Liệt nữ
Tác giả: Phạm Lưu Vũ
Vĩ đại thay người đàn bà giỏi.
Chí khí mạnh ngang vạn hùng binh…
(Lê Thánh Tông).
Quán rượu tọa lạc dưới gốc hai cây gạo to cao vật vã, xù sì da cóc, nom rất kiên cố, lì lợm, cành lá rậm rì. Nghe nói trước đây chúng vốn là hai cây si nhẵn thín, có mùi thơm rất lạ. Đàn ông con trai tối tối đi ngang qua ngửi thấy mùi ấy thường lên cơn ngứa ngáy như điên nơi hạ bộ, bèn cứ ôm lấy thân cây mà cọ lấy cọ để, vừa cọ vừa... gặm đến nỗi trầy da, tróc vỏ. Hai cây si vì thế không lớn được. Ngày này qua ngày khác, “trải qua nhiều cuộc... bể râu”, chúng có nguy cơ bị chết đứng. Từ ngày xuất hiện ngôi quán rượu, hai cây si bỗng mọc gai xù sì từ gốc tới ngọn rồi biến thành cây gạo. Không kẻ nào còn dám cọ nữa. Tự bấy giờ chúng lớn lên vùn vụt. Chuyện vật đổi sao dời biết đâu mà tin với chẳng tin. Đến biển cả còn biến thành nương dâu nữa là... Chủ quán rượu là một người đàn bà đẹp song hành tung cực kì bí ẩn, ít ai được nom mặt, tiếng nói cũng ít khi nghe thấy. Mấy cụ già ở làng Hạ ở gần đấy bảo đó là một vị tiên cô giáng trần. Nhân đấy gọi là Linh Cô mà không cần biết đến tên thật. Các tiếp viên trong quán cũng toàn thị là gái, cô nào cô nấy nõn nà như bánh cuốn mới tráng, mắt sắc như dao cau, sớm chiều dập dìu như đàn bướm, rộn rã như bầy chim sơn ca…
Có một câu chuyện lưu truyền để chứng tỏ rằng Linh Cô nếu không phải người giời thì cũng là một bậc nữ nhân phi phàm. Số là một hôm có hai bố con ông lão ăn mày đi ngang qua, ghé vào quán xin ăn. Thằng bé độ mười ba, mười bốn tuổi, mặt mũi lem luốc, xấu xí. Nhìn thấy Linh Cô, hai mắt nó bỗng sáng rực lên. Linh Cô bèn trỏ thằng bé bảo: “Thằng cu này có chân mạng đế vương, sau này tất làm vua”. Lão ăn mày bảo: “Xin cô nương đừng giễu cợt kẻ nghèo hèn như thế. Nhà tôi ba đời ăn xin. Có đâu lại đẻ ra vua chúa...” Linh Cô bảo: “Để rồi xem. Thời buổi loạn lạc này không biết đâu mà lường được”...
Từ cách xa mấy dặm đã nhìn thấy hai cây gạo. Họ Đỗ chợt thấy lông lá dựng hết cả lên, bèn trỏ tay bảo: “Này, chỗ kia âm khí ngùn ngụt, chắc là nơi tụ tập của những bậc xử nữ...” câu nói của Đỗ lọt vào tai họ Ngu. Họ Ngu e ngại bảo: “Xử nữ hay là ổ nhện?… Biết đâu chẳng ẩn chứa tai họa. Âu là ta tránh đi lối khác?” Nói xong liếm mép, nước dãi chảy ra rề rề. Họ Đỗ chửi thầm trong bụng: “Thằng Tàu đểu lai mấy đời này vừa giả dối, vừa ngu đến thế là cùng“. Chửi xong chép miệng bảo: “Mặc kệ. Ổ nhện thì đã làm sao? Tiếng tăm của họ truyền hàng mấy trăm năm nay. Giờ tới đây mà không chứng kiến cũng uổng…”
Họ Ngu là một trang công tử tai vểnh mặt trắng, nom đẹp như lưỡi cày ruộng chiêm. Tổ tiên vốn người đất Ngu bên Tàu, nhân lấy tên đất làm họ. Vẫn tự hào về cái dòng dõi lập lờ mờ mịt ấy của mình lắm, có biết đâu rằng bị đồng hoá đã mấy đời. Thường hay vỗ đùi bảo: “Ở đời, sống mà không biết tự hào về một cái gì đó thì sống làm đếch gì, chết quách đi cho rồi…” Té ra y sống vì cái tên họ. Họ Đỗ sở dĩ cặp kè với họ Ngu vì cả hai cùng ham mê thơ phú lăng nhăng, thường vẫn tự cho mình là kẻ sĩ, thỉnh thoảng rủ nhau đi đây đi đó bán chữ, bán văn. Gặp lúc thiên hạ loạn lạc, chữ nghĩa ế ẩm, cả hai không khỏi lâm vào cảnh khi đói, khi no. Họ Đỗ có cái đầu to như củ chuối, lúc cạo trọc lúc để lởm chởm. Khi đó có cảm giác mỗi sợi tóc to bằng đầu đũa. Hai tai gã cũng vểnh ngược lên, gương mặt phèn phẹt, nom như tranh đả kích. Đã thế, chân tay gã lại lều nguều như càng tôm, cặp mắt híp cực kì gian giảo, nhìn chỗ nào cũng thấy ngã ba, du côn phát tiết ra đằng mồm, thường hay chửi vụng từ trong ý nghĩ.
Từ quán rượu nhìn chếch qua bên kia đường là cửa Càn (cửa Nam) thành Cổ Lộng. Đó là một tòa thành lớn đắp bằng đất cao 7 thước 3 tấc, có 8 cửa đặt tên theo bát quái, chu vi 200 trượng 8 thước 8 tấc. Xung quanh đào hào rộng 4 trượng, sâu hơn 6 thước. Thành nằm giữa một vùng đất đai bằng phẳng, vuông vức như manh chiếu khổng lồ trải từ tây sang đông, đầu gối về phía dãy núi Đuôi Cáo, chân đạp ra hướng biển Đông. Kiềm Quốc công Mộc Thạnh thua trận ở Bô Cô chạy bán sống bán chết về đây. Nhẽ ra nhân đà ấy, quân của Giản Định Đế Trần Ngỗi thừa thắng đánh dấn đi thì thành đã bị san phẳng rồi. Song Quốc công Đặng Tất từ phía nam nhìn lên thấy âm khí trùm cả một vùng, trong bụng vô cùng e ngại, bèn bảo: “Quân ta từ vua tới lính toàn trai tráng khỏe mạnh, lại bị giam hãm, nín nhịn lâu ngày. Tiến vào chốn ấy dẫu có thắng chắc cũng bị rút hết dương khí, biến thành một lũ thái giám hết, còn đâu nhuệ khí để kháng chiến lâu dài…” Giản Định Đế nghe bàn cũng lấy làm phải bảo: “Xưa nay chỉ nghe nói thái giám làm loạn thiên hạ. Chưa nghe nói thái giám tranh được thiên hạ bao giờ.” Bèn dừng quân lại không tiến nữa.
