Con Heo Ăn Thịt Người
Tác giả: Nguyễn Vi Túy
Hôm ấy tụi nhỏ trong xóm nhặt được con heo sinh non còn đỏ hon hỏn, của một nhà nào đó thấy khó nuôi nên vứt bỏ ở ngoài đồng. Chúng đem về nghịch, lấy que gẩy qua gẩy lại như chơi đánh khăng, khiến con vật tội nghiệp cứ phải co rúm lại như để tránh các vết thương ngang dọc mỗi lúc một nhiều hằn lên lớp da mỏng dính.
Bà Tám thấy bọn trẻ đang túm tụm hào hứng với trò chơi mới lạ, tò mò bước đến gần để xem. Thấy con vật quặt quẹo, dơ dáy, đang nằm run rẩy dưới đất, bà hét lên giận dữ:
-Tụi mày ác nhân thất đức vừa vừa chứ! Con chó con ấy có tội tình gì mà tụi mày hè nhau đánh chết nó vậy!?
Bọn nhóc bị người lớn la rầy nên im thim thít, nhưng có đứa vẫn khe khẽ lên tiếng:
-Con heo “cùi”, chứ không phải con chó đâu bà Tám ơi!
Bà Tám dang hai tay vạt bọn trẻ ra, cúi xuống nhặt con vật đang bị hành hạ lên xem, rồi xuýt xoa:
-Ủa, là con heo... sữa! Sao nhà nào không đem đi nấu cháo mà lại vứt bỏ ở đây vậy kìa?
Thằng Bỉnh, có biệt danh là “Bỉnh Heo” hỉnh hỉnh cái mũi rồi nói:
-Bà Tám không thấy nó “què” sao?
Bà Tám nhấc tai con heo lên xem, quả thật con heo mới sinh này trông rất lạ, nó có 2 chân sau, còn hai chân trước thụt đâu mất và chỉ ló dạng chút xíu như cái đầu móng tay. Thấy con heo còn nhúc nhích, bà Tám lấy tay kia âu yếm vỗ nhè nhẹ lên lưng nó, tỏ lòng thương hại:
-Tụi bây đi hết đi, để tao mang con heo này về xem có cứu được không!
Nói xong, bà Tám lột cái nón lá đang đội trên đầu ngửa ra rồi bỏ con heo con vào - rồi bước nhanh - như sợ lũ nhóc đòi lại con vật mà chúng đang bày trò đùa giỡn.
Bà Tám là bà mụ đỡ đẻ trong xóm, dù không học hành gì nhiều, nhưng khi trạm y tế của xã mở ra thì bà cũng được nhận ngay vào làm “nữ hộ sanh”. Tay nghề của bà khéo lắm, khéo đến độ có nhiều ca ở tận xã bên cũng đem xe tới rước, để mong được “mẹ tròn con vuông”. Bà Tám cũng là người có lòng nhân khác lạ, không bao giờ bà nhận phá thai cho bất cứ ai, dù người ấy có gặp hoàn cảnh éo le đến đâu, cũng như trả tiền công cao đến cỡ nào... bà cũng đều lắc đầu từ chối. Vì thế cho nên, khi gặp lũ trẻ đang đùa nghịch với con heo tật nguyền, bà liền dành đem về cứu chữa với hy vọng nó sẽ sống sót, còn nếu không thì bà sẽ đem chôn nó ở cuối vườn.
Quả thật bà Tám rất mát tay, chỉ vài ngày sau con heo bị vứt ở ngoài đống rác ấy đã cựa quậy loi choi trong cái thùng giấy lót chiếc quần đen cũ rách. Hàng ngày bà đều bơm thuốc vào miệng con heo và cho nó bú sữa bột pha loãng, tất cả các thứ này đều có từ nhà bảo sanh của xã, nơi bà làm việc, nên cũng chẳng tốn kém gì. Ðến khi con heo con biết kêu lên eng éc mỗi khi đói, bà Tám mới phát giác ra ngoài chuyện chỉ có 2 chân sau, con heo dị dạng này còn bị mù nữa! Chuyện con heo bị thương bà còn chữa được, chứ chuyện nó bị mù “bẩm sinh” thì bà chịu, dù trước đây bà đã từng kiên trì nhỏ thuốc và hút mủ cho một đứa bé bị bỏ rơi – vì mẹ nó là một cô gái giang hồ, thấy con không mở mắt vì bị mủ bít kín do bệnh tật của các tay chơi để lại. Bà Tám thấy tội nghiệp đem đứa bé gái ấy về nuôi, đặt tên là Hiếu và nay nó đã được 8 tuổi - và thật may mắn là nó không bị mù như mọi người nghĩ, và nay cô bé ấy là niềm vui to lớn của một người phụ nữ đã lớn tuổi mà không chồng không con như bà.
Khi con heo đã cứng cáp và khỏe mạnh, bà nói với bé Hiếu:
-Con đem nó ra sau bếp, nuôi ở gần cái đường mương, chứ để nó trong nhà hoài má chịu không nổi mùi phân đâu!
