay vào những trò kiêu sa dâm ác của một đám người thừa ăn mặc, tìm nhau ở đây để ăn một bữa cơm đắt tiền, mượn tiếng đàn để làm tiêu một cuộc no say hãnh diện và trai gái ấy đã mượn luôn âm nhạc để cho nhau chút ảo tưởng của tình ái mà mặt thực thì chỉ là những thú tính thô kệch. Ra Xuân đã hoa mãi một cây vỹ, tòng đảng chạy theo những cái ô trọc, trong lúc xuẩn động ấy đã gây nên bao nhiêu ồn ào và đổ vỡ. Chàng buồn rầu hơn nữa, khi nhận thấy từ trước tới giờ, chưa bao giờ mình là nghệ sĩ, tuy đã sáu bảy năm nay, đêm nào mình cũng đánh đàn. Đánh đàn để làm vui cho thiên hạ. Và trong lúc ấy thì mình quên lãng hẳn cái lòng mình. Người ta thường bảo đấng nghệ sĩ là một kẻ chúa ích kỷ và tính vị kỷ ấy đã là nguyên tắc của bao nhiêu tác phẩm lớn. Nhưng bấy lâu nay Xuân đã duy tha quá. Xuân chỉ biết có người chung quanh. Chàng đã chạy theo thiên hạ mà hòa nhạc, chàng đã ca ngợi những cái vui buồn tầm thường ở cạnh mình. Cái công chúng múa may quay cuồng ở dưới sàn nhảy Bagatelle kia, là những người đang vui, đang buồn, đang nhớ nhung, đang thương tiếc, đang sung sướng. Mỗi người có một tâm cảnh. Họ trúng số, họ nhớ nhà, họ muốn khóc vợ, họ đánh mất tình nhân, họ đều mượn đến tiếng đàn của bọn Xuân để biểu lộ thêm cái tâm trạng họ. Hình như họ cần phải kêu to lên cho rõ cái vui buồn ở lòng họ. ừ, thế này thì đáng giận thực. Đời bắt Xuân sinh ra cầm một cây vỹ thì cây vỹ ấy tưởng chỉ phải hoa lên để diễn tả những điều u ẩn của lòng Xuân thôi, chứ sao chàng lại đi ca ngợi những thất tình của thiên hạ. Xuân nhận thấy mình, từ trước đến nay, đối với thiên hạ thì hậu quá mà đối với riêng mình thì đã quá bạc bẽo.
Tiếng đàn đãng trí của Xuân vấp đến khổ này là bốn lần tái phạm, nấc mạnh lên một cái. Anh em cùng ngồi cử nhạc, thấy Xuân lỗi điệu, đưa mãi mắt cho bạn, lấy chân đá vào giầy bạn để nhắc Xuân uốn vỹ theo vào nhạc luật bởi vì bản đàn đang vào khổ dồn và dưới kia khách khứa nhảy đang hứng. Xuân càng lạc hết cả cung bực. Mắt chàng hoa lên.
Giữa lúc ấy, có người ném mạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá rơi thõm vào bụng Xuân.
- Ê, lũ nhạc công, đàn địch lối gì thế hử? Bay cho tai bọn tao là tai trâu cả sao!
Bà đầm cùng nhảy với người to lớn vừa nói câu ấy và có lẽ là vừa ném cái gạt tàn thuốc lá ấy, cũng bĩu môi ra cười.
Xuân chống đàn xuống sàn đứng thẳng mình dậy, tay cầm ngang cây vỹ như một người dũng sĩ hoành ngang cây giáo để nghênh địch, mắt lừ lừ thử thách. Chàng giận quá không nói được ra tiếng. Bọn Xuân lại hòa nhạc tiếp, bởi vì ông chủ tiệm Bagatelle đã khéo khu xử đôi bên.
Lúc nghỉ tay đàn, có một người ốm yếu, rụt rè đến gần bọn Xuân, để một đồng bạc giấy vào lòng đĩa.
- Tôi xin mấy anh bản đàn Con sông Danube xanh.
Dưới sàn nhảy người ta lại tái cuộc.