Mộc Thạnh thoát chết về binh đao song không thoát nổi yêu khí. Mấy hôm sau mò ra quán rượu trước cổng thành giải sầu. Giải một lần rồi giải mãi, giải không sao dứt ra được. Quả nhiên chưa đầy nửa tháng thì dương khí bị rút mất quá nửa. Từ ngày nọ sang ngày kia già đi đúng một tuổi, quả như mấy câu thơ của Hoàng Trần Cương: “Mỗi ngày anh bên em / là già thêm một tuổi…” Yêu đương mà như thế thì chẳng mấy chốc tuyệt tự đến cả Hán tộc chứ chả phải chuyện chơi. Mộc Thạnh từ một viên tướng trẻ mới ngoài 30, thoắt cái trở thành ông lão ngót 5 chục, tóc tai rụng gần hết, thân thể yếu như con sên đất, chân tay run lẩy bẩy, thở không ra hơi… bèn dâng sớ xin chuồn về Bắc dưỡng bệnh.
Chuyện lạ bay về Đông Quan. Thượng thư Hoàng Phúc nghe tin báo bỗng giật nảy mình bảo: “Đất ấy tất có yêu nữ, yêu nữ trú ở đâu thì nơi ấy sinh ra cái vạ đàn bà, không khéo mất toi thành như chơi. Vả lại còn kế hoạch đồng hóa của triều đình. Muốn đồng hoá thì phải biết tiết chế tinh khí. Nay nếu ai cũng như tên Mộc Thạnh kia, trong một ngày mà tiêu phí tinh khí của cả một năm thì mạng còn chẳng giữ được, nói chi đến chuyện đồng hóa...” Bèn cho Mộc Thạnh về nước, cử Thái giám Sơn Thọ thay, đồng thời đích thân tới tận nơi trấn yểm. Ức Trai tiên sinh (tức Nguyễn Trãi) nằm trong ngục biết chuyện, liền giở tay bấm độn rồi cười khẩy, bụng bảo dạ: “Thằng chó này tuy nham hiểm, song Ức Trai ta chính là khắc tinh ba đời nhà nó. Phải ra tay phá phép của nó mới được…” Lập tức xé vạt áo, cắn máu viết lên đó một đạo bùa rồi giấu sẵn trong bụng. Nhân lúc người em con cô con cậu là Trần Nguyên Hãn vào thăm nuôi liền giúi vào tay Nguyên Hãn, đoạn ghé tai bảo: “Muốn phá phép của thằng chó thì phải làm như thế… như thế…”
Sở dĩ Ức Trai khi nói đến Hoàng Phúc cứ một điều “thằng chó”, hai điều “thằng chó” không phải vì căm thù hay muốn hạ thấp y. Người như Ức Trai đâu thèm có ý đó. Chính vì Hoàng Phúc tuổi Tuất, tướng ngũ đoản, nom tủn hoẳn như con chó nhãi, làm việc gì cũng liên quan đến chó. Từ chỉ đạo chiến tranh đến đối nội, đối ngoại… dùng toàn mẹo của chó, ví dụ cắn càn hoặc to mồm gây thanh thế. Gặp kẻ mạnh hơn thì cúp đuôi ẩn nhẫn, cam chịu thân nô bộc, gặp kẻ yếu hơn thì lập tức lên giọng cha người ta mà ngôn bậy ngôn bạ, kiểu như “dạy cho một bài học”, v.v… Nhất là trong cái việc bùa ngải, thần chú mà y được truyền lại từ sách của Cao vương (Cao Biền).
Nguyên Hoàng Phúc là truyền nhân đời thứ 18 của Tiết độ sứ Cao Biền thời nhà Đường (vì tiếm hiệu xưng vương nên về sau mới gọi là Cao vương). Chuyến Nam chinh lần này, Phúc nhận mật lệnh của Minh Thành Tổ là phải làm sao đồng hóa xứ Nam di này để nó mãi mãi phụ thuộc là một trấn của Trung Nguyên. Đồng hóa về dòng giống thì phải trông cậy vào đội quân viễn chinh hùng hậu toàn những thanh niên trai tráng chưa vợ con hoặc xa vợ lâu ngày. Đàn bà con gái xứ này tuy ngoa ngoắt song mỏng mày hay hạt, mắt lá dăm hai mí lúng liếng, da dẻ nõn nà xem ra còn đẹp hơn gái Trung Nguyên toàn thị một mí him híp như mắt lươn. Hoàng Phúc cứ việc thả cho quan lính của mình tha hồ cưỡng hiếp. Song nếu trong số bọn gái ấy có lẫn yêu nữ thì phải coi chừng. Không khéo mấy chục vạn con đực giống thiên triều ưu tú thượng đẳng kia biến thành vô dụng hết. Riêng đồng hóa về mặt văn hóa và tâm linh thì Hoàng Phúc đã có chủ trương. Đó là bộ thần chú (cũng gọi là kinh Cao vương) bất hủ mà một khi đã truyền ra, thì toàn thị xứ Nam di này sẽ chỉ còn biết xưng tụng thiên triều hết đời này sang đời khác, mãi mãi không cùng. Vì vậy việc trấn yểm lần này chính là một công đôi việc, vừa trấn áp nạn yêu nữ, vừa truyền bá kinh Cao vương vào tận cõi tâm linh sâu thẳm của mọi người dân xứ này. Thế là những gì mà vị tổ sư Cao Biền ngày trước thất bại hoặc làm còn dang dở, thì nay Hoàng Phúc sẽ thực hiện cho kì được.
Hoàng Phúc về tới thành Cổ Lộng liền sai tìm thợ tạc một con chó bằng đá lớn gấp rưỡi chó thật. Tất nhiên là chó đực, bìu dái to bằng vốc tay. Mười ngày làm xong. Việc tiếp theo là lập đàn thất tinh, đặt con chó lên chính giữa đàn rồi đốt trầm hun vào, vừa hun vừa lẩm nhẩm đọc thần chú. Hun bảy ngày bảy đêm, đọc bảy bảy bốn mươi chín lần, lần lượt ba vạn chín nghìn chữ của kinh Cao vương thì con chó đá nom đã có thần khí, mình mẩy đen bóng như chó mực, mùi tanh toả nồng nặc, đế khí toát ra lạnh người. Riêng cái bìu dái vẫn trắng ởn, đàn ông trông thấy bỗng cảm thấy tủi thân, đàn bà trông thấy ai cũng đỏ mặt e thẹn. Nghệ thuật tạo hình mà có hồn vía như thế kể cũng vào loại cao tay. Phép này vốn là một bí truyền lâu đời ở phương Bắc. Người phương Bắc gọi là “Linh Cẩu tác” (chế tạo chó thiêng). Xong xuôi, Phúc sai để con chó lên tháp canh, cho nó quay mặt về hướng nam, ngày ngày sủa vào trong gió không sót một chữ nào trong số ba vạn chín nghìn chữ của kinh Cao vương. Gió sẽ mang những chữ thiêng ấy đi bốn phương tám hướng, nhập vào tận hồn vía vong linh của hết thảy bọn man di mọi rợ ở xứ này. Tuy nhiên phải chờ đến khi hạ thổ trúng long mạch nữa thì nó mới phát huy tác dụng mãi mãi, đời nọ truyền đời kia. Dân Giao Chỉ rồi sẽ chỉ còn biết nhất nhất suy nghĩ, hát ca theo ý muốn của thiên triều. Công việc hạ thổ cũng hơi rắc rối, khó hiểu. Song đại thể như sau:
Trước khi trở lại Đông Quan, Hoàng Phúc gieo quẻ rồi trao cho Thái giám Sơn Thọ 5 đạo bùa có đánh số thứ tự nhất, nhị, tam, tứ, ngũ. Dặn tới ngày tuất, tháng tuất, đúng giờ dậu ra cổng thành sẽ gặp hai con lừa đi bằng hai chân, lom khom từ hướng cung Mão (phía đông) đi lại. Đó chính là tả hữu hộ vệ của đế cẩu (chó vua) sau này. Đem hai con lừa ấy vào trong thành, quàng dây vào cổ rồi lấy roi quất vào mông chúng, bắt chúng kéo con chó đá về hướng cung Mùi (phía tây nam). Quất thật lực cho chúng lồng lên. Tới khi nào hai con lừa ấy vấp ngã, chiếc xe chở con chó đá dừng lại chỗ nào thì chỗ đó chính là long mạch. Bấy giờ hãy sai người đào cho tới khi gặp nước đỏ phun lên như máu thì mới đúng tâm mạch. Việc tiếp theo là ếm bùa rồi chôn con chó đá xuống, sao cho đầu nó hướng về phía cung Sửu (phía đông bắc, nhìn về đúng quán rượu). Lại trói chân trói tay hai con lừa lại, nhét vào mồm mỗi con một miếng sâm, gắn xi lại rồi chôn sống chúng ở hai bên hông con chó đá. Năm đạo bùa thì cái có chữ “nhất” dán trên lưng con chó, 4 đạo còn lại dán dưới 4 gan bàn chân theo thứ tự từ phải qua trái, từ chân trước đến chân sau… nhất nhất không được sai lệch.
