Như Biển Thái Bình
Tác giả: Nhật Quỳnh
Nhìn ngôi mộ của mẹ đã sơn xong sáng hẳn lên trong nắng sớm ngày rằm tháng chạp, cây mai trước mộ cũng được suốt xong những chiếc lá cuối cùng, tôi lại đứng tầng ngần hồi lâu, tôi mong thời gian dừng lại để không đến ngày hai mươi ba tháng chạp, ngày mà hai mươi năm về trước chốc bổng tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi mẹ khi vừa tròn bảy tháng tuổi.
Tôi tảo mộ mẹ sớm hơn thường năm, vì năm nay là năm đầu tiên tôi đi làm, nên biết không thể hoà nhập vào dòng người trong ngày trẩy hội thanh minh. Suốt gần hai mươi năm, ngày thanh minh tôi luôn háo hức đến với mẹ, quét dọn, sơn phết, sửa sang phần mộ, việc mà từ khi có trí khôn tôi chưa hề nhường cho ai dù người ấy là ông bà ngoại của mình.
Thuở nhỏ tôi thường hằng giờ ngồi nhìn những vệt khói nhang bay trước di ảnh mẹ, một cảm giác ấm áp len vào lòng khi chạm tay xoa nhẹ vào di ảnh thủ thỉ với mẹ về thân phận cút côi của mình, cầu xin mẹ phù hộ tôi có đủ nghị lực, có đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ngày sau có việc làm để đển đáp công ơn ông bà ngoại đã dưỡng nuôi dạy bảo. xin mẹ phù hộ sức khoẻ của ngoại tôi thật tốt, để vượt qua chặng đường mưu sinh đầy gian khổ.
Ngày ấy , khi mẹ tôi vừa mười tám tuổi, sống ở quê nhà để giữ ruộng vườn sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống giao thời sau chiến tranh chấm dứt ai cũng gặp khó khăn, mẹ sống từ đồng tiền sinh lợi của mảnh vườn miếng ruộng. Vì sợ mẹ tôi lẻ loi nên ngoại định duyên phận cho mẹ, hai năm sau tôi được sinh ra đời.
Ba tôi cũng còn rất trẻ , chưa biết lo toan, uống rượu vui chơi với bạn bè suốt đêm, mẹ tôi khuyên mãi không được, không thể chia sẻ cùng ai cho vơi nỗi niềm, tuổi trẻ nông nổi, cuộc sống khó khăn bế tắt, trong giây phút thiếu suy nghĩ dùng thuốc ngủ tự kết liễu đời mình ra đi thật êm ái trong ngày hai mươi ba thang chạp, lúc mọi nhà đưa ông táo về trời. Mùa xuân năm ấy ông bà tôi ăn cái tết đầy nước mắt đau thương. và hai mươi năm theo sau những ngày xuân không còn ý nghĩa.
Tôi sống với ông bà ngoại với dì và cậu từ bé thơ cho đến lúc trưởng thành, dì và cậu lần lượt lập gia đình sống gần nhà ngoại, các anh em bạn dì cũng lần lượt ra đời xấp xỉ tuổi tôi , cũng lớn lên trong nghèo khó trong tất bật của cuộc sống , không ai khá giả để có thể cưu mang đứa cháu mồ côi, biết thân phận mình lớn lên bằng tình thương yêu vô vàng của ngoại, tôi rất ngoan, luôn chăm chỉ học hành.
Điều tôi thật sự đau lòng vì suốt hai mươi năm sống với ngoại, nuôi gia đình và tiền nuôi tôi ăn học bằng đồng tiền được mượn trước rồi góp từ từ mỗi ngày có trả có lãi, với nghề thợ may đắp đổi, nhiều khi ban đêm cả khu phố yên giấc tôi thức học bài, ngoại vẫn ngồi bên chiếc máy may vang đều những âm thanh cộc cạch, vì chỉ còn vài ngày nữa đã phải đóng học phí cho tôi, thật xót xa lòng.
Có lần tôi và bà ôm nhau khóc khi ấy tôi đang học lớp năm, tôi kể với ngoại là tôi phải khó khăn thế nào để làm bài văn với đề tài hãy kể về mẹ của em. làm bài văn nói về lòng mẹ, tất cả các bạn đều viết thật trôi chảy, kể về nào là tình thương thật bao la sự hy sinh thật to lớn, mẹ là biển trời, mẹ là tất cả… chỉ có tôi là ngồi cắn bút mà nước mắt cứ rơi, không viết được vì xúc cảm dâng trào. Tôi từ khi lớn lên chưa được cảm nhận được sự vỗ về thương yêu, được nằm trong vòng tay mẹ, được âu yếm để có được xúc cảm viết như các bạn tôi đã viết. Tôi chỉ có bà ngoại tôi thôi , bà ngoại là người mẹ thứ hai cho tôi những gì mà các bạn tôi có, tôi nghĩ mình hãy còn được diễm phúc nhiều với tình thương trời biển đó.
Tôi thường đứng ở một góc khuất trong nhà nhìn mợ tôi , dì tôi chăm sóc các con , tôi rưng rưng thèm vòng tay mẹ biết bao. Thế mà các anh chị em con dì và cậu đều bỏ học dở dang. Còn tôi ý thức được công khó nhọc của ngoại nên gắng công học.Tôi đậu tú tài rồi tốt nghiệp đại học. Năm nay là năm đầu tiên tôi làm việc, lảnh đồng lương bằng sức lao động của mình. Tôi vui mừng lắm vì rồi đây ngoại tôi sẽ bớt khổ nhọc.
Cảm ơn mẹ đã không chối bỏ lời cầu nguyện của con , con cảm ơn ngoại đã hết lòng chăm sóc đứa cháu trẻ mồ côi, để con tự hào có được kết quả ngày hôm nay. Tết nầy đốt nhang trước bàn thờ mẹ, tôi và ngoại sẽ là người vui nhất, vì ngoại đã xong nghĩa vụ đưa tôi vào đời, không như hai mươi năm qua khi thắp nhang ánh mắt ngoại mãi đượm u buồn.
Lảnh lương tháng lương dầu tiên tôi đưa hết tiền cho bà ngoại , chỉ giữ lại một ít để chi tiêu, nhưng ngoại tôi đâu chịu vậy, ngoại nói:
- Ngoại già rồi , có xài gì đâu , ăn tiêu dè xẻn đã quen, con hãy giữ lấy để mai nầy còn có gia đình , còn lo cho con cái nữa.
Ngoại già rồi , câu nói ấy của ngoại đâu phải bây giờ tôi mới biết , mà đã nhiều đêm tôi thấy ngoại cậm cụi bên bàn máy may, chiếc quạt thổi bay mái tóc sớm bạc phơ vì chịu nhiều gian khổ, lo học phí cho tôi nhất là những năm cuối đại học .
Ngoại nói sau nầy còn lo cho con cái nữa… Nhất định là thế ngoại ơi, chừng ấy con càng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng của bậc làm cha mẹ đề hiểu rằng con đang sống những ngày ấu thơ và ngay cả bây giờ trong lòng ngoại, một lòng biển rộng bao la như biển Thái Bình
12 - 2007
Nhật-Quỳnh