Bọn Xuân đánh bản đàn Con sông Danube xanh hay như chưa bao giờ được thế! Bởi vì cả bọn Xuân đều lấy làm thương người khách lẻ loi kia bởi vì cả bọn đều có thiện cảm với người khách chơi ốm yếu kia vừa rón rén lên để một đồng bạc vào lòng đĩa với tất cả cái chân thành của một khách yên hoa nghèo và có giáo dục. Bọn Xuân không rõ tên và địa vị người khách cứ hôm nào đến cũng chỉ xin có bài đàn đó. Họ chỉ biết trước kia, vị khách đó ăn mặc sang hơn bây giờ và hay đi với một người đàn bà dong dỏng, tóc tợ màu da đồng. Nàng đẹp lắm. Mê nàng, bao nhiêu người nhảy đầm. Bây giờ, người đàn bà ấy, có đến mấy tháng không lui tới tiệm này. Và vị khách kia, muốn trung thành với kỷ niệm ngày vui cũ, cứ cách một đêm lại tha cái thân hình cô độc lên đây, người trông bạc nhược hơn trước, quần áo nhàu nát hơn trước và uống rượu thì chỉ dám uống cầm chừng và chỉ chọn những thứ nào rẻ tiền nhất. Hôm đầu, người khách đó ngập ngừng đặt đồng bạc vào tay anh Khương đánh chũm chọe và nói như khóc: Con sông Danube xanh đã là một cái ám ảnh trong đời tôi. Các anh vui lòng cầm tạm lấy chỗ này. Tôi giờ không đủ tư cách để mời các anh uống rượu. Mỗi vị một tuần! Phải long trọng được như thế thì mới xứng đáng phải không các anh nhỉ!".
Dứt bản đàn Con sông Danube xanh, có một người to béo khác thích quá vỗ tay hô ầm lên, chạy lên cái bệ âm nhạc, nói bô bô:
- Này, đám nhạc công, ta đãi mấy người một tuần rượu.
Đến lượt Xuân, Xuân lắc đầu, không uống rượu mời của người to béo ấy. Chàng chỉ bảo bồi rót cho mình một cốc nước lọc. Giá như mọi hôm thì dù có không uống, chàng cũng cứ bảo bồi lấy cho mình những thứ rượu đắt tiền. Tội gì, có người dửng mỡ trả tiền mà lại không phá và làm lợi cho lão chủ một chút. Nhưng đêm nay, Xuân chán và bực lắm rồi!
Cái người to béo ấy đùa mấy câu thô tục xúc phạm đến lòng tự ái Xuân, Xuân cầm luôn cả cốc nước đá hắt vào bộ vãn phục của y.
Đêm thứ bảy ấy, mới có một giờ khuya, mà Xuân đã được về nhà, bởi vì đêm ấy cũng là đêm cuối cùng của Xuân tấu nhạc, tại tiệm Bagatelle. Chàng đã xin thôi việc ngay sau lúc ồn ào đó và nếu không thôi thì chủ khách sạn cũng chả nhận chàng nữa. Đêm ấy trời ngả nồm, Xuân về đến nhà, trằn trọc mãi. Trời nồm, dăm bảy con gián gặp ánh sáng đèn, bay vung lên, cánh lướt qua mấy cây đàn không phủ túi lụa, dây đàn vang rung lên rồi nhạt dần thanh âm trong cái buồn tênh của một đêm nhạc công vừa giải nghệ...
*
* *
Cữ này Xuân không phải làm việc đêm, đâm ra ngủ cả ngày lẫn đêm, cửa đóng kín mít, phần âm phần dương thành ra lẫn hết. Những lúc Xuân chợt mở mắt, chợt nhớ đến cái cử chỉ của người khách thô bỉ hôm nọ đã làm chàng nổi phẫn bỏ nghề. Xuân lại nhớ đến những lúc mình lĩnh lương, rủ anh em đi hát ban ngày ở xóm. Xuân cũng đã hành hạ mấy người kép đàn đáy những lúc họ nhỡ đàn thiếu một khổ để che chở cho một cô đào hát xóc phách non tay. Xuân cũng đã làm tình làm tội họ, những khi họ mệt không ra công đàn lối đàn khuôn; những sợi dây đại ấy nắn mệt lắm và đau đầu ngón tay lắm... Bây giờ suy bụng mình chàng mới thấu rõ đến lòng họ lúc ấy... Chàng nghếch lên cây đàn ở đầu giường và lấy làm chán cho cái nghề đánh đàn làm vui cho thiên hạ. Chàng vươn vai, tay khoa phải đàn, chiếc đàn rớt xuống sàn tưởng tan vỡ ra ngay được. Mọi khi, đàn rơi như thế, Xuân đã xuýt xoa nhiều. Nhưng bây giờ chàng mặc cho đàn rơi không cần biết đến cái đổ vỡ ấy... Xuân vốn ít Nho học, chàng chỉ nhớ mang máng cái truyện ông gì ngày xưa đem chẻ cây đàn vì cái ông gì ấy - người tri kỷ thẩm âm mình - đã chết đi. Giá lúc này, tìm lại được cái anh bạn kể chuyện ấy mà hỏi cho ra mấy cái tên người xưa thì thú biết chừng nào.