Trần Nguyên Hãn theo lời dặn của Nguyễn Trãi, ăn mặc giả đạo sĩ, dắt theo một tiểu đạo đồng từ Đông Quan hướng về thành Cổ Lộng. Đi từ sáng sớm đến tối mịt thì tới nơi. Dọc đường, chàng chứng kiến bao cảnh cướp, hiếp tàn bạo của quân Minh. Xứ sở này từng bao phen giặc giã, loạn lạc. Song có lẽ không đạo quân nào đểu cáng và thú vật như lũ quan quân mệnh danh là thiên triều tràn xuống từ phương Bắc này. Con cháu của những vị thánh nhân là Khổng Tử, Lão Tử... không ngờ lại tham tàn và hiểm độc đến thế. Nếu đúng là “nhân tri sơ, tính bản thiện”, thì cái bản chất lang sói truyền hết từ đời nọ tới đời kia của lũ người phương Bắc này chúng học ở đâu ra? Chẳng nhẽ lại học từ trong sách của chính các vị thánh nhân ấy? Với chiêu bài diệt họ Hồ, trả lại nước cho họ Trần, thật chẳng hơn gì mấy câu khẩu hiệu vẫn truyền miệng trong dân gian: “Việt Nam Trung Nguyên / núi liền núi sông liền sông / chung một biển Đông / mối tình hữu nghị / có còn hơn không...”, v.v... Song thực chất chúng thèm muốn cưỡng chiếm và đồng hóa đất này từ bao đời trước đó. Việc ấy thì ngay cả một gã thất phu mù chữ cũng nhận ra, huống hồ những kẻ vẫn tự coi mình là lương đống của đất nước. Nguyên Hãn biết Minh Thành Tổ chỉ với một lời hẹn cho phép tha hồ cướp bóc của cải, cưỡng hiếp đàn bà con gái càng nhiều càng được trọng thưởng, mà trong vòng một thời gian ngắn đã tuyển được mấy chục vạn quân. Cái xứ sở vẫn tự vỗ ngực xưng là Trung Nguyên văn hiến nhất thiên hạ ấy té ra lại khát máu khát dục đến thế kia ư? Và chúng đã tới đây như những kẻ săn người. Khắp nơi, đường làng ngõ xóm bị giày xéo, nhà cửa bị đốt, trâu bò bị xả thịt. Những tiếng kêu thét tuyệt vọng của các thiếu nữ, của các cụ già không át nổi những tiếng cười hô hố của lũ sát nhân. Xác người trôi trên sông, nằm rải rác dọc đường, những bãi đất thấm máu đen thẫm, từng đàn quạ bay rợp trời... Đúng như lời kể tội của Ức Trai tiên sinh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ / Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khoé / Gây binh kết oán, tội chồng chất ngót hai mươi năm...”
Ngày tháng thoi đưa. Thấm thoắt đã đến mùa đông, tháng tuất. Đợi đúng giờ dậu, ngày tuất, Sơn Thọ sai hạ con chó đá từ trên tháp canh xuống, đặt sẵn lên một cỗ xe rồi mở cổng, hạ cầu treo, cùng tuỳ tùng phóng ngựa ra khỏi thành. Chờ mãi vẫn không thấy có hai con lừa từ phía đông đi lại như lời dặn của quan thượng thư. Buổi chiều mùa đông trời tối sớm, lạnh buốt, con đường vắng ngắt không một bóng người, nói chi đến có con lừa nào. Sơn Thọ đang tỏ vẻ sốt ruột thì mãi cuối giờ dậu, bỗng có hai gã dị hợm đang lom khom đúng là từ phía đông đi lại. Nom thấy cái dáng đi lạ, Sơn Thọ chăm chú quan sát. Cả hai gã đều có cặp tai vểnh như tai lừa, lại đi bằng hai chân... Nhớ lại lời dặn của quan thượng thư, Sơn Thọ chợt tỉnh ngộ. Đích thị chúng là hai con lừa mà quan thượng thư đã ám chỉ, bèn quát lính đổ xô ra túm lấy, giải vào trong thành. Nguyên hai tên đó chẳng phải ai xa lạ, chính là họ Đỗ và họ Ngu vừa tả ở trên. Lúc đi gần tới chỗ hai cây gạo, bỗng ngửi thấy một mùi hương ngào ngạt, quyến rũ. Cả hai chợt cảm thấy toàn thân bừng bừng như lên cơn sốt, phía bụng dưới bật ra một cục gân cứng ngắc, tức anh ách, đến nỗi không sao đứng thẳng được. Thế là không ai bảo ai, cả hai cùng cúi gập người xuống, hai tay ôm cứng lấy hạ bộ, vừa bước lom khom vừa thở ra những hơi thở gấp gáp...
