Dì và Nó
Tác giả: NT Mỹ Liên
Nó vênh váo với thành tích 12 năm học sinh giỏi, hết sức tự tin nó vào Sài gòn thi đại học. Ngay ngày thi đầu tiên nó đã thấy cay, ngày thứ hai nó không giấu được nước mắt; không ai mắng mỏ la rầy gì nó. Sự im lặng có thể do cảm thông, có thể do buồn giận của người thân, làm nó đau lòng; không hồi hộp chờ kết quả, nên những ngày chờ đợi càng trở nên khủng khiếp. Nó không hy vọng gì, nhưng nó biết cả nhà vẫn còn hy vọng, dù mong manh!
Ngày có kết quả thi nó không biết trốn đi đâu, để khỏi nhìn ba, mẹ nó. Nó đã làm cả gia đình thất vọng. Nó cũng không mặt mũi nào gặp lại thầy cô, bạn bè, họ không chỉ thất vọng mà còn bất ngờ: Một lớp trưởng với thành tích học tập cao, tham gia nhiều hoạt động trường, lớp ở một trường lớn và có truyền thống nhất miền Trung như nó lại thi hỏng đại học?!
Nó không chịu nổi thái độ của mẹ, ngoài giờ làm việc bà chỉ ở nhà đi ra, đi vào, thở dài thở ngắn. Ba nó lặng thinh như sợ ông có bất cứ động thái nào sẽ làm mẹ nó nổ ra như một thùng thuốc súng, bắn vào chính ông. Em gái nó vốn đã trầm tính, nhưng học giỏi kinh khủng, cũng có vẻ mất tự tin. Chỉ có thằng Út thoải mái, giống như việc nó thi rớt đã cất khỏi vai thằng nhóc một áp lực nặng nề.
Nó không biết phải làm gì, đi đâu, để thoát khỏi không khí bức bối này. Đôi khi nó ước gì mình tự nhiên biến mất; chết thì hèn và lãng nhách....nhưng nó biết làm gì bây giờ? trốn đi đâu? nó đâu muốn rớt!
Cả nhà vẫn tự hào và tin vào sức học của nó, ngay cả nó cũng vậy; đó chính là vấn đề của nó; nó chợt hiểu ra. Mẹ nó vẫn khoe khoang thành tích học tập của chị em nó với bạn bè, đồng nghiệp; nên bây giờ bà chẳng mặt mũi nào thừa nhận cái sự thật phủ phàng mà nó gây ra. Còn nó, nó vẫn cứ tự tin ở mình đến mức chẳng màng đến việc luyện thi; nó cứ tưởng nó giỏi lắm! Đúng là “thi không ăn ớt thế mà cay”.
Nó học nhẹ nhàng, không học thêm; làm công tác đoàn; tham gia các phong trào thi đua, vẫn còn thời gian mơ mộng để làm thơ, viết truyện gởi báo Mực Tím, Hoa học Trò, Sinh viên kiếm tiền nhuận bút dẫn bạn bè đi ăn chè....Nó thấy thấm cái câu: " thà đổ mồ hôi trên bàn học, còn hơn đổ nước mắt ở phòng thi ”
Bây giờ nó phải làm gì? Nó chưa bao giờ ngờ trước tình huống này, giờ đây nó thấy chới với. Đi làm Ư? làm gì? 18 tuổi ngoài mớ kiến thức trong sách giáo khoa và những công việc nhà vẫn phụ mẹ, nó chẳng biết làm gì?!
Cuối cùng mẹ nó cũng thôi thở dài, bà khóc! Khóc như vỡ ra.
Hoàn cảnh gia đình nó thì mẹ đâu cần nói nó cũng biết: ba thất nghiệp đã lâu, hình như từ khi nó mới sinh. Ngoài số tiền mấy bác từ nước ngoài thỉnh thoảng gởi cho, ba nó không có một thu nhập nào khác. Mẹ làm nhà nước, đồng lương từ bao lâu vẫn không nở ra thêm dù nó có thêm hai đứa em nữa. Cả nhà sống cần kiệm, chắc mót...