Ngủ đã nhiều quá, mắt hùm hụp, Xuân hôm ấy cần phải ra đường đổi không khí. Lâu nay cứ ngày ngủ, đêm thức, mặt chàng bợt ra như người thiếu máu. Soi gương, Xuân thấy mặt mình còn thiếu cả ánh sáng nữa. Thấy một người mù thổi sáo cốt để bán lạc rang cho mau hết hàng, Xuân bực mình quá, đòi lại đồng xu đã đặt vào lòng bàn tay đứa trẻ đeo thùng lạc. Mua tờ báo, xem thấy cái tin Nhà nước cấm các tiệm nhảy đầm không cho khiêu vũ nữa, Xuân nở một nụ cười.
"- Cũng là hay. Bây giờ mọi người nhạc công sẽ thất nghiệp, sẽ không phải đàn cho thiên hạ nữa. Họ sẽ đủ thời giờ để đàn riêng cho lòng mình nghe thôi. Và anh em đều có thể cùng trở nên nhạc sĩ cả, nếu biết lựa phím mà tìm thấy chính cái vui buồn riêng tây của lòng mình".
Trung Bắc Chủ nhật, số 19 (1940)
Đêm thứ bảy này, cũng như tất cả những đêm thứ bảy trước, Xuân phải đánh đàn nhiều quá, bởi vì những tối thứ bảy là tối kiếm được nhiều lời, những tối mà khách sạn Bagatelle trên đường Quần Ngựa mở cửa cho người ta ăn và nhảy cho đến sáng bạch nhật. Thật đúng như cái lối chơi "sáng đêm" của thành phố Sài Gòn, người ta có thể đi xem Tuồng - Cải Lương từ chín giờ tối cho tới gần sáng, giữa chừng chỉ nghỉ mắt một chút đủ thời giờ để đưa cái miệng khô nhạt vào Chợ Lớn ăn dăm bảy miếng síu dề, hồ lấy sức lại để xem tiếp lớp tuồng càng gần đoạn chót, càng múa may nhiều, càng inh ỏi nhiều.
Xuân đi trên con đường đê Parreau giải nhựa, trời mát thế mà chàng vẫn luôn luôn rút mùi xoa ra thấm mồ hôi đẫm mái tóc và tràn cả xuống thái dương. Ba bốn giờ sáng rồi còn gì ra xe pháo ở chỗ này.
Xuân định rẽ ngang sang phía nhà dầu Tam Đa, rồi xuống tìm Quý, người bạn chàng cũng làm nhạc công ở tiệm khiêu vũ Moulin Sans Souci. Tiệm khiêu vũ sát ngay ven Hồ Tây này, ở xóm Thụy Khuê, nguyên trước là một mái đình cổ. Nơi thờ kính cũ kỹ ấy giờ cũng đông khách thập phương đến "chơi" lắm, bởi vì người ta đã sửa sang lại cho nó thành một cái Nhà Xay Lúa Vô Ưu. Quý vốn đàn ở đấy, cũng kiếm được ra tiền. Nhưng từ ngày có người Tàu sang đây lánh nạn đông quá, Quý gặp cái cô Tú Sương Hương người Thượng Hải manh mảnh ấy, Quý đâm ra chán nghề, chỉ muốn hủy hợp đồng với chủ tiệm và Xuân không chắc bạn mình có còn ở đấy nữa không mà đến tìm cho mất công. Lâu nay Xuân muốn gặp lại Quý, nhưng tối đến thì là cái thời khắc biểu của tất cả nhạc công, và lúc ban ngày có được rảnh việc, nhưng người nhạc công còn phải ngủ trả nợ cho mắt đêm qua, đêm kia, đêm kìa... Thành thử Quý và Xuân lâu nay không có gặp nhau và bây giờ Xuân lại cứ thẳng đường đê Parreau mà đi, nhất định không rẽ sang Nhà Xay Lúa Vô ưu tìm bạn nữa. "Thà không tìm hẳn nhau, còn hơn là tìm mà không thấy". Xuân thở dài, tai lắng nghe chuông sở La Pho điểm bốn tiếng rè rè bên bờ hồ nước. Xuân thấy đêm gần tàn, nhớ đến ăn và tự bảo: "Biết thế ban nãy mình cũng cùng ăn đồ nguội với anh em cho nó xong. Cái lão chủ tiệm ấy được cái khá là đêm đêm lúc hết giờ đánh đàn cho khách hàng của lão chơi nhảy, lão không có bủn xỉn về bữa ăn đêm của đám anh em nhạc công mình".