Họ Đỗ và họ Ngu bị bọn lính đẩy đến trước cái xe chở con chó đá. Hai người mặt xám như chàm đổ, cục cứng biến đâu mất tiêu. Chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy ách tròng vào cổ. Quả là: “Một dây vô lại buộc hai... con lừa”. Rồi thì hai chiếc roi quật xuống hai cặp mông đánh “đét” cùng một lúc. Hai con “lừa” giật nảy mình, vội vàng gò lưng kéo chiếc xe tiến về phía làng Hạ. Đó là một làng lớn, nằm chếch góc Tây Nam, cách thành già nửa dặm. Một đoàn quan lính trong thành cầm đuốc rùng rùng hộ tống phía sau và hai bên tả hữu như một lũ ma chơi. Roi quật xuống càng lúc càng gấp, họ Đỗ và họ Ngu lồng lên, kéo chiếc xe chạy như ma đuổi. Đang chạy, bỗng “Úi chao!” một tiếng, cả hai cùng vấp phải cái gì đó dưới chân làm người ngã sấp xuống đất. Rất may là chiếc xe cùng con chó đá lập tức đứng tắp ngay lại, nếu không thì hai gã đã bị nó đè nghiến lên người. Vị trí đó ngay sát đầu làng Hạ. Lập tức, Sơn Thọ ra lệnh cho lũ lính quây vòng trong vòng ngoài rồi bắt đầu đào. Cái huyệt hun hút dần dần lộ ra, đất quật lên đỏ quạch. Họ Đỗ linh cảm thấy sắp đến giờ tận số, sợ quá vãi đái cả ra quần. Riêng họ Ngu chưa kịp nghĩ đến điều đó nên cứ trố mắt, thản nhiên xem bọn lính đào bới. Đào sâu xuống chừng 6 thước, quả có một ngọn nước đỏ như máu phun lên từ giữa đáy huyệt. Bọn lính nhất tề reo “ồ” lên một tiếng. Sơn Thọ mừng rỡ, lập tức ra lệnh hạ con chó đá xuống khỏi xe để làm phép ếm bùa trước khi đưa xuống huyệt. Đám cầm đuốc rùng rùng tiến từ ngoài vào, đám đứng trong chuyển động dãn ra, lại có sáu mươi tư tên vẽ mặt loang lổ, chia làm hai toán chạy ngược chiều nhau vòng quanh huyệt, vừa chạy vừa hò hét những âm thanh nghe rất lạ tai. Mấy tên khác theo lệnh Sơn Thọ trói nghiến họ Đỗ và họ Ngu lại, nhét vào mồm mỗi tên một miếng sâm rồi dùng xi gắn chặt mõm lại. Bấy giờ hai người hồn vía đã lên mây, ỉa đái đầy cả ra quần, chân tay bủn rủn gần như không biết gì nữa. Độ một giờ sau thì mọi việc xong xuôi, con chó đá và hai kẻ tuẫn táng làm tả hữu hộ vệ của đế cẩu đã nằm sâu dưới lòng đất. Cuộc trấn yểm của Hoàng Phúc đến đây kể như thành công mĩ mãn.
Bài chú gồm ba vạn chín nghìn chữ của kinh Cao vương nhập vào con chó đá cùng với mấy đạo bùa quả nhiên linh nghiệm ghê gớm. Con chó đá vừa được chôn xong xuôi thì ở quán rượu, cô chủ Linh Cô liền cảm thấy váng vất nhức đầu, hai mắt hoa lên, chân tay rã rời, tai nghe lùng bùng toàn tiếng chó sủa, mà lại sủa ra toàn chữ thánh hiền mới lạ. Các tiếp viên cũng bị tình trạng y như vậy, cô nào cô nấy run lả người như liễu ra trước gió, co rúm hết vào một xó. Quán rượu sắp xảy ra tai vạ đến nơi. Thế còn Trần Nguyên Hãn? Chàng ở đâu trong lúc nguy cấp thế này?
Xin thưa chàng ở ngay trong quán rượu. Vậy chàng đã quên nhiệm vụ của Ức Trai tiên sinh giao phó rồi chăng? Kể từ hôm về tới Cổ Lộng, thầy trò Nguyên Hãn tìm vào làng Hạ, thuê một căn nhà ở trọ, hàng ngày chăm chỉ đọc chú, luyện bùa chờ đợi. Nghe những tiếng đục đá chan chát từ phía thành vọng lại, Nguyên Hãn biết quân Minh đang tạc tượng chó đá. Kế đến mùi hương trầm thoang thoảng... Mọi diễn biến “Linh cẩu tác” của quân Minh đều không qua khỏi sáu giác quan của chàng, đúng như những gì Nguyễn Trãi đã tiên liệu. Nhiệm vụ của chàng là chờ đến khi chúng hạ huyệt xong xuôi, đế cẩu nhập địa hẳn hoi rồi sẽ lập tức ra tay, miễn sao không quá giữa giờ tí (đúng nửa đêm) là được. Đáng nhẽ thì như vậy đấy. Song việc đời mấy ai lường trước chữ ngờ. Bẵng đi mấy hôm không ngửi thấy mùi trầm, Nguyên Hãn sợ lỡ mất việc, bèn ra khỏi nhà đi về phía thành thăm dò xem quân Minh đang làm trò gì. Trong vai một đạo sĩ quê mùa, đang lượn đi lượn lại trước cổng thành, bỗng mũi chàng ngửi thấy một mùi hương rất lạ. Mùi hương làm chàng cảm thấy ngây ngất...
Kết quả là Nguyên Hãn bị cái mùi hương ấy nó quyến rũ, hai chân cứ tự động bước đi như kẻ mộng du. Tới đúng quán rượu, chàng bỗng ngẩn người trước những bóng hồng thướt tha của mấy cô gái. Nghĩ kể cũng lạ. Nguyên Hãn dẫu không có được cái xuất xứ nói như thơ của Inrasara: “Con rất muốn chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunây / con còn muốn chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc...” thì chàng cũng là một trang công tử được sinh ra trong chốn quý tộc đài các một thời. Vậy mà chàng chưa từng trông thấy những cô gái quyến rũ mê hồn như thế này bao giờ. So với các nàng đây thì phải nói là: “Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình...” Hai mắt Nguyên Hãn bỗng hoa lên, tâm trạng chàng bỗng trở nên bấn loạn, thật khó có nam tử hán đại trượng phu nào thoát nổi chốn này, đúng như mấy câu thơ của Trần Ninh Hồ: “Bao người xinh đẹp ta chưa biết / xinh đẹp bao người chưa biết ta / ta đang trong cõi thiên tình ấy / trời chẳng mù sao mắt bỗng nhòa”.
Đứng trước những tiên nữ thướt tha, thoắt cái máu phong tình trong người chàng công tử Nguyên Hãn bốc lên ngùn ngụt. Chàng lập tức thả những lời ong bướm mây mưa, tuy không đại ngôn như thơ Trần Mạnh Hảo, kiểu: “Xin cho một chấm trong giời đất / để vịn qua người tiên nữ em”, song cũng không đến nỗi giả như thơ tình Xuân Diệu: “Anh xin làm sóng biếc / Hôn mãi cát vàng em / Hôn thật khẽ, thật êm / Hôn điên cuồng mãi mãi...” Có phải Nguyên Hãn đã “hy sinh” vì sắc? Chỉ biết rằng đúng như Nguyễn Du tả: “Mệt nhoài trong cuộc truy hoan / Càng quen thuộc nết càng dan díu tình...” Chàng say sưa đến nỗi quên béng lối về, quên béng cả nhiệm vụ Nguyễn Trãi giao. Tóm lại là kết cục sẽ vô cùng bi đát cho chàng, cho cả xứ Giao Chỉ này nếu chàng không kịp thời tỉnh trí lại. Một tối kia nằm trong quán, chàng bỗng thấy mấy ngọn nến đang cháy bình yên, chợt dạt hết về cùng một phía. Gió lạnh gai người thổi tới ào ào. Linh Cô đang mơn mởn như một bông hoa bỗng dưng héo rũ, miệng ú ớ nói không ra tiếng, tay chỉ ra cổng như muốn chàng phải ra đi. Các tiếp viên khác, cô nào cô nấy cũng đều dúm dó vào nhau như đàn gà con gặp quạ. Giây lát, cả hai cây gạo cổ thụ lẫn ngôi quán nom xác xơ như vừa trải qua một trận cuồng phong. Quả đúng là: “Phong trần đến cả sơn khê / tang thương đến cả hoa kia cỏ này...” Nguyên Hãn thấy thế thì kinh ngạc quá, vội vàng gặng hỏi cuống quýt mãi, nhưng Linh Cô chỉ một mực lắc đầu. Ánh mắt của nàng, cánh tay chỉ ra cổng của nàng càng khẩn thiết muốn chàng phải ra đi ngay lập tức...