Thế mà bây giờ nó thi hỏng! Ngoài nổi thất vọng, mẹ nó lo! làm sao với ba đứa con tuổi ăn học? Và nếu các em nó cũng thi hỏng? Có lẽ bây giờ mẹ nó mới nghĩ đến khả năng này!
Không khí trong nhà còn nặng nề hơn cả khi me nó còn im lặng. Bà khóc lóc, kể lễ....Lần này thì nó muốn chết thật, nó muốn biến! Tan biến đi không để lại dấu vết nào!
Buổi chiều, khi nó đang ngồi ngoài biển; nó đã ngồi ngoài đó suốt cả buổi, không làm gì cả, chỉ bó gối ngồi nhìn trời, nhìn biển; cảm nhận sự nhỏ bé và yếu đuối của con người trước sự bao la của đất, trời, biển cả; nó đang nghĩ đến câu hát: "...đất trời rộng sao em không bến đổ...” Và muốn khóc; thì nhỏ em hù nó một cái, nó ngạc nhiên nhìn vẻ mặt tí tửng của con nhỏ!? -Về gọi điện thoại cho dì kìa, dì mới gọi về cho mẹ đó.
Nói chuyện với dì xong, nó thấy nhẹ như bay : dì bảo đọc báo xem kết quả, chẳng thấy tên nó đâu, nhưng không ngạc nhiên vì hôm nó đi thi về thấy khóc là biết ao rồi, hy vọng gì, mà cũng xem cho chắc đã. Dì nói cũng bình thường thôi, có rớt mới có đậu chứ, ai thi cũng đậu thì người ta thi làm gì? Thôi ! vô Sài gòn ở với dì, học luyện thi, kỳ tới thi lại. Dì nhỏ giọng như đang nói xấu: khó thở lắm hả con? thôi vô liền đi, dì biết tính mẹ mi mà!
Dì mở cho nó một lối thoát, không cầu kỳ, không quan trọng hoá vấn đề, không bàn thảo, giao kèo gì, đơn giản, nhẹ nhàng như chỉ rủ đi uống café
Ở với dì, so với lúc còn ở nhà là hai khoảng trời, hai khoảng đời khác biệt: tự do!
Dì nói: có kinh nghiệm thi hỏng rồi, thi kỳ 2 có nhiều lợi thế hơn, vì có thời gian tập trung luyện thi, tâm lí cũng vững vàng hơn khi ở phòng thi; đối thủ đáng sợ của những học sinh giỏi vừa tốt nghiệp chính là những người này. Bây giờ nó có mọi lợi thế: dì cho nó cơ hội để làm lại, dì cũng cho nó hoàn toàn tự do. Không một lời nhắc nhở, la rầy, nhưng dì nói thẳng, nếu hỏng một lần nữa thì nên xem lại năng lực của mình và chọn con đường thích hợp hơn.
Nắm lấy cơ hội, tất nhiên rồi!
Nó chăm chỉ học, dễ thôi! vì nó biết rõ lỗ hổng ở đâu. Nó dùng thời gian và tự do của mình đúng mức; Nó hiểu rõ thứ đó cũng giống như một tài khoản ngân hàng, nếu nó lạm dụng thì tài khoản đó sẽ về 0. Đã có nhiều người bị âm: họ đang ở trại cai nghiện, trung tâm cải tạo lao động, và vài chỗ còn đáng sợ hơn!
Kết quả thi kỳ này có tính chất chuộc tội: nó dư điểm đậu vào cả hai trường mà nó dự thi. Chẳng thấy ai vui mừng, vì đó là kết quả tất nhiên. Ôi trời! nếu mà nó lại hỏng lần này? Chắc nó đi thanh niên xung phong quá, mà bây giờ còn tổ chức này không? nó cũng không biết rõ! Chắc chết quá!
Chọn trường!
