Hồi ức tuổi thơ
Tác giả: Phạm Hổ
Hồi còn bé, lắm khi mùa hè chưa về, chúng tôi, lũ nhóc trong xóm, đã có ý mong chờ các cô ấy đến, các cô bán xu xoa ấy mà!
Và khi nghe có tiếng gọi ở cổng trước hay ở phía sau nhà "Xu xoa ơi! Xu xoa!" là mấy anh em chúng tôi mừng rơn, chạy đi xin tiền ăn xu xoa.
Nhưng cũng đôi khi, mùa hè đến rồi, mà chẳng thấy bóng dáng bán xu xoa đâu cả.
Xu xoa có lẽ là món ăn ngon nhất và rẻ nhất trong mấy tháng hè nóng bức.
Và hình như trời sinh ra các cô ấy để đi bán xu xoa. Tôi chưa hề thấy trong suốt tuổi nhỏ của mình một người đàn ông nào đi bán xu xoa cả. Chỉ lác đác có vài bác gái, tuổi không cao lắm, cũng đi bán xu xoa thôi.
Bây giờ nhớ lại tôi mới đoán là, đi bán xu xoa, cần nhất là phải có hai bàn tay thật mềm, thật dẻo.
Mà đàn ông thì làm sao có được đôi bàn tay mềm dẻo như các cô.
Buổi trưa hôm ấy, mấy anh em chúng tôi đang nằm ngủ lơ mơ trên cái chõng lớn kê gần ngay bên cửa sổ thì bất ngờ em gái tôi bỗng chồm dậy, lay lay tay tôi và bảo, vẻ xúc động:
- Anh Mười ơi! Nghe kia kìa!
Tôi chồm dậy theo nó và hướng tai ra phía cổng trước nhà tôi.
Những tiếng "loách - xoách! loách - xoách" từ phía đó vẳng đến nghe rất rõ.
Đúng là tiếng dao đang cắt xu xoa!
Cả bốn anh chị em chúng tôi cùng kéo nhau chạy ra ngõ giữa trời nắng rồi rẽ vào cái đường luồng nhà bác Trảy... Đường luồng nhà bác Trảy gần như suốt ngày được bóng tre che mát.
Cô bán xu xoa đã có mặt ở đó từ lúc nào.
Vây quanh cô đã có bốn năm người, con nít có, người lớn có người đang bưng bát xu xoa ăn, người đang đợi...
Gánh hàng cô bán xu xoa thật đơn giản, gọn gàng. Nhưng không phải là nhẹ đâu nhé. Tôi đã có lần thử nhấc lên mà không nhấc nổi.
Trong cái quang đầu gánh bên này là một cái nồi bầu bằng đất nung chín, nửa dưới chín tím, nửa trên chín đỏ. Hai phần ba cái nồi bầu bầu đựng nước trong veo, trong đó khi dỡ các nắp ra sẽ thấy nổi lơ lửng, những tảng xu xoa mầu trắng đục.
Trong cái quang đầu gánh bên kia là một cái thúng, to hơn cái nồi bầu đựng xu xoa một chút. Trong cái thúng lại có một cái chậu đựng nước, trên mặt nước nổi lềnh bềnh đoạn lá chuối non cho nước đỡ sóng sánh khi gánh đi. Trên mặt thúng là một cái mẹt, và chung quanh là những cái bát nằm úp sấp trông rất ngoan ngoãn.
Kìa cô bán xu xoa đang một tay cầm cái tô và con dao, một tay ngửa ra, chọc xuống nước để rình đón lấy một tảng xu xoa vui vẻ trôi nằm trong lòng bàn tay cô bán xu xoa. Một tảng, hai tảng rồi ba tảng. Những tảng xu xoa rời khỏi mặt nước nằm rung nhẹ trong lòng bàn tay trắng muốt của cô bán xu xoa, sung sướng như những đứa bé ngụp lặn ở dưới nước, được trồi người lên đứng thở không khí một cách thoải mái và hứng thú.
Bàn tay cô bán xu xoa vừa thả mấy tảng xu xoa vào lòng cái tô, đã nhanh nhẹn cầm lấy con dao sắc và nhọn chém những nhát thật nhanh, thật gọn và rất dứt khoát vào các tảng xu xoa, tiếng "loách xoách!" lập tức nổi lên. Con dao như bay múa nhìn thật vui và đẹp mắt.
Và lạ lùng chưa, mấy tảng xu xoa vừa trắng đục đã biến ra thành rất nhiều mảnh xu xoa bé nhỏ nhìn trong suốt tưởng như có thể nhìn từ bên này sang bên kia được.