Nguyên Hãn không biết làm thế nào, đành nhẫn tâm rời khỏi quán rượu. Cả một thiên đường tình ái như thế mà bỗng chốc phải ra đi thì lòng dạ nào không rầu rĩ, nát tan. Chẳng có cuộc chia ly màu đỏ hay màu đen gì ở đây hết. Cũng chẳng có sông ngòi gì để mà: “Em đưa anh sang sông, chiều nay mưa rơi êm đềm...” cả. Tất nhiên cũng chẳng có ngựa nghẽo gì để: “Người lên ngựa kẻ chia bào...” Tóm lại lúc đến háo hức, lãng mạn bao nhiêu thì lúc đi buồn bã, trần trụi bấy nhiêu. Chỉ một mình chàng thất thểu trên con đường đất vắng teo, lạnh ngắt. Hệt như Nguyễn Bính miêu tả trong bài thơ: “Những bóng người trên sân ga”: “Một mình làm cả cuộc chia ly...”
May mắn thay, càng đi xa khỏi quán rượu thì Trần Nguyên Hãn càng tỉnh táo trở lại. Chàng lờ mờ nhớ ra nhiệm vụ trọng đại của mình. Liếc mắt về phía làng Hạ, Nguyên Hãn phát hiện thấy đoàn người ngựa quan lính nhà Minh đang cầm đuốc rồng rắn trở về thành. Lập tức nhớ ra toàn bộ nhiệm vụ. Chàng cuống cuồng tìm đường tắt vòng qua phía sau lưng quân Minh rồi chạy ngược lại, tìm tới đúng cái chỗ chúng vừa đi khỏi. Đám đất nơi cái huyệt vừa được lấp còn dấu mới tinh. Nguyên Hãn chạy về nhà trọ mượn cuốc xẻng rồi kéo cả tiểu đạo đồng ra chỗ cái huyệt. Hai thầy trò hối hả đào bới. Đào gần tới giữa giớ tý thì con chó đá lộ ra, hai bên có hai kẻ bị trói ngồi thu lu, thân thể vẫn còn ấm. Nguyên Hãn cùng chú đạo đồng vực hai người lên bờ, cởi trói cho họ rồi cậy miếng xi gắn ở miệng ra. Họ Đỗ và họ Ngu thở hắt mấy cái rồi mở choàng mắt. Thế là được cứu sống. Thật may mắn cho Nguyên Hãn, bởi nếu để chậm, hai gã này mà tắt thở thì linh hồn sẽ lập tức biến thành tả hữu hộ vệ. Khi đó Nguyên Hãn có đào cả đời cũng không thể tìm thấy con chó đá. Cứu xong hai người, Nguyên Hãn lại nhảy xuống huyệt, gỡ đạo bùa trên lưng con chó đá ra, đốt diêm lên soi, thấy trên đó viết mấy chữ: “Thiên tử Vĩnh Lạc cấp cấp như luật lệnh sắc” (Vĩnh Lạc là niên hiệu của Minh Thành Tổ). Theo lời dặn của Nguyễn Trãi, Nguyên Hãn đem đạo bùa đó dán xuống bìu dái con chó, đoạn lấy đạo bùa của Nguyễn Trãi ra dán thay vào chỗ cũ. Người viết không rõ đạo bùa của Ức Trai tiên sinh viết gì, chắc không thèm dùng chữ thánh hiền, mà dùng chữ Nôm. Đoán đại hình như là: “Mả cha chúng bay chôn ở đây...” Chẳng biết có đúng không? Thiên hạ có ai biết làm ơn chỉ giùm...
Thực hiện xong công việc kinh thần động quỷ ấy rồi, Nguyên Hãn gọi chú đạo đồng xuống huyệt. Tưởng để làm gì, té ra chàng sai chú ta vạch chim đái xèo xèo vào giữa mõm con chó. Phép ấy gọi là: “Tiểu khẩu đế cẩu” (đái vào mõm vua chó). Phải là nước đái của chú đạo đồng mới được, bởi chú ta còn nguyên dương, chưa hề xuất tinh lần nào. Nước đái của những chú nhóc như thế sách cổ gọi là “nguyên thuỷ”. Đó là một chất nước có hoạt tính cao, dùng chữa được rất nhiều bệnh. Giây lát, con chó đá bỗng rùng mình một cái (ghê thật), mình mẩy đang bóng loáng bỗng xám ngoét ngay lại. Thế là vua chó hết thiêng.
Phép của Ức Trai tiên sinh quả nhiên cũng ghê gớm không kém. Chú đạo đồng vừa đái xong thì ở trong quán rượu, Linh Cô cùng các nàng tiếp viên lập tức cảm thấy tinh thần thư thái, tiếng chó sủa trong tai bỗng dưng câm bặt, bao nhiêu váng vất tiêu tan đâu hết. Chỉ còn thấy hơi ngứa ngứa ở giữa háng. Bèn ngồi bệt xuống đất, dạng ra gãi vài nhát là êm. Vốn là người nắm được tiên cơ, Linh Cô chẳng khó khăn gì mà không hiểu ra toàn bộ sự việc, bèn hướng về phương Bắc mà rủa một cách rất ngoa ngoắt song vô cùng hả hê: “Bùa ngải với cả ba vạn chín nghìn thần chú kinh kệ cái mả cha chúng bay. Không bằng ba vạn chín chu cái mu l(...) b...à... à...” Câu rủa ấy về sau lưu hành trong dân gian. Con số ba vạn chín nghìn biến thành một câu thành ngữ cửa miệng, chỉ hằng hà sa số cái chỗ tục tĩu ấy của đàn bà. Người ta thường đem nó ra để dè bỉu hay rủa nhau, song ít ai biết đó chính là số chữ của kinh Cao vương bất hủ từng linh ứng khắp thiên hạ ngót năm trăm năm. Công phu đồng hoá văn hiến của Hoàng Phúc rốt cuộc chỉ còn lại mỗi câu thành ngữ ấy. Không biết Trung Nguyên của thiên triều thế nào chứ ở xứ này thì từ đó kinh Cao vương cũng hết thiêng.
Cũng cần phải kể qua loa một chút về họ Đỗ và họ Ngu trước khi để họ tạm biệt câu chuyện này. Số là hai người tuy được cứu sống, song hồn vía tiêu tán tận đâu đâu, mấy đời cứ tưởng mình là con lừa thật. Mãi đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi mới được hoàn hồn. Lại quay về nghề làm thơ, viết phú... như trước. Thỉnh thoảng sợ hãi điều gì cứ lấy xi gắn vào miệng là yên tâm. Con cháu họ Ngu về sau kị chữ “ngu”, bèn thi nhau đổi họ. Đại khái kẻ đổi sang họ Ngô, kẻ đổi sang họ Nguyễn, v.v… Duy cái truyền thống tự hào thì không những vẫn di truyền, mà còn lây lan sang các họ khác. Họ Đỗ vẫn giữ cái tật chửi thầm, chửi vụng như trước, lại cũng di truyền cho những đời sau, thành ra một môn phái chửi thầm có tiếng trong thiên hạ. Điều đó tưởng cũng không có gì lạ, chỉ vì chửi thầm, chửi vụng nên ít ai nghe thấy đó thôi. Nghe đâu hai người còn có chân trong hội Tao Đàn của Lê Thánh Tông, chuyên làm thơ ca ngợi vua. Xứ Giao Chỉ bắt đầu có hội nhà văn từ đấy.