Bé Hiếu từ ngày có con heo mà má nuôi đem về, nó thích lắm và coi như người bạn. Nó thường xuyên tắm, cho heo ăn, rồi bồng bế nựng nịu y như người ta nuôi chó trong nhà. Mặc dù để con heo sau bếp rồi quây phên tre chung quanh, nhưng bé Hiếu vẫn thường xuyên lén má Tám để đưa lên nhà đùa giỡn. Con heo nhờ được bà Tám và bé Hiếu chăm sóc thường xuyên nên ngày càng bụ bẫm, và mới nhìn qua không ai có thể biết đó là một con heo tật nguyền - vì dù chỉ có hai chân sau, và bị mù nhưng nó vẫn biết chạy tới chạy lui mừng rỡ mỗi khi nghe thấy tiếng kêu “ụt ơi, ụt à” của bé Hiếu và bà Tám.
Con heo lớn nhanh như thổi, chỉ vài tháng sau nó đã không còn di chuyển được như lúc còn bé, bởi hai cái chân sau đã không thể nào nâng đỡ nổi cái thân xác nặng nề. Vì vậy, mỗi lần muốn xê dịch nó chỉ như lủi người về phía trước, hay nằm một chỗ quay vòng vòng chứ khó có thể tiến xa được! Tới lúc này, bé Hiếu không còn đưa con heo đi đâu chơi đùa như trước nữa, và chỉ còn biết phụ bà Tám bằng cách tạt các thau nước nhỏ vào chuồng mỗi khi ngửi thấy mùi hôi từ phân của con heo mù thải ra.
Không ai biết bà Tám nuôi con heo tật nguyền ấy bằng thứ thức ăn gì mà nó lớn và nặng cân nhanh khủng khiếp. Con heo ngày càng mập, thịt núng na núng nính cả tảng bệu ra từ đầu đến bụng, thậm chí đến cả hai chân sau của nó. Bé Hiếu vì còn nhỏ nên cũng chẳng thắc mắc về việc cho heo ăn gì, nhưng mỗi khi nó tạt nước tắm cho heo thì lại thấy những vũng máu đỏ tanh nồng trôi đi từ chỗ nằm của con vật, thậm chí nhiều lúc nó còn thấy cả dòng máu đỏ tươi trào ra từ mõm, nhất là khi con heo ăn no rồi quay ra nằm ngủ thở hồng hộc.
Có lần bé Hiếu thấy bà Tám vứt cả đống thịt bầy nhầy còn đẫm máu vào chuồng cho heo ăn. Con bé tò mò hỏi:
-Má cho heo ăn thịt gì vậy? Sao má không nấu trộn vào cám cho nó?
Bà Tám quay sang nói nhỏ:
-Má cho nó ăn thịt bò, loại “bầy hầy” ở chợ bán không ai mua, họ để rẻ cho má đem về cho heo. Con thấy không, nó ưa ăn loại thịt này lắm, cám với rau mà con trộn thêm để ở máng má thấy có lúc nào nó chịu ăn đâu?
Bé Hiếu công nhận điều má Tám nói là đúng, con heo mù này chỉ thích ăn loại “thịt bầy hầy” do má nuôi thỉnh thoảng đem về sau khi hết giờ làm việc ở phòng hộ sanh xã. Con heo ngày càng mập và đánh hơi hay kinh khủng, khi bé Hiếu xuống dội nước tắm thì nó nằm yên không cựa quậïy, nhưng khi má Tám đem bịch thịt chưa đi tới chuồng thì nó đã hích hích cái mũi đỏ ửng và rít lên những tràng dài “ư... ử” để chờ đón món ăn khoái khẩu mà bà Tám đã cho nó ăn quen từ hồi thôi bú sữa, hôm nào không có món này thì nó nằm ủ rũ như heo bịnh, trông đến phát rầu!
Năm ấy, bà Tám thấy con heo đã nặng gần cả tạ, liền nghĩ đến chuyện phải bán nó cho mấy ông hàng thịt ở chợ xã để có thêm tiền tiêu tết. Ðã có hai tay đến trả giá, nhưng chê con heo mù và què này mỡ nhiều và đòi giảm giá. Bà Tám không chịu, vì thực sự giá mỡ và giá thịt lúc này cũng ngang nhau, còn chuyện heo bị mù hay thiếu mất hai chân trước thì cũng chẳng ăn nhằm gì đến việc... xả thịt.
Gần đến tết, các tay săn lùng mua heo bò lại xuất hiện trong vùng nhiều hơn, bà Tám biết vậy nên chẳng dại gì mà phải bán ngay cho những tay trả giá rẻ. Chính vì thái độ không nôn nóng và tỏ ra chưa cần bán, nên giá cân ký con heo tật nguyền của bà ngày càng được nâng cao, và cho đến lúc bà muốn gọi người trả giá cao nhất đến cân thì lại xảy ra chuyện.
