watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Vệ Đường Hoa - tác giả Nguyễn Văn Ánh Nguyễn Văn Ánh

Vệ Đường Hoa

Tác giả: Nguyễn Văn Ánh

Hết mùa mưa, trời Đà Lạt dần dà lạnh hơn với nắng vàng rực rỡ suốt ngày. Bên đường anh đi nở rộ một loài hoa vàng, mỗi đoá hoa như một tiếng cười vang, song nét cười mang nhiều sâu lắng lẫn trong sắc màu của những ngày đông tàn sắp đón mùa xuân.
Nhiều người gọi tên hoa là đông quì hay dã quì. Riêng anh, mãi mãi hoa vẫn là: Vệ đường hoa.

Vệ đường hoa! Vệ đường hoa!
Trời xanh, cánh gãy: nửa đời ta.

Em,
Tình cờ nào đã xui hai đứa gặp lại nhau sau mười bốn năm xa cách. Anh vẫn tưởng không bao giờ còn thấy em nữa. Ai ngờ chiếc xe hơi mới tinh từng đưa vợ chồng em vượt mấy trăm cây số đến thành phố này, lại hỏng máy nơi gần xưởng anh làm thợ. Thoạt đầu ta chưa nhận ra nhau vì em khuất lấp sau mấy người tò mò đứng xem hai vợ chồng Việt kiều và chiếc xe hơi lạ mắt. Còn anh, áo quần tay chân lấm lem dầu mỡ, đang mãi nghe chồng em giải thích nhưng bất thường của máy xe bằng thứ giọng Huế xa quê đã lâu ngày, thỉnh thoảng điểm vài thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài. Chồng em, khuôn mặt tròn tròn, mang đôi nét mủm mỉm như búp bê con trai, đôi lúc thoáng chút băn khoăn, ý chừng thắc mắc không biết anh thợ trước mặt có hiểu được những rắc rối của kỹ thuật mới chăng. Và, ai xui anh đã nhìn lên để ta nhận ra nhau sau một thoáng ngỡ ngàng. Tiếng reo mừng vui của em vẫn sáng trong như ngày nào nhưng anh nghe tưởng chừng trong mơ. Giọng ngập tràn niềm vui, em giới thiệu hai người: Anh là người quen cũ, người anh sinh viên của ngày xa xưa khi em còn là cô nữ sinh Đồng Khánh những năm cuối bậc trung học. Phải rồi em, chồng em chỉ nên biết chừng ấy. Và, mong em thông cảm cho anh, nửa giờ sau, khi xe sửa xong, cầm nắm tiền công do chồng em trao, anh đã cố tình không nghe tiếng em hỏi anh chỗ ở để ghé thăm, anh đã lảng tránh bằng vài câu trả lời chồng em về tình trạng máy xe. Ta đã chia tay nhau đơn thuần như những người quen cũ lâu ngày gặp lại. Biết làm sao được, hở em?

I am losing you again, all again
As if you were ever mine to lose..
Anh lại mất em thêm một lần, cơ hồ như có lúc nào trong đời, em là của anh để ta có thể mất nhau. Mặc dầu chúng ta là hai người đã chung nhau một đoạn đời đầy kỷ niệm.

Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, mười bốn tuổi, anh xin vào ở Viện Dục Anh, lớn lên nhờ những đóng góp của những người hảo tâm thường lui tới Viện để bố thí làm phúc. Bọn anh gần một trăm đứa, hàng ngày ăn hai bữa cơm luôn luôn thiếu thốn, mỗi đêm cứ hai cậu chung nhau một giường chăn chiếu rách bươm. Phần lớn bạn đồng viện của anh đều mồ côi hoặc thuộc loại bỏ nhà đi hoang. Họ thiếu thốn nhưng không hiền lành vì đời dạy bọn anh lắm bài học không dịu dàng qua cách kiếm sống bằng các nghề đánh giày, sửa xe đạp lề đường, bán báo, bán vé xi nê chợ đen và cả chục nghề khác. Vài đứa trong bọn anh lại là những tay móc túi tài tình ở chợ Đông Ba, tài tình đến nỗi Ban Điều Hành Viện chưa tìm được bằng chứng rõ ràng để đuổi ra khỏi viện. Anh và chừng vài mươi đứa nữa lại theo đuổi cái nghề mà bạn bè ai cũng chê: đi học. Chắc em còn nhớ khu vườn có hàng rào kẽm gai mấy lớp, bên trong có vài căn nhà cũ, rộng, kiểu Pháp, treo tấm biển Viện Dục Anh nằm ở cuối một con đường rất đẹp trong thành nội. Ngày ấy, anh ở cùng đường với em. Mỗi người ở mỗi đầu con đường im bóng cây cao. Nhưng đám con gái có bao giờ dám đi đến cái khúc đường trời đánh của bọn anh? Ta chưa biết nhau mãi cho đến cái ngày hai trường Quốc Học và Đồng Khánh tổ chức chung lễ phát phần thưởng cuối năm tại Nhà Hát Lớn thành phố. Năm đó anh học lớp đệ nhị, đôi khi trên đường đi học đã nhiều lần anh thấy em, cô bé xinh xinh ngày ngày xe hơi nhà đưa đón từ trường về ngôi biệt thự màu hồng đồ sộ đầu đường. Hôm ấy anh vất vả với đống phần thưởng danh dự toàn trường cao hơn nửa thước, trong túi không còn một đồng thuê xích lô chở về. Chả lẽ phải bán bớt một vài món đồ phần thưởng? Vừa lúc đó em xuất hiện. Em mặc bộ đồ đầm màu trắng khác hẳn chiếc áo dài đồng phục hàng ngày, xúng xính ôm gói phần thưởng văn nghệ lớp đệ ngũ ra cửa hội trường, sắp bước lên xe nhà chờ sẵn. Anh đánh bạo bước tới xin đi nhờ. Có lẽ anh ngố lắm hay sao mà cả em và chú tài xế đều bật cười rồi cho phép đi nhờ xe. Từ đó ta biết nhau nhưng chưa quen. Em trở vào ngôi biệt thự êm đềm, anh về lại cùng đám bạn văng tục chửi thề và thường xuyên nói chuyện với nhau bằng những quả đấm, cùng những trận đòn thù của bạn đồng viện. Thế mà ta lại lần hồi quen biết nhau hơn qua nhưng lần gặp gỡ không hẹn trước. Đã bao lần dưới tàn cây dứa dại um tùm trong công viên trước trường hai chúng ta, anh đã giải giúp em và bè bạn những bài toán khó, hoặc làm sẵn luôn bài luận văn cho em chép lại. Có lúc tình cờ gặp nhau trong đám học sinh cùng qua đò ngang sông Hương trên bến Thừa Phủ, em vui đùa; anh ngần ngại nói năng. Nước trong veo chảy nhẹ giữa dòng, nắng lấp lánh trên má em chỗ hồng chỗ trắng, mặt trái xoan hàng mi dài cong vút. Nhưng đằng sau những chuỗi cười như pha lê của em và bè bạn, anh cảm nhận một niềm cảm thông qua ánh mắt em đôi lần thoáng nhìn anh ngồi e dè, bâng khuâng bên mạn thuyền thường lệ, cạnh ông lão lái đò hiền lành tóc bạc trắng vẫn thường xem đám học trò qua bến như thể con cháu mình. Thuở ấy, anh chẳng dám nghĩ mình là bè bạn, bởi rõ ràng ta không cùng mức sống. Tuy tâm tưởng ngại ngùng, anh vẫn thầm vui được làm kẻ quen em. Nhờ có em, anh đã có vài thay đổi, mắt nhìn bớt dần ác cảm với cuộc đời nghiệt ngã. Như chiếc áo cố giữ sạch nhất anh dành để mặc mỗi khi đi qua nhà em, dầu có hay không có em đằng sau cánh cổng, anh lần hồi bớt tham gia cùng chúng bạn đi đánh lộn với các nhóm choai choai ở các xóm khác. Anh từ bỏ không theo bạn bè nữa trong những lần chui rào trộm gà hàng xóm nấu cháo ăn đêm, khi giám thị vừa yên giấc. Cứ như thế bạn bè đâm ghét anh, và thật buồn khi sách vở, giày dép, áo quần lần lần bị bạn bè ăn cắp gần hết. Anh vẫn mong nhịn nhục cho qua năm cuối cùng bậc trung