Trần Nguyên Hãn quả không hổ là một đấng trượng phu. Hoàn thành nhiệm vụ rồi, trong lòng chàng bỗng cảm thấy thanh thản, không hề lưu luyến cái chốn đào hoa tuyệt đỉnh kia một chút nào nữa. Thế mới gọi là: “Bể tình duyên lấp bừa rồi... thì thôi.” Nguyên Hãn lập tức tìm đường trở về Đông Quan báo tin cho Nguyễn Trãi. Lúc này Ức Trai tiên sinh đã được Trương Phụ thả ra khỏi ngục, đang tìm cách chiêu dụ về hợp tác. Nguyễn Trãi tương kế tựu kế, dùng kế hoãn binh để chờ cơ hội trốn khỏi Đông Quan. Trần Nguyên Hãn gặp được ông trong một ngôi nhà tranh phía nam thành. Nghe Nguyên Hãn kể lại mọi việc, Ức Trai tiên sinh mừng thì có mừng, nhưng không hiểu sao vẫn than: “Mưu ta dẫu thành, song khí huyết của ta suốt đời phải cưỡi trên lưng chó, làm việc gì rồi cũng vấp phải nạn chó, thậm chí sau này gặp đại hạn cũng rơi vào năm chó... cho mà xem. Vả lại bộ kinh của kẻ kia linh ứng đã năm trăm năm, nay bỗng chốc bị vô dụng như thế, biết đâu nó lại chẳng tìm cách báo thù. E rằng sau này chính ta cũng chuốc phải cái nạn đào hoa, kết cục khó mà được vẹn toàn.” Quả đúng như thơ Nguyễn Du: “Cõi đời chó má ngút trời / dẫu phồn hoa cũng là đời bỏ đi...” Nguyên Hãn nghe nói thì kinh ngạc, gặng hỏi mãi. Song Ức Trai tiên sinh lắc đầu nhất định không nói. Việc ấy đến bây giờ vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, nếu ai không tin cứ việc nghiệm lại cuộc đời Nguyễn Trãi thì biết.
Lại quay về ngôi quán rượu trước cổng thành Cổ Lộng. Hôm ấy Linh Cô bỗng bảo: “Các em quét tước sạch sẽ, ngày mai không tiếp khách. Có Nguyệt Cô từ phía đông sẽ tới quán ta.” Các tiếp viên không ai dám hỏi gì, chỉ nhất nhất nghe lời. Hôm sau, từ sáng tới chiều chẳng thấy có ai là Nguyệt Cô ghé quán cả. Mãi đến gần tối, bỗng thấy một bà lão từ phía đông đi lại, trên lưng cõng một bé gái ước chừng bốn năm tuổi. Thấy bà lão bước vào quán, Linh Cô mừng rỡ đích thân ra đón. Bà lão bảo: “Con bé này người làng Duối cách đây năm sáu dặm. Nó họ Lương, tên cúng cơm là Minh Nguyệt, cháu nội của già này. Đêm qua già nằm mơ thấy thần nhân bảo gửi nó ở đây thì sau này sẽ lập nên công trạng. Vậy xin giao nó cho cô nương.” Thì ra Nguyệt Cô chính là cô bé con đó. Linh Cô vui vẻ nhận lời. Từ đó Minh Nguyệt sống trong quán cùng các cô tiếp viên, được đích thân Linh Cô dạy dỗ, rèn luyện. Minh Nguyệt càng lớn càng tỏ ta giỏi giang, nhan sắc mười phần rực rỡ mà bản lĩnh cũng có chỗ hơn người...
Thành Cổ Lộng là doanh sở của Giao Châu hộ vệ, thủ phủ phủ Kiến Bình. Oai trấn thì như thế, song ngôi quán của Linh Cô hầu như đã hút hết hồn vía của bọn quan lính người Minh đóng trong thành. Những cuộc hành binh tới các vùng lân cận để ăn cướp và gieo rắc dòng giống bằng cách cưỡng hiếp đàn bà con gái của chúng cứ thu hẹp dần. Từng toán, từng toán lính thay phiên nhau kéo ra khỏi thành thế nào cũng phải rẽ vào ngôi quán. Mà khi đã ghé vào đó thì chúng khó có thể đi đâu được nữa. Linh Cô sai các nàng tiếp viên chiều chuộng, lả lơi hết mực, chuốc rượu cho chúng say khướt từ sáng đến tối. Trước khi quay trở vào thành, mỗi tên được phát một cái bao làm bằng diều gà đen gọi là “vị ô kê”. Thứ này vừa mỏng vừa dai, vừa có khả năng co dãn rất tốt, lại được ướp một thứ hương rất đặc biệt gây kích thích mạnh khả năng động đực. Nghe nói dụng cụ này do chính Linh Cô chế ra. Những con giống thiên triều kia vớ được thứ đó thì lập tức lên cơn động dục, đưa lên mũi hít lấy hít để rồi lũ lượt dắt nhau vào một cái tàu ngựa bỏ hoang ở gần đó, lồng “vị ô kê” vào cục cứng của mình rồi tên nào tên nấy thi nhau sục thật lực. Tinh khí tiết ra được trút chung trong một chiếc thùng gỗ, đem đổ xuống khúc sông Hằng, đoạn chảy qua phía tây, cách thành già nửa dặm.
Cứ thế hàng chục năm trời. Đàn bà con gái quanh vùng nhờ đó cũng hơi được yên ổn. Có điều khúc sông Hằng ấy bốc mùi tanh hôi nồng nặc, ô nhiễm đến nỗi cua cá cũng không sống được. Thế mới gọi là “Cổ Lộng khí chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm…” Đủ thấy quân Minh không những đông như thế nào, mà cái khoản dương khí của chúng mới mạnh làm sao. Song mạnh mấy mà hoang phí thì rồi cũng đến lúc phải bạc nhược. Lũ lính Minh vì bị mất quá nhiều tinh khí đâm ra rất sợ muỗi. Chỉ cần nghe tiếng vo ve là người chúng nổi hết gai lên rồi. Bèn sắm mỗi tên một cái túi ngủ. Đêm đêm, trừ những tên đến phiên gác, còn thì chui hết vào trong túi, nhờ người bên ngoài thắt nút lại cho kín. Bấy giờ Trấn thủ Trần Hiệp đã thay Thái Giám Sơn Thọ chỉ huy quân Minh ở thành Cổ Lộng. Vốn là kẻ dâm ô thượng hạng, Trần Hiệp đòi các tiếp viên trong quán đêm nào cũng phải vào thắt nút túi để gã được ngửi mùi hương đặc biệt toát ra từ thân thể các nàng thì mới ngủ được.