Bé Hiếu khi biết bà sắp bán con heo mù đi, thì nó làm mình làm mẩy, khóc bù lu bù loa, không chịu để cho bà Tám bán mất con vật mà nó đã bỏ ra nhiều giờ chăm sóc và coi như bạn để đùa giỡn mỗi khi đi học về. Bà Tám vỗ về đứa con gái nuôi mà bà thương yêu còn hơn là con ruột rằng, khi bán xong con heo mù thì sẽ mua về đến hai con heo con để nó nựng nịu, nuôi nấng - nhưng nó nhất định không chịu và nói con heo mù... sắp có em bé, thì phải để cho nó sanh “em bé” xong rồi thì mới được đem bán.
Nghe bé Hiếu nói thế, bà Tám muốn bật cười vì sự ngây thơ của nó, vì con heo mù mặc dù là con heo cái, nhưng nếu không cho “nhảy nọc” thì làm sao có heo con được! Nhưng nghĩ lại, bà thấy cách này cũng có thể thực hiện được, vì nếu gọi người đem heo nọc đến cho nó “đi tơ”, thì biết đâu nhà bà lại có cả đàn heo con mũm mĩm. Bà cũng suýt bật cười khi nghĩ đến lúc ông “lái lợn” chắc chắn mồ hôi sẽ vã ra như tắm, bởi phải tìm cách nâng cho con heo chỉ có hai chân sau đứng lên, rồi lại phải lùa con heo nọc sao cho vào đúng vị trí từ phía sau... Ðang khi suy tính đến chuyện bán con heo tật nguyền, hay chờ nó sinh xong lứa heo đầu rồi đem bán cũng chưa muộn, thì bà Tám gặp người hàng xóm có cái ao rau muống kế sát đằng sau nhà.
Bà Mậu nổi tiếng là người khó chịu và lắm chuyện ở xóm bên, vừa thấy bà Tám liền đưa tay vẫy gọi rối rít:
-Này bà Tám, bà lại đây tôi nói chuyện này cho bà nghe...
Bà Tám đang băng ngõ hẻm để ra đường đón xe lam, không muốn nói chuyện nhiều vì sợ lỡ chuyến xe nên khoát tay, mà chân vẫn rảo bước:
-Thôi có chuyện gì thì để đến chiều tôi đi làm về rồi ghé nhà bà nói chuyện sau nghe. Bây giờ tôi phải đi gấp, kẻo bị la rầy vì đi trễ hoài kỳ lắm! Bà Mậu bước nhanh tới, rồi hối hả nói:
-Chuyện này có liên quan tới con heo của nhà bà!
Nghe tới chuyện con heo, bà Tám nghĩ chắc bà hàng xóm này phiền hà chuyện cống rãnh thoát phân chảy sang ruộng rau muống, nên lên giọng:
-Bà đừng lo gì hết á, tôi sắp bán con heo ấy rồi. Mấy ngày nay quân buôn trả giá hà rầm mà tôi chưa chịu, chắc ít bữa nữa là có người đến cân...
Bà Mậu đưa tay áo ra chùi nước cốt trầu đang nhễu ra ở hai bên mép rồi nói:
-Bà hiểu lầm ý của tôi rồi! Tôi muốn nói với bà chuyện khác kìa...
Bà Tám ngạc nghiên hỏi lại:
-Chuyện khác là chuyện gì?
Bà Mậu ra vẻ nghiêm trọng:
-Chả là nhiều tối tôi ngủ không được, ra sau bếp làm mấy việc vặt, thấy đã khuya rồi mà sao bên chuồng heo của nhà bà vẫn còn tiếng đùa giỡn của con Hiếu với con heo. Ðêm khuya thinh vắng nên tôi nghe rõ lắm, và chỉ lạ là tại sao bà không bắt nó đi ngủ sớm. Chuyện ấy xảy ra mấy đêm liền, nên tôi để ý nghe coi con Hiếu nói gì với con heo, ai dè toàn là tiếng o oe như là trẻ sơ sinh, và tiếng cười nắc nẻ cũng vậy là của trẻ nít chứ không phải là của con Hiếu. Tôi biết nhà bà chỉ có con Hiếu thôi chứ đâu có con nít mới sanh, nên tôi mới hỏi bà là...
Bà Tám ngắt ngang câu chuyện kể của bà Mậu, ra vẻ giận dỗi:
-Bà già rồi mà còn nói chuyện tầm phào! Ðêm nào con Hiếu cũng lên giường ngủ chung với tôi, khi buồn đi tiểu nó còn phải gọi tôi dậy thắp đèn đưa nó ra sau bếp, làm gì có chuyện đêm nào nó cũng xuống chơi giỡn với heo!
Bà Mậu phân trần:
-Tôi có nói với bà rồi, lúc đầu thì tôi tưởng là con Hiếu, nhưng sau nghe kỹ thì mới biết đó là tiếng cười giỡn của trẻ mới sinh. Giọng cười của nó vang lên khanh khách giữa đêm vắng, thì làm sao tôi lầm với giọng cười của con Hiếu được!
Bà Tám ra vẻ bực bội:
-Nhưng bà kể chuyện này với ý gì? Mặc dù tôi làm bà mụ đỡ đẻ, nhưng tôi chưa làm điều gì sai quấy, tôi còn mang cả con Hiếu về nuôi nữa, bà không thấy việc ấy sao? Bà Mậu chống chế:
-Lòng dạ của bà trong xóm ai mà không biết, nhưng chuyện con heo nhà bà đùa giỡn với con nít lúc nửa đêm về sáng là chuyện có thật, tôi nghe sao thì kể cho bà biết như vậy, không có ý gì hết. Mấy bữa nay có người muốn mua con heo ấy, tôi nghĩ là bà nên bán ngay đi, đừng chắc lép gì nữa!