học để sau khi thi tú tài xong sẽ rời bỏ nơi này ra đời kiếm sống. Nhưng không được. Buổi tối mùa đông năm ấy, trời Huế mưa sướt mướt đã mấy ngày, anh từ nơi dạy kèm trẻ về Viện Dục Anh. Do có hận thù với một băng bên trong viện, nhóm du côn xóm Tây Lộc đã chực sẵn để giáng trận đòn thù xuống bất kỳ thằng “mồ côi chó đẻ” nào bên trong viện. Vô tình anh lại là nạn nhân của trận đòn thù. Anh chống đỡ yếu ớt, cố bỏ chạy được một quãng nhưng không thoát kịp. Anh bị đánh gục, môi miệng ứa máu, thân mình đấy vết đòn để trả món nợ thù hằn do bạn bè anh gây ra cho đồng bọn mấy ngày trước đó. Bất ngờ có ánh đèn pha xe hơi xuyên thủng màn mưa lất phất chiếu sáng cả một quãng đường vắng. Bọn du côn bỏ chạy vì ngỡ xe tuần cảnh. May cho anh, cả nhà em vừa đi xi nê về. Dưới ánh đèn pha, em hốt hoảng nhận ra anh gục người ngồi tựa vào cổng nhà. Anh thoáng nghe lao xao tiếng người nói, tiếng ba em quát bảo vào nhà gọi điện thoại kêu xe cảnh sát đến xúc đi. Tiếng em van xin ba chở bạn em đến bệnh viện. Mơ hồ có tiếng những người khác thuyết phục ba em. Lần đầu tiên anh gặp ba me em là như vậy đó: một thằng du đãng khi không đến gieo tai hoạ trước cửa nhà người ta. Anh tỉnh dậy sáng hôm sau trong nhà thương, ba em đã chở anh đến đây nhưng vốn tính cẩn thận của dân thượng lưu người Huế, ông còn chở theo một người hàng xóm để làm chứng, đề phòng bất trắc. Gần trưa, em và cô bạn đến thăm anh, dĩ nhiên là ba me em không hay biết. Lúc đầu, em hơi giận anh vì tưởng anh còn nhập theo bọn du côn phá phách xóm làng. Dần dần, em hiểu ra và nhìn anh mỉm cười an ủi. Gần một năm kể từ ngày mình biết nhau, chúng mình không nói chuyện bài vở. Em hỏi anh, em kể chuyện hay trao đổi với cô bạn bằng giọng cô gái Huế nhỏ nhẹ, hồn nhiên, lời êm êm xoa dịu đầu óc anh đang choáng váng. Khi em chào về, anh gượng ngồi dậy tiễn nhưng ê ẩm cả người không ráng được. Em về rồi, anh nuối tiếc như mất đi một vật gì quý giá. Hôm sau em lại đến, một mình, mang lại niềm an ủi, niềm vui bay bổng như thiên thần. Anh không còn thân nhân, ngoài người chị lấy chồng phương xa mỗi năm vài lần thư thăm hỏi. Em bao dung, chăm sóc anh như người em gái.Có em, không khí tẻ nhạt của nhà thương trở nên đầm ấm như khung trời mộng mơ trong hồn anh. Những lần thăm sau, anh tưởng chừng như mình quen nhau từ nhiều năm trước, hay từ một kiếp nào. Anh không còn nhớ chúng mình từ lúc nào đã bước ra khỏi khuôn khổ của tình bạn để vào thế giới của tình yêu vừa bao la trong mơ ước vừa giới hạn trong tình cảm. Một thế giới mà cả anh và em chưa từng bước vào trước đó.Chỉ biết rằng ba tuần sau khi anh ra viện, chúng mình bắt đầu trao thư qua trung gian cô bạn gái. Em mười sáu tuổi, còn quá trẻ, ngỡ ngàng trong thứ cảm xúc hình như là tình yêu. Anh mười chín, chẳng có gì trong tay, chỉ một hồn đầy mộng mơ. Không nhà cửa, không người thân gần gũi ngoài tình em. Ngay từ đầu chúng mình đã biết gia đình em không thể nào chấp nhận anh. Ba em, người thầu khoán nổi tiếng hàng đầu ở cố đô Huế; me em, bà chủ đại bài gạo tấp nập bên bờ sông Hương. Dưới mắt ba me, anh chỉ là một thằng du côn đã một lần gieo tai giáng hoạ ngoài cổng nhà. Mà quả thật hồi ấy anh chẳng xứng với em chút nào, nếu người nhận xét không phải là em hay anh. Anh chỉ còn biết một lối thoát để qua đó đạt được ước mơ hằng ấp ủ, đó là con đường học vấn. Ngoài những lần anh em mình đi chơi chùa Từ Hiếu, thăm vài lăng tẩm chung quanh Huế hay về hóng gió biển Thuận An, anh lao đầu vào việc học để soạn thi Tú Tài II. Sự may mắn đã không phụ lòng anh mong đợi, kỳ thi năm ấy anh đỗ ưu hạng. Mừng anh, em đến thăm anh nơi căn gác trọ. Chúng mình đã sống cho nhau trọn một ngày. Sau này, nhìn lại ngày hôm ấy, lần nào hồn anh cũng ngập tràn bâng khuâng, nuối tiếc:

She was seventeen years old
But I loved her so
She was too young to fall in love
And I was too young to know.

Ngày ấy em mười bảy,
Ta trao nhau tình sâu,
Tuổi ấy đừng yêu thế,
Anh dại khờ biết đâu.

Rồi anh vào đại học, miệt mài bốn năm với sách vở. Chúng mình có khi giận nhau, khi thương nhau nhưng tình yêu vẫn còn như sợi dây êm ái nối liền hai đứa. Gia đình càng cấm đoán quyết liệt. Anh vẫn nuôi hy vọng đến ngày thành đạt để được hội nhập vào tầng lớp của ba me. Thực tế sau này chứng minh đó là ảo vọng, nhưng hồi ấy anh tin tưởng lắm nên dồn hết mọi ý chí và năng lực để học hành. Vừa đi học vừa đi làm để kiếm sống, làm rất nhiều thứ nghề, kể cả cái nghề làm máy mà hiện nay anh đang bám víu để nuôi thân qua ngày. Vì tương lai hai đứa mình, anh học nhiều, miệt mài với công việc, thỉnh thoảng dạy em học. Và có lần trong một buổi thực tập tại trường Đồng Khánh anh đã gọi em lên bảng lại nhằm cái câu hỏi em chưa thuộc, làm đám học sinh bạn bè cứ rúc rích cười trong khi em đứng ngây người, đỏ bừng đôi má vì lúng túng. Sau lần đó em giận anh đến mấy ngày.
Sắp đến ngày ra trường, vì đỗ đầu khoa nên anh được thấy Viện Trưởng Đại Học trao cho tấm giấy mời danh dự của chiếc ghế dành cho người thân của thủ khoa. Đó là một vinh hạnh cho các vị có công nuôi dưỡng tân khoa. Cầm thẻ mời anh gần như ứa nước mắt, vì chẳng còn người thân nào gần gũi. Anh tặng em tấm giấy mời để hoặc là dán vào album làm kỷ niệm hoặc là nếu có can đảm thì đến dự lễ ra trường cùng anh vì buổi lễ được tổ chức rất lớn, ngoài trời, như là một ngày hội trọng thể của toàn thành phố. Anh vẫn còn giữ tấm ảnh chụp em ngày hôm đó, ngồi trên ghế danh dự của thân nhân thủ khoa bên cạnh các bô lão và quan chức thời ấy. Anh cám ơn lòng can đảm của em, vì khi trong áo giáo thụ bước lên đài lãnh văn bằng, có một giây nào đó anh chỉ thấy em, trong khoảnh khắc đôi mắt em sáng ngời hồn anh, lễ đài quan chức như tan đi trong một thoáng, chỉ còn em. Chuyện chúng mình vì thế lại đến tai ba me, hai vị lại ra sức cấm đoán và bạn bè kể cho anh nghe có lần ba đã đánh em vì chuyện ấy. Ba me gần như thành công lần này khi cấm hai đứa gặp mặt. Đám khách mời dự tiệc hàng tháng ở nhà em phần lớn là tướng, tá và nhà giàu, trong đó có người ba me hằng mong kết sui gia. Lần hồi anh hiểu ra rằng ước nguyện của ba me không đặt ở nơi việc học hành thành đạt mà lại hướng về tiền bạc và quyền thế, hai thứ có thể giúp ba me trong kinh doanh, làm áp phe. Tiền bạc và quyền lực chỉ có ở giới giàu và kẻ có quyền cao chức trọng. Anh không thuộc hai giới đó nên trong mắt ba me vẫn chỉ là một thằng côn đồ chực hăm hở cướp con gái nhà người ta. Ấn tượng ngày ấy khó phai mờ trong tâm khảm người lớn. Anh tìm gặp thầy Viện Trưởng xin lên Đà Lạt dạy học, thầy rất đổi ngạc nhiên vì đã dành cho anh một địa vị đáng quý ngay tại Đại Học. Thâm tâm anh còn một hy vọng sẽ cùng em lập một đời sống mới trên vùng cao nguyên, một cõi thanh bình riêng cho hai đứa mình. Anh lại ươm mơ, không biết rằng trong mỗi người con gái có phần mộng mơ và có phần toan tính. Em có đủ can đảm yêu anh nhưng lại thiếu quyết tâm từ bỏ mọi thứ tiện nghi đã ấp ủ em hơn hai mươi năm từ lúc em còn trong bụng mẹ. Ngày lễ chọn nhiệm sở, thủ khoa đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi đứng trước micro tuyên bố xin chọn lên Đà Lạt, nhường nhiệm sở nơi đây cho người kế tiếp. Sau đó chúng mình gặp nhau lần cuối. Xứ Huế có quá nhiều thành kiến với con gái bỏ nhà đi theo trai. Em buồn đau nhiều lắm nhưng thực tiễn đưa em đến quyết định. Thế là anh lên cao nguyên một mình không có em… Ta đã mất nhau một lần, vết thương trong hồn anh rớm máu khi anh giã từ Huế, thành phố của nhiều kỷ niệm hai đứa mình. Ra đi từ ấy chưa một lần trở lại…