Cả hai trường nó dự thi, nó đều không thích, nhưng thật ra nó thích gì, nó cũng không biết? Nếu được chọn, nó đã thi vào ngành báo; nhưng dì bảo nó: đừng mơ, đừng tưởng rằng mình sẽ làm được gì với cái nghề viết, không đơn giản đâu; sự thật là bao nhiêu người học ngành này trụ được trong nghề? dì đã theo nghề bao nhiêu năm, cuối cùng phải rẽ ngang, mất đi cả ảo tưởng đẹp. Hãy giữ chút năng khiếu đó cho riêng mình, dùng nó để làm phong phú tâm hồn, để giải trí, chỉ viết khi thích; đừng dùng nó để câu cơm, sẽ đến lúc câu chữ cạn kiệt, đề tài cạn kiệt; vẫn cố rặn ra những đề tài vớ vẩn, làm người đọc thấy xót thương, rồi thông cảm. Dì kể cho nó chuyện dì phê bình trang thơ của một tờ báo chọn đăng quá nhiều thơ dở, ông trưởng ban văn hoá nghệ thuật (trong lúc ngồi chung bàn tiệc) đã nói với dì: - thông cảm tí đi, cũng phải giúp tụi nó có tiền mua gạo.
Chẳng biết ông nói thật hay chống chế cho qua, mà dì thấy đau, đau cho cả thơ và người làm thơ.
Nó học cả hai trường, hết năm 1 thì nó đuối: thời khoá biểu trùng lắp. Nó chọn trường ngoại thương trụ lại, tiếc hùi hụi vì thời gian đã mất cho trường kia.
Ngoại thương là trường có đặc thù riêng: đa số con nhà giàu, thông minh nhưng học tà tà, ăn mặc mode, thích ăn chơi. Nó sợ bị lôi cuốn, tuổi trẻ ham vui, sôi nổi ai không muốn những sinh hoạt thú vị đó. Nó xin dạy kèm, học thêm Anh văn ....
Ngày tốt nghiệp không ồn ào lễ nghi như các trường khác, chờ mãi chẳng thấy ngoài Hà Nội vô tổ chức lễ tốt nghiệp, nó cũng chẳng nôn nao. Cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm, nó đi xin việc.
Cứ ngỡ tốt nghiệp phổ thông, 18 tuổi mới là tuổi bở ngỡ bước vào đời, nào ngờ!
Cầm tấm bằng đại học, vi tính, Anh văn, đi rã cẳng. Đọc đến mờ mắt tất cả những quảng cáo, thông báo tuyển người, nó mới hiểu hết được chữ bở ngỡ. Có quá nhiều việc mà nó tự thấy khả năng mình không làm được, cũng có quá nhiều việc mà nó không hiểu tại sao người ta đòi những người có bằng cấp, có ngoại ngữ....
Nó thử nhận công việc đi làm thủ tục xuất nhập hàng cho một công ty, đây là công việc phù hợp nhất cho ngành học của nó, rất nhiều bạn bè nó chọn công việc này.
Đó là khoảng thời gian nhàm chán nhất: điền hồ sơ, chờ đợi, lót tiền vào hồ sơ...
Lúc đầu nó sợ run, cứ tưởng tượng người ta có thể còng tay, bắt giữ nó bất cứ lúc nào. Không xẩy ra chuyện đó, thỉnh thoảng nó bị nhăn nhó, làm khó vì khoảng lót tay chưa đủ, chứ chưa bao giờ bị hỏi tiền gì trong hồ sơ...
Nó bỏ việc, học được tính kiên nhẫn chờ đợi và cách lót tay, biết được vài quán ăn ở Thủ Đức...
Khi nó nói ý định hùn vốn với bạn bè, và mẹ của bạn, mở cửa hàng đồ mỹ nghệ ở khu phố tây Phạm ngũ Lão, dì cho nó mượn tiền, nhưng lại nói trước là nó sẽ mua được kinh nghiệm; Vì hợp tác với người lớn tuổi hơn thì không có sự công bằng, nó không nghĩ nhiều về điều dì nói!