Đi qua Bách Thú, tuy là đi ở vòng ngoài công viên mà Xuân cũng bắt lấy được một vài tiếng động của cái vườn rộng mà đêm đã nhuộm thẫm một màu bí mật và tội lỗi. Một con gấu nhớ rừng, rống mạnh lên mấy tiếng liên tiếp, nghe như tiếng người thuê nhà trên gác hay kê lại chiếc tủ áo. Một con công chợt tỉnh ngủ, tưởng đã sáng, vội kêu mấy tiếng "Xấu hổ! Xấu hổ!". Đã đi đến cổng đình Ông Bảy rồi mà Xuân vẫn còn nghe thấy cái thanh âm đồng vọng của một con vượn cái kêu rầu. Người làng Ngọc Hà đã lũ lượt gánh rau đi qua Cửa Bắc, xuống bán ở chợ Đồng Xuân từ bao giờ.
... Cái hiệu cháo lòng sáng ở ven đường Cửa Nam, trông sang chợ là một nơi có đủ hạng người đến. Nhưng số đông, vẫn là đám phu xe. Người ta vào đây là để ăn cho mau, cho ấm cái bụng trống không rồi đi làm việc ngay với cái ngày cần lao của người ta bắt đầu từ lúc còn tối đất. Xuân phải lấy đêm làm ngày theo với nghề sống của mình, đến đây húp một bát cháo nóng để rồi về đi ngủ. Chàng thấy mệt lắm, chán lắm, xương thịt buồn như người nghiện thiếu a phiến. Nếu bây giờ ăn xong, lần về đến nhà mà giấc ngủ lại chưa đến cho thì Xuân tin sẽ phải khổ sở vật vã nhiều lắm. Đã có bao nhiêu người rất khôn ngoan, không bao giờ dám điên dại lấy một phút, vụt trở nên phạm nhân, tiêu tiền một cách kiêu ác, đập phá đồ đạc và đến cả những cuộc đời chung quanh, chỉ vì lúc bấy giờ, họ đã cầu nguyện mãi một giấc ngủ không chịu đến cho đúng lúc.
Trời đêm nay đổi tiết, mọi vật trở nên khô cứng, co lại. ở góc buồng riêng của Xuân, có một cây đàn đứt dây. Sợi dây ruột mèo đứt đánh bộp một cái. Tiếp cái tiếng khô ngắn rã rời ấy là một hồi tiếng vang của chùm kim thanh yếu ớt rỉ rền rung trong thùng đàn khô nỏ. Lòng Xuân cũng se lại vì cái âm hưởng tượng trưng ấy. Thương cây đàn đã mấy bữa bỏ quên không đánh đến, quên không nới dây những lúc cây đàn được vô sự. Xuân vặn trái lại những trục đàn, đánh chùng lũ dây xuống. Trục đàn không có dầu trơn, gắt rít lên. Nhẹ nhàng chải dây đàn, vuốt sợi tơ, Xuân chợt nhớ đến một mẩu chuyện được nghe đã lâu lắm ở một nơi hòa nhạc. Là cái ông Hoàng Ngũ Đại ấy, ở Huế, những ngày phải lên trên Tân Lăng trông nom lăng tẩm và sửa sang những chỗ vôi gạch sứt mẻ, biết sẽ phải vắng khỏi phủ mình lâu ngày, trước khi đi, bao giờ tự mình cũng lấy cái áo lụa xanh năm thân đột chỉ trứng rận của Đức ông đem đắp phủ lên cây đàn cho khỏi có bụi bám vào dây và cho sợi tơ đỡ ải. Họ kêu là ông Hoàng ấy ủ đàn.
