Sở thích lạ của mẹ tôi
Tác giả: Ninh Bình
Dạo đó là vào khoảng cuối thập niên 1970, mỗi gia đình được cấp một cuốn sổ để mua gạo hàng tháng ở các cửa hàng phân phối theo tiêu chuẩn đầu người.
Thực tế, nếu không có nguồn trợ cấp, tiền của để dành hay các vật dụng quý giá bán bớt, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh thiếu ăn, nhất là những hộ có đông con trai như gia đình tôi lúc ấy.
Mẹ tôi, không biết bằng cách nào, vẫn duy trì được những bữa cơm tương đối đầy đủ trong nhà, cho dù thức ăn nhiều khi không còn được phong phú như trước. Một hôm, bà tuyên bố: “Tự nhiên mẹ thích ăn cơm với món rau chuối”. Vài hôm sau, bà lại khẳng định: “Từ giờ trở đi, mẹ chỉ ưng hai món rau chuối và xả băm, còn ai muốn ăn gì thì ăn!”.
Anh em tôi đang trong độ tuổi ăn học, người lớn nhất mới vừa ra trường, làm việc cho một cơ quan nhà nước. Việc mỗi tháng anh mang hầu hết tiền lương, gạo và nhu yếu phẩm về nhà làm mẹ rất vui và hài lòng. Mẹ dành cho anh những món ngon nhất trong các bữa ăn, những thứ tốt nhất trong nhà.
Người anh được xem như một tấm gương sáng cho các em, mặc dù về sau này sau khi lấy vợ ở riêng anh mới biết là tất cả mọi thứ mình mang về nhà cũng không đủ nuôi bản thân mình, đừng nói đến việc hưởng thụ những thứ mẹ cung ứng.
Tôi học trường Sư phạm, chơi với những đứa thuộc loại hay thắc mắc: “Tại sao mình đi học lại phải lo mang gạo về?”. Sau khi bán tất tần tật những gì được nhà trường cấp, có đứa còn nói đùa: “Làm như vậy để tránh cho gia đình khỏi ỷ lại vào khoản học bổng ít ỏi của mình mà không lo làm ăn...”.
Chúng tôi cứ vô tâm vô tính để mẹ ăn uống đạm bạc như vậy, thỉnh thoảng trong bữa ăn có món nào ngon, sau bố và ông anh lớn là đến phiên chúng tôi “thầu” hết, chẳng hề bận tâm gì đến mẹ. Có ai hỏi, chúng tôi vẫn nói “Mẹ thích vậy mà!” và mẹ lúc nào cũng gật đầu xác nhận.
Khoảng đầu thập niên 80, gia đình tôi có công việc làm thêm: chúng tôi lập ra một cơ sở thủ công mỹ nghệ nhỏ, sản xuất những cái hộp đựng bút học sinh bắng gỗ xinh xắn và rẻ tiền. Bán được hàng, có hôm tôi liều mua đại mấy hộp sữa về biếu cha mẹ. Mẹ vui lắm. Buổi sáng ba ly cà phê sữa được pha cho ba “VIP” trong nhà gồm bố, mẹ và ông anh lớn, mẹ bảo “Bố với mẹ sống được đến giờ là nhờ mấy ly cà phê này đây!”.
Không rõ ý mẹ là nhờ có chút sữa bồi dưỡng cơ thể đang bắt đầu héo hon của mình hay vì hành động có vẻ hiếu thảo của mấy đứa con đã bắt đầu biết nghĩ, nhưng ông anh lớn phản đối “Tiền bán hàng để dành mua nguyên vật liệu, không thể tiêu phí như thế này!” và mẹ đành từ bỏ “khoản chi tiêu hoang phí” đó bằng cách nói “Thôi, mẹ ngán sữa rồi”.
Đến khi chúng tôi ra trường, lấy vợ, đi làm, có con, mẹ vẫn cứ lụm cụm tuổi già trông nom các cháu như những đứa con ngày xưa, có điều không còn được nhanh nhẹn như trước nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng bực mình vì mẹ. Mấy cô con dâu đôi lúc mua cho mẹ miếng gì ngon hoặc tấm áo đẹp mẹ đều từ chối: “Thôi nhé, mẹ không thích đâu. Để dành mà lo cho các cháu đi, chúng nó cần hơn!”. Chúng tôi vẫn tin là mẹ càng già càng có nhiều sở thích lạ mà chẳng để ý gì. Mấy đứa con trai được mẹ chăm bẵm bao nhiêu năm, thường bảo mấy cô vợ “Mặc kệ mẹ! Mẹ già rồi, có khi cứ để yên vậy mẹ thích hơn!”.
Hôm mẹ bắt đầu đau, có đứa vẫn nghĩ: “Mấy người già trái tính trái nết, đau một tý mà làm ầm ĩ cả lên!”. Khi mẹ nằng nặc đòi vào bệnh viện bằng xe cứu thương, chứ không chịu đi taxi, em tôi gắt: “Ôi giời, xe cứu thương đắt lắm mẹ ơi!” mà không nghĩ ra rằng thân thể mẹ tôi đang bị đau đớn cùng cực, rất sợ bị xóc trên đường.
Sau khoảng một tuần nằm bệnh viện, mẹ tôi qua đời. Bác sĩ bảo mẹ bị suy kiệt trầm trọng do nhiều năm ăn uống kém cỏi, cơ thể không còn thói quen hấp thụ chất dinh dưỡng và không đáp ứng tốt với thuốc...
Nhiều lần do tò mò tôi thử ăn rau chuối và xả băm, hai món mà mẹ tôi lúc sinh thời ưa thích. Tôi không thấy ngon lành chút nào. Nó chỉ như một thứ ăn độn để đánh lừa bao tử, và chẳng ai nói rằng nó bổ dưỡng hay có thể thay thế được thức ăn.
Nhiều năm sau ngày mẹ mất, tôi thấy ân hận. Tôi đã nhu nhược không dám mua cho mẹ thật nhiều sữa, loại thực phẩm mà cơ thể mẹ có thể hấp thụ. Chúng tôi đã không để ý gì đến mẹ, người hầu như chưa bao giờ đòi hỏi điều gì tốt lành cho bản thân, người chỉ biết lặng lẽ hy sinh cho chồng con bằng cách… giả vờ thích ăn rau chuối và xả băm trong suốt một thời gian dài, để phần chút thịt cá ít ỏi cho những đứa con trai vô tâm vô tính, những người dù học vấn cao đến đâu vẫn không hiểu hết được tấm lòng cao cả của một người mẹ…