Thế rồi cũng đến lúc “Càn khôn bĩ rồi lại thái, thái rồi lại bĩ… Nhật nguyệt tối rồi lại sáng, sáng rồi lại tối…” Xứ Giao Chỉ sắp đến hồi thoát khỏi sự giày xéo của người Minh. Bình Định vương Lê Lợi dấy binh ở Lam Sơn. Lũ người Minh kia lúc mới sang, dương khí còn dư thừa nên tỏ ra hung hăng, lấy thịt đè người. Nay bị đàn bà con gái xứ này dùng phép của Linh Cô rút hết tinh lực rồi thì nhuệ khí chỉ còn là con số không. Chỉ dựa vào sự tàn bạo, dâm ô thì có ích gì. Lại vẫn kiêu ngạo ta đây có binh pháp của tổ sư Tôn Tử trứ danh. Thế mà đánh trận thì dở ẹc. Binh pháp gì mà số người cầm cờ chiếm đến một phần ba. Mỗi khi bày trận thì phiền hà thủ tục, rườm rà lớp lang, quan tướng thì lăng xăng chỗ nọ chỗ kia, chỉ thấy đỏ mặt lên gân hò hét như phường tuồng. Binh pháp ấy chỉ dùng để diễn trên sân khấu, hoặc cùng lắm là đánh trận giả quân xanh quân đỏ mà thôi. Chứ địch thế nào được với sự khôn ngoan lanh lợi, thoắt ẩn thoắt hiện, bất chấp bài bản, cờ quạt của nghĩa binh Lê Lợi.
Bình Định vương Lê Lợi thắng như chẻ tre, làm chủ một vùng rộng lớn từ Thanh Hoá trở vào. Trên đường tiến ra Đông Quan, nghĩa binh Lê Lợi đụng phải thành Cổ Lộng. Lúc này cả Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều đang ở trong quân Lê Lợi, một người là Nhập Nội hành khiển, một người là quan Tư Đồ cầm đầu một cánh quân. Gặp lại cảnh xưa người cũ, kí ức trong lòng Nguyên Hãn bừng bừng trỗi dậy. Chàng bèn cải trang lẻn ra khỏi trại, tìm đến quán rượu ngày trước, nhân thể xem xét tình hình quân Minh đóng trong thành.
Bấy giờ Linh Cô đã rời khỏi quán từ lâu. Người thay thế Linh Cô làm chủ quán giờ là Nguyệt Cô, chính là cô bé Minh Nguyệt họ Lương ngày trước. Linh Cô đã đi đâu? Đó mãi mãi là một điều bí ẩn. Có người bảo nàng đi tới những nơi khác, trên khắp xứ Giao Chỉ này để tiếp tục phá âm mưu đồng hoá dòng giống của quân Minh. Nguyệt Cô bấy giờ ngoài hai mươi tuổi, nhan sắc đẹp tuyệt trần. Hàng ngày nàng chỉ huy các tiếp viên của mình ra sức thù tiếp và làm mọi cách tiêu hao tinh khí của bọn lính Minh. Tối tối, nàng lại dẫn các cô vào thành thắt nút túi cho Trần Hiệp và bọn quan tướng. Gặp Nguyên Hãn như thể đã quen biết từ trước, Nguyệt Cô vanh vách kể hết nội tình bọn giặc trong thành rồi bày kế cho nghĩa quân lấy thành. Thật dễ như trở bàn tay. Quả là một người con gái có chí khí khác thường.
Trần Nguyên Hãn vớ được mưu kế của Nguyệt Cô thì mừng rỡ, vội vàng trở về tâu trình cho Bình Định Vương biết. Thế rồi như đã hẹn trước, nửa đêm hôm đó, nghĩa quân Lê Lợi bí mật áp sát thành Cổ Lộng. Phía trong thành, Nguyệt Cô và một số nàng tiếp viên chờ sẵn làm nội ứng, chuốc rượu cho tên quan giữ cổng say mèm rồi mở cổng thành, hạ cầu treo xuống. Quân sĩ của Lê Lợi ào ạt tràn vào. Nghe động, Trần Hiệp và bọn chỉ huy vội vàng đạp túi ngủ để chui ra. Nhưng hôm đó, Nguyệt Cô và các nàng tiếp viên đã cố ý thắt mấy nút làm chúng không sao đạp ra được. Nguyệt Cô lại dẫn đường cho quân khởi nghĩa đột nhập đến tận nơi, dùng búa đập lên những túi vải như đập chuột. Lũ lính trong thành không người chỉ huy nhanh chóng tan vỡ, bị nghĩa quân giết sạch không còn một mống.
Bình Định vương Lê Lợi hạ được thành Cổ Lộng mà không tốn một mũi tên, một người lính nào. Con đường tiến ra Đông Quan đã được khai thông, số phận của thành Đông Quan cũng chẳng còn được mấy nỗi. Quân Minh bị giết ở thành Cổ Lộng nhiều quá, xác chất ngổn ngang như những đống rơm. Bình Định vương ra lệnh cho các làng xung quanh kéo xác chúng quẳng xuống sông Hằng. Cả một khúc sông Hằng từ đó tới sông Đáy dài năm sáu dặm trôi dày đặc xác người, làm nghẽn cả cửa cống thông ra sông Đáy. Đến nỗi dân ở đó về sau phải đặt tên là cống Kinh Ma. Sông Hằng lại một lần nữa tanh hôi, ô nhiễm khủng khiếp. Bình Định vương lại sai phá huỷ thành, đem đất trong thành chia cho các làng xung quanh, làng nhiều làng ít căn cứ vào số xác quân Minh mà mỗi làng kéo được.
Lại nói quân Minh bị chết dữ dội quá, hồn vía không tan được, từ đó cứ hiện làm ma quỷ quấy nhiễu làng Hạ. Sử cũ gọi là ma Tàu ô. Trước tình cảnh ấy, Ức Trai tiên sinh lại sai Nguyên Hãn về làng Hạ đào con chó đá lên, xoay đầu cho nó nhìn thẳng về phía cổng thành. Từ đó ma Tàu ô giảm dần rồi hết hẳn.
Nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi tiến thẳng ra vây thành Đông Quan. Nguyệt Cô lập công lớn, được Bình Định vương phong làm “Kiến quốc Phu nhân”. Lại ban ân rằng muốn thưởng nghìn vàng hay đất đai, cho phép bà được tuỳ nghi lựa chọn. Nguyệt Cô chỉ xin vương ban một con ngựa, sau lưng cột một giỏ trấu. Bà sẽ vừa phi ngựa vừa rắc trấu xuống đường. Trấu rắc đến địa phận làng nào thì làng đó sẽ là đất phong của bà. Bình Định vương vui vẻ đồng ý.
Nguyệt Cô phóng ngựa từ làng Duối, vòng qua làng Nhuộng, làng Bần, làng Mai… ước chừng vài chục dặm, xuống đến tận làng Bo thuộc địa phận Phong Doanh. Thành hoàng làng Bo nghe tiếng chân ngựa chợt hỏi tả hữu: “Ngựa nào thế?” Tả hữu bẩm: “Ngựa của Kiến Quốc Phu nhân đi đánh dấu đất phong”. Thành hoàng bảo: “Nếu thế thì bà ta lấy hết đất của dân mất. Ta phải bắt chước phép của cha nàng Tổ Cơ ngày trước để ngăn lại mới được.” Lúc ấy Nguyệt Cô vừa phi ngựa đến giữa cánh đồng. Sau lưng bà, túi trấu mới rắc hết non nửa. Bỗng trước mặt xuất hiện một ông lão đang lúi húi kết những sợi cỏ trên mặt ruộng lại. Con ngựa của Nguyệt Cô phóng tới, không hiểu sao bị những dây cỏ ấy quấn vào chân, bốn vó loạn xạ một lát rồi ngã kềnh ra, què mất hai vó trước, túi trấu đổ vung vãi hết xuống mặt ruộng. Đất phong của bà dừng lại ở đấy. Cánh đồng đó về sau có tên là cánh “Ngựa què”. Tên ấy nay vẫn còn.