Bây giờ cửa hiệu vẫn còn, nhưng nó thuộc sở hữu riêng của cổ đông lớn tuồi, là mẹ bạn. Mỗi khi đi ngang, nó lại nghĩ về điều dì nói : nếu thất bại đó là rủi ro chung, mọi người chia đều sự rủi ro, nếu thành công, cổ đông có thực lực và kinh nghiệm sẽ loại dần các cổ đông khác, đó là sự không công bằng! Nó đã nhận lại phần hùn của mình mỗi lần một ít, còn ít hơn tiền chia lãi. Nhưng ngoài bài học kinh nghiệm, nó có thêm chút vốn đàm thoại tiếng Anh nhờ tán phét với khách du lịch, Tây balo...
Nó đọc thông báo tuyển dụng trên mạng, thấy thích nó vác hồ sơ đi thi tuyển: nhân viên bộ phận ý tưởng quảng cáo. Chẳng biết người ta đã loại bao nhiêu ứng viên, chỉ biết họ đã nhận nó sau dăm câu phỏng vấn; nó được nhận lương khá cao với việc nghĩ ra những chuyện khó tin nhất và cách thuyết phục cho người ta tin. Một nghề cần nghệ thuật cường điệu và óc tưởng tượng, đôi chút hài hước...Nó thấy khoái!
Đồng nghiệp của nó là những người lập dị, đa số họ không có tính kỉ luật, ăn mặc bụi bặm, giờ giấc thất thường, tính khí nóng lạnh bất chừng. Có người đang là cái đinh của ngành quảng cáo với những sản phẩm làm công chúng ưa thích, đồng nghiệp nể phục, lương bằng các chuyên viên nước ngoài, bỗng nhiên bỏ việc, lên núi theo thầy đi tu. Có người đang giữ vị trí trọng yếu trong công ty, mà mức lương của họ là mục đích phấn đấu cả đời của người khác lại bỏ việc, đi mua đất mở trang trại....
Nhưng! ( Đời bao giờ cũng có chữ nhưng ) sếp trực tiếp của nó lại là người không có tính đồng bóng chút nào, cô ta là người luôn sáng suốt, tỉnh táo . Cô ta tính toán từng li từng tí, dò xét hành vi từng người (chắc là cực khổ lắm đây). khi thấy nó được tin tưởng, cất nhắc; cô ta lo sợ nó chiếm chỗ của mình. Từ ngày nhận ra thái độ đó, nó đến công ty không còn chút thoải mái, nó bỗng nhiên hiểu ra lí do những đồng nghiệp đang thành công kia muốn ẩn dật. Làm sao có thể dung hoà những ý tưởng bay bỗng với những toan tính nhỏ nhen?
Buổi sáng nó nộp đơn xin thôi việc, thì chiều đã có những cuộc gọi chào mời nó; nó thấy khoái, chẳng phải một việc lớn lao, nhưng nó nhận ra bây giờ nó đã là người mà người ta cần, người ta đã biết đến sự tồn tại của nó, ít ra là những người trong nghề.
Lương ở đây ít hơn chỗ cũ, nhưng không sao, vẫn dư sống. Dì đã bảo nó: làm được việc mình thích là một nửa lương, nửa còn lại đủ sống là ok.
Công ty nhỏ hơn, nhân sự ít hơn và công việc nhiều hơn. Nó biến thành cái máy đa năng, xử lí đủ loại công việc, làm thay cả việc của giám đốc khi anh ta đi nước ngoài.
Nó xoay vòng, chẳng còn thời gian để suy nghỉ chuyện gì, về đến nhà nó lăn ra ngủ như chết...