Cô bán xu xoa bây giờ mới đặt nhanh con dao nhỏ lên mặt cái mẹt rồi đưa tay mở cái nắp hũ đựng đường mật. Từ trong lòng hũ nhô lên hiện ra một cái vồ con bằng gỗ bé tẹo... chung quanh cái vồ con ấy lai láng những mật đường; chúng tụ lại, chảy thành một dòng mật mầu vàng óng như cánh kiến. Cô bán xu xoa lại khéo léo dùng cái vồ rải mật lên tô xu xoa, vẽ những vòng tròn lớn, nhỏ rồi những đường dài ngoằn ngoèo nhìn rất lạ mắt. Nhìn tô xu xoa đã thấy muốn kề môi húp luôn. Phải, ăn xu xoa người ta không cần đến thìa, dĩa gì cả, cứ bưng mà húp dần bát xu xoa cho đến hết.
Nhìn cách mọi người ăn xu xoa thật là vui, ai cũng như biến thành trẻ con: mật đường cứ bám lấy quanh mồm, già trẻ đều phải thè lưỡi ra liếm quanh môi cho sạch. Mật đường có khi dính cả vào râu các cụ già. Có cụ ăn xong phải xin cô bán hàng một tô nước để rửa râu cho sạch.
Xu xoa mát và thơm. Hương vị có thoảng một chút mùi tanh rất quen thuộc và hiền lành của biển.
Mọi người đang vui vẻ ăn xu xoa, bỗng có tiếng hát trong cổng nhà bác Trắc vẳng ra:
Xu xoa ít vốn nhiều lời
Anh về bỏ vợ, theo người bán xoa.
Mọi người cùng cười ồ cả lên.
Cụ già lớn tuổi nhất trong đám ăn xu xoa liền cất giọng hỏi:
- Đứa nào hát đó? Có giỏi thì ra đây hát cho cô bán xoa nghe luôn.
Một anh thanh niên cao lớn từ trong ngõ nhà bác Trắc đi ra.
Anh liền hò lên một lần nữa.
Xu xoa ít vốn nhiều lời
Anh về bỏ vợ, theo người bán xoa.
Cô bán xoa liền nhoẻn miệng cười rồi nói luôn:
- Chưa vợ thì còn theo được chứ có vợ rồi thì không ai cho theo đâu! Đừng có mà hòng!
Mọi người lại cười ồ lên lần nữa. Đấy, ăn xu xoa cạnh cái ngon, còn có những câu vui như vậy đó.
Làm sao xa quê mà không nhớ xu xoa!
Cũng các cô xu xoa kể chuyện cho nghe thì để xu xoa các cô gánh đi bán ở các làng gần biển, phải có người đi ra biển, lặn lội đi vớt những đám rong biển tên gọi là rau câu.
Và vì công việc nặng nhọc, người đi vớt rau câu, phần lớn là đàn ông...
Sau này lớn lên, sống xa làng quê, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn nhớ đến cái món xu xoa được ăn dưới bóng mát các lùm tre, buổi trưa xế, hiu hiu có ngọn gió biển từ xa thổi về.
Chúng tôi lại được ăn một thứ xu xoa cao cấp tên gọi đông sương.
Vâng, đông sương là từ xua xoa, người ta tinh chế ra.
Đông sương ăn cũng rất ngon và rất sang.
Nhưng theo tôi nó thua xu xoa ở cái chỗ, ăn đông sương không còn thấy thoảng cái mùi tanh rất quen thân của biển, không được có dịp để nhớ lại những người đàn ông đi vớt rau câu ở ven biển và các cô gái làng quê gánh xu xoa đi bán xu xoa có đôi bàn tay mềm mại, trắng muốt cùng tiếng loách xoách, loách xoách vang lên dưới các lùm tre...
Và cuối cùng là câu hát:
Xu xoa ít vốn nhiều lời
Anh về bỏ vợ, theo người bán xoa.
mà ở quê tôi, hầu như ai ai cũng thuộc.
Nửa đêm tỉnh giấc
Tôi không còn nhớ rõ lần ấy có phải đúng là lần đầu tiên tôi ra ngủ trên bãi biển Quy Nhơn hay không. Chỉ biết chắc chắn đó là lần đầu tiên giữa đêm khuya, tôi đã thức giấc một mình trước biển.
Đêm ấy tôi ôm cái chiếu con được cuộn tròn đi theo anh Tề. Anh Tề làm thợ ở một ga-ra ô-tô gần đấy và rất quen thân với tôi.