Đàn đứt mất cái dây đại, Xuân lẩm bẩm: "Đứt vào quãng giữa thế này thì nối sao được nữa. Thế là lại mất hai đồng bạc mua sợi khác. Mà bây giờ là ngày cuối cùng tháng".
*
* *
Khách sạn trên Quần Ngựa đêm hôm thứ bảy này lại đông như lệ thường. Đám nhạc công phải đàn luôn tay. Họ là sáu người. Một người Tây lai, một người Phi Luật Tân, một người Tầu và hai người nữa cùng một quốc tịch với Xuân. Xuân xử cây đàn contrebasse mà anh em thường gọi đùa là cây đàn bò.
Đám người giàu có ngồi ở dưới kia phần nhiều là người ngoại quốc dắt nhau tới tiệm Bagatelle để thỏa mãn ít nhiều nhục dục. Một cặp vợ chồng già uống rượu để tiếc đời. Một cặp nhân tình trẻ muốn say sưa để mà càng thương xuân. Giữa hai món ăn, họ nhẩy. Bọn Xuân, theo bài khiêu vũ phải đàn liến thoắng lên cho những người ấy tìm thấy được vui trong lòng. Bọn Xuân, như một cái máy thụ động, cứ việc ngồi đấy ôm lấy nhạc khí mà đàn, đàn cho đến sáng hửng. Bao giờ những vị thực khách kia đã mỏi, nghỉ, thì đám nhạc công cũng mới được quyền mỏi mệt. Đám nhạc công thực tình nhiều buổi đã muốn phản kháng lại, không muốn bấm phím nữa, không muốn ngậm cái đầu dăm kèn, không muốn hoa cây vỹ lên nữa. Tai họ đã ngấy những thanh âm quen thuộc ngày ngày của khúc loạn tấu rồi.
Xuân cảm thấy cái đời nhạc công của mình ở một khách sạn khiêu vũ, không những là vô vị mà còn nhục nhã là khác nữa. Tấu nhạc trong hoàn cảnh này đã hết là một cái thú thanh cao âm thầm của tâm hồn. Ra từ trước tới giờ Xuân chỉ là một kẻ a tòng vô tình giúp một tay vào những trò kiêu sa dâm ác của một đám người thừa ăn mặc, tìm nhau ở đây để ăn một bữa cơm đắt tiền, mượn tiếng đàn để làm tiêu một cuộc no say hãnh diện và trai gái ấy đã mượn luôn âm nhạc để cho nhau chút ảo tưởng của tình ái mà mặt thực thì chỉ là những thú tính thô kệch. Ra Xuân đã hoa mãi một cây vỹ, tòng đảng chạy theo những cái ô trọc, trong lúc xuẩn động ấy đã gây nên bao nhiêu ồn ào và đổ vỡ. Chàng buồn rầu hơn nữa, khi nhận thấy từ trước tới giờ, chưa bao giờ mình là nghệ sĩ, tuy đã sáu bảy năm nay, đêm nào mình cũng đánh đàn. Đánh đàn để làm vui cho thiên hạ. Và trong lúc ấy thì mình quên lãng hẳn cái lòng mình. Người ta thường bảo đấng nghệ sĩ là một kẻ chúa ích kỷ và tính vị kỷ ấy đã là nguyên tắc của bao nhiêu tác phẩm lớn. Nhưng bấy lâu nay Xuân đã duy tha quá. Xuân chỉ biết có người chung quanh. Chàng đã chạy theo thiên hạ mà hòa nhạc, chàng đã ca ngợi những cái vui buồn tầm thường ở cạnh mình. Cái công chúng múa may quay cuồng ở dưới sàn nhảy Bagatelle kia, là những người đang vui, đang buồn, đang nhớ nhung, đang thương tiếc, đang sung sướng. Mỗi người có một tâm cảnh. Họ trúng số, họ nhớ nhà, họ muốn khóc vợ, họ đánh mất tình nhân, họ đều mượn đến tiếng đàn của bọn Xuân để biểu lộ thêm cái tâm trạng họ. Hình như họ cần phải kêu to lên cho rõ cái vui buồn ở lòng họ. ừ, thế này thì đáng giận thực. Đời bắt Xuân sinh ra cầm một cây vỹ thì cây vỹ ấy tưởng chỉ phải hoa lên để diễn tả những điều u ẩn của lòng Xuân thôi, chứ sao chàng lại đi ca ngợi những thất tình của thiên hạ. Xuân nhận thấy mình, từ trước đến nay, đối với thiên hạ thì hậu quá mà đối với riêng mình thì đã quá bạc bẽo.