Bốn năm trôi qua, cũng là bốn năm nó quen biết và tính chuyện cưới xin với anh bạn kỹ sư xây dựng bụi bặm ( bụi bặm thật sự vì suốt ngày ở công trường ). Nó chỉ gặp anh cuối tuần, tiết mục giải trí cuối tuần mang đậm tính nghệ thuật vị nhân sinh: ăn, nhậu. Thỉnh thoảng anh ghé đón nó, đi ăn. Hoặc anh đến nhà làm món gì nhậu; rồi mẹ anh mời nó về nhà ăn giỗ, lễ, tiệc...Nó làm phép đơn giản với mẫu số chung là chữ ăn, thì cũng chẳng còn mấy!
Anh là người miền Nam, cái thói quen ăn nhậu và tính xuề xoà đã ăn sâu. Sự đơn giản hoá mọi vấn đề của cuộc sống làm cho anh trở nên cạn cợt trong suy nghỉ. Nó cũng chẳng biết vì sao nó lại yêu anh, mà đó có phải là tình yêu không? nó cũng không biết!
Mẹ anh hối cưới, nó đồng ý, cũng 28 tuổi rồi, nhưng đã bắt đầu những cuộc cãi cọ. Khi bắt đầu quan tâm đến anh hơn, nó mới nhận ra anh không chỉ nhậu cho vui với nó; anh nhậu với nhà thầu, với chủ đầu tư, với đồng nghiệp, với bạn bè..ngày nào cũng nhậu, tối nào cũng về khuya. Lý do bao giờ cũng chính đáng: chuyện làm ăn.
Cái giọng lè nhè lúc về khuya lại lên tiếng trách ngược nó cắm đầu làm việc, chẳng hề quan tâm đến anh, làm nó bực bội cúp điện thoại. Đến lúc nghe điện thoại của anh, hay gặp anh nó đều thấy chán ngán, mệt mõi là lúc nó hiểu ra hôn nhân chẳng phải là chuyện đùa, nó liều lắm mới lấy chồng cho xong. Không phải nó không nhận ra tính cách đối nghịch giữa anh và nó . Nó đã trông cậy vào luật bù trừ, nó sợ tính mơ mộng viễn vông của mình, nên hy vọng cách sống thực tế của anh sẽ bù đắp lại. Nó phủ nhận điều nó nhận ra là nó không yêu anh, bằng cách tự mắng mỏ mình ảo tưởng về tình yêu, tình yêu do nó tưởng tượng ra, không có thật. Và những người mê muội lâm vào cảnh bị lừa tình, lừa cả tiền chỉ vì cứ ngỡ tình yêu là có thật. Vì vậy nó nhận lời lấy anh.
Tiệc cưới đã đặt, ngày cưới đã định...Nó suy nghĩ mãi...
Dì hỏi nó có chuyện gì buồn? nó nói chỉ có vài việc riêng cần giải quyết; dì bảo chuyện không đáng thì cho qua, cái gì đã đặt ra thành vấn đề thì giải quyết cho xong, đừng để chuyện gì làm mình buồn, đời có gì vui mà mình phải buồn.
Đó là một vấn đề và nó phải giải quyết, nó nói bóng gió là vấn đề của nó sẽ làm nhiều người buồn, dì lại bảo cái buồn nào cũng sẽ qua, đừng bao giờ làm cái gì cho người khác vui, mà mình phải trả giá quá cao, không đáng đâu, ngay cả cha mẹ mình cũng vậy, bởi vì không ai sống dùm mình cả, buồn vui thì nhất thời mà đời người thì dài lắm....