Chúng tôi ra hơi muộn. Tôi phải học bài cho xong, mùa thi sắp tới. Anh Tề phải thức làm thêm vì có một cái xe con cần phải sửa xong gấp.
Phần lớn những người ra ngủ biển vẫn còn thức.
Tiếng rao "Ai đậu phộng rang!". "Ai chè đỗ đen!" nổi lên ở đây, ở kia giọng con gái, con trai xen lẫn. Đậu phộng rang thường được gói vào trong một cái bao giấy cuộn tròn giống hình một con ốc nhọn lớn. Chè đỗ đen có pha tí gừng cay cay, thơm thơm, ngồi trên cát, có gió thổi lộng, không hiểu sao ăn thấy ngon hơn ở nhà rất nhiều.
Tôi trải chiếc chiếu nhỏ bên cạnh chiếc chiếu anh Tề. Cát trắng chỉ đợi có thế. Cứ trải chiếu xuống là đã thấy cát tràn vào ở bốn góc chiếu. Hình như cát cũng thích được ngồi, được nằm trên chiếu!
Nhiều tốp trẻ bắt còng đêm, đang xách đuốc đuổi theo những con vật bé bỏng hay hoảng sợ, nhất là khi thấy có ánh lửa. Chúng gọi nhau, la hét ầm ỹ. Thỉnh thoảng lại reo to lên khi bắt được một chú còng.
Anh Tề nằm xuống một lúc là ngủ say.
Tôi ngủ sau anh nhưng cũng chẳng biết rõ là sau bao lâu.
Tôi giật mình thức giấc.
Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là gió đang thổi mát bên trên người tôi và hình như chỉ có mình tôi thức dậy.
Tôi nằm im nhắm mắt mà vẫn nghe thấy được cái trống trải, vắng lặng kỳ lạ ở quanh mình. Chính cái trống trải, vắng lặng ấy lại làm tôi tỉnh ngủ hẳn.
Tôi từ từ ngồi dậy.
Dưới kia, cách tôi chừng vài chục bước, những con sóng vẫn ra ra, vào vào, hết xuống lại lên và vẫn vỗ ì ầm lúc to, lúc nhỏ... Gió từ ngoài khơi xa lồng lộng thổi vào nghe rõ hơn, như thấy được cả hình dáng của luồng gió chạy. Những cây phi lao, cây dừa ở phía trong kia, sát đường xe chạy, ngọn đong đưa, cây này reo, cây kia múa... Trên khoảng không vốn đã cao rộng, giờ này như càng kéo lên cao, nên càng thấy vời vợi bao la... Trên đó, những vì sao vẫn đang nhấp nháy như đang bận nghĩ điều gì... Thì ra ban đêm, chỉ có con người ngủ, còn vạn vật đều thức.
Tôi bỗng cảm thấy hơi buồn và rờn rợn...
Tất cả những gì gần gũi sống động, tiếng rao bán đậu phộng, chè đỗ đen, tiếng đám trẻ reo bắt còng đêm mà tôi vừa thấy, vừa nghe cách đây chẳng bao lâu cả, lúc này đều như đã lùi đến tận đâu đâu, xa lắm, không thể nào với tới được nữa. Tất cả đều lại như chưa từng có, hoặc đều như đã chết hết cả rồi...
Tôi càng thấy rợn hơn.
Tôi vội đưa tay sờ lấy vai anh Tề. Vai anh âm ấm. Lập tức tôi thấy đỡ sợ hẳn đi và yên tâm trở lại.
Tôi lại ngồi im, lắng nghe tiếng sóng, tiếng gió.
Tôi chợt cảm nhận ra một đôi điều mới khác...
Hình như ngoài những gì tôi thường thấy, thường nghe, còn có những gì khác nữa mà chỉ lúc này sóng mới tâm sự, gió mới thầm thì... Khơi gợi biết bao là kỷ niệm... với chỉ những ai đang thức giữa đêm khuya.
Mà hiện giờ chỉ có tôi đang thức giấc giữa đêm khuya.
Tôi bỗng cảm thấy hay hay và vui vui. Người tôi cứ lâng lâng như có thể bay mãi lên cao, có thể tan ra, tan ra hoà vào trong trời, trong biển...
Cùng một lúc, tôi cảm đoán rất rõ điều này: Nếu bây giờ tất cả mọi người đang ngủ vùng thức dậy, thậm chí chỉ cần một mình anh Tề thức dậy, tôi sẽ lập tức không còn được những cảm giác rất mới lạ, rất thú vị mà tôi vừa nói trên...