Vào đúng thời điểm lũ bại binh người Minh do Tổng binh Vương Thông dẫn đầu được Bình Định vương Lê Lợi tha cho về nước, có một đoàn người ngựa trở lại thành Cổ Lộng, tìm đến quán rượu của Nguyệt Cô. Đó chính là vua Trần Cảo và những người theo hầu. Trần Cảo hỏi thăm Linh Cô, nghe nói bà đã bỏ đi từ lâu thì hết sức ngậm ngùi. Bèn sai sửa chữa một ngôi lầu còn sót lại trong thành rồi ở luôn tại đó, có ý muốn tìm đường đi tu. Trần Cảo chẳng phải ai xa lạ. Chính là cậu bé con ông lão ăn mày ngày trước, lớn lên vốn chỉ làm nghề đánh dậm, cua cá qua ngày. Một hôm nhậu say, bỗng buột miệng nói giữa đám bạn bè: “Tao là con cháu vua Trần ngày trước đấy. Lũ người Minh kia có mắt cũng như mù. Nếu không thì chúng đã lập tao làm vua lâu rồi”. Đám bạn bè truyền câu nói ấy đi chỉ cốt làm trò cười vui với nhau mà thôi. Ai dè một hôm bỗng có sứ giả của Bình Định Vương tìm đến rước về lập làm vua thật, đặt niên hiệu là “Thiên Khánh” hẳn hoi. Thật chẳng khác nào thơ của Lê Anh Hoài: “Lãi to hơn cả đánh đề / đang thằng đánh dậm đề huề... ngôi vua”. Lời của Linh Cô ngày trước quả không sai chút nào. Sở dĩ có việc ấy là bởi mưu của Nguyễn Chích. Lập Trần Cảo chỉ là việc quyền nghi nhất thời, cốt yên lòng những kẻ còn hướng về nhà Trần và đối phó với chiêu bài của nhà Minh mà thôi. Chứ nếu thực bụng, thì dòng dõi đích thực của vua Trần sờ sờ là Nguyên Hãn đấy, sao Bình Định vương không lập?
Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi. Ban đầu vì nhân từ, Lê Lợi không nỡ giết Trần Cảo. Bèn hạ chiếu giáng xuống tước vương, phong luôn cho ở Cổ Lộng. Về sau, bọn tướng sĩ của Lê Lợi nhiều kẻ thấy Trần Cảo xuất thân chỉ là con nhà ăn mày, lại không có công trạng gì đáng kể nên ghanh ghét, ngày đêm gièm pha để Lê Lợi giết đi. Trần Cảo sợ ở lại Cổ Lộng sẽ không toàn được tính mệnh, bèn bí mật trốn ra biển, lên thuyền định chạy vào Nghệ An. Kết quả vẫn không thoát. Nguyệt Cô khi chết được dân lập đền thờ ở ngay làng Duối, đền đến nay vẫn còn. Dân làng Duối suốt mấy trăm năm vẫn có vô số ruộng ở các làng khác, lại vẫn xuống cày cấy ở tận cánh đồng Ngựa què thuộc địa phận làng Bo. Khu đất có ngôi quán trước cổng thành ấy, từ đó tới nay, thời nào cũng có hai cây cổ thụ. Không biết có phải do hai cây gạo ngày trước biến hoá ra hay không? Đội trưởng Cải cách Huỳnh Cự một buổi tối lôi “rễ” ra “vật nhau” dưới hai gốc cây. Đúng lúc khoái cảm đạt tới cao trào, bỗng có một bóng áo trắng ở đâu bay xẹt tới, đậu vắt vẻo trên ngọn cây. Thế rồi tinh khí trong người Huỳnh Cự tuôn ra ào ào, không sao hãm lại được, Cự cảm thấy buốt lạnh dọc sống lưng, đờ người ra như chết rồi. Cũng may “rễ” là một người đàn bà có kinh nghiệm. Thị bình tĩnh giữ cho Huỳnh Cự nằm nguyên trên bụng mình, đoạn rút chiếc kim băng vẫn gài trên mái tóc ra, đâm một nhát vào xương cổng đít Huỳnh Cự. Phép ấy gọi là “cứu dương” (cứu dê), có tác dụng làm tinh khí ngừng lại, không tuôn ra nữa. Huỳnh Cự nảy cong người lên rồi tỉnh. Thật hú vía. Suýt nữa mất toi một ông Đội. Tai nạn ấy ở đất này vốn là chuyện thường tình, không tha người nào từ cho vua chúa cho đến thứ dân, gọi là “thượng mã phong”.
Huỳnh Cự thoát chết song hai đầu gối như muốn long ra, run rẩy bước thấp bước cao lần về làng Hạ. Vừa tới đầu làng, Cự bỗng vấp phải một vật cứng như đá làm y ngã úp mặt xuống đất, hộc cả máu mồm máu mũi, lại gãy mấy cái răng cửa. Cự nổi giận gọi mấy tay bần nông đốt đuốc moi đất lên, thì ra là hai cái tai chó bằng đá. Lại đào mãi, đào mãi. Cả con chó đá lộ hẳn ra, mấy đạo bùa vẫn còn y nguyên, trên đó viết chữ loằng ngoằng không biết là chữ gì. Huỳnh Cự nghi có phản động yểm bùa hại chính quyền cách mạng. Bèn sai đốt bỏ bùa, đập tan con chó đá, đồng thời báo cáo lên Đoàn uỷ để xin chỉ thị. Đoàn uỷ cũng nhận thấy sự việc nghiêm trọng, lập tức ra lệnh điều tra. Huỳnh Cự cùng Bối và Đình, hai thành viên trong Đội hăng hái truy tìm tông tích, lập hồ sơ... Thế là “lòi” ra vua Trần Cảo và Nguyệt Cô, một “đầu sỏ phong kiến”, một “đầu sỏ địa chủ” có đất đai hàng nghìn mẫu. Huỳnh Cự mừng lắm. Phen này Đội của Cự lập thành tích to. Cự một mặt báo cáo xin chỉ đạo của Đoàn uỷ, một mặt vận động các “rễ”, “chuỗi” chuẩn bị đấu tố, lại lập sẵn pháp trường để xử bắn Trần Cảo và Nguyệt Cô ngay tại chỗ. Đoàn uỷ nhanh chóng chuẩn y cùng lúc hai án tử hình, các “rễ”, “chuỗi” đã sẵn sàng đâu đấy. Hôm mít tinh đấu tố, tổ tự vệ của Duyên theo lệnh Cự lùng sục mãi vẫn không tìm thấy Trần Cảo và Nguyệt Cô đâu. Mãi sau mới biết cả hai đều đã chết. Thật may cho hai vị. Riêng ông Đội Huỳnh Cự thì cứ tiếc rẻ mãi...
Thế mới gọi là:
“Trăm năm trong cõi người ngô.
Việc đời sáng, tối có ngờ được chăng?
Trải qua một cuộc vẻ vang...”.
Viết tại di tích Cổ Lộng tháng 3 năm Đinh Hợi (2007)
© 2007 talawas