Nó nộp hồ sơ thi lấy học bỗng du học. Nó may mắn trúng tuyển, lí do chính đáng để nó hồi lễ cưới. Anh buồn! nó chịu được, uống vài li, tâm sự với bạn bè, anh lại vơi thôi; mẹ anh khóc, nó không chịu được. Dì đùa: bà ấy không đẩy được thằng con trai cưng bợm nhậu cho mi, bả khóc là đúng rồi. Nó thấy can đảm hơn. Nó có cảm giác số phận đang đẩy đưa nó…
Lý do nó nghỉ việc làm anh chàng giám đốc bất ngờ, nhưng không cố ngăn cản. Anh ta chỉ năn nỉ nó làm nốt mấy cái hợp đồng đã ký với khách hàng. Những ngày cuối cùng ở Việt Nam, nó lăn ra làm, không kể sáng tối, đêm ngày. Làm để khỏi gặp anh, làm để thực hiện lời hứa với giám đốc. Lúc nó sung sướng nhìn kết quả của hợp đồng cuối cùng nó thực hiện cho một thương hiệu đồ trang sức, cũng là lúc nó hết sức bất ngờ, thất vọng, khi anh chàng giám đốc mượn lời cô nhân viên đòi lại chiếc máy tính xách tay anh ta đã mua cho nó! miếng chanh đã vắt kiệt rồi sao?
Nó đã làm ở công ty này không vì bất kỳ một toan tính nào, chỉ vì nó cảm thấy thoải mái, nó đã làm tất cả những gì khả năng nó làm được, không kể việc đó có phải là trách nhiệm của nó không? Nó đã coi anh ta như người trong nhà!!! Không đòi hỏi, không toan tính vụ lợi, thế mà!!!
Thế mà anh ta còn có khả năng gây ra cho nó những bất ngờ lớn hơn! Ngày nó lên công ty thanh toán tiền lương, nó ngỡ ngàng cầm từ tay cô kế toán tiền một tháng lương trợ cấp nghỉ việc, nó thắc mắc: Trợ cấp một tháng lương cho 4 năm làm việc sao? Cô ta bảo không biết, làm theo lệnh giám đốc. Nó hỏi vậy có đúng luật không? cô ấy bảo - Không, nhưng đúng luật thì tính theo bản lương đăng kí với nhà nước, thì cũng chẳng được bao nhiêu đâu. Cô ta nói đúng! nó thấy mắc cở, mắc cở giùm anh ta, mắc cở vì nó đã sống và làm việc với anh ta bao nhiêu năm mà vẫn cứ lầm; nó đã làm không tiếc sức vì chế độ khen thưởng bằng lời dồi dào, ngọt ngào chẳng mất tiền mua của anh ta.
Nó về nhà, dì thấy ngay thái độ chán ngán của nó. Nó kể, dì cười nó; cười vì nó cứ hay bị bất ngờ, vì nó ngây thơ lâu quá. Dì nói dì chẳng thấy ngạc nhiên, nếu anh ta đối xử tử tế mới đáng ngạc nhiên. Dì bảo nó mua kinh nghiệm này bằng mấy tháng lương là rẻ. Nó thắc mắc sao dì thấy trước mà không nói cho nó biết? Dì bảo kinh nghiệm cho không đâu có giá trị, kinh nghiệm phải trả giá mới nhớ đời. Có bao nhiêu lời khuyên bảo, mấy ai nghe theo. Cứ làm theo ý mình đi, rồi trưởng thành lên. Có những kinh nghiệm không trả bằng tiền, mà trả bằng máu và nước mắt nữa kia, nhưng có nhiều người không học bằng lời, phải bằng thực tế. Hơn nữa trong chuyện này nó trả giá rẻ hơn anh ta, nó sẽ có cơ hợi tốt hơn. Còn anh ta sẽ nhận ra anh ta sai lầm khi đối xử như vậy, nhưng lúc đó anh ta trả giá đắt hơn.
Chẳng phải chờ lâu để thấy điều dì nói đúng. Nó thanh toán lương được ba ngày, thì nhỏ bạn còn làm ở công ty, điện thoại kể anh chàng làm Designer xin nghỉ . Cũng phải thôi, những người làm nghệ thuật thường lãng mạn, đa cảm; vì vậy họ thường nặng tình cảm hơn tính toán thực tế. Anh chàng giám đốc đã dựa vào điều này, trả lương bằng quan hệ thân tình nhiều hơn tiền mặt. Nhưng họ là những người nhạy cảm, để nhận ra cách xử sự, họ cũng không đủ ngu để nghĩ mình được yêu mến nhiều hơn. Thứ tình cảm kết nối họ với công việc, với anh chàng giám đốc, với công ty là thứ tình cảm ảo, nó cỏn ảo hơn cả những quan hệ trên mạng nữa!