Sau này, sống nhiều năm tháng hơn trong đời một con người, mỗi lần nhớ lại cái đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn, giữa khuya thức giấc một mình, tôi lại nghiệm ra rằng: con người rất sợ cô đơn, thậm chí có thể chết vì cô đơn, nhưng cũng có những giây phút con người rất cần đến sự cô đơn, và thích ngồi một mình, đi dạo một mình, ngủ một mình... để có được cảm giác mình nghe được đất trời và những gì cao lớn rõ hơn, và cũng từ đó, tự nghe thấy được mình rõ hơn...
Gió biển Quy Nhơn
Lúc còn bé, tôi nghe mọi người thường gọi Quy Nhơn là Giã. Xuống Quy Nhơn thì nói là xuống Giã.
Thuở ấy, tôi học ở trường làng. Lâu lâu tôi mới được theo má tôi đi xuống Giã một chuyến. Mỗi lần được đi tôi vui sướng vô cùng.
Chúng tôi thường đi xe ngựa. Chiếc xe nhìn khá cao so với tôi, lại cứ hơi chúc nghiêng ra phía sau nên người lên xe ngồi cứ giơ tay bíu lấy một chỗ nào đó ở phía trước, cho khỏi bị tụt lùi.
Từ Bình Định xuống Giã, tôi thấy khá xa. Người đánh xe ngựa lúc lúc lại tróc tróc lưỡi để giục ngựa chạy nhanh và thỉnh thoảng lại cho cái gốc của cây roi mây chạm vào cái bánh xe đang lăn gấp. Lập tức những tiếng "lách cách, lách cách" kêu rất đều, rất to vang lên nghe thật vui. Người đi phía trước xe vội vàng dạt ngay qua một bên, nhường đường cho xe chạy.
Lần ấy xe chúng tôi vừa chạy đến Phủ Mới thì ai đó ngồi ở phía trước bỗng thốt lên:
- Tới đây thì nghe thấy gió dưới Giã thổi lên rồi đó. Mát chưa!
Tôi và mọi người trên xe đều thấy mát.
Và chú ý nhìn, tôi thấy tóc ai cũng bay phơ phất ra phía sau, nhìn rất hay.
Mấy phút sau, lại cũng cái giọng lúc nãy cất lên:
- Bây giờ cứ thử liếm môi mà coi! Có phải thấy mằn mặn không? Muối trong gió biển đó!
Tôi và mọi người lại liếm môi và thấy có vị mặn thật.
Tôi càng thích và phục người nào đó đã mách chúng tôi - mách những điều tuy giản dị mà lại rất thú vị kia.
Từ đó về sau, mỗi lần xuống Giã, tôi lại mong chóng đến Phủ Mới để được hưởng cái mát của ngọn gió biển từ Giã thổi lên. Tôi có cảm giác như ngọn gió từ dưới đó đã cố tình chạy lên tận đây để đón mừng tất cả những ai xuống thăm Giã...
Về sau lớn lên cũng có khi tôi nghĩ: chưa chắc đến Phủ Mới, người xuống Giã mới đón nghe được làn gió mát kia. Mà có thể sớm hơn cũng nên. Mặc dù thế, tôi vẫn cứ muốn nghe theo đúng cái lời mách mà tôi đã được biết lần đầu lúc còn bé và vẫn cứ muốn xem như là phải đến Phủ Mới nghe thấy cái mát của ngọn gió từ Giã chạy lên.
Sau này tôi được xuống ở hẳn dưới Quy Nhơn để ăn học. Suốt ngày đêm tôi được sống trong ngọn gió biển và nghe tiếng sóng vỗ lúc nhỏ, lúc to vì nhà tôi ở ngay sát biển.
Tôi đã sống rất nhiều năm trong ngọn gió ấy, với rất nhiều kỷ niệm, vui cũng có, buồn cũng có...
Nhưng điều rất lạ là bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến gió biển Quy Nhơn, không hiểu sao tôi vẫn cứ nhớ đến cái cảm giác lâng lâng ở trong người khi gặp được ngọn gió từ dưới Giã chạy lên đến tận Phủ Mới để đón tất cả những ai xuống thăm Giã.
Và mãi mãi, tôi thầm cảm ơn ai đó đã mách cho tôi được biết cái điều rất bình thường nhưng lại rất gợi cảm này.
Chắc người đó cũng không hề ngờ rằng trong đời mình với một câu nói tưởng như không đâu đã gieo vào lòng đứa bé là tôi, một kỷ niệm suốt đời nhớ mãi...