Bà Tám nghĩ là bà Mậu muốn bà bán quách con heo để khỏi bị ngửi mùi phân mỗi khi có luồng gió thổi xuôi chiều hay những ngày nóng bức khiến mùi phân xông lên nồng nặc - bởi phía sau bếp của nhà bà thì cũng là phía sau bếp của nhà bà Mậu! Nhưng nghĩ lại, bà Tám chợt lòng dạ phân vân, bởi cách đây mấy tuần ngoài các bịch “nhau” của đàn bà đẻ mà bà đem về, còn có một thai nhi sinh non đã đầy đủ hình hài mà bà lấy lầm đem về cho heo ăn!
Bà Tám nhớ lại, hôm ấy một phụ nữ lạ mặt, nước da trắng bóc, chứng tỏ không phải là người trong xã, được xe lôi chở vào nhà bảo sanh với những triệu chứng sắp sinh. Khi nhìn bụng của thai phụ, bà Tám biết ngay đây là một ca sinh non, và không có dấu hiệu gì chứng tỏ thai nhi còn sống! Mặc dù đã chích thuốc dục, và bọc nước ối đã vỡ nhưng người đàn bà mang bầu vẫn không thể nào thúc được đứa con ra khỏi bụng mẹ. Thai phụ mồ hôi vã ra như tắm, bờ môi nứt nẻ khô rang, sức khỏe cạn dần vì lo sợ và ráng sức làm theo các phương pháp rặn đẻ của bà Tám. Thấy nguy cơ có thể dẫn đến việc chết cả mẹ lẫn con, bà Tám cùng người y tá ở nhà bảo sanh đã tính đến chuyện kêu xe lam chở người đàn bà này lên phòng bảo sanh huyện, vì ở đó có bác sĩ để làm một ca mổ cứu vãn sinh mạng của thai phụ, nhưng nghĩ đến quãng đường xa diệu vợi, và chắc chắn người đàn bà này sẽ chết trên đường đi, nên bà Tám đánh nước liều, nói với cô y tá:
-Chị chích cho bà ấy mũi thuốc khỏe, để tôi cố lấy cái thai ra...
Nói rồi, bà Tám đẩy hai chân của thai phụ dang rộng thêm, lột bỏ đôi găng tay cao su rồi thọc bàn tay sâu vào trong âm đạo, bà luồn tay qua cổ dạ con, đụng đầu thai nhi và thấy nó vẫn nằm ngửa chưa chuyển sấp trước khi ra khỏi lòng mẹ như các vụ đỡ đẻ bình thường. Nhưng cũng để chắc ăn, bà đưa bàn tay trần lên sát mũi đứa nhỏ để xem lại lần nữa coi nó còn thở không, nhưng tất cả đều bất động. Bà mạnh dạn bấu năm ngón tay xuống cằm đứa nhỏ và lôi mạnh nó ra ngoài. Cái đầu ra khỏi cổ dạ con không khó, nhưng đến cái vai của nó bà lại phải lựa thế xoay ngang thì mới kéo được cả thân hình nó ra. Mặc dù đó là một đứa nhỏ sinh non mấy tháng và đã chết trước đó không lâu, nhưng khi lôi nó được ra ngoài và cắt rốn, bà Tám thấy đó là một bé gái xinh đẹp, nhưng lạ một điều là trên đầu nó lại có một hai vết thương trí mạng!
Dù đứa bé đã chết, và trong khi cô y tá lo cho người mẹ, bà Tám vẫn đem thai nhi đi tắm, để bớt mùi hôi tanh của máu mủ, cũng như phòng việc mẹ nó muốn nhìn mặt trước khi chôn cất. Lúc tắm cho nó, bà Tám để ý thấy ngoài vết thâm tím ở cổ do bà níu vào để lôi nó ra, trên đầu đứa trẻ còn bị mấy vết thương lõm vào khá sâu như có ai dùng vật lạ thúc mạnh vào đầu, làm mất cả một mảng tóc!
Khi bà mẹ tỉnh lại, đã hết lời cảm ơn sự cứu tử của bà và cô y tá, và không tỏ ý nuối tiếc hay muốn xem mặt đứa con đã chết! Bà Tám đem chuyện vết thương trên đầu đứa bé ra hỏi, người đàn bà tên Phượng lúc đầu chối quanh, nhưng sau mới thú thực là trước đó không lâu bà ta đã đến nhà một bà mụ để phá thai, bởi kết quả siêu âm trên thành phố cho biết đó là con gái. Vụ phá thai bất thành, bởi cái thai đã lớn, và bà mụ vườn không tài nào móc được đầu cái thai để kéo ra, Thấy máu ra nhiều sợ bị băng huyết nên Phượng được chở đến nhà một y tá tư để điều trị, và khi trên đường trở về Saigòn thì có dấu hiệu thai hư muốn tống ra ngoài, nên đã nhờ người quen chở vào nhà hộ sanh gần nhất!