Một công ty quảng cáo thiếu copyright và designer…? Mà những người giỏi trong công việc này ở cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số lại đầu quân ở các công ty nước ngoài…Nó thấy mình đang lo lắng cho anh chàng giám đốc? Thôi! cho anh chàng lô an ủi là học được bài học kinh nghiệm đi. Nó vẫn được dì thưởng cho lô an ủi này, mà có chết đâu! Kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm về nhân tình thế thái và có cơ hội nhìn lại mình..
Nó học thạc sĩ quản trị kinh doanh, cũng chẳng biết để làm gì, chắc cũng là làm thuê cho người ta, nhưng có thể làm cho công ty nước ngoài, với đồng lương cao hơn…
Nó thấy tủi thân và nhụt chí, nó vừa làm việc, vừa học cật lực, ra sức tích luỹ kinh nghiệm. Hai tám tuổi, có bằng đại học, bốn năm kinh nghiệm làm việc ( mà bây giờ nó mới biết còn đắng cay gian khổ hơn cả học ) chứng chỉ toefl hơn 575 điểm, chứng chỉ Gmat 610 điểm và bao nhiêu chứng chỉ vớ vẩn khác như vi tính, ngoại ngữ 2…và còn phải học thêm hai năm rưỡi nữa, cũng chỉ để làm thuê !!!
Như dì nói, thì dù lương nó có hàng ngàn USD một tháng , cũng phải nhịn ăn nhịn tiêu hàng chục năm trời mới mua nổi nhà, chưa kể đến chi phí trang phục và giao tiếp của một người có địa vị phải tốn kém như thế nào!
Nhưng còn có cơ hội thì còn học, dì bảo thế; dù có thể mình không sử dụng đến tấm bằng thì những kiến thức mình có được bao giờ cũng hữu ích. Nó không biết có hữu ích không, nhưng nó vẫn cứ học, như là số phận muốn thế.
Dì là một nhà kinh doanh, dù hai nghành dì đã học là khoa học và xã hội nhân văn. Những người theo học hoá phóng xạ như dì, không còn cơ hội có việc làm từ khi Liên Xô tan rã, người Nga về nước. Khi lấy được tấm bằng đại học báo chí, thì dì cũng đủ già để sự khôn ngoan đánh tan đi ảo mộng. Và thế là dì kinh doanh, mua bán…
Những nhà kinh doanh thời mở cửa gần như chẳng có chút kiến thức kinh tế ( về lý thuyết ) nào; họ chỉ cần thính mũi, đánh hơi về mọi biến động về chính trị, xã hội; các thay đổi về chính sách kinh tế. Họ giỏi quan hệ và luồn lách vào mọi kẻ hở…
Dì mua bán mọi thứ, từ hàng may mặc xuất khẩu, nhà đất, đồ gỗ xuất khẩu ,nhập vải, sợi v.v…Lúc nào dì cũng dừng lại trước khi những người khác chết vì thua lỗ do biến động chính trị, biến động thị trường, tiền trượt giá, hay cung đã vượt cầu. Dì thường nói đó là linh cảm, là giác quan thứ sáu, nó ngăn ta tham gia nếu có mùi rủi ro. Nhưng theo nó, dì đã có những quyết định chính xác trong kinh doanh nhờ dì cập nhật thông tin trên báo chí, trên mạng, để có những dự đoán tình hình đúng. Và hơn nữa là không tham lam; sự hám lợi sẽ che mờ đầu óc phán đoán, trí thông minh. Không phải những kẻ lừa đảo thường dựng những kịch bản đánh vào lòng tham con người sao? Không tham lam giữ cho đầu óc sáng suốt, không để cho ta bị cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc, không để công việc kéo ta chạy theo nó, chứ không phải điều khiển nó. Những thứ mà nhà kinh doanh như dì làm, với nó hoàn toàn xa lạ! Nó không được học gì về những thứ tương tự như thế. Dì bảo nó cứ học đi, nó là hình mẫu của những người kinh doanh thời tương lai, có đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhưng chỉ thích hợp với một môi trường kinh doanh có tính pháp lý cao, có luật lệ chặc chẻ. Tương lai! Đó là khi những cơ hội đã khép lại đối với những người nghiệp dư như dì? Và những người có kiến thức sẽ có đất dụng võ?