Tiếng đàn đãng trí của Xuân vấp đến khổ này là bốn lần tái phạm, nấc mạnh lên một cái. Anh em cùng ngồi cử nhạc, thấy Xuân lỗi điệu, đưa mãi mắt cho bạn, lấy chân đá vào giầy bạn để nhắc Xuân uốn vỹ theo vào nhạc luật bởi vì bản đàn đang vào khổ dồn và dưới kia khách khứa nhảy đang hứng. Xuân càng lạc hết cả cung bực. Mắt chàng hoa lên.
Giữa lúc ấy, có người ném mạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá rơi thõm vào bụng Xuân.
- Ê, lũ nhạc công, đàn địch lối gì thế hử? Bay cho tai bọn tao là tai trâu cả sao!
Bà đầm cùng nhảy với người to lớn vừa nói câu ấy và có lẽ là vừa ném cái gạt tàn thuốc lá ấy, cũng bĩu môi ra cười.
Xuân chống đàn xuống sàn đứng thẳng mình dậy, tay cầm ngang cây vỹ như một người dũng sĩ hoành ngang cây giáo để nghênh địch, mắt lừ lừ thử thách. Chàng giận quá không nói được ra tiếng. Bọn Xuân lại hòa nhạc tiếp, bởi vì ông chủ tiệm Bagatelle đã khéo khu xử đôi bên.
Lúc nghỉ tay đàn, có một người ốm yếu, rụt rè đến gần bọn Xuân, để một đồng bạc giấy vào lòng đĩa.
- Tôi xin mấy anh bản đàn Con sông Danube xanh.
Dưới sàn nhảy người ta lại tái cuộc.
Bọn Xuân đánh bản đàn Con sông Danube xanh hay như chưa bao giờ được thế! Bởi vì cả bọn Xuân đều lấy làm thương người khách lẻ loi kia bởi vì cả bọn đều có thiện cảm với người khách chơi ốm yếu kia vừa rón rén lên để một đồng bạc vào lòng đĩa với tất cả cái chân thành của một khách yên hoa nghèo và có giáo dục. Bọn Xuân không rõ tên và địa vị người khách cứ hôm nào đến cũng chỉ xin có bài đàn đó. Họ chỉ biết trước kia, vị khách đó ăn mặc sang hơn bây giờ và hay đi với một người đàn bà dong dỏng, tóc tợ màu da đồng. Nàng đẹp lắm. Mê nàng, bao nhiêu người nhảy đầm. Bây giờ, người đàn bà ấy, có đến mấy tháng không lui tới tiệm này. Và vị khách kia, muốn trung thành với kỷ niệm ngày vui cũ, cứ cách một đêm lại tha cái thân hình cô độc lên đây, người trông bạc nhược hơn trước, quần áo nhàu nát hơn trước và uống rượu thì chỉ dám uống cầm chừng và chỉ chọn những thứ nào rẻ tiền nhất. Hôm đầu, người khách đó ngập ngừng đặt đồng bạc vào tay anh Khương đánh chũm chọe và nói như khóc: Con sông Danube xanh đã là một cái ám ảnh trong đời tôi. Các anh vui lòng cầm tạm lấy chỗ này. Tôi giờ không đủ tư cách để mời các anh uống rượu. Mỗi vị một tuần! Phải long trọng được như thế thì mới xứng đáng phải không các anh nhỉ!".
Dứt bản đàn Con sông Danube xanh, có một người to béo khác thích quá vỗ tay hô ầm lên, chạy lên cái bệ âm nhạc, nói bô bô:
- Này, đám nhạc công, ta đãi mấy người một tuần rượu.