Chiều hôm ấy, bà Tám vứt gói nhau như thường lệ vào chuồng heo, và không biết rằng trong đó là cái thai sinh non của người đàn bà tên Phượng. Bởi cô y tá đã gói cái bọc ấy đưa cho bà Phượng và bảo bà ta đem về nhà chôn cất, nhưng sau đó bà này chuồn thẳng, vì sợ rắc rối lôi thôi! Hôm sau đi làm, cô y tá đã nói cho bà biết vụ lấy lộn cái bao, vì bao nhau vẫn còn đó, còn cái bao đựng đứa nhỏ thì bà Tám đã lấy về cho heo ăn! Nghe xong, bà giật mình hối tiếc vì chiều hôm ấy đi làm về bà lại ra chợ mua thêm ít thức ăn nên khi về đến nhà trời đã nhá nhem, nên bà quẳng ngay gói nhau vào chuồng heo mà không mở ra, hay đứng xem heo ăn như mọi lần. Bây giờ cái thai nhi ấy đã nằm trong bụng con heo tật nguyền của bà, bà muốn moi ra cũng chẳng được, muốn chôn cất nó cũng không xong.
Trong lúc đầu óc rối bời khi nhớ lại sự việc, bà Tám không biết phải trả lời sao với bà Mậu, bà đành xuống giọng, nhưng vẫn nói cứng:
-Ừa thì chuyện là bà nói như vậy... Nhưng để tối nay tôi xuống chuồng heo xem coi có đúng như bà nói không...
Bà Mậu ngúng nguẩy ra vẻ giận dỗi:
-Tui nói bà không cảm ơn thì thôi, còn bày đặt tin với hổng tin! Tui mà nói láo, cho xe be 12 bánh cán tui nát như tương tàu đi...
Nói rồi bà Mậu quay ngoắt về, thì cũng là lúc chiếc xe lam trờ tới. Bà Tám leo lên xe mà trông như kẻ mất hồn, lòng dạ bà rối bời vì không biết phải đối phó ra sao với câu chuyện bà Mậu mới kể. Từ bao năm nay làm nghề đỡ đẻ, bà không bao giờ đụng đến xác những thai nhi xấu số không được cất tiếng khóc chào đời. Nhiều người mẹ còn nhẫn tâm vứt bỏ xác con lại, khiến bà phải đặt chúng vô hộp và đem chôn đàng hoàng ở mảnh đất cuối vườn của nhà bảo sanh. Việc bà Tám nghĩ ra chuyện cho heo ăn nhau, là vì bà thấy lũ chó quanh nhà bảo sanh thường lục lọi thùng rác, kéo những bịch nhau tanh tưởi thối nồng ra ăn, và con nào con nấy lại mập khỏe to lớn khác hẳn với những con chó khác nuôi ở nhà. Ðể tránh việc chó bươi móc thùng rác kiếm thức ăn, bà Tám mới nghĩ đến việc hôm nào có người đến sanh thì bà đem mớ nhau ấy về cho heo ăn, vừa đỡ tốn kém lại không còn phải lo dọn dẹp thùng rác mỗi khi bị bầy chó bới tung. Loại nhau mà bà Tám đem về là loại “nhau con rạ”, còn loại “nhau con so” của những người mạnh khỏe và sinh con lần đầu thì thường được dành cho mấy người quen trong vùng, đặt mua và dặn trước - bởi những người này tin ăn “nhau con so” chữa được nhiều thứ bệnh.
Lúc ấy cũng hơn nửa khuya, khi thấy con Hiếu đã ngủ say, bà Tám vạch mùng rón rén bước ra mở cửa sau. Muốn xuống tới chuồng heo sau bếp, bà phải băng qua một khoảng sân, tuy không rộng lắm, nhưng sao đêm nay bà thấy nó xa cách diệu vợi. Vầng trăng lại không mấy rạng, còn bị mấy đám mây đen che phủ, khiến cảnh vật chung quanh tối đen như mực. Khi bà rón rén bước ra sân được mấy bước thì nghe tiếng chó tru từ xa vọng lại, tiếng chó ngân dài hồi lâu rồi lại ư ử trong đêm khuya thanh vắng nghe thật dễ sợ như tiếng oan hồn não nùng ai oán, rồi lại y như đứa trẻ con bị bóp cổ không thể thoát ra tiếng khóc. Dân miền quê mỗi lần nghe thấy tiếng chó sủa vu vơ ấy thì lại rù rì nói với nhau đó là tiếng “chó sủa ma”, và những đứa trẻ khó ngủ thì thường bị cha mẹ đem tiếng chó sủa ban đêm ấy ra mà dọa nạt. Bà Tám dù không tin vào những chuyện kể ấy, nhưng sao lúc này bà cũng thấy sờ sợ và muốn chùn chân bước lại vào nhà. Nhưng đúng lúc ấy những bụi cây chung quanh nhà bà bỗng xào xạc như có ai luồn lách lướt đi trên lá để đến cái chuồng heo ở cuối bếp.