Nó cố gắng, thu hết can đảm để đừng rơi nước mắt và không ngoảnh lại nhìn khi bước vào phòng kính ở sân bay. Nó lại bở ngỡ trước cuộc đời, mỗi chặng đường trong đời đều thấy lạc lỏng, bơ vơ! Lần này cảm giác bơ vơ thật khủng khiếp…Nó lạc lỏng giữa xứ người; những con người xa lạ, không cùng màu da, không cùng tiếng nói…
Nó cố làm quen với môi trường sống mới: Mọi cái quanh nó tiện nghi và hiện đại, ngăn nắp và sạch sẽ nhưng lạnh lùng và vô cảm. Nó có cảm giác như nó bị lạc vào một thế giới của loại film khoa học viễn tưởng…cảm giác bất an luôn bám chặt lấy nó.
Nó đã quen dần với cuộc sống ở xứ người, thời khoá biểu khép kín với việc học; chỉ có ngày chủ nhật theo xe bus của trường đi siêu thị mua đồ hộp về dự trữ cho cả tuần.
Nó hầu như không có thời gian để nhớ nhà, để chán nản hay mơ mộng, những tình cảm ấy là xa xỉ phẩm trong quỹ thời gian của nó. Nó cắm đầu cắm cổ học khi nhận ra nó không theo kịp bài giảng, khả năng nghe và nói tiếng Anh của nó quá kém, không biết vì nó ít có dịp tiếp xúc, hay người Mỹ nói theo cách của họ, mà thầy cô ở Việt Nam cũng dạy theo cách của họ và bây giờ nó phải làm cái gạch nối cho sự bất đồng đó! Nó là người Việt duy nhất trong lớp học, nó không muốn người ta coi thường người VN, nó phải học vì bây giờ nó không chỉ học cho mình, nó phải học vì danh dự đất nước; chẳng biết từ bao giờ nó tự mang vào mình cái trọng trách ấy?
Vừa thi xong bốn môn, ba điểm A và một B+; Ba bài viết và một vấn đáp, nó biết mình vẫn còn phải cố gắng. Chiều nay nó cho phép mình dạo một vòng; nó muốn chụp hình trường học, chỗ ở và con đường đến trường để gởi về cho gia đình…
Sau khi scan hình vào máy, nó gõ những dòng chữ : " Đây là hình ảnh trường, lớp, khu nhà con ở và con đường từ nhà đến trường. Lá vàng đang trãi thảm những con đường, thời tiết đang chuyển mùa nên cảnh vật thật đẹp. Mọi cái quanh con đều hiện đại, tiện nghi và sạch đẹp; tuy nhiên con vẫn không thể nào hiểu được tại sao có những người sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì thân yêu nhất quanh mình, để chọn những thứ này! "
Nó bỗng thấy nghẹn ngào, nước mắt trào ra; nó khóc…tha hồ khóc, khóc đã đời. Không cần kìm nén, không ai ngăn cản hay dỗ dành.
Nó send lá thư đi rồi tìm website nhạc; những dòng nhạc trôi ra :"…em còn nhớ hay em đã quên, quê nhà đó năm xưa có em, có câu hò, có con đò chở mưa nắng đi…." Nó lại nhấp chuột:"….quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người…"
Nó tắt máy, lau nước mắt với một quyết tâm mạnh mẽ: Nó đã lớn và sẽ thành người.
NT Mỹ Liên