Bỏ lại Huế sau lưng, anh mang tâm trạng gần như “kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say.” Anh làm giáo sư tại trường nữ trung học lớn nhất xứ hoa đào. Thỉnh thoảng còn nhận được thư em, anh mang ra đồi nằm trên cỏ đọc đi đọc lại hàng chục lần. Mây cao nguyên bay nhanh hơn rất nhiều so với những lần mình cùng nhau nhìn mây trên đồi Từ Hiếu, nhưng lòng anh không chút rộn ràng. Anh yêu một loại hoa vàng mọc dại bên đường. Vệ đường hoa bước vào đời anh từ đó. Dẫu sao khi nhìn lại những ngày đã qua anh vẫn thầm cám ơn em và quãng đời dịu êm có em bên anh. Không có em chắc hẳn đời anh đã đổi khác. Nếu cuộc tình không ban cho anh niềm mơ ước vươn lên, ai biết đâu anh nay chẳng là gã lưu manh ngoài chợ?
Khung cảnh trầm lặng của núi đồi Đà Lạt giúp nguôi ngoai một phần khổ đau trong lòng, anh mong tìm quên và nguồn vui trong công việc. Học trò phần lớn rất ngoan, có những buổi gần trưa anh đang say mê giảng bài bỗng chột dạ dừng lại vì mấy chục cặp mắt theo dõi mình từng lời, từng cử chỉ, những đôi má ửng hồng tự nhiên khiến anh thấy ngạc nhiên vì nét đẹp trời cho của người con gái Đà Lạt. Tuy nhiên, hồn vẫn mộng mơ dõi về thành Huế, vẫn mong ngày về gặp lại em vào mùa hè năm sau, năm 1975.
Nhưng những biến động thời cuộc từ giữa tháng ba năm bảy lăm đã cắt đứt con đường anh tìm về gặp em. Tin đồn đầy dẫy. Khắp nơi những đoàn người nhốn nháo tìm cách rời khỏi thành phố miền cao. Trường đóng cửa, theo đoàn người loạn lạc anh xuôi về đồng bằng , hỏi tin em giữa hàng ngàn người di tản, lòng vẫn nuôi hy vọng ba me sẽ hồi tâm. Bởi dường như nay tình hình đổi khác. Nhưng hoài công vì em vẫn biệt tăm.
Tàn cuộc chiến, anh về Đà Lạt tiếp tục dạy học tại trường xưa. Quanh anh bỗng có lắm người quen cũ đã từng hoạt động cách mạng! Họ vung tay hô hào bừng bừng khí thế. Họp hành liên miên, rồi kiểm thảo, kiểm điểm, học tập, tập huấn.Thành phố Đà Lạt vài năm đầu tiên sau chiến tranh cỏ mọc xanh um trong các sân vườn biệt thự đóng kín. Tên trường, tên cơ quan, thậm chí bảng hiệu cửa hàng cũng thay đổi màu sơn cho hợp với thời thế. Thảm hoa trong nhiều vừơn nhà bị nhổ sạch để thay bằng những luống khoai lang sớm chiều chăm bón. Đồi Cù khoáng đạt, thâm trầm được đào thêm vài ngàn hố nhỏ để trồng cây tạo rừng cho con cháu mai sau. Dẫu sao, mây trời Đà Lạt vẫn bay lồng lộng và mỗi sáng tinh mơ, sương như những sợi khói bạc trên hồ vẫn lập lờ cùng mặt nước yên lặng, như điệu vũ uyển chuyển của ngàn tiên nữ áo trắng mong manh.