Đến lượt Xuân, Xuân lắc đầu, không uống rượu mời của người to béo ấy. Chàng chỉ bảo bồi rót cho mình một cốc nước lọc. Giá như mọi hôm thì dù có không uống, chàng cũng cứ bảo bồi lấy cho mình những thứ rượu đắt tiền. Tội gì, có người dửng mỡ trả tiền mà lại không phá và làm lợi cho lão chủ một chút. Nhưng đêm nay, Xuân chán và bực lắm rồi!
Cái người to béo ấy đùa mấy câu thô tục xúc phạm đến lòng tự ái Xuân, Xuân cầm luôn cả cốc nước đá hắt vào bộ vãn phục của y.
Đêm thứ bảy ấy, mới có một giờ khuya, mà Xuân đã được về nhà, bởi vì đêm ấy cũng là đêm cuối cùng của Xuân tấu nhạc, tại tiệm Bagatelle. Chàng đã xin thôi việc ngay sau lúc ồn ào đó và nếu không thôi thì chủ khách sạn cũng chả nhận chàng nữa. Đêm ấy trời ngả nồm, Xuân về đến nhà, trằn trọc mãi. Trời nồm, dăm bảy con gián gặp ánh sáng đèn, bay vung lên, cánh lướt qua mấy cây đàn không phủ túi lụa, dây đàn vang rung lên rồi nhạt dần thanh âm trong cái buồn tênh của một đêm nhạc công vừa giải nghệ...
*
* *
Cữ này Xuân không phải làm việc đêm, đâm ra ngủ cả ngày lẫn đêm, cửa đóng kín mít, phần âm phần dương thành ra lẫn hết. Những lúc Xuân chợt mở mắt, chợt nhớ đến cái cử chỉ của người khách thô bỉ hôm nọ đã làm chàng nổi phẫn bỏ nghề. Xuân lại nhớ đến những lúc mình lĩnh lương, rủ anh em đi hát ban ngày ở xóm. Xuân cũng đã hành hạ mấy người kép đàn đáy những lúc họ nhỡ đàn thiếu một khổ để che chở cho một cô đào hát xóc phách non tay. Xuân cũng đã làm tình làm tội họ, những khi họ mệt không ra công đàn lối đàn khuôn; những sợi dây đại ấy nắn mệt lắm và đau đầu ngón tay lắm... Bây giờ suy bụng mình chàng mới thấu rõ đến lòng họ lúc ấy... Chàng nghếch lên cây đàn ở đầu giường và lấy làm chán cho cái nghề đánh đàn làm vui cho thiên hạ. Chàng vươn vai, tay khoa phải đàn, chiếc đàn rớt xuống sàn tưởng tan vỡ ra ngay được. Mọi khi, đàn rơi như thế, Xuân đã xuýt xoa nhiều. Nhưng bây giờ chàng mặc cho đàn rơi không cần biết đến cái đổ vỡ ấy... Xuân vốn ít Nho học, chàng chỉ nhớ mang máng cái truyện ông gì ngày xưa đem chẻ cây đàn vì cái ông gì ấy - người tri kỷ thẩm âm mình - đã chết đi. Giá lúc này, tìm lại được cái anh bạn kể chuyện ấy mà hỏi cho ra mấy cái tên người xưa thì thú biết chừng nào.
Ngủ đã nhiều quá, mắt hùm hụp, Xuân hôm ấy cần phải ra đường đổi không khí. Lâu nay cứ ngày ngủ, đêm thức, mặt chàng bợt ra như người thiếu máu. Soi gương, Xuân thấy mặt mình còn thiếu cả ánh sáng nữa. Thấy một người mù thổi sáo cốt để bán lạc rang cho mau hết hàng, Xuân bực mình quá, đòi lại đồng xu đã đặt vào lòng bàn tay đứa trẻ đeo thùng lạc. Mua tờ báo, xem thấy cái tin Nhà nước cấm các tiệm nhảy đầm không cho khiêu vũ nữa, Xuân nở một nụ cười.
"- Cũng là hay. Bây giờ mọi người nhạc công sẽ thất nghiệp, sẽ không phải đàn cho thiên hạ nữa. Họ sẽ đủ thời giờ để đàn riêng cho lòng mình nghe thôi. Và anh em đều có thể cùng trở nên nhạc sĩ cả, nếu biết lựa phím mà tìm thấy chính cái vui buồn riêng tây của lòng mình".
Trung Bắc Chủ nhật, số 19 (1940)