Bà Tám đứng sững nhìn theo, bà bỗng cảm thấy ớn lạnh khi nghe tiếng con heo tật nguyền trong chuồng kêu lên ồng ộc, rồi hi hí mừng rỡ y hệt như những khi bà mang về món nhau mà nó ưa thích! Những tiếng động ở dưới chuồng heo mỗi lúc mỗi nhiều, y như có người đùa giỡn với heo. Giữa những tiếng hụt hịt của heo, bà Tám còn nghe thấy tiếng cười khanh khách của trẻ con, y như có ai cù vào nách nó.
Như vậy những điều mà bà Mậu hàng xóm nói với bà Tám đều là sự thật, và không có gì thêm thắt hay bịa đặt! Bà Tám sợ điếng hồn, lòng dạ ngổn ngang, vì không biết phải làm gì để chấm dứt hiện tượng ma quái đang xảy ra trong nhà bếp có cái chuồng heo này! Bà biết là đứa trẻ chết linh, nó muốn sống mà mẹ nó bắt chết, nó muốn mồ yên mả đẹp mà bà lại đem vứt thân xác thiên thần của nó cho heo ăn. Không biết làm sao hơn, bà chắp tay run run khấn vái:
-Cháu bé chết oan ơi! Bà đâu muốn vậy đâu! Bà muốn cứu cháu lắm đấy chứ, nhưng mà họ làm cháu chết rồi. Thôi để sáng mai bà lên chùa xin lễ cầu siêu để cho cháu siêu thoát, để cho cháu sớm đi đầu thai...
Nói xong, bà Tám bước ngay vào nhà đóng sập cửa lại. Ánh đèn dầu leo lét để trên bàn đủ để soi sáng căn nhà nhỏ, bỗng phực sáng rồi chao qua chao lại như có luồng gió mạnh thổi qua. Bà Tám nhìn quanh nhà, thấy mọi cửa nẻo đều đóng kín, thế thì luồng gió lạ lùng ấy ở đâu ra? Ðang khi thắc mắc, tiếng con bé Hiếu chợt ú ớ vang lên trong mùng như đang nói chuyện với ai:
-Ðể mai chị mang đồ chơi xuống cho em nha... Chị không có thứ ấy... thôi để chị nói má chị mua cho em... chịu không...
Bé Hiếu còn nói nhiều câu nữa, nhưng dù có lắng nghe đến mấy bà Tám cũng không hiểu đứa con nuôi của bà đang nói gì, và nói với ai trong cơn mê ngủ. Bà tằng hắng rồi cất tiếng vu vơ để đánh tan nỗi sợ:
-Ủa con Hiếu còn thức hả? Khuya rồi sao chưa ngủ vậy con?
Bà dở mùng nhìn vào, bé Hiếu vẫn say giấc nhưng trên môi còn đang nhoẻn nụ cười. Bà Tám định bụng chờ đến sáng để hỏi xem con bé đã mơ thấy gì trong giấc ngủ, mà bà đinh ninh là nó có liên quan đến con heo tật nguyền ở cuối vườn. Cả đêm hôm ấy bà Tám trằn trọc lăn qua lộn lại mà cũng không tài nào ngủ được. Bà nghĩ tới nghĩ lui, than vắn thở dài, và lâm râm cầu nguyện để mong sao có được một hành động thỏa đáng để giải quyết việc “con heo ma” đang làm rộn tâm trí bà. Nhưng rồi cũng đến lúc vì quá mệt nên bà thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn ngủ nửa tỉnh nửa mê, bà thấy đứa bé gái bị chết trong bụng mẹ hiện về, mặt mày loang lổ những vết cắn xé, trông thật thảm hại. Bà Tám hối hận quá, run run nói:
-Bà biết cháu muốn cất tiếng khóc, muốn mở mắt chào đời. Vì thế cháu đã cố trốn tránh bàn tay của mụ nạo thai tàn ác, nhưng cuối cùng cháu cũng không thể tránh khỏi! Số phận của cháu đã vậy, bà đâu biết làm sao hơn...
Hồn ma của đứa bé gái oặt ẹo, nhăn nhó, co dúm như đang bị đau đớn, rồi lại chuyển sang một đứa bé lành lặn xinh tươi hồng hào, miệng cười chúm chím. Bà Tám thấy đứa bé mũm mĩm dễ thương như một con búp bê, uốn éo thân hình rồi nhanh như chớp cuốn hút mất dạng vào phía chỗ nằm của bé Hiếu. Bà nhìn sang, thấy bé Hiếu bỗng ngồi bật dậy nói chuyện với bà mà cặp mắt lại nhắm nghiền như đang say ngủ. Bé Hiếu nói với giọng rầu rầu:
-Má à! Con cảm ơn má đã cố gắng giúp con chào đời nhưng không được. Bây giờ con muốn đi đầu thai, vậy má hứa phải giúp con nhe.
Bà Tám bối rối:
-Nhưng má... ủa mà bà biết giúp con bằng cách nào?
-Má biết cách mà, má có cách mà...