Tin em vẫn biền biệt, dù đã nhiều lần anh gửi thư về con phố nay đã thay tên. Bạn bè cho biết gia đình em không còn ở Huế nữa. Mãi hơn một năm sau anh mới nhận được thư em, mỗi lời thư như một giọt buồn vào hồn anh ngay từ câu mở đầu: “Anh yêu, ta xa nhau mãi mãi. Một năm nay em vẫn dõi tìm địa chỉ của anh, vừa biết anh vẫn dạy trường cũ. Bây giờ đại dương đã xa cách chúng mình....”

Thư viết không dài vì có lẽ em ngại thư không đến tay anh. Nhưng anh đã rõ. Tài xoay sở của ba me đã đưa được cả nhà sang bên đó trong những ngày cuối cùng của tháng tư năm ấy. Năm sau anh lại nhận được tin em và cánh thiệp hồng gửi từ Bắc Mỹ báo tin em lấy chồng. Chồng em là con của một trong những người khách vẫn dự tiệc hàng tháng tại nhà em hồi ấy. Thế là mãi mãi em đã xa khỏi tầm tay anh....

Bây giờ anh dồn hết lòng yêu thương cho đám học trò, cố vượt qua những khó khăn của buổi giao thời. Anh cũng vác cuốc theo học trò đi lao động, làm thuỷ lợi hoặc xới đất trồng khoai. Nhưng có những lúc dừng tay cuốc nhìn đám mây trôi nhanh giữa trời xanh ngắt, chợt thấy em hiện về trong tâm tưởng, vẫn hàng mi cong vút và mái tóc dài cuốn gió tung bay trên đồi Từ Hiếu.

Em yêu dấu, tình ta là cuốn sách đã giở sang trang mới. Tuy hoài niệm còn đó, còn trong kỷ vật, trong chồng thư và trong chiếc áo len tự tay em đan anh vẫn mặc chống gió lạnh miền cao. Nhưng chúng mình giờ đã như hai dòng nước từ một con sông chảy về hai hướng càng lúc càng xa nhau rồi. Có gặp nhau chăng ngoài biển lớn cũng chẳng còn là mình ngày xưa.

Lỡ mất em trong cuộc đời, anh chỉ còn cố bám vào chút tình yêu cuối anh dành cho nghề dạy học, dẫu đã phải trải qua nhiều năm cùng cực. Nhưng thời cuộc một lần nữa lại dửng dưng tước đoạt chút lòng còn lại: nợ cơm áo và tình người hờ hững đã buộc anh phải rời xa lớp học, chuyển sang làm thợ máy hầu mong tránh đói nghèo....Vết thương nào cũng nhức nhối trong tim.

Nhớ lại ngày trước, qua bài hát, có người nhạc sĩ đã bảo anh rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?... Để nước cuốn trôi!” Anh đã muốn vươn lên trong đời để mong có một tấm lòng, và nước đã cuốn trôi tất cả. Như những hạt cát khô của ngày xưa còn bé, lúc cha anh mới mất, anh thường ra bờ biển vốc đầy trong nắm tay, lần hồi cát vuột qua kẽ tay đi hết, có chăng chỉ còn xót xa trong mắt, trong lòng....

Làn không khí lạnh đầu mùa khô bắt đầu mơn man hoa lá trên những lối mòn quanh co của thành phố miền cao. Những cặp tình nhân từ khắp nơi đổ về hưởng vị ngọt của tình yêu hoà trong hơi lạnh. Từng đôi, từng đôi ngập tràn trong hạnh phúc....Có một loài hoa sắc vàng giữa đám lá xanh: Vệ Đường Hoa.
Dalat, 4-1988