Nói xong, hồn ma đứa bé bị chết oan như một luồng khói trắng thoắt nhẹ rời khỏi thân xác của bé Hiếu và tan loãng dần ở phía cuối nhà. Bà Tám đưa tay như muốn chận lại hồn ma của đứa bé để hỏi thêm đôi điều, nhưng đúng lúc ấy bà đã giật mình tỉnh giấc – và ngoài sân tiếng gà đã eo óc gáy chào đón bình minh.
Bà Tám biết mình vừa trải qua một cơn mơ, nhưng là những sự việc hoàn toàn có liên quan đến chuyện “con heo ăn thịt người” mà bà đang nuôi ở đằng sau bếp. Nghĩ tới nghĩ lui, vò đầu bứt tóc mãi mà bà Tám cũng không tài nào nghĩ ra cách để giúp đứa bé sơ sinh trong giấc mộng sớm được đầu thai, và nhà bà thoát khỏi cảnh giam giữ một linh hồn bé nhỏ!
Ðúng lúc ấy bé Hiếu thức giấc, nhìn thấy bà Tám ngồi bó gối ở đầu giường nó lên tiếng hỏi:
-Ủa sao má dậy sớm quá vậy? Hôm nay má có đi làm không?
Bà Tám nhớ lại chuyện bé Hiếu nói lảm nhảm trong giấc ngủ đêm qua, nên hỏi ngay: -Tối qua con nằm ngủ mơ thấy cái gì mà hứa này hứa nọ với ai vậy?
Bé Hiếu đưa tay dụi mắt xong, lại đưa tay lên gãi đầu ra vẻ bối rối:
-Con mơ... thôi ấy mà, không có chuyện gì đâu má.
-Không có chuyện gì mà sao má thấy con nói nhiều thứ lắm. Con muốn dấu má phải không?
Bé Hiếu xua tay liên tục:
-Con đâu dám dấu! Chả là vì con mơ thấy “em bé” ở dưới chuồng heo muốn có đồ chơi, nên con hứa đem xuống cho nó chơi. Rồi nó còn nói nó không có quần áo nên ở dưới đó lạnh lắm, con thấy nó phải chui nằm dưới bụng con heo để đỡ lạnh nữa. Con chỉ hứa cho nó đồ chơi, còn quần áo thì con nói là không được vì nhà mình nghèo lắm, đâu có quần áo dư mà cho nó...
Bà Hiếu chăm chú nghe rồi hỏi thêm:
-Con thấy đứa bé ấy là trai hay gái?
-Nó là con gái má ơi. Nó dễ thương lắm, mà sao con thấy nó cứ đưa hai tay lên bụm cái đầu. Con có hỏi mà nó không nói, nó bảo muốn biết thì hỏi má thì rõ. Con nghĩ là chuyện trong giấc mơ thì có gì mà má biết được, nên con không muốn nói là vậy.
Bà Tám quay sang ôm bé Hiếu vào lòng, vỗ về rồi nói:
-Chuyện con mơ là chuyện có thật đó con, con bé ấy chết oan nên hiện về muốn má con mình giúp nó sớm đầu thai...
Rồi bà Tám kể hết đầu đuôi câu chuyện cho bé Hiếu nghe. Nghe xong bé Hiếu nói: -Nếu vậy, chiều nay đi học về con sẽ đem đồ chơi xuống chuồng heo cho nó. Vậy má có bộ quần áo nào cũ của con để cho nó mặc không?
Bà Tám vui vẻ nói với đứa con nuôi:
-Nó còn bé lắm không mặc vừa đồ của con đâu. Ðể má lên nhà bảo sanh có bộ quần áo mới mà người ta bỏ lại quên đem về, má sẽ đem về đốt cho nó.
Bé Hiếu dẫy nảy:
-Tại sao lại đốt? Sao má không để nguyên vậy cho nó?
Bà Tám giải thích:
-Ðó là cách gửi nhanh nhất đó con. Bộ con không thấy người ta đốt vàng mã hay sao? Mình đốt thứ gì thì người chết sẽ nhận được thứ đó. Em bé mà con mơ cần quần áo thì con đốt quần áo, cần đồ chơi thì con đốt đồ chơi...
***
Ngay trưa hôm đó, bà Tám xin về nhà sớm hơn thường lệ. Bà muốn làm một việc nhưng không muốn bé Hiếu chứng kiến, vì giờ này nó vẫn còn ở trường học. Bà lặng lẽ đi thẳng xuống bếp, mở bọc nhau quẳng ngay vào máng, nhưng con heo “ma” hình như đoán được việc bà Tám sắp làm nên nó vẫn nằm im mà rên rỉ như van xin tha mạng, chứ không lộ vẻ vui mừng chộn rộn như những lần được ăn món khoái khẩu!
Bà Tám mở cái túi xách luôn mang theo bên mình, rút cái ống bơm đã có đầy thuốc rồi lắp kim chích vào. Ðây là liều thuốc độc cực mạnh mà bà đã tự pha chế, trong đó có cả thuốc chuột lẫn morphin là chất mà nhà thương thường dùng để giữ cho xác chết lâu phân hủy. Hai chất này trộn vào với nhau biến thành một thứ độc dược làm tê liệt hết các bộ phận có chức năng đem đến sự sống, khiến con vật bị chích sẽ ngưng thở chỉ trong vòng vài phút.
Bà Tám tiến đến gần con heo tật nguyền, rồi buồn bã chép miệng:
-Tao phải hóa kiếp mày để đứa bé chết oan được đi đầu thai. Chỗ này không phải là nơi để nó trú ẩn, nó phải đến một chỗ sạch sẽ và ấm êm khác...
Nói xong, bà Tám phóng ngập mũi kim to và dài đến 3 đốt ngón tay vào đùi con heo đang nằm bẹp dưới đất! Con vật chắc biết đã đến giờ hóa kiếp nên không có bất cứ cử chỉ nào kháng cự, ngoài việc các thớ thịt run lên bần bật khi độc dược bắt đầu có tác dụng, và há mõm thở hồng hộc như thiếu dưỡng khí. Bà Tám đứng nhìn cho đến khi con heo bất động, và toàn thân tím dần vì chất độc.
Khi bé Hiếu tan học, nó nhanh chân chạy về nhà để đem xuống chuồng heo mấy món đồ chơi mà nó vừa lấy lại từ mấy đứa bạn học chung lớp. Nhưng khi gần vào tới chuồng, nó rất ngạc nghiên vì không thấy con heo ủn ỉn lên tiếng reo mừng như thường lệ mà thay vào đó là một sự im lặng như tờ. Nhìn vào chuồng, nó thấy con heo nằm bẹp dí và da thịt đã đổi màu, nó hoảng hốt vứt tung mấy thứ đang cầm trên tay rồi chạy lên nhà kêu:
-Má ơi! Má à! Má ơi...
Bà Tám giả bộ như đang mệt nhọc:
-Ðể cho má nhắm mắt một chút... Có việc gì để chút nữa rồi hãy gọi má... Con Hiếu đưa cả hai tay rung mạnh một đầu võng, nơi bà Tám đang nằm đong đưa ở góc nhà, với giọng hối thúc:
-Má xuống bếp coi ngay đi, con heo nhà mình nó nằm im không cục cựa, chắc là nó chết rồi má ơi!
Bà Tám hé mắt ra nhìn bé Hiếu, bà thấy nó không có chút nghi ngờ gì về việc bà đã chích thuốc độc cho con heo, nên vội vàng choàng dậy, một tay níu lấy võng, còn hai chân xỏ nhanh vào đôi guốc để gần bên, rồi lên giọng đầy vẻ lo lắng: -Con có nói thiệt không con? Con heo đang mạnh mà? Con đi với má xuống coi sao? Hai mẹ con hối hả đi xuống chuồng heo. Tới nơi, bà Tám giả bộ lật đật cuống cuồng vì thấy con heo nằm rũ. Bà nhìn tới nhìn lui, lấy tay đập chan chát vào xác con heo rồi nói với bé Hiếu:
-Con heo nhà mình chết thật rồi! Không biết ai cho nó ăn gì, hay bị trúng gió khiến mình mẩy tím bầm như thế này! Nó chết chắc đã lâu rồi, làm sao mà còn bán cho ai được đâỷ!
Bé Hiếu đi nhặt lại mấy món đồ chơi vứt vương vãi gần chuồng heo, rồi rơm rớm nước mắt:
-Mấy thứ này bây giờ gửi cho ai đây má?
Bà Tám tiến đến gần con, vuốt tóc an ủi:
-Con đưa cho má, má đem chôn với con heo này thì “em bé” của con sẽ nhận được ngay chứ gì. Thôi con đừng buồn nữa, mai mốt má sẽ mua cho con hai con heo khác, lúc ấy con tha hồ mà chơi đùa với nó, chứ con heo này bự quá rồi, và nó lại chẳng có mắt để nhìn biết con là ai...
Sáng hôm sau bà Tám nhờ người quen đến đào một cái hố bên cạnh bếp, nói là để có chỗ thoát nước khi trời mưa, nhưng khi người hàng xóm vừa đi khỏi thì bà và bé Hiếu đã dùng hết sức lực để kéo con heo tật nguyền xuống lỗ. Trong khi bà Tám chuẩn bị lấp đấp chôn thì bé Hiếu đã quẳng vội xuống mấy món đồ chơi mà nó từng ưa thích, bà Tám cũng vứt xuống đó hai bộ quần áo mới tinh của trẻ sơ sinh mà bà đem về từ chỗ làm. Ðắp đất xong, bà Tám đốt mấy cây nhang, khấn vái lâm râm rồi đem cắm lên mô đất. Bà nói với bé Hiếu:
-Má tin là “em bé” bị chết oan sẽ đi đầu thai, vì chỗ trú ngụ của nó nơi con heo tật nguyền này đã không còn nữa...
Cả đêm hôm ấy, dù thao thức đến sáng và không tài nào ngủ được, bà Tám để ý nghe cũng chẳng thấy có gì động tĩnh gì ở phía chuồng heo, còn đứa bé thai nhi cũng chẳng thấy hiện về.
(Xuân Ðinh Hợi 2007 )
Nguyễn Vi Túy